Số 35.2011 (544) ngày 30/08/2011

 

SỐ 35 (544) - THÁNG 8/2011

* LuatVietnam - website cung cấp dịch vụ tra cứu Văn bản pháp luật tiếng Việt và tiếng Anh, hoạt động từ tháng 10/2000 - nơi hỗ trợ Quý khách hàng tìm văn bản và các thông tin liên quan ĐẦY ĐỦ - CHÍNH XÁC - NHANH NHẤT!
* Thông tin chi tiết về dịch vụ của LuatVietnam, xin Quý khách vui lòng tham khảo tại địa chỉ: www.luatvietnam.vn

#

KÝ HIỆU

VĂN BẢN

 

Trong s này:

CHÍNH PHỦ

 

1

74/2011/NĐ-CP

Nghị định 74/2011/NĐ-CP của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản

 

* Phí bảo vệ môi trường đối với dầu thô lên đến 100.000 đồng/tấn

Trang 2

2

73/2011/NĐ-CP

Nghị định 73/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

 

* Phạt tới 100 triệu đồng vi phạm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Trang 2

3

88/NQ-CP

Nghị quyết 88/NQ-CP của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông

 

* Các giải pháp trọng tâm đảm bảo trật tự an toàn giao thông

Trang 2

4

1474/CT-TTg

Chỉ thị 1474/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để chấn chỉnh việc cấp Giấy chứng nhận…

 

* Thủ tướng chỉ đạo xử lý dứt điểm vi phạm về đất đai còn tồn đọng

Trang 3

5

72/2011/NĐ-CP

Nghị định 72/2011/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2005/NĐ-CP ngày 26/08/2005 của Chính phủ…

 

* Bổ sung thêm tổ chức được thành lập nhà xuất bản

Trang 3

6

71/2011/NĐ-CP

Nghị định 71/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em

 

* Quy định chi tiết 11 hành vi vi phạm quyền trẻ em

Trang 4

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

 

 

 

7

19/2011/TT-NHNN

Thông tư 19/2011/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc phát hành trái phiếu quốc tế…

 

* Trái phiếu quốc tế có thể được chuyển đổi thành cổ phiếu

Trang 4

8

18/2011/TT-NHNN

Thông tư 18/2011/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc vay trung, dài hạn nước ngoài…

 

* Quản lý khoản vay trung, dài hạn nước ngoài của ngân hàng thương mại nhà nước

Trang 5

BỘ CÔNG THƯƠNG

 

 

 

9

31/2011/TT-BCT

Thông tư 31/2011/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định điều chỉnh giá bán điện theo thông số đầu vào cơ bản

 

* Hướng dẫn điều chỉnh giá bán điện theo thông số đầu vào cơ bản

Trang 5

LIÊN BỘ

 

 

 

10

122/2011/TTLT-BTC-BTP

Thông tư liên tịch 122/2011/TTLT-BTC-BTP của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí…

 

* Quy định mới về kinh phí cho công tác hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật

Trang 6

 

Nếu chưa sử dụng dịch vụ thuê bao của LuatVietnam, để nhận được văn bản yêu cầu, Quý khách cần soạn tin theo cấu trúc:
VB
  Sốvănbản gửi 6689

VD: Muốn xem nội dung Nghị định số 71/2010/NĐ-CP, soạn tin: VB 71/2010/ND-CP gửi 6689.

Hiện chúng tôi đã có Danh sách văn bản mới tháng 07/2011, để nhận được danh sách này qua email, bạn cần soạn tin nhắn theo cấu trúc: VB DS07/2011 Emailnhận gửi đến 6689.

TÓM TẮT VĂN BẢN:

PHÍ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI DẦU THÔ
LÊN ĐẾN 100.000 ĐỒNG/TẤN

Ngày 25/08/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 74/2011/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.

Theo đó, mức thu phí bảo vệ môi trường đối với dầu thô là 100.000 đồng/tấn; đối với khí thiên nhiên, khí than là 50 đồng/m3; riêng khí thiên nhiên thu được trong quá trình khai thác dầu thô (khí đồng hành) là 35 đồng/m3.

Trong việc khai thác các loại khoáng sản là kim loại, mức thu phí bảo vệ môi trường đối với quặng vàng, bạc, thiếc, chì, kẽm, cô ban, mô lip đen, thủy ngân, ma nhê và bạch kim tối thiểu là 180.000 đồng, tối đa là 270.000 đồng/tấn; quặng sắt, đất hiếm, cromit mức thu từ 40.000 đồng đến 60.000 đồng/tấn; đối với quặng nhôm, bô xít và măng gan mức thu từ 30.000 đồng đến 50.000 đồng/tấn…

Mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khoáng sản là than tối thiểu 6.000 đồng và tối đa 10.000 đồng/tấn; đá ốp lát, làm mỹ nghệ từ 50.000 đồng đến 70.000 đồng/m3, đây cũng là mức thu đối với quặng đá quý như: kim cương, rubi, saphia, thạch anh…

 

Căn cứ mức thu phí quy định nêu trên, Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cụ thể mức thu phí bảo vệ môi trường đối với từng kim loại khoáng sản áp dụng tại địa phương cho phù hợp với tình hình thực tế trong từng thời kỳ. Mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản tận thu bằng 60% mức phí của loại khoáng sản tương ứng nêu trên.

Cũng theo Nghị định này, phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, không kể dầu thô và khí thiên nhiên là khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100% để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản. Phí bảo vệ môi trường đối với dầu thô và khí thiên nhiên là khoản thu ngân sách Trung ương hưởng 100% để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2012; thay thế các Nghị định số 63/2008/NĐ-CP ngày 13/05/2008 và số 82/2009/NĐ-CP ngày 12/10/2009.
 

PHẠT TỚI 100 TRIỆU ĐỒNG VI PHẠM VỀ SỬ DỤNG
NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ

Ngày 24/08/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2011/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Mức phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực này được quy định tối đa lên đến 100 triệu đồng.

Trong đó, phạt tiền từ 10 đến 30 triệu đồng đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp không thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật, biện pháp quản lý công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả bắt buộc áp dụng quy định tại Điều 24 Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29/03/2011.

Mức phạt là từ 20 đến 30 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện đúng các quy định về định mức sử dụng năng lượng, quy chuẩn kỹ thuật trong thiết kế, thi công, sử dụng vật liệu xây dựng nhằm tiết kiệm năng lượng do Bộ Xây dựng ban hành.

Trong hoạt động vận tải, hành vi sản xuất thiết bị, phương tiện vận tải không tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật, mức tiêu thụ năng lượng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất thiết bị, phương tiện vận tải bị phạt từ 50 đến 70

 

triệu đồng. Mức phạt sẽ lên đến 100 triệu đồng nếu nhập khẩu thiết bị, phương tiện vận tải không tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật, định mức tiêu thụ năng lượng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với thiết bị, phương tiện vận tải.

Phạt tiền từ 30 đến 50 triệu đồng đối với hành vi cung cấp sai thông tin hiệu suất năng lượng trên nhãn năng lượng so với Giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng của phương tiện, thiết bị được cơ quan có thẩm quyền cấp. Dán nhãn năng lượng cho phương tiện, thiết bị không đúng với Giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng hoặc chưa được cấp Giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng bị phạt từ 50 đến 70 triệu đồng.

Cũng theo Nghị định này, hành vi không thực hiện đầy đủ nội dung của báo cáo kiểm toán theo biểu mẫu quy định bị phạt cảnh cáo; không thực hiện kiểm toán năng lượng theo quy định bị phạt từ 50 đến 70 triệu đồng.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2011; Bộ trưởng Bộ Công Thương chịu trách nhiệm hướng dẫn chi tiết và tổ chức thực hiện Nghị định này.

CÁC GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM ĐẢM BẢO TRẬT TỰ
AN TOÀN GIAO THÔNG

Với chủ trương tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kiềm chế, giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông có hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, ngày 24/08/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 88/NQ-CP về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT).

Tại Nghị quyết, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp nhằm tăng cường đảm bảo trật tự ATGT đối với đường bộ; đường sắt; đường thủy nội địa, hàng không dân dụng và hàng hải. Một trong số những giải pháp đó là việc: Tăng cường phòng chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ sử dụng rượu, bia; Duy trì và tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đội mũ bảo hiểm; Ngăn chặn học sinh, sinh viên chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe điều khiển xe môtô, xe gắn máy; Đẩy mạnh công tác giáo dục ATGT trong trường học; Tăng cường công tác thanh tra, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm…

Để thực hiện tốt những giải pháp trên, Chính phủ yêu cầu Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chủ trì phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin, báo chí tuyên truyền mạnh mẽ và thường xuyên tác hại của lạm

 

dụng rượu, bia đối với sức khỏe và trật tự an toàn xã hội; nguy cơ gây tai nạn do lái xe uống rượu, bia; hậu quả tai nạn giao thông nguyên nhân từ rượu, bia và các quy định của pháp luật về xử phạt đối với người lái xe uống rượu, bia. Đồng loạt mở chiến dịch tuyên truyền mạnh mẽ trong Tháng An toàn giao thông hàng năm và duy trì thường xuyên hoạt động tuyên truyền này.

Bên cạnh đó, Thủ trưởng các cơ quan nhà nước, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên… gương mẫu không uống rượu, bia trước khi lái xe; đồng thời, ban hành quy định của cơ quan, đơn vị về không uống rượu, bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa; xử lý kỷ luật nghiêm người vi phạm, không phân biệt là cán bộ hay nhân viên.

Nghị quyết cũng yêu cầu trong quý VI năm 2001, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành quy định quản lý việc quảng cáo rượu, bia trên các phương tiện quảng cáo, yêu cầu khi quảng cáo rượu, bia phải gắn kèm nội dung cảnh báo tác hại của việc lạm dụng rượu, bia đối với sức khỏe và nguy cơ xảy ra tai nạn nếu điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

THỦ TƯỚNG CHỈ ĐẠO XỬ LÝ DỨT ĐIỂM VI PHẠM
VỀ ĐẤT ĐAI TỒN ĐỌNG

Trong thời gian qua, việc đăng ký, cấp Giấy chứng nhận (GCN) một số loại đất còn chậm, nhất là đất chuyên dùng và đất ở đô thị; lượng GCN đã ký chưa trao cho người được cấp ở một số địa phương còn tồn đọng nhiều; việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai còn chậm, chưa thống nhất, thiếu đồng bộ, hiệu quả sử dụng chưa cao; việc cập nhật, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính chưa được thực hiện đầy đủ, thường xuyên theo quy định.

Nguyên nhân chủ yếu là do thủ tục cấp GCN ở một số địa phương chậm được cải cách, còn phiền hà, phức tạp, vượt quá thời gian quy định; việc đầu tư kinh phí đo đạc và đăng ký, cấp GCN, xây dựng xơ sở dữ liệu đất đai của nhiều địa phương còn ít, địa bàn triển khai dàn trải; tình trạng vi phạm pháp luật đất đai và pháp luật xây dựng còn phổ biến, nhất là các dự án phát triển nhà ở tại các thành phố lớn…

Chính vì vậy, ngày 24/08/2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 1474/CT-TTg về việc thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để chấn chỉnh việc cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liến với đất và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai.

Trong đó, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tập trung chỉ đạo đẩy mạnh việc cấp GCN ở địa phương, nhất là đất ở và đất chuyên dùng; hàng năm các tỉnh, thành phố giao chỉ tiêu kế hoạch cấp GCN cho

 

từng huyện, xã làm cơ sở để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ.

Trước mắt, cần chỉ đạo rà soát, thống kê thoàn bộ hồ sơ đề nghị cấp GCN và hồ sơ đăng ký biến động đất đai đã tiếp nhận chưa giải quyết, số GCN đã ký chưa trao, tập trung lực lượng, phấn đấu giải quyết xong các công việc này trước tháng 12/2011; xử lý dứt điểm tình trạng sử dụng đất có nguồn gốc vi phạm pháp luật đất đai còn tồn đọng.

Các tỉnh cũng cần thành lập, kiện toàn Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất bảo đảm có đủ bộ máy, nhân lực, kinh phí và các điều kiện làm việc cần thiết để thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật đất đai.

Bố trí đủ kinh phí từ ngân sách địa phương, bảo đảm dành tối thiểu 10% tổng số thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để đầu tư cho công tác đo đạc, đăng ký đất đai, cấp GCN, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và đăng ký biến động, chỉnh lý hồ sơ địa chính thường xuyên.

Cũng theo Chỉ thị này, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường trước mắt cần phải tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương huy động các nguồn lực để trong 02 năm 2011 - 2012 xây dựng xong cho mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương một mô hình cơ sở dữ liệu đất đai hoàn chỉnh trên phạm vi cấp huyện làm cơ sở triển khai trên diện rộng trong những năm tới…

BỔ SUNG THÊM TỔ CHỨC ĐƯỢC THÀNH LẬP NHÀ XUẤT BẢN

Ngày 23/08/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 72/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2005/NĐ-CP ngày 26/08/2005 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xuất bản và Nghị định số 105/2007/NĐ-CP ngày 21/06/2007 về hoạt động in các sản phẩm không phải là xuất bản phẩm.

Nghị định quy định thêm tổ chức khác được thành lập nhà xuất bản bên cạnh tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp ở Trung ương trực tiếp sáng tạo và công bố tác phẩm. Cụ thể, đơn vị sự nghiệp công lập ở Trung ương, tổ chức xã hội - nghề nghiệp ở Trung ương trực tiếp sáng tạo và công bố tác phẩm được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép thành lập nhà xuất bản sau khi có ý kiến đồng ý của Thủ tướng Chính phủ.

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm, in gia công xuất bản phẩm cho nước ngoài được quy định cụ thể phải được lập thành 01 bộ, gửi qua bưu điện, dịch vụ chuyển phát hoặc gửi trực tiếp đến cơ quan cấp giấy phép quy

 

quy định; mẫu đơn đề nghị cấp giấy phép được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành.

Bên cạnh đó, trước khi tham gia in sản phẩm báo chí, tem chống giả hoặc in gia công cho nước ngoài các sản phẩm vàng mã, báo chí, sổ tiết kiệm, hộ chiếu, chứng minh thư, văn bằng, chứng chỉ, cơ sở in cũng phải lập 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động in hoặc giấy phép in gia công cho nước ngoài gửi trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện, dịch vụ chuyển phát đến cơ quan quản lý nhà nước theo quy định.

Thời gian giải quyết cấp giấy phép hoạt động in, giấy phép in gia công cho nước ngoài cũng được giảm xuống còn 05 ngày làm việc thay vì 07 ngày làm việc như quy định trước đây; trường hợp Cục Xuất bản không cấp giấy phép thì phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.

Các sửa đổi, bổ sung này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/10/2011.

QUY ĐỊNH CHI TIẾT 11 HÀNH VI VI PHẠM QUYỀN TRẺ EM

Ngày 22/08/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Thông tư quy định cụ thể về 11 hành vi vi phạm quyền trẻ em như: Cha, mẹ bỏ rơi con, người giám hộ bỏ rơi trẻ em được mình giám hộ; dụ dỗ, lừa dối, ép buộc trẻ em mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy; lôi kéo trẻ em đánh bạc; dụ dỗ, lừa dối, dẫn dắt, chứa chấp, ép buộc trẻ em hoạt động mại dâm, xâm hại tình dục trẻ em; hành hạ, ngược đãi, làm nhục, chiếm đoạt, bắt cóc, mua bán, đánh tráo trẻ em; lạm dụng lao động trẻ em…

Về trách nhiệm đảm bảo các quyền cơ bản của trẻ em, Nghị định quy định: Cha, mẹ, người giám hộ có trách nhiệm đi khai sinh cho trẻ em đúng thời hạn quy định. Việc khai sinh cho trẻ em được thực hiện theo quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp để đăng ký khai sinh cho trẻ em đúng quy định tại khu vực có điều kiện đi lại khó khăn, người dân còn bị ảnh hưởng bởi những phong tục, tập quán lạc hậu.

 

Tòa án quyết định hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con là trẻ em nếu cha, mẹ có hành vi vi phạm quyền trẻ em, làm tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em theo tính chất và mức độ vi phạm.

Cũng theo Nghị định này, quỹ bảo trợ trẻ em được thành lập nhằm mục đích vận động sự đóng góp tự nguyện của các cơ quan, tổ chức và cá nhân ở trong nước và nước ngoài, viện trợ quốc tế và hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Quỹ được sử dụng để chi hỗ trợ trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi; trẻ em khuyết tật, tàn tật; là nạn nhân của chất độc hóa học; nhiễm HIV/AIDS; phải làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại; phải đi làm việc xa gia đình; trẻ em lang thang; bị xâm hại tình dục; nghiện ma túy; vi phạm pháp luật…

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/10/2011 và thay thế Nghị định số 36/2005/NĐ-CP ngày 17/03/2005.
 

TRÁI PHIẾU QUỐC TẾ CÓ THỂ ĐƯỢC CHUYỂN ĐỔI THÀNH CỔ PHIẾU

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 19/2011/TT-NHNN ngày 24/08/2011 hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc phát hành trái phiếu quốc tế của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh ra thị trường tài chính quốc tế.

Theo các quy định trong Thông tư này, doanh nghiệp phát hành trái phiếu quốc tế có trách nhiệm mở và sử dụng 01 tài khoản vốn vay và trả nợ nước ngoài tại 01 tổ chức tín dụng được phép để thực hiện khoản vay nước ngoài thông qua phát hành trái phiếu quốc tế. Doanh nghiệp chỉ được rút vốn từ phát hành trái phiếu quốc tế để sử dụng cho các mục đích đã được phê duyệt tại đề án phát hành sau khi được NHNN xác nhận đăng ký.

Khi thực hiện chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, doanh nghiệp có nghĩa vụ phải tuân thủ các quy định hiện hành về trái phiếu chuyển đổi; về tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài, các quy định về báo cáo, công bố thông tin và các quy định liên quan khác; lập bảng tính toán về số tiền phải trả cho các trái chủ sau khi chuyển đổi; cam kết về tính chính xác so với hồ sơ đăng ký khoản phát hành. 

 

Để phục vụ cho việc thanh toán trái phiếu quốc tế, doanh nghiệp được quyền mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép dùng vào việc thanh toán nợ gốc, lãi của trái phiếu và các loại phí liên quan đến khoản phát hành trên cơ sở xuất trình các chứng từ, văn bản chứng minh nhu cầu thanh toán theo quy định của tổ chức tín dụng được phép phù hợp với quy định hiện hành về quản lý ngoại hối.

Cũng theo Thông tư này, đề án phát hành trái phiếu quốc tế của ngân hàng thương mại là doanh nghiệp nhà nước phải được NHNN chấp thuận. Hồ sơ, thủ tục đề nghị NHNN chấp thuận đề án phát hành trái phiếu quốc tế được thực hiện theo hướng dẫn của NHNN về việc vay trung, dài hạn nước ngoài của ngân hàng thương mại là doanh nghiệp nhà nước.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2011; các khoản phát hành trái phiếu quốc tế của doanh nghiệp đã được NHNN xác nhận đăng ký trước khi Thông tư này có hiệu lực được tiếp tục thực hiện theo các văn bản xác nhận đăng ký của NHNN.

QUẢN LÝ KHOẢN VAY TRUNG, DÀI HẠN NƯỚC NGOÀI CỦA
NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI NHÀ NƯỚC

Ngày 23/08/2011, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 18/2011/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc vay trung, dài hạn nước ngoài của các ngân hàng thương mại là doanh nghiệp nhà nước (sau đây gọi là ngân hàng thương mại nhà nước).

Các ngân hàng thương mại nhà nước chỉ được ký thỏa thuận vay nước ngoài sau khi có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của NHNN; có nghĩa vụ sử dụng vốn vay đúng mục đích và hiệu quả, hoàn trả nợ gốc và lãi theo đúng cam kết trong thỏa thuận vay nước ngoài, tự chịu mọi rủi ro và chịu trách nhiệm trước pháp luật trong quá trình thực hiện khoản vay và trả nợ nước ngoài.

Việc rút vốn, trả nợ gốc và lãi của khoản vay nước ngoài chỉ được thực hiện sau khi khoản vay nước ngoài được NHNN xác nhận đăng ký. Ngân hàng thương mại nhà nước chỉ được thực hiện việc trả phí liên quan đến khoản vay nước ngoài sau khi có ý kiến chấp thuận của NHNN về việc ký thỏa thuận vay nước ngoài.

Trước khi ký thỏa thuận vay nước ngoài hoặc đề nghị xác nhận hạn mức phát hành trái phiếu quốc tế, ngân hàng thương mại nhà nước gửi trực tiếp hoặc qua

 

đường bưu điện đến NHNN (Vụ Quản lý ngoại hối) 01 bộ hồ sơ đề nghị NHNN chấp thuận khoản vay nước ngoài hoặc chấp thuận đề án phát hành trái phiếu quốc tế. Thời hạn giải quyết hồ sơ là trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Cơ sở để NHNN xem xét, chấp thuận khoản vay nước ngoài hoặc đề án phát hành trái phiếu quốc tế dựa trên 04 yếu tố là: Việc tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về các tỷ lệ bảo đảm an toàn của ngân hàng thương mại nhà nước; giá trị khoản vay hoặc khoản phát hành nằm trong tổng hạn mức vay thương mại nước ngoài của quốc gia; nội dung thỏa thuận vay nước ngoài hoặc đề án phát hành trái phiếu quốc tế; các yêu cầu khác theo quy định hiện hành về quản lý ngoại hối, vay, trả nợ nước ngoài và các quy định khác có liên quan.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/10/2011; các khoản vay trung, dài hạn nước ngoài của ngân hàng thương mại nhà nước đã được xác nhận đăng ký, đăng ký thay đổi trước khi Thông tư này có hiệu lực, được tiếp tục thực hiện theo văn bản xác nhận đăng ký, đăng ký thay đổi đã được NHNN cấp.
 

HƯỚNG DẪN ĐIỀU CHỈNH GIÁ BÁN ĐIỆN THEO
THÔNG SỐ ĐẦU VÀO CƠ BẢN

Ngày 19/08/2011, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 31/2011/TT-BCT quy định điều chỉnh giá bán điện theo thông số đầu vào cơ bản.

Theo các quy định trong Thông tư này, nguyên tắc xác định các thông số đầu vào cơ bản là giá bán điện được tính toán kiểm tra hàng tháng trên cơ sở biến động của các thông số đầu vào cơ bản so với thông số được sử dụng để xác định giá bán điện hiện hành, bao gồm tỷ giá tính toán, giá nhiên liệu tính toán, cơ cấu sản lượng điện phát của các tháng đã qua.

Trước ngày 20 hàng tháng, căn cứ trên các thông số đầu vào cơ bản thực tế được xác định, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm kiểm tra, tính toán chênh lệch giá bán điện bình quân do biến động các thông số đầu vào cơ bản.

Trường hợp chênh lệch giá bán điện bình quân do biến động các thông số đầu vào cơ bản ở mức 5%, EVN báo cáo Bộ Công Thương chấp thuận phương án điều chỉnh giá điện. Nếu Bộ Công Thương không có ý kiến, sau 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ tính toán điều chỉnh giá điện, EVN được điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành.

Đối với việc điều chỉnh giá bán điện bình quân tăng trên 5%, EVN báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính phương án giá điện để thẩm định. Trong thời hạn

 

10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ điều chỉnh giá điện, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính tổ chức thẩm định để Bộ Công Thương trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt. Nếu Thủ tướng chưa có ý kiến trả lời, sau 15 ngày làm việc kể từ ngày Bộ Công Thương trình phương án điều chỉnh giá điện, EVN được điều chỉnh giá bán điện bình quân ở mức 5%.

Đối với trường hợp chênh lệch giá bán điện bình quân do biến động các thông số đầu vào cơ bản nhỏ hơn 5% so với giá bán điện hiện hành, EVN sẽ tính toán phân bổ vào giá bán điện bình quân chi phí sản xuất kinh doanh điện chưa được tính hết vào giá bán điện để điều chỉnh giá bán điện bình quân tăng tối đa 5% và thực hiện điều chỉnh giá bán điện theo quy định.

Sau khi điều chỉnh giá bán điện bình quân, EVN có trách nhiệm xác định biểu giá bán điện chi tiết cho các nhóm khách hàng căn cứ vào giá bán điện bình quân điều chỉnh và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện theo quy định hiện hành.

Cũng theo Thông tư này, Quỹ bình ổn giá điện chỉ được trích lập khi chênh lệch giá bán điện bình quân do biến động các thông số đầu vào cơ bản nhỏ hơn 0 và chi phí sản xuất kinh doanh điện chưa được tính hết vào giá bán điện đã được phân bổ hết.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/09/2011.

QUY ĐỊNH MỚI VỀ KINH PHÍ CHO CÔNG TÁC HỆ THỐNG HÓA
VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

Ngày 17/08/2011, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư liên tịch số 122/2011/TTLT-BTC-BTP quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.

Thông tư quy định rõ nội dung chi, mức chi bảo đảm công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý và công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.

Theo đó, các cơ quan, tổ chức pháp chế có chức năng, nhiệm vụ giúp cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra văn bản do cơ quan, tổ chức khác ban hành, quy định tại Điều 13 và Điều 14 Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12/04/2010 của Chính phủ gồm: Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thuộc Bộ Tư pháp; Tổ chức pháp chế Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Sở Tư pháp, tổ chức pháp chế các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Các cơ quan, tổ chức được giao thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu, kế hoạch.

 

Việc sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản phải đúng mục đích, đúng nội dung, đúng chế độ, định mức chi theo quy định hiện hành về các chế độ chi tiêu tài chính và các quy định cụ thể. Trong đó, kinh phí phục vụ hoạt động tự kiểm tra văn bản theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 40/2010/NĐ-CP được sử dụng từ nguồn kinh phí chi phí hoạt động thường xuyên của cơ quan thực hiện việc tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức thuộc cấp nào do ngân sách nhà nước cấp đó bảo đảm và được tổng hợp vào dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan, đơn vị. Đối với các khoản chi có tính chất đặc thù trong kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện theo quy định tại Phụ lục của Thông tư liên tịch.

Thông tư liên tịch  có hiệu lực từ ngày 15/10/2011 và thay thế Thông tư liên tịch số 158/2007/TTLT-BTC-BTP ngày 28/12/2007 của Bộ Tài chính, Tư pháp. Riêng năm 2011 các cơ quan, tổ chức chủ động sắp xếp trong dự toán 2011 đã được cấp có thẩm quyền giao để thực hiện.
 

 

  • Chi tiết của bản tin này được đăng tải đầy đủ trên website LuatVietnam www.luatvietnam.vn    
  • Quý khách sẽ nhận được nội dung toàn văn các văn bản trong bản tin và nhiều văn bản khác khi tham gia dịch vụ Tra cứu văn bản mới của LuatVietnam, hoặc sử dụng dịch vụ LuatVietnam-SMS gửi tin nhắn đến 6689.
  • Mọi yêu cầu cung cấp văn bản, xin liên hệ với [email protected]
  • Quý khách có thể tham khảo mọi thông tin về dịch vụ LuatVietnam tại địa chỉ: www.luatvietnam.vn

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Mọi chi tiết xin liên hệ:

TRUNG TÂM LUẬT VIỆT NAM - CÔNG TY CP TRUYỀN THÔNG QUỐC TẾ INCOM
Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà TechnoSoft, phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Tel: 04.37833688 - Fax: 04.37833699
Tại TP.HCM:
Tòa nhà Hà Phan, số 456 Phan Xích Long, P.2, Q.Phú Nhuận, Tp. HCM - Tel: 08. 39950724
Email: [email protected]

 

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html. Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi huỷ bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.