Bảo hiểm tiền gửi (SMS: 201067) - Ngày 24/8/2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2005/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/1999/NĐ-CP về bảo hiểm tiền gửi. Theo đó, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi bao gồm cả gốc và lãi của một người gửi tiền (một cá nhân hoặc người đại diện hợp pháp luật) tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tối đa là 50 triệu đồng (quy định trước đây là 30 triệu đồng)... Tổ chức bảo hiểm tiền gửi chỉ xem xét, quyết định việc hỗ trợ tài chính cho tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác định rằng việc giải thể, phá sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng, sâu rộng đến sự an toàn của hệ thống tài chính, ngân hàng và sự ổn định chính trị, kinh tế - xã hội. Việc thực hiện hỗ trợ tài chính được coi là việc tổ chức bảo hiểm tiền gửi áp dụng biện pháp đặc biệt về tài sản để phục hồi hoạt động kinh doanh của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Khoản hỗ trợ tài chính này sẽ được ưu tiên hoàn trả trước tất cả các khoản nợ khác của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi... Sau thời gian 10 ngày kể từ ngày tổ chức bảo hiểm tiền gửi có thông báo đầu tiên về việc chi trả tiền bảo hiểm, những khoản tiền bảo hiểm không có người nhận sẽ được bổ sung vào nguồn vốn hoạt động của tổ chức bảo hiểm tiền gửi và người có quyền sở hữu khoản tiền gửi được bảo hiểm sẽ không còn quyền đòi tổ chức bảo hiểm tiền gửi chi trả số tiền bảo hiểm đó... Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Bảo vệ an toàn lưới điện (SMS: 201063) - Ngày 17/8/2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 106/2005/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp. Theo đó, điều kiện để nhà ở, công trình được tồn tại trong hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp đến 220 kV như sau: mái lợp và tường bao phải làm bằng vật liệu không cháy; Mái lợp, khung nhà và tường bao bằng kim loại phải nối đất; Không gây cản trở đường ra vào để kiểm tra, bảo dưỡng, thay thế các bộ phận công trình lưới điện cao áp... Lúa, hoa màu và cây trồng chỉ được trồng cách mép móng cột điện, móng néo ít nhất là 0,5m... Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Hướng dẫn thi hành Luật Điện lực (SMS; 201062) - Ngày 17/8/2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 105/2005/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực. Theo đó, bên bán điện phải đảm bảo chất lượng điện năng cung cấp cho bên mua điện theo các tiêu chuẩn: về điện áp: trong điều kiện bình thường, độ lệch điện áp cho phép 5% so với điện áp danh định của lưới điện và được xác định tại vị trí đặt thiết bị đo đếm điện hoặc tại vị trí khác do hai bên thoả thuận. Đối với lưới điện chưa ổn định sau sự cố, độ lệch điện áp cho phép từ +5% đến -10%; Về tấn số: trong điều kiện bình thường, độ lệch tần số hệ thống điện cho phép trong phạm vi 0,2Hz so với tần số danh định 50Hz. Trường hợp sự cố, độ lệch tấn số cho phép là 0,5Hz. Bên mua điện sử dụng điện vào nhiều mục đích có giá điện khác nhau được lắp đặt công tơ điện riêng cho từng mục đích sử dụng. Trường hợp chưa lắp đặt công tơ điện riêng, hai bên phải thoả thuận cách tính tỷ lệ điện năng theo từng loại giá... Trường hợp công tơ điện chạy nhanh hơn so với tiêu chuẩn quy định, nếu xác định được thời gian chạy nhanh, bên bán điện phải hoàn trả lại tiền điện năng thực tế đã thu vượt của bên mua điện; nếu không xác định được thời gian chạy nhanh, bên bán điện phải hoàn trả lại tiền điện đã thu vượt trội theo thời hạn tính toán là bốn chu kỳ ghi chỉ số công tơ điện, kể cả kỳ đang sử dụng điện nhưng chưa đến ngày ghi chỉ số... Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|
Khoán biên chế và kinh phí hoạt động (SMS: 201072) - Ngày 24/8/2005, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 67/2005/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Quyết định số 169/2005/QĐ-TTg về việc thực hiện khoán biên chế và kinh phí hoạt động đối với Kho bạc Nhà nước giai đoạn 2005 - 2007. Trong phạm vi số biên chế được giao khoán, KBNN được chủ động tổ chức, sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, quản lý và sử dụng công chức theo quy định của Pháp lệnh cán bộ công chức, các văn bản hướng dẫn hiện hành... Nguồn kinh phí khoán của KBNN, bao gồm: Ngân sách Nhà nước cấp là 210 tỷ đồng/năm; Nguồn kinh phí thu được từ hoạt động nghiệp vụ của KBNN theo qui định... Trên cơ sở biên chế và mức kinh phí được giao khoán, KBNN được chi mức tiền lương bình quân toàn hệ thống KBNN là 1,8 lần so với chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước qui định... Tổng Giám đốc KBNN quyết định mức chi tiền lương, thu nhập cho các KBNN trực thuộc và chỉ đạo, hướng dẫn việc chi trả tiền lương, thu nhập cho cán bộ, công chức hệ thống KBNN theo kết quả, chất lượng hoàn thành công việc của từng cán bộ, công chức bảo đảm công bằng, hợp lý... Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Kinh phí di dời trụ sở, cơ sở sản xuất (SMS: 201071) - Ngày 18/8/2005, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 66/2005/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Quyết định số 74/2005/QĐ-TTg về việc sử dụng tiền chuyển quyền sử dụng đất, tiền bán nhà xưởng và các công trình khác khi tổ chức kinh tế phải di dời trụ sở, cơ sở sản xuất kinh doanh theo quy hoạch. Theo đó, tổ chức kinh tế đang thuê đất và trả tiền thuê đất cho Nhà nước, nhưng đất đang sử dụng có nguồn gốc là đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất mà tiền sử dụng đất đã nộp không thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc đất đang sử dụng có nguồn gốc hợp pháp (đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không phải nộp tiền sử dụng đất) khi bị thu hồi đất được bồi thường, hỗ trợ về đất... Tổ chức kinh tế đang sử dụng đất được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất mà tiền đó không thuộc nguồn vốn của Ngân sách nhà nước hoặc đất đang sử dụng có nguồn gốc hợp pháp của hộ gia đình, cá nhân (khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không phải nộp tiền sử dụng đất) thì tổ chức kinh tế tự quyết định việc chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, bán nhà xưởng và công trình xây dựng khác theo quy định của pháp luật... Công ty nhà nước khi di dời đến địa điểm mới phải thực hiện bán đấu giá nhà xưởng, công trình xây dựng khác, đấu giá quyền sử dụng đất đối với cơ sở đang sử dụng phải di dời; việc xác định giá khởi điểm nhà xưởng, công trình xây dựng khác, giá khởi điểm quyền sử dụng đất được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản, đấu giá quyền sử dụng đất. Người có thẩm quyền phê duyệt kết quả bán đấu giá là người có thẩm quyền quyết định bán nhà xưởng, công trình xây dựng khác, chuyển nhượng quyền sử dụng đất... Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.
Xử lý nợ rủi ro (SMS: 201070) - Ngày 16/8/2005, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 65/2005/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Quy chế xử lý nợ bị rủi ro của Ngân hàng chính sách xã hội ban hành kèm theo quyết định số 69/2005/QĐ-TTg. Theo đó, đối với khách hàng vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội có tài sản bảo đảm theo qui định gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, Ngân hàng Chính sách xã hội được quyền chủ động xử lý tài sản bảo đảm theo thoả thuận với khách hàng và theo qui định của pháp luật để thu hồi vốn. Số tiền thu được từ việc xử lý tài sản bảo đảm dùng để bù đắp chi phí xử lý tài sản bảo đảm; hoàn trả nợ gốc, nợ lãi cho Ngân hàng; nếu thừa thì trả lại cho khách hàng, nếu thiếu thì phần thiếu được xử lý rủi ro theo qui định... Trường hợp khách hàng có số nợ lãi tại Ngân hàng thấp hơn hoặc bằng số tiền tương đương với số lãi tiền vay tính trên toàn bộ thời gian cho vay trong hạn (không kể thời gian gia hạn nợ) thì được miễn toàn bộ số nợ lãi còn nợ Ngân hàng Chính sách xã hội; Trường hợp khách hàng có số nợ lãi tại Ngân hàng lớn hơn số tiền tương đương với số lãi tiền vay tính trên toàn bộ thời gian cho vay trong hạn (không kể thời gian gia hạn nợ) thì chỉ được miễn số nợ lãi tương đương với số lãi tiền vay tính trên toàn bộ thời gian cho vay trong hạn... Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|
Giá trị khấu hao lũy kế trong tính toán nhập khẩu (SMS: 201068) - Ngày 16/8/2005, Bộ Thương mại đã ban hành Thông tư số 16/2005/TT-BTM bổ sung Thông tư số 22/2000/TT-BTM hướng dẫn thực hiện Nghị đinh số 24/2000/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam về tính giá trị khấu hao lũy kế trong tính toán nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển tạo tài sản cố định của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Theo đó, trường hợp nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển để mở rộng công suất sản xuất: doanh nghiệp được dùng vốn khấu hao luỹ kế để tính toán nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển mở rộng công suất sau khi đã được cơ quan cấp phép đầu tư xác nhận đã đăng ký mở rộng sản xuất... Trường hợp nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển để thay thế hoặc đổi mới công nghệ: doanh nghiệp được dùng vốn khấu hao luỹ kế để nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển mới thay thế máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển cũ... Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|
Ký quỹ, bảo lãnh hạn ngạch (SMS: 201073) - Ngày 09/8/2005, Bộ Thương mại đã ban hành Thông tư số 15/2005/TTLT-BTM-BCN hướng dẫn thực hiện ký quỹ/bảo lãnh thực hiện hạn ngach dệt may xuất khẩu. Theo đó, đối với hạn ngạch có thời hạn hiệu lực từ 45 ngày trở lên, trong vòng 10 ngày kể từ ngày nộp tiền ký quỹ và/hoặc thư bảo lãnh ngân hàng hoặc kể từ ngày được cấp hạn ngạch theo ký quỹ và/hoặc bảo lãnh ngân hàng thương nhân không có khả năng xuất khẩu, thực hiện hạn ngạch được giao như đã cam kết và có công văn trả lại hạn ngạch cho Bộ Thương mại sẽ được hoàn trả toàn bộ tiền gốc đã ký quỹ và/hoặc giải toả thư bảo lãnh ngân hàng... Thương nhân có số lượng hạn ngạch thực hiện từ 95% hạn ngạch cấp theo phương thức ký quỹ và/hoặc bảo lãnh ngân hàng trở lên trong thời gian hiệu lực của thông báo giao hạn ngạch được coi là hoàn thành việc sử dụng hạn ngạch và được hoàn trả lại toàn bộ tiền gốc đã ký quỹ và/ hoặc giải toả thư bảo lãnh Ngân hàng... Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo, nhưng sẽ hết hiệu lực nếu Thủ tướng Chính phủ không cho phép thực hiện, kể cả đã đăng Công báo.
|