Số 31.2005 (234) ngày 12/08/2005

 CHÍNH PHỦ


Phát triển du lịch
(SMS: 201023 - Không gửi qua fax)
-  Ngày 04/8/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 194/2005/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phương hướng và giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch khu vực miền Trung - Tây nguyên.
Mục tiêu của Đề án là: trên cơ sở tiềm năng và lợi thế về du lịch biển, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái, gắn phát triển du lịch với việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, đưa du lịch trở thành một trong những lĩnh vực quan trong, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, thực hiện chủ trương xoá đói, giảm nghèo, giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. Phấn đấu đến năm 2010 trở đi, du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế chủ lực...
Mục tiêu cụ thể: đến năm 2010 có thể đón khoảng 2,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 10 triệu lượt khách du lịch nội địa; Thu nhập từ hoạt động du lịch tăng gấp 6,2 lần so với năm 2000; Mức tăng thu nhập từ hoạt động du lịch đạt bình quân thời kỳ 2006 - 2010 từ 20 - 22%/năm; Việc làm tạo ra tăng 5 - 6 lần so với năm 2000...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Thẩm định giá
(SMS: 18487 - Không gửi qua fax) - Theo Nghị định số 101/2005/NĐ-CP ban hành ngày 03/8/2005 của Chính phủ, điều kiện thành lập doanhnghiệp thẩm định giá như sau: có từ 03 thẩm định viên về giá trở lên. Đối với công ty hợp danh thì tất cả thành viên hợp danh phải là thẩm định viên về giá. Đối với các doanh nghiệp khác thì là người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp tư nhân là chủ doanh nghiệp...
Doanh nghiệp thẩm định giá phải mua bảo hiểm trách nhiệm cho hoạt động thẩm định giá hoặc trích lập quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp. Chi phí mua bảo hiểm hoặc trích lập quỹ dự phòng rủi ro được tính vào chi phí kinh doanh...
Doanh nghiệp thẩm định giá phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước khách hàng về kết quả thẩm định giá của mình. Trường hợp kết quả thẩm định giá không đúng, gây thiệt hại thì phải bồi thường...
Cấm các doanh nghiệp thẩm định giá thông đồng với đơn vị được thẩm định giá, dùng lợi ích vật chất, gây sức ép, mua chuộc đối với đơn vị được thẩm định giá nhằm làm sai lệch kết quả thẩm định giá; Gợi ý hoặc nhận các lợi ích dưới bất kỳ hình thức nào ngoài giá dịch vụ thẩm định giá...
Tại một thời điểm nhất định, thẩm định viên về giá chỉ được đăng ký hành nghề ở một doanh nghiệp thẩm định giá. Thẻ thậm định viên về giá không được cho thuê, cho mượn...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Các biện pháp bình ổn giá
(SMS: 18486)
- Ngày 03/8/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 28/2005/CT-TTg về việc thực hiện các biện pháp bình ổn giá trong những tháng cuối năm 2005.
Thủ tướng chỉ thị: Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp cần thiết, đồng thời tập trung chỉ đạo quyết liệt việc rà soát, đánh giá tình hình thực tế đầu tư, sản xuất ở tất cả các khâu, các cấp, các ngành dể có biện pháp cụ thể, phù hợp, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm giữ vững cân đối vĩ mô của nền kinh tế; Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Thương mại và các bộ quản lý ngành tổ chức kiểm tra để có biện pháp cụ thể giảm chi phí sản xuất một số sản phẩm là đầu vào của sản xuất như: Điện, than, phân bón, sắt thép, xi măng, để giá thành và giá bán của các sản phẩm này ở mức hợp lý, không ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống; Đồng thời rà soát để loại bỏ ngay các loại phí, lệ phí, giá cước không đúng với quy định hoặc bất hợp lý để giảm chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp; tăng cường các biện pháp thu và chống thất thu ngân sách, quản lý ngân sách; Thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí; Có biện pháp ngăn chặn các hành vi tăng giá tuỳ tiện làm thiệt hại lợi ích của người tiêu dùng; Tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu, điều hoà cung cầu, bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu đối với sản xuất và đời sống của nhân dân; ổn định giá cước, giá dịch vụ vận tải, góp phần ổn định thị trường...
 

 BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNGBINH VÀ XÃ HỘI


Điều chỉnh lương hưu và trợ cấp xã hội
(SMS: 201024 - Không gửi qua fax)
- Ngày 09/8/2005, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 21/2005/TT-BLĐTBXH hướng dẫn bổ sung Thông tư số 11/2005/TT-BLĐTBXH về việc điều chỉnh lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội, có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Theo đó, đối với quân nhân chuyển ngành; công an nhân dân chuyển sang công tác tại các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể ngoài lực lượng vũ trang; người làm công tác cơ yếu chuyển ngành, thuộc diện được lấy mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 5 năm cuối trước khi chuyển ngành để làm cơ sở tính lương hưu, trợ cấp 1 lần khi nghỉ hưu...

Đối với người thuộc diện được lấy mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 5 năm liền kề cao nhất làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để làm cơ sở tính lương hưu thì lấy  mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để làm cơ sở tính lương hưu, trợ cấp 1 lần khi nghỉ hưu...

Đối với người có thời gian đi làm chuyên gia ở nước ngoài thuộc diện được nâng bậc lương khi nghỉ hưu thì mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội trong 5 năm cuối cùng để làm cơ sở tính lương hưu...
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Giải quyết vướng mắc về thuế
(SMS: 201016 - Không gửi qua fax)
- Ngày 09/8/2005, Bộ Tài chính đã ban ra Công văn số 9958/BTC-TCT về việc hướng dẫn thực hiện Thông tư số 133/2004/TT-BTC.
Theo đó, thủ tục áp dụng Hiệp định đối với các hãng vận tải quốc tế như sau: các trường hợp đã được miễn, giảm trong năm trước đó có thể được kê khai tạm nộp theo thuế suất miễn, giảm và quyết toán theo thực tế phát sinh vào cuối năm với điều kiện hãng tàu hoặc đại lý phải cam đoan nộp đủ số thuế phải nộp, nếu số thuế đã tạm nộp thấp hơn số thuế phải nộp. Tuy nhiên, việc tạm nộp theo chế độ miễn, giảm này phải chấm dứt ngay vào tháng tiếp theo tháng các điều kiện miễn, giảm không còn áp dụng...

Đối tượng thực hưởng các quy định miễn, giảm đối với thu nhập từ vận tải quốc tế phải là các doanh nghiệp kinh doanh vận tải quốc tế có điều hành tàu vào cảng Việt Nam để vận chuyển hàng hoá hoặc hành khách...
 

 BỘ XÂY DỰNG


Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng
(SMS: 201014 - Không gửi qua fax) - Ngày 05/8/2005, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 13/2005/TT-BXD hướng dẫn thực hiện Nghị định số 95/2005/NĐ-CP về việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng.
Theo đó, đối với nhà ở, công trình xây dựng được tạo lập từ trước ngày 10/8/2005 phải có bản sao một trong những giấy tờ sau đây: Giấy phép xây dựng nhà ở, công trình; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất; Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; Giấy tờ về sở hữu nhà ở, công trình xây dựng do cơ quan có thẩm quyền cấp qua các thời kỳ...
Kể từ ngày
10/8/2005, phải có bản sao giấy tờ theo quy định sau: Nhà ở, công trình được tạo lập thông qua việc xây dựng mới thì phải có giấy phép xây dựng. Trường hợp không phải xin phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng thì phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyết định giao đất hoặc quyết định cho thuê đất hoặc hợp đồng thuê đất; Trường hợp mua nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng để bán thì doanh nghiệp phải làm các thủ tục để cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cho bên mua...
Trong trường hợp nhà ở có phần xây dựng trên đất của chủ khác hoặc nhà ở riêng lẻ có chung tường, khung cột với nhà ở, công trình xây dựng của chủ khác thì bản vẽ sơ đồ phải có xác nhận của các chủ đó. Nếu các chủ sử dụng đất, chủ sở hữu nhà đó không chịu xác nhận thì UBND phường nơi có nhà ở có trách nhiệm kiểm tra và xác nhận vào bản vẽ làm cơ sở để cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cho người đề nghị cấp giấy...

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/8/2005.
 

 BỘ BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG - BỘ VĂN HOÁ-THÔNG TIN - BỘ CÔNG AN - BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ


Quản lý dịch vụ internet công cộng
(SMS: 18489 - Không gửi qua fax) - Theo Thông tư liên tịch số 02/2005/TTLT-BCVT-VHTT-CA-KHĐT ban hành ngày 14/7/2005 của Bộ Bưu chính, Viễn thông, Bộ Văn hoá-Thông tin, Bộ Công An và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, truy cập Internet công cộng phải xuất trình chứng minh nhân dân, những khách hàng đến sử dụng dịch vụ internet công cộng phải là những người có độ tuổi từ 14 trở lên. Tất cả khách hàng đến truy cập internet công cộng phải xuất trình chứng minh nhân dân hoặc các giấy tờ có liên quan để đại lý Internet kiểm tra và lưu các thông tin về khách hàng...
Thông tư này cũng quy định, chủ cửa hàng dịch vụ Internet công cộng phải là người có trình độ tin học bằng A hoặc thuê người có trình độ tin học bằng A quản lý. Trong vòng 6 tháng kể từ khi cung cấp dịch vụ, người chủ cửa hàng dịch vụ Internet công cộng phải trải qua một lớp đào tạo về Internet do công ty cung cấp dịch vụ Internet hướng dẫn. Thời gian cung cấp dịch vụ đối với các đại lý Internet công cộng bị giới hạn từ 6h - 24h và đại lý buộc phải cài đặt các phần mềm ngăn chặn các trang web có nội dung không lành mạnh. Đại lý Internet công cộng còn phải lập sổ theo dõi khách hàng để các cơ quan kiểm tra theo dõi việc thực hiện các quy định...
Bên cạnh đó, Thông tư đã cụ thể hóa hơn các điều kiện đăng ký kinh doanh cho các đại lý như kinh doanh mặt bằng, quy định diện tích tối thiểu đặt máy tính, đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy, các vấn đề an toàn, an ninh vệ sinh...

Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 TỔNG CỤC THUẾ


Hoàn thuế GTGT
(SMS: 201015)
- Theo Công văn số 2675/TCT-DNNN ra ngày 09/8/2005 về việc vướng mắc trong hoàn thuế giá trị gia tăng, Tổng cục Thuế hướng dẫn: trường hợp doanh nghiệp thường xuyên có hồ sơ đề nghị hoàn thuế theo từng lô hàng xuất khẩu trong năm, doanh nghiệp thực hiện tốt chế độ kế toán, hoá đơn chứng từ, luôn chấp hành tốt chính sách thuế, đã hoàn thuế nhiều lần và qua kiểm tra hoàn thuế không phát hiện doanh nghiệp có hành vi vi phạm gian lận. Nếu việc kiểm tra trước khi hoàn thuế của Cục Thuế kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của đơn vị thì tuỳ từng trường hợp cụ thể, Cục Thuế có thể xem xét để doanh nghiệp được áp dụng theo hình thức hoàn thuế trước, kiểm tra sau. Đồng thời Cục Thuế áp dụng kiểm tra định kỳ theo quý, 6 tháng hoặc khi quyết toán thuế hàng năm. Riêng đối với sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản thô, Cục Thuế cần liên hệ với cơ quan chủ quản của đơn vị để kiểm tra việc xuất  khẩu đúng chế độ quy định không; đồng thời yêu cầu doanh nghiệp lập cam kết chịu trách nhiệm về việc xuất khẩu của mình...

Thuế TNCN của đơn vị sự nghiệp có thu
(SMS: 201020)
- Theo Công văn số 2494/TCT-TNCN ra ngày 27/7/2005, Tổng cụ Thuế hướng dẫn: việc cấp chứng từ thuế cho cá nhân được phân biệt như sau: cơ quan chi trả thu nhập cấp Biên lai thuế thu nhập cho cá nhân khi cá nhân có số thuế được khấu trừ theo biểu thuế luỹ tiến từng phần nhưng không còn làm việc hoặc làm việc một số tháng trong năm tại cơ quan chi trả thu nhập (trừ trường hợp cá nhân yêu cầu); Cơ quan chi trả thu nhập cấp ngay cho cá nhân chứng từ khấu trừ thuế 10% sau khi khấu trừ thuế TNCN của cá nhân. Vừa qua một số cơ quan chi trả thu nhập đã thực hiện khấu trừ thuế TNCN 10% và nộp tiền thuế vào tài khoản tạm thu nhưng chưa cấp chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cho cá nhân mà cấp phiếu thu là sai quy định...
Đối với cơ quan chi trả thu nhập hàng tháng có số thuế thu nhập phải nộp (theo biểu thuế luỹ tiến từng phần) dưới 5 triệu đồng thì được nộp thuế TNCN vào Ngân sách Nhà nước theo quý, nhưng số thuế khấu trừ phải thực hiện hàng tháng...