Số 30.2005 (233) ngày 05/08/2005

 CHÍNH PHỦ


Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin
(SMS: 200289 - Không gửi qua fax)
- Ngày 29/7/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 191/2005/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hội nhập và phát triển giai đoạn 2005 - 2010".
Mục tiêu của Đề án nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ xây dựng cơ sở dữ liệu về thông tin kinh tế, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế; góp phần đào tạo nguồn nhân lực và phát triển thị trường công nghệ thông tin.
Tiến trình thực hiện Đề án cụ thể là: từ nay đến cuối năm 2006, chỉ đạo xây dựng các dự án chi tiết theo các nhiệm vụ cụ thể của Đề án này, thẩm định và phê duyệt theo quy định; phối hợp triển khai điều tra khảo sát, tư vấn đào tạo với các Bộ, ngành và một số thành phố lớn; xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở dữ liệu thông tin và đào tạo cán bộ cho Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp từ xa...
Từ năm 2007 đến cuối năm 2008, mở rộng quy mô hoạt động của Đề án, bảo đảm đến hết năm 2008 có trên 70% địa phương phối hợp triển khai Đề án này; mở rộng và nâng cao chất lượng các hoạt động tư vấn đào tạo về ứng dụng CNTT cho doanh nghiệp; đưa Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp từ xa đi vào hoạt động...
Còn từ năm 2009 đến hết năm 2010, triển khai thực hiện Đề án ở tất cả các địa phương trên cả nước, nâng cao chất lượng của Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp từ xa; phấn đấu đạt chỉ tiêu 50% doanh nghiệp có ứng dụng CNTT vào sản xuất; tổng kết việc thực hiện đề án vào cuối năm 2010...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra
(SMS: 200991 - Không gửi qua fax)
- Ngày 28/7/2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2005/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân.
Theo đó, Ban Thanh tra nhân dân được thành lập ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước để giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, góp phần phát huy dân chủ, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức...
Thành viên Ban Thanh tra nhân dân phải là người trung thực, công tâm, có uy tín, có hiểu biết nhất định về chính sách, pháp luật, tự nguyện tham gia Ban Thanh tra nhân dân. Thành viên Ban Thanh tra nhân dân phải là người làm việc thường xuyên tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước và không phải là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đó; tại xã, phường, thị trấn thì không phải là người đương nhiệm trong HĐND, UBND, Trưởng thôn, Phó thông, Tổ trưởng, Tổ phó Tổ dân phố hoặc tương đương...
Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn có từ 5 đến 11 thành viên, căn cứ vào địa bàn, số lượng dân cư, do Hội nghị cử tri hoặc Hội nghị cử tri đại diện bầu. Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước có từ 3 đến 9 thành viên, căn cứ vào số lượng cán bộ, công chức, viên chức và do Đại hội công nhân viên chức hoặc Đại hội đại biểu công nhân viên chức bầu ra...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Ứng dụng công nghệ sinh học
(SMS: 200980)
- Ngày 22/7/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 188/2005/QĐ-TTg về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Chương trình nhằm mục tiêu đến năm 2010: tạo ra, tiếp nhận và làm chủ được các công nghệ sinh học chủ yếu; triển khai ứng dụng mạnh mẽ, rộng khắp và có hiệu quả các công nghệ này vào lĩnh vực nông nghiệp, thuỷ sản, y tế, công nghiệp chế biến, bảo vệ môi trường và na ninh, quốc phòng; Tạo ra các sản phẩm mới bằng công nghệ sinh học, như: giống cây trồng, vật nuôi, chủng vi sinh vật, sản phẩm chế biến công nghiệp... có năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và hiệu quả kinh tế cao; Hình thành và phát triển các doanhnghiệp công nghiệp sinh học vừa và nhỏ nhằm sản xuất, kinh doanh và dịch vụ các sản phẩm công nghệ sinh học phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu...
Đến năm 2020: Cung cấp đủ nguồn nhân lực khoa học và côngnghệ có trình độ cao và chất lượng tốt, đủ năng lực sáng tạo và làm chủ các công nghệ trong lĩnh vực sinh học phục vụ đắc lực cho việc phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường; Xây dựng được một số trung tâm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tiên tiến và hiện đại về công nghệ sinh học đạt tiêu chuẩn quốc tế; Hình thành và phát triển ngành công nghiệp sinh học có đủ năng lực sản xuất các sản phẩm chủ lực, thiết yếu của nền kinh tế quốc dân...


Kiểm soát ma tuý
(SMS: 200981 - Không gửi qua fax)
- Ngày 22/7/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 187/2005/QĐ-TTg về việc phê duyệt "Đề án tổng thể kiểm soát ma tuý qua biên giới đến năm 2010", có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Mục tiêu của đề án phấn đấu đến năm 2010, cơ bản ngăn chặn được các hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép ma tuý qua biên giới, góp phần làm giảm tội phạm và tệ nạn ma tuý trong nước.
Các nhiệm vụ cụ thể cấn được thực hiện: tăng cường năng lực và sự phối hợp của các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma tuý để phát hiện, xử lý triệt để các hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý qua biên giới, triệt phá các tụ điểm tàng trữ, chứa chấp ma tuý ở các địa bàn biên giới, cửa khẩu và trên biển; Đề cao trách nhiệm trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống ma tuý, làm sạch địa bàn biên giới, không để tái trồng cây thuốc phiện, các loại cây có chứa chất ma tuý, khắc phục, hạn chế những sơ hở, thiếu sót trong quản lý địa bàn, không để bọn tội phạm ma tuý lợi dụng hoạt động; Nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế với các nước láng giềng, đặc biệt là các nước có chung đường biên giới nhằm phối hợp chặt chẽ giữa trong và ngoài nước để ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển trái phép ma tuý từ bên ngoài xâm nhập vào nội địa và ngược lại...


Giải quyết việc làm cho người cai nghiện ma tuý
(SMS: 200982 - Không gửi qua fax)
- Ngày 22/7/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 186/2005/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án "Tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý" tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo đó, thời gian áp dụng biện pháp quản lý, giáo dục, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện từ 01 đến 02 năm, trường hợp cần thiết có thể kéo dài nhưng không quá 03 năm. Thời gian học viên tự ý bỏ cơ sở dạy nghề và giải quyết việc làm không được tính vào thời gian thực hiện Đề án. Nếu người sau cai nghiện có nguyện vọng định cư và làm việc ổn định lâu dài tại cơ sở dạy nghề và giải quyết việc làm hoặc làng nghề thì được xem xét, giải quyết...
Bố trí việc làm cho người tự nguyện ở lại cơ sở dạy nghề và gải quyết việc làm: người sau cai nghiện được tuyển vào làm việc theo hình thức hợp đồng lao động làm nhân viên chuyên môn, nghiệp vụ. Người được tuyển chọn phải là người có nhân thân tốt, thực sự tiến bộ về nhân cách, có đủ sức khoẻ, trình độ chuyên môn phù hợp với tiêu chuẩn, chức danh, công việc được giao,. Dự kiến giải quyết việc làm cho từ 50 đến 100 người...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Kiên cố hoá trường, lớp học
(SMS: 200990)
- Theo Chỉ thị số 27/2005/CT-TTg ra ngày 22/7/2005 về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình kiên cố hoá trường, lớp học, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị: bằng nhiều giải pháp đồng bộ, đồng thời với việc huy động các nguồn vốn khác, tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện, bảo đảm đầu tư đúng mục đích, đúng đối tượng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thành đúng kế hoạch của Chương trình...
Các địa phương bảo đảm hiệu quả đầu tư, nâng cao chất lượng xây dựng công trình, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tiến độ và chất lượng xây dựng; ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực, gây thất thoát, lãng phí; kịp thời hướng dẫn và xử lý tháo gỡ những khoá khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện...

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Ban chỉ đạo Chương trình có kế hoạch cụ thể, kịp thời hướng dẫn, đôn đốc, đánh giá tiến độ xây dựng của từng địa phương; tăng cường kiểm tra và có các giải pháp ngăn ngừa việc đầu tư không đúng mục đích, đối tượng và các hiện tượng tiêu cực...
 

 BỘ Y TẾ - BỘ TÀI CHÍNH


Đấu thầu cung ứng thuốc
(SMS: 200994 - Không gửi qua fax)
- Ngày 27/7/2005, Bộ Y tế và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 20/2005/TTLT-BYT-BTC hướng dẫn thực hiện đấu thầu cung ứng thuốc trong các cơ sở y tế công lập.
Theo đó, các cơ sở y tế công lập mua thuốc, hoá chất, dịch truyền, vật tư tiêu hao phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh và phòng bệnh với tổng kinh phí trong năm từ 200 triệu đồng trở lên đối với cơ sở y tế công lập Trung ương; từ 100 triệu đồng trở lên đối với cơ sở y tế công lập tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; từ 50 triệu đồng trở lên đối với cơ sở y tế công lập tuyến quận, huyện, thị xã đều phải tổ chức đấu thầu...
Các cơ sở được giao tổ chức đấu thầu mua thuốc căn cứ vào giá bán lẻ phố biến của các loại thuốc trên thị trường và tham khảo thông báo giá của Cục quản lý Dược Việt Nam - Bộ Y tế, khung giá bán lẻ một số loại thuốc thiết yếu do Nhà nước qui định để xây dựng giá gói thầu trong kế hoạch đấu thầu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Mức giá của các mặt hàng thuốc trong gói thầu xây dựng không được cao hơn giá bán lẻ phổ biến của mặt hàng thuốc đó trên thị trường cùng thời điểm...
Trường hợp trong năm, phát sinh nhu cầu mua bổ sung về số lượng một số mặt hàng thuốc không nằm trong danh mục kế hoạch đấu thầu với số lượng nhỏ, tổng giá trị thấp (dưới 10 triệu đồng), Thủ trưởng các cơ sở y tế công lập có thể lựa chọn các hình thức mua sắm như: chào hàng cạnh tranh, chỉ định thầu trên cơ sở áp dụng kết quả đấu thầu (thời gian dưới 1 năm) các mặt hàng thuốc của cơ sở y tế công lập khác trong cùng địa phương, bảo đảmđơn giá mua thuốc không vượt quá đơn giá thuốc đã trúng thầu và chịu trách nhiệm về quyết định của mình...

Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Phí sát hạch giấy phép lái xe
(SMS: 200993)
- Ngày 26/7/2005, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 59/2005/TT-BTC quy định mức phí sát hạch để cấp giấy phép lái xe đối với xe cơ giới đường bộ.
Theo đó, đối với giấy phép lái xe các hạng A1, A2, A3 và A4 phần lý thuyết sẽ là 30.000 đồng và phần thực hành là  40.000 đồng...
Ngoài ra, mức thu phí sát hạch để lấy giấy phép lái xe các hạng B1, B2, C, D, E, F có mức chung phần lý thuyết là 70.000 đồng và phần thực hành là 280.000 đồng. Các khoản phí được thu này sẽ dùng để chi phí cho việc quản lý, sát hạch cấp Giấy phép lái xe và được áp dụng thống nhất trên cả nước...
Cũng theo thông tư này thì người dự sát hạch lần thứ nhất không đạt yêu cầu với phần lý thuyết hoặc thực hành, sự sát hạch lần thứ 2 của phần nào thì vẫn phải nộp đủ mức phí sát hạch lần đó.

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 TỔNG CỤC HẢI QUAN


Giải quyết vướng mắc C/O
(SMS: 200992)
- Theo Công văn số 2961/TCHQ-GSQL ra ngày 27/7/2005, Tổng cục Hải quan hướng dẫn: thời điểm nộp C/O để hưởng thuế suất ưu đãi là thời điểm đăng ký tờ khai hải quan. Nếu tại thời điểm này, người nhập khẩu chưa có C/O bản chính nộp cho cơ quan Hải quan thì phải có công văn xin nộp chậm, cam kết về xuất xứ hàng hoá và thời hạn sẽ nộp C/O; cơ quan Hải quan vẫn áp dụng thuế suất ưu đãi theo khai báo và cam kết của người nhập khẩu. Thời hạn tối đa được phép nộp chậm C/O đối với mức thuế suất ưu đãi là 60 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan. Nếu quá thời hạn này mà không xuất trình được C/O hợp lệ thì cơ quan Hải quan sẽ tính lại thuế và xử phạt theo quy định hiện hành...