Số 20.2009 (427) ngày 29/05/2009

 

 CHÍNH PHỦ


Xuất khẩu gạo sẽ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện (SMS: 533787) - Ngày 26/5/2009, Văn phòng Chính phủ đã ra Thông báo số 170/TB-VPCP, thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp bàn về công tác xuất khẩu gạo. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong những tháng còn lại của năm 2009 cần tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa và tiếp tục điều hành xuất khẩu gạo theo các yêu cầu, mục tiêu của Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006 của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 215/TTg-KTTH ngày 10/02/2009 và các văn bản hướng dẫn liên quan của các Bộ, ngành và Hiệp hội Lương thực Việt Nam.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và Hiệp hội Lương thực Việt Nam nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý 3/2009 việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006 của Chính phủ đối với cơ chế điều hành xuất khẩu gạo theo hướng: Quy định xuất khẩu gạo là ngành nghề kinh doanh có điều kiện; hình thức thể hiện điều kiện kinh doanh và các điều kiện kinh doanh cụ thể (có đăng ký kinh doanh lúa, gạo nội địa, có đầu tư hệ thống kho tàng, chế biến lúa gạo, có tài chính lành mạnh, bảo đảm dự trữ lưu thông theo quy định, không vi phạm nghiêm trọng quy chế điều phối và các nghị quyết điều hành của Hiệp hội lương thực Việt Nam về đăng ký hợp đồng giao hàng, kiểm soát tránh gian lận giá xuất khẩu và thực hiện hợp đồng tập trung…), chế tài xử phạt trong hoạt động kinh doanh lúa gạo…

Tăng cường quản lý thuê bao di động trả trước (SMS: 533753) - Theo Nghị định số 50/2009/NĐ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 25/05/2009, sửa đổi quy định xử phạt vi phạm hành chính về bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, các quy định mới liên quan đến xử phạt đối với vi phạm về quản lý thuê bao di động trả trước đã được bổ sung vào Nghị định số 142/2004/NĐ-CP.
Cụ thể: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000-500.000 đồng đối với hành vi sử dụng thông tin trên giấy chứng minh nhân dân, giấy chứng minh quân đội nhân dân, giấy chứng minh công an nhân dân (gọi chung là CMT) hoặc hộ chiếu của người khác hoặc cung cấp thông tin không chính xác để đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước của mình hoặc không đăng ký thay đổi thông tin khi thay đổi chủ thuê bao di động.
Mức phạt từ 2 triệu - 5 triệu đồng áp dụng đối với các hành vi: Sử dụng thông tin trên CMT hoặc hộ chiếu của người này để đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước (TBDĐTT) hoặc kích hoạt TBDĐTT cho người khác; chấp nhận giấy tờ không phải là CMT hoặc hộ chiếu để đăng ký thông tin TBDĐTT; bán SIM TBDĐTT hoặc thiết bị đầu cuối di động trả trước (loại không dùng SIM) đã được đăng ký thông tin thuê bao của người khác.
Áp dụng mức phạt từ 5 triệu - 8 triệu đồng đối với các  hành vi: Tiếp nhận đăng ký thông tin TBDĐTT khi không được ủy quyền theo quy định; không báo cáo với doanh nghiệp hoặc cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện các vi phạm trong quá trình đăng ký, lưu giữ và sử dụng thông tin TBDĐTT...
Nghị định cũng quy định mức phạt tiền từ 8 triệu - 10 triệu đồng đối với hành vi không xây dựng kế hoạch quản lý và quy trình đăng ký thông tin TBDĐTT; thực hiện ủy quyền tiếp nhận đăng ký thông tin TBDĐTT không đúng quy định.
Đối với hành vi cung cấp dịch vụ cho TBDĐTT hòa mạng mới đối với chủ thuê bao cung cấp đầy đủ thông tin TBDĐTT theo quy định với số lượng từ 100 thuê bao đến dưới 300 thuê bao sẽ bị phạt từ 8-10 triệu đồng; nếu từ 300 đến dưới 500 thuê bao mức phạt sẽ tăng lên 10 - 15 triệu đồng, trên 500 thuê bao bị phạt từ 15 - 20 triệu đồng...
Đối với các nhà khai thác di động, sẽ bị phạt từ 10 - 15 triệu đồng khi chấp nhận thông tin TBDĐTT do chủ điểm giao dịch không được ủy quyền cung cấp; không kiểm tra, giám sát việc thực hiện đăng ký thông tin TBDĐTT của chủ điểm giao dịch theo quy định; không chấm dứt việc cung cấp dịch vụ đối với chủ TBDĐTT cung cấp thông tin không chính xác trong trường hợp doanh nghiệp tự phát hiện.
Xử phạt từ 15 - 20 triệu đồng đối với các nhà cung cấp dịch vụ thông tin di động không triển khai hoặc triển khai cơ sở dữ liệu thông tin TBDĐTT không đảm bảo việc thu thập, cập nhật, lưu giữ thông tin theo quy định; không chấm dứt việc ủy quyền cho chủ điểm giao dịch sử dụng thông tin trên CMT hoặc hộ chiếu của mình hoặc của người khác để khai báo kích hoạt TBDĐTT trái quy định; không chấm dứt việc cung cấp dịch vụ đối với chủ TBDĐTT theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; không kết nối cơ sở dữ liệu thông tin TBDĐTT với cơ sở dữ liệu của các cơ quan quản lý nhà nước theo quy định khi có yêu cầu.
Ngoài hình thức phạt tiền, tổ chức, cá nhân còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật và áp dụng thêm biện pháp khắc phục hậu quả.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày
15/7/2009.

Xử phạt vi phạm về chuyển giao công nghệ (SMS: 533665) - Ngày 21/05/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 49/2009/NĐ-CP, quy định về hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động chuyển giao công nghệ.
Theo đó, vi phạm hành chính trong hoạt động chuyển giao công nghệ là những hành vi cố ý hoặc vô ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước trong hoạt động chuyển giao công nghệ mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.
Mức phạt từ 50 triệu đồng và cao nhất lên tới 70 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng hoạt động chuyển giao công nghệ làm tổn hại lợi ích quốc phòng, an ninh quốc gia. Phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng đối với các hành vi chuyển giao các công nghệ để sản xuất ra các sản phẩm trái đạo đức, không phù hợp với bản sắc, thuần phong mỹ tục của dân tộc; chuyển giao các công nghệ gây hậu quả xấu đến sức khoẻ con người; chuyển giao các công nghệ để sản xuất các sản phẩm mà pháp luật Việt Nam cấm sản xuất. Hành vi vi phạm nghĩa vụ về sử dụng và chuyển giao kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ được tạo ra bằng ngân sách nhà nước có mức phạt từ 500.000 đồng đến 10 triệu đồng…
Ngoài hình thức phạt tiền, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng thêm biện pháp khắc phục hậu quả.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ
31/07/2009.

Hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại (SMS: 533664) - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 80/2009/QĐ-TTg, ngày 21/05/2009, ủy quyền Bộ trưởng Bộ Công Thương, tổng hợp, phê duyệt và tổ chức thực hiện Chương trình Xúc tiến thương mại (XTTM) quốc gia.
Theo đó, đối tượng áp dụng theo quy định mới là các đơn vị chủ trì Chương trình, bao gồm: Các tổ chức XTTM Chính phủ, phi Chính phủ và tổng công ty ngành hàng (trong trường hợp ngành hàng không có hệp hội) có đề án XTTM tham gia Chương trình được xây dựng thẩm định và được hỗ trợ thực hiện; doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được thành lập theo quy định của pháp luật hiện hành và các tổ chức XTTM.
Mức hỗ trợ cho các chương trình được nâng từ 50% (quy định cũ)  lên 100% đối với chi phí đào tạo, tập huấn trong và ngoài nước về XTTM Chính phủ và phi Chính phủ. Ngoài ra, theo quy định mới sẽ hỗ trợ 100% chi phí về: Tuyên truyền, quảng bá và mời khách đến giao dịch tại gian hàng Việt Nam tại hội chợ nước ngoài hoặc với các đoàn giao thương, khảo sát thị trường của Việt Nam tại nước ngoài; thuê và trang trí hội trường, trang thiết bị, phiên dịch, chi phí đi lại tại Việt Nam cho nhà nhập khẩu nước ngoài; vé máy bay khứ hồi, ăn ở theo chế độ tài chính hiện hành và phí thuê gian hàng thông qua hiệp hội ngành hàng.
Cũng theo Quyết định 80/2009/QĐ-TTg, hủy bỏ việc hỗ trợ 100% chi phí cho cán bộ của đơn vị chủ trì Chương trình thực hiện công tác tổ chức, quản lý và hướng dẫn tham gia hội chợ triển lãm hoặc tổ chức đoàn khảo sát thị trường, giao dịch thương mại ở nước ngoài.
Thủ tướng cũng yêu cầu, hàng năm, trên cơ sở kế hoạch kinh phí XTTM do Bộ Tài chính thông báo, Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt Chương trình XTTM quốc gia. Sau khi Chương trình được phê duyệt, căn cứ dự toán và tiến độ thực hiện Chương trình, Bộ Tài chính tạm cấp kinh phí cho các đơn vị chủ trì Chương trình để thực hiện.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 15/07/2009.

 

 BỘ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI


Bổ sung hướng dẫn về giao kết hợp đồng lao động (SMS: 533747) - Ngày 26/05/2009, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 17/2009/TT-BLĐTBXH, sửa đổi bổ sung một số điểm của Thông tư số 21/2003/TT-BLĐTBXH (gọi là Thông tư 21) ngày 22/09/2003 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 09/05/2003 của Chính phủ về hợp đồng lao động.
Cụ thể là sửa đổi khoản 2, mục II, Thông tư 21, trong đó khoản tiền bảo hiểm xã hội mà người sử dụng lao động phải thanh toán theo tỷ lệ phần trăm so với tiền lương trên hợp đồng cho người lao động đang hưởng lương hưu hàng tháng và người làm việc có thời hạn dưới 03 tháng theo hợp đồng lao động đã giao kết được chia theo 4 giai đoạn: Từ thời điểm Thông tư này có hiệu lực đến tháng 12/2009 là 15% (bằng với mức quy định hiện nay); bổ sung mức tỷ lệ % của 3 giai đoạn: từ tháng 01/2010 đến tháng 12/2011 là 16%, từ tháng 01/2012 đến tháng 12/2013 là 17% và từ 01/2014 trở đi là 18%. Bãi bỏ mức khống chế tiền thanh toán tàu xe đi lại khi nghỉ phép theo quy định cũ là 9%, theo hướng dẫn mới tiền tàu xe sẽ do hai bên thỏa thuận trong hợp đồng lao động.
Cách tính và chi trả tiền trợ cấp thôi việc quy định tại khoản 3, mục III, Thông tư 21 cũng được sửa đổi, bổ sung. Theo đó, người lao động làm việc ở nhiều công ty nhà nước do chuyển công tác trước ngày
01/01/1995, thì trợ cấp thôi việc được tính theo thời gian làm việc ở từng công ty nhà nước. Công ty nhà nước cuối cùng có trách nhiệm chi trả toàn bộ số tiền trợ cấp thôi việc cho người lao động, kể cả phần trợ cấp thôi việc thuộc trách nhiệm chi trả của công ty nhà nước mà người lao động đã làm việc trước khi chuyển công tác trước ngày 01/01/1995, sau đó gửi thông báo theo mẫu số 3 ban hành kèm theo Thông tư này để yêu cầu hoàn trả số tiền đã được chi trả hộ. Tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc cho người lao động ở từng doanh nghiệp là tiền lương, tiền công theo hợp đồng lao động được tính bình quân của 6 tháng liền kề trước khi chấm dứt hợp đồng lao động ở công ty nhà nước cuối cùng. Trường hợp công ty nhà nước được chi trả hộ đã chấm dứt hoạt động thì ngân sách nhà nước hoàn trả số tiền trợ cấp thôi việc đã được chi trả hộ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký. Cách tính trợ cấp thôi việc quy định tại Thông tư này được áp dụng từ ngày 01/01/2009 (ngày Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ có hiệu lực thi hành).
 

 NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC


Đảm bảo an toàn, hiệu quả kinh doanh tín dụng (SMS: 533689) - Để đảm bảo an toàn, hiệu quả hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý và bền vững, chủ động ngăn ngừa lạm phát, ngày 22/5/2009, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ký ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN.
Theo đó, yêu cầu các tổ chức tín dụng, các đơn vị tại trụ sở chính Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện một số biện pháp sau: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các biện pháp tại Chỉ thị số 06/2008/CT-NHNN ngày 31/12/2008 về việc thực hiện các giải pháp nhằm góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa, ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội…; tăng cường huy động vốn ở trong và ngoài nước, mở rộng tín dụng có hiệu quả đối với nền kinh tế, xác định cụ thể dòng tiền đi và về để có biện pháp đảm bảo cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn; kiểm soát quy mô, cơ cấu tín dụng ngắn hạn, trung và dài hạn bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ phù hợp với khả năng, kỳ hạn và cơ cấu vốn huy động, duy trì số vốn khả dụng hợp lý để thường xuyên đảm bảo an toàn khả năng thanh toán; thực hiện đúng các quy định của pháp luật về cơ chế điều hành các công cụ chính sách tiền tệ, đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động kinh doanh; ấn định lãi suất huy động vốn bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ phù hợp với tình hình cung - cầu vốn thị trường, quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về cơ chế điều hành lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam, có chênh lệch lãi suất ở mức hợp lý.
Tại Chỉ thị này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng tập trung triển khai có hiệu quả việc thực hiện các cơ chế cho vay hỗ trợ lãi suất theo đúng quy định; kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng đi đôi với mở rộng tín dụng theo hướng tập trung cho các nhu cầu vay vốn để sản xuất - kinh doanh, cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu vực nông thôn và các dự án lớn, trọng điểm của Nhà nước; kiểm soát chặt chẽ cho vay kinh doanh bất động sản, cho vay kinh doanh chứng khoán và cho vay tiêu dùng.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

 

 BỘ CÔNG THƯƠNG


Xử phạt hành vi đầu cơ, tăng giá, đưa tin thất thiệt (SMS: 533728) - Ngày 20/05/2009, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 11/2009/TT-BCT, quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 107/2008/NĐ-CP ngày 22/9/2008 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt, buôn lậu và gian lận thương mại.
Việc xử phạt hành chính đối với các hành vi trên chỉ được áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá tại Nghị định số 75/2008/NĐ-CP ngày 9/6/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Giá.
Trong trường hợp thị trường có biến động bất thường về cung cầu, giá cả hàng hóa, dịch vụ do thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh, chiến tranh hoặc diễn biến bất thường khác, khi được Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá trong phạm vi cả nước, từng khu vực (thì được xử phạt các hành vi vi phạm quy định tại các Điều trên trong cả nước hoặc khu vực được công bố) hoặc được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá trong phạm vi địa phương (thì chỉ xử phạt các hành vi vi phạm quy định tại các Điều trên địa bàn do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh công bố).
Theo quy định mới, việc tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, các loại Giấy phép kinh doanh quy định tại Nghị định số 107 được áp dụng như sau: Tước quyền sử dụng các loại giấy trên có thời hạn là tước quyền sử dụng các loại giấy trên tối đa không quá 12 tháng; xác định thời hạn tước quyền sử dụng các loại giấy trên phải căn cứ vào trị giá hàng hoá vi phạm, tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.
Tước quyền sử dụng các loại giấy trên không thời hạn là tước quyền sử dụng các loại giấy trên với thời gian từ trên 12 tháng trở lên và chỉ áp dụng đối với hành vi vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm hành vi vi phạm hành chính; việc xác định hành vi vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 6 Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008.
Thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề được tính từ thời điểm tạm giữ Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, Giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
Thông tư cũng quy định chi tiết về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi bao gồm: đầu cơ hàng hoá; găm hàng; kê khai giá và đăng ký giá; niêm yết giá hàng hoá, dịch vụ; xuất lậu xăng, dầu qua biên giới; xuất lậu thóc, gạo, lâm sản, khoáng sản qua biên giới; hành vi gian lận về đo lường, đóng gói hàng hoá và chất lượng hàng hoá, dịch vụ và xử phạt đối với hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả.

Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký.

 

 BỘ TÀI CHÍNH


Khung giá nước sạch sinh hoạt (SMS: 533763) - Ngày 20/05/2009, Bộ Tài chính đã ra Thông tư số 100/2009/TT-BTC ban hành khung giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt tại các khu vực đô thị và nông thôn, chia theo 2 loại giá: giá tối thiểu và giá tối đa.
Theo đó, giá nước sạch sinh hoạt tại đô thị đặc biệt, đô thị loại 1 có khung giá cao nhất, tối thiểu là 3.000 đồng/m3, tối đa là 12.000 đồng/m3.
Giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt các hộ dân cư tại đô thị loại 2, loại 3, loại 4, loại 5 tối thiểu là 2.000 đồng/m3, tối đa là 10.000 đồng/m3. Nước sạch sinh hoạt nông thôn tối thiểu là 1.000 đồng/m3, tối đa là 8.000 đồng/m3.
Đối với nước sạch sinh hoạt tại khu công nghiệp, khu công nghiệp nằm trong loại đô thị nào thì áp dụng khung giá nước sạch sinh hoạt tại đô thị đó.
Mức giá trên đã bao gồm thuế giá trị gia tăng.
Căn cứ vào nguyên tắc, phương pháp xác định giá tiêu thụ nước sạch theo hướng dẫn của liên Bộ Tài chính - Xây dựng - Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và khung giá này, UBND các tỉnh, thành phố quyết định mức giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt cụ thể tại địa phương.
Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký.

Chế độ tài chính Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (SMS: 533709) - Ngày 20/05/2009, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 96/2009/TT-BTC, hướng dẫn chế độ tài chính đối với quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Nội dung Thông tư đề cập đến các quy định liên quan đến nguồn kinh phí đóng bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm đóng của đơn vị sử dụng lao động; hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp; quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Đối tượng áp dụng Thông tư này là các đơn vị sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp và các cơ quan chức năng có liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp.
Theo hướng dẫn tại Thông tư này, đơn vị sử dụng lao động là cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp được Ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động thường xuyên, sẽ được Ngân sách nhà nước bảo đảm nguồn kinh phí đóng bảo hiểm thất nghiệp theo mức quy định và bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của đơn vị theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành.
Đối với đơn vị sử dụng lao động là đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên; đơn vị sự nghiệp ngoài công lập; doanh nghiệp; hợp tác xã; liên hiệp hợp tác xã; hộ kinh doanh cá thể; tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng và trả công cho người lao động; cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có sử dụng lao động là người Việt Nam, phải tự bảo đảm nguồn kinh phí đóng bảo hiểm thất nghiệp theo mức quy định. Khoản kinh phí đóng bảo hiểm thất nghiệp của đơn vị được hạch toán vào chi phí dịch vụ, sản xuất, kinh doanh trong kỳ.

Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành. Các quy định tại Thông tư này được áp dụng từ năm ngân sách 2009.