Số 18.2009 (425) ngày 15/05/2009

 CHÍNH PHỦ


Phụ cấp cho nhân viên y tế thôn, bản (SMS: 533350) - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg, ngày 11/05/2009, quy định chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, ấp, bản, buôn, làng, sóc (gọi chung là thôn, bản).
Theo đó, từ ngày
01/07/2009, mức phụ cấp hàng tháng của các đối tượng nêu trên bằng 0,5 và 0,3 so với mức lương tối thiểu chung. 
Cụ thể, mức 0,5 áp dụng đối với nhân viên y tế thôn, bản tại các xã vùng khó khăn. Tại các xã còn lại sẽ áp dụng mức 0,3.
Quyết định nêu rõ, mỗi thôn, bản được bố trí từ 1 đến 2 nhân viên y tế, căn cứ vào quy mô dân số và địa bàn hoạt động.
Nguồn kinh phí chi trả phụ cấp tại các xã vùng khó khăn do Ngân sách trung ương thực hiện. Tại các xã còn lại sẽ do ngân sách địa phương chi trả. Đối với những địa phương khó khăn, chưa cân đối được nguồn, ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ kinh phí với bình quân mỗi thôn, bản 1 nhân viên y tế.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày
01/07/2009.

Phiên họp Chính phủ tháng 4/2009 (SMS: 533347) - Ngày 11/05/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 20/NQ-CP về nội dung phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2009.
Theo đó, trong phiên họp thường kỳ này Chính phủ đã tiến hành một số nội dung như: Thảo luận báo cáo về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 16/2007/NQ-CP ngày 27/02/2007 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của WTO; báo cáo đánh giá tác động sau 02 năm Việt Nam gia nhập WTO; Nghe và thảo luận các Đề án về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020; dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2009 - 2015 và phương hướng đến năm 2020; đẩy mạnh đào tạo cán bộ, công chức xã đến năm 2020 phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn; nghe báo cáo về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết Quốc hội về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường…
Để thực hiện được các mục tiêu và chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2009 đề ra, Chính phủ yêu cầu một số nội dung chính: Các bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện quyết liệt các chủ trương và cơ chế, chính sách đã ban hành; khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các chủ trương và cơ chế, chính sách đã có; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện để kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, đầu tư và thực hiện các cơ chế, chính sách bảo đảm an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo...; Các bộ, ngành liên quanh và các địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai nhanh các chương trình, đề án, dự án, các cơ chế, chính sách về an sinh xã hội đã có, trong đó đặc biệt quan tâm chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững 61 huyện nghèo; xây dựng nhà ở cho sinh viên, cho công nhân ở các khu công nghiệp tập trung, cho người có thu nhập thấp ở thành thị và người nghèo ở nông thôn; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện, kịp thời xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc…Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ:  Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông… 

Đưa thuốc lá lậu vào danh mục hàng cấm kinh doanh (SMS: 533282) - Ngày 07/05/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2009/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh của Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12/06/2006 hướng dẫn thi hành Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện.
Theo đó, bổ sung thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác nhập lậu vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh.
Trước đó, ngày 19/03/2009, Bộ Công Thương đã có tờ trình Chính phủ số 2313 về việc sửa đổi danh mục hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh của Nghị định 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 hướng dẫn thi hành Luật Thương mại về hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, nội dung chủ yếu của tờ trình là chuyển mặt hàng thuốc lá lậu từ nhóm hàng hạn chế kinh doanh hiện nay vào danh mục hàng hoá cấm kinh doanh.

Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày
08/07/2009.

Tiêu chí đánh giá, phân loại đô thị (SMS: 533279) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 42/2009/NĐ-CP, ngày 07/05/2009, quy định về việc phân loại đô thị.
Theo quy định tại Nghị định này, đô thị được phân thành 6 loại, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định công nhận, gồm: Loại đặc biệt, loại I, loại II, loại III, loại IV và loại V.
Các tiêu chuẩn cơ bản để phân loại đô thị được xem xét, đánh giá trên cơ sở hiện trạng phát triển đô thị tại năm trước liền kề năm lập đề án phân loại đô thị hoặc tại thời điểm lập đề án phân loại đô thị, gồm: Chức năng đô thị; quy mô dân số toàn đô thị tối thiểu phải đạt 4.000 người trở lên; mật độ dân số phù hợp với quy mô, tính chất và đặc điểm của từng loại đô thị và được tính trong phạm vi nội thành, nội thị và khu phố xây dựng tập trung của thị trấn; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp được tính trong phạm vi ranh giới nội thành, nội thị, khu vực xây dựng tập trung phải đạt tối thiểu 65% so với tổng số lao động.
Đô thị loại đặc biệt là Thủ đô hoặc đô thị có chức năng trung tâm kinh tế, tài chính, hành chính, khoa học- kỹ thuật... là đầu mối giao thông, giao lưu trong cả nước và quốc tế. Quy mô dân số toàn đô thị tối thiểu 5 triệu người trở lên; mật độ dân số nội thành đạt 15.000 người/km2; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp tối thiểu đạt 90% so với tổng số lao động và có các hệ thống công trình hạ tầng cơ sở đô thị đạt chuẩn; 100% các cơ sở sản xuất mới xây dựng phải áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường.
Đô thị loại I trực thuộc Trung ương có chức năng là trung tâm kinh tế, văn hóa... có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của một vùng lãnh thổ liên tỉnh hoặc của cả nước. Nếu là đô thị trực thuộc Trung ương thì quy mô dân số toàn đô thị đạt 1 triệu người trở lên; mật độ dân số nội thành đạt 12.000 người/km2. Nếu là đô thị trực thuộc tỉnh đạt 500.000 người trở lên và có mật độ dân số nội thành tối thiểu 10.000 người/km2...
Đối với đô thị loại V, đây là trung tâm tổng hợp hoặc chuyên ngành về kinh tế, hành chính, văn hóa, giáo dục có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện hoặc cụm xã. Quy mô dân số toàn đô thị loại V từ 4.000 người trở lên với mật độ dân số bình quân từ 2000 người/km2. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp tại các khu phố xây dựng tối thiểu đạt 65% so với tổng lao động...
Đối với các đô thị ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thì quy mô dân số và mật độ dân số có thể thấp hơn, nhưng tối thiểu phải đạt 50% tiêu chuẩn quy định, các tiêu chuẩn khác phải bảo đảm tối thiểu 70% mức tiêu chuẩn quy định so với các loại đô thị tương đương.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
02/07/2009.

Chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp (SMS: 533281) - Ngày 07/05/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp.
Theo đó, chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp được quy định như sau:
Đối với việc giám định tư pháp trong lĩnh vực: pháp y về độc chất, tổ chức học, sinh học, giám định trên hồ sơ; pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự; tài chính - kế toán; văn hóa, xây dựng; môi trường; nông, lâm, ngư nghiệp và các lĩnh vực khác thì áp dụng chế độ bồi dưỡng theo ngày làm giám định, với các mức từ 60.000 đến 250.000 đồng/người/ngày.
Giám định trên người sống và trên tử thi trong lĩnh vực pháp y thì áp dụng chế độ bồi dưỡng theo vụ việc với các mức: Giám định trên người sống: Mức bồi dưỡng từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng/lần giám định/nội dung yêu cầu giám định/trường hợp/người giám định tư pháp đối với khám chuyên khoa sâu ở các chuyên khoa, khám tổng quát.
Giám định không mổ tử thi (không được bảo đảm theo đúng quy chuẩn): từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng/trường hợp/người giám định tư pháp. Đối với giám định mổ tử thi (không được bảo đảm theo đúng quy chuẩn): từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng/trường hợp/người giám định tư pháp, áp dụng đối với người chết trong vòng từ 48 giờ đến quá 7 ngày và phải khai quật.
Trong trường hợp tử thi được bảo quản theo đúng quy chuẩn thì người giám định tư pháp được hưởng 75% mức bồi dưỡng giám định tương ứng.
Trong trường hợp giám định không mổ tử thi, mổ tử thi mà tử thi nhiễm HIV/AIDS hoặc nhiễm bệnh đặc biệt nguy hiểm nhóm A hoặc phải giám định trong môi trường có chất nguy hiểm như phóng xạ... thì áp dụng mức bồi dưỡng cao nhất của giám định không mổ tử thi (500.000 đồng/trường hợp) và mức cao nhất của giám định mổ tử thi (3.000.000 đồng/trường hợp).
Quyết định cũng quy định chế độ đối với người giúp việc cho người giám định tư pháp, người được cơ quan có thẩm quyền giao trách nhiệm có mặt trong thời gian giám định...

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2009.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Bổ sung Danh mục hàng hóa được giảm thuế VAT (SMS: 533389) - Ngày 12/05/2009, Bộ Tài chính đã ra Thông tư số 91/2009/TT-BTC ban hành Danh mục bổ sung một số mặt hàng được giảm 50% mức thuế suất thuế GTGT theo Quyết định số 16/2009/QĐ-TTg ngày 21/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
Đây là danh mục bổ sung cho Danh mục một số mặt hàng được giảm 50% mức thuế suất thuế GTGT được ban hành kèm theo Thông tư số 18/2009/TT-BTC ngày 30/01/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện giảm 50% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng theo Danh mục hàng hoá của Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.
Đáng chú ý trong danh mục bổ sung mặt hàng được giảm 50% thuế suất lần này là một số mặt hàng như: Các loại thùng chứa ga nén hoặc ga lỏng bằng sắt hoặc thép có dung tích từ 30 lít đến dưới 110 lít; Các loại bể chứa nước, két, bình chứa và các loại tương tự dùng để chứa các loại vật liệu (trừ ga nén hoặc ga lỏng), có dung tích trên 300 lít, bằng nhôm, đã hoặc chưa lót hoặc cách nhiệt nhưng chưa lắp ghép với thiết bị cơ khí hoặc thiết bị nhiệt; Nồi hơi tạo ra hơi nước hoặc tạo ra hơi khác (trừ các nồi hơi đun nóng nước trung tâm có khả năng sản xuất ra hơi với áp suất thấp); nồi hơi nước quá nhiệt hoạt động bằng điện hoặc không bằng điện; Máy làm đông lạnh kiểu tủ dung tích trên 200 lít nhưng không quá 800 lít; Máy làm đông lạnh kiểu đứng dung tích trên 200 lít nhưng không quá 900 lít; Máy vắt sữa và máy chế biến sữa; Máy kết hợp hai hoặc ba chức năng in, copy hoặc fax, có khả năng kết nối với máy xử lý dữ liệu tự động hoặc kết nối mạng; Thiết bị hội nghị truyền hình qua interne; Chíp nhớ; Khung gầm đã lắp động cơ dùng cho máy kéo nông nghiệp…
Cũng tại Thông tư này còn có quy định mới, phế liệu, phế phẩm thu hồi được khi bán ra cũng được áp dụng mức thuế suất thuế GTGT của mặt hàng đó. Như vậy, những mặt hàng thuộc đối tượng giảm 50% mức thuế suất thuế GTGT theo hướng dẫn tại Điều 1 Quyết định 16/2009/QĐ-TTg ngày 21/1/2009 của Thủ tướng Chính phủ thì phế liệu, phế phẩm được thu hồi để tái chế, sử dụng lại khi bán ra cũng thuộc đối tượng giảm 50% mức thuế suất thuế GTGT.
Việc điều chỉnh hóa đơn đối với các lô hàng được bán ra từ 01/02/2009 mà cơ sở kinh doanh bán hàng chưa ghi giảm 50% thuế suất thuế giá trị gia tăng được thực hiện như sau:
Trường hợp bên mua yêu cầu bên bán điều chỉnh lại hoá đơn để được giảm 50% mức thuế suất thuế GTGT, bên bán và bên mua phải lập biên bản hoặc có thoả thuận bằng văn bản ghi rõ số lượng, quy cách hàng hoá theo hoá đơn bán hàng (số ký hiệu, ngày, tháng của hoá đơn, thời gian), lý do điều chỉnh giảm mức thuế suất là thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư này, đồng thời bên bán lập hoá đơn điều chỉnh theo mức thuế suất được giảm 50%. Căn cứ vào hoá đơn điều chỉnh, bên bán và bên mua kê khai điều chỉnh thuế đầu ra, đầu vào.
Trường hợp bên mua không yêu cầu điều chỉnh lại hoá đơn để được giảm 50% mức thuế suất thuế GTGT, bên bán hàng phải kê khai, nộp thuế tính theo thuế suất 10% ghi trên hoá đơn; bên mua hàng được kê khai, khấu trừ thuế GTGT của hàng hoá mua vào tính theo thuế suất 10% đã ghi trên hoá đơn theo quy định.
Trường hợp không xác định được người mua, cơ sở kinh doanh bán hàng không được lập hoá đơn điều chỉnh giảm 50% mức thuế suất thuế GTGT và phải kê khai, nộp thuế theo thuế suất 10% ghi trên hoá đơn bán hàng.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2009 đến hết ngày 31/12/2009.
Lưu ý:
(Do dung lượng văn bản lớn, phiền Quý khách vui lòng vào trang LuậtViệtnam www.luatvietnam.vn để tải văn bản.)
 

 BỘ CÔNG THƯƠNG


Quá cảnh hàng hóa của Campuchia (SMS: 533368) - Theo Thông tư số 08/2009/TT-BCT, ngày 11/05/2009, của Bộ Công Thương quy định về quá cảnh hàng hóa của Vương quốc Campuchia qua lãnh thổ Việt Nam, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép quá cảnh hàng hóa được nộp tại Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực TP.HCM - Bộ Công Thương hoặc Vụ Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, tùy chủng loại mặt hàng. Việc quá cảnh hàng hóa được thực hiện qua 8 cặp cửa khẩu.
Thời hạn giải quyết hồ sơ là 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Việc gia hạn thời gian quá cảnh hàng hóa do cơ quan Hải quan nơi làm thủ tục quá cảnh hàng hóa chấp thuận theo quy định của pháp luật. Hàng hóa quá cảnh được phép lưu lại trên lãnh thổ Việt Nam trong thời gian tối đa 30 ngày, kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập khẩu, trừ trường hợp được gia hạn thời gian quá cảnh theo quy định tại Thông tư.
Thủ tục xin giấy phép quá cảnh hàng hóa cụ thể như sau:
Đối với hàng hóa quy định tại khoản 2 Điều 4 của Hiệp định quá cảnh hàng hóa giữa Việt
Nam và Campuchia thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với hàng hóa quy định tại khoản 3 Điều 4 của Hiệp định (trừ gỗ xẻ), chủ hàng gửi hồ sơ đề nghị cấp giấy phép quá cảnh hàng hóa đến Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực TP.HCM - Bộ Công Thương. Hồ sơ gồm: Đơn đề nghị cho phép quá cảnh hàng hóa (theo mẫu quy định tại Phụ lục 1A ban hành kèm theo Thông tư này); Văn bản đề nghị cho phép quá cảnh hàng hóa của Bộ trưởng Bộ Thương mại Vương quốc Campuchia (bản chính);
Đối với gỗ xẻ, chủ hàng gửi hồ sơ đề nghị cấp phép quá cảnh hàng hóa đến Vụ Xuất Nhập khẩu - Bộ Công Thương tại Hà Nội. Hồ sơ gồm: Đơn đề nghị cho phép quá cảnh gỗ xẻ (theo mẫu quy định tại Phụ lục 1B ban hành kèm theo Thông tư này); Văn bản đề nghị cho phép quá cảnh hàng hóa của Bộ trưởng Bộ Thương mại Vương quốc Campuchia (bản chính).
Các loại hàng hóa khác không thuộc trường hợp quy định tại Điều 1 Thông tư này, khi quá cảnh theo đường bộ, đường thủy hoặc đường sắt, chủ hàng hoặc người chuyên chở chỉ cần làm thủ tục quá cảnh tại Hải quan cửa khẩu mà không phải xin giấy phép quá cảnh hàng hóa tại Bộ Công Thương hoặc Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực TP.HCM - Bộ Công Thương.

Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày, kể từ ngày ký ban hành.

 

 LIÊN BỘ CÔNG AN - BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG


Thành lập liên ngành phòng, chống in lậu (SMS: 533371) - Ngày 12/05/2009, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an đã ban hành Thông tư liên tịch số 16/2009/TTLT-BTTTT-BCA về phối hợp phòng, chống in lậu.
Theo đó, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Cục Xuất bản, Cục Bảo vệ An ninh Nội bộ và Văn hóa - Tư tưởng, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội tổ chức lực lượng liên ngành thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất và xử lý các vi phạm pháp luật trong hoạt động in trên phạm vi toàn quốc. Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu sẽ đặt bộ phận thường trực tại Bộ TTTT.
Tại các địa phương, Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Công an cấp tỉnh (Phòng Bảo vệ an ninh nội bộ và Văn hóa - Tư tưởng, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội) tổ chức lực lượng liên ngành để thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động in tại địa phương.
Các trường hợp in lậu sẽ được thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động in phải chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật trong hoạt động in như: Chỉ được phép hoạt động khi có đủ các giấy tờ hợp pháp: giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về in, giấy phép hoạt động ngành in (đối với cơ sở in phải cấp phép), văn bản xác nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự của cơ quan Công an có thẩm quyền;  Người đến đặt in phải xuất trình giấy tờ hợp pháp: quyết định xuất bản hoặc giấy phép xuất bản đối với các sản phẩm phải có giấy phép xuất bản; văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đối với sản phẩm phải có văn bản thỏa thuận theo quy định của pháp luật; Ký hợp đồng in đúng nội dung ghi trong quyết định xuất bản hoặc giấy phép xuất bản. Đối với sản phẩm in không phải có quyết định xuất bản, giấy phép xuất bản hoặc văn bản thỏa thuận thì hợp đồng in phải thể hiện đầy đủ thông tin về sản phẩm đó kèm theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo ngành hàng; riêng sản phẩm thuộc danh mục bắt buộc đăng ký chất lượng hoặc chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) hoặc giấy cho phép sản xuất của cơ quan có thẩm quyền về khoa học công nghệ, hoá dược, thuốc chữa bệnh và thực phẩm phải kèm theo bản sao có chứng thực giấy tờ đó; Đăng ký đầy đủ các thông tin của sản phẩm in vào sổ quản lý của cơ sở in phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng...

Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày, kể từ ngày ký ban hành.