Số 19.2009 (426) ngày 22/05/2009

 CHÍNH PHỦ


Tổ chức và hoạt động của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (SMS: 533552) - Ngày 18/05/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 79/2009/QĐ-TTg về Quy chế tổ chức và hoạt động của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (gọi tắt là Ủy ban).
Theo Quyết định này, Ủy ban có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ giám sát chung thị trường tài chính quốc gia, giám sát hợp nhất hoạt động của các tập đoàn tài chính; giám sát điều kiện được cấp phép hoạt động của các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm...; đồng thời giúp Thủ tướng Chính phủ điều phối hoạt động giám sát chuyên ngành thông qua việc kiến nghị các cơ quan thực hiện đúng quy trình và cơ chế giám sát, việc áp dụng các thông lệ quốc tế, chuẩn mực quốc tế về giám sát thị trường tài chính; tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, quy định về quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động tài chính; các chiến lược, định hướng phát triển ngành ngân hàng, thị trường chứng khoán, bảo hiểm…
Ủy ban có trách nhiệm thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu, tổng hợp, xử lý, cung cấp thông tin về thị trường tài chính quốc gia; phân tích, dự báo, cảnh báo mức độ an toàn hệ thống tài chính, nguy cơ rủi ro đối với thị trường tài chính quốc gia và đề xuất giải pháp xử lý kịp thời.
Ủy ban hoạt động theo nguyên tắc độc lập, khách quan; làm việc theo chế độ Thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, phối hợp công tác chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và các Bộ, ngành liên quan nhưng không làm thay chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.
Lãnh đạo Ủy ban gồm Chủ tịch và 2 Phó Chủ tịch. Chủ tịch Ủy ban do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm và hưởng chế độ tương đương Bộ trưởng. Các Phó Chủ tịch do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm trên cơ sở đề nghị của Chủ tịch.
Cơ cấu tổ chức của Ủy ban gồm Văn phòng, Ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát, Ban Giám sát tổng hợp, Ban Giám sát các tập đoàn tài chính và Trung tâm Thông tin giám sát tài chính Quốc gia.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
10/07/2009.

Sửa đổi hỗ trợ lãi suất vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội (SMS: 533553) - Ngày 17/05/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 622/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 6/5/2009 về việc hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Theo đó, bổ sung quy định thực hiện việc hỗ trợ lãi suất cho toàn bộ người vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội, sửa đổi thời gian giải ngân của các khoản vay được hỗ trợ lãi suất đến 31/12/2011 xuống chỉ đến 31/12/2009.
Cũng tại văn bản này, Thủ tướng quyết định cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trích từ nguồn của gói kích cầu 17.000 tỷ đồng chuyển cho Bộ Tài chính để hàng quý cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện việc hỗ trợ lãi suất theo quy định mới tại Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Xử phạt vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan (SMS: 533454) - Vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan có thể bị phạt tiền ở mức cao nhất là 500 triệu đồng. Đây là quy định mới tại Nghị định số 47/2009/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan, được Chính phủ ban hành ngày 13/05/2009.
Theo đó, mức phạt nặng nhất là 500 triệu đồng sẽ được áp dụng đối với các hành vi vi phạm như: sao chép tác phẩm, sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp cuộc biểu diễn, sao chép bản định hình chương trình phát sóng mà không được phép của chủ sở hữu quyền (trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 500 triệu đồng); chiếm đoạt quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng, quyền sao chép tác phẩm, quyền phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm, quyền cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính, quyền phát sóng, tái phát sóng chương trình phát sóng...
Mức phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan tại quy định trước đây chỉ là 70 triệu đồng.
Bên cạnh đó, điểm mới của nghị định này là ngoài các hình thức xử phạt chính và bổ sung, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị buộc áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc khôi phục lại quyền đứng tên, đặt tên, bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm; buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm; buộc dỡ bỏ bản gốc, bản sao tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đã truyền đạt trái phép trên mạng kỹ thuật số hay dưới hình thức điện tử.
Thanh tra viên chuyên ngành thuộc Bộ hoặc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đang thi hành công vụ có quyền phạt đến 500 ngàn đồng; Chánh thanh tra Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch có quyền phạt đến 30 triệu đồng và Chánh thanh tra Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch có quyền phạt đến mức tối đa của khung hình phạt. Chủ tịch UBNDcấp xã có quyền phạt đến 2 triệu đồng, cấp huyện có quyền phạt đến 30 triệu đồng và cấp tỉnh có quyền phạt đến mức tối đa của khung hình phạt…
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
30/06/2009.

Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến 2020 (SMS: 533456) - Phòng, chống tham nhũng (PCTN) là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, lâu dài, xuyên suốt quá trình phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới. Đó là quan điểm và mục tiêu của Chính phủ trong việc PCTN, thể hiện rõ trong Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 12/05/2009 ban hành Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020.
Nghị quyết 21/NQ-CP đề ra mục tiêu, cần ngăn chặn, triệt tiêu các điều kiện và cơ hội phát sinh tham nhũng; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực nhà nước, ngăn ngừa việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi. Song song với đó là việc hoàn thiện thể chế, tạo lập môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, công bằng và minh bạch. Từng bước xóa bỏ tệ hối lộ trong giao dịch thương mại và giữa doanh nghiệp với cơ quan nhà nước. Đồng thời hoàn thiện chính sách xử lý, nhất là chính sách hình sự, tố tụng hình sự đối với tham nhũng…
Nghị quyết đề ra 5 nhóm giải pháp cơ bản: Tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện pháp luật; Hoàn thiện cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện pháp luật; Hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh công khai, minh bạch; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm tóan, điều tra, truy tố, xét xử trong phát hiện và xử lý tham nhũng; Nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của toàn xã hội trong PCTN. 

Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020 được thực hiện theo 3 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất (từ nay đến 2011), thực hiện đồng bộ các giải pháp như nâng cao năng lực phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng. Đẩy mạnh việc xử lý những vụ việc tham nhũng nổi cộm, gây bức xúc trong dân. Giai đoạn thứ hai (từ năm 2011-2016), tiến hành mở rộng các biện pháp phòng ngừa như kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Tổng kết 10 năm thi hành Luật PCTN làm căn cứ cho việc sửa đổi, bổ sung Luật này phù hợp với tình hình mới. Giai đoạn thứ ba (2016-2020), tiếp tục làm tốt các giải pháp đã đề ra và đã thực hiện từ các giai đoạn trước.
Từ nay đến 2012, Chính phủ cũng tập trung nghiên cứu một số Đề án phục vụ cho việc PCTN, điển hình như Đề án Minh bạch hóa quá trình hoạch định, trình, ban hành chính sách pháp luật (thời điểm trình khoảng 12/2011); Kế hoạch rà soát sửa đổi, bổ sung các thủ tục hành chính giai đoạn 2011-2020 (6/2011); Thông tư liên tịch về công khai trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử thi hành án (10/2010)... và gần đây nhất là phê duyệt Đề án thi tuyển một số chức danh lãnh đạo, quản lý (6/2009).

 

 BỘ TÀI CHÍNH


Thuế nhập khẩu thép cơ khí chế tạo giảm xuống 0% (SMS: 533502) - Ngày 15/05/2009, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 93/2009/TT-BTC về việc sửa đổi thuế suất thuế nhập khẩu sắt và thép quy định tại Thông tư số 75/2009/QĐ-BTC ngày 13/4/2009 của Bộ Tài chính.
Theo đó, mặt hàng duy nhất được giảm thuế suất thuế nhập khẩu là thép cơ khí chế tạo, từ 10% hiện nay xuống 0%. Cụ thể là: Các mặt hàng thép cơ khí chế tạo bao gồm cả thép hợp kim, thuộc các nhóm 72.27, 72.28, là loại thép dùng trong chế tạo cơ khí, chế tạo dụng cụ và đáp ứng một trong các tiêu chuẩn sau đây:  TCVN 3104:1979 “Thép kết cấu hợp kim thấp-Mác và yêu cầu kỹ thuật";  JIS G 4105;  GOST 4543.

Mức thuế suất thuế nhập khẩu 0% của các phân nhóm 7227.90, 7228.30, 7228.40 chỉ áp dụng đối với thép cơ khí chế tạo. Trường hợp nhập khẩu không sử dụng cho ngành cơ khí chế tạo mà sử dụng vào mục đích khác như xây dựng thì thực hiện truy thu theo đúng mục đích sử dụng. Mức thuế trên được áp dụng với các tờ khai hàng hoá nhập khẩu đăng ký với cơ quan Hải quan kể từ ngày 20/4/2009. Cơ quan Hải quan yêu cầu người khai hải quan xuất trình các tài liệu như giấy chứng nhận giám định chứng minh mặt hàng này là thép cơ khí chế tạo tại thời điểm làm thủ tục hải quan.
 

 BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM


Cấp, quản lý và sử dụng sổ bảo hiểm xã hội (SMS: 533503) - Ngày 13/05/2009, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã ban hành Quyết định số 555/QĐ-BHXH ban hành Quy định cấp, quản lý và sử dụng sổ bảo hiểm xã hội.
Theo đó, hồ sơ cấp sổ bảo hiểm xã hội đối với người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm tự nguyện (BHTN) bắt buộc lần đầu gồm: 03 tờ khai theo mẫu số 01-TBH; 01 Danh sách lao động tham gia BHXH, BHTN theo mẫu số 02a-TBH; Bản sao Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép hoạt động đối với người sử dụng lao động; Quyết định tuyển dụng hoặc quyết định về tiền lương hoặc hợp đồng lao động và 01 bản sao giấy khai sinh của người lao động; Hợp đồng lao động đối với người sử dụng lao động là cá nhân thuê mướn, sử dụng lao động.
Hồ sơ cấp sổ bảo hiểm xã hội đối với người đã có quá trình đóng BHXH, BHTN nhưng chưa được cấp sổ BHXH, gồm: Hồ sơ quy định giống trường hợp tham gia BHXH, BHTN lần đầu kèm theo 01 danh sách đề nghị cấp sổ BHXH theo mẫu số 04/SBH.
Đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (BHXHTN), hồ sơ xin cấp sổ BHXH gồm: Tờ khai tham gia BHXHTN hướng dẫn tại công văn số 1564/BHXH-BT ngày
02/6/2008 của BHXH Việt Nam; 01 bản sao Giấy khai sinh.
Với trường hợp sổ BHXH bị mất hoặc hỏng do lỗi của người tham gia BHXH, BHTN, để được cấp lại sổ BHXH, người tham gia BHXH, BHTN làm đơn đề nghị cấp lại sổ BHXH theo mẫu số 06/SBH, nêu rõ lý do bị mất hoặc hỏng, tình trạng hỏng và cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật việc chưa hưởng chế độ BHXH một lần, sau đó nộp đơn, sổ BHXH (nếu hỏng) cho cơ quan BHXH. Nếu người tham gia BHXH, BHTN có thời gian đóng BHXH, BHTN ở tỉnh khác, ngoài các hồ sơ nêu trên, nếu có vấn đề gì chưa rõ, thì BHXH tỉnh cấp lại sổ yêu cầu BHXH tỉnh nơi người tham gia đã đóng BHXH, BHTN gửi bản ghi quá trình đóng BHXH, BHTN theo mẫu số 07/SBH để xem xét và lưu cùng hồ sơ cấp lại sổ. Nếu người đang bảo lưu thời gian đóng BHXH, BHTN hoặc trong thời gian di chuyển đến tỉnh mới mà bị mất hoặc hỏng sổ, thì việc cấp lại sổ BHXH được thực hiện tại BHXH tỉnh, nơi chốt sổ xác nhận quá trình đóng BHXH, BHTN.
Trường hợp sổ BHXH bị mất hoặc hỏng do lỗi của người sử dụng lao động: Người sử dụng lao động làm công văn đề nghị cấp lại sổ BHXH, cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật việc người lao động chưa hưởng trợ cấp BHXH 1 lần; Người sử dụng lao động lập Biên bản nêu rõ nguyên nhân, số lượng sổ và các trang sổ bị mất hoặc bị hỏng; Tờ khai cấp sổ lần đầu, sổ BHXH bị hỏng.
Trường hợp cơ quan BHXH làm mất hoặc hỏng sổ BHXH: Cán bộ được giao quản lý sổ BHXH làm mất hoặc hỏng sổ BHXH viết Bản tường trình (có xác nhận của Giám đốc BHXH huyện hoặc trưởng phòng Cấp sổ, thẻ), kèm theo sổ BHXH hỏng; Phòng Cấp sổ, thẻ trình Giám đốc BHXH tỉnh phê duyệt cấp lại sổ BHXH.

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2009.

 

 LIÊN BỘ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH XÃ HỘI - BỘ TÀI CHÍNH


Hướng dẫn Chương trình ghi công liệt sĩ (SMS: 533531) - Ngày 18/05/2009, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 14/2009/TTLT-BLĐTBXH-BTC hướng dẫn Nghị định số 16/207/NĐ-CP ngày 26/01/2007 của Chính phủ quy định về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, quản lý mộ, nghĩa tang, đài tưởng niệm, bia ghi tên liệt sĩ (gọi tắt là Chương trình ghi công liệt sĩ).
Theo đó, mức chi bồi dưỡng người đưa, dẫn đường, người trực tiếp làm nhiệm vụ khảo sát, tìm kiếm mộ liệt sĩ trong nước là 100.000 đồng/người/ngày; Chi xây mộ liệt sĩ mức hỗ trợ tối đa là 1.500.000 đồng/mộ; Chi qui tập mộ liệt sĩ là 500.000 đồng/mộ. Trong trường hợp đặc biệt, khi qui tập phải sử dụng lực lượng lớn, tốn kém, điều kiện qui tập khó khăn chi vượt mức nêu trên Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thống nhất với Sở Tài chính trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định mức chi thực tế. Phần kinh phí vượt định mức quy định do ngân sách địa phương đảm bảo.
Chi hỗ trợ địa phương xây dựng, cải tạo, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ cấp tỉnh, huyện cho các tỉnh miền núi, Tây Nguyên, hải đảo, các tỉnh ngân sách khó khăn (ưu tiên cho các địa phương mới chia tách theo đơn vị hành chính, địa phương có các nghĩa trang liệt sĩ bị xuống cấp do thiên tai, lũ lụt), cụ thể như sau: Các địa phương ngân sách Trung ương phải bổ sung cân đối trên 50% chi cân đối ngân sách địa phương, mức hỗ trợ tối đa 80% tổng số vốn công trình; Các địa phương ngân sách Trung ương phải bổ sung cân đối còn lại, mức hỗ trợ tối đa 50% tổng số vốn công trình.
Mức hỗ trợ tối đa không quá 5 tỷ đồng/công trình xây dựng mới và 2 tỷ đồng/công trình cải tạo, nâng cấp thuộc cấp tỉnh; 2 tỷ đồng/công trình xây dựng mới và 1 tỷ đồng/công trình cải tạo, nâng cấp thuộc cấp huyện; 0,2 tỷ đồng/công trình xây dựng mới và 0,1 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp thuộc cấp xã. Các địa phương có tỷ lệ điều tiết các khoản thu về ngân sách Trung ương, vốn thực hiện các công trình này do ngân sách địa phương đảm bảo.

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký ban hành.

 

 LIÊN BỘ CÔNG AN - BỘ NGOẠI GIAO


Đăng ký thường trú tại Việt Nam cho Việt kiều (SMS: 533522) - Ngày 12/05/2009, Bộ Công an và Bộ Ngoại giao đã ban hành Thông tư liên tịch số 05/2009/TTLT-BCA-BNG hướng dẫn thủ tục giải quyết cho công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài (CDVNĐCNN) đăng ký thường trú tại Việt Nam, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho CDVNĐCNN có nhu cầu hồi hương.
Theo quy định tại Thông tư này, có 3 đối tượng CDVNĐCNN được đăng ký thường trú tại Việt Nam, gồm: CDVNĐCNN mang hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu do nước ngoài cấp còn giá trị; CDVNĐCNN không có hộ chiếu nước ngoài, nhưng có giấy tờ thường trú do nước ngoài cấp và CDVNĐCNN có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng.
Điều kiện để CDVNĐCNN được đăng ký thường trú tại Việt Nam là phải có một trong những giấy tờ chứng minh có nhà ở hợp pháp tại Việt Nam như: Bản sao giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu hoặc bản sao giấy tờ chứng minh có nhà ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân.
Nếu CDVNĐCNN xin về thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương phải có thêm giấy tờ chứng minh đủ điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố đó. Trường hợp CDVNĐCNN được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu thì phải có giấy tờ chứng minh mối quan hệ ruột thịt giữa 2 người. Nếu không còn giấy tờ chứng minh, thì người bảo lãnh phải có đơn giải trình và được chính quyền địa phương xác nhận.
Đối với CDVNĐCNN đề nghị về đăng ký thường trú tại cơ sở tôn giáo ở Việt Nam và hoạt động tôn giáo, thì phải được sự đồng ý của người đứng đầu cơ sở tôn giáo đó, kèm theo giấy tờ chứng minh theo quy định và được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam về tôn giáo chấp thuận.
Người đề nghị về Việt Nam thường trú có thể nộp hồ sơ tại Cơ quan đại diện Việt Nam (như Đại sứ quán, Lãnh sự quán) - nếu nộp ở nước ngoài; trường hợp ở trong nước thì nộp hồ sơ tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) hoặc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đề nghị được về thường trú.
Người được giải quyết về Việt Nam thường trú cần liên hệ với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để nhận giấy thông hành hồi hương trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày nhận được thông báo chấp nhận. Sau khi về nước phải liên hệ ngay với Công an địa phương nơi xin về thường trú để làm thủ tục đăng ký thường trú.

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.