Hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức…(SMS: 533728) - Ngày 20/05/2009, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 11/2009/TT-BCT quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 107/2008/NĐ-CP ngày 22/9/2008 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt, buôn lậu và gian lận thương mại (gọi tắt là Nghị định 107/2008/NĐ-CP). Thông tư này quy định chi tiết việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại các điều: Điều 4 (xử phạt đối với hành vi đầu cơ hàng hóa), Điều 5 (xử phạt đối với hành vi găm hàng), Điều 6 (xử phạt đối với hành vi tăng giá quá mức), Điều 7 (xử phạt đối với hành vi đưa tin thất thiệt về thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ), Điều 8 (xử phạt đối với hành vi vi phạm về kê khai giá, đăng ký giá hàng hóa, dịch vụ), Điều 9 (xử phạt đối với hành vi vi phạm về niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ), Điều 10 (xử phạt đối với hành vi xuất lậu xăng, dầu qua biên giới), Điều 11 (xử phạt đối với hành vi xuất lậu thóc, gạo, lâm sản, khoáng sản qua biên giới), Điều 12 (xử phạt đối với các hành vi vi phạm về hàng hóa cấm kinh doanh, hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên, hàng giả có giá trị từ 30 triệu đồng trở lên và vi phạm về nhãn hàng hóa), Điều 13 (xử phạt đối với hành vi gian lận về đo lường, đóng gói hàng hóa và chất lượng hàng hóa, dịch vụ). Theo hướng dẫn tại Thông tư này, việc xử phạt hành chính đối với các hành vi quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 6 và Điều 7 của Nghị định 107/2008/NĐ-CP chỉ được áp dụng khi đủ hai điều kiện sau: a) Đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá tại Nghị định số 75/2008/NĐ-CP ngày 09/6/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Giá và Thông tư số 104/2008/TT-BTC ngày 13/11/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25/12/2003, Nghị định số 75/2008/NĐ-CP ngày 09/6/2008 về sửa đổi một số điều của Nghị định số 170/2003/NĐ-CP; b) Trong trường hợp thị trường có biến động bất thường về cung cầu, giá cả hàng hóa, dịch vụ do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh hoặc diễn biến bất thường khác khi được Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá trong phạm vi cả nước, từng khu vực (thì được xử phạt các hành vi vi phạm quy định tại các Điều trên trong cả nước hoặc khu vực được công bố) hoặc được Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá trong phạm vi địa phương (thì chỉ xử phạt các hành vi vi phạm quy định tại các Điều trên tại địa bàn do Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố). Cũng theo hướng dẫn tại Thông tư này, việc tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, các loại giấy phép kinh doanh quy định tại Nghị định 107/2008/NĐ-CP áp dụng như sau: - Tước quyền sử dụng các loại giấy trên có thời hạn là tước quyền sử dụng các loại giấy trên tối đa không quá 12 tháng; - Tước quyền sử dụng các loại giấy trên không thời hạn là tước quyền sử dụng các loại giấy trên với thời gian từ trên 12 tháng trở lên và chỉ áp dụng đối với hành vi vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm hành vi vi phạm hành chính; - Thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề được tính từ thời điểm tạm giữ các loại giấy này. Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký.
Khuyến khích các thành phần kinh tế sản xuất rượu, nước giải khát từ nguyên liệu trong nước (SMS: 533739) – Bộ trưởng Bộ Công thương vừa ký Quyết định số 2435/QĐ-BCT ngày 21/5/2009 phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành bia - rượu - nước giải khát Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025 với quan điểm phát triển ngành bia - rượu- nước giải khát theo hướng bền vững, chú trọng đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm cho người dùng và bảo vệ môi trường sinh thái; áp dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến trong sản xuất bia, rượu, nước giải khát để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm tiêu hao nguyên vật liệu, năng lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm, tập trung xây dựng một số thương hiệu quốc gia đối với sản phẩm bia, rượu, nước giải khát để cạnh tranh hiệu quả trong tiến trình hội nhập kinh tế; huy động mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế, dưới mọi hình thức để đẩy mạnh sản xuất bia, rượu, nước giải khát đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của xã hội. Mục tiêu của Quy hoạch phát triển này là đến năm 2010 sản lượng sản xuất đạt 2,5 tỷ lít bia, 80 triệu lít rượu công nghiệp, 2,0 tỷ lít nước giải khát, sản phẩm xuất khẩu từ 70 triệu - 80 triệu USD; đến năm 2015 sản lượng sản xuất đạt 4,0 tỷ lít bia, 188 triệu lít rượu công nghiệp, 4,0 tỷ lít nước giải khát, sản phẩm xuất khẩu từ 140 - 150 triệu USD; đến năm 2025 sản lượng sản xuất đạt 6,0 tỷ lít bia, 440 triệu lít rượu công nghiệp, 11 tỷ lít nước giải khát. Cũng tại Quyết định này, một số chính sách khuyến khích phát triển ngành bia, rượu, nước giải khát đã được công bố, cụ thể: - Khuyến khích phát triển sản xuất rượu quy mô công nghiệp chất lượng cao với công nghệ hiện đại, giảm dần rượu nấu thủ công quy mô gia đình, từng bước xây dựng thương hiệu rượu quốc gia; - Khuyến khích các làng nghề xây dựng các cơ sở sản xuất với quy mô công nghiệp, công nghệ tiên tiến, tổ chức thu gom và xử lý rượu cho các hộ sản xuất thủ công để nâng cao chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và giữ được bản sắc truyền thống của rượu làng nghề; - Khuyến khích phát triển sản xuất rượu vang từ các loại quả tươi gắn với phát triển các vùng nguyên liệu ở các địa phương; - Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư sản xuất nước giải khát với thiết bị, công nghệ hiện đại, đảm bảo vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường; - Khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất nước giải khát sử dụng nguyên liệu trong nước gắn với việc xây dựng vùng nguyên liệu tại các địa phương. Trong đó ưu tiên đối với các doanh nghiệp sản xuất nước giải khát từ hoa quả tươi và các loại nước giải khát bổ dưỡng. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. |