Quyết định 46/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế bảo đảm an toàn hệ thống đường ống vận chuyển khí trên đất liền

  • Tóm tắt
  • Nội dung
  • VB gốc
  • Tiếng Anh
  • Hiệu lực
  • VB liên quan
  • Lược đồ
  • Nội dung MIX

    - Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…

    - Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.

  • Tải về
Mục lục
Tìm từ trong trang
VB Song ngữ

Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.

Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.

Tải VB
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng Anh
Bản dịch tham khảo
Lưu
Theo dõi VB

Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.

Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.

Báo lỗi
In
  • Báo lỗi
  • Gửi liên kết tới Email
  • Chia sẻ:
  • Chế độ xem: Sáng | Tối
  • Thay đổi cỡ chữ:
    17
Ghi chú

thuộc tính Quyết định 46/2004/QĐ-TTg

Quyết định 46/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế bảo đảm an toàn hệ thống đường ống vận chuyển khí trên đất liền
Cơ quan ban hành: Thủ tướng Chính phủSố công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Số hiệu:46/2004/QĐ-TTgNgày đăng công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày đăng công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Loại văn bản:Quyết địnhNgười ký:Phan Văn Khải
Ngày ban hành:26/03/2004Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Công nghiệp

TÓM TẮT VĂN BẢN

* Bảo đảm an toàn đường ống vận chuyển khí - Theo Ngày 26/3/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 46/2004/QĐ-TTg, ban hành Quy chế bảo đảm an toàn hệ thống đường ống vận chuyển khí trên đất liền, có hiệu lực kể từ ngày 29/4/2004. Quy chế này quy định các điều kiện và quy định việc bảo đảm an toàn cho con người, tài sản và môi trường, bảo đảm vận hành, khai thác dọc theo đường ống vận chuyển Hydrocarbon và các sản phẩm khí. Theo đó, trong mọi trường hợp độ dày thành ống ngầm phải được xác định theo các tiêu chuẩn thiết kế chuẩn, đường ống ngầm phải được chôn ở độ sâu tối thiểu là 1m tính từ mặt đất tự nhiên ban đầu tới đỉnh ống. Trong phạm vi Dải đất tuyến ống, chỉ có chủ đầu tư hoặc người vận hành mới được phép tiến hành các hoạt động xây lắp, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa hay các hoạt động khác nhằm bảo đảm an toàn cho đường ống. Trường hợp Hành lang an toàn với khoảng cách tối thiểu bằng hoặc nhỏ hơn 5 m, 7 m và 9 m tương ứng với các đường ống loại 1, loại 2 và loại 3 thì khu vực tính từ ranh giới tuyến ống đến ranh giới hành lang an toàn nghiêm cấm các hoạt động có nguy cơ gây hại trực tiếp hoặc gián tiếp đến đường ống vận chuyển khí như: Xây dựng nhà cửa, trồng cây lâu năm, tổ chức hội họp đông người...

Xem chi tiết Quyết định 46/2004/QĐ-TTg tại đây

tải Quyết định 46/2004/QĐ-TTg

Tải văn bản tiếng Việt (.doc) Quyết định 46/2004/QĐ-TTg DOC (Bản Word)
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.

Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Ghi chú
Ghi chú: Thêm ghi chú cá nhân cho văn bản bạn đang xem.
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 46/2004/QĐ-TTG
NGÀY 26 THÁNG 3 NĂM 2004 BAN HÀNH QUY CHẾ BẢO ĐẢM
AN TOÀN HỆ THỐNG ĐƯỜNG ỐNG VẬN CHUYỂN KHÍ TRÊN ĐẤT LIỀN

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 03/2002/NĐ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2002 của Chính phủ về bảo vệ an ninh, an toàn dầu khí;

Theo đề nghị của Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam;

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế bảo đảm an toàn hệ thống đường ống vận chuyển khí trên đất liền.

 

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

 

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam và các tổ chức liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 


QUY CHẾ VỀ BẢO ĐẢM AN TOÀN HỆ THỐNG ĐƯỜNG ỐNG
VẬN CHUYỂN KHÍ TRÊN ĐẤT LIỀN

(ban hành kèm theo Quyết định số 46/2004/QĐ-TTg ngày 26/3/2004
của Thủ tướng Chính phủ)

 

CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định việc bảo đảm an toàn cho con người, tài sản và môi trường dọc theo đường ống vận chuyển hydrocarbon ở dạng khí và các sản phẩm khí; bảo đảm vận hành, khai thác một cách an toàn, hiệu quả hệ thống đường ống vận chuyển hydrocarbon ở dạng khí và các sản phẩm khí.

 

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Quy chế này được áp dụng đối với hệ thống đường ống vận chuyển hydrocarbon ở dạng khí và các sản phẩm khí trên đất liền theo định nghĩa tại khoản 1 Điều 3 Quy chế này.

2. Quy chế này không áp dụng đối với hệ thống đường ống vận chuyển hydrocarbon ở dạng khí và các sản phẩm khí ở ngoài khơi, trong phạm vi nhà máy, trạm xử lý, chế biến khí, trạm nén, trạm phân phối khí và các hộ tiêu thụ.

3. Đối với đường ống vận chuyển hydrocarbon ở dạng khí và các sản phẩm khí được chế tạo từ các vật liệu không phải bằng thép thì Chủ đầu tư có trách nhiệm trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt danh mục tiêu chuẩn thiết kế và các yêu cầu về bảo đảm an toàn đường ống áp dụng riêng cho Dự án, trên cơ sở tham khảo các quy định của Quy chế này.

 

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. "Hệ thống đường ống vận chuyển hydrocarbon ở dạng khí và các sản phẩm khí", sau đây gọi tắt là đường ống vận chuyển khí là hệ thống bao gồm đường ống bằng thép và các thiết bị đi kèm dùng để vận chuyển hydrocarbon ở dạng khí và các sản phẩm khí có áp suất vận hành tối đa không nhỏ hơn 7 bar, có thể được đặt nổi hoặc chôn ngầm, từ điểm tiếp bờ (đối với dự án khai thác khí ngoài khơi) hoặc từ điểm thu gom (đối với dự án khai thác khí trên đất liền) đến nơi xử lý, tiêu thụ.

Để xác định khoảng cách an toàn, đường ống vận chuyển khí được chia thành 3 loại theo áp suất vận hành tối đa tương ứng như sau:

 

Đường ống vận chuyển khí

Áp suất vận hành tối đa

Loại 1

Từ 7 bar đến nhỏ hơn 19 bar

Loại 2

Từ 19 bar đến nhỏ hơn 60 bar

Loại 3

Bằng hoặc lớn hơn 60 bar

2. "Các sản phẩm khí" bao gồm khí thương phẩm, khí hóa lỏng (LPG), condensate thu được từ quá trình khai thác, xử lý và chế biến khí hydrocarbon.

3. "Ranh giới dải đất tuyến ống" là hai mặt phẳng thẳng đứng song song chạy dọc theo giới hạn ngoài của dải đất tuyến ống.

4. "Khoảng cách tối thiểu" là khoảng cách nhỏ nhất cho phép trên hình chiếu bằng, tính từ mép ống tới phần lồi gần nhất của nhà ở; tường rào nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện; hay từ ranh giới của các công trình khác tới Ranh giới hành lang an toàn.

5. "Ranh giới hành lang an toàn" là hai mặt phẳng thẳng đứng song song cách mép ngoài của đường ống về mỗi phía bằng Khoảng cách tối thiểu, dùng để xác định giới hạn ngoài của Hành lang an toàn.

6. "Ranh giới Khu vực ảnh hưởng" là hai mặt phẳng thẳng đứng song song cách đều về hai phía tính từ tâm của đường ống, dùng để xác định giới hạn ngoài của Khu vực ảnh hưởng.

7. "Cơ quan nhà nước có thẩm quyền" là các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Uỷ ban nhân dân các cấp và các cơ quan quản lý nhà nước khác theo quy định của pháp luật.

8. "Chủ đầu tư" là tổ chức, cá nhân sở hữu hay được giao quản lý đường ống vận chuyển khí theo quy định của pháp luật.

9. "Người vận hành" là tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm vận hành đường ống vận chuyển khí, được Chủ đầu tư chỉ định bằng văn bản.

10. "áp suất vận hành tối đa" là áp suất cao nhất mà đường ống vận chuyển khí được vận hành trong điều kiện bình thường.

11. "Đánh giá rủi ro" là việc đánh giá các rủi ro tiềm tàng trên cơ sở các tiêu chuẩn được chấp nhận, đồng thời xác định các biện pháp giảm thiểu rủi ro đến mức hợp lý có thể thực hiện được.

12. "Tiêu chuẩn rủi ro tử vong cá nhân đương nhiên được chấp nhận" là mức rủi ro tử vong cá nhân đương nhiên được chấp nhận theo quy định tại Điều 5 Quy chế này. Khi mức rủi ro bởi một hoạt động hoặc một công trình gây ra thấp hơn mức rủi ro này thì hoạt động, công trình đó đương nhiên được chấp nhận.

13. "Tiêu chuẩn rủi ro tử vong cá nhân không được chấp nhận" là mức rủi ro tử vong cá nhân không được chấp nhận theo quy định tại Điều 5 Quy chế này. Khi một hoạt động hoặc một công trình có mức rủi ro cao hơn mức rủi ro này thì hoạt động, công trình đó không được phép triển khai hay tiếp tục hoạt động.

 

Điều 4. Phân loại khu vực dân cư

Các yêu cầu về thiết kế, thi công và vận hành đường ống vận chuyển khí phải dựa trên cơ sở phân loại khu vực dân cư dọc theo tuyến ống. Phân loại khu vực dân cư được xác định trên cơ sở mật độ nhà ở trung bình theo quy định tại Phụ lục 2 của Quy chế này.

 

Điều 5. Tiêu chuẩn rủi ro

1. Tiêu chuẩn rủi ro tử vong cá nhân đương nhiên được chấp nhận đối với những người hiện diện trong phạm vi Hành lang an toàn dọc theo tuyến ống là 1x10-6; tiêu chuẩn rủi ro không được chấp nhận là 1x10-4.

2. Tiêu chuẩn rủi ro tử vong cá nhân đương nhiên được chấp nhận đối với cán bộ, nhân viên tham gia vận hành đường ống vận chuyển khí là 1x10-6 và tiêu chuẩn rủi ro không được chấp nhận là 1x10-3 .

3. Trường hợp mức rủi ro được đánh giá cao hơn Tiêu chuẩn rủi ro tử vong cá nhân đương nhiên được chấp nhận thì Chủ đầu tư, người vận hành phải triển khai các biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro. Việc lựa chọn các biện pháp giảm thiểu được thực hiện trên cơ sở các phân tích lợi ích và chi phí, với tiêu chí là giảm rủi ro tối đa đến mức hợp lý có thể thực hiện được. Các biện pháp này bao gồm:

a) Các biện pháp kỹ thuật: tăng độ dày thành ống; tăng độ sâu chôn ống; tăng cường lớp phủ phía trên ống, bọc bê tông hay các vật liệu khác; tăng khả năng chống ăn mòn của ống; tăng Khoảng cách tối thiểu; xây dựng rào chắn, tường ngăn; nâng cao độ tin cậy của các hệ thống tự động, hệ thống van chặn, v.v…;

b) Các biện pháp quản lý: kiểm soát chế độ vận hành; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm định, bảo dưỡng; xây dựng các kế hoạch phòng chống sự cố, phòng chống cháy nổ và luyện tập thường xuyên; tăng mật độ các biển báo, biển tín hiệu, v.v…

 

Điều 6. Yêu cầu đối với công tác thiết kế

1. Yêu cầu về độ dày thành ống: độ dày thành ống phải được xác định theo các tiêu chuẩn thiết kế đã được Bộ Xây dựng phê duyệt. Trong mọi trường hợp độ dày thành ống không được nhỏ hơn độ dày được quy định tại Phụ lục 1 của Quy chế này.

2. Độ sâu của đường ống ngầm: đường ống ngầm phải được chôn ở độ sâu tối thiểu là 1m tính từ mặt đất tự nhiên ban đầu tới đỉnh ống. Khi đường ống đi qua các vùng ngập nước (sông, ngòi, kênh, mương, hồ, ao, đầm, v.v…) độ sâu này được tính từ đáy các vùng nói trên.

3. Thiết kế, thi công đường ống mới: việc thiết kế, thi công đường ống mới song song hoặc cắt ngang qua đường ống vận chuyển khí đang hoạt động phải bảo đảm không làm tăng mức rủi ro đã được chấp nhận và phải thỏa thuận với Chủ đầu tư, Người vận hành đường ống vận chuyển khí đang hoạt động đó.

4. Thay đổi tiêu chuẩn thiết kế: mọi thay đổi về khoảng cách, tiêu chuẩn thiết kế không phù hợp với những quy định của Quy chế này và các tiêu chuẩn đã được chấp thuận, phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

 

Điều 7. Yêu cầu đối với công tác thi công xây lắp

1. Chủ đầu tư có trách nhiệm xây dựng kế hoạch thi công. Việc thi công đường ống vận chuyển khí chỉ được phép triển khai khi Dải đất tuyến ống đã được xác lập theo quy định tại Điều 10 của Quy chế này.

2. Nhà thầu xây lắp có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật và yêu cầu của Chủ đầu tư về an toàn; có trách nhiệm xây dựng chương trình quản lý an toàn cho từng giai đoạn của quá trình thi công, nghiệm thu và chạy thử công trình.

3. Chủ đầu tư có trách nhiệm xem xét và phê chuẩn chương trình quản lý an toàn của các nhà thầu xây lắp, giám sát và kiểm tra công tác an toàn trong quá trình thi công và chịu trách nhiệm trước Nhà nước về an toàn sức khoẻ và môi truờng.

 

Điều 8. Yêu cầu đối với công tác vận hành

1. Chủ đầu tư có trách nhiệm xem xét, phê chuẩn hệ thống tổ chức vận hành; chương trình quản lý an toàn; thông báo cho các cơ quan hữu quan về Người vận hành đường ống vận chuyển khí.

2. Người vận hành phải xây dựng các thủ tục, quy trình liên quan đến việc vận hành và bảo dưỡng đường ống như:

a) Các quy trình vận hành trong điều kiện hoạt động bình thường, trong bảo dưỡng, sửa chữa và trong trường hợp xảy ra sự cố;

b) Quy trình vận hành, bảo dưỡng riêng cho các thiết bị có mức độ rủi ro cao;

c) Chương trình giám sát, kiểm định định kỳ;

d) Kế hoạch ứng cứu khẩn cấp; phân tích tai nạn, sự cố;

đ) Kế hoạch phòng chống cháy nổ và kiểm soát ô nhiễm môi trường.

3. Người vận hành phải tính toán lại áp suất vận hành tối đa định kỳ không quá 5 năm một lần. áp suất vận hành đường ống vận chuyển khí không được vượt quá áp suất vận hành tối đa.

4. Khi có sự thay đổi về điều kiện môi trường, tình trạng sử dụng đất trong Khu vực ảnh hưởng có thể dẫn đến không bảo đảm an toàn cho con người và đường ống vận chuyển khí, Người vận hành cần thực hiện phân tích rủi ro và đề xuất các biện pháp an toàn, giảm thiểu rủi ro thích hợp.

5. Người vận hành có trách nhiệm báo cáo với các cơ quan hữu quan về mọi tai nạn, sự cố theo các quy định của pháp luật và có trách nhiệm khắc phục hậu quả, phục hồi hoạt động của công trình.

 

Điều 9. Yêu cầu đối với công tác bảo dưỡng, sửa chữa

1. Người vận hành phải lập kế hoạch bảo dưỡng, tổ chức kiểm tra, sửa chữa mọi hư hỏng của đường ống vận chuyển khí.

2. Người vận hành phải tổ chức lưu trữ thông tin, dữ liệu về vận hành, tai nạn, sự cố, tổn thất cũng như thông tin về khảo sát, sửa chữa, tuần tra, kết quả kiểm định kỹ thuật, các văn bản xử lý vi phạm và các biện pháp khắc phục.

3. Chủ đầu tư có trách nhiệm xem xét, phê duyệt kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa và tổ chức kiểm tra việc thực hiện kế hoạch này.

 

CHƯƠNG II
QUY ĐỊNH VỀ DẢI ĐẤT TUYẾN ỐNG

Điều 10. Dải đất tuyến ống

Dải đất tuyến ống là phần đất và khoảng không gian giới hạn giữa hai ranh giới Dải đất tuyến ống do Nhà nước thu hồi để giao cho Chủ đầu tư, Người vận hành toàn quyền sử dụng trong quá trình thi công xây lắp, vận hành, bảo dưỡng đường ống.

 

Điều 11. Ranh giới Dải đất tuyến ống

Ranh giới Dải đất tuyến ống được xác định trên cơ sở khoảng cách tính từ mép ống về mỗi phía của đường ống vận chuyển khí; đối với đường ống loại 1: không nhỏ hơn 2 m; đối với đường ống loại 2 và loại 3: không nhỏ hơn 3 m.

Trường hợp trên cùng một tuyến có xây dựng nhiều đường ống, khoảng cách trên được tính theo hình chiếu bằng từ mép của các ống nằm ngoài cùng.

 

Điều 12. Khoảng cách giữa các đường ống

Khoảng cách giữa hai đường ống được quy định dưới đây là khoảng cách trên hình chiếu bằng giữa hai mép ống gần nhất.

1. Khi hai đường ống vận chuyển khí chôn ngầm chạy song song, khoảng cách nhỏ nhất giữa chúng được quy định như sau:

 

Đường ống

Loại 1

Loại 2

Loại 3

Loại 1

0.5 m

1 m

2 m

Loại 2

1 m

2 m

3 m

Loại 3

2 m

3 m

3 m

 

2. Khi hai đường ống vận chuyển khí chạy song song, trong đó một đường ống chôn ngầm và một đường ống đặt nổi thì khoảng cách nhỏ nhất giữa chúng được quy định như sau:

 

Đường ống

Loại 1

Loại 2

Loại 3

Loại 1

1 m

2 m

3 m

Loại 2

2 m

3 m

5 m

Loại 3

3 m

5 m

5 m

 

3. Khi hai đường ống vận chuyển khí chạy song song, trong đó một đường ống không thuộc loại đường ống được quy định tại khoản 1 Điều 3 của Quy chế này, thì đường ống này được coi là đường ống vận chuyển khí loại 1 để xác định khoảng cách giữa chúng.

4. Trường hợp hai đường ống vận chuyển khí đặt nổi chạy song song (không phân biệt loại đường ống) thì khoảng cách giữa chúng không được nhỏ hơn 6 m và mức rủi ro phải đáp ứng các tiêu chuẩn quy định tại Điều 5 của Quy chế này.

5. Trường hợp hai đường ống vận chuyển khí cùng được thiết kế và thi công, khoảng cách giữa chúng có thể được giảm tối đa 30% nhưng trong mọi trường hợp mức rủi ro phải đáp ứng các tiêu chuẩn quy định tại Điều 5 của Quy chế này.

6. Khoảng cách giữa hai đoạn ống đặt nổi trong phạm vi các trạm van, trạm phóng, nhận thoi không được nhỏ hơn khoảng cách giữa chúng trước khi đi vào các trạm này.

 

 

 

Điều 13. Các hoạt động được phép trong Dải đất tuyến ống

Trong phạm vi Dải đất tuyến ống, chỉ có Chủ đầu tư hoặc Người vận hành mới được phép tiến hành các hoạt động xây lắp, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa hay các hoạt động khác nhằm bảo đảm an toàn cho đường ống.

 

Điều 14. Các hoạt động bị cấm trong Dải đất tuyến ống

Nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm và các hoạt động có khả năng gây nguy hại cho đường ống. Mọi hành vi xâm phạm làm ảnh hưởng đến hoạt động vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa và sự an toàn của đường ống vận chuyển khí đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.

 

CHƯƠNG III
QUY ĐỊNH VỀ HÀNH LANG AN TOÀN

 

Điều 15. Hành lang an toàn

Hành lang an toàn là phần đất và khoảng không gian giới hạn giữa hai mặt phẳng song song thẳng đứng được xác định trên cơ sở các Khoảng cách tối thiểu về mỗi phía của đường ống vận chuyển khí.

 

Điều 16. Khoảng cách tối thiểu khi đường ống vận chuyển khí đi qua khu vực dân cư

1. Khoảng cách tối thiểu từ đường ống vận chuyển khí chôn ngầm đến nhà ở, công trình phụ độc lập không thuộc loại nhà quy định tại khoản 2 Điều này là:

a) 5 m đối với đường ống loại 1.

b) 7 m đối với đường ống loại 2.

c) 9 m đối với đường ống loại 3.

2. Khoảng cách tối thiểu từ đường ống vận chuyển khí chôn ngầm đến nhà ở từ 4 tầng trở lên và có hơn 10 hộ cư trú thường xuyên là:

a) 10 m đối với đường ống loại 1.

b) 12 m đối với đường ống loại 2.

c) 15 m đối với đường ống loại 3.

3. Khoảng cách tối thiểu từ đường ống vận chuyển khí chôn ngầm đến trường học, bệnh viện là: 75 m.

 

Điều 17. Khoảng cách tối thiểu khi đường ống vận chuyển khí đi qua các khu công nghiệp

1. Khoảng cách tối thiểu từ đường ống vận chuyển khí chôn ngầm khi đi qua khu công nghiệp tập trung:

a) Đến chân tường rào hoặc ranh giới các nhà máy, xí nghiệp:

+ 3 m đối với đường ống loại 1.

+ 5 m đối với đường ống loại 2, loại 3.

b) Đến đường giao thông, các công trình cấp thoát nước nội bộ, khi chạy song song:

+ 1 m đối với đường ống loại 1.

+ 3 m đối với đường ống loại 2, loại 3.

2. Khoảng cách tối thiểu từ đường ống vận chuyển khí chôn ngầm đến các xí nghiệp công nghiệp độc lập là: 7 m.

 

Điều 18. Khoảng cách tối thiểu khi đường ống vận chuyển khí đi qua các khu vực khác

1. Khoảng cách tối thiểu từ đường ống vận chuyển khí chôn ngầm đến:

a) Chân ta luy đường bộ, khi chạy song song:

+ 15 m đối với đường cấp I, II, III (theo TCVN).

+ 10 m đối với đường cấp IV, V, VI (theo TCVN).

b) Chân ta luy đường sắt, khi chạy song song:

+ 15 m đối với đường sắt chính .

+ 10 m đối với đường sắt phụ.

c) Chân ta luy đường dẫn của cầu đường sắt, đường bộ, khi chạy song song:

+ 15 m đối với phía thượng lưu.

+ 10 m đối với phía hạ lưu.

d) Bến cảng, ca nô, phà (tính đến hàng rào hoặc ranh giới của công trình):

+ 30 m đối với Phía thượng lưu.

+ 20 m đối với Phía hạ lưu.

đ) Đập nước, đê sông, đê biển, khi chạy song song (tính đến ranh giới bảo vệ của công trình): 15 m.

e) Các di sản văn hóa cấp Quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, công trình phúc lợi công cộng khác: 20 m.

2. Khi đi trong hành lang an toàn lưới điện đường ống vận chuyển khí phải được chôn ngầm. Khoảng cách tối thiểu từ đường ống vận chuyển khí đến công trình điện phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

3. Khi chạy song song với cáp thông tin ngầm, cáp điện ngầm, đường ống cấp thoát nước, Khoảng cách tối thiểu từ đường ống vận chuyển khí đến mép ngoài cùng của các công trình đó phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

 

Điều 19. Quy định cho phần ống đặt nổi

Trường hợp toàn bộ hoặc một phần đường ống vận chuyển khí đặt nổi trên mặt đất thì Khoảng cách tối thiểu tương ứng với phần ống nổi đó phải được tăng thêm 50% so với quy định tại các Điều 16, 17, 18 của Quy chế này

Điều 20. Các trường hợp đặc biệt

1. Khoảng cách tối thiểu có thể giảm tối đa 30%, khi giảm hệ số thiết kế (được quy định tại Phụ lục I của Quy chế này) tương ứng như sau:

a) Đường ống đi qua khu vực dân cư loại 1 và hệ số thiết kế không lớn hơn 0,60;

b) Đường ống đi qua khu vực dân cư loại 2 và hệ số thiết kế không lớn hơn 0,50;

c) Đường ống đi qua khu vực dân cư loại 3 và hệ số thiết kế không lớn hơn 0,40;

d) Đường ống đi qua khu vực dân cư loại 4 và hệ số thiết kế không lớn hơn 0,30.

Phân loại khu vực dân cư nói trên được quy định tại Phụ lục 2 của Quy chế này.

2. Trong một số trường hợp, khoảng cách tối thiểu có thể được chiết giảm thêm bằng các giải pháp an toàn kỹ thuật bổ sung như: tăng chiều sâu chôn ống, bọc bê tông, hầm đường ống, rào chắn, tường ngăn, tăng cường thiết bị an toàn, v.v... Các giải pháp này phải bảo đảm mức độ rủi ro đáp ứng được tiêu chuẩn rủi ro chấp nhận được và được sự chấp thuận của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

 

Điều 21. Quy định đối với tuyến ống có xây dựng nhiều đường ống

Trường hợp trên cùng một tuyến có xây dựng nhiều đường ống thì hành lang an toàn được xác định theo phương án thỏa mãn khoảng cách tối thiểu đối với tất cả các đường ống trên tuyến.

 

Điều 22. Các hoạt động trong Hành lang an toàn

1. Trường hợp Hành lang an toàn với khoảng cách tối thiểu bằng hoặc nhỏ hơn 5 m, 7 m và 9 m tương ứng với các đường ống loại 1, loại 2 và loại 3 thì khu vực tính từ ranh giới tuyến ống đến ranh giới hành lang an toàn nghiêm cấm các hoạt động có nguy cơ gây hại trực tiếp hoặc gián tiếp đến đường ống vận chuyển khí như:

- Xây dựng nhà cửa, lán trại, chuồng trại súc vật; đào ao, hồ, giếng nước;

- Trồng cây lâu năm;

- Tổ chức hội họp đông người;

- Nổ mìn, khai thác đá;

- Chứa các chất cháy, nổ, các nguồn và hoạt động sinh lửa;

- Thải các chất ăn mòn.

2. Trường hợp hành lang an toàn với khoảng cách tối thiểu lớn hơn 5 m, 7 m và 9 m thì khu vực tính từ ranh giới tuyến ống đến ranh giới các khoảng cách 5 m, 7 m và 9 m tính từ mép ống cấm các hoạt động theo quy định tại khoản 1 Điều này; khu vực tính từ ranh giới các khoảng cách 5 m, 7 m và 9 m đến ranh giới hành lang an toàn, cấm tiến hành các hoạt động sau:

- Tổ chức hội họp đông người;

- Nổ mìn, khai thác đá;

- Chứa các chất cháy, nổ.

3. Khi đường ống vận chuyển khí đi qua sông, trong phạm vi 30 m về phía thượng lưu, 20 m về phía hạ lưu, cấm các hoạt động thả neo, khai thác cát, nạo vét, các hoạt động khác dưới nước có thể gây nguy hại đến đường ống vận chuyển khí ngoại trừ các hành động kiểm soát dòng thủy lưu và việc vận chuyển trên sông.

 

CHƯƠNG IV
QUY ĐỊNH VỀ KHU VỰC ẢNH HƯỞNG

 

Điều 23. Khu vực ảnh hưởng

Khu vực ảnh hưởng là phần đất và khoảng không gian giới hạn giữa hai ranh giới khu vực ảnh hưởng cách đều về hai phía của đường ống, trong đó một số hoạt động bị hạn chế theo các quy định của Quy chế này.

 

Điều 24. Ranh giới Khu vực ảnh hưởng

Ranh giới khu vực ảnh hưởng được tính từ tâm ống về mỗi phía đối với đường ống vận chuyển khí là 200 m.

 

Điều 25. Các hoạt động trong khu vực ảnh hưởng

Trong phạm vi khu vực ảnh hưởng, tính từ ranh giới hành lang an toàn đến ranh giới khu vực ảnh hưởng, mọi hoạt động phải tuân theo các quy định sau:

- Không được phép nổ mìn, khai thác đá;

- Khi xây mới các khu chung cư cao tầng, các công trình thường xuyên tập trung đông người như: trường học, bệnh viện, chợ, nhà thờ, chùa, nhà ga, bến phà, v.v…, chủ dự án các công trình này phải bảo đảm mức rủi ro quy định trong Quy chế này.

 

CHƯƠNG V
TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ AN TOÀN ĐƯỜNG ỐNG
VẬN CHUYỂN KHÍ

 

Điều 26. Trách nhiệm bảo đảm an toàn đường ống vận chuyển khí

Đường ống vận chuyển khí là cơ sở hạ tầng có tầm quan trọng quốc gia và được pháp luật bảo vệ. Mọi tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ chấp hành các quy định về bảo vệ công trình đường ống vận chuyển khí. Khi phát hiện các hành vi vi phạm, sự cố và nguy cơ xảy ra sự cố, các tổ chức, cá nhân phải thông báo ngay cho Chủ đầu tư, người vận hành hoặc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để kịp thời xử lý.

 

Điều 27. Trách nhiệm của Chủ đầu tư và Người vận hành đường ống vận chuyển khí

1. Chủ đầu tư, người vận hành có trách nhiệm xây dựng hệ thống quản lý an toàn theo quy định của pháp luật hiện hành, chịu trách nhiệm chính về bảo đảm an toàn cho con người, môi trường và tài sản trong quá trình vận hành công trình, phối hợp với Uỷ ban nhân dân các cấp, lực lượng công an, và các cơ quan hữu quan khác trong việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện và xử lý các hành vi vi phạm các quy định về an toàn đường ống vận chuyển khí.

2. Chủ đầu tư, người vận hành có trách nhiệm:

- Khai báo và đăng ký cho hoạt động của đường ống vận chuyển khí theo các quy định hiện hành, thống nhất với các bên liên quan về công tác bảo đảm an toàn đường ống vận chuyển khí;

- Phối hợp với chính quyền và lực lượng công an địa phương tuyên truyền và giáo dục người dân về việc bảo vệ an toàn đường ống vận chuyển khí;

- Thông báo thông tin về các kế hoạch xây mới, mở rộng và cải tạo đường ống vận chuyển khí cho các bên liên quan để phối hợp trong việc bảo đảm an ninh và an toàn chung. Chỉ khi có sự đồng ý, chấp thuận của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được thực hiện các kế hoạch xây mới, mở rộng và cải tạo đường ống vận chuyển khí.

3. Chủ đầu tư, người vận hành có trách nhiệm kiểm tra, giám sát mọi hoạt động tiến hành trong phạm vi dải đất tuyến ống, hành lang an toàn và thường xuyên khảo sát khu vực ảnh hưởng.

4. Người vận hành phải tổ chức bảo vệ, tuần tra, ngăn chặn và báo cáo kịp thời với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý mọi hành vi vô ý hay cố ý xâm phạm dải đất tuyến ống, hành lang an toàn; kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các vấn đề liên quan đến tình hình sử dụng đất, khoảng không có ảnh hưởng đến an toàn đường ống vận chuyển khí trong khu vực ảnh hưởng.

5. Người vận hành phải duy trì các biển báo tuyến ống, ở những nơi cần thiết phải lắp đặt các biển chú ý, biển cảnh báo và cọc ranh giới. Các biển báo, biển chú ý, biển cảnh báo phải được đặt ở những vị trí dễ thấy, phải được viết bằng tiếng Việt, chữ in hoa, rõ ràng và dễ đọc, phải ghi rõ tên cơ quan cũng như địa chỉ, số điện thoại liên hệ trong trường hợp khẩn cấp.

 

Điều 28. Trách nhiệm của các chủ dự án khác

1. Khi xây dựng các công trình giao thông đường sắt, đường bộ, kênh dẫn nước, cáp ngầm, đường ống dẫn xăng dầu, đường ống cấp thoát nước, v.v…, cắt qua dải đất tuyến ống hoặc hành lang an toàn tuyến ống vận chuyển khí hiện hữu, chủ dự án các công trình trên phải có phương án thiết kế và biện pháp thi công đặc biệt tại khu vực giao cắt được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho vận hành đường ống vận chuyển khí. Trong quá trình thi công các công trình giao cắt với dải đất tuyến ống hoặc hành lang an toàn tuyến ống vận chuyển khí, chủ dự án có trách nhiệm bảo đảm an toàn cho đường ống vận chuyển khí; phối hợp với Chủ đầu tư, người vận hành thực hiện các biện pháp an toàn thích hợp.

2. Chủ dự án các công trình trong khu vực ảnh hưởng có trách nhiệm:

- Thông báo đầy đủ và kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Chủ đầu tư, Người vận hành các nguy cơ có thể ảnh hưởng đến an toàn đường ống vận chuyển khí;

- Trong quá trình thi công công trình phải bảo đảm an toàn cho đường ống vận chuyển khí; phối hợp với Chủ đầu tư, người vận hành thực hiện các biện pháp an toàn thích hợp.

3. Trong quá trình thi công và vận hành các công trình thì các chủ dự án khác có trách nhiệm bồi thường mọi thiệt hại gây ra đối với đường ống dẫn khí theo quy định của pháp luật.

 

Điều 29. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp

1. Uỷ ban nhân dân các cấp tại các khu vực dọc theo tuyến ống có trách nhiệm:

- Phối hợp với Chủ đầu tư, người vận hành trong việc giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân về việc bảo vệ an toàn đường ống vận chuyển khí; đưa nội dung công tác bảo vệ đường ống vận chuyển khí vào kế hoạch công tác thường xuyên;

- Tham gia phối hợp với Chủ đầu tư, người vận hành kiểm tra việc tuân thủ các quy định trong Quy chế này về sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân cũng như phối hợp, tham gia ứng cứu các sự cố khẩn cấp và khắc phục hậu quả;

- Ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm về an toàn vận hành đường ống vận chuyển khí, thông báo ngay cho Chủ đầu tư, người vận hành và các bên liên quan để có biện pháp khắc phục;

- Xử phạt theo thẩm quyền các hành vi xâm phạm, phá hoại, trộm cắp hay các hành vi khác đe dọa đến an toàn của đường ống vận chuyển khí theo các quy định của pháp luật.

2. Lực lượng công an địa phương ở các khu vực dọc tuyến ống có trách nhiệm phối hợp bảo vệ đường ống, điều tra các trường hợp phá hoại, trộm cắp các thiết bị đường ống và các sản phẩm vận chuyển qua đường ống cũng như các hành vi gây nguy hại khác cho đường ống vận chuyển khí.

 

Điều 30. Trách nhiệm của các Bộ, ngành có liên quan

Các Bộ, ngành trong phạm vi quyền hạn của mình có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Quy chế này, xử lý các hành vi xâm phạm hoặc có thể ảnh hưởng đến an toàn của đường ống vận chuyển khí, chỉ đạo Chủ đầu tư, người vận hành và các bên có liên quan trong việc xử lý các tai nạn, sự cố.

 

Điều 31. Trách nhiệm của Tổng công ty Dầu khí Việt Nam

Trong trường hợp Tổng công ty Dầu khí Việt Nam hoặc đơn vị thành viên của Tổng công ty Dầu khí Việt Nam là Chủ đầu tư, người vận hành hoặc là một bên tham gia dự án, thì ngoài trách nhiệm của Chủ đầu tư, người vận hành đường ống vận chuyển khí theo quy định tại Điều 27 Quy chế này, Tổng công ty Dầu khí Việt Nam còn có trách nhiệm sau:

1. Lập hoặc xem xét các tài liệu thiết kế, kế hoạch vận hành bảo dưỡng sửa chữa, chương trình quản lý an toàn, báo cáo đánh giá rủi ro, kế hoạch ứng cứu khẩn cấp trước khi trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

2. Tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn trong quá trình thiết kế thi công và vận hành đường ống vận chuyển khí;

3. Phối hợp với các cơ quan liên quan và Uỷ ban nhân dân các cấp trong việc chỉ đạo và huy động lực lượng và phương tiện ứng cứu trong các trường hợp khẩn cấp liên quan đến đường ống vận chuyển khí.

 

CHƯƠNG VI
THANH TRA, KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

 

Điều 32. Thanh tra, kiểm tra

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia vận chuyển khí và các sản phẩm khí qua đường ống vận chuyển khí nhằm bảo đảm việc tuân thủ pháp luật và các quy định của Nhà nước về an ninh, an toàn dầu khí.

Tổ chức, cá nhân tiến hành các hoạt động liên quan đến đường ống vận chuyển khí, các hoạt động trong phạm vi đải đất tuyến ống, hành lang an toàn, Khu vực ảnh hưởng chịu sự thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chuyên ngành về việc tuân thủ các quy định tại Quy chế này.

 

Điều 33. Khen thưởng

Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc bảo vệ an toàn cho đường ống vận chuyển khí hoặc có công phát hiện, ngăn chặn sự cố, những hành vi xâm phạm đường ống vận chuyển khí, hạn chế những thiệt hại về người và tài sản sẽ được xét khen thưởng theo quy định của pháp luật.

 

Điều 34. Xử lý vi phạm

Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Quy chế này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị cảnh cáo, phạt tiền, tịch thu phương tiện hoặc bị áp dụng các hình thức xử phạt hành chính khác.

Cá nhân vi phạm có yếu tố cấu thành tội phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật hiện hành.

 

CHƯƠNG VII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

Điều 35. Đối với các đường ống vận chuyển khí đang hoạt động, các tiêu chuẩn liên quan về an toàn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận được tiếp tục áp dụng. Đối với các đường ống vận chuyển khí chưa hoàn thành việc đền bù, giải phóng mặt bằng thì áp dụng các quy định của Quy chế này.

 

 

 


PHỤ LỤC 1

ĐỘ DÀY THÀNH ỐNG, HỆ SỐ THIẾT KẾ

 

Độ dày thành ống tối thiểu đối với ống thép được xác định theo công thức sau:

Trong đó:

t: chiều dày thiết kế của ống, mm;

P: áp suất thiết kế ở nhiệt độ thiết kế, bar;

D: đường kính ngoài của ống, mm;

f: hệ số thiết kế, không đơn vị;

s: Cường độ giới hạn chảy tối thiểu đặc trưng của vật liệu chế tạo ống, N/mm2.

Hệ số thiết kế f được xác định dựa trên cơ sở phân loại khu vực dân cư. Việc phân loại khu vực dân cư được quy định chi tiết tại Phụ lục 2. Hệ số thiết kế f được quy định tương ứng với từng loại khu vực dân cư như sau:

# Khu vực dân cư loại 1: hệ số f không lớn hơn 0,72;

# Khu vực dân cư loại 2: hệ số f không lớn hơn 0,60;

# Khu vực dân cư loại 3: hệ số f không lớn hơn 0,50;

# Khu vực dân cư loại 4: hệ số f không lớn hơn 0,40.

Đối với những đường ống vận chuyển khí đi qua vùng rừng núi, đất hoang hóa hay các khu vực khác không có hoặc rất ít dân cư sinh sống mà theo quy hoạch sử dụng đất sẽ ít có thay đổi trong giai đọan từ 10 đến 15 năm tiếp theo, hệ số thiết kế có thể lấy không lớn hơn 0,8.

 


PHỤ LỤC 2

PHÂN LOẠI KHU VỰC DÂN CƯ

 

Các yêu cầu về thiết kế, thi công và vận hành đường ống vận chuyển khí phải dựa trên cơ sở phân loại khu vực dân cư dọc theo tuyến ống. Phân loại dân cư được xác định trên cơ sở mật độ nhà ở trung bình như sau:

- Diện tích để tính mật độ trung bình là một hình chữ nhật có hai cạnh song song với tuyến ống được xác định từ mép ống cách đều về hai phía của đường ống, mỗi bên là 200 m và hai cạnh vuông góc với tuyến ống cách nhau 1000 m. Mỗi ô diện tích này được gọi là một đơn vị diện tích cơ sở.

- Cơ sở để tính dân cư là số nhà có người ở trong diện tích nói trên. Mỗi nhà có không quá một gia đình sinh sống và cấu trúc nhà không nhiều hơn 2 tầng.

- Nếu trong khu vực có nhà dạng chung cư, dạng biệt thự song lập, tứ lập, nhà có cấu trúc từ 3 tầng trở lên v.v… phải tính tổng số hộ sống trong căn nhà đó, mỗi hộ được coi là một nhà.

- Đối với khu vực có các nhà ở tập thể, các nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, v.v… phải quy đổi từ số người thường xuyên sống hoặc làm việc thành số hộ gia đình tương đương. Mỗi hộ được tính có bốn người.

- Khu vực dân cư được chia thành 4 loại như sau:

 

Khu vực dân cư

Mô tả

Loại 1*

Mật độ nhà ở trung bình dưới 6 nhà trên một đơn vị diện tích cơ sở (15 nhà/km2), đặc trưng cho các khu vực đất rừng, núi; đất hoang hóa; đất ngập mặn; đất nông nghiệp.

Loại 2*

Mật độ nhà ở trung bình từ 6 đến 28 nhà trên một đơn vị diện tích cơ sở (15 đến 70 nhà/km2), đặc trưng cho khu vực đất nông nghiệp có mật độ dân cư cao, các cụm dân cư.

Loại 3

Mật độ nhà ở trung bình nhiều hơn 28 nhà trên một đơn vị diện tích cơ sở (70 nhà/km2), đặc trưng cho các khu vực thị trấn, chợ, ngoại vi các thành phố, khu vực không thuộc khu vực dân cư loại 4.

Loại 4

Mật độ nhà ở trung bình nhiều hơn 28 nhà trên một đơn vị diện tích cơ sở (70 nhà/km2), đặc trưng cho các thành phố, mật độ dân cư cao, khu vực có các nhà ở nhiều tầng, mật độ giao thông cao và có nhiều công trình ngầm.

 

Ghi chú: (*) Nếu trong khu vực dân cư loại 1 hay 2 có các công trình như trường học, bệnh viện, nhà thờ, chợ, v.v…có mức tập trung thường xuyên nhiều hơn 20 người thì khu vực này được coi là khu vực dân cư loại 3.

Ghi chú
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Nội dung văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực

văn bản mới nhất

loading
×
×
×
Vui lòng đợi