NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 107/2004/NĐ-CP NGÀY 02 THÁNG 4 NĂM 2004
QUY ĐỊNH SỐ LƯỢNG PHÓ CHỦ TỊCH VÀ CƠ CẤU
THÀNH VIÊN UỶ BAN NHÂN DÂN CÁC CẤP
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Điều 122 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ,
NGHỊ ĐỊNH:
CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2003 quy định số lượng thành viên Uỷ ban nhân dân ở từng cấp; các quy định của Nghị định này và thực tế địa phương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân trình Hội đồng nhân dân cấp mình ấn định số lượng thành viên Uỷ ban nhân dân.
Điều 2. Ngoài những tiêu chuẩn quy định chung đối với cán bộ, thành viên Uỷ ban nhân dân phải là những người có năng lực quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, xã hội ở địa phương; chấp hành có hiệu quả nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp và pháp luật, chính sách của Nhà nước; trong công tác, biết phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương và nghiêm chỉnh chấp hành sự quản lý tập trung thống nhất của Trung ương. Uỷ ban nhân dân các cấp cần có thành viên là nữ, ở những nơi có nhiều dân tộc thiểu số cần có thành viên là người dân tộc thiểu số.
Điều 3. Uỷ ban nhân dân các cấp làm việc theo nguyên tắc tập thể. Chủ tịch là người đứng đầu Uỷ ban nhân dân chỉ đạo chung, chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân cấp mình và Uỷ ban nhân dân cấp trên trực tiếp. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân cấp mình và trước Chính phủ. Mỗi thành viên của Uỷ ban nhân dân chịu trách nhiệm cá nhân về phần công tác của mình trước Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp.
Điều 4. Uỷ ban nhân dân các cấp xây dựng và thực hiện quy chế làm việc, định rõ các mối quan hệ về phân công trách nhiệm và nguyên tắc làm việc giữa Uỷ ban nhân dân với các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân; quan hệ giữa Uỷ ban nhân dân với Hội đồng nhân dân và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp.
CHƯƠNG II
SỐ LƯỢNG PHÓ CHỦ TỊCH VÀ CƠ CẤU THÀNH VIÊN
UỶ BAN NHÂN DÂN CÁC CẤP
Điều 5. Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có 13 thành viên gồm có 1 Chủ tịch, 5 Phó Chủ tịch và 7 ủy viên. Thành viên Uỷ ban nhân dân được phân công phụ trách các lĩnh vực công việc như sau:
1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phụ trách chung, nội chính, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch, xây dựng và kiến trúc đô thị.
2. Các Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân:
a) Một Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế, thương mại, phát triển du lịch, kinh tế đối ngoại, hợp tác đầu tư; đổi mới và phát triển các doanh nghiệp.
b) Một Phó Chủ tịch phụ trách xây dựng, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị, phòng cháy chữa cháy.
c) Một Phó Chủ tịch phụ trách nông nghiệp và phát triển nông thôn, quản lý công tác thủy lợi, nhà đất và tài nguyên - môi trường.
d) Một Phó Chủ tịch phụ trách tài chính, quản lý nhà nước đối với các hoạt động thu, chi ngân sách; tổ chức thị trường tài chính, quản lý và xây dựng chính sách huy động các nguồn vốn, chỉ đạo quản lý vốn tại các doanh nghiệp, tài sản công và chính sách đền bù giải phóng mặt bằng.
đ) Một Phó Chủ tịch phụ trách văn hóa - xã hội và các lĩnh vực xã hội khác.
Việc phân công công tác cụ thể cho từng Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quyết định căn cứ vào năng lực cán bộ và thực tế địa phương.
3. Các ủy viên Uỷ ban nhân dân:
a) Một ủy viên phụ trách công an.
b) Một ủy viên phụ trách quân sự.
c) Một ủy viên phụ trách nội vụ.
d) Một ủy viên phụ trách văn phòng.
đ) Một ủy viên phụ trách kế hoạch.
e) Một ủy viên phụ trách tài chính.
g) Một ủy viên phụ trách lao động - thương binh và xã hội.
Điều 6. Uỷ ban nhân dân các tỉnh có dân số từ 2.000.000 người trở lên hoặc có diện tích từ 10.000 km2 trở lên và thành phố trực thuộc Trung ương là đô thị loại I (trừ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh) có 11 thành viên gồm có 1 Chủ tịch, 4 Phó Chủ tịch và 6 ủy viên. Thành viên Uỷ ban nhân dân được phân công phụ trách các lĩnh vực công việc như sau:
1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phụ trách chung, nội chính, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch đô thị và nông thôn.
2. Các Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân:
a) Một Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế, tài chính, doanh nghiệp, thương mại, du lịch, kinh tế đối ngoại.
b) Một Phó Chủ tịch phụ trách công nghiệp, giao thông, xây dựng, bưu chính viễn thông, khoa học - công nghệ.
c) Một Phó Chủ tịch phụ trách nông nghiệp, phát triển nông thôn, lâm nghiệp, thủy sản và thủy lợi, nhà đất và tài nguyên - môi trường.
d) Một Phó Chủ tịch phụ trách văn hóa - xã hội và các lĩnh vực xã hội khác.
Việc phân công công tác cụ thể cho từng Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quyết định căn cứ vào năng lực cán bộ và thực tế địa phương.
3. Các ủy viên Uỷ ban nhân dân:
a) Một ủy viên phụ trách công an.
b) Một ủy viên phụ trách quân sự.
c) Một ủy viên phụ trách nội vụ.
d) Một ủy viên phụ trách văn phòng.
đ) Một ủy viên phụ trách tài chính.
e) Một ủy viên phụ trách kế hoạch.
Điều 7. Uỷ ban nhân dân tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương không thuộc diện quy định tại Điều 6 Nghị định này có 9 thành viên gồm có 1 Chủ tịch, 3 Phó Chủ tịch và 5 ủy viên. Căn cứ vào những lĩnh vực công việc được quy định tại Điều 6 Nghị định này, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh phân công thành viên phụ trách cho phù hợp với địa phương.
Trong nhiệm kỳ Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thể ấn định thêm số lượng thành viên Uỷ ban nhân dân cấp mình nhưng tổng số không quá 11 thành viên và phải được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn.
Điều 8. Uỷ ban nhân dân huyện có dân số từ 150.000 người hoặc có diện tích từ 1.000 km2 trở lên và huyện có từ 30 đơn vị hành chính cấp xã trở lên, có 9 thành viên gồm có 1 Chủ tịch, 3 Phó Chủ tịch và 5 ủy viên Uỷ ban nhân dân. Thành viên Uỷ ban nhân dân được phân công phụ trách các lĩnh vực công việc như sau:
1. Chủ tịch phụ trách chung, nội chính, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch huyện, đất đai và tài nguyên - môi trường.
2. Các Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân:
a) Một Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế, tài chính, doanh nghiệp, thương mại, du lịch.
b) Một Phó Chủ tịch phụ trách nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản, công nghiệp, khoa học - công nghệ và xây dựng nông thôn.
c) Một Phó Chủ tịch phụ trách văn hóa - xã hội và các lĩnh vực xã hội khác.
Việc phân công công tác cụ thể cho từng Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quyết định căn cứ vào năng lực cán bộ và thực tế địa phương.
3. Các ủy viên Uỷ ban nhân dân:
a) Một ủy viên phụ trách công an.
b) Một ủy viên phụ trách quân sự.
c) Một ủy viên phụ trách văn phòng.
d) Một ủy viên phụ trách thanh tra.
đ) Một ủy viên phụ trách nông nghiệp, đất đai, xây dựng.
Điều 9. Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh không thuộc diện quy định tại Điều 8 Nghị định này có 7 thành viên gồm có 1 Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch và 4 ủy viên. Căn cứ vào những lĩnh vực công việc được quy định tại Điều 8 Nghị định này, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện phân công các thành viên phụ trách cho phù hợp với địa phương.
Trong nhiệm kỳ Hội đồng nhân dân cấp huyện có thể ấn định thêm số lượng thành viên Uỷ ban nhân dân cấp mình nhưng tổng số không vượt quá 9 thành viên và phải được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp trên trực tiếp phê chuẩn.
Điều 10. Uỷ ban nhân dân quận, thành phố thuộc tỉnh là đô thị loại 2 có 9 thành viên gồm có 1 Chủ tịch, 3 Phó Chủ tịch và 5 ủy viên. Thành viên Uỷ ban nhân dân được phân công phụ trách các lĩnh vực công việc như sau:
1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phụ trách chung, nội chính, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và quy hoạch đô thị.
2. Các Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân:
a) Một Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế, công nghiệp, giao thông công chính, xây dựng cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ, nhà đất và tài nguyên - môi trường.
b) Một Phó Chủ tịch phụ trách tài chính, doanh nghiệp, quản lý đô thị.
c) Một Phó Chủ tịch phụ trách văn hóa - xã hội và các lĩnh vực xã hội khác.
Việc phân công công tác cụ thể cho từng Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quyết định căn cứ vào năng lực cán bộ và tình hình thực tế của địa phương.
3. Các ủy viên Uỷ ban nhân dân:
a) Một ủy viên phụ trách công an.
b) Một ủy viên phụ trách quân sự.
c) Một ủy viên phụ trách văn phòng.
d) Một ủy viên phụ trách thanh tra.
đ) Một ủy viên phụ trách nông nghiệp, đất đai, xây dựng.
Điều 11. Uỷ ban nhân dân xã miền núi, hải đảo có dân số từ 5.000 người trở lên; xã đồng bằng, trung du có dân số từ 8.000 người trở lên và xã biên giới, có 5 thành viên gồm có 1 Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch, 2 ủy viên. Thành viên Uỷ ban nhân dân được phân công phụ trách các lĩnh vực công việc như sau:
1. Chủ tịch phụ trách chung, khối nội chính, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội xã.
2. Các Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân:
a) Một Phó Chủ tịch phụ trách khối kinh tế - tài chính, xây dựng, giao thông, nhà đất và tài nguyên - môi trường.
b) Một Phó Chủ tịch phụ trách khối văn hóa - xã hội và các lĩnh vực xã hội khác.
3. Các ủy viên Uỷ ban nhân dân:
a) Một ủy viên phụ trách công an.
b) Một ủy viên phụ trách quân sự.
Điều 12. Uỷ ban nhân dân xã không thuộc diện quy định tại Điều 11 Nghị định này có 3 thành viên gồm có 1 Chủ tịch, 1 Phó Chủ tịch và 1 ủy viên. Căn cứ vào những lĩnh vực công việc được quy định tại Điều 11 Nghị định này, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã phân công các thành viên phụ trách cho phù hợp với địa phương.
Trong nhiệm kỳ Hội đồng nhân dân xã có thể ấn định thêm số lượng thành viên Uỷ ban nhân dân cấp mình nhưng tổng số không vượt quá 5 thành viên và phải được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp trên trực tiếp phê chuẩn.
Điều 13. Uỷ ban nhân dân phường, thị trấn có 5 thành viên gồm có 1 Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch, 2 ủy viên. Thành viên Uỷ ban nhân dân được phân công phụ trách các lĩnh vực công việc như sau:
1. Chủ tịch phụ trách chung, khối nội chính, quản lý công tác quy hoạch đô thị.
2. Các Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân:
a) Một Phó Chủ tịch phụ trách khối kinh tế - tài chính, xây dựng cơ sở hạ tầng, khoa học - công nghệ, nhà đất và tài nguyên - môi trường.
b) Một Phó Chủ tịch phụ trách khối văn hóa - xã hội và các lĩnh vực xã hội khác.
3) Các ủy viên Uỷ ban nhân dân:
a) Một ủy viên phụ trách công an.
b) Một ủy viên phụ trách quân sự.
CHƯƠNG III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Nghị định số 174/CP ngày 29 tháng 9 năm 1994. Những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bị bãi bỏ. Trong quá trình thực hiện Nghị định này, các trường hợp phát sinh trên thực tế thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Điều 15. Bộ trưởng Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện Nghị định này và báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định những vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện.
Điều 16. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.