BỘ CÔNG THƯƠNG ------- Số: 805/QĐ-BCT | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 23 tháng 01 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP, THƯƠNG MẠI TUYẾN BIÊN GIỚI VIỆT - TRUNG ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
------------
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG
Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp, thương mại tuyến biên giới Việt - Trung đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu như sau:
1. Quan điểm phát triển
a) Phát triển công nghiệp, thương mại tuyến biên giới Việt - Trung với cơ cấu hợp lý, tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả trên cơ sở phát huy những lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên và hệ thống cửa khẩu;
b) Liên kết và tăng cường hợp tác trong mọi lĩnh vực nhằm thúc đẩy công nghiệp, thương mại phát triển trên toàn tuyến biên giới Việt - Trung;
c) Phát triển công nghiệp, thương mại nhằm góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương trên tuyến. Đồng thời góp phần xóa đói giảm nghèo, giải quyết công ăn việc làm và các vấn đề xã hội;
d) Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp, thương mại với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên, đảm bảo quốc phòng, an ninh, khu vực phòng thủ và bảo vệ môi trường.
a) Tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2011 - 2020 đạt khoảng 16,5 - 17,5%/năm; trong đó giai đoạn 2016-2020 khoảng 16% - 17%/năm; tỷ trọng GDP công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 26 - 32% trong cơ cấu GDP;
b) Tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2011-2020 đạt khoảng 19,5 - 20,5%/năm; trong đó giai đoạn 2016-2020 khoảng 17,5-18%; tốc độ tăng trưởng bình quân xuất nhập khẩu biên mậu giai đoạn 2011-2020 đạt khoảng 18-19%/năm.
3.1. Ngành công nghiệp
a) Tập trung đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng như: công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản trên cơ sở khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên, công nghiệp cơ khí, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, thủy điện...;
b) Tăng cường mối liên kết vùng nhằm phát triển một số dự án quy mô lớn trong lĩnh vực chế biến khoáng sản, chế biến lâm sản và cơ khí chế tạo;
c) Phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và từng bước khôi phục lại một số làng nghề góp phần vào sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu tại chỗ, giải quyết việc làm và phục vụ du lịch.
3.2. Ngành thương mại
a) Phát triển các loại hình thương mại hiện đại tại các khu vực đô thị kết hợp với các loại hình thương mại truyền thống (chợ, đại lý bán buôn, bán lẻ, cửa hàng bán lẻ...), mạng lưới kinh doanh xăng dầu; gắn phát triển hoạt động thương mại biên giới với phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa của các tỉnh biên giới;
b) Tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng các khu kinh tế cửa khẩu, hạ tầng thương mại phục vụ cho xuất nhập khẩu hàng hóa. Đặc biệt chú trọng phát triển hệ thống logistics và hệ thống kho bãi phục vụ cho các hoạt động thương mại biên giới và cung cấp nguyên liệu cho sản xuất hàng hóa;
c) Hoàn thiện cơ chế điều phối hoạt động thương mại biên giới Việt - Trung linh hoạt, hiệu quả từ Trung ương đến địa phương, kết hợp với phân cấp quản lý, điều hành hoạt động thương mại biên giới một cách hợp lý.
4.1. Lĩnh vực công nghiệp
4.1.1. Công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản
a) Đến năm 2020
Tập trung đầu tư, nâng cấp công nghệ khai thác nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường, triển khai các dự án chế biến sâu một số khoáng sản có trữ lượng lớn như quặng apatít, đồng, đá xây dựng và quặng sắt.
b) Tầm nhìn đến năm 2030
Tiếp tục đầu tư thăm dò tài nguyên, đánh giá trữ lượng khoáng sản tại khu vực biên giới, đảm bảo độ tin cậy. Đồng thời, tập trung chế biến sâu với công nghệ cao nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị và nâng cao hiệu quả trong chế biến khoáng sản.
4.1.2. Công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm và đồ uống
a) Đến năm 2020
Đầu tư các dự án chế biến lâm sản, nông sản để khai thác lợi thế về nguồn nguyên liệu từ chăn nuôi, trồng trọt và thủy sản. Trong đó tập trung vào một số lĩnh vực như chế biến chè, chế biến lâm sản (gỗ, que, hồi, nhựa thông). Đồng thời tiếp tục triển khai các dự án chế biến, bảo quản thực phẩm (thịt gia súc, gia cầm, nước giải khát, thạch đen, rượu...).
b) Tầm nhìn đến năm 2030
Phát triển công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu tập trung nhằm thúc đẩy sản xuất hàng hóa, tăng thêm giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước, kết hợp ưu tiên đầu tư đổi mới trang thiết bị và công nghệ.
4.1.3. Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng
a) Đến năm 2020
Đầu tư chuyển đổi công nghệ của một số cơ sở sản xuất xi măng, đá xây dựng và gạch. Đồng thời tận dụng nguồn nguyên liệu của các địa phương để sản xuất vật liệu không nung và tiến tới xóa bỏ các lò nung thủ công.
b) Tầm nhìn đến năm 2030
Đầu tư chuyển đổi công nghệ, thay thế dần công nghệ lạc hậu kết hợp ứng dụng kỹ thuật mới, tiên tiến vào sản xuất các loại vật liệu mới, vật liệu cao cấp, vật liệu tổng hợp.
4.1.4. Công nghiệp cơ khí, luyện kim
a) Đến năm 2020
Đầu tư một số dự án sản xuất thép quy mô lớn tại Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang. Tiếp tục đầu tư phát triển tiểu thủ công nghiệp và sản xuất các sản phẩm cơ khí, máy móc phục vụ nông, lâm nghiệp; các cửa hàng dịch vụ sửa chữa máy móc, thiết bị, phương tiện.
b) Tầm nhìn đến năm 2030
Đầu tư mới, mở rộng các dự án đóng tàu, sửa chữa tàu tại khu công nghiệp ven biển thuộc tỉnh Quảng Ninh và các cơ sở lắp ráp máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp tại các khu kinh tế cửa khẩu;
Tiếp tục phát triển các ngành tiểu, thủ công nghiệp, sản xuất các dụng cụ cầm tay, các dịch vụ sửa chữa thiết bị cơ khí và phương tiện vận tải.
4.1.5. Công nghiệp dệt may, da giầy
a) Đến năm 2020
Triển khai đầu tư một số dự án quy mô lớn trong lĩnh vực dệt và một số dự án sản xuất giầy, kết hợp với khôi phục một số làng nghề thổ cẩm để liên kết tạo ra các sản phẩm du lịch mới. Đồng thời, đầu tư các cơ sở may mặc quy mô nhỏ nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của đồng bào dân tộc trong khu vực.
b) Tầm nhìn đến năm 2030
Tiếp tục đầu tư một số dự án vào các khu công nghiệp trên địa bàn tuyến biên giới. Đồng thời, tùng bước đầu tư đổi mới công nghệ, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm kết hợp với xây dựng và phát triển thương hiệu.
4.1.6. Công nghiệp hóa chất
a) Đến năm 2020
Tập trung đầu tư hoàn thành dự án sản xuất phân bón DAP và một số dự án sản xuất phân vi sinh và chất tẩy rửa, nhiên liệu sinh học. Tiếp tục phát triển một số dự án sản xuất liên quan đến phốt pho và chiết xuất dược liệu.
b) Tầm nhìn đến năm 2030
Tiếp tục đẩy mạnh sản xuất và thu hút đầu tư vào một số sản phẩm nhựa phục vụ tiêu dùng và hóa dược.
4.1.7. Sản xuất và phân phối điện
- Đồng bộ hóa, hiện đại hóa mạng lưới truyền tải, phân phối đảm bảo cung cấp điện liên tục, an toàn, hiệu quả, ưu tiên các phụ tải sản xuất, quốc phòng, an ninh; phấn đấu đến năm 2020 về cơ bản tất cả các hộ dân được sử dụng điện;
- Ưu tiên phát triển một số nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
4.1.8. Tiểu thủ công nghiệp - Làng nghề
- Phát triển các ngành tiểu thủ công nghiệp, nghề truyền thống có sử dụng nhiều lao động và nguyên liệu tại địa phương như dệt, mây tre đan, chạm khắc gỗ, mộc dân dụng...;
- Tập trung hỗ trợ phát triển làng nghề, nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc; đào tạo, du nhập nghề mới cho nhân dân để giải quyết việc làm, tăng thu nhập, đảm bảo quốc phòng, an ninh, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
4.2. Lĩnh vực thương mại
4.2.1. Hệ thống thị trường
a) Thị trường hàng tiêu dùng
- Đối với khu vực đô thị
+ Xây dựng cấu trúc cân đối, hợp lý giữa các khu thương mại - dịch vụ để hình thành mạng lưới các khu thương mại - dịch vụ;
+ Phát triển các hình thức bán lẻ mới như trung tâm thương mại, siêu thị tổng hợp, siêu thị chuyên doanh và siêu thị dạng kho hàng trong đó chủ yếu là loại hình kinh doanh tổng hợp;
+ Đa dạng chức năng của chợ bán buôn, chợ chuyên doanh theo hướng chuyển đổi các ban quản lý chợ sang doanh nghiệp hoặc hợp tác xã kinh doanh và áp dụng các hình thức giao dịch hiện đại, các dịch vụ tổng hợp.
- Đối với khu vực nông thôn
+ Phát triển thị trường nông thôn gắn với việc tổ chức tốt hệ thống chợ cụm xã và các cụm thương mại - dịch vụ tại các trung tâm dân cư, vừa đảm bảo kinh doanh và phục vụ hàng chính sách, vừa kết hợp hoạt động thương mại với giao lưu văn hóa của đồng bào dân tộc.
+ Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp thương mại phát triển hệ thống cửa hàng để trở thành kênh phân phối chủ yếu hàng công nghiệp tiêu dùng.
+ Tại các xã và trung tâm cụm xã, phát triển các chợ hạng III phục vụ cho việc trao đổi mua bán hàng hóa, nông sản; tại các khu dân cư tập trung chú ý phát triển phù hợp siêu thị quy mô hạng III.
b) Thị trường hàng nông sản
- Phát triển các trung tâm mua sắm, siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm ở khu vực đô thị;
- Khuyến khích các nhà sản xuất, nhà cung ứng bán nông sản vào các siêu thị, cửa hàng. Đồng thời phát triển hình thức mua bán thông qua hợp đồng giữa thương nhân và người nông dân.
c) Thị trường ngành hàng, mặt hàng xuất - nhập khẩu
- Đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có giá trị tăng thêm cao, tăng sản phẩm chế biến, chế tạo, sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, giảm dần tỷ trọng hàng thô;
- Phát triển các hệ thống doanh nghiệp xuất, nhập khẩu kết hợp với nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ quản lý doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất - nhập khẩu.
d) Tầm nhìn đến 2030
- Phát triển mạnh các hình thức bán lẻ mới như trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, siêu thị tổng hợp, siêu thị chuyên doanh và siêu thị dạng kho hàng trong đó chủ yếu là loại hình kinh doanh tổng hợp.
- Từng bước hiện đại mạng lưới phân phối, hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng, trong đó chú trọng phát triển các chuỗi liên kết theo phương thức nhượng quyền kinh doanh và các chuỗi liên kết tự nguyện của các siêu thị nhỏ, các cửa hàng chuyên doanh để tăng năng lực cạnh tranh;
- Phát triển các trung tâm logistics để cung cấp đồng bộ các dịch vụ hậu cần phân phối.
- Hệ thống doanh nghiệp thương mại
+ Các doanh nghiệp thương mại bán lẻ: Phát triển các doanh nghiệp thương mại bán lẻ của các thành phần kinh tế theo những loại hình như: trung tâm thương mại; siêu thị vừa và nhỏ; chợ tổng hợp, chợ chuyên doanh, chợ nông thôn...
+ Các doanh nghiệp thương mại bán buôn: Tiếp tục phát triển các doanh nghiệp thương mại bán buôn theo các loại hình như: công ty bán buôn tổng hợp, công ty bán buôn chuyên doanh, hợp tác xã thương mại thu mua, trung tâm kho vận và trung chuyển.
+ Các đại lý:
Thay đổi chức năng và vai trò của các đại lý từ bán buôn đơn thuần sang cung cấp dịch vụ là chính. Các nhà bán buôn, đại lý sẽ chuyển trọng tâm từ mua bán, giao dịch, lợi nhuận ngắn hạn chuyển sang xây dựng thương hiệu dịch vụ phân phối hàng hóa;
Tăng mức độ chuyên nghiệp hóa trong hệ thống đại lý, phát triển một cách chuyên nghiệp hóa theo từng loại hình kênh phân phối.
4.2.2. Kết cấu hạ tầng thương mại
a) Các khu thương mại
Xây dựng và nâng cấp các khu thương mại tại trung tâm các huyện, trong đó tập trung đầu tư phát triển nhanh ở các khu thương mại tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh, cửa khẩu Móng Cái, cửa khẩu Lào Cai.
b) Các trung tâm trung chuyển và kho vận
Xây dựng trung tâm trung chuyển tại Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, Lào Cai, Móng Cái và các hệ thống kho bãi tại các cửa khẩu Mường Khương, Xín Mần, Thanh Thủy, Sóc Giang, Hùng Quốc, Tà Lùng, Hoành Mô và Bắc Phong Sinh.
c) Sàn giao dịch hàng hóa
Thí điểm xây dựng sàn giao dịch hàng hóa tại một trong các địa điểm: khu Thương mại Tân Thanh, khu Thương mại - Công nghiệp Kim Thành và Khu thương mại trong khu Kinh tế cửa khẩu Móng Cái và tại các cửa khẩu Hoành Mô, Tà Lùng, Thanh Thủy.
d) Trung tâm thương mại
Xây dựng Trung tâm thương mại tại các khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, Lào Cai, Móng Cái, Thanh Thủy...
đ) Hệ thống siêu thị
Xây dựng siêu thị tổng hợp hạng 2 tại Hải Hà, Cao Lộc, Vị Xuyên. Đồng thời xây dựng và nâng cấp các siêu thị hạng 3 tại khu vực thị trấn các huyện biên giới.
e) Hệ thống chợ
- Tiếp tục xây dựng và nâng cấp mở rộng hệ thống chợ đường biên tại các lối mở phục vụ nhu cầu mua sắm, trao đổi hàng hóa của cư dân sinh sống ở khu vực biên giới, kết hợp xây dựng mới một số chợ cửa khẩu;
- Nâng cấp, mở các chợ hạng 3 tại các xã phục vụ nhu cầu tiêu dùng của dân cư trên địa bàn, đồng thời là nơi trao đổi, mua bán hàng nông sản thực phẩm.
6. Một số giải pháp chủ yếu
6.1. Giải pháp ngắn hạn
a) Tập trung phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, hệ thống vận tải, kho bãi, khu kiểm hóa tại các khu vực cửa khẩu biên giới. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại tại các khu vực cửa khẩu biên giới như kho tàng để bảo quản, chợ biên giới, khu gia công chế biến, phân loại đóng gói hàng hóa xuất khẩu;
b) Thành lập Trung tâm điều phối hoạt động thương mại biên giới nhằm thu thập đầy đủ, kịp thời và chính xác các thông tin liên quan đến thị trường, cơ chế, chính sách của Trung Quốc để cung cấp cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Đồng thời điều tiết các hoạt động xuất khẩu nhằm đạt được hiệu quả nhất.
6.2. Giải pháp dài hạn
a) Tiếp tục triển khai các hoạt động liên quan đến thành lập các Khu hợp tác kinh tế qua biên giới để thuận tiện cho việc xuất, nhập khẩu hàng hóa. Phối hợp ban hành cơ chế chính sách quản lý thống nhất, có sự phối hợp giám sát giữa hai bên nhằm phát huy tối đa lợi thế của mỗi bên và đảm bảo hài hòa lợi ích chung.
b) Hoàn thiện hành lang pháp lý giữa hai nước, tạo điều kiện đơn giản hóa các thủ tục hành chính (như thủ tục Hải quan, kiểm dịch động thực vật, thị thực xuất nhập cảnh...) theo mô hình dịch vụ một cửa liên thông, nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp và cư dân biên giới giữa hai nước được trao đổi hàng hóa và dịch vụ thương mại hỗ trợ nhau cùng phát triển.
c) Đẩy mạnh các hoạt động thương mại biên giới tại các khu kinh tế cửa khẩu, khu vực chợ biên giới…, cũng như trong khuôn khổ hợp tác kinh tế trong khu vực và trên thế giới.
d) Phát triển tiểu thủ công nghiệp và khôi phục lại các làng nghề nhằm xóa đói, giảm nghèo, tạo công ăn việc làm nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh khu vực biên giới.
đ) Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi phù hợp tạo điều kiện cho các nhà đầu tư. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các dự án quy mô lớn và có sức lan tỏa.
e) Triển khai đồng bộ một số giải pháp liên quan khác như phát triển nguồn nhân lực, đổi mới công nghệ, phát triển thị trường, xúc tiến đầu tư nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp và thương mại tuyến biên giới Việt - Trung phát triển.
g) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch nhằm đảm bảo việc triển khai quy hoạch một cách thống nhất, tuân thủ phân bố không gian và liên kết tuyến nhằm hạn chế việc đầu tư chồng chéo gây lãng phí; khai thác tối đa lợi thế của từng địa phương trong tuyến và phát huy hiệu quả của các dự án đầu tư.
7. Tổ chức thực hiện
a) Bộ Công Thương chịu trách nhiệm công bố "Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp, thương mại dọc tuyến biên giới Việt - Trung đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" và tổ chức theo dõi, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch.
b) Các Bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân các tỉnh trên tuyến biên giới Việt - Trung đề xuất, xây dựng các cơ chế, chính sách cụ thể để tạo điều kiện thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của Quy hoạch.
c) Ủy ban nhân dân các tỉnh trên tuyến biên giới Việt - Trung
- Phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch; chỉ đạo xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút đầu tư. Khẩn trương triển khai xây dựng các công trình hạ tầng đặc biệt là hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu, khu, cụm công nghiệp, giao thông, thông tin liên lạc để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.
- Căn cứ vào Quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại tuyến biên giới Việt - Trung để rà soát, điều chỉnh nội dung quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại cho phù hợp, tránh đầu tư chồng chéo.
- Xây dựng chương trình chung về xúc tiến kêu gọi đầu tư và triển khai quy hoạch một cách thống nhất, góp phần phát triển hài hòa, giải quyết vấn đề lao động và an sinh xã hội.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh tuyến biên giới Việt - Trung và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng (để b/c); - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ (để b/c); - Văn phòng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - UBND các tỉnh tuyến biên giới Việt - Trung; - Lãnh đạo Bộ; - Website Bộ Công Thương; - Các Vụ, Cục, Tổng cục thuộc Bộ; - Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách công nghiệp; - Viện Nghiên cứu Thương mại; - Website Bộ Công Thương; - Lưu: VT, KH (2b). | BỘ TRƯỞNG Vũ Huy Hoàng |