Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Quyết định 1730/QĐ-TTg 2016 về thực hiện thi đua xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020
- Tóm tắt
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
thuộc tính Quyết định 1730/QĐ-TTg
Cơ quan ban hành: | Thủ tướng Chính phủ | Số công báo: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Số hiệu: | 1730/QĐ-TTg | Ngày đăng công báo: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày đăng công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Loại văn bản: | Quyết định | Người ký: | Nguyễn Xuân Phúc |
Ngày ban hành: | 05/09/2016 | Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | Chính sách, Thi đua-Khen thưởng-Kỷ luật |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Đến 2020, 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới
Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 05/09/2016 kèm theo Quyết định số 1730/QĐ-TTg.
Theo đó, nhằm mục tiêu đến năm 2020, khoảng 50% số xã trên cả nước đạt chuẩn nông thôn mới, số xã còn lại đảm bảo đạt 05 tiêu chí trở lên; mỗi tỉnh có ít nhất 01 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần cải thiện đáng kể đời sống vật chất và tinh thần cho người dân trên địa bàn nông thôn…, Thủ tướng đã đề ra một số tiêu chuẩn thi đua và hình thức khen thưởng.
Cụ thể, các Bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể Trung ương phải hoàn thành có chất lượng, đúng tiến độ các văn bản hướng dẫn xây dựng nông thôn mới; tiếp tục đăng ký và tham gia chỉ đạo, hỗ trợ đối với địa phương trong xây dựng nông thôn mới. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nỗ lực bám sát cơ sở, có sáng kiến, giải pháp hữu ích trong việc xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành, tổ chức thực hiện, kiểm tra việc thực hiện cơ chế, chính sách, hướng dẫn hoặc tháo gỡ khó khăn cho cơ sở trong xây dựng nông thôn mới…
Quyết định này thay thế Quyết định số 1620/QĐ-TTg ngày 20/09/2011 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Xem chi tiết Quyết định 1730/QĐ-TTg tại đây
tải Quyết định 1730/QĐ-TTg
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ Số: 1730/QĐ-TTg |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 05 tháng 09 năm 2016 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH TỔ CHỨC THỰC HIỆN PHONG TRÀO THI ĐUA “CẢ NƯỚC CHUNG SỨC XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI” GIAI ĐOẠN 2016 – 2020
--------------------
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật thi đua, khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng ngày 14 tháng 6 năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng ngày 16 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình công tác năm 2016 của Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới;
Xét đề nghị của Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1620/QĐ-TTg ngày 20 tháng 9 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
THỦ TƯỚNG |
KẾ HOẠCH
TỔ CHỨC THỰC HIỆN PHONG TRÀO THI ĐUA “CẢ NƯỚC CHUNG SỨC XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI” GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1730/QĐ-TTg ngày 05 tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ)
Nhân dịp kỷ niệm 63 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2011), Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã phát động Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” (sau đây gọi tắt là "Phong trào thi đua") và ban hành Quyết định số 1620/QĐ-TTg ngày 20 tháng 9 năm 2011 về tổ chức thực hiện Phong trào thi đua. Trong 05 năm qua, Phong trào thi đua đã phát triển sâu rộng, được sự hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã tổng kết giai đoạn I Phong trào thi đua. Để Phong trào tiếp tục đạt kết quả toàn diện, góp phần hoàn thành thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua giai đoạn 2016 - 2020 như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích:
a) Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trực tiếp tham gia thực hiện thắng lợi chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước;
b) Tổ chức Phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, phấn đấu đến năm 2020 đạt tỷ lệ 50% số xã trên cả nước đạt chuẩn nông thôn mới; số xã còn lại đảm bảo đạt 05 tiêu chí trở lên. Mỗi tỉnh có ít nhất 01 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; góp phần cải thiện đáng kể đời sống vật chất và tinh thần cho người dân trên địa bàn nông thôn.
2. Yêu cầu:
a) Việc thực hiện Phong trào thi đua phải trở thành nhiệm vụ trọng tâm trong các phong trào thi đua của các bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và hoạt động cụm, khối thi đua giai đoạn 2016 - 2020;
b) Phong trào thi đua tiếp tục được triển khai sâu rộng từ trung ương đến cấp cơ sở, với nội dung, hình thức phong phú, thiết thực, phù hợp với thực tiễn ở địa phương, cơ sở; phát huy được sáng kiến, sáng tạo của các tầng lớp nhân dân;
c) Việc công nhận, biểu dương, khen thưởng các xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới phải thực chất, khách quan, tạo động lực thúc đẩy Phong trào thi đua, tránh chạy theo thành tích;
d) Đến năm 2020, các cấp, các ngành tiến hành tổng kết Phong trào thi đua, khen thưởng và kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các sáng kiến, kinh nghiệm hay; các mô hình, cách làm sáng tạo trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
II. NỘI DUNG PHONG TRÀO THI ĐUA
1. Các bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể Trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ tiếp tục xây dựng, hướng dẫn kịp thời và tổ chức thực hiện có hiệu quả Phong trào thi đua; tập trung vào các hoạt động nghiên cứu, phát huy sáng kiến trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các chính sách, đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.
2. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục phát động, hướng dẫn, đổi mới nội dung, hình thức triển khai thực hiện Phong trào thi đua trên địa bàn; trong đó chú trọng:
- Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể Trung ương trong việc xây dựng nông thôn mới, phù hợp với vùng, miền, địa bàn và đối tượng dân cư;
- Huy động các tổ chức và cá nhân ở trong và ngoài nước tích cực tham gia, đóng góp công sức, phát huy nội lực, tăng cường hoạt động xã hội hóa xây dựng nông thôn mới;
- Lắng nghe, tập hợp ý kiến nhân dân; tuyên truyền, vận động củng cố, tăng cường sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân để chung sức xây dựng nông thôn mới.
- Từng cấp phấn đấu hoàn thành sớm, có chất lượng các chỉ tiêu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí sau khi đạt chuẩn.
3. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các đoàn thể nhân dân vận động đoàn viên, hội viên tham gia hưởng ứng tích cực Phong trào thi đua, gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Các bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cụm, khối thi đua căn cứ vào đặc điểm tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ và đối tượng cụ thể để có các hình thức tuyên truyền phù hợp, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức; tạo sự đồng thuận của toàn xã hội và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong quyết tâm triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả Phong trào thi đua.
2. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương chỉ đạo các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mở các chuyên trang, chuyên mục, tăng cường thời lượng, bám sát cơ sở nhằm phát hiện, biểu dương và nhân rộng những mô hình hay, cách làm mới, các điển hình tiên tiến trong thực hiện Phong trào thi đua.
3. Các bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước căn cứ chức năng, nhiệm vụ triển khai có hiệu quả Phong trào thi đua với nội dung, tiêu chí cụ thể, tránh hình thức, lãng phí.
4. Năm 2018, các bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động tiến hành sơ kết giai đoạn II, đánh giá, rút kinh nghiệm để tiếp tục thực hiện và tiến hành tổng kết Phong trào thi đua vào năm 2020.
5. Hàng năm, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức các đoàn kiểm tra tình hình triển khai thực hiện Phong trào thi đua ở một số địa phương, đơn vị và tiến hành tổng kết Phong trào thi đua vào năm 2020.
IV. TIÊU CHUẨN THI ĐUA VÀ HÌNH THỨC KHEN THƯỞNG
1. Tiêu chuẩn thi đua
a) Đối với các bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể Trung ương:
- Hoàn thành có chất lượng, đúng tiến độ các văn bản hướng dẫn xây dựng nông thôn mới theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.
- Nghiên cứu để kịp thời điều chỉnh các văn bản hướng dẫn và tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoàn thiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.
- Tiếp tục đăng ký và tham gia chỉ đạo, hỗ trợ (có địa chỉ cụ thể) đối với địa phương trong xây dựng nông thôn mới. Cấp bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể Trung ương đăng ký hỗ trợ ít nhất 01 huyện hoặc 01 xã đặc biệt khó khăn.
b) Đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
- Có huyện đạt chuẩn nông thôn mới; có tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới cao nhất trong cụm; có mức tăng trưởng tiêu chí bình quân/xã cao nhất trong cụm.
- Có nhiều mô hình, cách làm sáng tạo; triển khai thực hiện nghiêm các quy định của trung ương và là đơn vị tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới so với các tỉnh trong cụm thi đua.
- Không nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.
c) Đối với cấp huyện:
- Huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới, có mức tăng trưởng tiêu chí bình quân/xã và kết quả nâng chất lượng tiêu chí cao nhất trong tỉnh.
- Là đơn vị tiêu biểu trong nỗ lực phấn đấu xây dựng nông thôn mới của tỉnh, thành phố.
- Không nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.
d) Đối với xã:
- Xã đạt chuẩn nông thôn mới và là xã tiêu biểu trong nỗ lực xây dựng nông thôn mới của huyện.
- Xã đặc biệt khó khăn có nhiều nỗ lực vươn lên trong xây dựng nông thôn mới: Là xã đặc biệt khó khăn có mức tăng mới 10 tiêu chí trở lên trong giai đoạn 2016 - 2020 (trong đó có tiêu chí thu nhập và giảm nghèo).
- Xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu: Là xã đã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015 của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có kết quả nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới toàn diện, nổi bật.
Các xã nêu trên không nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.
đ) Đối với các doanh nghiệp:
- Có đóng góp cụ thể, thiết thực trong xây dựng nông thôn mới.
- Có liên kết, phối hợp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và giải quyết việc làm trên địa bàn nông thôn.
e) Đối với cá nhân:
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (nông dân, công nhân, xã viên...) nỗ lực bám sát cơ sở, có sáng kiến, giải pháp hữu ích trong việc xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành, tổ chức thực hiện, kiểm tra việc thực hiện cơ chế, chính sách, hướng dẫn hoặc tháo gỡ khó khăn cho cơ sở trong xây dựng nông thôn mới.
g) Đối tượng khác: Các tổ chức quốc tế, các hội, doanh nhân, trí thức, nhà khoa học, các cá nhân ở trong và ngoài nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài... có nhiều đóng góp về công sức, trí tuệ, vật chất xây dựng nông thôn mới; sản xuất giỏi, có thu nhập cao và giúp đỡ cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
2. Hình thức khen thưởng
a) Khen thưởng hàng năm:
- Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, các cụm, khối thi đua, các bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể Trung ương, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước và tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lấy kết quả triển khai tổ chức thực hiện Phong trào thi đua là căn cứ quan trọng để đánh giá thi đua cho các đơn vị cấp dưới.
- Các bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể Trung ương và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khen thưởng kết quả thực hiện Phong trào thi đua theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.
b) Khen thưởng tổng kết Phong trào thi đua:
- Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương lựa chọn, đề nghị khen thưởng:
+ Mỗi cụm thi đua 01 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thành tích xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới;
+ Mỗi khối thi đua 01 bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể Trung ương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước có thành tích xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới;
+ Một số tỉnh, thành phố tiêu biểu nhất trong các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã được khen thưởng tại Tổng kết giai đoạn I, được khen thưởng tại Tổng kết Phong trào Thi đua vào năm 2020.
- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lựa chọn, đề nghị khen thưởng:
+ Các huyện đạt chuẩn nông thôn mới (trừ các huyện đã được khen thưởng giai đoạn 2011 - 2015).
+ 5% số xã của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 (trừ các xã đạt chuẩn nông thôn mới đã được khen thưởng tại giai đoạn 2011 - 2015).
+ 5% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
+ Xã đặc biệt khó khăn có nhiều nỗ lực vươn lên trong xây dựng nông thôn mới.
- Bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể Trung ương lựa chọn, đề nghị khen thưởng: 02 đến 03 đơn vị trực thuộc, 01 đến 02 cá nhân tiêu biểu có thành tích nổi bật trong Phong trào thi đua để đề nghị khen thưởng.
- Khen thưởng doanh nghiệp: Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương sẽ có hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn, số lượng để xét khen thưởng doanh nghiệp khi tiến hành Tổng kết Phong trào thi đua.
- Khen thưởng cá nhân: Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chọn 02 đến 03 cá nhân tiêu biểu (là cán bộ trực tiếp chỉ đạo và thực hiện Chương trình nông thôn mới các cấp; người dân có nhiều đóng góp, người nông dân có phát minh sáng chế, doanh nhân tiêu biểu...) trong xây dựng nông thôn mới để đề nghị khen thưởng.
Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương là đầu mối tiếp nhận, tổng hợp, thẩm định hồ sơ khen thưởng; phối hợp với các cơ quan liên quan để xét khen thưởng và trình Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương (đối với khen thưởng cấp bộ, cấp tỉnh) trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Việc xét khen thưởng cho các tập thể, cá nhân khác đạt thành tích xuất sắc ở bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể Trung ương và tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do các bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể Trung ương và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định.
c) Hình thức và mức khen thưởng:
- Đối với xã:
+ Xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 và xã đặc biệt khó khăn có nhiều nỗ lực vươn lên trong xây dựng nông thôn mới: Được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và thưởng công trình phúc lợi trị giá 1.000.000.000 đồng.
+ Xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu: Được Chính phủ tặng Cờ Thi đua và thưởng 01 công trình phúc lợi trị giá 1.000.000.000 đồng.
- Đối với huyện, thị xã:
+ Huyện đạt chuẩn nông thôn mới: Được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba và thưởng công trình phúc lợi trị giá 10.000.000.000 đồng.
+ Thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, có đơn vị hành chính 10 xã trở lên: Được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba và thưởng công trình phúc lợi trị giá 10.000.000.000 đồng.
Đối với thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, có đơn vị hành chính từ 05 đến 09 xã: Được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba và thưởng công trình phúc lợi trị giá 5.000.000.000 đồng (năm tỷ đồng).
Đối với thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, có đơn vị hành chính dưới 05 xã: Được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba và thưởng công trình phúc lợi trị giá 3.000.000.000 đồng (ba tỷ đồng).
- Đối với tỉnh:
+ Tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới: Được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất và thưởng công trình phúc lợi trị giá 30.000.000.000 đồng (ba mươi tỷ đồng).
+ Tỉnh, thành phố tiêu biểu nhất trong các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã được khen thưởng tại Tổng kết giai đoạn I được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Ba và thưởng theo quy định hiện hành.
- Đối với bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể Trung ương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước: Được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất và thưởng theo quy định hiện hành.
- Doanh nghiệp và các cá nhân có thành tích xuất sắc hoặc đặc biệt xuất sắc trong việc thực hiện Phong trào thi đua được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen hoặc đề nghị Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba và thưởng theo quy định hiện hành.
Công trình phúc lợi thưởng cho các tập thể phải là các công trình trực tiếp phục vụ cộng đồng dân cư trên địa bàn nông thôn.
d) Kinh phí khen thưởng:
Được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 và theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng. Đối với các địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương (trừ tỉnh Quảng Ngãi), không hỗ trợ kinh phí từ ngân sách trung ương để khen thưởng.
V. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN
1. Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai giai đoạn II của Phong trào thi đua trong tháng 8 năm 2016.
2. Các bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng kế hoạch, hướng dẫn tổ chức triển khai phong trào trong tháng 10 năm 2016.
3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí quy định tiêu chuẩn xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trong tháng 12 năm 2016.
4. Các bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiến hành sơ kết phong trào thi đua vào năm 2018.
5. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương tiến hành tổng kết Phong trào thi đua vào năm 2020.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 cùng cấp thống nhất các nội dung và biện pháp triển khai có hiệu quả Phong trào thi đua giai đoạn 2016 - 2020.
2. Các bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ kế hoạch và điều kiện cụ thể xây dựng kế hoạch, hướng dẫn và triển khai tổ chức thực hiện đảm bảo nội dung, chất lượng và tiến độ. Các cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm tuyên truyền, mở chuyên trang, chuyên mục, tăng thời lượng tuyên truyền Phong trào thi đua và các gương điển hình tiên tiến.
3. Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các đoàn thể nhân dân có trách nhiệm tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới thông qua Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phát hiện, nhân rộng các điển hình trong phạm vi toàn quốc.
4. Hàng năm, các bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo tình hình tổ chức thực hiện Phong trào thi đua về Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
5. Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai, đôn đốc việc tổ chức thực hiện Kế hoạch này, hàng năm báo cáo Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương và Thủ tướng Chính phủ.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc cần điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch cho phù hợp với tình hình thực tiễn theo đề nghị của các bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.