Nghị quyết 13/1998/NQ-CP của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 1998
- Thuộc tính
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
NGHỊ QUYẾT
CỦA CHÍNH
PHỦ SỐ 13/1998/NQ-CP NGÀY 30 THÁNG 10 NĂM 1998
VỀ PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG
10 NĂM 1998
Trong hai ngày 26 và
27 tháng 10 năm 1998, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 10 năm 1998, thảo
luận và quyết nghị các vấn đề sau đây:
1. Nhất trí về cơ bản nội dung Báo cáo tình hình dân di cư tự do, chủ trương và giải pháp khắc phục trong thời gian tới do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình. Đề án này chỉ giới hạn phạm vi dân di cư tự do trong khu vực nông thôn, nông nghiệp và lâm nghiệp.
Trong những năm gần đây, ngoài số dân được điều chuyển theo kế hoạch, số dân di cư tự do trong khu vực nông thôn, nông nghiệp và lâm nghiệp đã góp phần phân bổ lại lao động dân cư trong cả nước, khắc phục tình trạng mất cân đối lao động cục bộ, khai thác thêm tiềm năng lao động, đất đai, tạo ra những ngành nghề và sản phẩm mới. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân về kinh tế - xã hội và sự yếu kém trong công tác quản lý Nhà nước, nên vấn đề dân di cư tự do có chiều hướng phát triển trong mấy năm gần đây, đã gây ra một số vấn đề xã hội phức tạp; phá rừng và làm nương rẫy bừa bãi, ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái ở một số địa phương.
Di cư tự do là vấn đề kinh tế - xã hội lớn và phức tạp, cần phải có những giải pháp đồng bộ để giải quyết vấn đề này một cách căn bản, đồng thời đáp ứng những vấn đề bức xúc đang đặt ra. Trước hết cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với dân di cư tự do, có các biện pháp cụ thể trong tổ chức chỉ đạo thực hiện trên cơ sở phân công, phân cấp rõ và đề cao trách nhiệm của chính quyền các cấp nhằm đưa công tác phân bổ lại dân cư theo quy hoạch, kế hoạch, hạn chế đi đến xoá bỏ tình trạng di cư tự do, tự phát. Cần gắn việc giải quyết vấn đề di dân tự do với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên phạm vi cả nước và trong từng vùng, từng địa phương; với việc lồng ghép và thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh trên từng địa bàn. Các ngành, các cấp, nhất là ở các địa phương có đồng bào di cư đến phải có trách nhiệm bảo đảm những quyền lợi về kinh tế, xã hội, chính trị cho người di cư đến; khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung và triển khai thực hiện các chính sách về đất đai, về đầu tư, hỗ trợ xã hội... để đảm bảo điều kiện sống tối cần thiết cho đồng bào định cư tại nơi ở mới. Đồng thời, người dân di cư đến các địa phương phải có nghĩa vụ thực hiện đúng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần cùng với chính quyền các cấp ổn định đời sống, sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng định cư.
Trước mắt, Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu ý kiến tại phiên họp, dự thảo Quyết định về các biện pháp giải quyết tình trạng di cư tự do trong khu vực nông thôn, nông nghiệp và lâm nghiệp, trình Thủ tướng ký, ban hành trong quý IV năm 1998.
2. Chính phủ đã nghe Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ trình bày tờ trình Chính phủ dự thảo Nghị định về tổ chức bộ máy giúp việc Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến thành viên Chính phủ về dự thảo Nghị định.
Trong tình hình hiện nay, cần sắp xếp lại cơ cấu, tổ chức bộ máy, làm rõ chức năng quản lý Nhà nước của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức trực thuộc; rà soát, sửa đổi, bổ sung thể chế một cách đồng bộ; thiết lập trật tự kỷ cương hành chính, phân định rõ quyền hạn và trách nhiệm của cấp trên và cấp dưới; thực hiện giảm biên chế với các chính sách và giải pháp phù hợp.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu cụ thể hơn về tổ chức chính quyền địa phương các cấp; tổ chức, sắp xếp lại các cơ quan thuộc Thủ tướng Chính phủ, các tổ chức mang tính chất tư vấn; xác định rõ chức năng quản lý Nhà nước, tham mưu, chỉ đạo, điều hành của từng loại cơ quan hành chính và cơ quan tư vấn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Chính phủ giao Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu để trình Chính phủ phương án tổng thể về tổ chức bộ máy các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tổ chức tư vấn do Thủ tướng Chính phủ thành lập, gắn với cải cách hành chính, giảm biên chế, làm trong sạch bộ máy và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.
Trước mắt, Chính phủ giao các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ khẩn trương nghiên cứu và sắp xếp lại các bộ phận trong cơ quan theo thẩm quyền; củng cố và phát huy vai trò của tổ chức thanh tra trong việc giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước theo chuyên ngành, đúng chính sách, pháp luật; đồng thời thực hiện các biện pháp đồng bộ nhằm xoá bỏ sự chồng chéo trong quản lý, bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành nhanh nhạy và có hiệu quả.
3. Chính phủ đã nghe Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ báo cáo nội dung Dự án Pháp lệnh Cơ yếu; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến thành viên Chính phủ về Dự án Pháp lệnh.
Chính phủ đã thảo luận và cho ý kiến về nhiều nội dung của Dự án Pháp lệnh, đặc biệt là về phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Pháp lệnh, về tên của Pháp lệnh, về cơ cấu tổ chức của ngành cơ yếu, về kinh phí và cơ cấu tổ chức của ngành cơ yếu, về kinh phí và cơ sở vật chất bảo đảm cho hoạt động cơ yếu và chế độ chính sách đối với người làm công tác cơ yếu...
Chính phủ giao Ban Cơ yếu Chính phủ phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, tiếp tục hoàn chỉnh Dự án Pháp lệnh, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, báo cáo xin ý kiến Thường vụ Bộ Chính trị.
4. Chính phủ đã nghe Tổng Thanh tra Nhà nước báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo quý III năm 1998.
Trong quý III năm 1998, các ngành, các cấp đã chỉ đạo giải quyết các điểm khiếu kiện đông người có diễn biến phức tạp; tập trung lực lượng kiểm tra việc thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực của các cấp có thẩm quyền, do vậy số vụ việc được giải quyết dứt điểm đạt tỷ lệ cao hơn so với quý trước và cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, ngành thanh tra cũng đã phát hiện, xử lý nhiều sai phạm và kiến nghị các ngành, các cấp khắc phục sai sót, sơ hở, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực.
Chính phủ yêu cầu các ngành, các cấp quán triệt và triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 35/1998/CT-TTg ngày 9 tháng 10 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ, tăng cường hiệu lực giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, chỉ đạo thực hiện dứt điểm các kết luận, kiến nghị của thanh tra các cấp có thẩm quyền; giao Thanh tra Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các kiến nghị cụ thể để sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những điểm sơ hở, thiếu chặt chẽ về chế độ quản lý tài chính của các cơ quan báo chí, ngân sách xã và sự đóng góp của nông dân, việc lập hồ sơ và thực hiện chế độ chi trả đối với các đối tượng được hưởng chính sách xã hội.
5. Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày báo cáo một số nét về tình hình thực hiện kế hoạch tháng 10 và 10 tháng năm 1998. Trong 10 tháng qua, tình hình kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn, song đã có nhiều cố gắng lớn, nhờ đó sản xuất nông nghiệp, công nghiệp có khả năng đạt chỉ tiêu kế hoạch điều chỉnh.
Để thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã điều chỉnh của năm 1998, Chính phủ yêu cầu các ngành, các cấp cần tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành nêu trong Nghị quyết số 08/1998/NQ-CP ngày 16 tháng 7 năm 1998 và các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành trong quý III năm 1998; tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn nhằm phát triển sản xuất; đẩy mạnh giải ngân các nguồn vốn dành cho đầu tư xây dựng cơ bản; thực hiện mọi biện pháp khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu; tích cực tăng thu, giảm chi, thực hành tiết kiệm; theo dõi chặt chẽ và điều hành linh hoạt giá và tỷ giá, kiềm chế lạm phát.