THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ------- Số: 29/CT-TTg | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 26 tháng 11 năm 2012 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TRIỂN KHAI PHONG TRÀO VỆ SINH YÊU NƯỚC NÂNG CAO SỨC KHỎE NHÂN DÂN
Hưởng ứng lời kêu gọi “Vệ sinh yêu nước” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19 tháng 6 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 730/QĐ-TTg về việc lấy ngày 02 tháng 7 hàng năm là Ngày Vệ sinh yêu nước. Đồng thời, ngày 01 tháng 7 năm 2012, Chủ tịch nước đã chính thức phát động Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân trên phạm vi cả nước, kêu gọi toàn dân tích cực tham gia các hoạt động vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống dịch bệnh và cải thiện sức khỏe. Để phong trào được thực hiện có hiệu quả và duy trì bền vững, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện các nội dung công việc sau:
1. Thực hiện Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khoẻ nhân dân là trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, mỗi đơn vị, mỗi người dân. Phong trào cần được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và sự hưởng ứng tích cực của mọi người dân nhất là trên địa bàn xã, phường, thị trấn, quận, huyện. Triển khai Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân là hoạt động thiết thực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.
2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm toàn diện về chỉ đạo, phối hợp tổ chức triển khai thực hiện Phong trào trên toàn địa phương:
a) Chỉ đạo tất cả các cấp, các ngành, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tổ quốc tại địa phương phát huy sức mạnh tổng hợp nhằm huy động toàn thể người dân tham gia thực hiện Phong trào. Giao ngành Y tế là cơ quan đầu mối để tham mưu cho Ủy ban nhân dân các cấp trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện, đồng thời tiến hành kiện toàn và giao nhiệm vụ bổ sung đối với Ban Chỉ đạo Chăm sóc sức khỏe nhân dân các cấp.
b) Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khơi dậy ý thức, trách nhiệm của nhân dân tham gia giải quyết tốt các vấn đề vệ sinh liên quan tới sức khỏe như vệ sinh để phòng chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm; vận động người dân thay đổi thói quen, tập quán vệ sinh lạc hậu, thực hiện các hành vi vệ sinh có lợi cho sức khỏe. Thực hiện ăn sạch, uống sạch, ở sạch; thu gom, không vứt rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường; xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, không phóng uế bừa bãi; xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh và di dời chuồng gia súc, gia cầm ra xa nhà; bảo đảm an toàn vệ sinh trong lao động để phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu có liên quan tới vệ sinh và nâng cao sức khỏe của các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình dự án... đang triển khai trên địa bàn.
c) Chỉ đạo các cơ quan truyền thông tại địa phương thực hiện tốt việc tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn thể người dân về vệ sinh nâng cao sức khoẻ, bảo đảm Phong trào được thực hiện một cách sâu rộng và bền vững. Mỗi cán bộ, đảng viên phải là người tiên phong, gương mẫu đi đầu trong việc hưởng ứng và thực hiện Phong trào.
d) Chỉ đạo việc lựa chọn và quyết định lấy ngày nhất định trong tháng để huy động toàn thể nhân dân tham gia các hoạt động tổng vệ sinh đường làng, ngõ, xóm, cơ quan, trường học, công sở tạo những thói quen và nếp sống vệ sinh, văn minh trong nhân dân.
đ) Tăng cường đầu tư, huy động các nguồn lực để thực hiện Phong trào trên cơ sở đầu tư của Nhà nước, đồng thời thực hiện tốt việc xã hội hóa huy động nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp, tập thể, cá nhân và các hộ gia đình để thực hiện.
e) Trong quá trình triển khai thực hiện phải tiến hành kiểm tra giám sát một cách thường xuyên, thực hiện việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm và đưa ra những bài học, những mô hình, sáng kiến hay để nhân rộng. Phát động thi đua thực hiện Phong trào trên cơ sở lồng ghép với các phong trào thi đua khác của địa phương, kịp thời khen thưởng, động viên những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Phong trào.
3. Bộ Y tế là cơ quan đầu mối phối hợp với các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có trách nhiệm:
a) Xây dựng kế hoạch liên ngành và hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện nhằm bảo đảm Phong trào được phát triển sâu rộng và duy trì một cách có hiệu quả.
b) Chỉ đạo triển khai nhằm bảo đảm đạt được mục tiêu của các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình dự án về phòng chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng nhà tiêu hộ gia đình, vệ sinh trong lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp.
c) Hằng năm, tổ chức phát động chiến dịch huởng ứng Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân - Ngày 02 tháng 7 theo các chủ đề ưu tiên để giải quyết những vấn đề cấp thiết về vệ sinh liên quan đến sức khỏe.
4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo triển khai nhằm bảo đảm đạt được các mục tiêu liên quan đến vệ sinh và nâng cao sức khỏe của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Chỉ đạo việc cung cấp đủ nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho người dân khu vực nông thôn sử dụng. Tiếp tục vận động người dân xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh và di dời chuồng gia súc, gia cầm ra xa nhà, không sử dụng phân tươi để chăm bón cây trồng, nuôi thủy sản. Thực hiện tốt vệ sinh trong nông nghiệp, bảo đảm thực phẩm cung cấp cho người dân được an toàn, vệ sinh.
5. Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung chỉ đạo giải quyết các vấn đề vệ sinh liên quan tới ô nhiễm môi trường; có kế hoạch cụ thể để từng bước giảm thiểu, kiểm soát, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và mất vệ sinh trong các làng nghề và khu vực dân cư nông thôn. Đặc biệt, có kế hoạch phát động phong trào rộng khắp trong nhân dân nhằm thay đổi tập quán, ý thức của người dân trong việc phân loại, thu gom và xử lý chất thải, không vứt rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường.
6. Bộ Xây dựng tập trung chỉ đạo việc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân tại các đô thị; đồng thời kiểm tra việc tổ chức lập và thực hiện quy hoạch cấp nước, thoát nước và quản lý chất thải rắn tại các đô thị trên địa bàn toàn quốc.
7. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì nghiên cứu, bổ sung, lồng ghép nội dung giảng dạy về vệ sinh trong nhà trường cho phù hợp với từng cấp học. Đẩy mạnh việc thông tin, giáo dục, truyền thông, giảng dạy lồng ghép kiến thức và tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh cho học sinh, sinh viên trong nhà trường để tạo thói quen thực hành các hành vi vệ sinh có lợi cho sức khỏe góp phần xây dựng cộng đồng có nếp sống hợp vệ sinh, văn minh. Hình thành, xây dựng và phát triển các phong trào học sinh, sinh viên tích cực tham gia các hoạt động vệ sinh và nâng cao sức khỏe trong trường học và tại cộng đồng.
8. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn việc rà soát, bổ sung các tiêu chí về vệ sinh yêu nước vào Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, các quy định trong hương ước, quy ước văn hóa của thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố. Khơi dậy những nét đẹp văn hóa, giữ gìn nếp sống văn minh; xóa bỏ dần các tập quán hủ tục, lạc hậu gây mất vệ sinh không có lợi cho sức khỏe trong cộng đồng dân cư. Tuyên truyền và vận động sâu rộng trong quần chúng nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng các hoạt động của Phong trào. Tiếp tục duy trì, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.
9. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh truyền hình, các hoạt động thông tin cơ sở, hệ thống truyền thanh ở xã, phường đẩy mạnh tuyên truyền vận động để mọi người dân trong cả nước tích cực tham gia các hoạt động của Phong trào.
10. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bố trí kinh phí tạo điều kiện cho Bộ Y tế, các Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và địa phương tiến hành triển khai các hoạt động của Phong trào.
11. Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có kế hoạch cụ thể của từng cấp để triển khai phong trào; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên và toàn dân hưởng ứng, tự giác tham gia phong trào. Lồng ghép có hiệu quả việc thực hiện Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
Hằng năm, Chính phủ sẽ tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm và tiến hành khen thưởng những đơn vị, địa phương, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Phong trào. Việc tiến hành bình xét thi đua khen thưởng có thể lồng ghép với việc bình xét thi đua khen thưởng trong Phong trào thi đua yêu nước hằng năm. Giao Bộ Y tế giám sát kiểm tra đôn đốc, đề xuất thi đua, khen thưởng trong việc thực hiện Phong trào cũng như quá trình thực hiện Chỉ thị này, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này./.
Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP; - VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng; - HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Tổng Bí thư; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; - Văn phòng Quốc hội; - Toà án nhân dân tối cao; - Viện kiểm sát nhân dân tối cao; - Kiểm toán Nhà nước; - Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia; - Ngân hàng Chính sách xã hội; - Ngân hàng Phát triển Việt Nam; - UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo; - Lưu: VT, KGVX (3b). | THỦ TƯỚNG Nguyễn Tấn Dũng |