BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG ------------------ Số: 38/2011/TT-BTNMT | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ------------------ Hà Nội, ngày 20 tháng 10 năm 2011 |
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC THI ĐUA, KHEN THƯỞNG
TRONG NGÀNH TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Căn cứ Luật Thi đua, khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng;
Căn cứ Nghị định số 25/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Nghị định số 19/2010/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2010 và Nghị định số 89/2010/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 25/2008/NĐ-CP;
Căn cứ Nghị định số 154/2004/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2004 của Chính phủ về nghi thức Nhà nước trong tổ chức mít tinh, lễ kỷ niệm; trao tặng và đón nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước, Huân chương, Huy chương, Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ;
Căn cứ Thông tư số 02/2011/TT-BNV ngày 24 tháng 01 năm 2011 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng;
Căn cứ Thông tư số 71/2011/TT-BTC ngày 24 tháng 5 năm 2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ thi đua, khen thưởng theo Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng;
Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng trong ngành tài nguyên và môi trường như sau:
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn chi tiết một số nội dung về đối tượng thi đua, khen thưởng; phát động phong trào thi đua, các danh hiệu và tiêu chuẩn thi đua, các hình thức, tiêu chuẩn khen thưởng; thẩm quyền quyết định, trao tặng, thủ tục, hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua, khen thưởng; Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp; Khối, Cụm thi đua và Quỹ thi đua khen thưởng trong ngành tài nguyên và môi trường.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Tập thể, cá nhân công tác trong ngành tài nguyên và môi trường từ Trung ương đến địa phương có thành tích xuất sắc trong công tác.
2. Tập thể, cá nhân công tác ngoài ngành tài nguyên và môi trường có nhiều thành tích đóng góp xây dựng và phát triển ngành tài nguyên và môi trường.
3. Tập thể là cơ quan, tổ chức nước ngoài; cá nhân là người nước ngoài bao gồm cả người nước ngoài làm việc ở Việt Nam và người Việt Nam ở nước ngoài có thành tích đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành tài nguyên và môi trường Việt Nam.
4. Cá nhân đã công tác trong ngành tài nguyên và môi trường được nghỉ chế độ hoặc chuyển công tác khác theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Nguyên tắc thi đua, khen thưởng
1. Nguyên tắc thi đua và căn cứ xét tặng danh hiệu thi đua được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật Thi đua, khen thưởng và khoản 2 Điều 3 của Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng (sau đây gọi tắt là Nghị định số 42/2010/NĐ-CP).
2. Nguyên tắc khen thưởng và căn cứ xét khen thưởng thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 6 của Luật Thi đua, khen thưởng và khoản 2 Điều 4 của Nghị định số 42/2010/NĐ-CP.
3. Những trường hợp đang trong thời gian thi hành kỷ luật hoặc đang xem xét xử lý kỷ luật hoặc có đơn thư khiếu nại, tố cáo chưa được xác minh, làm rõ thì chưa xem xét đề nghị khen thưởng.
Điều 4. Quyền hạn, trách nhiệm trong công tác thi đua, khen thưởng
Thực hiện theo Điều 8, Điều 9 và Điều 10 của Nghị định số 42/2010/NĐ-CP và các quy định sau:
1. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động, chỉ đạo phong trào thi đua trong phạm vi toàn Ngành, quyết định tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm về công tác thi đua, khen thưởng trong ngành tài nguyên và môi trường.
2. Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng tham mưu, phối hợp với các đơn vị liên quan và các tổ chức đảng, đoàn thể thuộc Bộ đề xuất trình Bộ trưởng về chủ trương, nội dung, chương trình, kế hoạch, biện pháp tổ chức phong trào thi đua; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua, công tác khen thưởng; tổ chức tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong Ngành; thẩm định hồ sơ thi đua, khen thưởng trình Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ xét, trình Bộ trưởng tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng theo quy định của pháp luật.
3. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về công tác thi đua, khen thưởng của đơn vị được giao phụ trách; chủ động phối hợp với tổ chức đảng, đoàn thể cùng cấp tổ chức phát động, duy trì thường xuyên các phong trào thi đua, tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng theo quy định.
4. Các cơ quan báo chí của ngành tài nguyên và môi trường có nhiệm vụ tuyên truyền công tác thi đua, khen thưởng; phát hiện tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua, nêu gương các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, cổ động phong trào thi đua, đấu tranh phê phán các hành vi vi phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng trong ngành tài nguyên và môi trường.
5. Tập thể, cá nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng phải thực hiện đầy đủ, kịp thời các quy định về trình tự thủ tục và thời hạn gửi hồ sơ đề nghị khen thưởng theo quy định của Thông tư này và các quy định pháp luật có liên quan về thi đua, khen thưởng.
Điều 5. Quyền lợi và nghĩa vụ của tập thể, cá nhân được khen thưởng
1. Tập thể, cá nhân được tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng được nhận giấy chứng nhận, bằng, khung bằng và tiền thưởng hoặc tặng phẩm lưu niệm theo quy định; có quyền lưu giữ, trưng bày; tập thể được sử dụng biểu tượng của các hình thức khen thưởng trên các văn bản, tài liệu của đơn vị.
2. Tập thể, cá nhân được cấp có thẩm quyền tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng có nghĩa vụ bảo quản hiện vật khen thưởng, không được cho thuê, mượn.
3. Tiếp tục duy trì, phát huy thành tích đã đạt được, góp phần khơi dậy phong trào thi đua yêu nước, động viên tập thể, cá nhân nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng với các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng đã được trao tặng.
4. Cá nhân được tặng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua ngành tài nguyên và môi trường”, danh hiệu “Chiến sỹ thi đua toàn quốc”, được tặng Huân chương, danh hiệu vinh dự Nhà nước, “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước”, ngoài việc được khen thưởng theo quy định, được ưu tiên xét lên lương sớm trước thời hạn, ưu tiên cử đi nghiên cứu, học tập, công tác, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ở trong nước và nước ngoài theo quy định hiện hành.
5. Danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng của cá nhân là một trong những căn cứ đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ hằng năm.
Chương 2.
TỔ CHỨC PHÁT ĐỘNG PHONG TRÀO THI ĐUA, DANH HIỆU THI ĐUA
VÀ TIÊU CHUẨN DANH HIỆU THI ĐUA
Điều 6. Hình thức, nội dung tổ chức phong trào thi đua
1. Hình thức, nội dung tổ chức phong trào thi đua được thực hiện theo quy định tại Điều 6, Điều 7 Nghị định số 42/2010/NĐ-CP và điểm 1 Mục I Thông tư số 02/2011/TT-BNV.
2. Phát động, chỉ đạo và tổ chức phong trào thi đua
a) Hằng năm, Bộ trưởng phát động và chỉ đạo phong trào thi đua thường xuyên, thi đua theo đợt hoặc theo chuyên đề trong phạm vi toàn Ngành.
b) Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc Bộ; Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ nội dung phong trào thi đua do Bộ phát động và điều kiện, đặc điểm cụ thể của cơ quan, đơn vị để xây dựng kế hoạch, tổ chức phát động phong trào thi đua thường xuyên, theo đợt hoặc theo chuyên đề trong phạm vi cơ quan, đơn vị mình quản lý.
c) Tổ chức đảng và đoàn thể trong cơ quan, đơn vị có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với thủ trưởng đơn vị cùng cấp vận động thành viên của tổ chức mình hưởng ứng phong trào thi đua, thực hiện và giám sát việc thực hiện các nội dung thi đua, bảo đảm cho phong trào thi đua đạt chất lượng và hiệu quả cao.
Điều 7. Đăng ký danh hiệu thi đua và ký giao ước thi đua
1. Hằng năm, sau khi Bộ trưởng phát động phong trào thi đua, các cơ quan, đơn vị trong toàn Ngành có trách nhiệm đăng ký bằng văn bản các danh hiệu thi đua quy định tại Điều 8 Thông tư này và gửi về Bộ (qua Vụ Thi đua - Khen thưởng) trước ngày 28 tháng 02 hằng năm.
2. Vụ Thi đua - Khen thưởng có trách nhiệm tổng hợp đăng ký thi đua của các đơn vị; tham mưu, trình Bộ trưởng phê duyệt và theo dõi đăng ký thi đua cấp Bộ và đăng ký với Chính phủ trước ngày 15 tháng 3 hằng năm.
3. Căn cứ nội dung phong trào thi đua hằng năm do Bộ trưởng phát động, các Khối, Cụm thi đua tổ chức ký kết giao ước thi đua và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện.
Điều 8. Danh hiệu và tiêu chuẩn các danh hiệu thi đua
1. Danh hiệu và tiêu chuẩn thi đua đối với tập thể, gồm:
a) “Tập thể lao động tiên tiến” được xét tặng hằng năm cho các tập thể đạt tiêu chuẩn quy định tại Điều 28 của Luật Thi đua, khen thưởng và có thời gian hoạt động từ 12 tháng trở lên.
b) “Tập thể lao động xuất sắc” được xét tặng hằng năm cho các tập thể đạt các tiêu chuẩn quy định tại Điều 27 của Luật Thi đua, khen thưởng và có thời gian hoạt động từ 12 tháng trở lên, có cá nhân đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở” và không có cá nhân bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên theo quy định của Luật Cán bộ, công chức hoặc hình thức chuyển làm công việc khác có mức lương thấp hơn trong thời hạn tối đa 6 tháng trở lên theo quy định của Bộ luật Lao động.
Bộ xét tặng danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” cho các đối tượng gồm: các đơn vị trực thuộc Bộ; các đơn vị trực thuộc các Tổng cục, các Cục, Viện, Trường, các Trung tâm trực thuộc Bộ, riêng Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia là các Đài Khí tượng thủy văn khu vực và tương đương trở lên; các doanh nghiệp trực thuộc Bộ là các đơn vị trực thuộc Tổng Công ty hoặc Công ty.
c) “Cờ thi đua của Bộ Tài nguyên và Môi trường” được xét tặng hằng năm cho các tập thể có đăng ký, dẫn đầu các Khối, Cụm thi đua và đạt tiêu chuẩn quy định tại Điều 26 của Luật Thi đua, khen thưởng và khoản 4 Điều 16 của Nghị định số 42/2010/NĐ-CP. Hằng năm, các Khối, Cụm thi đua bình chọn đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua của Khối, Cụm đề nghị Bộ xét tặng.
d) “Cờ thi đua của Chính phủ” được xét tặng hằng năm cho các tập thể thuộc Bộ có đăng ký và đạt các tiêu chuẩn quy định tại Điều 25 của Luật Thi đua, khen thưởng và khoản 2, khoản 3 Điều 16 của Nghị định số 42/2010/NĐ-CP. Tập thể được xét tặng “Cờ thi đua của Chính phủ” phải là tập thể tiêu biểu, xuất sắc được xét chọn trong số những tập thể đã được xét tặng “Cờ thi đua của Bộ Tài nguyên và Môi trường”.
e) Các Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị xét tặng “Cờ thi đua của Chính phủ” qua tuyến trình Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
2. Danh hiệu và tiêu chuẩn thi đua đối với cá nhân, gồm:
a) “Lao động tiên tiến” được xét tặng hằng năm cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn được quy định tại khoản 1 Điều 24 của Luật Thi đua, khen thưởng và điểm a khoản 2 Mục I Thông tư số 02/2011/TT-BNV.
b) “Chiến sỹ thi đua cơ sở” được xét tặng hằng năm cho các cá nhân đạt tiêu chuẩn quy định tại Điều 13 của Nghị định số 42/2010/NĐ-CP.
Hội đồng xét duyệt sáng kiến cấp cơ sở do Thủ trưởng đơn vị cấp Vụ và tương đương trực thuộc Bộ và Thủ trưởng các đơn vị có thẩm quyền công nhận danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở” quyết định thành lập. Thành viên Hội đồng gồm Lãnh đạo đơn vị, đại diện Đảng ủy hoặc Chi ủy, Công đoàn và Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh của đơn vị. Hội đồng làm việc theo chế độ tập thể, biểu quyết theo đa số bằng hình thức bỏ phiếu. Các kết luận của Hội đồng chỉ có hiệu lực khi ít nhất có 3/4 số thành viên Hội đồng dự họp và khi biểu quyết phải có ít nhất 3/4 số thành viên dự họp biểu quyết công nhận sáng kiến của cá nhân.
c) “Chiến sỹ thi đua ngành tài nguyên và môi trường” được xét tặng hằng năm cho các cá nhân đạt các tiêu chuẩn quy định tại Điều 14 của Nghị định số 42/2010/NĐ-CP.
d) “Chiến sỹ thi đua toàn quốc” được xét tặng hằng năm cho cá nhân đạt tiêu chuẩn quy định tại Điều 15 của Nghị định số 42/2010/NĐ-CP.
đ) Hội đồng xét duyệt sáng kiến cấp Ngành do Bộ trưởng quyết định thành lập để xét duyệt, công nhận sáng kiến đối với cá nhân đề nghị xét tặng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cấp Ngành” và “Chiến sỹ thi đua toàn quốc”.
4. Hằng năm, căn cứ đề nghị của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố hoặc của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến nhận xét, đánh giá thành tích của Sở Tài nguyên và Môi trường và Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn để các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương có căn cứ xét tặng, hoặc trình cấp có thẩm quyền xét tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng theo quy định.
Chương 3.
HÌNH THỨC VÀ TIÊU CHUẨN KHEN THƯỞNG
Điều 9. Hình thức, tiêu chuẩn các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước
Hình thức khen thưởng cấp Nhà nước gồm: “Huân chương Sao vàng”; “Huân chương Hồ Chí Minh”; “Huân chương Độc lập hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba”; “Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba”; “Huân, Huy chương kháng chiến”; “Huân chương và Huy chương Hữu nghị”; Danh hiệu vinh dự Nhà nước (Danh hiệu “Anh hùng Lao động”; “Nhà giáo nhân dân”; “Nhà giáo ưu tú”); “Giải thưởng Hồ Chí Minh”; “Giải thưởng Nhà nước” và “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” thực hiện theo quy định tại Chương III của Luật Thi đua, khen thưởng, Chương III của Nghị định số 42/2010/NĐ-CP và Mục II Thông tư số 02/2011/TT-BNV của Bộ Nội vụ.
Điều 10. Hình thức và tiêu chuẩn các hình thức khen thưởng ngành tài nguyên và môi trường
1. “Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường” được xét tặng cho:
a) Tập thể đạt thành tích xuất sắc nhiệm vụ thường xuyên hằng năm theo quy định tại khoản 3 Điều 49 của Nghị định số 42/2010/NĐ-CP là những tập thể đạt 02 lần liên tục danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”.
b) Cá nhân đạt thành tích xuất sắc nhiệm vụ thường xuyên hằng năm theo quy định tại khoản 2 Điều 49 của Nghị định số 42/2010/NĐ-CP là những cá nhân đạt 02 lần liên tục danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở”.
c) Tập thể, cá nhân quy định tại Điều 2 của Thông tư này khi có thành tích đột xuất; thành tích xuất sắc trong thực hiện các phong trào thi đua theo chuyên đề hoặc có thành tích đóng góp xây dựng Ngành tài nguyên và môi trường.
2. Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp tài nguyên và môi trường” thực hiện theo Thông tư số 12/2009/TT-BTNMT ngày 17 tháng 8 năm 2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp tài nguyên và môi trường”.
3. Giấy khen của Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ có tài khoản và con dấu riêng xét tặng cho tập thể, cá nhân thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại Điều 75 của Luật Thi đua, khen thưởng.
4. Ngoài các hình thức khen thưởng nêu trên, Vụ Thi đua - Khen thưởng đề xuất trình Bộ trưởng quyết định các hình thức động viên phù hợp để kịp thời nêu gương tốt trong phong trào thi đua.
Chương 4.
THẨM QUYỀN QUYẾT ĐỊNH, TRAO TẶNG, THỦ TỤC, HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ
XÉT TẶNG DANH HIỆU THI ĐUA, KHEN THƯỞNG
Điều 11. Thẩm quyền quyết định tặng danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng
1. Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cấp Nhà nước theo quy định tại Điều 77, Điều 78 của Luật Thi đua, khen thưởng.
2. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định tặng: “Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường”, “Cờ thi đua của Bộ Tài nguyên và Môi trường”, “Chiến sỹ thi đua ngành tài nguyên và môi trường”, Danh hiệu “Tập thể Lao động xuất sắc” đối với các tập thể thuộc Bộ, Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tài nguyên và Môi trường”; quyết định tặng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở”, “Lao động tiên tiến”, “Tập thể lao động tiên tiến” đối với tập thể, cá nhân các đơn vị thuộc Bộ không có tài khoản và con dấu riêng; và các hình thức động viên khác theo quy định tại khoản 2 Điều 101 của Luật Thi đua, khen thưởng.
3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Trưởng cơ quan đại diện của Bộ tại thành phố Hồ Chí Minh tặng Giấy khen, danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Tập thể lao động tiên tiến” đối với tập thể, cá nhân và danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở” đối với cá nhân thuộc phạm vi quản lý.
4. Thủ trưởng các Tổng cục: Môi trường, Quản lý Đất đai, Biển và Hải đảo Việt Nam tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng theo quy định tại Điều 80 của Luật Thi đua, khen thưởng. Cụ thể như sau:
a) Danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Tập thể lao động tiên tiến” cho tập thể, cá nhân thuộc Khối cơ quan;
b) “Chiến sỹ thi đua cơ sở” cho cá nhân các đơn vị thuộc phạm vi quản lý;
c) Giấy khen cho tập thể, cá nhân thuộc phạm vi quản lý;
d) Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc các Tổng cục nêu trên có con dấu và tài khoản riêng tặng Danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Tập thể lao động tiên tiến” cho tập thể, cá nhân thuộc phạm vi quản lý.
5. Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia và Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng theo quy định tại Điều 80 của Luật Thi đua, khen thưởng và những quy định như sau:
a) Danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Tập thể lao động tiên tiến” cho tập thể, cá nhân và “Chiến sỹ thi đua cơ sở” thuộc Khối cơ quan;
b) Giấy khen cho tập thể, cá nhân thuộc phạm vi quản lý;
c) Các Liên đoàn thuộc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước, các Đài khu vực thuộc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia xét tặng Danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Tập thể lao động tiên tiến” cho tập thể, cá nhân, “Chiến sỹ thi đua cơ sở” và Giấy khen cho tập thể, cá nhân thuộc phạm vi quản lý.
6. Tổng công ty Tài nguyên và Môi trường Việt Nam tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng theo quy định tại Điều 80 của Luật Thi đua, khen thưởng. Cụ thể như sau:
a) Tổng giám đốc Tổng công ty tặng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng: Danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Tập thể lao động tiên tiến” cho tập thể, cá nhân và Danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở” thuộc Khối cơ quan và các đơn vị hạch toán phụ thuộc; tặng Giấy khen cho tập thể, cá nhân thuộc phạm vi quản lý.
b) Giám đốc các đơn vị hạch toán độc lập (Công ty) tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng: “Lao động tiên tiến”, “Tập thể lao động tiên tiến” cho tập thể, cá nhân; “Chiến sỹ thi đua cơ sở”; Giấy khen cho tập thể, cá nhân thuộc phạm vi quản lý.
7. Thủ trưởng các Cục, các Viện, Trường, các Trung tâm (trừ Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia và Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước), các Doanh nghiệp trực thuộc Bộ (trừ Tổng Công ty Tài nguyên và Môi trường Việt Nam) tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng theo quy định tại Điều 80 của Luật Thi đua, khen thưởng. Cụ thể như sau: tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Tập thể lao động tiên tiến” cho tập thể, cá nhân; danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở” và Giấy khen cho tập thể, cá nhân thuộc phạm vi quản lý.
8. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố tặng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng cho tập thể, cá nhân theo hướng dẫn của Thông tư này và hướng dẫn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Điều 12. Quy trình đề nghị tặng danh hiệu thi đua, khen thưởng
1. Thủ trưởng đơn vị các cấp trong ngành tài nguyên và môi trường tặng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng theo thẩm quyền quy định tại Điều 11 của Thông tư này hoặc trình cấp có thẩm quyền xét tặng các danh hiệu thi đua và khen thưởng đối với tập thể, cá nhân thuộc phạm vi quản lý.
2. Cấp nào chủ trì phát động các phong trào thi đua thì cấp đó lựa chọn tập thể, cá nhân xuất sắc để tặng danh hiệu thi đua và khen thưởng hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền tặng danh hiệu thi đua và khen thưởng.
3. Khen thưởng cấp Bộ:
a) Đối với tập thể, cá nhân thuộc Bộ: Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ thực hiện quy trình xét khen thưởng, hoàn thiện hồ sơ và đề nghị Vụ Thi đua - Khen thưởng thẩm định hồ sơ trình Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ hoặc trình Bộ trưởng xét, quyết định khen thưởng;
b) Đối với tập thể và cá nhân thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Hội đồng Thi đua, Khen thưởng Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện quy trình xét khen thưởng, hoàn thiện hồ sơ và đề nghị Vụ Thi đua - Khen thưởng thẩm định trình Hội đồng hoặc Bộ trưởng xét, quyết định khen thưởng.
c) Đối với cá nhân ngoài ngành tài nguyên và môi trường:
Ở Trung ương: Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ; Thủ trưởng các đơn vị quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương xác nhận thành tích, đề nghị Vụ Thi đua - Khen thưởng thẩm định trình Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ hoặc Bộ trưởng xét, quyết định khen thưởng.
Ở địa phương: Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường xác nhận thành tích và đề nghị Vụ Thi đua - Khen thưởng thẩm định trình Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ hoặc Bộ trưởng xét, quyết định khen thưởng.
d) Đối với cơ quan, tổ chức nước ngoài, cá nhân là người nước ngoài; tổ chức, cá nhân là người Việt Nam ở nước ngoài: Thủ trưởng cơ quan, đơn vị nơi người đó trực tiếp làm việc hoặc có đóng góp xác nhận thành tích, đề nghị Vụ Thi đua - Khen thưởng phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế thẩm định trình Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ hoặc Bộ trưởng xét, quyết định khen thưởng.
4. Khen thưởng cấp Nhà nước:
a) Đối với tập thể, cá nhân các đơn vị trực thuộc Bộ: Thủ trưởng các đơn vị thực hiện quy trình xét khen thưởng ở đơn vị, hoàn thiện hồ sơ và xác nhận thành tích, đề nghị Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ xét, trình Bộ trưởng quyết định trình cấp có thẩm quyền xét, quyết định khen thưởng;
b) Đối với các tổ chức kinh tế ngoài quốc doanh, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cấp nào quyết định cổ phần hóa, quyết định thành lập thì cấp đó trình khen thưởng. Trường hợp có thành tích xuất sắc, góp phần xây dựng và phát triển ngành tài nguyên và môi trường thì trình Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ xét, trình Bộ trưởng quyết định trình cấp có thẩm quyền xét, khen thưởng.
c) Đối với các tập thể, cá nhân thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện quy trình xét khen thưởng, hoàn thiện hồ sơ và xác nhận thành tích, đề nghị Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xét, trình cấp có thẩm quyền xét, quyết định khen thưởng.
Điều 13. Quy trình xét khen thưởng
1. Các đơn vị trình khen thưởng hoàn tất hồ sơ nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện về Vụ Thi đua - Khen thưởng thực hiện theo quy trình như sau:
a) Chuyên viên phụ trách lĩnh vực, đơn vị có trách nhiệm kiểm tra, tiếp nhận những hồ sơ đủ điều kiện, tiêu chuẩn trong ngày làm việc; trả lại hồ sơ không đủ điều kiện hoặc thông báo, yêu cầu đơn vị hoàn thiện, nộp lại sau 05 ngày làm việc; thông tin kết quả xét khen thưởng cho đơn vị đề nghị khen thưởng.
b) Vụ Thi đua - Khen thưởng có trách nhiệm thẩm định, hoàn thiện hồ sơ trình Bộ trưởng xét, quyết định hoặc trình Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ xét, trình Bộ trưởng để trình cấp có thẩm quyền xét, quyết định khen thưởng.
c) Trình Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ xét các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng: “Cờ Thi đua của Bộ Tài nguyên và Môi trường”; “Chiến sỹ thi đua ngành tài nguyên và môi trường”; “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ”; “Cờ Thi đua của Chính phủ”; “Chiến sỹ Thi đua toàn quốc”; Huân, huy chương các loại; Danh hiệu vinh dự Nhà nước; “Giải thưởng Hồ Chí Minh” và “Giải thưởng Nhà nước”.
d) Việc đề nghị khen thưởng cho đối tượng thuộc diện Ban Bí thư Trung ương quản lý và các hình thức khen thưởng: “Huân chương Sao vàng”, “Huân chương Hồ Chí Minh”, “Huân chương Độc lập”, danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, danh hiệu “Chiến sỹ thi đua toàn quốc”, danh hiệu “Anh hùng Lao động”, Vụ Thi đua - Khen thưởng thẩm định hồ sơ, trình Bộ trưởng và Ban cán sự đảng xin chủ trương trước khi tiến hành các thủ tục theo quy định.
đ) Vụ Thi đua - Khen thưởng lấy ý kiến hiệp y của các đơn vị có liên quan trước khi trình Bộ trưởng xét, quyết định đối với hình thức Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”.
2. Quy trình xét “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước”, danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” thực hiện theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng và Nghị định số 42/2010/NĐ-CP, Thông tư số 22/2008/TT-BGDĐT ngày 23 tháng 4 năm 2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục và hồ sơ xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
3. Việc khen thưởng cho tập thể, cá nhân ngoài ngành tài nguyên và môi trường: sau khi nhận được đề nghị của Thủ trưởng đơn vị quản lý về lĩnh vực chuyên môn xác nhận thành tích, Vụ Thi đua - Khen thưởng thực hiện quy trình thẩm định hồ sơ và trình Bộ trưởng xét, quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền xét, quyết định.
4. Vụ Thi đua - Khen thưởng đề xuất các hình thức khen thưởng cấp Bộ đối với các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành liên quan và lập hồ sơ trình Bộ trưởng xem xét quyết định.
5. Quy trình xét, công nhận các danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền của Thủ trưởng các đơn vị thực hiện theo Thông tư này và những quy định do các đơn vị quyết định ban hành, nhưng không được trái với quy định chung.
Điều 14. Hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua và khen thưởng
1. Hồ sơ đề nghị tặng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng cấp Bộ: đơn vị đề nghị khen thưởng nộp 01 bộ hồ sơ gồm có:
a) Tờ trình (mẫu số 2 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này);
b) Danh sách đề nghị khen thưởng (mẫu số 3 hoặc 4 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này);
c) Biên bản họp Hội đồng Thi đua - Khen thưởng hoặc biên bản bình xét thi đua của đơn vị (mẫu số 1 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này);
d) Báo cáo thành tích, có xác nhận của cấp trình khen (mẫu số 5, hoặc 6, 7, 8 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này);
đ) Bản sao các quyết định khen thưởng có liên quan.
2. Hồ sơ đề nghị tặng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: đơn vị nộp 03 bộ hồ sơ, mỗi bộ gồm:
a) Tờ trình (mẫu số 2 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này);
b) Danh sách đề nghị khen thưởng (mẫu số 3 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này);
c) Biên bản và kết quả bỏ phiếu của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng đơn vị hoặc biên bản bình xét thi đua của đơn vị (mẫu số 1 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này);
d) Báo cáo thành tích, có xác nhận của cấp trình khen (mẫu số 5, hoặc 6, 7, 8 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này);
đ) Báo cáo tóm tắt thành tích có xác nhận của cấp trình khen;
e) Bản sao các quyết định khen thưởng có liên quan.
3. Hồ sơ đề nghị khen thưởng Huân chương các loại, hạng: đơn vị đề nghị khen thưởng nộp 04 bộ hồ sơ, mỗi bộ gồm có:
a) Tờ trình (mẫu số 2 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này);
b) Danh sách đề nghị khen thưởng (mẫu số 3 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này);
c) Biên bản và kết quả bỏ phiếu của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng đơn vị hoặc biên bản bình xét thi đua của đơn vị (mẫu số 1 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này);
d) Báo cáo thành tích, có xác nhận của cấp trình khen (mẫu số 5 hoặc 6 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này);
đ) Báo cáo tóm tắt thành tích, có xác nhận của cấp trình khen;
e) Bản sao các quyết định khen thưởng có liên quan.
4. Hồ sơ đề nghị khen thưởng Huân chương các loại, hạng đối với cán bộ lãnh đạo có quá trình cống hiến trong các cơ quan nhà nước thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều này (Báo cáo thành tích thực hiện theo mẫu số 9 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này).
5. Hồ sơ đề nghị khen thưởng cho các tổ chức, cá nhân là người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài nộp 03 bộ hồ sơ, mỗi bộ gồm có: Tờ trình của đơn vị đề nghị và Báo cáo tóm tắt thành tích có xác nhận của cấp trình khen (mẫu số 12 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này).
6. Trường hợp tập thể, cá nhân được đề nghị khen thưởng do có sáng kiến, phát minh, sáng chế, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ và trong các lĩnh vực khác phải có xác nhận của cơ quan quản lý có thẩm quyền (mẫu số 8 hoặc 9 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này).
7. Hồ sơ đề nghị khen thưởng các danh hiệu vinh dự Nhà nước; “Giải thưởng Hồ Chí Minh” và “Giải thưởng Nhà nước” thực hiện theo quy định tại Điều 63, Điều 64 và Điều 65 của Nghị định số 42/2010/NĐ-CP và Báo cáo thành tích thực hiện (mẫu số 10 hoặc 11 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này).
8. Đối với các đơn vị có nghĩa vụ nộp ngân sách cho Nhà nước, khi trình các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước cho đơn vị và Thủ trưởng đơn vị, phải có xác nhận của cơ quan tài chính về những nội dung theo quy định tại khoản 16 Điều 53 của Nghị định số 42/2010/NĐ-CP.
Điều 15. Thời gian hộp hồ sơ đề nghị khen thưởng
1. Hồ sơ đề nghị xét tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng thường xuyên năm trước gửi về Bộ trước ngày 31 tháng 01 năm sau. Các hình thức khen thưởng cấp Bộ sẽ trả kết quả sau không quá 60 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ theo quy định.
2. Đối với các trường hợp đề nghị khen thưởng thành tích đột xuất: ngay sau khi lập được thành tích, Thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xét, quyết định khen thưởng.
Điều 16. Quản lý hồ sơ thi đua, khen thưởng
1. Vụ Thi đua - Khen thưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm quản lý hồ sơ các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng và toàn bộ hồ sơ khác liên quan đến công tác thi đua, khen thưởng của ngành tài nguyên và môi trường theo quy định. Định kỳ hằng năm, tổng hợp hồ sơ chuyển lưu trữ quản lý theo quy định.
2. Tổ chức làm công tác thi đua, khen thưởng của đơn vị có trách nhiệm quản lý, lưu trữ toàn bộ hồ sơ liên quan đến công tác thi đua, khen thưởng của đơn vị theo quy định.
Điều 17. Xác nhận về thi đua, khen thưởng
1. Việc xác nhận các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng phải đảm bảo tính chính xác, kịp thời nhằm bảo đảm quyền lợi cho người được khen thưởng.
2. Khi mất giấy chứng nhận danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng thì tập thể, cá nhân được khen thưởng lập thủ tục đề nghị xác nhận. Hồ sơ gồm: Đơn đề nghị xác nhận danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng, trong đó nêu rõ danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng, thời gian được khen thưởng, số quyết định… (nếu còn lưu giữ) và có xác nhận của cấp quản lý.
3. Hồ sơ gửi về Vụ Thi đua - Khen thưởng để xem xét, xác nhận hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xác nhận.
Điều 18. Lễ trao tặng
1. Nguyên tắc tổ chức:
a) Việc công bố, trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng là dịp để tôn vinh những gương người tốt, việc tốt và những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, do đó phải tổ chức trang trọng, bảo đảm hiệu quả, thiết thực, tránh những biểu hiện phô trương hình thức, lãng phí. Khi tổ chức cần kết hợp với các nội dung khác của đơn vị để tiết kiệm thời gian và chi phí;
b) Nghi thức trao tặng Huân chương, Huy chương, danh hiệu vinh dự Nhà nước: “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước”; “Cờ thi đua của Chính phủ”; “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ”: thực hiện theo quy định tại Nghị định số 154/2004/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2004 của Chính phủ về nghi thức Nhà nước trong tổ chức mít tinh, lễ kỷ niệm; trao tặng và đón nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước, Huân chương, Huy chương, Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 22 tháng 7 năm 2010 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao hiệu quả tổ chức các ngày kỷ niệm, nghi thức trao tặng, đón nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước và các hình thức khen thưởng cao.
2. Trình tự tiến hành lễ trao tặng:
a) Đối với các hình thức khen thưởng của Chủ tịch nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, sau khi nhận được Quyết định khen thưởng, Thủ trưởng đơn vị lập kế hoạch tổ chức đón nhận, trình Bộ trưởng (qua Vụ Thi đua - Khen thưởng). Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, Vụ Thi đua - Khen thưởng phối hợp với đơn vị tổ chức công bố, trao tặng;
b) Đối với danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng trao tặng hoặc ủy quyền cho Thủ trưởng đơn vị tổ chức công bố, trao tặng.
Chương 5.
HỘI ĐỒNG THI ĐUA - KHEN THƯỞNG VÀ KHỐI, CỤM THI ĐUA
Điều 19. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ
1. Bộ trưởng quyết định thành lập Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ.
2. Thành phần Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ không quá 13 thành viên, gồm:
a) Bộ trưởng làm Chủ tịch Hội đồng;
b) Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực thi đua, khen thưởng làm Phó Chủ tịch Hội đồng;
c) Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng, Ủy viên Thường trực Hội đồng;
d) Các Ủy viên Hội đồng gồm: Thủ trưởng các đơn vị tham mưu tổng hợp trực thuộc Bộ, Chủ tịch công đoàn Bộ và Bí thư Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Bộ.
3. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan tham mưu, tư vấn cho Bộ trưởng về công tác thi đua, khen thưởng của ngành tài nguyên và môi trường; xem xét đề nghị Bộ trưởng tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng theo thẩm quyền hoặc đề nghị Bộ trưởng trình cấp có thẩm quyền tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng theo quy định. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường làm việc theo quy chế hoạt động do Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ ban hành.
Điều 20. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cơ sở
1. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ có tài khoản và con dấu riêng quyết định thành lập Hội đồng Thi đua - Khen thưởng của đơn vị.
2. Thành phần Hội đồng gồm:
a) Chủ tịch Hội đồng: Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
b) Phó Chủ tịch Hội đồng: Chủ tịch Công đoàn cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
c) Ủy viên Thường trực - Thư ký Hội đồng: người được Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao thực hiện công tác thi đua, khen thưởng, hoặc cá nhân phụ trách công tác thi đua, khen thưởng của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
d) Các ủy viên: đại diện cấp ủy, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trưởng các bộ phận chuyên môn do Thủ trưởng đơn vị quyết định trên nguyên tắc số lượng là 3, 5, 7 hoặc 9 thành viên.
3. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cơ sở thực hiện chức năng tham mưu, tư vấn cho thủ trưởng cơ quan, đơn vị về công tác thi đua, khen thưởng; làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ và quyết định theo đa số. Trường hợp ý kiến các thành viên Hội đồng ngang nhau thì ý kiến của Chủ tịch Hội đồng là quyết định. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cơ sở làm việc theo Quy chế hoạt động do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị ban hành.
Điều 21. Khối, Cụm thi đua
1. Căn cứ đặc điểm về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, tính chất công việc, phạm vi hoạt động của đơn vị, Bộ trưởng quyết định thành lập các Khối thi đua trong các đơn vị trực thuộc Bộ và các Cụm thi đua trong các Sở Tài nguyên và Môi trường.
2. Khối, Cụm thi đua có chức năng tham mưu, tư vấn cho Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức phát động các phong trào thi đua, kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết phong trào thi đua phù hợp với điều kiện, đặc điểm cụ thể của từng Khối, Cụm thi đua.
3. Trên cơ sở bình chọn của các Khối, Cụm thi đua, Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng đề nghị Bộ trưởng quyết định công nhận Trưởng và Phó Khối, Cụm thi đua. Trưởng Khối, Cụm thi đua lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của Khối, Cụm thi đua và chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của Khối, Cụm thi đua, chủ trì và kết luận các Hội nghị của Khối, Cụm thi đua.
Điều 22. Nhiệm vụ của Khối, Cụm thi đua
1. Tổ chức phát động, ký giao ước thi đua thể hiện quyết tâm hưởng ứng, thực hiện phong trào thi đua do Bộ phát động, đồng thời đề ra các chỉ tiêu, nội dung, biện pháp tổ chức thực hiện nhằm phát triển mạnh mẽ, rộng khắp, đúng hướng, có hiệu quả phong trào thi đua của Khối, Cụm thi đua.
2. Sơ kết, tổng kết phong trào thi đua hằng năm và đề ra phương hướng, nhiệm vụ tổ chức phong trào thi đua của Khối, Cụm thi đua; chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng các mô hình mới, các điển hình tiên tiến trong Khối, Cụm.
3. Thống nhất đánh giá hiệu quả, tác dụng của phong trào thi đua trong các cơ quan, đơn vị thuộc Khối, Cụm theo tiêu chí xếp hạng và chấm điểm thi đua.
4. Bình chọn, suy tôn tập thể có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong Khối, Cụm thi đua để đề nghị xét tặng Cờ thi đua của Chính phủ đối với các Khối; Cờ thi đua ngành tài nguyên và môi trường đối với các Khối, Cụm thi đua.
5. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng giao.
Chương 6.
QUỸ THI ĐUA, KHEN THƯỞNG
Điều 23. Trách nhiệm và nguyên tắc lập Quỹ Thi đua - Khen thưởng
1. Hằng năm, Vụ Thi đua - Khen thưởng căn cứ vào kết quả thực hiện Quỹ Thi đua - Khen thưởng năm trước; các chỉ tiêu đăng ký danh hiệu thi đua, các hình thức khen thưởng và dự kiến các khoản chi phục vụ cho công tác thi đua, khen thưởng năm kế hoạch để lập dự toán Quỹ Thi đua - Khen thưởng của Bộ.
2. Nguồn và phương pháp trích lập, trích nộp Quỹ thi đua, khen thưởng.
a) Nguồn hình thành, việc trích lập, nộp và sử dụng Quỹ thi đua, khen thưởng của Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện theo quy định tại Thông tư số 71/2011/TT-BTC ngày 24 tháng 5 năm 2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ thi đua, khen thưởng theo Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ.
b) Hằng năm, Vụ Tài chính có trách nhiệm bố trí nguồn chi cho công tác thi đua, khen thưởng của Bộ theo quy định tại khoản 1 Điều 67 Nghị định số 42/2010/NĐ-CP, Thông tư số 71/2011/TT-BTC.
c) Việc trích nộp Quỹ thi đua, khen thưởng của Bộ đối với các đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên và doanh nghiệp trực thuộc Bộ như sau:
- Đối với các đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo kinh phí hoạt động trực thuộc Bộ, thực hiện việc trích nộp từ Quỹ thi đua, khen thưởng của đơn vị về Bộ để tạo nguồn Quỹ thi đua, khen thưởng của Bộ. Mức trích nộp tối thiểu bằng 20% Quỹ thi đua, khen thưởng hằng năm của đơn vị.
- Đối với các đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo kinh phí hoạt động trực thuộc đơn vị dự toán cấp II, hằng năm trích nộp tối thiểu bằng 20% Quỹ thi đua, khen thưởng nộp của đơn vị về đơn vị dự toán cấp II. Đơn vị dự toán cấp II (các Tổng cục, các Cục, các Trung tâm) giữ lại 10% tạo Quỹ thi đua, khen thưởng của mình và 10% nộp về Quỹ thi đua, khen thưởng của Bộ.
- Đối với các doanh nghiệp trực thuộc Bộ, hằng năm trích 5% Quỹ thi đua, khen thưởng của doanh nghiệp nộp về Quỹ thi đua, khen thưởng của Bộ (mức trích nộp từ Quỹ thi đua, khen thưởng của các Công ty trực thuộc về Tổng công ty Tài nguyên và Môi trường Việt Nam do Tổng công ty quy định).
d) Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành hỗ trợ, đóng góp để bổ sung Quỹ thi đua, khen thưởng của Bộ và Quỹ thi đua, khen thưởng của các đơn vị.
Điều 24. Quản lý và sử dụng Quỹ Thi đua - Khen thưởng
1. Quỹ Thi đua - Khen thưởng được sử dụng để:
a) Chi in ấn giấy chứng nhận, giấy khen, bằng khen, làm kỷ niệm chương, huy hiệu, cờ thi đua, mua khung bằng khen và các hiện vật khen thưởng;
b) Chi tiền thưởng hoặc tặng phẩm lưu niệm cho các cá nhân, tập thể;
c) Chi cho công tác tổ chức, chỉ đạo các phong trào thi đua.
2. Quản lý Quỹ thi đua, khen thưởng Bộ:
a) Vụ Thi đua - Khen thưởng chịu trách nhiệm tham mưu giúp Bộ trưởng sử dụng Quỹ thi đua, khen thưởng của Bộ đúng mục đích, đối tượng để tổ chức các phong trào thi đua và phục vụ cho công tác khen thưởng; chịu trách nhiệm chi trả tiền thưởng cho các đối tượng được khen thưởng và hoàn tất thủ tục tài chính quyết toán với Văn phòng Bộ theo quy định.
b) Văn phòng Bộ chịu trách nhiệm quản lý Quỹ và phối hợp với Vụ Thi đua - Khen thưởng chi tiền thưởng và các chi phí khác phục vụ công tác thi đua, khen thưởng theo quy định.
3. Các đơn vị quản lý và sử dụng Quỹ thi đua, khen thưởng theo quy định tại Nghị định số 42/2010/NĐ-CP, Thông tư 71/2011/TT-BTC, Thông tư này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
4. Cuối năm Quỹ thi đua, khen thưởng các cấp chưa sử dụng hết được chuyển sang năm sau để tiếp tục sử dụng cho công tác thi đua, khen thưởng.
Điều 25. Nguyên tắc chi thưởng
1. Các tập thể, cá nhân được tặng các danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc được Thủ tướng Chính phủ khen thưởng và các hình thức khen thưởng của Chủ tịch nước thì được nhận tiền thưởng từ Quỹ thi đua, khen thưởng của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
2. Cách tính tiền thưởng và mức tiền thưởng kèm theo các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng thực hiện theo quy định tại các Điều 70, 71, 72, 73, 74, 75 và Điều 76 của Nghị định số 42/2010/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
3. Trong cùng một thời điểm, cùng một đối tượng khen thưởng nếu đạt được các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng khác nhau, thì được nhận tiền thưởng đối với mỗi danh hiệu và hình thức khen thưởng có mức thưởng cao nhất.
4. Trong cùng một thời điểm, một đối tượng đạt nhiều danh hiệu thi đua, các danh hiệu đó do thời gian để đạt được thành tích khác nhau thì được nhận tiền thưởng của các danh hiệu.
5. Người Việt Nam ở nước ngoài, cá nhân, tập thể người nước ngoài, được tặng các hình thức khen thưởng và kèm theo tặng phẩm lưu niệm.
Chương 7.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 26. Tổ chức thực hiện
1. Tổ chức làm công tác thi đua, khen thưởng:
a) Vụ Thi đua - Khen thưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng; phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ tham mưu xây dựng bộ máy, tổ chức cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng trong toàn ngành.
b) Đối với các đơn vị tham mưu tổng hợp thuộc Khối cơ quan Bộ mỗi đơn vị bố trí một công chức kiêm nhiệm làm công tác thi đua, khen thưởng;
c) Đối với các đơn vị trực thuộc Bộ và các đơn vị có tài khoản và con dấu riêng, đơn vị quyết định thành lập bộ phận hoặc bố trí cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm làm công tác thi đua, khen thưởng.
d) Đối với Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí một cán bộ kiêm nhiệm làm công tác thi đua, khen thưởng.
2. Báo cáo công tác thi đua, khen thưởng:
a) Định kỳ 6 tháng và hằng năm các đơn vị sơ kết, tổng kết, đánh giá công tác thi đua, khen thưởng và gửi báo cáo về Bộ (qua Vụ Thi đua - Khen thưởng);
b) Khi phát động phong trào thi đua và sau mỗi đợt thi đua, các đơn vị có trách nhiệm tổ chức sơ kết, tổng kết và gửi báo cáo về Bộ (qua Vụ Thi đua - Khen thưởng).
3. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm hướng dẫn triển khai thực hiện và cụ thể hóa các tiêu chuẩn phù hợp với tình hình hoạt động của đơn vị; xây dựng các chỉ tiêu thi đua cụ thể, khuyến khích lượng hóa các chỉ tiêu thành các thang bậc để xét khen thưởng chính xác, công bằng khách quan.
Điều 27. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 12 năm 2011.
Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có vướng mắc hoặc phát sinh những điểm chưa phù hợp, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phản ánh về Bộ Tài nguyên và Môi trường (qua Vụ Thi đua - Khen thưởng) để tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Nơi nhận: - Thủ tướng Chính phủ; - Các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Văn phòng Trung ương Đảng; - Văn phòng Quốc hội; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Văn phòng Chính phủ; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Tòa án nhân dân tối cao; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương; - UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Cục Kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp; - Bộ trưởng và các Thứ trưởng Bộ TN&MT; - Các đơn vị thuộc Bộ TN&MT; - Công báo, Cổng thông tin điện tử Chính phủ; - Website Bộ TN&MT; - Lưu: VT, TĐKT. TT.300 | BỘ TRƯỞNG Nguyễn Minh Quang |