BỘ Y TẾ ------- Số: 3459/QĐ-BYT | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 18 tháng 08 năm 2015 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH PHƯƠNG ÁN ỨNG PHÓ VỚI BÃO MẠNH, SIÊU BÃO CỦA NGÀNH Y TẾ
------------------
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Luật phòng, chống thiên tai năm 2013, được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 16 tháng 9/2013;
Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP, ngày 31/8/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 04/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ về quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai;
Căn cứ Quyết định số 172/2007/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020;
Xét đề nghị của Chánh Văn phòng Bộ Y tế, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ huy phòng chống thảm họa và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão ngành Y tế.
Điều 2. Giao Văn phòng Bộ - Thường trực Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn Bộ Y tế chịu trách nhiệm tổ chức triển khai và kiểm tra việc thực hiện Phương án này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành.
Điều 4. Các Ông, Bà: Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Thành viên Ban chỉ huy phòng chống thảm họa và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế, thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: - Như Điều 4; - Các Vụ, Cục, Tổng cục,Thanh tra Bộ, Văn Phòng Bộ; - Sở Y tế các tỉnh/thành phố; - Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế; - Văn phòng Chính phủ (để b/c) - Ban chỉ đạo TW PCTT (để b/c); - UB QG Tìm kiếm, cứu nạn (để b/c); - Bộ trưởng (để b/c); - Các đồng chí Thứ trưởng; - Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế, Báo SK&ĐS, TT. Truyền thông &GDSK TW; - Lưu: VT, VPB7. | KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG TRƯỞNG BAN CH PCTH&TKCN BỘ Y TẾ Phạm Lê Tuấn |
PHƯƠNG ÁN
ỨNG PHÓ VỚI BÃO MẠNH, SIÊU BÃO CỦA NGÀNH Y TẾ
(Ban hành theo Quyết định số: 3459/QĐ-BYT ngày 18 tháng 8 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế)
I. CĂN CỨ XÂY DỰNG PHƯƠNG ÁN ỨNG PHÓ BÃO MẠNH, SIÊU BÃO:
- Căn cứ Luật phòng, chống thiên tai năm 2013, được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 16 tháng 9/2013;
- Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP, ngày 31/8/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
- Căn cứ Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 04/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ về quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai;
- Căn cứ Quyết định số 172/2007/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020;
- Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về việc các Bộ, ngành chủ động xây dựng phương án, kế hoạch ứng phó với bão mạnh, siêu bão;
Bộ Y tế xây dựng Phương án phòng, chống, ứng phó với bão mạnh, siêu bão của ngành Y tế với các nội dung cụ thể như sau:
1. Công tác phòng, chống bão mạnh và siêu bão và tìm kiếm cứu nạn phải được tiến hành chủ động và thường xuyên, đặc biệt hoạt động ứng phó, sơ cứu, cấp cứu vận chuyển bệnh nhân, nạn nhân nhằm làm tốt công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trước, trong và sau khi có bão mạnh, siêu bão xảy ra; Để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản tới mức thấp nhất do bão mạnh và siêu bão gây ra.
2. Quán triệt và thực hiện có hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ” (Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và nguyên tắc phòng ngừa, chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương khi có thiên tai xảy ra.
3. Nâng cao năng lực Ban chỉ huy Phòng chống thảm họa và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế đến các cơ sở y tế địa phương và các Đơn vị trực thuộc Bộ Y tế trong công tác điều phối, phối hợp xử lý các tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ để ứng phó bão mạnh, siêu bão đạt hiệu quả cao.
4. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh ứng phó thiên tai kịp thời đến các cơ sở y tế tuyến xã/phường và cộng đồng dân cư.
5. Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng để phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng, tránh thiên tai của toàn dân trên địa bàn.
6. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, dự báo bão mạnh, siêu bão có thể xảy ra, do vậy việc chuẩn bị, ứng phó, khắc phục với bão mạnh, siêu bão cần được nâng cao từ nhận thức, trách nhiệm, tinh thần sẵn sàng đến chủ động triển khai thực hiện trong mọi tình huống.
III. BIỆN PHÁP CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ VỚI BÃO MẠNH, SIÊU BÃO:
1. Biện pháp phi công trình:
1.1. Công tác tổ chức, chỉ huy, điều hành:
- Kiện toàn tổ chức hệ thống tổ chức bộ máy các đơn vị làm công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế. Tăng cường công tác chỉ đạo các địa phương, đơn vị trực thuộc trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai đặc biệt bão mạnh và siêu bão; kết nối với Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, nhằm nâng cao hiệu quả và tăng cường công tác phối hợp phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ngành Y tế.
- Bộ Y tế có kế hoạch dự trữ cơ số thuốc, hóa chất trang thiết bị y tế: Cơ số thuốc phòng chống lụt bão; Áo phao cứu sinh; Bộ dụng cụ y tế; các chế phẩm diệt khuẩn nước sinh hoạt: Viên khử khuẩn nước Aquatab; viên CloraminB.... sẵn sàng hỗ trợ Sở Y tế các tỉnh/thành phố, đơn vị trực thuộc khu vực Bắc - Trung - Nam và Tây Nguyên, với mục đích giúp Sở Y tế các tỉnh/thành phố, đơn vị trực thuộc hoàn thành tốt nhiệm vụ ngành y tế trong công tác phòng, ứng phó và khắc phục hậu quả bão mạnh, siêu bão.
- Bộ Y tế xây dựng Kế hoạch phân công trách nhiệm cụ thể cho các Cục/Vụ, Tổng cục, Thanh tra Bộ, Văn phòng thuộc Bộ Y tế và các đơn vị trực thuộc Bộ; Sở Y tế các tỉnh/thành phố trong hoạt động phòng, ứng phó với bão mạnh, siêu bão:
+ Các Vụ, Cục, Tổng cục, Thanh tra, Văn phòng thuộc Bộ Y tế, Thành viên Ban chỉ huy phòng chống thảm họa và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế theo chức năng, nhiệm vụ chuẩn bị sẵn sàng kinh phí, thuốc, dụng cụ y tế, hóa chất phòng, chống dịch và cán bộ chuyên môn để chỉ đạo, chi viện hỗ trợ cho các địa phương/đơn vị khi xảy ra bão mạnh, siêu theo lệnh điều động của Bộ trưởng Bộ Y tế và Trưởng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế.
+ Sở Y tế các tỉnh/thành phố và các Đơn vị trực thuộc Bộ: Kiện toàn tổ chức, bộ máy Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ngành y tế; Xây dựng kế hoạch nguồn nhân lực, thuốc, hóa chất, phương tiện vận chuyển, trang thiết bị y tế phòng chống bão mạnh, siêu bão. Yêu cầu nội dung Kế hoạch cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan quân sự địa phương làm tốt công tác kết hợp quân - dân y trong phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn; Tổ chức các đội cấp cứu lưu động tại Bệnh viện, cơ sở điều trị từ tuyến huyện trở lên với đầy đủ cán bộ chuyên môn, thuốc, thiết bị y tế và phương tiện đi lại, tổ chức ứng trực, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng triển khai các kế hoạch di dân khi có lệnh của cấp có thẩm quyền; Căn cứ vào tình hình sức khỏe, mô hình bệnh tật của cộng đồng các vùng có nguy cơ cao xảy ra bão để lên kế hoạch đảm bảo đủ cán bộ chuyên môn, dự trù cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị, lương thực, thực phẩm, kịp thời chăm sóc bảo vệ sức khỏe phục vụ nhân dân khi xảy ra bão mạnh, siêu bão.
+ Các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, tổ chức các đội cấp cứu cơ động với đầy đủ cán bộ chuyên môn, thuốc, thiết bị y tế và phương tiện đi lại, tổ chức ứng trực sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ địa phương ứng phó với bão mạnh, siêu bão khi có lệnh.
+ Các Viện trực thuộc Bộ; Trường, Trung tâm trực thuộc Bộ và các Doanh nghiệp trực thuộc Bộ Y tế tổ chức các đội xung kích tình nguyện sẵn sàng chi viện các địa phương ngay khi có lệnh điều động của Bộ với đầy đủ phương tiện vận chuyển, cán bộ chuyên môn, hóa chất chống dịch, thuốc chữa bệnh. Phải chuẩn bị đủ cả kinh phí, lương thực, thực phẩm sử dụng trong điều kiện cứu trợ cơ động, không gây khó khăn thêm cho địa phương bị ảnh hưởng bởi bão mạnh, siêu bão.
+ Tổng Công ty Dược và Tổng Công ty Thiết bị y tế có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chuẩn bị: phao và áo phao cứu sinh, cơ số thuốc phòng chống lụt bão, thiết bị y tế, thuốc và hóa chất chống dịch theo đặt hàng của Bộ Y tế, sẵn sàng chi viện cho các địa phương khi có chỉ đạo của Bộ.
1.2. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế làm công tác phòng chống thiên tai:
- Phổ biến Luật Phòng chống thiên tai, triển khai Kế hoạch hành động Kế hoạch hành động về chuẩn bị, ứng phó với thiên tai của ngành y tế giai đoạn 2015 - 2020.
- Tổ chức tập huấn, diễn tập công tác sơ cứu, cấp cứu, vận chuyển, điều trị nạn nhân, bệnh nhân trong các tình huống bão mạnh, siêu bão.
- Tập huấn phòng chống Dịch, xử lý nước bị ô nhiễm, vệ sinh môi trường, Vệ sinh An toàn thực phẩm, phòng chống Tai nạn thương tích.
1.3. Truyền thông, cảnh báo và hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh ứng phó bão mạnh, siêu bão kịp thời đến các cơ sở y tế tuyến xã/phường và cộng đồng dân cư:
- Truyền thông các mức độ nguy hiểm, sự tàn phá và tác hại của bão mạnh, siêu bão đến tính mạng và tài sản, hướng dẫn cách phòng, tránh, chằng, chống nhà cửa; thông báo cho người dân các địa chỉ an toàn tránh bão và các địa chỉ liên lạc cần hỗ trợ khẩn cấp.
- Phối hợp với các ban, ngành liên quan tại địa phương tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe, đặc biệt chú ý công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho những đối tượng là người già, trẻ em và an toàn cộng đồng trong mùa mưa bão, lũ. Tổ chức kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm, cung cấp nước sạch tại các vùng trọng điểm.
- Nâng cấp, xây dựng Bệnh viện và các cơ sở y tế theo tiêu chí Bộ công cụ đánh giá Bệnh viện an toàn trong tình huống khẩn cấp và thảm họa, đã được Bộ Y tế ban hành theo Quyết định số 4695/QĐ-BYT ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế: Bộ công cụ gồm 307 tiêu chí, chia làm 4 nhóm sau: Nhóm kết cấu & phi kết cấu liên quan đến kiến trúc (59 tiêu chí); Nhóm phi kết cấu liên quan đến hệ thống trang thiết bị công trình đảm bảo an toàn cho người sử dụng (130 tiêu chí); Nhóm chức năng liên quan đến chính sách, nhân lực (64 tiêu chí); Nhóm chức năng liên quan đến trang thiết bị (54 tiêu chí). Mục đích để các Bệnh viện, cơ sở y tế tự đánh giá tình trạng an toàn của cơ sở y tế tại đơn vị mình: Nâng cao nhận thức của lãnh đạo và nhân viên bệnh viện về tính dễ bị ảnh hưởng của bệnh viện đối với những hiểm họa bên trong bệnh viện hoặc trong khu vực địa bàn của bệnh viện; Phát hiện được những khu vực, hoạt động dễ bị ảnh hưởng khi có tình huống khẩn cấp, thảm họa xảy ra và năng lực đáp ứng với tình huống khẩn cấp, thảm họa của bệnh viện; Xây dựng và thực hiện các hoạt động can thiệp nhằm giảm tính dễ bị ảnh hưởng của bệnh viện góp phần tăng cường an toàn của bệnh viện trong tình huống khẩn cấp, thảm họa.
- Sở Y tế các tỉnh/thành phố và các đơn vị trực thuộc Bộ chỉ đạo các đơn vị trong ngành tiến hành kiểm tra, đánh giá thực trạng, chất lượng công trình về nhà cửa, các khoa, phòng, kho thuốc, vật tư y tế..., tổ chức gia cố, tu sửa, nâng cấp kịp thời, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân viên y tế, bệnh nhân và tài sản y tế trong tình huống bão mạnh và siêu bão xảy ra. Trường hợp cơ sở y tế hư hỏng quá nặng, cần có phương án di dời đến địa điểm kiên cố an toàn, hoặc xây dựng cơ sở mới.
IV. ỨNG PHÓ CỤ THỂ VỚI TÌNH HUỐNG XẢY RA BÃO MẠNH, SIÊU BÃO:
1. Hoạt động chỉ đạo, điều hành, ứng phó của Bộ Y tế:
1.1. Bộ phận thường trực Ban chỉ huy PCTH&TKCN Bộ Y tế:
- Tổ chức trực ban 24/24 giờ, theo dõi sát diễn biến của bão mạnh, siêu bão.
- Tổ chức các cuộc họp khẩn của Lãnh đạo Bộ Y tế, Ban chỉ huy PCTH&TKCN Bộ Y tế và các Cục/Vụ chức năng và các đơn vị liên quan để chỉ đạo triển khai phòng, chống, ứng phó bão mạnh, siêu bão.
- Ban hành các Công điện khẩn của Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo: Sở Y tế các tỉnh/ thành phố và các đơn vị trực thuộc Bộ, các Cục/Vụ chức năng thuộc Bộ Y tế huy động toàn bộ lực lượng triển khai khẩn trương công tác phòng, chống, ứng phó bão mạnh, siêu bão.
- Thường xuyên giữ liên lạc, đôn đốc Sở Y tế các tỉnh/thành và các đơn vị trực thuộc Bộ trực ban 24/24, thực hiện nghiêm công tác phòng, chống, ứng phó bão mạnh, siêu bão theo nội dung của các Công điện khẩn.
- Phối hợp Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe Trung ương, Báo Sức khỏe đời sống, Báo Gia đình xã hội, Cổng thông tin Điện tử Bộ Y tế thường xuyên theo dõi, đưa tin về các hoạt động triển khai ứng phó với bão mạnh, siêu bão của ngành y tế cũng như các nội dung hướng dẫn, tuyên truyền cho nhân dân về cách phòng, chống, ứng phó với bão.
- Kết nối với Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, nhằm nâng cao hiệu quả và tăng cường công tác phối hợp phòng, chống bão mạnh, siêu bão và tìm kiếm cứu nạn ngành y tế.
1.2. Hoạt động chỉ đạo công tác khám chữa bệnh:
- Cục Quản lý khám chữa bệnh xây dựng và triển khai kế hoạch về công tác y tế đảm bảo đáp ứng với tình huống bão mạnh và siêu bão;
- Cục Quản lý khám chữa bệnh chỉ đạo các Sở Y tế, đối với bệnh viện từ tuyến huyện trở lên thành lập các Tổ Y tế cấp cứu ngoại viện và Tổ Y tế cấp cứu tại bệnh viện (đội cấp cứu cơ động) sẵn sàng ứng phó với bão mạnh và siêu bão tại địa phương.
- Cục Quản lý khám chữa bệnh chỉ đạo các bệnh viện Trung ương trực thuộc Bộ Y tế trên toàn quốc điều động các Tổ cấp cứu y tế ngoại viện, phối hợp với các bệnh viện trực thuộc y tế ngành để ứng phó cấp cứu với tình huống bão mạnh, siêu bão tại địa phương.
- Cục Quản lý khám chữa bệnh tăng cường văn bản chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tại các địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão, tổ chức trực ban 24/24 giờ, thu dung và cấp cứu cho nạn nhân bị ảnh hưởng mưa, bão.
1.3. Hoạt động chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh, môi trường, an toàn thực phẩm:
- Chỉ đạo Trung tâm y tế dự phòng và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh trong vùng bị ảnh hưởng của bão, lũ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, vệ sinh phòng, chống dịch bệnh, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.
- Tăng cường truyền thông các khuyến cáo hướng dẫn nhân dân vùng bão, lũ trong công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết, thực hiện.
- Chỉ đạo Trung tâm y tế dự phòng các tỉnh trong vùng bị ảnh hưởng của bão tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nước, xử lý môi trường phòng, chống dịch tại các địa phương. Chủ động dự trữ hóa chất, phương tiện phục vụ công tác phòng chống dịch, kịp thời xử lý các ổ dịch bệnh phát sinh, kịp thời hỗ trợ, chi viện các địa phương khi cần thiết.
- Cục Y tế Dự phòng chủ trì, phối hợp với Vụ Truyền thông và thi đua khen thưởng, Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe trung ương tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết, thực hiện các khuyến cáo hướng dẫn về công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh.
- Chuẩn bị các phương án phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh nguồn nước, an toàn vệ sinh thực phẩm, xử lý môi trường, kịp thời chỉ đạo các đơn vị theo hệ thống khẩn trương triển khai công tác phòng, chống, ứng phó với bão và sau khi bão đi qua.
1.4. Triển khai công tác ứng phó và hỗ trợ địa phương
- Bộ Y tế tổ chức các đoàn đi trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc công tác phòng tránh, ứng phó bão mạnh, siêu bão, lũ, lụt tại các địa phương bị ảnh hưởng.
- Căn cứ tình hình thực tế bị ảnh hưởng, thiệt hại và kiến nghị của địa phương; Bộ Y tế cấp thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế phòng chống lụt bão hỗ trợ khẩn cấp địa phương.
- Trong trường hợp khẩn cấp, Bộ Y tế sẽ điều động các đội cấp cứu cơ động, nhân viên y tế các tỉnh lân cận; hoặc phối hợp với Bộ Quốc phòng điều động các lực lượng quân y, hoặc điều động các đơn vị y tế cơ động của các bệnh viện Trung ương (Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện nhi, Bệnh viện Phụ sản Trung ương...) và các Bệnh viện trực thuộc Bộ khu vực Bắc - Trung - Nam, đơn vị trực thuộc Bộ khác hỗ trợ triển khai công tác sơ, cấp cứu, điều trị nạn nhân tại các địa phương có nhiều nạn nhân bị ảnh hưởng của bão mạnh, siêu bão,... tùy theo tình hình sẽ thành lập các bệnh viện dã chiến để thu dung, tập trung sơ cứu, phân loại, điều chuyển các nạn nhân về các tuyến cơ sở y tế cao hơn để chăm sóc, điều trị.
2. Hoạt động ứng phó với bão mạnh, siêu bão của Sở Y tế các tỉnh/thành phố:
- Theo dõi sát diễn biến tình hình của bão mạnh, siêu bão. Thực hiện nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Tỉnh, chủ động trong công tác ứng phó với diễn biến bất thường của bão, phát huy phương châm bốn tại chỗ, đối phó kịp thời, chính xác để hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa, bão gây ra.
- Khẩn trương triển khai ngay các phương án bảo vệ, hỗ trợ hoặc di dời cơ sở y tế, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế cũng như thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế tại các vùng có nguy cơ bị nước cuốn trôi, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, ngập úng gây ra.
- Huy động toàn bộ lực lượng y tế của địa phương phối hợp với Quân - Dân y, Công an, các sở, ban, ngành tại địa phương chủ động đối phó với tình huống bị mưa lũ, chia cắt dài ngày, hướng dẫn nhân dân dự trữ lương thực, thực phẩm đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm, phương pháp xử lý nguồn nước bị ô nhiễm, thực hiện nếp sống vệ sinh để phòng ngừa bệnh truyền nhiễm, dịch bệnh phát sinh sau bão. Khi có lệnh của cấp có thẩm quyền, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tổ chức di dời, sơ tán dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm, khu vực chưa tổ chức di dời được phải sẵn sàng có hình thức phòng tránh an toàn cho người và tài sản.
- Điều động các đội cấp cứu cơ động tại Bệnh viện, cơ sở điều trị từ tuyến huyện trở lên với đầy đủ cán bộ chuyên môn, thuốc, thiết bị y tế và phương tiện đi lại, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng triển khai các kế hoạch di dân ven biển, ven cửa sông, vùng núi cao, vùng trũng thấp có nguy cơ bị sạt lở đất, nước cuốn trôi, lũ ống, lũ quét, ngập úng đến khu vực an toàn trước khi tình huống bão mạnh, siêu bão xảy ra.
- Tổ chức sơ cấp cứu, điều trị kịp thời người bị nạn; trường hợp bệnh nhân nặng thì sơ cứu, chuyển người bị nạn lên các tuyến y tế cao hơn.
- Trong trường hợp vượt quá khả năng ứng phó của ngành y tế tỉnh/thành phố, phải kiến nghị, đề xuất với Ủy ban nhân dân Tỉnh và Ban chỉ huy phòng chống thảm họa và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế hỗ trợ khẩn cấp.
3. Hoạt động ứng phó với bão mạnh, siêu bão của Đơn vị trực thuộc Bộ Y tế:
- Theo dõi sát diễn biến tình hình của bão mạnh, siêu bão. Thực hiện nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, chủ động trong công tác ứng phó với diễn biến bất thường của bão, phát huy phương châm bốn tại chỗ, đối phó kịp thời, chính xác để hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa, bão gây ra.
- Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế theo nhiệm vụ chuyên môn được phân công, chỉ đạo các đơn vị tuyến dưới và chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, hóa chất, thiết bị, phương tiện và phân công các đội y tế cơ động ứng trực 24/24 giờ sẵn sàng hỗ trợ các địa phương.
- Khẩn trương triển khai ngay các phương án bảo vệ, hỗ trợ hoặc di dời cơ sở y tế, phòng làm việc đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế cũng như thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế tại các vùng có nguy cơ bị nước cuốn trôi, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, ngập úng gây ra.
- Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, tổ chức các đội cấp cứu cơ động với đầy đủ cán bộ chuyên môn, thuốc, thiết bị y tế và phương tiện đi lại, thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ địa phương khi có lệnh của Bộ trưởng Bộ Y tế, hoặc yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp của địa phương. Bệnh viện trực thuộc Bộ khu vực Bắc - Trung - Nam, có nhiệm vụ hỗ trợ địa phương nơi gần nhất bị ảnh hưởng, thiệt hại do bão mạnh, siêu bão.
- Các Viện trực thuộc Bộ; các Trường, Trung tâm trực thuộc Bộ và các Doanh nghiệp trực thuộc Bộ Y tế triển khai các đội xung kích, tình nguyện chi viện các địa phương ngay khi có lệnh điều động của Bộ với đầy đủ phương tiện vận chuyển, cán bộ chuyên môn, hóa chất chống dịch, thuốc chữa bệnh. Phải chuẩn bị đủ cả kinh phí, lương thực, thực phẩm sử dụng trong điều kiện cứu trợ cơ động, không gây khó khăn thêm cho địa phương bị ảnh hưởng bởi bão mạnh, siêu bão.
- Tổng Công ty Dược và Tổng Công ty Thiết bị y tế có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai cấp hàng phòng chống lụt bão: phao và áo phao cứu sinh, cơ số thuốc phòng chống lụt bão, thiết bị y tế, thuốc và hóa chất chống dịch chi viện cho các địa phương theo lệnh cấp hàng của Bộ Y tế.
V. TỔ CHỨC KHẮC PHỤC HẬU QUẢ BÃO MẠNH, SIÊU BÃO:
1. Bộ Y tế:
- Tăng cường chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tại các địa phương trong vùng ảnh hưởng của mưa, bão; tổ chức trực ban, trực cấp cứu sẵn sàng thu dung và cấp cứu cho nạn nhân bị ảnh hưởng của mưa, bão; các đội cấp cứu cơ động ứng trực, sẵn sàng cơ động hỗ trợ, ứng cứu khi có lệnh.
- Chỉ đạo Trung tâm y tế dự phòng các tỉnh trong vùng bị ảnh hưởng của bão tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, vệ sinh phòng, chống dịch bệnh sau mưa, bão. Tăng cường truyền thông các khuyến cáo hướng dẫn nhân dân vùng bão, lũ trong công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết, thực hiện.
- Căn cứ vào tình hình dịch bệnh sau mưa, bão; chủ động thành lập các Đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường tại các tỉnh trọng điểm ảnh hưởng do mưa bão.
2. Sở Y tế các tỉnh/thành phố:
- Tiếp tục triển khai các phương án bảo vệ hoặc di dời cơ sở y tế để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế cũng như trang thiết bị y tế tại các vùng trũng, thấp và vùng có nguy cơ ngập úng, sạt lở đất.
- Triển khai các phương án khắc phục hậu quả do mưa bão, chỉ đạo công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại những nơi bão đã đi qua, đề phòng dịch bệnh có thể phát sinh sau bão, lũ như: đau mắt đỏ, sốt xuất huyết, tiêu chảy ...Hướng dẫn người dân trong vùng bị ảnh hưởng cách vệ sinh trong sinh hoạt hàng ngày, ăn chín uống sôi, khử trùng nguồn nước, giữ gìn vệ sinh phòng tránh những bệnh truyền nhiễm và phát sinh mầm bệnh.
- Chỉ đạo các đơn vị khám chữa bệnh: Tăng cường công tác giám sát các ca bệnh; bảo đảm tốt việc tiếp nhận, cấp cứu, điều trị và cách ly bệnh nhân, nạn nhân, sẵn sàng tăng cường cơ sở điều trị trong trường hợp khẩn cấp; Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, cơ số thuốc, trang thiết bị hồi sức cấp cứu, các phương tiện cần thiết cho công tác điều trị, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương, đơn vị trong hoạt động cấp cứu điều trị bệnh nhân theo điều động của Sở khi có dịch xảy ra.
- Tiếp tục chỉ đạo các cơ sở y tế tổ chức trực ban, trực cấp cứu, sẵn sàng thu dung và cấp cứu cho nạn nhân bị ảnh hưởng do mưa bão, úng lụt, sạt lở đất gây ra. Các đội cấp cứu cơ động luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng cứu cho tuyến dưới khi có lệnh.
3. Các đơn vị trực thuộc Bộ:
Chuẩn bị sẵn các cơ số thuốc, thiết bị phương tiện và phân công các đội y tế cơ động, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả do ảnh hưởng mưa, bão gây ra; Tổ chức các đội xung kích, tình nguyện chi viện các địa phương với đầy đủ phương tiện vận chuyển, cán bộ chuyên môn, hóa chất chống dịch, thuốc chữa bệnh. Phải chuẩn bị đủ cả kinh phí, lương thực, thực phẩm sử dụng trong điều kiện cứu trợ cơ động, không gây khó khăn thêm cho địa phương bị ảnh hưởng bởi bão mạnh, siêu bão.
1. Văn phòng Bộ - Thường trực Ban chỉ huy phòng chống thảm họa và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế, thường xuyên tổng hợp, cập nhật tình hình thiệt hại, ảnh hưởng của bão mạnh, siêu bão và hoạt động đáp ứng y tế ứng phó và khắc phục hậu quả bão mạnh, siêu bão ngành y tế, báo cáo Lãnh đạo Bộ Y tế. Bộ Y tế báo cáo kết quả phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả bão mạnh, siêu bão ngành y tế và kiến nghị, đề xuất gửi báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.
2. Sở Y tế các tỉnh/thành phố và các đơn vị trực thuộc Bộ thường xuyên tổng hợp báo cáo kết quả triển khai công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão mạnh, siêu bão tại đơn vị; hoạt động hỗ trợ địa phương, gửi đề xuất, kiến nghị; báo cáo tình hình tiếp nhận và sử dụng thuốc, hóa chất và trang thiết bị y tế phòng chống lụt bão do Bộ Y tế cấp gửi báo cáo nhanh về Văn phòng Bộ - Thường trực Ban chỉ huy phòng chống thảm họa và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế, địa chỉ 138A - Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội; Điện thoại 04.62732027; fax 0462732207, email [email protected].
1. Căn cứ phương án này đề nghị các thành viên Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế, các Cục/Vụ có chức năng thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh/thành phố, các Đơn vị trực thuộc Bộ tiến hành rà soát, bổ sung phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão của Đơn vị, tổ chức, triển khai thực hiện đạt hiệu quả.
2. Trong chỉ đạo, điều hành ứng phó với bão cần tập trung lực lượng, phương tiện, thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế ứng cứu hiệu quả các khu vực xung yếu, di dời cơ sở y tế, di dời dân đến nơi an toàn để tránh xảy ra thiệt hại về người, thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế.
3. Thành viên Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế, Lãnh đạo Tổng cục, các Cục/Vụ, Pháp chế, Thanh tra, Văn phòng thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh/thành phố, Thủ trưởng các Đơn vị trực thuộc Bộ thực hiện nhiệm vụ được phân công, phụ trách.
4. Văn phòng Bộ - Thường trực Ban chỉ huy phòng chống thảm họa và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế có trách nhiệm tổ chức kiểm tra việc triển khai kế hoạch này tại các đơn vị.
Trên đây là Phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão của ngành y tế, yêu cầu: Sở Y tế các tỉnh/thành phố, các đơn vị trực thuộc Bộ trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo về Thường trực Ban chỉ huy PCTT và TKCN Bộ Y tế để theo dõi, chỉ đạo./.