BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI --------------- Số: 02/CT-BGTVT | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------------- Hà Nội, ngày 18 tháng 3 năm 2013 |
CHỈ THỊ
Về tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động vận tải
hành khách bằng xe ô tô
Trong thời gian qua, các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai các quy định của Luật Giao thông đường bộ, Nghị định của Chính phủ và các quy định của pháp luật nhằm nâng cao an toàn giao thông và bảo đảm chất lượng dịch vụ vận tải. Tuy nhiên, việc chấp hành các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách của một số đơn vị kinh doanh vận tải, nhất là những đơn vị có quy mô nhỏ, còn tồn tại nhiều yếu kém; công tác quản lý, sử dụng, điều hành phương tiện và lái xe còn chưa chặt chẽ; tổ chức và hoạt động của bộ phận quản lý về an toàn giao thông còn mang tính hình thức; việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên xe còn mang tính chất đối phó, việc khai thác thông tin từ thiết bị giám sát hành trình chưa đạt được hiệu quả theo yêu cầu quản lý; nhiều bến xe thiếu trách nhiệm, không thực hiện đúng các quy định trong quản lý hoạt động vận tải tại bến; không báo cáo kịp thời, đầy đủ cho cơ quan quản lý nhà nước về tình hình hoạt động và chấp hành quy định của các đơn vị vận tải hoạt động tại bến.
Những tồn tại nêu trên đã tác động xấu đến chất lượng dịch vụ vận tải và là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông nghiêm trọng do xe ô tô khách gây ra trong thời gian gần đây.
Để khắc phục những tồn tại, yếu kém trong hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô, đặc biệt là đối với vận tải khách trên các tuyến liên tỉnh, đồng thời giảm thiểu tai nạn giao thông, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị vận tải, bến xe thực hiện ngay các nhiệm vụ sau:
1. Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ:
a) Tổ chức vận động, nâng cao tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức trong việc giám sát, phản ánh các hiện tượng tiêu cực, vi phạm trong tổ chức, quản lý hoạt động vận tải, phản ánh kịp thời các vi phạm của đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe khách;
b) Tăng cường công tác rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về vận tải, đề xuất hoàn thiện các quy định trong hoạt động vận tải, bảo đảm đúng quy định của pháp luật nhằm nâng cao các điều kiện đảm bảo an toàn giao thông.
2. Vụ Vận tải:
a) Chủ trì hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các điều kiện về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đối với các cơ quan quản lý tuyến, các đơn vị kinh doanh vận tải;
b) Phối hợp cùng Thanh tra Bộ, Vụ Khoa học công nghệ và các cơ quan liên quan trong việc kiểm tra việc quản lý, khai thác thiết bị giám sát hành trình trên xe ô tô, bảo đảm đáp ứng yêu cầu quản lý các điều kiện kinh doanh vận tải theo quy định.
3. Tổng cục Đường bộ Việt Nam:
a) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc các Sở Giao thông vận tải trong việc tổ chức triển khai thực hiện các quy định về quản lý vận tải và điều kiện kinh doanh vận tải; tập trung kiểm tra các điều kiện về quản lý người lao động, bộ phận an toàn giao thông, khai thác thiết bị giám sát hành trình.
b) Khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý vận tải đáp ứng yêu cầu quản lý trong lĩnh vực vận tải đường bộ, bảo đảm phù hợp với thực tế đồng thời nêu cao được vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về vận tải; tăng cường trách nhiệm quản lý của đơn vị vận tải, bến xe; xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm;
c) Tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quản lý trong lĩnh vực vận tải sau khi được ban hành;
d) Phối hợp với các Vụ liên quan của Bộ khẩn trương hoàn thiện dự thảo nội dung các Đề án đã đăng ký trong năm 2013 đặc biệt là Đề án “Đổi mới quản lý vận tải đường bộ theo hướng hiện đại, hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và giảm thiểu tai nạn giao thông” trình Bộ Giao thông vận tải để triển khai thực hiện.
4. Các Sở Giao thông vận tải:
a) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các đơn vị vận tải, bến xe vi phạm các quy định về quản lý vận tải và điều kiện kinh doanh vận tải (đặc biệt là các điều kiện về an toàn của phương tiện; quản lý và thực hiện thời gian làm việc của lái xe; hoạt động của bộ phận quản lý an toàn giao thông, hợp đồng lao động đối với lái xe). Tạo môi trường pháp lý lành mạnh để khắc phục tình trạng buông lỏng quản lý như kinh doanh theo hình thức khoán trắng cho lái xe của các đơn vị kinh doanh vận tải. Kiên quyết đình chỉ hoạt động, xử lý nghiêm minh kể cả thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải, đình chỉ hoạt động đối với các đơn vị vận tải không chấp hành đúng các quy định hoặc mang tính hình thức, đối phó;
b) Yêu cầu các đơn vị vận tải trên địa bàn cung cấp địa chỉ truy cập, tên và mật khẩu để truy cập, thu nhận dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình trên xe của đơn vị theo quy định; bố trí cán bộ thường trực theo dõi, tổng hợp, phân tích các dữ liệu thu nhận được từ thiết bị giám sát hành trình của các đơn vị vận tải thuộc địa phương quản lý để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý các trường hợp vi phạm;
c) Chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông, phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định trong hoạt động vận tải khách của đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe khách;
d) Phổ biến nội dung của Chỉ thị này đến các đơn vị kinh doanh vận tải, các bến xe khách trên địa bàn quản lý.
5. Các đơn vị vận tải hành khách:
a) Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đạo đức nghề nghiệp đối với đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, không sử dụng rượu bia hoặc các chất kích thích khi điều khiển phương tiện;
b) Có biện pháp quản lý chặt chẽ phương tiện và lái xe thuộc đơn vị. Ban hành nội quy, quy định của đơn vị về công tác an toàn giao thông; tổ chức kiểm tra tình trạng kỹ thuật của phương tiện trước khi điều động tham gia hoạt động vận tải. Kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm đối với các lái xe sử dụng chất ma túy, uống rượu bia khi điều khiển phương tiện, chạy quá tốc độ quy định, tổ chức thực hiện đúng quy định về thời gian làm việc của lái xe;
c) Duy trì hoạt động của các thiết bị giám sát hành trình đảm bảo truyền dẫn, lưu trữ đầy đủ các dữ liệu theo quy định về đơn vị và Sở Giao thông vận tải; bố trí nhân viên thường xuyên theo dõi, giám sát hoạt động của phương tiện, tổng hợp các dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình trên phương tiện của đơn vị trong quá trình hoạt động, có trách nhiệm kịp thời phát hiện và cảnh báo về tốc độ khi lái xe vi phạm quy định; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, báo cáo kịp thời về Sở Giao thông vận tải địa phương;
d) Đảm bảo hoạt động của bộ phận theo dõi, quản lý về an toàn giao thông, có sổ sách ghi chép theo dõi công tác an toàn giao thông của đơn vị.
6. Các bến xe khách:
a) Thực hiện đúng các quy định đối với bến xe. Tăng cường trách nhiệm và phối hợp quản lý giữa bến xe với đơn vị kinh doanh vận tải. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng Thanh tra giao thông để kiểm tra, kiểm soát hoạt động đón, trả khách của các đơn vị kinh doanh vận tải;
b) Kiên quyết không cho xuất bến đối với những xe hoặc lái xe không đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật (đặc biệt là đối với lái xe sử dụng rượu bia, chất kích thích). Không xác nhận và không cho xe xuất bến đối với các lái xe không đúng tên ghi trong sổ nhật trình do đơn vị kinh doanh vận tải điều động. Kịp thời báo cáo Sở Giao thông vận tải địa phương để xử lý ngay những vấn đề vượt quá thẩm quyền.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan phổ biến đến từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của cơ quan, đơn vị để thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.
Nơi nhận : - Chủ tịch UBATGTQG (để báo cáo); - Văn phòng Chính phủ; - Ủy ban ATGTQG; - Đảng ủy Bộ GTVT; - Công đoàn ngành GTVT Việt Nam; - Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam; - Các Thứ trưởng Bộ GTVT; - Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ; - Sở GTVT các tỉnh, thành phố; - Báo GTVT, Tạp chí GTVT; - Lưu VT, V.Tải; | BỘ TRƯỞNG Đinh La Thăng |