Quyết định 74/2008/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Chương trình tiếng Chăm cấp tiểu học

  • Tóm tắt
  • Nội dung
  • VB gốc
  • Tiếng Anh
  • Hiệu lực
  • VB liên quan
  • Lược đồ
  • Nội dung MIX

    - Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…

    - Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.

  • Tải về
Mục lục
Mục lục
Tìm từ trong trang
Tải VB
Lưu
Theo dõi VB

Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.

Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.

Báo lỗi
In
  • Báo lỗi
  • Gửi liên kết tới Email
  • Chia sẻ:
  • Chế độ xem: Sáng | Tối
  • Thay đổi cỡ chữ:
    17
Ghi chú

thuộc tính Quyết định 74/2008/QĐ-BGDĐT

Quyết định 74/2008/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Chương trình tiếng Chăm cấp tiểu học
Cơ quan ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạoSố công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Số hiệu:74/2008/QĐ-BGDĐTNgày đăng công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày đăng công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Loại văn bản:Quyết địnhNgười ký:Nguyễn Vinh Hiển
Ngày ban hành:26/12/2008Ngày hết hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày hết hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề

TÓM TẮT VĂN BẢN

Từ ngày 01/11/2020, Quyết định này bị hết hiệu lực bởi Thông tư 34/2020/TT-BGDĐT.

Xem chi tiết Quyết định 74/2008/QĐ-BGDĐT tại đây

tải Quyết định 74/2008/QĐ-BGDĐT

Tải văn bản tiếng Việt (.doc) Quyết định 74/2008/QĐ-BGDĐT DOC (Bản Word)
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.

Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Ghi chú
Ghi chú: Thêm ghi chú cá nhân cho văn bản bạn đang xem.
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
_____________

Số: 74/2008/QĐ-BGDĐT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
_______________

Hà Nội, ngày 26 tháng 12 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH TIẾNG CHĂM CẤP TIỂU HỌC

________________

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

 

Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;

Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục;

Căn cứ Chỉ thị số 14/2001/CT-TTg ngày 11 tháng 6 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông thực hiện Nghị quyết số 40/2000/QH10 của Quốc hội;

Theo Kết luận của Hội đồng Quốc gia thẩm định Chương trình tiếng Chăm cấp tiểu học, ngày 30 tháng 12 năm 2006;

Theo đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc,

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình tiếng Chăm cấp tiểu học.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Chương trình tiếng Chăm ban hành kèm theo Quyết định này là cơ sở để biên soạn tài liệu giảng dạy và chỉ đạo dạy tiếng Chăm ở cấp tiểu học.

Điều 3. Chánh văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc các Sở giáo dục và đào tạo chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Vinh Hiển

 

CHƯƠNG TRÌNH

TIẾNG CHĂM CẤP TIỂU HỌC
(ban hành kèm theo Quyết định số 74/2008/QĐ-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

I. MỤC TIÊU

Môn Tiếng Chăm được dạy trong trường tiểu học vùng dân tộc Chăm nhằm:

1. Hình thành và phát triển cho học sinh các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Chăm, góp phần rèn luyện tư duy và học tốt môn Tiếng Việt cũng như các môn học khác ở tiểu học.

2. Cung cấp cho học sinh những kiến thức cần thiết về ngữ âm, chữ viết, từ vựng, ngữ pháp tiếng Chăm, đáp ứng yêu cầu rèn luyện kỹ năng và thực hành giao tiếp; mở rộng những hiểu biết về con người, cuộc sống, về văn học, văn hóa của dân tộc Chăm và các dân tộc anh em.

3. Bồi dưỡng tình yêu tiếng mẹ đẻ cho học sinh; góp phần bảo tồn, phát triển bản sắc văn hóa dân tộc Chăm; phát triển nhân cách con người mới có kiến thức và khả năng hội nhập.

II. KẾ HOẠCH DẠY HỌC

Chương trình được thiết kế gồm 700 tiết, được triển khai dạy học trong 5 năm học (từ lớp 1 đến lớp 5). Mỗi năm học thực hiện 140 tiết trong 35 tuần.

- Lớp 1 (140 tiết), Lớp 2 (140 tiết) dành cho giai đoạn dạy – học âm, vần.

- Lớp 3 (140 tiết) dành cho giai đoạn Luyện tập tổng hợp nhằm củng cố vững chắc hệ thống âm, vần đã học ở Lớp 1 và 2.

- Lớp 4 (140 tiết), Lớp 5 (140 tiết) dạy các phân môn Tập đọc, Học thuộc lòng, Chính tả, Luyện từ và câu, Kể chuyện, Tập làm văn.

III. NỘI DUNG

LỚP MỘT

1. Kiến thức

a) Ngữ âm và chữ viết:

- Hệ thống âm của tiếng Chăm.

- Bảng chữ cái và các dấu âm: 37 chữ cái, 24 dấu âm.

- Hệ thống phụ âm kép, 31 vần thông dụng, 10 nét viết cơ bản.

b) Từ vựng:

- Học khoảng 200 đến 250 từ thuộc các nội dung về gia đình, nhà trường, thiên nhiên.

c) Ngữ pháp:

- Nghi thức lời nói: Chào hỏi, cảm ơn, chia tay.

2. Kỹ năng

a) Đọc:

- Thao tác đọc: Tư thế, cách cầm hoặc đặt sách vở, cách đưa mắt đọc;

- Phát âm các âm; đánh vần các vần thông thường;

- Đọc trơn các tiếng, từ khóa và từ ứng dụng;

- Tìm hiểu nghĩa các từ ngữ thông thường.

b) Viết:

- Thao tác viết: Tư thế, cách đặt vở, cách cầm bút;

- Viết 10 nét chữ cơ bản; viết các chữ cái cỡ vừa và nhỏ, viết các dấu âm đúng vị trí

- Viết các tiếng, từ, các chữ số từ 1 đến 9.

c) Nghe:

- Nghe lời hướng dẫn của giáo viên (GV) trong các bài học;

- Nghe phát âm các âm, vần; nghe đọc các tiếng, từ khóa, từ ứng dụng và câu ứng dụng;

- Nghe lời yêu cầu của GV, bạn bè và người đối thoại;

- Nghe các câu kể, câu hỏi đơn giản.

d) Nói:

- Nói lời chào hỏi, chia tay trong gia đình, trường học;

- Nói – trả lời câu hỏi đơn giản; đặt câu hỏi đơn giản.

3. Ngữ liệu

Một số từ khóa, từ và câu ứng dụng có nội dung gần gũi về gia đình, nhà trường, thiên nhiên, phù hợp với lứa tuổi HS và có tranh minh họa.

4. Yêu cầu cần đạt

a) Về kiến thức:

- Nhận biết các chữ cái, các dấu âm;

- Nhận biết các bộ phận của tiếng: âm chính, vần, dấu âm và vị trí của các dấu âm;

- Biết thêm các từ ngữ chỉ một số sự vật, hoạt động, tính chất; từ xưng hô thường dùng trong giao tiếp ở gia đình và trường học; các số tự nhiên từ 1 đến 50;

- Nắm được các nghi thức lời nói đơn giản: Cám ơn, chào hỏi, chia tay trong gia đình, trường học.

b) Về kỹ năng:

- Có tư thế đọc đúng. Đọc trơn, đọc rõ tiếng, từ và câu ứng dụng. Đọc hiểu các từ khóa, từ và câu ứng dụng; tốc độ đọc khoảng 15 chữ/phút;

- Có tư thế viết đúng. Viết đúng các chữ cái cỡ vừa và nhỏ; viết đúng mẫu các tiếng và từ đã đọc; tốc độ viết khoảng 10 – 12 chữ/15 phút;

- Nghe hiểu đúng lời hướng dẫn, lời yêu cầu và câu hỏi đơn giản của người đối thoại;

- Nói rõ ràng, đủ nghe. Biết nói lời cám ơn, chào hỏi, chia tay trong gia đình, trường học. Biết trả lời câu hỏi đơn giản.

LỚP HAI

1. Kiến thức

a) Ngữ âm và chữ viết:

- Bảng chữ cái, nguyên âm đôi, các chữ cái làm lang likuk trong tiếng và từ;

- Các nhóm vần khó;

- Cách viết chữ cái của âm tiết kết thúc câu (viết kéo dài nét phụ âm cuối).

b) Từ vựng:

- Học thêm khoảng 250 – 300 từ ngữ về cuộc sống của trẻ em ở nhà trường, gia đình và cộng đồng;

- Một số thành ngữ, tục ngữ thông dụng.

c) Ngữ pháp:

- Từ chỉ sự vật, hoạt động, đặc điểm, tính chất;

- Câu kể, câu hỏi đơn giản.

- Nghi thức lời nói: Xin lỗi, yêu cầu, tự giới thiệu.

2. Kỹ năng

a) Đọc:

- Phát âm đúng và rõ ràng các vần đã học;

- Đọc trơn các từ khóa, các cụm từ và câu ứng dụng;

- Hiểu nghĩa các thành ngữ, tục ngữ thông dụng, câu khóa và câu ứng dụng;

- Đọc thuộc một số câu ca dao, đồng dao, tục ngữ và thành ngữ.

b) Viết:

- Viết đúng mẫu và đẹp các chữ cái theo cỡ chữ vừa và nhỏ;

- Viết đủ nét, đủ dấu âm các vần, các tiếng và từ đã học.

c) Nghe:

- Nghe hiểu nội dung các câu khóa, câu ứng dụng;

- Nghe hiểu và trả lời câu hỏi của người đối thoại; sử dụng mẫu câu hỏi đơn giản để hỏi lại người đối thoại.

d) Nói:

- Đáp lời cảm ơn, xin lỗi, lời mời trong tình huống giao tiếp ở gia đình, nhà trường và nơi công cộng;

- Nói lời yêu cầu với người đối thoại;

- Nói lời giới thiệu đơn giản về bản thân, gia đình, lớp học và bạn bè.

3. Ngữ liệu

- Các câu khóa, câu ứng dụng là các câu thơ, câu văn, ca dao, đồng dao, tục ngữ, thành ngữ có nội dung gần gũi với cuộc sống hàng ngày của HS.

- Ngữ liệu dùng để tập viết là các từ khóa có trong bài học.

4. Yêu cầu cần đạt

a) Về kiến thức:

- Thuộc bảng chữ cái và các dấu âm;

- Nhận biết các nguyên âm đôi và các chữ cái giữ vai trò lang likuk trong tiếng và từ;

- Nhận biết âm tiết kết thúc câu;

- Bước đầu nhận biết các từ ngữ chỉ sự vật, hoạt động, đặc điểm và tính chất thông thường; biết một số thành ngữ, tục ngữ thông dụng;

- Nhận biết dạng câu kể: Ai là gì? Ai làm gì? Ai thế nào?

- Biết một số nghi thức lời nói: Xin lỗi, yêu cầu, đề nghị, tự giới thiệu.

b) Về kỹ năng:

- Đọc đúng các tiếng và từ có các vần khó; đọc liền mạch các từ trong câu; tốc độ đọc khoảng 20 – 25 chữ/phút;

- Hiểu nội dung các câu văn, đoạn văn ứng dụng;

- Viết đúng mẫu, đủ nét, đủ dấu âm các từ ngữ có vần khó; biết viết thẳng hàng dưới dòng kẻ; tốc độ viết 15 – 20 chữ/15 phút;

- Biết cách viết phụ âm cuối của âm tiết kết thúc câu theo quy định;

- Nghe hiểu và trả lời đúng câu hỏi của người đối thoại;

- Biết nói lời xin lỗi, lời yêu cầu đối với người đối thoại; biết nói lời giới thiệu đơn giản về bản thân, gia đình, bạn bè và lớp học.

LỚP BA

1. Kiến thức

a) Ngữ âm và chữ viết:

- Hệ thống âm, vần (luyện tập tổng hợp về nhận diện, phát âm, đọc và viết);

- Sơ giản về cấu tạo của vần.

b) Từ vựng:

- Học thêm khoảng 300 – 350 từ ngữ về văn hóa, xã hội, lao động sản xuất;

- Một số tục ngữ, thành ngữ quen thuộc, thường gặp

c) Ngữ pháp:

- Từ chỉ sự vật, hoạt động, tính chất, đặc điểm;

- Từ có lang likuk;

- Dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm hỏi, dấu chấm than, dấu hai chấm.

2. Kỹ năng

a) Đọc:

- Đọc một số văn bản thuộc các thể loại văn vần, văn xuôi, đoạn đối thoại;

- Đọc thầm;

- Tìm hiểu nội dung bài học, trả lời câu hỏi theo nội dung bài;

- Đọc thuộc một số bài văn vần trong sách giáo khoa.

b) Viết:

- Tập viết các từ, cụm từ, câu theo cỡ chữ nhỏ;

- Viết chính tả đoạn văn, đoạn thơ, câu tục ngữ, thành ngữ theo các hình thức nhìn – viết, nghe – viết;

- Viết câu đơn có hai thành phần chủ ngữ và vị ngữ. Dùng dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm hỏi, dấu chấm than, dấu hai chấm.

c) Nghe:

- Nghe và kể lại nội dung những mẩu chuyện ngắn và đơn giản;

- Nghe, làm theo các yêu cầu và lời dặn dò của GV trong quá trình học tập;

- Nghe các mẩu tin thông báo ngắn, các văn bản hướng dẫn đơn giản về thực hiện nếp sống mới, vệ sinh phòng bệnh trong làng bản, cộng đồng;

- Nghe – viết đoạn văn, đoạn thơ ngắn.

d) Nói:

- Dùng lời nói phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp trong sinh hoạt gia đình, trong lớp học;

- Đặt câu hỏi về vấn đề chưa biết, trả lời câu hỏi của người đối thoại;

- Phát biểu ý kiến trong tổ, nhóm học tập và trong sinh hoạt lớp;

- Kể lại nội dung câu chuyện đơn giản, mẩu tin ngắn đã được nghe.

3. Ngữ liệu

Hệ thống các bài đọc có độ dài khoảng 30 – 40 từ, gồm các bài ca dao, đồng dao, mẩu chuyện ngắn thuộc văn học dân gian Chăm, nói về tình cảm và các quan hệ trong cuộc sống cộng đồng, làng bản; các đoạn văn nói về trẻ em trong môi trường gia đình, trường học; các mẩu tin ngắn, văn bản hướng dẫn đơn giản về thực hiện nếp sống mới, vệ sinh phòng bệnh trong gia đình, làng bản và cộng đồng.

4. Yêu cầu cần đạt

a) Về kiến thức:

- Nhận biết nhanh, chính xác hệ thống chữ cái, dấu âm. Phát âm đúng hệ thống âm, vần;

- Bước đầu nắm được cấu tạo của vần, kể cả các vần khó;

- Nhận biết được các từ chỉ sự vật, hoạt động, đặc điểm, tính chất. Biết thêm các từ ngữ, thành ngữ, tục ngữ về văn hóa, xã hội, lao động sản xuất.

- Nắm vững cấu tạo của câu đơn hai thành phần (chủ ngữ và vị ngữ);

- Biết cách dùng dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm hỏi, dấu chấm than, dấu hai chấm.

b) Về kỹ năng:

- Đọc rõ ràng, mạch lạc các đoạn văn, bài văn, bài thơ có độ dài 40 – 50 chữ; đọc phân biệt lời nhân vật trong các đoạn đối thoại; tốc độ đọc 25 – 30 chữ/phút;

- Hiểu ý chính của các đoạn văn, đoạn thơ, đoạn đối thoại;

- Thuộc một số bài thơ, đoạn văn có độ dài 30 – 40 chữ;

- Viết chữ rõ ràng, đủ nét, đủ dấu âm, thẳng hàng dưới dòng kẻ;

- Nhìn – viết, nghe - viết bài chính tả có độ dài 20 – 25 chữ/15 phút, không mắc quá 5 lỗi, trình bày đúng quy định, bài viết sạch;

- Viết đúng các câu trần thuật đơn gồm hai thành phần chủ ngữ và vị ngữ;

- Kể lại được mẩu chuyện; ghi lại được mẩu tin ngắn, lời nhắn đã nghe;

- Bước đầu biết phát biểu ý kiến trong thảo luận nhóm, trong sinh hoạt lớp.

LỚP BỐN

1. Kiến thức

a) Ngữ âm và chữ viết

- Sơ giản về cấu tạo của tiếng

b) Từ vựng:

- Từ ngữ (gồm cả thành ngữ, tục ngữ) theo các chủ điểm: Nhà trường, Gia đình, Cộng đồng, Quê hương – Đất nước;

- Sơ giản về từ đơn, từ ghép, từ láy; các từ có lang likuk.

c) Ngữ pháp:

- Danh từ, động từ, tính từ;

- Câu đơn và các thành phần chủ ngữ, vị ngữ, trạng ngữ;

- Các kiểu câu: Câu kể, câu hỏi, câu cảm, câu cầu khiến.

d) Chính tả:

- Các tiếng có vần khó, có tổ hợp phụ âm;

- Nghe – viết, nhớ - viết đoạn văn, đoạn thơ;

- Chính tả so sánh các cặp phụ âm, các vần khó, dễ lẫn lộn;

- Các quy tắc chính tả.

e) Tập làm văn:

- Viết các câu văn, đoạn văn có nội dung gần gũi; cách thức làm cho các câu văn, đoạn văn nối kết, liền mạch;

- Đoạn văn, bài văn kể chuyện, miêu tả (tả đồ vật, cây cối, con vật); kể lại một việc đã làm, đã thấy;

- Cách diễn đạt bằng lời nói, bằng viết văn bản rõ ràng, mạch lạc các bài văn tả, văn kể có nội dung gần gũi.

2. Kỹ năng

a) Đọc:

- Đọc thành tiếng các văn bản nghệ thuật, khoa học, thông tin, hành chính;

- Đọc thầm;

- Đọc hiểu nội dung bài văn, bài thơ; trả lời câu hỏi theo nội dung bài;

- Đọc diễn cảm đoạn văn, bài thơ;

- Đọc thuộc một số bài thơ, đoạn văn.

b) Viết:

- Viết chính tả đoạn văn, đoạn thơ theo các hình thức nghe – viết, nhớ - viết. Sửa lỗi chính tả trong bài viết;

- Viết chính tả so sánh các cặp phụ âm, các vần dễ lẫn lộn;

- Viết đoạn văn kể chuyện, miêu tả (tả đồ vật, cây cối, con vật, tả người) theo câu hỏi gợi ý hoặc dàn ý cho trước;

- Viết bài văn ngắn kể lại một việc đã làm trong gia đình, lớp học;

- Viết lại mẩu tin, lời nhắn.

c) Nghe:

- Nghe và kể lại câu chuyện có nội dung đơn giản, phù hợp với lứa tuổi;

- Nghe và thuật lại hoặc ghi lại các bản tin;

- Nghe – viết đoạn văn, đoạn thơ, bài thơ;

- Nghe và ghi lại một số ý chính của văn bản đã nghe.

d) Nói:

- Nói lại một lời nhắn, thông báo một tin ngắn cho người khác biết;

- Kể lại một chuyện đã học hoặc một việc đã làm cho người khác nghe;

- Bày tỏ ý kiến khi trao đổi, thảo luận về những vấn đề gần gũi. Tập dùng lời nói phù hợp trong sinh hoạt gia đình, nhà trường và cộng đồng;

- Giới thiệu về người thân trong gia đình, bạn bè trong lớp học.

3. Ngữ liệu

- Các bài tập đọc, kể chuyện được lựa chọn từ các văn bản văn học Chăm (ca dao, dân ca, đồng dao, chuyện kể dân gian, các bài thơ, bài văn, bài đối thoại …); các đoạn trích dịch, phỏng dịch từ văn liệu của các dân tộc anh em khác và một số văn bản biên soạn thêm phù hợp với mục tiêu dạy tiếng là nhằm giáo dục các giá trị nhân văn, lòng hướng thiện, yêu cái đẹp và phát huy tinh thần cộng đồng.

- Các ngữ liệu được phân bố theo các chủ đề: Nhà trường, Gia đình, Cộng đồng, Quê hương – Đất nước;

- Mỗi bài tập đọc có độ dài khoảng 40 – 50 từ; các bài đọc dùng cho tiết kể chuyện có thể dài hơn.

4. Yêu cầu cần đạt

a) Về kiến thức:

- Nhận biết cấu tạo của tiếng gồm phần trung tâm (phụ âm) và phần vần được thể hiện ở xung quanh phần trung tâm, các yếu tố tiền tố, hậu tố;

- Biết thêm khoảng 350 – 400 từ ngữ (gồm cả thành ngữ, tục ngữ) về tự nhiên, xã hội, lao động sản xuất, bảo vệ Tổ quốc …

- Nhận biết sự khác biệt về cấu tạo của từ đơn, từ ghép và từ láy;

- Nhận biết các từ loại danh từ, động từ, tính từ;

- Nhận biết các từ có lang likuk;

- Hiểu thế nào là câu đơn, các thành phần chủ ngữ, vị ngữ, trạng ngữ của câu;

- Hiểu thế nào là câu kể, câu hỏi, câu cảm, câu cầu khiến. Biết cách đặt các loại câu.

b) Về kỹ năng:

- Đọc các văn bản nghệ thuật, khoa học, thông tin báo chí có độ dài 50 – 60 chữ; tốc độ đọc 30 – 35 chữ/phút;

- Đọc thầm với tốc độ 35 – 40 chữ/phút;

- Đọc hiểu nội dung từng đoạn và nội dung văn bản;

- Đọc thuộc một số đoạn thơ, bài thơ ngắn đã học;

- Viết được bài chính tả nghe – viết, nhớ - viết có độ dài khoảng 30 – 35 chữ trong 20 phút, không mắc quá 5 lỗi, trình bày đúng quy định, bài viết sạch;

- Viết được đoạn văn theo dàn ý đã lập;

- Nghe và thuật lại được nội dung chính của bản tin, thông báo ngắn; kể lại được câu chuyện đã nghe, đã đọc hay sự việc đã tham gia hoặc đã chứng kiến;

- Biết xưng hô, biết cách diễn đạt đúng nghi thức lời nói trong môi trường giao tiếp ở nhà, ở trường, ở nơi công cộng;

- Biết đặt và trả lời câu hỏi, biết trình bày ý kiến trong trao đổi, thảo luận nhóm học tập, trong sinh hoạt lớp.

LỚP NĂM

1. Kiến thức

a) Ngữ âm và chữ viết:

- Cấu tạo của vần.

b) Từ vựng:

- Từ ngữ (gồm cả thành ngữ, tục ngữ) theo các chủ điểm Nhà trường, Gia đình, Cộng đồng, Quê hương – Đất nước (chú trọng các từ ngữ về quyền trẻ em, tình đoàn kết giữa các dân tộc, bảo vệ môi trường, bảo vệ Tổ quốc);

- Sơ giản về từ đồng nghĩa, trái nghĩa, đồng âm.

c) Chính tả:

- Nghe – viết, nhớ - viết đoạn văn, đoạn thơ, bài thơ ngắn.

- Chính tả so sánh các phụ âm, các vần dễ lẫn lộn;

- Các quy tắc chính tả.

d) Ngữ pháp

- Từ loại: Đại từ, từ chỉ quan hệ;

- Cấu tạo từ: Phương thức ghép, phương thức láy, yếu tố tiền tố;

- Sơ giản về câu ghép và một số kiểu câu ghép;

- Sơ giản về câu khẳng định, câu phủ định.

e) Tập làm văn:

- Sơ giản về liên kết câu, đoạn văn;

- Văn kể, văn tả (tả cảnh, tả người), viết thư;

- Một số văn bản thông thường theo mẫu: Đơn từ, biên bản …

- Một số quy tắc giao tiếp trong trao đổi, thảo luận.

2. Kỹ năng

a) Đọc:

- Đọc các văn bản nghệ thuật, khoa học, thông tin báo chí;

- Đọc thầm để nắm nội dung văn bản;

- Đọc diễn cảm bài văn, bài thơ và các văn bản thông thường khác;

- Đọc thuộc một số đoạn văn, đoạn thơ, bài thơ ngắn.

b) Viết:

- Viết chính tả đoạn văn, đoạn thơ, bài thơ ngắn theo các hình thức nghe – viết, nhớ - viết; sửa lỗi chính tả trong bài viết;

- Viết các cặp phụ âm căng – chùng, các cặp nguyên âm dài – ngắn;

- Lập dàn ý cho bài văn kể chuyện và miêu tả (tả người, tả cảnh);

- Viết đoạn văn, bài văn kể chuyện, miêu tả theo dàn ý;

- Viết thư gửi người thân và bạn bè;

- Viết một số văn bản thông thường có nội dung thông tin và đúng quy cách như đơn từ, thông báo …

c) Nghe:

- Nghe và kể lại câu chuyện;

- Nghe và thuật lại bản tin, văn bản phổ biến khoa học;

- Nghe – viết chính tả một đoạn văn, đoạn thơ, bài thơ;

- Nghe và tham gia ý kiến trong trao đổi, thảo luận.

d) Nói:

- Kể câu chuyện đã nghe, đã đọc; thuật lại việc đã chứng kiến hoặc tham gia;

- Trao đổi, thảo luận về đề tài phù hợp với lứa tuổi; bày tỏ ý kiến về những vấn đề đang trao đổi, thảo luận;

- Giới thiệu về gia đình, trường học, lịch sử, văn hóa và các nhân vật tiêu biểu của địa phương.

3. Ngữ liệu

- Một số đoạn văn, bài văn, bài thơ về tự nhiên, xã hội, con người (chú trọng các văn bản về quyền trẻ em, quyền và nghĩa vụ công dân, tình đoàn kết hữu nghị giữa các dân tộc, bảo vệ môi trường, bảo vệ Tổ quốc).

- Văn bản có độ dài 50 – 60 chữ.

4. Yêu cầu cần đạt

a) Về kiến thức:

- Nhận biết cấu tạo của vần: Âm chính, vị trí trên, dưới, trước, sau của các dấu âm, âm cuối.

- Biết thêm khoảng 400 – 450 từ ngữ (gồm cả thành ngữ, tục ngữ) về tự nhiên, xã hội, lao động sản xuất, bảo vệ Tổ quốc …

- Bước đầu nhận biết và có khả năng lựa chọn từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa trong nói và viết.

- Nhận biết và có khả năng sử dụng các đại từ và các từ chỉ quan hệ.

- Nhận biết và có khả năng tạo lập câu ghép trong nói và viết.

- Biết cách làm bài văn tả cảnh, tả người, văn viết thư.

b) Về Kỹ năng:

- Đọc đúng và lưu loát các văn bản nghệ thuật, hành chính, khoa học, thông tin báo chí … có độ dài 60 – 80 chữ với tốc độ 35 – 40 chữ/phút.

- Đọc thầm với tốc độ 40 – 45 chữ/phút

- Đọc diễn cảm bài văn, bài thơ.

- Nhận biết ý chính của từng đoạn và đại ý của văn bản.

- Đọc thuộc một số đoạn văn và bài thơ ngắn đã học.

- Viết được bài chính tả nghe – viết, nhớ - viết có độ dài khoảng 35 – 40 chữ trong 20 phút, không mắc quá 5 lỗi. Biết tự phát hiện và sửa lỗi chính tả.

- Biết lập dàn ý và viết bài văn kể chuyện, miêu tả có độ dài khoảng 60 – 80 chữ.

- Biết viết thư cho người thân; viết được các văn bản thông thường như đơn từ, biên bản, thông báo theo đúng mẫu.

- Nghe – viết bài chính tả có độ dài 35 – 40 chữ, trong đó có từ chứa các âm, vần khó và dễ lẫn lộn.

- Biết kể lại nội dung câu chuyện đã nghe, đã đọc; thuật lại một sự việc đã biết hoặc đã tham gia.

- Biết giới thiệu thành đoạn hoặc bài văn ngắn về gia đình, trường học, về lịch sử, văn hóa, về các nhân vật tiêu biểu của địa phương.

IV. GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

1. Định hướng xây dựng chương trình

a) Chương trình được xây dựng trên cơ sở ngôn ngữ Chăm: cách cấu âm, hiệp vần, chữ viết cổ truyền (Akhar Thrah) và trên cơ sở nền văn hóa Chăm phong phú, lâu đời;

b) Chương trình được xác định phù hợp với mục tiêu đào tạo của cấp tiểu học, với khả năng nhận thức, trình độ phát triển và điều kiện học tập của học sinh. Môn học Tiếng Chăm được đặt trong mối quan hệ với các môn học khác trong chương trình chung. Nội dung tinh giản, thiết thực, mang bản sắc văn hóa dân tộc Chăm;

c) Chương trình được xây dựng trên cơ sở kế thừa một số thành tựu và kinh nghiệm dạy tiếng mẹ đẻ cho học sinh bản ngữ. Nội dung chương trình Tiếng Chăm hướng tới việc hình thành, phát triển các năng lực giao tiếp nghe, nói, đọc, viết cho học sinh, trong đó chú trọng kỹ năng đọc và viết. Một số kiến thức sơ giản về tiếng (ngữ âm, chữ viết, chính tả, từ vựng, ngữ pháp) và về văn được đưa vào chương trình nhằm tạo cơ sở cho việc thực hành các kỹ năng;

d) Chương trình tiếng Chăm còn thể hiện nguyên tắc dạy học tích hợp: kết hợp dạy các kỹ năng sử dụng ngôn ngữ với việc trang bị một số kiến thức cần thiết về tiếng; kết hợp việc dạy tiếng với việc trang bị một số kiến thức sơ giản về văn hóa dân tộc; kết hợp việc dạy tiếng mẹ đẻ với việc dạy tiếng Việt ở tiểu học trên cơ sở kế thừa những kiến thức đã được hình thành ở học sinh trong quá trình học tiếng Việt vào quá trình học tiếng Chăm.

2. Cấu trúc nội dung chương trình

a) Cấu trúc:

Chương trình Tiếng Chăm cấp tiểu học vùng Chăm được dạy từ lớp 1 đến lớp 5, chia làm 2 giai đoạn:

- Giai đoạn đầu (các Lớp 1, 2 , 3): dạy hệ thống ký hiệu chữ viết, bộ vần tiếng Chăm (lớp 1 và 2); ở lớp 3 dạy luyện đọc và luyện viết nhằm củng cố vững chắc các âm, vần đã học thông qua hệ thống bài khóa ngắn. Các kỹ năng được luyện tập và phát triển trên cơ sở vốn hiểu biết tự nhiên về tiếng mẹ đẻ của HS. Các đơn vị học tập ở giai đoạn này là học vần, tập viết, tập chép, tập đọc.

- Giai đoạn hai (Lớp 4, 5): Tiếp tục hình thành và phát triển các kỹ năng và kiến thức ngôn ngữ, đặc biệt là kỹ năng đọc và viết cho học sinh. Qua luyện tập, thực hành, HS được hoàn thiện dần các kỹ năng đọc và nói, từ đó tiến tới hình thành kỹ năng viết một cách chủ động, sáng tạo và chuẩn mực dần. Các đơn vị học tập ở giai đoạn này là Tập đọc, Kể chuyện, Chính tả, Luyện từ và câu, Tập làm văn.

b) Nội dung:

- Kiến thức ngôn ngữ:

+ Ngữ âm: Giới thiệu hệ thống chữ cái ghi âm, hệ thống dấu âm, hệ thống âm vần, cách biến đổi dấu giọng, cách ghép âm – vần, cách đánh vần; cấu tạo vần và tiếng.

+ Từ vựng: Cung cấp và trang bị cho học sinh một số vốn từ ngữ thông dụng, cơ bản và gần gũi, mở rộng vốn từ theo các chủ đề; học một số từ loại chính như danh từ, động từ, tính từ, đại từ nhân xưng, từ chỉ quan hệ.

+ Ngữ pháp: Cấu tạo từ và câu; Từ có yếu tố tiền tố, hậu tố; từ có lang likuk; câu đơn và các thành phần chính của câu đơn; sơ giản về câu ghép và một số kiểu câu ghép; các kiểu câu theo mục đích nói năng; luật chính tả.

- Kỹ năng sử dụng ngôn ngữ:

+ Kỹ năng nghe: Rèn luyện ở mức độ nghe hiểu tương đối nhanh, chính xác.

+ Kỹ năng nói: Rèn luyện ở mức phát âm đúng và tương đối chuẩn; diễn đạt lời nói rõ ràng, mạch lạc và bước đầu nói có diễn cảm.

+ Kỹ năng đọc: Rèn luyện học sinh nhận biết tương đối nhanh hệ thống ký hiệu ghi âm, từ đó có cơ sở đọc đúng, đọc mạch lạc và đọc thầm.

+ Kỹ năng viết: Luyện kỹ năng viết đúng 10 nét viết cơ bản của chữ Chăm, viết đẹp hệ thống ký hiệu chữ viết, viết đúng chính tả, tiến tới viết được các câu văn, đoạn văn, bài văn ngắn.

c) Ngữ liệu

Các ngữ liệu dùng để dạy âm, vần là các từ khóa, câu khóa thông dụng, dễ hiểu đối với học sinh. Các ngữ liệu để dạy tập đọc, học thuộc lòng, kể chuyện, chính tả là những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ, các bài đồng dao, dân ca, bài thơ, bài văn ngắn, các câu chuyện kể dân gian thuộc nền văn hóa Chăm và nền văn hóa của các dân tộc anh em khác.

3. Kế hoạch dạy học

Chương trình Tiếng Chăm được phân phối thời gian dạy học cụ thể, đảm bảo thực hiện hết chương trình của từng khối lớp.

Trong tài liệu dạy học, ở các lớp 1, 2, 3 mỗi bài học được thiết kế cho 2 tiết học (mỗi tiết học 35 – 40 phút). Ở các lớp 4, 5 lấy đơn vị học gồm 2 tuần để phân phối đủ số tiết cho các phân môn Tập đọc, Kể chuyện, Chính tả, Luyện từ và câu, Tập làm văn, mỗi bài học của từng phân môn được thiết kế cho 1 tiết học (40 phút).

Tùy điều kiện thực tế của từng địa phương mà bố trí kế hoạch dạy học phù hợp (dạy 2, 3 hoặc 4 tiết/tuần; dạy vào thời gian chính khóa hay dạy thêm vào các buổi khác trong ngày, trong tuần).

4. Phương pháp và hình thức tổ chức dạy học

a) Phương pháp dạy học:

Để việc dạy học tiếng Chăm trong các trường tiểu học vùng dân tộc Chăm có hiệu quả, cần phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh tham gia vào các hoạt động dạy và học; chú ý tới một số phương pháp đặc trưng của môn học như:

- Phương pháp thực hành giao tiếp: Hướng dẫn học sinh nghe, nói, đọc, viết trong các tình huống giao tiếp cụ thể; hướng dẫn học sinh vận dụng các kiến thức, kỹ năng đã học vào thực hiện các nhiệm vụ giao tiếp nhằm khắc sâu kiến thức và kỹ năng. Đây là cách thức chủ yếu để phát triển lời nói cho học sinh.

- Phương pháp phân tích ngôn ngữ: Hướng dẫn học sinh quan sát, phân tích các hiện tượng ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, chính tả để tìm ra những nét đặc trưng của những hiện tượng ấy, nhằm sử dụng đúng trong nói và viết.

- Phương pháp rèn luyện theo mẫu: Giáo viên lựa chọn và giới thiệu các mẫu hoạt động lời nói, giúp học sinh hiểu và nắm được cơ chế của chúng, sau đó bắt chước mẫu để tạo ra lời nói của mình.

- Phương pháp so sánh, đối chiếu: So sánh, đối chiếu các kiến thức đã có với các kiến thức đang học, đối chiếu ngôn ngữ dân tộc với ngôn ngữ phổ thông để tìm ra sự giống nhau và khác nhau giữa hai hệ thống ngôn ngữ.

b) Hình thức tổ chức dạy học:

Để giờ học sinh động, có hiệu quả, hoạt động học tập của học sinh cũng cần luôn luôn thay đổi với các hình thức tổ chức học tập khác nhau: Làm việc độc lập, làm việc theo nhóm, tham gia các hoạt động trò chơi học tập. Các hình thức tổ chức dạy học cần hướng học sinh kết hợp việc học trên lớp với việc vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống.

5. Đánh giá kết quả học tập.

a) Mục đích đánh giá:

Trong quá trình dạy học, đánh giá kết quả học tập của học sinh nhằm động viên, kích thích học sinh học tập, đồng thời giúp giáo viên kiểm soát, quản lý chất lượng dạy và học.

b) Nguyên tắc và phương thức đánh giá:

Về nguyên tắc, các nội dung học tập được nêu trong chương trình đều phải được đánh giá. Cách đánh giá cần được thực hiện một cách toàn diện, khách quan theo hai phương thức chủ yếu là đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ. Cách kiểm tra, đánh giá cần đa dạng và phù hợp với từng kiến thức và kỹ năng:

- Các kỹ năng phát âm, đọc thành tiếng, viết chữ, nghe và nói được đánh giá qua hoạt động thực hành của HS.

- Các kỹ năng đọc hiểu, dùng từ, đặt câu, những kiến thức sơ giản về quy tắc chính tả, từ vựng, ngữ pháp được đánh giá bằng những câu hỏi trắc nghiệm khách quan và những câu hỏi mở.

- Các kỹ năng viết đoạn, bài văn ngắn được đánh giá bằng bài kiểm tra viết.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Vinh Hiển

 

Ghi chú
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Nội dung văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực

Thông tư 10/2024/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 07/2023/TT-BLĐTBXH ngày 28/8/2023 của Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; xếp lương, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp

Thông tư 10/2024/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 07/2023/TT-BLĐTBXH ngày 28/8/2023 của Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; xếp lương, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp

Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề, Lao động-Tiền lương, Cán bộ-Công chức-Viên chức

văn bản mới nhất

loading
×
×
×
Vui lòng đợi