Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Quyết định 121/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các trường đại học và cao đẳng giai đoạn 2006 - 2020
- Tóm tắt
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
thuộc tính Quyết định 121/2007/QĐ-TTg
Cơ quan ban hành: | Thủ tướng Chính phủ | Số công báo: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Số hiệu: | 121/2007/QĐ-TTg | Ngày đăng công báo: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày đăng công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Loại văn bản: | Quyết định | Người ký: | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày ban hành: | 27/07/2007 | Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề, Chính sách |
TÓM TẮT VĂN BẢN
* Chính sách đào tạo - Ngày 27/7/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 121/2007/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các trường đại học và cao đẳng giai đoạn 2006 - 2020. Theo đó, sẽ mở rộng hợp lý quy mô đào tạo đại học, đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hóa và hiện đại hóa, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội và tiềm lực khoa học công nghệ của đất nước… Mục tiêu của Quy hoạch là đến năm 2010, phấn đấu đạt 200 sinh viên/1 vạn dân và 450 sinh viên/1 vạn dân vào năm 2020. Đến năm 2020: có khoảng 70-80% sinh viên đại học được đào tạo theo các chương trình nghề nghiệp-ứng dụng và 20-30% sinh viên được đào tạo theo các chương trình nghiên cứu; có trên 90% giảng viên đại học và trên 70% giảng viên cao đẳng có trình độ thạc sỹ trở lên; có trên 75% giảng viên đại học và ít nhất 20% giảng viên cao đẳng có trình độ tiến sỹ. Về các trường đại học, Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2010 có 10 trường đại học mà mỗi trường có ít nhất 1 khoa (ngành) hoặc lĩnh vực đào tạo đạt tiêu chí chất lượng tương đương so với các trường có uy tín trên thế giới; đến năm 2015 có 20 trường đại học đạt tiêu chí nêu trên và đến năm 2020 có 1 trường đại học được xếp hạng trong số 200 trường đại học hàng đầu thế giới. Về ngành nghề đào tạo, trước mắt ưu tiên một số ngành trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn; công nghệ thông tin... Số sinh viên được đào tạo theo nhóm các ngành, nghề cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp… Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Xem chi tiết Quyết định 121/2007/QĐ-TTg tại đây
tải Quyết định 121/2007/QĐ-TTg
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG
CHÍNH PHỦ SỐ 121/2007/QĐ-TTg NGÀY 27 THÁNG 07 NĂM 2007
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH MẠNG LƯỚI CÁC TRƯỜNG ĐẠI
HỌC
VÀ CAO ĐẲNG GIAI ĐOẠN 2006 - 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ
chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Giáo
dục ngày 14 tháng 6 năm 2005 và Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006
của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của
Luật Giáo dục;
Căn cứ Nghị định
số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và
quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Nghị
quyết số 34/2006/NQ-CP ngày 08 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ về phiên họp
thường kỳ tháng 11 năm 2006;
Xét đề nghị của
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tại tờ trình số 6526/TTr-BGDĐT ngày 25 tháng 6
năm 2007 về đề án “Quy hoạch mạng lưới các trường đại học và cao đẳng Việt Nam
giai đoạn 2006 - 2020”,
QUYẾT ĐỊNH :
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các trường đại
học và cao đẳng giai đoạn 2006 - 2020 với các nội dung chính như sau:
1. Quan điểm Quy hoạch
Xây dựng, phát triển mạng lưới các trường đại
học, cao đẳng giai đoạn 2006 - 2020 được thực hiện theo những định hướng cơ bản
sau đây:
a) Mở rộng hợp lý quy mô đào tạo đại học, đáp
ứng yêu cầu của công nghiệp hóa và hiện đại hóa; phù hợp với điều kiện kinh tế -
xã hội và tiềm lực khoa học công nghệ của đất nước; góp phần nâng cao dân trí,
phát triển nguồn nhân lực và đào tạo nhân tài; thực hiện điều chỉnh cơ cấu hệ
thống đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, thực
hiện đào tạo theo nhu cầu xã hội; gắn công tác đào tạo với nghiên cứu khoa học
và đời sống xã hội;
b) Kết hợp hài hòa giữa việc khai thác mặt
tích cực của cơ chế thị trường với việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác
quản lý nhà nước; nhà nước tăng cường đầu tư ngân sách, đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục
đại học; tạo quỹ đất xây dựng trường; thực hiện công bằng xã hội; ban hành
chính sách hỗ trợ vùng khó khăn, hỗ trợ người học thuộc các đối tượng ưu tiên,
khuyến khích học tập, đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục nhằm huy
động mọi nguồn lực xã hội tham gia phát triển giáo dục đại học;
c) Thực hiện thống
nhất quản lý nhà nước về chính sách, quy hoạch, chất lượng đào tạo, chuẩn giảng viên, các yêu cầu về quản lý tài chính, hợp tác quốc tế đối với các trường đại học, cao đẳng.
Tăng cường phân cấp quản lý, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các
trường đại học, cao đẳng; xây dựng một số trường đại học, cao đẳng mạnh, hình
thành các cụm đại học; khắc phục hiện trạng manh mún, phân tán của mạng lưới,
nhiều trường nhỏ, đào tạo đơn ngành, chuyên môn hẹp; khuyến khích sự phối hợp
giữa các địa phương trong việc mở trường;
d) Phát triển mạng lưới các trường đại học,
cao đẳng phải phù hợp với chiến lược phát triển và điều kiện kinh tế - xã hội,
tiềm lực khoa học công nghệ của đất nước, gắn với từng vùng, từng địa phương; xây
dựng cơ cấu ngành nghề, trình độ đào
tạo, bố trí theo vùng miền hợp lý; xây dựng một số trung tâm đào tạo nhân lực
trình độ cao, gắn với các vùng kinh tế trọng điểm, vùng kinh tế động lực; hình
thành một số trung tâm đào tạo nguồn nhân lực tập trung theo vùng, một số khu
đại học, đáp ứng yêu cầu di dời của các trường trong khu vực nội thành thành
phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhu cầu đầu tư mới;
đ) Bảo đảm đạt các tiêu chí quy định về chất
lượng đội ngũ giảng viên, quy mô diện tích đất đai, cơ sở vật chất - kỹ thuật -
trang thiết bị, phù hợp với khả năng đầu tư của ngân sách nhà nước, sự huy động
nguồn lực xã hội;
e) Ưu tiên thành lập các cơ sở mới có đủ tiềm
lực và điều kiện; hạn chế việc nâng cấp các cơ sở hiện có; khuyến khích đào tạo
những ngành, nghề thuộc lĩnh vực công nghiệp; cân đối hợp lý cơ cấu đào tạo giữa
các trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề, giữa các ngành
nghề, giữa khoa học cơ bản, khoa học kỹ thuật - công nghệ; bảo
đảm tính liên thông giữa các loại hình, các trình độ đào tạo;
g) Tập trung đầu tư xây dựng các trường đẳng
cấp quốc tế, các trường trọng điểm, các trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó
khăn, các lĩnh vực then chốt; khuyến khích phát triển các trường tư thục nhằm
huy động ngày càng nhiều hơn nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục đại học, trên
cơ sở bảo đảm chất lượng, công bằng xã hội, gắn với phát triển nhân tài.
2. Mục tiêu Quy hoạch
a) Phấn đấu đạt 200 sinh viên/1 vạn dân vào
năm 2010; 300 sinh viên/1 vạn dân vào năm 2015 và 450 sinh viên/1 vạn dân vào
năm 2020. Đến năm 2020 có khoảng 70 - 80% sinh viên đại học được đào tạo theo
các chương trình nghề nghiệp - ứng dụng và 20 - 30% sinh viên được đào tạo theo
các chương trình nghiên cứu;
b) Đến năm 2020
có từ 30 đến 40% sinh viên học tại các cơ sở giáo dục đại học tư thục;
c) Đến năm 2010
có trên 40% giảng viên đại học và trên 30% giảng viên cao đẳng có trình độ thạc
sĩ trở lên; có trên 25% giảng viên đại học và 5% giảng viên cao đẳng có trình
độ tiến sĩ;
Đến năm 2015:
70% giảng viên đại học và trên 50% giảng
viên cao đẳng có trình độ thạc sĩ trở lên; có trên 50% giảng viên đại học và ít
nhất 10% giảng viên cao đẳng có trình độ tiến sĩ;
Đến năm 2020 có
trên 90% giảng viên đại học và trên 70% giảng viên cao đẳng có trình độ thạc sĩ
trở lên; có trên 75% giảng viên đại học và ít nhất 20% giảng viên cao đẳng có
trình độ tiến sĩ.
d) Sau năm 2010
diện tích đất đai và diện tích xây dựng của các trường đạt chuẩn định mức quy
định về diện tích tính bình quân trên 1 sinh viên; hình thành các khu đại học
dành cho các trường đại học nước ngoài đầu tư vào Việt Nam;
đ) Vào năm 2010 bảo
đảm đủ giáo trình, tài liệu dành cho sinh viên theo quy định đối với các môn
học, ngành học;
e) Đến năm 2010
có 10 trường đại học mà mỗi trường có ít nhất 1 khoa (ngành) hoặc lĩnh vực đào
tạo đạt tiêu chí chất lượng tương đương so với các trường có uy tín trên thế
giới; đến năm 2015 có 20 trường đại học đạt tiêu chí nêu trên và năm 2020 có 1
trường đại học được xếp hạng trong số 200 trường đại học hàng đầu thế giới;
g) Thu hút
đạt tỷ lệ trên 0,1% vào sau năm 2010; 1,5% vào sau năm 2015 và 5% vào năm 2020
số lượng sinh viên là người nước ngoài so với tổng số sinh viên cả nước đến học
tập, nghiên cứu tại Việt Nam.
3. Nội dung
Quy hoạch
a) Tổng quy
mô đào tạo đại học, cao đẳng:
- Nâng dần
quy mô tuyển sinh mới hàng năm của cả mạng lưới để đạt mục tiêu tuyển khoảng
420.000 sinh viên trong năm 2010; gần 600.000 sinh viên trong năm 2015 và
1.200.000 sinh viên trong năm 2020;
- Tổng quy
mô đào tạo đại học, cao đẳng của cả mạng lưới đạt khoảng 1,8 triệu người vào
năm 2010; 3,0 triệu người vào năm 2015 và 4,5 triệu người vào năm 2020.
b) Quy mô
đào tạo của các trường đại học
Quy mô đào
tạo của các trường đại học, cao đẳng được xác định trên cơ sở bảo đảm các điều
kiện, yếu tố ảnh hưởng chất lượng như: số lượng, chất lượng giảng viên, cơ sở
vật chất phục vụ đào tạo, phòng học, phòng thí nghiệm, thực hành, ký túc xá
sinh viên, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đào tạo, quản
lý nhà trường ..., đồng thời được cân đối phù hợp với đặc điểm của các trường,
ngành nghề đào tạo, bậc đào tạo và năng lực quản lý để bảo đảm chất lượng đào
tạo ngày càng được nâng cao. Định hướng quy mô đào tạo (số lượng sinh viên đã
quy đổi theo hình thức đào tạo chính quy) của các nhóm trường đại học, cao đẳng
như sau:
- Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh: khoảng 42.000 sinh viên;
- Các
trường đại học trọng điểm khác: khoảng 35.000 sinh viên;
- Các trường
đại học, học viện đào tạo các ngành nghề kỹ thuật - công nghệ, kinh tế, luật,
sư phạm và các lĩnh vực khác có gắn với kinh tế - kỹ thuật: khoảng 15.000 sinh
viên quy đổi;
- Các trường
đại học, học viện đào tạo các ngành nghề y tế, văn hoá - xã hội: khoảng 8.000
sinh viên;
- Các trường
đại học, học viện đào tạo các ngành năng khiếu: khoảng 5.000 sinh viên;
- Các trường
cao đẳng đa ngành, đa cấp: khoảng 8.000 sinh viên;
- Các trường
cao đẳng đào tạo theo lĩnh vực công nghệ và trường cao đẳng cộng đồng: khoảng
5.000 sinh viên;
- Các trường
cao đẳng đào tạo các ngành năng khiếu: khoảng 3.000 sinh viên.
c) Ngành nghề đào tạo:
- Các ngành, nghề ưu tiên: một số ngành trong
lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn; công nghệ thông tin;
công nghệ cơ điện tử và tự động hoá; công nghệ sinh học; công nghệ vật liệu
mới; một số ngành, nghề kỹ thuật và công nghệ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá
và hiện đại hoá; đào tạo giáo viên và chuyên gia trình độ cao trong lĩnh
vực dịch vụ;
- Điều chỉnh cơ cấu số lượng sinh viên được
đào tạo theo nhóm các ngành, nghề để đến năm 2020 đạt tỷ lệ như sau: khoa học
cơ bản 9%; sư phạm 12%; công nghệ - kỹ thuật 35%; nông - lâm - ngư 9%; y tế 6%; kinh tế - luật 20% và các ngành khác
9%.
d) Cơ cấu trình độ đào tạo:
- Giảm dần tỷ trọng sinh viên đại học so với
tổng số sinh viên đại học, cao đẳng từ mức chiếm 78,4% năm 2005 xuống mức chiếm
72% vào năm 2010; chiếm 64% vào năm 2015 và chiếm 56% vào năm 2020;
- Tiếp tục thành lập mới các trường trung cấp
chuyên nghiệp và mở rộng các chương trình đào tạo trung cấp chuyên nghiệp trong
các trường cao đẳng, cao đẳng cộng đồng;
- Nghiên cứu phát triển hệ cao đẳng 2 năm.
đ) Loại hình cơ sở giáo dục đại học gồm:
- Trường công lập;
- Trường tư thục;
- Trường có vốn đầu tư
nước ngoài (100% vốn hoặc liên kết, liên doanh).
e) Hệ thống các cơ sở giáo dục đại học gồm:
- Đại học quốc gia;
- Các đại học;
- Các trường đại học, học
viện, trường cao đẳng, trường cao đẳng cộng đồng.
g) Phân tầng mạng lưới trường đại học, cao
đẳng gồm:
- Các trường đại học được xếp hạng trong nhóm
200 trường hàng đầu thế giới;
- Các trường đại học đào tạo định hướng nghiên
cứu;
- Các trường đại học, cao
đẳng đào tạo định hướng nghề nghiệp - ứng dụng.
h) Phân bố
mạng lưới trường đại học, cao đẳng theo vùng như sau:
- Các thành
phố Hà Nội; Đà Nẵng - Huế; thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ là các trung tâm đào
tạo, có nhièu trường đại học, cao đẳng;
- Vùng Tây
Bắc: hiện có 5 trường (1 đại học và 4 cao đẳng). Dự kiến năm 2020 có khoảng 10
trường vào năm 2020 (3 trường đại học và 7 trường cao đẳng);
- Vùng Đông
Bắc: hiện có 25 trường (6 đại học, 19 cao đẳng). Dự kiến có khoảng 37 trường vào năm 2020 (10 đại học
và 27 cao đẳng);
- Vùng đồng
bằng sông Hồng: hiện có 104 trường (61 đại học, 43 cao đẳng). Dự kiến có khoảng 125 trường vào năm
2020;
- Vùng Bắc
Trung Bộ: hiện có 22 trường (11 đại học và 11 cao đẳng). Dự kiến có khoảng 45
trường vào năm 2020;
- Vùng duyên
hải Nam Trung Bộ: hiện có 31 trường (10 đại học và 21 cao đẳng). Dự kiến có
khoảng 60 trường vào năm 2020;
- Vùng Tây
Nguyên: hiện có 10 trường (4 đại học và 6 cao đẳng). Dự kiến có khoảng 15
trường vào năm 2020;
- Vùng Đông
Nam Bộ: hiện có 90 trường (47 trường đại học và 43 trường cao đẳng). Dự kiến có
khoảng 105 trường vào năm 2020;
- Vùng đồng
bằng sông Cửu Long: hiện có 24 trường (6 đại học và 18 cao đẳng). Dự kiến có
khoảng 70 trường vào năm 2020.
i) Phân bố
sinh viên, mạng lưới trường theo 3 vùng kinh tế trọng điểm:
- Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (gắn với vùng đồng bằng sông Hồng): điều
chỉnh giảm dần tỷ lệ sinh viên của vùng chiếm từ 43% vào năm 2005 xuống còn 42%
vào năm 2010 và 40% vào năm 2020 so với tổng quy mô sinh viên của cả nước. Thu
hút đầu tư thành lập một số trường đại học 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh,
liên kết trong nước và nước ngoài;
- Vùng kinh
tế trọng điểm miền Trung (gắn với vùng duyên hải Nam Trung Bộ): thành lập mới thêm
một số trường đại học, cao đẳng, trong đó ưu tiên thành lập ở khu vực Đà Nẵng,
Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định nhằm đáp ứng yêu cầu nhân lực cho công
nghiệp hoá và hiện đại hoá của các tỉnh miền Trung. Điều chỉnh tăng dần tỷ lệ sinh
viên của vùng chiếm từ 8,3% vào năm 2005 tăng lên 10% vào năm 2010 và đạt 15% vào năm 2020 so với tổng quy mô sinh viên của
cả nước;
- Vùng kinh
tế trọng điểm phía Nam (gắn với vùng Đông Nam Bộ): điều chỉnh giảm dần tỷ lệ
sinh viên của vùng chiếm từ 26% hiện nay xuống 25% vào năm 2010 và 24% vào năm
2020 so với tổng quy mô sinh viên của cả nước. Thu hút đầu tư thành lập một số
trường đại học 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh, liên kết trong nước và nước
ngoài.
4. Giải pháp thực hiện
a) Nhóm giải pháp về đầu tư, huy động vốn:
- Từng bước tăng đầu tư ngân sách nhà nước cho
giáo dục đại học, đồng thời tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân
sách nhà nước;
- Đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục;
- Thu hút các nguồn vốn ODA và FDI đầu tư cho giáo dục đại học;
- Đẩy mạnh nghiên cứu
khoa học, chuyển giao công nghệ, cung cấp các dịch vụ chất lượng cao theo nhu
cầu xã hội nhằm tăng thu nhập cho các trường.
b) Nhóm các giải pháp về phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo
dục đại học:
- Bổ sung số lượng, nâng cao chất lượng giảng viên đại học, cao đẳng để đạt
định mức quy định về tỷ lệ sinh viên trên giảng viên đối với các trường đại
học, cao đẳng, các nhóm ngành nghề đào tạo;
- Hỗ trợ công tác đào tạo, bồi dưỡng giảng viên đại học, cao đẳng (kể cả ở
các trường công lập và tư thục). Triển khai chương trình đào tạo 20.000 tiến sĩ
để bổ sung và nâng cao chất lượng giảng viên đại học, cao đẳng;
- Xây dựng, ban hành Quy chế làm việc đối với giảng viên đại học, cao đẳng;
- Xây dựng và thực hiện chính sách tiền lương mới phù hợp đối với giảng
viên đại học, cao đẳng;
- Ban hành chính sách thu hút, sử dụng các nhà khoa học thuộc các viện nghiên cứu khoa
học trong và ngoài nước tham gia giảng dạy ở trường đại học, cao đẳng;
- Đổi mới công tác đánh giá giảng viên đại học, cao đẳng, thông qua nhiều
hình thức và gắn với sinh viên;
- Xây dựng kế hoạch đào tạo sau đại học dành riêng cho các vùng khó khăn.
c) Nhóm các giải pháp tăng cường cơ sở vật chất:
- Hỗ trợ các trường về đất đai. Diện tích đất tối
thiểu đối với trường cao đẳng có quy mô khoảng 3.000 sinh viên là 6ha; có khoảng
5.000 sinh viên là 10ha và có khoảng 7.000 sinh viên là 15ha. Diện tích tối thiểu đối với trường đại học có quy mô khoảng 5.000
sinh viên là 10ha; có khoảng 15.000 sinh viên là 30ha và có khoảng 25.000 sinh
viên là từ 40ha trở lên;
Đối với những trường công lập
có diện tích quá nhỏ (dưới 2ha) ở trong khu vực nội thành các thành phố lớn cần
có giải pháp chuyển đổi đất và các công trình xây dựng trên phần đất để di dời
ra khu vực mới vùng ngoại thành có diện tích từ 10ha trở lên.
- Ban hành các cơ chế tạo điều kiện cho các
trường chủ động khai thác các nguồn lực đầu tư nhằm đổi mới cơ sở vật chất kỹ
thuật, trang thiết bị;
- Tăng cường năng lực và nâng cao chất lượng hoạt động của thư viện ở các
trường; hình thành hệ thống thư viện điện tử kết nối các trường trên cùng địa
bàn, cùng một vùng và trên phạm vi toàn quốc;
- Thiết lập mạng thông tin toàn cầu và mở rộng giao lưu quốc tế cho tất cả
các trường đại học, cao đẳng trong nước;
- Quy hoạch, sắp xếp lại công tác xuất bản giáo trình, sách và tài liệu
tham khảo;
- Tập trung đầu tư hiện đại hoá trang thiết bị phòng học, giảng đường; nâng
cao chất lượng các hoạt động dịch vụ cho sinh viên;
- Đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các khu
ký túc xá sinh viên, nhất là đối với các trường ở khu vực thành phố Hà Nội,
thành phố Hồ Chí Minh; khuyến khích đầu tư xây
dựng một số khu đại học thuộc các vùng Bắc Bộ, Nam Bộ và Trung Bộ;
- Tăng cường sự phối hợp giữa các viện, trung tâm nghiên cứu khoa học và
công nghệ và các trường đại học trong công tác đào tạo, nghiên cứu; xây dựng
một số phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia thuộc các trường đại học trọng
điểm, trường đầu ngành; gắn nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản với các trường đại học trên
cơ sở bảo đảm các điều kiện, chất lượng. Từng bước hỗ trợ hình thành, phát
triển các cơ sở thực nghiệm về công nghệ ở các trường cao đẳng.
d) Nhóm các giải
pháp về quản lý:
- Xây dựng và ban
hành các tiêu chí cụ thể về thành lập
trường đại học, cao đẳng, mở các mã ngành đào tạo. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các
điều lệ, quy chế tổ chức và hoạt động của các loại hình trường đại học, đáp ứng
yêu cầu mới;
- Triển khai đại trà công tác đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục đại
học; thực hiện định kỳ xếp hạng các trường đại học, cao đẳng;
- Xây dựng Trung tâm Dự báo nhu cầu nguồn nhân lực nhằm cung cấp các dữ
liệu thống kê, thông tin, dự báo đầy đủ, chính xác, phục vụ cho công tác quy
hoạch phát triển ngành và cơ sở đào tạo;
- Thực hiện đa ngành hoá, đa lĩnh vực hoá đối với các trường đại học, cao
đẳng đơn ngành;
- Củng cố, nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo của các trường, khoa sư
phạm, sư phạm kỹ thuật;
- Nghiên cứu việc phân cấp quản lý các trường đại học, cao đẳng phù hợp với
điều kiện thực tiễn. Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung quản lý nhà nước đối với
giáo dục đại học, các trường trọng điểm, trường đầu ngành, trường có vốn đầu tư nước ngoài;
- Tăng cường quản lý công tác tuyển sinh, đào tạo của các trường, đáp ứng
các tiêu chí bảo đảm chất lượng do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định;
- Xây dựng, ban hành các chính sách hỗ trợ cụ thể
nhằm đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục, phát triển các trường đại học tư thục,
trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài.
5. Các giai đoạn triển khai
a) Giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2010:
Cùng với việc thành lập các trường mới có chất
lượng, phù hợp quy hoạch, bổ sung cho mạng lưới cần tập trung vào việc củng cố,
tăng cường đầu tư; mở rộng diện tích, đất đai, bổ sung đội ngũ giảng viên,
thiết bị, cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục
đại học hiện nay; nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm
đổi mới, tăng cường quản lý chất lượng giáo dục đại học.
b) Giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2020:
Tập trung phát triển mạnh đội ngũ giảng viên, nâng
chất lượng các trường đại học, cao đẳng lên một bước; đẩy mạnh hội nhập quốc tế,
áp dụng các chương trình đào tạo tiên tiến; tạo bước chuyển biến cơ bản trong
việc đổi mới phương pháp đào tạo ở các trường; tiếp tục phát triển, mở rộng mạng lưới trường đại
học, cao đẳng một cách phù hợp, theo đúng Quy hoạch.
Điều 2. Tổ chức
thực hiện quy hoạch
Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm chủ trì,
phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan, các địa phương, các trường đại học, cao
đẳng cụ thể hoá nội dung Quy hoạch này thành các chương trình, kế hoạch triển
khai cụ thể để chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện hàng năm và từng giai đoạn,
định kỳ tổng hợp kết quả thực hiện Quy hoạch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Các Bộ, ngành, địa phương,
các cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và
Đào tạo để quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch này; chủ động xây
dựng định hướng, kế hoạch phát triển, củng cố mạng lưới trường đại học, cao
đẳng thuộc phạm vi quản lý và trên địa bàn của mình, góp phần từng bước hoàn
thiện có chất lượng mạng lưới trường đại học, cao đẳng của cả nước, gắn với các
mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Điều 3. Quyết
định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Quyết định này thay thế Quyết định số
47/2001/QĐ-TTg ngày 04 tháng 4 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy
hoạch mạng lưới trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2001 - 2010.
Điều 4. Các Bộ
trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ
tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm
thi hành Quyết định này./.
THỦ
TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng