Giải pháp thuế tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (SMS: 531680) - Nhằm thực hiện chủ trương kích cầu đầu tư và tiêu dùng, ngăn chặn suy giảm kinh tế, tháo gỡ khó khăn đối với doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 16/2009/QĐ-TTg ngày 21/01/2009. Theo đó, giảm 50% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng từ 01/02/2009 đến hết 31/12/2009 đối với các hàng hóa, dịch vụ gồm: Than đá; Hóa chất cơ bản; Ôtô các loại và một số linh kiện ôtô; Sản phẩm luyện, cán, kéo kim loại đen, kim loại màu, kim loại quý (trừ vàng nhập khẩu); Máy xử lý dữ liệu tự động; Vận tải hàng hóa (trừ vận tải quốc tế); Kinh doanh khách sạn, dịch vụ du lịch lữ hành trọn gói; In (trừ in tiền)… Gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2009 trong thời hạn 9 tháng với các hoạt động: Sản xuất sản phẩm cơ khí là tư liệu sản xuất; Sản xuất vật liệu xây dựng: gạch, ngói các loại, vôi, sơn; Xây dựng, lắp đặt; Dịch vụ du lịch; Kinh doanh lương thực; Kinh doanh phân bón. Không thu thuế xuất khẩu đối với mặt hàng gỗ xuất khẩu được sản xuất từ gỗ nhập khẩu áp dụng với tờ khai hải quan đăng ký trước ngày 01/12/2008. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Bảo lãnh vay vốn Ngân hàng thương mại (SMS: 531679) - Ngày 21/01/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 14/2009/QĐ-TTg ban hành Quy chế Bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn của ngân hàng thương mại. Đối tượng được Ngân hàng Phát triển Việt Nam bảo lãnh vay vốn là doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế (kể cả các Hợp tác xã) có vốn điều lệ tối đa 20 tỷ đồng và sử dụng tối đa 500 lao động. Việc bảo lãnh của Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo quy định tại Quyết định này không áp dụng cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, kinh doanh bất động sản, kinh doanh chứng khoán, dịch vụ (trừ dịch vụ vận tải hàng hóa, giáo dục đào tạo và y tế), vay vốn để thanh toán nợ vay của các hợp đồng tín dụng khác. Doanh nghiệp thuộc đối tượng và phạm vi bảo lãnh muốn được bảo lãnh vay vốn phải đáp ứng các điều kiện: Có dự án đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, quy mô dự án tối thiểu là 100 triệu đồng; Không có nợ quá hạn các tổ chức tín dụng và tổ chức kinh tế; Không nợ đọng thuế; Có vốn sở hữu tham gia dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, phương án sản xuất kinh doanh tối thiểu 10%; Sử dụng 100% giá trị tài sản hình thành từ vốn vay (tối đa 90%) và vốn sở hữu (tối thiểu 10%) để thế chấp bảo đảm bảo lãnh. Số tiền được bảo lãnh tối đa bằng 100% số nợ gốc và lãi phát sinh. Thời hạn bảo lãnh vốn phù hợp với thời hạn cho vay và không vượt quá thời hạn thu hồi vốn. Phí bảo lãnh tối đa bằng 0,5%/năm/số tiền được bảo lãnh. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Triển khai Nghị quyết của Chính phủ ngăn chặn suy giảm kinh tế (SMS: 531677) - Ngày 19/01/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 12/2009/QĐ-TTg ban hành kèm theo Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Theo đó, các biện pháp triển khai được thực hiện đồng bộ trên nhiều phương diện như: Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu; Thực hiện các biện pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng; Chính sách tài chính, tiền tệ; Chính sách bảo đảm an sinh xã hội. Đáng chú ý trong Kế hoạch này là một số chủ trương như: Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; Giãn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp; Tạm hoàn 90% thuế giá trị gia tăng đầu vào; Chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét điều chỉnh áp dụng lãi suất cho vay của các hợp đồng tín dụng xuống phù hợp theo mức lãi suất hiện hành; không phạt do quá hạn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn; Điều chỉnh lương tối thiểu chung áp dụng trong năm 2009 và 2010; Điều chỉnh lương tối thiểu vùng đối với doanh nghiệp FDI áp dụng trong năm 2010… Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Hướng dẫn về Thuế Tài nguyên (SMS: 531621) - Ngày 19/01/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 05/2009/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Thuế tài nguyên (TN) và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Điều 6 Pháp lệnh Thuế tài nguyên. Theo đó, thuế suất thuế tài nguyên mới được áp dụng từ ngày 19/1/2009. Nghị định quy định cụ thể các trường hợp được miễn, giảm thuế TN. Cụ thể, tổ chức, cá nhân khai thác TN gặp thiên tai, địch họa, tai nạn bất ngờ, gây tổn thất đến TN đã kê khai và nộp thuế được xét miễn thuế TN phải nộp cho số TN bị tổn thất. Tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác thủy sản ở vùng biển xa bờ bằng phương tiện có công suất lớn được miễn thuế TN trong 5 năm kể từ khi được cấp Giấy phép khai thác và giảm 50% thuế TN trong 5 năm tiếp theo. Miễn thuế TN đối với sản phẩm rừng tự nhiên do cá nhân được phép khai thác phục vụ cho đời sống sinh hoạt hàng ngày như gỗ, cành, củi, tre, nứa, mai, giang, tranh, vầu, lồ ô; đồng thời, miễn thuế đối với nước thiên nhiên dùng vào sản xuất thủy điện không hòa vào mạng lưới điện quốc gia... Mức thuế suất thuế TN đối với khoáng sản kim loại, khoáng sản không kim loại đều tăng từ 2-4% so với trước, cụ thể: kim loại đen, chì, kẽm, nhôm... tăng từ 5% lên 7%; vàng sa khoáng, vàng cốm tăng từ 6% lên 9%. Thuế suất đối với các loại than tăng gấp 2 lần. Đặc biệt, kim cương, rubi, saphia tăng từ 8% lên 16%. Đối với sản phẩm rừng và thủy sản tự nhiên, đa số các mức thuế suất được giữ nguyên, trừ gỗ tròn nhóm III, IV, gỗ trụ mỏ, gỗ tẩm, gỗ đước, gỗ tràm... thuế suất tăng thêm 5%. Đối với dầu thô, thuế suất thuế TN tăng thêm 2%. Mức thuế suất với nước khoáng thiên nhiên, nước thiên nhiên, khí thiên nhiên, khí than không thay đổi. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm (SMS: 531624) - Sản xuất sản phẩm cơ khí sẽ được vay tối đa 85% tổng mức vốn đầu tư, đây là một trong những cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm giai đoạn từ năm 2009-2015 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg ngày 16/01/2009. Cụ thể: Về tín dụng đầu tư, các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm giai đoạn 2009-2015 được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam tối đa 85% tổng mức vốn đầu tư của dự án (không bao gồm vốn lưu động). Đối với các dự án có nhu cầu vay vốn nước ngoài, Chính phủ sẽ xem xét bảo lãnh vốn vay cho từng trường hợp cụ thể. Các sản phẩm cơ khí trọng điểm do các doanh nghiệp trong nước chế tạo được hỗ trợ các chi phí chuyển giao công nghệ, mua bản quyền thiết kế, mua phần mềm, thuê chuyên gia nước ngoài, đào tạo nguồn nhân lực. Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư phòng thí nghiệm các sản phẩm cơ khí trọng điểm cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Mức thuế suất thuế nhập khẩu sản phẩm có trong Danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm trong nước đã đầu tư sản xuất được áp dụng mức thuế suất trần. Các loại vật tư, thiết bị nhập khẩu để sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu bằng không hoặc mức thuế suất sàn. Có 8 loại dự án đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm giai đoạn 2009-2015 gồm: Dự án đầu tư chế tạo giàn khoan dầu khí; Dự án đầu tư sản xuất động cơ Diezel từ 100 mã lực trở lên; Dự án sản xuất lắp ráp đầu máy, toa xe phục vụ vận tải đường sắt; Dự án sản xuất phôi thép và đúc rèn phôi thép hợp kim cao, đầu tư chiều sâu một số máy công cụ gia công các chi tiết có kích thước, trọng lượng lớn; Dự án sản xuất các thiết bị phục vụ nông nghiệp và công nghiệp chế biến; Dự án sản xuất thiết bị cho các nhà mày thủy điện, nhiệt điện, xi măng; Dự án sản xuất lắp ráp máy xây dựng và Dự án sản xuất thiết bị điện lớn. Quyết định này có hiệu lực sau 45 ngày, kể từ ngày ký.
Thủ tục thành lập, sáp nhập, giải thể trường đại học (SMS: 531574) - Ngày 15/01/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 07/2009/QĐ-TTg ban hành điều kiện và thủ tục thành lập, đình chỉ hoạt động, sáp nhập, chia, tách, giải thể trường đại học. Theo đó, dự án thành lập trường đại học phải thỏa mãn 6 điều kiện cơ bản. Trong đó, tổng diện tích đất xây trường không ít hơn 5ha và vốn điều lệ chỉ dành riêng đầu tư xây dựng trường (không kể giá trị về đất đai) tối thiểu là 50 tỷ đồng. Việc thành lập trường đại học phải đáp ứng các yêu cầu: Phù hợp với Quy hoạch mạng lưới các trường đại học đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 121/2007/QĐ-TTg; dự án xác định rõ mục tiêu nội dung chương trình, lộ trình đầu tư; được UBND cấp tỉnh nơi đặt trụ sở chính của trường chấp thuận bằng văn bản và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án; đội ngũ giảng viên và cán bộ đủ về số lượng, đạt tiêu chuẩn về phẩm chất và trình độ... Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm tiếp nhận và tổ chức thẩm định hồ sơ đề nghị ra quyết định thành lập trường đại học của các tổ chức, cá nhân, đồng thời thông báo kết quả xử lý, thẩm định hồ sơ cho chủ dự án đầu tư trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ. Sau 2 năm, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định thành lập trường, nếu trường không chuẩn bị đủ các điều kiện để đào tạo và tuyển sinh thì Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ việc thu hồi quyết định thành lập trường. Quyết định này có hiệu lực sau 45 ngày, kể từ ngày ký.
Hỗ trợ, ưu đãi hoạt động bảo vệ môi trường (SMS: 531571) - Ngày 14/01/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 04/2009/NĐ-CP về hỗ trợ, ưu đãi cho hoạt động bảo vệ môi trường. Theo đó, nhằm giảm thiểu tốc độ và tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay, Chính phủ dành nhiều hỗ trợ, ưu đãi về cơ sở vật chất, đất đai, vốn, hỗ trợ thuế, tiêu thụ sản phẩm cho các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động bảo vệ môi trường, đồng thời khuyến khích các hoạt động khắc phục ô nhiễm môi trường, tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu chất thải gây ô nhiễm môi trường... Các chủ đầu tư xây dựng công trình bảo vệ môi trường (cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung, hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung) sẽ được Nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình, hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật ngoài phạm vi dự án nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực. Trong trường hợp Nhà nước chưa cân đối kịp vốn hỗ trợ thì chủ đầu tư được sử dụng các nguồn vốn hợp pháp khác, số vốn này sẽ được trừ vào các khoản khác mà theo quy định chủ đầu tư phải nộp ngân sách. Chủ đầu tư xây dựng công trình bảo vệ môi trường còn được Nhà nước hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Những công trình hoạt động bảo vệ môi trường như xây dựng trạm quan trắc môi trường, hệ thống kết cầu hạ tầng bảo vệ môi trường các khu, cụm công nghiệp làng nghề... được giảm 50% tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và được chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tối đa không quá 5 năm, kể từ ngày giao đất. Tùy theo tính chất của từng cơ sở xây dựng công trình bảo vệ môi trường, Nhà nước hỗ trợ từ 30-50% vốn đầu tư xây dựng, số còn lại được vay vốn từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam hoặc Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam hoặc hưởng chính sách ưu đãi về tín dụng của Ngân hàng và các Quỹ liên quan trong việc cho vay vốn để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh. Nghị định này có hiệu lực sau 45 ngày, kể từ ngày ký ban hành.
|
Thủ tục hải quan, thuế đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu (SMS: 531675) - Ngày 13/01/2009, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 05/2009/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung về thủ tục hải quan, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ. Theo đó, giãn thời hạn nộp thuế nhập khẩu đối với vật tư, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu của một số ngành như đóng tàu, cơ khí, chế biến nông, lâm, thuỷ sản…; đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian hoàn thuế đối với nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu, kể cả khi doanh nghiệp chưa có chứng từ thanh toán qua ngân hàng; giao doanh nghiệp tự đăng ký và chịu trách nhiệm về định mức sử dụng nguyên liệu, vật tư sản xuất hàng xuất khẩu gồm cả phần phế liệu, phế phẩm nằm trong định mức không phải nộp thuế nhập khẩu. Để được hưởng các chính sách ưu đãi trên, chủ hàng phải là người chấp hành tốt pháp luật hải quan, đáp ứng các tiêu chí: Có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu trong thời gian 365 ngày được cơ quan hải quan xác định không bị xử lý về hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; không bị xử lý về hành vi trốn thuế, gian lận thuế và các hành vi vi phạm khác; không còn nợ thuế quá hạn quá 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp; thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ. Người nộp thuế muốn hưởng các chính sách ưu đãi quy định tại Thông tư này, ngoài việc đáp ứng các tiêu chí là người chấp hành tốt pháp luật hải quan, còn phải đáp ứng điều kiện không còn nợ thuế quá hạn, không còn nợ tiền phạt chậm nộp thuế tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan. Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày, kể từ ngày ký, áp dụng với các tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đăng ký với cơ quan hải quan từ 01/01/2009.
|