CHÍNH PHỦ |
Giấy chứng minh sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (SMS: 531224) - Theo Nghị định số 130/2008/NĐ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 19/12/2008, Giấy chứng minh sĩ quan (GCMSQ) có kích thước 85,6 mm x 53,98 mm; có 3 màu, cấp Tướng màu đỏ, cấp Tá màu nâu, cấp Úy màu xanh; hai mặt trang trí khung viền và hoa văn nền. SQ khi thực hiện nhiệm vụ và giao dịch dân sự phải xuất trình GCMSQ. GCMSQ được cấp lại khi bị mất, được đổi khi bị hỏng, hết hạn sử dụng hoặc có thay đổi về: Họ tên, ngày, tháng, năm sinh, dân tộc, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc khi có thay đổi về cấp bậc quân hàm của sĩ quan cấp Úy, cấp Tá, cấp Tướng. GCMSQ được thu hồi khi SQ được đổi GCMSQ, thôi phục vụ tại ngũ; chuyển sang quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng; bị kỷ luật tước quân hàm SQ. SQ có trách nhiệm giữ gìn, quản lý GCMSQ; không sửa chữa, cho thuê, cho mượn, làm hỏng hoặc sử dụng không đúng mục đích. Nghiêm cấm làm giả, lưu giữ trái phép hoặc sử dụng GCMSQ để mạo danh SQ QĐND Việt Nam. Cá nhân, tổ chức vi phạm việc sử dụng, quản lý GCMSQ thì tùy theo mức độ sai phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Phòng, chống bệnh dịch (SMS: 531226) - Ngày 19/12/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 172/2008/QĐ-TTg về việc bổ sung Quyết định số 108/2007/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và HIV/AIDS giai đoạn 2006 - 2010. Theo đó, dự án phòng, chống sốt xuất huyết được bổ sung với mục tiêu: giảm 15% tỷ lệ người bị sốt xuất huyết/100.000 dân; Giảm 10% tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết/số người mắc sốt xuất huyết so với tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết/số người mắc sốt xuất huyết trung bình trong 5 năm giai đoạn 2003 - 2007... Bổ sung mục tiêu dự án phòng, chống bệnh tăng huyết áp: nâng cao nhận thức của nhân dân về dự phòng và kiểm soát bệnh tăng huyết áp. Phấn đấu đạt chỉ tiêu 50% người dân hiểu đúng về bệnh tăng huyết áp và các biện pháp phòng, chống tăng huyết áp; phấn đấu đạt chỉ tiêu 80% cán bộ y tế hoạt động trong phạm vi dự án được đào tạo về biện pháp dự phòng, phát hiện sớm, điều trị và quản lý bệnh tăng huyết áp; xây dựng, triển khai và duy trì bền vững mô hình quản lý bệnh tăng huyết áp ở tuyến cơ sở và phấn đấu đạt chỉ tiêu 50% số bệnh nhân tăng huyết áp được phát hiện sẽ được điều trị đúng phác đồ do Bộ Y tế quy định… Dự án phòng, chống bệnh đái tháo đường được bổ sung các mục tiêu phấn đấu đạt chỉ tiêu 50% người dân trong cộng đồng hiểu biết về bệnh đái tháo đường và các yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe do bệnh đái tháo đường gây ra; giảm tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường không được phát hiện trong cộng đồng xuống dưới 60%; theo dõi và điều trị có hệ thống 50% số người mắc bệnh đái tháo đường đã được phát hiện theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế và xây dựng, triển khai, duy trì mô hình quản lý bệnh đái tháo đường trên phạm vi cả nước. Bên cạnh đó, loại bỏ nội dung mục tiêu giảm tỷ lệ mắc, biến chứng và tử vong của các bệnh tim mạch và mục tiêu giảm tỷ lệ mắc, biến chứng và tử vong của bệnh đái tháo đường đã được phê duyệt trước đây. Bộ Tài chính không bố trí vốn thực hiện 2 mục tiêu này… Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Thành lập Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (SMS: 531201) - Theo Quyết định số 171/2008/QĐ-TTg ban hành ngày 18/12/2008, Thủ tướng quyết định: thành lập Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (Vietnam Securities Depository - VSD) trên cơ sở chuyển đổi, tổ chức lại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán đã được thành lập từ năm 2005, từ đơn vị sự nghiệp có thu sang hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên thuộc sở hữu của Nhà nước. Vốn điều lệ là 1.000 tỷ đồng. VSD có chức năng tổ chức thực hiện đăng ký, lưu ký, bù trừ, thanh toán chứng khoán và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ hoàn tất giao dịch chứng khoán cho các chứng khoán niêm yết tại Sở giao dịch Chứng khoán, Trung tâm giao dịch Chứng khoán và chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết. VSD có trụ sở chính tại Hà Nội và chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh. Căn cứ tình hình phát triển thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính quyết định việc thành lập thêm các chi nhánh tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Về cơ cấu và tổ chức hoạt động, VSD được vận dụng chế độ thưởng an toàn; viên chức quản lý của Trung tâm được vận dụng xếp lương theo hạng Tổng công ty… Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Chính sách bảo hiểm và trợ cấp (SMS: 531197) - Ngày 18/12/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 170/2008/QĐ-TTg về chế độ bảo hiểm y tế và trợ cấp mai táng đối với thanh niên xung phong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Theo đó, thanh niên xung phong tập trung trong kháng chiến chống Pháp đã hoàn thành nhiệm vụ, hiện còn sống được hưởng chế độ bảo hiểm y tế; khi chết, người lo mai táng được hưởng trợ cấp mai táng như thanh niên chống Mỹ theo Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|
THANH TRA CHÍNH PHỦ |
Quy chế giám sát, kiểm tra hoạt động Đoàn thanh tra (SMS: 531229) - Theo Quyết định số 2861/2008/QĐ-TTCP của Thanh tra Chính phủ, ban hành ngày 22/12/2008, quy định: hoạt động giám sát, kiểm tra nhằm mục đích theo dõi, đánh giá hoạt động của Trưởng Đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra trong việc thực hiện nhiệm vụ thanh tra, chấp hành pháp luật về thanh tra, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức (CBCC) và ý thức chấp hành kỷ luật của thành viên Đoàn thanh tra; nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thanh tra để có biện pháp chấn chỉnh, giải quyết… Giám sát hoạt động Đoàn thanh tra được tiến hành thường xuyên kể từ khi có quyết định thanh tra đến khi có kết luận thanh tra. Hoạt động này phải bảo đảm chính xác, khách quan, kịp thời; bảo mật thông tin, tài liệu; không can thiệp trái pháp luật vào hoạt động của Đoàn thanh tra… Người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm tự giám sát hoạt động Đoàn thanh tra hoặc cử CBCC thuộc quyền quản lý thể hiện bằng hình thức quyết định thực hiện nhiệm vụ giám sát. Tuỳ thuộc vào điều kiện, quy mô giám sát, trong cùng một thời gian, mỗi CBCC có thể được giao giám sát nhiều Đoàn thanh tra, nhưng tối đa không quá 03 Đoàn thanh tra… Trong quá trình giám sát hoạt động Đoàn thanh tra, Người ra quyết định thanh tra yêu cầu Đoàn thanh tra định kỳ báo cáo về kết quả, tiến độ thanh tra. Việc báo cáo được thực hiện định kỳ ít nhất 2 lần đối với mỗi cuộc thanh tra… Thời hạn kiểm tra Đoàn thanh tra tối đa là 05 ngày làm việc. Trong trường hợp nội dung, phạm vi kiểm tra phức tạp, Người ra quyết định thanh tra có thể gia hạn kiểm tra. Thời gian gia hạn không vượt quá thời hạn kiểm tra Đoàn thanh tra… Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|
BỘ TÀI CHÍNH |
Thẩm định giấy phép hoạt động điện lực (SMS: 531248) - Ngày 19/12/2008, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 124/2008/TT-BTC hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định và lệ phí cấp giấy phép trong lĩnh vực điện lực. Theo đó, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thu phí cấp Giấy phép hoạt động bán lẻ điện tại nông thôn là 700.000 đồng; Hoạt động phân phối điện tại nông thôn, Tư vấn chuyên ngành điện lực: 800.000 đồng; Hoạt động phát điện: 2,1 triệu đồng. Cơ quan Trung ương thu phí thẩm định cấp giấy phép đối với hoạt động phát điện Công trình nhà máy thủy điện công suất đặt dưới 10 MW là 10,6 triệu đồng, Công suất đặt từ 10 đến dưới 30 MW: 15 triệu đồng, từ 30 đến dưới 100 MW: 18 triệu đồng, từ 100 đến dưới 300 MW: 24,5 triệu đồng, từ 300 MW trở lên: 28,8 triệu đồng; Công trình nhà máy nhiệt điện công suất đặt dưới 50 MW: 17,8 triệu đồng, từ 50 đến dưới 100 MW: 21,9 triệu đồng, từ 100 MW trở lên: 28,8 triệu đồng. Hoạt động truyền tải điện: 24,9 triệu đồng, Hoạt động bán buôn điện: 18,2 triệu đồng. Trường hợp gia hạn, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực thì áp dụng mức thu bằng 50% mức thu quy định tương ứng với cấp mới. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|
BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG |
Quản lý trang thông tin điện tử cá nhân (blog) (SMS: 531218) - Ngày 18/12/2008, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 07/2008/TT-BTTTT hướng dẫn một số nội dung về hoạt động cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử cá nhân trong Nghị định số 97/2008/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet. Theo đó, trang thông tin điện tử cá nhân (blog) được dùng để thể hiện những thông tin mang tính chất cá nhân phục vụ nhu cầu lưu trữ hoặc trao đổi, chia sẻ với một nhóm người hoặc với cộng đồng rộng rãi sử dụng dịch vụ Internet. Blog được chủ thể trang thông tin điện tử cá nhân đăng ký khởi tạo trên Internet. Nghiêm cấm các hành vi: lợi dụng blog để cung cấp, truyền đi hoặc đặt đường liên kết trực tiếp đến những thông tin vi phạm như: chống lại nhà nước, gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc…; Truyền bá các tác phẩm báo chí, tác phẩm văn học, nghệ thuật, các xuất bản phẩm vi phạm các quy định của pháp luật về báo chí, xuất bản; Cung cấp thông tin trên blog mà vi phạm các quy định về sở hữu trí tuệ, về giao dịch thương mại điện tử và các quy định khác của pháp luật có liên quan… Nhà nước khuyến khích phát triển và sử dụng blog giúp cá nhân mở rộng khả năng tương tác trên môi trường Internet để trao đổi, chia sẻ các thông tin phù hợp với thuần phong mỹ tục và các quy định của pháp luật Việt Nam, làm phong phú thêm đời sống xã hội và tinh thần gắn kết cộng đồng… Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến có cung cấp dịch vụ tạo blog có trách nhiệm gửi báo cáo 6 tháng một lần và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền… Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|
BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG |
Địa giới hành chính các cấp (SMS: 531246) - Ngày 18/12/2008, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 12/2008/QĐ-BTNMT ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân định địa giới hành chính (ĐGHC) và lập hồ sơ ĐGHC các cấp”. Quy chuẩn này áp dụng để phân định và lập hồ sơ địa giới hành chính cho các xã, phường, thị trấn; quận huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi có sự điều chỉnh ĐGHC theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Trường hợp ĐGHC các cấp trùng với đường biên giới quốc gia thì thể hiện theo đường biên giới quốc gia như trên bản đồ… Mốc ĐGHC các cấp phải được cắm vào vị trí giao nhau của đường ĐGHC và ở những vị trí dễ xảy ra tranh chấp sau này. Khi không cắm được mốc đúng trên đường ĐGHC thì cắm ở một bên đường ĐGHC tại vị trí thuận lợi, ổn định và gần đường ĐGHC nhất. Trường hợp vị trí giao nhau của đường ĐGHC các cấp là đỉnh núi, trên sông, hồ, suối, biển thì không phải cắm mốc. Khi chôn mốc ĐGHC phải có sự chứng kiến của đại diện cơ quan hành chính nhà nước các bên có liên quan và đại diện cơ quan hành chính nhà nước cấp cao hơn. Riêng đối với chôn mốc cấp tỉnh thì do đại diện cơ quan hành chính nhà nước của các tỉnh có liên quan chứng kiến. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|
BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI |
Chuyển, xếp lương doanh nghiệp khoa học và công nghệ chuyển đổi (SMS: 531205) - Ngày 22/12/2008, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 31/2008/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện chế độ lao động, tiền lương đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ được chuyển đổi từ các tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ công lập theo Nghị định số 80/2007/NĐ-CP về doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Theo đó, trường hợp, công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty cổ phần vận dụng hệ thống thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp lương theo quy định tại Nghị định số 205/2004/NĐ-CP thì việc chuyển, xếp lương đối với những người chuyển sang làm việc theo chế độ hợp đồng lao động và những người được bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý được quy định như sau: Việc chuyển xếp lương cũ sang lương mới phải theo công việc được giao, chức vụ đảm nhận. Hệ số lương mới được chuyển xếp bảo đảm bằng hoặc cao hơn gần nhất so với hệ số lương hiện hưởng. Trường hợp hệ số lương mới thấp hơn hệ số lương cũ (kể cả phụ cấp thâm niên vượt khung nếu có) thì được hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu cho bằng hệ số lương cũ cho đến khi được chuyển sang làm công việc khác, ngạch lương khác; Trong quá trình thực hiện chuyển, xếp lương mới, công ty không được kết hợp nâng ngạch viên chức, không được kết hợp nâng bậc lương, không được xếp lương và phụ cấp lương vào hạng cao hơn hạng của công ty được xếp; Phương án chuyển xếp lương và phụ cấp lương mới phải được cấp có thẩm quyền quyết định trước khi thực hiện… Cách chuyển, xếp lương thực hiện như sau: Xếp vào bậc 1 mới, nếu hệ số lương cũ (kể cả phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung nếu có) thấp hơn hoặc bằng bậc 1 mới. Thời gian nâng bậc lương lần sau tính từ khi xếp lương bậc 1 mới. Trường hợp mức chênh lệch giữ hai hệ số lương cũ và mới nhỏ hơn 70% thì thời gian nâng bậc lần sau tính từ khi giữ hệ số mức lương cũ; lớn hơn 70% thì thời gian nâng bậc lần sau tính từ khi giữ hệ số lương mới; Xếp vào bậc 2 mới, nếu hệ số lương cao hơn bậc 1. Trường hợp hệ số lương cũ cao hơn hệ số lương bậc 2 mới thì được hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu cho bằng hệ số lương cũ; Viên chức thôi giữ chức danh quản lý thì xếp lại lương theo công việc, chức vụ mới, không bảo lưu hệ số lương cũ hoặc chuyển sang ngang hệ số lương mới tương đương… Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|