QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 207/2004/QĐ-TTG
NGÀY 11 THÁNG 12 NĂM 2004 VỀ VIỆC BAN HÀNH CƠ CHẾ
QUẢN LÝ VÀ THỰC HIỆN DỰ ÁN THUỶ ĐIỆN SƠN LA
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Nghị quyết số 44/2001/QH10 của Quốc hội khóa X kỳ họp thứ 9 ngày 29 tháng 6 năm 2001 về chủ trương đầu tư Dự án nhà máy thủy điện Sơn La và Nghị quyết số 13/2002/QH11 của Quốc hội khóa XI kỳ họp thứ 2 ngày 16 tháng 12 năm 2002 về phương án xây dựng công trình thủy điện Sơn La.
Căn cứ Nghị định số 52/1999NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng; sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2000 và Nghị định số 07/2003/NĐ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ ;
Căn cứ Quyết định số 92/QĐ-TTg ngày 15 tháng 01 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đầu tư Dự án thủy điện Sơn La;
Căn cứ Quyết định số 09/2004/QĐ-TTg ngày 15 tháng 01 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước Dự án thủy điện Sơn La,
Căn cứ Quyết định số 677/QĐ-TTg ngày 18 tháng 6 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Nhà nước Dự án thủy điện Sơn La;
Căn cứ Quyết định số 196/2004/QĐ-TTg ngày 29 tháng 11 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể đi dân tái định cư Dự án thủy điện Sơn La,
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này cơ chế quản lý và thực hiện Dự án thủy điện Sơn La.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 3. Ban Chỉ đạo Nhà nước Dự án thuỷ điện Sơn La, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Sông Đà chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
CƠ CHẾ QUẢN LÝ VÀ THỰC HIỆN DỰ ÁN THỦY ĐIỆN SƠN LA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 207/2004/QĐ-TTg
ngày 11 tháng 12 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ)
CHƯƠNG I
NHŨNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục đích
1. Quy định các cơ chế đặc thù áp dụng riêng cho quản lý và thực hiện Dự án thủy điện Sơn La nhằm đảm bảo triển khai thực hiện Dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
2. Quy định trách nhiệm, quyền hạn và nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước, các chủ đầu tư và các bên tham gia thực hiện Dự án.
3. Quy định cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương và các bên tham gia thực hiện trong quá trình quản lý và thực hiện Dự án.
Điều 2. Đối tượng và phạm vi áp dụng
1. Đối tượng áp dụng:
a) Ban Chỉ đạo Nhà nước Dự án thủy điện Sơn La, các Bộ, ngành và địa phương có liên quan tới quản lý và thực hiện Dự án thủy điện Sơn La;
b) Chủ đầu tư các dự án thành phần của Dự án thủy điện Sơn La;
c) Tổng thầu và các bên tham gia thực hiện các dự án thành phần.
2. Phạm vi áp dụng:
Cơ chế này áp dụng cho Dự án thủy điện Sơn La bao gồm các dự án thành phần sau:
a) Dự án xây dựng công trình thủy điện Sơn La, do Tổng công ty Điện lực Việt Nam là chủ đầu tư,
b) Dự án di dân tái định cư theo địa bàn quản lý, do Uỷ ban nhân dân các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu là chủ đầu tư,
c) Đồ án các công trình giao thông tránh ngập, do Bộ Giao thông vận tải là chủ đầu tư.
3. Những nội dung về quản lý và thực hiện dự án không quy định trong cơ chế này được thực hiện theo các quy định hiện hành hoặc các văn bản cho phép thực hiện khác của Chính phủ.
CHƯƠNG II
CÁC CƠ CHẾ ĐẶC THÙ QUẢN LÝ VÀ THỰC HIỆN DỰ ÁN
XÂY DỤNG CÔNG TRÌNH THỦY ĐIỆN SƠN LA
Điều 3. Công tác thiết kế và tư vấn
1. Thiết kế kỹ thuật được lập theo 2 giai đoạn. Nội dung cụ thể của thiết kế kỹ thuật từng giai đoạn do Bộ Công nghiệp quy định
2. Các nội dung thiết kế được phép phê duyệt riêng, trước khi thiết kế kỹ thuật giai đoạn 1 được duyệt bao gồm:
a) Quy hoạch tổng mặt bằng thi công công trình;
b) Thiết kế kỹ thuật các công trình dẫn dòng thi công;
c) Các hạng mục công trình thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị xây dựng và phục vụ thi công: các công trình phụ trợ, nhà ở và nhà làm việc; các mỏ vật liệu xây dựng; các công trình công cộng; các công trình phục vụ thi công: hệ thống giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc và nhà điều hành của Ban Quản lý Dự án.
3. Các tổ chức thực hiện công tác tư vấn và phương thức lựa chọn.
a) Tư vấn lập thiết kế kỹ thuật - Tổng dự toán là liên danh gồm: Công ty Tư vấn xây động Điện I chủ trì, phối hợp với Viện Thiết kế thủy công Moskva (Cộng hoà Liên bang Nga). Những công việc đặc thù được phép thuê thêm tư vấn phụ nước ngoài;
b) Tư vấn thiết kế bản vẽ thi công là liên danh gồm: Công ty Tư vấn xây dựng Điện I chủ trì, phối hợp với Viện Thiết kế thủy công Moskva (Cộng hoà Liên bang Nga). Những công việc đặc thù được phép thuê thêm tư vấn phụ nước ngoài;
c) Tư vấn thẩm định thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán: gồm tổ chức tư vấn trong nước do Bộ Công nghiệp chỉ định và tổ chức tư vấn nước ngoài được lựa chọn thông qua đấu thầu quốc tế hạn chế.
Bộ Công nghiệp chịu trách nhiệm quy định cụ thể về phạm vi công việc của tư vấn thẩm định;
d) Tư vấn thiết kế tổ chức thi công: do Tổng thầu thi công thực hiện. Những công việc đặc thù được phép thuê thêm tư vấn phụ nước ngoài;
đ) Tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình: chủ đầu tư lựa chọn tư vấn nước ngoài có kinh nghiệm và năng lực làm tư vấn chính thông qua hình thức đấu thầu quốc tế hạn chế. Chủ đầu tư giới thiệu tư vấn trong nước tham gia với tư vấn chính thực hiện giám sát thi công xây dựng công trình;
e) Tư vấn quản lý dự án để giúp chủ đầu tư quản lý Dự án: là một tổ chức tư vấn nước ngoài do chủ đầu tư lựa chọn thông qua đấu thầu quốc tế hạn chế.
Bộ Công nghiệp quy định phạm vi công việc, phân công trách nhiệm thực hiện của các tổ chức tư vấn; phê duyệt kết quả đấu thầu và hợp đồng tư vấn nước ngoài .
Điều 4. Đơn giá, tổng dự toán và dự toán các hạng mục
1. Xây dựng định mức - đơn giá cho các nội dung công tác đặc thù và những định mức đơn giá đã có nhưng không phù hợp cho dự án xây dựng công trình:
Bộ Công nghiệp thành lập Ban đơn giá công trình. Ban đơn giá công trình xây dựng định mức - đơn giá trình Bộ Công nghiệp phê duyệt sau khi có ý kiến thoả thuận của Bộ Xây dựng.
2. Tổng dự toán dự án được lập trên cơ sở khối lượng theo thiết kế kỹ thuật và đơn giá công trình nêu trong khoản 1 Điều này. Tổng dự toán và đơn giá công trình là cơ sở để xác định giá trị hợp đồng xây lắp với Tổng thầu thi công.
Tổng dự toán phải được lập và trình duyệt cùng với thiết kế kỹ thuật giai đoạn 2.
Tổ chức nghiệm thu, thanh toán khối lượng hạng mục hoàn thành theo dự toán, thiết kế bản vẽ thi công và thiết kế tổ chức thi công được duyệt.
Đối với các hạng mục không nằm trong phạm vi hợp đồng tổng thầu thi công, tổ chức nghiệm thu, thanh toán theo quy định hiện hành.
3. Trong thời gian thiết kế kỹ thuật giai đoạn 2 và tổng dự toán chưa được phệ duyệt, cho phép lập thiết kế và dự toán các hạng mục công trình được phép triển khai trước để trình duyệt làm cơ sở ký hợp đồng thực hiện hạng mục đó.
Điều 5. Phạm vi công việc thi công xây dựng công trình và cơ chế thực hiện
1. Tổng thầu thi công và phạm vi hợp đồng tổng thầu thi công
a) Tổng công ty Sông Đà là Tổng thầu thi công. Các nhà thầu thành viên đã được chỉ định tại văn bản số 519/CP-CN ngày 15 tháng 5 năm 2004 của Chính phủ;
b) Phạm vi công việc của hợp đồng Tổng thầu thi công do chủ đầu tư và tổng thầu thỏa thuận.
2. Cơ chế thực hiện hợp đồng Tổng thầu thi công.
a) Hình thức và giá trị hợp đồng Tổng thầu thi công:
Hợp đồng Tổng thầu thi công là hợp đồng có điều chỉnh giá được ký giữa chủ đầu tư và Tổng thầu thi công.
Giá trị hợp đồng Tổng thầu thi công được xác định trên cơ sở giá trị xây lắp (không kể dự phòng) trong tổng dự toán được duyệt cho các hạng mục tương ứng với phạm vi của hợp đồng Tổng thầu thi công, giảm giá 5%.
Việc điều chỉnh giá trị của hợp đồng Tổng thầu thi công được thực hiện theo các quy định hiện hành.
b) Tạm ứng.
- Tạm ứng được thực hiện theo từng hạng mục căn cứ vào giá trị dự toán của hạng mục và tiến độ triển khai thi công hạng mục đó. Chủ đầu tư tạm ứng cho tổng thầu 15% giá trị hạng mục nhưng không vượt giá trị theo kế hoạch năm của hạng mục đó. Bắt đầu thu hồi tạm ứng khi đã thực hiện thanh toán 20% giá trị hạng mục và thu hồi hết tạm ứng khi đã thực hiện thanh toán 80% giá trị hạng mục; đối với các công việc hạng mục khoán gọn, chủ đầu tư tạm ứng 30% giá trị hạng mục.
- Chủ đầu tư tạm ứng cho tổng thầu một khoản kinh phí để thực hiện việc dự trữ vật liệu bị ảnh hưởng bởi mùa vận chuyển trên Sông Đà, cường độ thi công cao (cát, đá, clinker...). Khối lượng dự trữ vật liệu và mức tạm ứng do chủ đầu tư và Tổng thầu thỏa thuận.
c) Thanh toán:
- Cho phép chủ đầu tư thanh toán 92% giá trị khối lượng công việc hoàn thành khi nhà thầu đã hoàn thành thủ tục thanh toán. Phần còn lại sẽ được thanh toán như sau: 5% khi có biên bản nghiệm thu hạng mục công trình của Hội đồng nghiệm thu nhà nước, 2% khi kết thúc thời gian bảo hành 12 tháng và 1% khi kết thúc thời gian bảo hành 24 tháng.
- Cho phép chủ đầu tư thanh toán trực tiếp cho nhà thầu thành viên khi được đại diện có thẩm quyền của Tổng thầu thi công và Ban Quản lý Dự án ký nghiệm thu chất lượng và xác nhận khối lượng.
3. Cơ chế khoán và thanh toán các hạng mục phụ trợ
- Các hạng mục phục vụ thi công như đường thi công, hệ thống cấp điện thi công trong mặt bằng công trường (từ dưới 35kv), cấp nước, đường vào và xây dựng cơ bản các mỏ vật liệu, san nền, xây dựng khu phụ trợ, nhà ở thực hiện khoán gọn theo giá trị dự toán trong thiết kế - dự toán các hạng mục được phê duyệt. Quy mô và giá trị các hạng mục được xác định trên cơ sở tổng mặt bằng thi công công trình được duyệt.
- Kế hoạch chuyển vốn thanh toán thực hiện theo thỏa thuận giữa chủ đầu tư và Tổng thầu thi công. Cho phép chủ đầu tư thanh toán tối đa 95% giá trị khoán gọn các hạng mục chuẩn bị thi công tùy theo mức độ hoàn thành các hạng mục, 5% còn lại sẽ được thanh toán khi hạng mục khoán gọn đã được hoàn thành và được Ban Quản lý dự án xác nhận.
4. Cho phép ngân hàng thương mại cho các nhà thầu vay vượt 15% vốn tự có của ngân hàng để mua các thiết bị thi công công trình thủy điện Sơn La.
5. Các hạng mục không thuộc phạm vi hợp đồng tổng thầu thi công. Chủ đầu tư thực hiện theo văn bản số 1470/CP-CN ngày 06 tháng 10 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch đấu thầu dự án xây dựng công trình thủy điện Sơn La.
Điều 6. Thiết bị công nghệ
1. Phương thức lựa chọn nhà thầu cung cấp thiết bị cơ điện và cơ khí thủy công của công trình chính thực hiện theo kế hoạch đấu thầu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại văn bản số 1470/CP-CN ngày 06 tháng 10 năm 2004.
2. Bộ Tài chính thực hiện việc bảo lãnh cho Chủ đầu tư vay vốn nước ngoài để mua thiết bị, vật tư công nghệ trong nước chưa sản xuất, chế tạo được.
Điều 7. Tổng tiến độ xây dựng
Tổng tiến độ thi công công trình theo phương án lựa chọn trong thiết kế kỹ thuật giai đoạn 1 được duyệt là phương hướng chỉ đạo thực hiện tiến độ ban đầu. Chủ đầu tư lập tổng tiến độ xây dựng hoàn chỉnh cho toàn bộ Dự án (tổng hợp cả Dự án di dân tái định cư và Dự án các công trình giao thông tránh ngập) kèm theo thiết kế kỹ thuật giai đoạn 2, báo cáo Bộ Công nghiệp thẩm định và Ban Chỉ đạo Nhà nước thông qua để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Điều 8. Nghiệm thu
1. Nghiệm thu công trình được thực hiện theo 3 cấp: Ban Nghiệm thu kỹ thuật, Hội đồng nghiệm thu cơ sở và Hội đồng nghiệm thu nhà nước. Hội đồng nghiệm thu nhà nước do Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm Chủ tịch Hội đồng, tiến hành nghiệm thu các hạng mục công trình chính, các mốc hoàn thành của công trình: lấp sông, chống lũ, tích nước, khởi động tổ máy số 1 và hoàn thành toàn bộ nhà máy.
2. Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể của Hội đồng nghiệm thu các cấp, nội dung, trình tự và thủ tục tiến hành nghiệm thu từng hạng mục do Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định.
Điều 9. Quyết toán
Việc lập báo cáo quyết toán vốn đầu tư, thẩm tra và phê duyệt quyết toán vốn đầu tư thực hiện theo quy định hiện hành.
Điều 10. Cơ chế thưởng phạt trong việc thực hiện tiến độ
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế thưởng, phạt trong việc thực hiện tiến độ các dự án: xây dựng công trình, di dân tái định cư và công trình giao thông tránh ngập trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
CHƯƠNG III
CÁC CƠ CHẾ ĐẶC THÙ QUẢN LÝ VÀ THỰC HIỆN
DỰ ÁN DI DÂN TÁI ĐỊNH CƯ
Điều 11. Phạm vi giải phóng mặt bằng và di dân
Phạm vi giải phóng mặt bằng và di dân bao gồm:
1. Mặt bằng công trường theo tổng mặt bằng thi công công trình thủy điện Sơn La được duyệt.
2. Vùng ngập hồ chứa theo đường viền giải phóng lòng hồ được xác định trong thiết kế kỹ thuật được duyệt.
3. Các điểm đón dân theo quy hoạch chi tiết được phê duyệt.
Điều 12. Quy hoạch di dân tái định cư
Quy hoạch di dân tái định cư được thực hiện theo 2 bước sau:
1. Quy hoạch tổng thể di dân tái định cư: thực hiện theo Quyết định số 196/2004/QĐ-TTg ngày 29 tháng 11 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể di dân tái định cư Dự án thủy điện Sơn La.
2. Quy hoạch chi tiết khu, điểm tái định cư: căn cứ vào Quy hoạch tổng thể di dân tái định cư Dự án thủy điện Sơn La được phê duyệt nêu tại khoản 1 Điều này, tiến hành lập quy hoạch chi tiết. Trình tự và nội dung quy hoạch chi tiết khu tái định cư Dự án thủy điện Sơn La thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành tại văn bản số 2592/BNN-HTX ngày 27 tháng 10 năm 2004.
Điều 13. Công tác lập Dự án đầu tư, thiết kế và dự toán các dự án, công trình thuộc Dự án di dân tái định cư.
1. Thực hiện lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đối với các công trình hạ tầng (giao thông, thủy điện, cấp nước, cấp điện) có tổng mức đầu tư trên 5 tỷ đồng.
2. Thực hiện lập báo cáo đầu tư đối với:
a) Các công trình kết cấu hạ tầng có tổng mức đầu tư dưới 5 tỷ đồng;
b) Các Dự án sản xuất, các khu, điểm tái định cư tập trung và xen ghép sử dụng các mẫu nhà định hình hoặc dựng lại nhà chuyển đến từ nơi ở cũ.
3. Dự án đầu tư và thiết kế, dự toán các dự án công trình di dân tái định cư áp dụng theo đơn giá hiện hành.
4. Cho phép lập thiết kế một bước (thiết kế kỹ thuật - thi công) các Dự án, hạng mục công trình có tổng vốn đầu tư dưới 5 tỷ đồng.
5. Các Dự án, hạng mục công trình có tổng vốn đầu tư trên 5 tỷ đồng phải lập thiết kế 2 bước: thiết kế kỹ thuật và bản vẽ thi công.
6. Cho phép Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ định các đơn vị tư vấn thiết kế có đủ năng lực và kinh nghiệm thực hiện làm tư vấn lập quy hoạch chi tiết, Dự án đầu tư, thiết kế - dự toán cho các tiểu Dự án và các hạng mục công trình Dự án di dân tái định cư.
7. Uỷ ban nhân dân các tỉnh quy định phân cấp thẩm định và phê duyệt thiết kế các dự án và các hạng mục công trình thuộc Dự án di dân tái định cư.
Điều 14. Phân cấp quản lý
1. Tùy theo năng lực quản lý và tổ chức thực hiện Dự án đầu tư của cấp huyện và Sở chuyên ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh có thể quyết định việc phân cấp cho Uỷ ban nhân dân huyện làm chủ đầu tư các Dự án di dân tái định cư thuộc địa bàn huyện và phân cấp cho các Sở chuyên ngành (giao thông, thủy lợi, điện...) làm chủ đầu tư các Dự án chuyên ngành. Trong trường hợp này, Uỷ ban nhân dân huyện, Sở chuyên ngành đó quyết định thành lập Ban Quản lý dự án làm đại diện chủ đầu tư quản lý dự án. Các Ban Quản lý dự án cấp huyện và Sở chuyên ngành chịu sự chỉ đạo chuyên môn của Ban Quản lý dự án cấp tỉnh.
2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định về trách nhiệm và quyền hạn, Quy chế hoạt động của Ban Quản lý Dự án cấp huyện và Ban dự án các Sở chuyên ngành; cơ chế phối hợp giữa Ban Quản lý Dự án cấp tỉnh với các chủ đầu tư cấp huyện được phân cấp, các Ban Quản lý Dự án cấp huyện và các Ban Quản lý Dự án Sở chuyên ngành.
Điều 15. Phương thức lựa chọn nhà thầu thực hiện
Tuỳ theo quy mô và tính chất của từng hạng mục công trình hoặc gói thầu, việc thực hiện các dự án di dân tái định cư và các dự án, công trình hạ tầng được thực hiện như sau:
1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh được phép chỉ định các nhà thầu theo quy định có giảm 5% giá trị dự toán xây lắp đối với các dự án hoặc hạng mục công trình có tổng dự toán được duyệt đến 10 tỷ đồng.
2. Giám đốc Sở chuyên ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện được phép chỉ định thầu theo quy định có giảm 5% giá trị dự toán xây lắp đối với các dự án hoặc hạng mục công trình có tổng dự toán được duyệt đến 3 tỉ đồng.
3. Các tiểu dự án hoặc các hạng mục công trình có giá trị gói thầu trên 10 tỷ đồng phải được đấu thầu để lựa chọn nhà thầu thực hiện
Điều 16. Quản lý và thanh toán vốn
1. Nguồn vốn của dự án xây dựng công trình thủy điện Sơn La thực hiện theo Quyết định số 92/QĐ-TTg ngày 15 tháng 01 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đầu tư dự án thủy điện Sơn La
2. Kế hoạch, tiến độ hàng năm về công tác di dân tái định cư do Uỷ ban nhân dân các tỉnh: Sơn La, Lai Châu và Điện Biên xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm tra, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Tiến độ di dân tái định cư hàng năm khi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm tra phải phù hợp với tổng tiến độ xây dựng được quy định tại Điều 7 của Quyết định này.
3. Phân bổ vốn đầu tư cho các dự án di dân tất định cư hàng năm được xác định căn cứ trên quy hoạch tổng thể di dân tái định cư được duyệt và kế hoạch công tác di dân tái định cư hàng năm được Thủ tướng Chính phủ quyết định.
4. Việc quản lý vốn, tạm ứng, thanh toán và quyết toán vốn cho công tác bồi thường, di dân tái định cư được thực hiện theo Quyết định số 459/QĐ-TTg ngày 12 tháng 5 năm 2004 và Quyết định số 1251/QĐ-TTg ngày 23 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ về bồi thường, di dân, tái định cư thủy điện Sơn La và Thông tư số 70/2004/TT-BTC ngày 14 tháng 7 năm 2004 của Bộ Tài chính về hướng dẫn việc quản lý và thanh toán vốn đầu tư dự án di dân tái định cư dự án thủy điện Sơn La.
5. Chủ đầu tư tạm ứng cho nhà thầu 10% giá trị hợp đồng theo tổng dự toán được duyệt với các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng, 20% giá trị hợp đồng theo tổng dự toán được duyệt với các dự án sản xuất nông, lâm nghiệp, chế biến và các dự án tạo giống cây trồng, con nuôi phục vụ cho công tác di dân, tái định cư
CHƯƠNG IV
CÁC CƠ CHẾ ĐẶC THÙ QUẢN LÝ VÀ THỰC HIỆN DỰ ÁN
CÁC CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG TRÁNH NGẬP
Điều 17. Phạm vi và quy mô
1. Phạm vi và quy mô Dự án các công trình giao thông tránh ngập thủy điện Sơn La do Bộ Giao thông vận tải lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
2. Các công trình giao thông tránh ngập được thiết kế và xây dựng theo tiêu chuẩn phù hợp với định hướng phát triển lâu dài trong quy hoạch tổng thể giao thông vùng Tây Bắc. Kế hoạch, tiến độ xây dựng các công trình giao thông tránh ngập phù hợp với tổng tiến độ xây dựng được quy định tại Điều 7 của Quyết định này.
Điều 18. Nguồn vốn
1. Nguồn vốn từ Dự án xây dựng công trình thủy điện Sơn La do chủ đầu tư dự án xây dựng công trình bồi thường theo quy mô hiện trạng là 1.013,24 tỷ đồng.
2. Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước cấp để nâng quy mô công trình từ mức hiện trạng lên quy mô lâu dài được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo hàng năm.
3. Bộ Tài chính hướng dẫn các chủ đầu tư và các đơn vị liên quan thực hiện việc chuyển vốn và thanh quyết toán vốn hàng năm.
CHƯƠNG V
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BỘ, NGÀNH ĐỊA PHƯƠNG
VÀ CÁC BÊN LIÊN QUAN
Điều 19. Ban Chỉ đạo Nhà nước Dự án thủy điện Sơn La
Thực hiện đúng các nội dung về trách nhiệm của Ban chỉ đạo và trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương liên quan được quy định trong Quyết định số 09/2004/QĐ-TTg ngày 15 tháng 01 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước Dự án thủy điện Sơn La và Quyết định số 677/QĐ-TTg ngày 18 tháng 6 năm 2004 của Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo Nhà nước Dự án thủy điện Sơn La.
Điều 20. Trách nhiệm của các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu, Tổng công ty Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Sông Đà: thực hiện các nhiệm vụ được quy định tại Quyết định số 92/QĐ-TTg ngày 15 tháng 01 năm 2004 về việc phê duyệt đầu tư dự án thủy điện Sơn La và Quyết định số 677/QĐ-TTg ngày 18 tháng 6 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Nhà nước Dự án thủy điện Sơn La.
CHƯƠNG VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 21. Ban Chỉ đạo Nhà nước Dự án thuỷ điện Sơn La, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu, Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc các Tổng công ty: Điện lực Việt Nam và Sông Đà chịu trách nhiệm thực hiện cơ chế này.
Điều 22. Trong quá trình thực hiện cơ chế này nếu có vướng mắc, Bộ Công nghiệp tổng hợp các ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương; đề xuất nội dung cần bổ sung, sửa đổi trình Thủ trưởng Chính phủ xem xét, quyết định.