CHỈ THỊ
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ SỐ 19/2001/CT-TTG
NGÀY 28 THÁNG 8 NĂM 2001 VỀ VIỆC TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
NGHỊ QUYẾT SỐ 09/2001/NQ-CP NGÀY 28 THÁNG 8 NĂM 2001
CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TĂNG CƯỜNG THU HÚT VÀ NÂNG CAO
HIỆU QUẢ ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI THỜI KỲ 2001 - 2005
Nhằm thực hiện Nghị quyết
số 09/2001/NQ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2001 của Chính phủ về tăng cường thu hút
và nâng cao hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài thời kỳ 2001 - 2005, Thủ tướng
Chính phủ chỉ thị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và ủy ban
nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là các Bộ và Uỷ
ban nhân dân cấp tỉnh) thực hiện các công việc sau đây:
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
chủ trì xây dựng các Đề án sau:
- Đề án xây dựng, hoàn
thiện các văn bản pháp luật về đầu tư trực tiếp nước ngoài theo hướng tạo lập
một mặt bằng pháp lý và chính sách chủ yếu đối với đầu tư trong nước và đầu tư
trực tiếp nước ngoài;
- Danh mục dự án quốc gia
kêu gọi đầu tư trực tiếp nước ngoài thời kỳ 2001 - 2005.
Trong năm 2001, Bộ Kế
hoạch và Đầu tư trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ:
- Đề án mở rộng lĩnh vực
thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; thí điểm thực hiện việc chuyển đổi doanh
nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài sang hoạt động theo hình thức công ty cổ
phần; sửa đổi một số quy định để đẩy nhanh việc hình thành, triển khai dự án
BOT;
- Nghị định sửa đổi, bổ
sung Nghị định số 36/CP ngày 24 tháng 4 năm 1997 của Chính phủ ban hành Quy chế
Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao;
- Quy chế phối hợp trong
quản lý hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó có việc thành lập tổ
công tác liên ngành rà soát có hệ thống tất cả các giấy phép, quy định liên
quan đến đầu tư trực tiếp nước ngoài, bãi bỏ những giấy phép, quy định không
cần thiết và xây dựng cơ chế quản lý và tổ chức quản lý một cửa, một đầu mối ở
Trung ương và địa phương.
2. Bộ Thương mại ban hành
quy định về đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực dịch vụ nhập khẩu, dịch
vụ phân phối trong nước theo tinh thần Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31 tháng
7 năm 2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại
Việt Nam; trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thu hẹp danh mục hàng hoá không thuộc
đối tượng doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài mua để xuất khẩu.
3. Bộ Xây dựng trình
Chính phủ đề án Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 60/CP ngày 05 tháng 7
năm 1994 của Chính phủ về quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại đô thị
và Nghị định số 61/CP ngày 05 tháng 7 năm 1994 của Chính phủ về mua bán và kinh
doanh nhà ở.
4. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học, Công nghệ
và Môi trường, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành Nghị định
số 06/2000/NĐ-CP ngày 06 tháng 3 năm 2000 của Chính phủ về việc hợp tác đầu tư
với nước ngoài trong lĩnh vực khám chữa bệnh, giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa
học.
5. Ban Vật giá Chính phủ
trình Thủ tướng Chính phủ Đề án điều chỉnh giá, phí để thống nhất một mặt bằng
chung cho đầu tư trong nước và nước ngoài; công bố những loại giá, phí có thể
áp dụng thống nhất ngay trong năm 2001.
6. Tổng công ty Điện lực
Việt Nam hoàn thành trước tháng 6 năm 2002 việc hoàn trả các doanh nghiệp đầu
tư trực tiếp nước ngoài số vốn hợp thức, thực tế và các doanh nghiệp này đã bỏ
ra để xây dựng công trình điện ngoài hàng rào.
7. Ngân hàng Nhà nước
Việt Nam:
- Xây dựng Đề án cải cách
chính sách tiền tệ liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài;
- Ban hành trong năm 2001 các quy định hướng dẫn
các Nghị định của Chính phủ về bảo đảm vay vốn, cầm cố, thế chấp, bảo lãnh đối
với doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài nhằm thực sự tạo thuận lợi để
doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài vay tín dụng tại các tổ chức tín dụng
hoạt động tại Việt Nam;
- Xây dựng Đề án về khả
năng và điều kiện cho phép một số doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài được
thế chấp giá trị quyền sử dụng đất tại tổ chức tín dụng hoạt động ở nước ngoài.
8. Bộ Tài chính:
- Xây dựng Đề án cải cách
hệ thống thuế liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài;
- Ban hành trong năm 2001
chính sách khuyến khích hoạt động của các quỹ đầu tư nước ngoài hoạt động tại
Việt Nam, và quy định về việc kê khai nộp thuế và căn cứ vào kết quả kiểm toán
để quyết toán thuế.
9. Tổng cục Địa chính
hoàn thành trong năm 2001 việc hướng dẫn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
cho các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp, Khu chế xuất; xây dựng Đề án nghiên
cứu cho phép tư nhân được thí điểm cho nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài thuê lại
đất; hướng dẫn việc xử lý đối với đất góp vốn liên doanh trong trường hợp phá
sản, giải thể hoặc chuyển đổi hình thức đầu tư.
10. Bộ Tư pháp ban hành
trong năm 2001 các văn bản hướng dẫn đăng ký giao dịch có bảo đảm và xây dựng
cơ quan quốc gia đăng ký các giao dịch có bảo đảm; chủ trì việc rà soát các văn bản, quy định liên quan đến đầu tư
trực tiếp nước ngoài do các Bộ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành để khắc phục
tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản, quy định và để loại bỏ các
quy định không phù hợp.
11. Các Bộ, Uỷ ban nhân
dân cấp tỉnh xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư trực tiếp nước ngoài của
Bộ, ngành và địa phương, thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và công bố trong năm 2001 làm cơ sở cho việc vận động
xúc tiến đầu tư; đơn giản hoá và công bố công khai các thủ tục hành chính liên
quan đến đầu tư trực tiếp nước ngoài.
12. Các Bộ, ngành kinh tế
kỹ thuật xây dựng, điều chỉnh và công bố quy hoạch ngành và các sản phẩm chủ
yếu trong 6 tháng đầu năm 2002; trong đó dự kiến rõ nguồn vốn trong nước, vốn
ODA, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài làm cơ sở cho việc xác định chủ trương đầu
tư.
13. Các cơ quan cấp Giấy
phép đầu tư thường xuyên rà soát, phân loại các dự án đầu tư trực tiếp nước
ngoài đã được cấp phép đầu tư để kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ dự án sớm đi
vào hoạt động và kinh doanh có hiệu quả.
Đối với các dự án chưa
triển khai song xét thấy có khả năng và điều kiện thực hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu
tư phối hợp với các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh liên quan chủ động
trao đổi với chủ đầu tư để thúc đẩy việc thực hiện trong một khoảng thời gian
nhất định và giải quyết các vướng mắc, kể cả việc điều chỉnh mục tiêu và quy mô
hoạt động của dự án.
14. Bộ Kế hoạch và Đầu
tư, Bộ Công nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Uỷ ban nhân dân các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao, Bộ
Thương mại và các cơ quan liên quan khác xây dựng và thực hiện các chương trình
vận động xúc tiến đầu tư hàng năm, tổ chức tốt việc tuyên truyền về đầu tư trực
tiếp nước ngoài, nghiên cứu các đối tác đầu tư trực tiếp nước ngoài và pháp
luật chính sách về đầu tư trực tiếp nước ngoài của các nước trong khu vực; bố
trí cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư ở các địa bàn trọng điểm ở nước ngoài.
Bộ Tài chính bố trí kinh
phí cho hoạt động xúc tiến đầu tư trong ngân sách chi thường xuyên hàng năm của
các Bộ, ngành, địa phương.
15. Trong năm 2001, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính
phủ xây dựng Quy chế cán bộ Việt Nam tham gia Hội đồng quản trị và quản lý
doanh nghiệp liên doanh; Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng Đề án tổ chức
đào tạo cán bộ làm công tác đầu tư trực tiếp nước ngoài; Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội chủ trì xây dựng Đề án đào tạo nghề cho các doanh nghiệp đầu tư
trực tiếp nước ngoài.
16. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
phối hợp với Văn phòng Chính phủ chịu trách nhiệm theo dõi tổng hợp việc thực
hiện Nghị quyết của Chính phủ và Chỉ thị này để kịp thời báo cáo Thủ tướng
Chính phủ các đề án liên quan đến việc triển khai Chỉ thị này.
17. Các Bộ trưởng, Thủ
trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban
nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện nghiêm
chỉnh, đầy đủ Chỉ thị này. Trường hợp phát sinh những vấn đề vượt quá thẩm quyền
cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến chỉ đạo để thực hiện.