Quyết định 1336/QĐ-TTg 2020 nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau
- Tóm tắt
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
thuộc tính Quyết định 1336/QĐ-TTg
Cơ quan ban hành: | Thủ tướng Chính phủ | Số công báo: Số công báo là mã số ấn phẩm được đăng chính thức trên ấn phẩm thông tin của Nhà nước. Mã số này do Chính phủ thống nhất quản lý. | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Số hiệu: | 1336/QĐ-TTg | Ngày đăng công báo: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày đăng công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Loại văn bản: | Quyết định | Người ký: | Vũ Đức Đam |
Ngày ban hành: Ngày ban hành là ngày, tháng, năm văn bản được thông qua hoặc ký ban hành. | 31/08/2020 | Ngày hết hiệu lực: Ngày hết hiệu lực là ngày, tháng, năm văn bản chính thức không còn hiệu lực (áp dụng). | Đang cập nhật |
Áp dụng: Ngày áp dụng là ngày, tháng, năm văn bản chính thức có hiệu lực (áp dụng). | Tình trạng hiệu lực: Cho biết trạng thái hiệu lực của văn bản đang tra cứu: Chưa áp dụng, Còn hiệu lực, Hết hiệu lực, Hết hiệu lực 1 phần; Đã sửa đổi, Đính chính hay Không còn phù hợp,... | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | Chính sách |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Đến năm 2025, tối thiểu 95% tỉnh/thành phố có CLB liên thế hệ tự giúp nhau
Ngày 31/8/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1336/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn đến năm 2025.
Theo đó, Đề án đặt ra chỉ tiêu như sau: đến năm 2025, ít nhất 95% các tỉnh/thành phố trong cả nước có câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau; có thêm ít nhất 3000 câu lạc bộ mới được xây dựng gồm 150.000 thành viên trong đó 100.000 là người cao tuổi; có tối thiểu 70% câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau thực hiện đủ các hoạt động và được quản lý tốt; 100% câu lạc bộ có Quỹ để tăng thu nhập và Quỹ hoạt động do câu lạc bộ tự quản lý theo Quy chế do câu lạc bộ ban hành;…
Ngoài ra, kinh phí của Đề án được hỗ trợ bởi Ngân sách Nhà nước và huy động đóng góp từ các tổ chức, cá nhân; huy động đóng góp từ các nguồn quỹ tại địa phương, từ Hội người cao tuổi, cộng đồng và thành viên câu lạc bộ; huy động nguồn lực viện trợ, tài trợ hợp pháp từ các tổ chức quốc tế và nước ngoài.
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.
Xem chi tiết Quyết định 1336/QĐ-TTg tại đây
tải Quyết định 1336/QĐ-TTg
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ __________ Số: 1336/QĐ-TTg | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ________________________ Hà Nội, ngày 31 tháng 8 năm 2020 |
QUYẾT ĐỊNH
Phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn đến năm 2025
__________
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Người cao tuổi ngày 23 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 06/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người cao tuổi;
Căn cứ Nghị quyết số 21/NQ-TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới;
Theo đề nghị của Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn đến năm 2025 (gọi tắt là Đề án) với những nội dung sau:
I. MỤC TIÊU VÀ CHỈ TIÊU
1. Mục tiêu
- Phát huy hiệu quả mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau nhằm duy trì và tiếp tục nhân rộng câu lạc bộ, huy động sự tham gia của người cao tuổi, Hội Người cao tuổi, các cấp các ngành và cộng đồng để nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người cao tuổi; chăm sóc sức khỏe, xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và bảo vệ quyền lợi người cao tuổi.
- Góp phần thực hiện Chương trình Hành động của Chính phủ theo Nghị quyết số: 137/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 về thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới và Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi.
2. Chỉ tiêu
a) Chỉ tiêu về số lượng
- Đến năm 2025 có ít nhất 95% các tỉnh/thành phố trong cả nước có câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau; có thêm ít nhất 3.000 câu lạc bộ mới được xây dựng với 150.000 thành viên, trong đó có hơn 100.000 là người cao tuổi. Chú trọng việc nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau đối với các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu sổ, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn;
- Duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động và quản lý 100% câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau đã xây dựng giai đoạn 2016 - 2020 và các câu lạc bộ mới được xây dựng.
b) Chỉ tiêu về chất lượng
- Các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau phấn đấu bảo đảm chất lượng về cơ cấu, thành phần (mỗi câu lạc bộ có từ 50 - 70 thành viên, trong đó 60% - 70% là phụ nữ, 60% - 70% là người cao tuổi, 30 - 40% là người trẻ tuổi; ưu tiên người có hoàn cảnh khó khăn).
- Có ít nhất 70% câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau thực hiện đủ các hoạt động và được quản lý tốt để có ít nhất 50% thành viên được vay vốn để sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập, mọi thành viên được nâng cao sức khỏe về thể chất, tinh thần, nâng cao nhận thức, kiến thức và bảo vệ quyền lợi.
- 100% câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau có Quỹ để tăng thu nhập và Quỹ hoạt động do câu lạc bộ tự quản lý theo Quy chế do câu lạc bộ ban hành.
II. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG
1. Phạm vi: Đề án được triển khai tại tất cả các địa phương trong cả nước.
2. Đối tượng được hưởng lợi: Người cao tuổi và gia đình của họ, phụ nữ và các thành viên khác trong cộng đồng. Đặc biệt người cao tuổi là phụ nữ nghèo, cận nghèo, người cao tuổi dân tộc thiểu số, người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn.
III. HOẠT ĐỘNG VÀ GIẢI PHÁP
1. Lập kế hoạch, triển khai Đề án
a) Tổ chức triển khai Đề án ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Họp Ban Điều hành Đề án, phê duyệt kế hoạch hoạt động, tài chính, phân công trách nhiệm giữa bộ, ngành, tổ chức liên quan, các địa phương (theo từng năm).
b) Hướng dẫn thực hiện Đề án
2. Tập huấn kỹ thuật, tài liệu để nâng cao năng lực, hiệu quả thực hiện Đề án
a) Tập huấn ban đầu cho địa phương chưa được tập huấn trong giai đoạn 2016 - 2020 (đối tượng: cán bộ Hội Người cao tuổi và cán bộ liên quan, Ban Chủ nhiệm câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau).
b) Tập huấn giảng viên (theo cụm, tỉnh/thành phố, liên tỉnh) tạo nguồn giảng viên (cán bộ phụ trách Đề án, cán bộ Hội Người cao tuổi và liên quan) để các địa phương tự tập huấn, nhân rộng câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.
c) Xây dựng tài liệu tuyên truyền, tập huấn về câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.
3. Xây dựng, quản lý và triển khai hoạt động câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau
a) Xây dựng mới câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau; duy trì, kiện toàn các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau đã thành lập bảo đảm chỉ tiêu về số lượng và chất lượng.
b) Câu lạc bộ quản lý, triển khai các hoạt động: tăng thu nhập; chăm sóc sức khỏe; tình nguyện viên chăm sóc tại nhà; tự giúp nhau, hỗ trợ cộng đồng; bảo vệ quyền, lợi ích; truyền thông; thể thao, văn hóa văn nghệ; vận động nguồn lực.
c) Tổ chức thăm quan mô hình, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa các địa phương, các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau nhằm nâng cao hiệu quả Đề án.
d) Tổ chức giám sát, đánh giá, hỗ trợ kỹ thuật bổ sung cho câu lạc bộ, đảm bảo chất lượng hoạt động và chỉ tiêu Đề án.
4. Truyền thông, nâng cao nhận thức
a) Tăng cường tuyên truyền Đề án, hiệu quả hoạt động câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau góp phần nâng cao nhận thức các cấp chính quyền và cộng đồng về già hóa và ứng phó với già hóa dân số.
b) Đẩy mạnh hợp tác giữa các địa phương với các cơ quan truyền thông trung ương, địa phương tuyên truyền (đưa tin, phóng sự, đối thoại v.v…) nâng cao nhận thức về tác động và hiệu quả của câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trong chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi.
c) Xây dựng tài liệu truyền thông về Đề án, câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau hỗ trợ địa phương triển khai thực hiện Đề án.
5. Huy động nguồn lực từ tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia nhân rộng và duy trì hoạt động câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau
a) Huy động nguồn lực từ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị, xã hội, các hội, đoàn thể, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đóng góp xây dựng và hỗ trợ hoạt động của câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.
b) Chính quyền địa phương, Hội Người cao tuổi các cấp huy động nguồn lực từ các quỹ, chương trình, dự án, vận động xã hội hóa xây dựng và hỗ trợ hoạt động câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.
c) Chính quyền địa phương, Hội Người cao tuổi các cấp tạo điều kiện cho câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau huy động nguồn lực, kinh phí cho xây dựng và hỗ trợ hoạt động câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.
6. Tăng cường hợp tác quốc tế
Hội Người cao tuổi Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao, Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam, các tổ chức quốc tế, cơ quan Liên hợp quốc, cơ quan viện trợ nước ngoài vận động nguồn lực về kỹ thuật và kinh phí hỗ trợ thực hiện Đề án.
7. Sơ kết, tổng kết đánh giá Đề án
a) Thực hiện báo cáo, sơ kết, tổng kết năm và giai đoạn.
b) Trung ương và địa phương tổ chức hội nghị, hội thảo, sơ kết, tổng kết năm và giai đoạn.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Ngân sách nhà nước
Ngân sách nhà nước hỗ trợ để thực hiện các hoạt động: Lập kế hoạch, hướng dẫn thực hiện Đề án; tập huấn giảng viên và tập huấn ban đầu cho các địa phương, xây dựng tài liệu hướng dẫn; tuyên truyền; kiểm tra giám sát việc xây dựng, nhân rộng mộ hình; tổng kết Đề án. Việc hỗ trợ kinh phí theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
2. Huy động đóng góp từ các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật
- Huy động đóng góp từ nguồn xã hội hóa để duy trì và nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.
- Phối hợp với các tổ chức, đoàn thể lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án, kế hoạch tại địa phương thực hiện Đề án.
3. Huy động đóng góp từ các nguồn quỹ tại địa phương, từ Hội Người cao tuổi, cộng đồng và thành viên câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau theo quy định hiện hành
- Chính quyền các cấp hướng dẫn tạo cơ chế huy động nguồn lực từ nguồn quỹ an sinh xã hội, Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, Quỹ tín dụng, các nguồn quỹ khác tại địa phương để hỗ trợ quỹ ban đầu và kinh phí hoạt động cho câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.
- Huy động sự đóng góp của các thành viên câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, Hội Người cao tuổi và cộng đồng hỗ trợ quỹ ban đầu và kinh phí hoạt động cho câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.
4. Huy động nguồn lực viện trợ, tài trợ hợp pháp từ các tổ chức quốc tế và nước ngoài theo quy định pháp luật
- Vận động sự đóng góp, tài trợ từ tổ chức chính phủ, phi chính phủ, cá nhân trong và ngoài nước thực hiện Đề án.
- Xây dựng và thực hiện các dự án/chương trình tài trợ nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam.
- Chủ trì Đề án, phối hợp với Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan và các tổ chức đoàn thể xây dựng kế hoạch và kinh phí triển khai thực hiện đề án hằng năm; giám sát, đánh giá, sơ, tổng kết thực hiện đề án; huy động nguồn tài chính hợp pháp; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện; đề xuất, kiến nghị điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế từng giai đoạn.
- Phối hợp với chính quyền địa phương, hỗ trợ, hướng dẫn Hội Người cao tuổi và các đoàn thể tại địa phương xây dựng Đề án/kế hoạch và huy động nguồn lực thực hiện Đề án theo quy định.
- Tập huấn ban đầu và tập huấn cho giảng viên, biên soạn tài liệu về câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau; hướng dẫn các địa phương thực hiện Đề án, theo dõi, đánh giá việc thực hiện Đề án tại các địa phương và chất lượng của các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.
- Phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội, nghề nghiệp vận động nguồn lực, kết hợp sử dụng các nguồn quỹ hợp pháp khác để hỗ trợ triển khai, thực hiện Đề án đạt hiệu quả.
2. Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam
- Theo dõi, giám sát, đánh giá thực hiện Đề án.
-Hỗ trợ Hội Người cao tuổi Việt Nam lập kế hoạch và triển khai Đề án.
- Hướng dẫn Ban công tác Người cao tuổi các địa phương lồng ghép nội dung tập huấn, triển khai thực hiện Đề án.
3. Các bộ, ngành, đoàn thể cơ quan Trung ương
a) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Phối hợp với Hội Người cao tuổi Việt Nam: xây dựng kế hoạch thực hiện; hướng dẫn các địa phương thực hiện Đề án; lồng ghép các chương trình, các dự án, đề án có liên quan để thực hiện Đề án; giám sát, đánh giá thực hiện Đề án.
b) Bộ Tài chính: Bố trí kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động tại khoản 1 Mục IV Điều 1 trong dự toán chi thường xuyên của Hội Người cao tuổi Việt Nam và các bộ, ngành ở trung ương (nếu có) theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
c) Bộ Y tế: Chỉ đạo các cơ sở y tế phối hợp với các cấp Hội Người cao tuổi và các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau tổ chức khám sức khỏe định kỳ, quản lý sức khỏe cho người cao tuổi, tuyên truyền, phổ biến về chăm sóc sức khỏe, kiến thức chăm sóc tại nhà cho người cao tuổi và người có hoàn cảnh khó khăn tại cộng đồng; hỗ trợ tập huấn và hoạt động cho đội ngũ tình nguyện viên của câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau; phối hợp với Hội Người cao tuổi triển khai chương trình chăm sóc dài hạn và liên quan cho người cao tuổi.
d) Bộ Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo các cơ quan báo chí từ trung ương tới địa phương tích cực tuyên truyền và nâng cao nhận thức về câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, qua đó nhằm huy động nguồn lực để nhân rộng mô hình câu lạc bộ.
đ) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện cho các hoạt động thể dục thể thao, dưỡng sinh, văn nghệ của các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức của xã hội, cộng đồng và các thành viên gia đình hỗ trợ nhân rộng và tham gia các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.
e) Bộ Ngoại giao: Hỗ trợ Hội Người cao tuổi Việt Nam và các đoàn thể, địa phương tìm nguồn tài trợ kỹ thuật và tài chính từ các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ, thực hiện các chương trình, dự án để thực hiện nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.
g) Các bộ, ngành, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp lồng ghép các hoạt động liên quan góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án. Đồng thời chủ động phối hợp, cung cấp thông tin tuyên truyền về các hoạt động của Đề án nhằm giúp các cơ quan báo chí kịp thời phản ánh, lan tỏa sâu rộng ý nghĩa của Đề án trong xã hội và cộng đồng.
h) Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Phối hợp vận động nguồn lực, sử dụng các nguồn quỹ hợp pháp để hỗ trợ câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau hoạt động hiệu quả; chỉ đạo các tổ chức thành viên hỗ trợ thực hiện và giám sát Đề án.
4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
a) Xây dựng Đề án/Kế hoạch nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau của địa phương thực hiện các nhiệm vụ của Đề án.
b) Hằng năm bố trí kinh phí trong dự toán chi thường xuyên theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành trong khả năng cân đối của ngân sách nhà nước tại địa phương để thực hiện Đề án, kế hoạch nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.
c) Hướng dẫn sử dụng nguồn Quỹ hợp pháp như nguồn quỹ an sinh xã hội, Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, các nguồn quỹ khác tại địa phương; huy động nguồn lực từ xã hội hóa tại địa phương để thực hiện Đề án.
d) Triển khai các hoạt động của Đề án: Xây dựng mới; duy trì và kiện toàn câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau; tập huấn, tài liệu, quản lý, giám sát, sơ kết, tổng kết. Chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá về câu lạc bộ để tạo sức lan tỏa về ý nghĩa to lớn của câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, góp phần làm tốt công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; - Văn phòng Trung ương Đảng; - Văn phòng Tổng Bí thư; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Văn phòng Quốc hội; - Các Ủy ban của Quốc hội - Ngân hàng Chính sách xã hội; - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Cơ quan trung ương của các đoàn thể; - Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam; - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, Công báo; - Lưu: VT, KGVX (2). | KT. THỦ TƯỚNG PHÓ THỦ TƯỚNG
Vũ Đức Đam
|