Nghị quyết 17/2008/NQ-CP của Chính phủ về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2008

  • Tóm tắt
  • Nội dung
  • VB gốc
  • Tiếng Anh
  • Hiệu lực
  • VB liên quan
  • Lược đồ
  • Nội dung MIX

    - Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…

    - Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.

  • Tải về
Mục lục
Tìm từ trong trang
Lưu
Theo dõi văn bản

Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.

Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.

Báo lỗi
In
  • Báo lỗi
  • Gửi liên kết tới Email
  • Chia sẻ:
  • Chế độ xem: Sáng | Tối
  • Thay đổi cỡ chữ:
    17
Ghi chú

thuộc tính Nghị quyết 17/2008/NQ-CP

Nghị quyết 17/2008/NQ-CP của Chính phủ về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2008
Cơ quan ban hành: Chính phủSố công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Số hiệu:17/2008/NQ-CPNgày đăng công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày đăng công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Loại văn bản:Nghị quyếtNgười ký:Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành:08/08/2008Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Chính sách

TÓM TẮT VĂN BẢN

* Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2008 - Theo Nghị quyết số 17/2008/NQ-CP ra ngày 08/8/2008, Chính phủ yêu cầu: tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu để giảm nhập siêu. Chú trọng việc giảm chi phí sản xuất, kinh doanh; đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho sản xuất, đặc biệt là vốn lưu động cho sản xuất, vốn cho xuất khẩu và vốn đầu tư xây dựng cơ bản các dự án, công trình thiết yếu; bảo đảm điện cho sản xuất; tiếp tục rà soát để cải tiến, xoá bỏ các thủ tục hành chính gây cản trở, khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp. Tiếp tục thực hiện chủ trương tiết kiệm chi tiêu trong sản xuất và tiêu dùng. Đẩy mạnh việc giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và vốn ODA, FDI; tiếp tục rà soát, bố trí lại kế hoạch đầu tư năm 2008 của các Bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước để cắt giảm các công trình đầu tư kém hiệu quả, tập trung vốn để đẩy nhanh tiến độ đối với các dự án trọng điểm, các dự án sắp hoàn thành. Điều hành giá cả theo nguyên tắc thị trường với lộ trình, thời điểm thích hợp. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ giá cả, không để xảy ra tình trạng đầu cơ tăng giá, bảo đảm cân đối nguồn hàng, không để thiếu hàng hoá, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các hành vi vi phạm. Tiếp tục giữ ổn định giá điện, giá than cho bốn hộ trọng điểm, giá nước sạch và cước vận chuyển xe buýt công cộng đến hết năm 2008. Tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, đồng thời bảo đảm tính thanh khoản của nền kinh tế; điều hành tỷ giá thận trọng, linh hoạt; cải thiện cán cân thanh toán; kiểm soát chặt chẽ và tạo điều kiện để thị trường chứng khoán phát triển ổn định, lành mạnh; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành tiêu chí mới về thành lập ngân hàng thương mại cổ phần để quản lý chặt chẽ, phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện kinh tế thị trường của nước ta; đồng thời, có các biện pháp kiểm soát, xử lý đối với các ngân hàng hoạt động không có hiệu quả.

Xem chi tiết Nghị quyết 17/2008/NQ-CP tại đây

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Ghi chú
Ghi chú: Thêm ghi chú cá nhân cho văn bản bạn đang xem.
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

NGHỊ QUYẾT

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 17/2008/NQ-CP NGÀY 08 THÁNG 08 NĂM 2008 

PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 7 NĂM 2008

 

Trong hai ngày 04 và 05 tháng 8 năm 2008, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7, thảo luận và quyết nghị những vấn đề sau đây:

1. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo kết quả giao ban sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đầu tư tháng 7 và tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm 2008, thị trường trong nước và xuất, nhập khẩu tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2008; Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo tình hình thực hiện chính sách ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát 7 tháng đầu năm; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp 5 tháng cuối năm 2008.

Trong điều kiện có nhiều khó khăn do tình hình trong nước và thế giới, với sự cố gắng của toàn Đảng, toàn dân và sự chỉ đạo, điều hành kiên quyết của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2008 đã có những chuyển biến theo hướng tích cực. Chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức thấp nhất từ đầu năm đến nay; xuất khẩu duy trì tốc độ tăng trưởng cao, nhập siêu có xu hướng giảm; kinh tế vĩ mô cơ bản được kiểm soát; thị trường chứng khoán có dấu hiệu hồi phục; thu ngân sách nhà nước tăng so với cùng kỳ năm trước; thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh; sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá; sản xuất nông nghiệp, vận tải hàng hoá và hành khách, dịch vụ bưu chính viễn thông tiếp tục phát triển; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tăng so với cùng kỳ năm trước, hoạt động du lịch diễn ra khá sôi động. Các lĩnh vực văn hoá, y tế, giáo dục, đào tạo, thể dục thể thao, xoá đói giảm nghèo, dạy nghề giải quyết việc làm... đạt nhiều kết quả tốt; khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân ổn định nhờ được mùa, được giá và nhận được các chính sách hỗ trợ kịp thời của nhà nước. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Tình hình an toàn giao thông có chuyển biến tích cực, số vụ tai nạn giao thông, số người chết và số người bị thương giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2007.

Từ nay đến cuối năm, nền kinh tế tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: tác động của việc tăng giá xăng dầu và một số nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng thiết yếu; thiên tai, dịch bệnh còn diễn biến khó lường. Để hoàn thành kế hoạch năm 2008, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm 8 nhóm giải pháp đã nêu trong Nghị quyết số 10/2008/NQ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ về các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững cùng các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ của mình, chủ động phối hợp chỉ đạo thực hiện tốt một số vấn đề cụ thể sau:

a) Tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu để giảm nhập siêu. Chú trọng việc giảm chi phí sản xuất, kinh doanh; đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho sản xuất, đặc biệt là vốn lưu động cho sản xuất, vốn cho xuất khẩu và vốn đầu tư xây dựng cơ bản các dự án, công trình thiết yếu; bảo đảm điện cho sản xuất; tiếp tục rà soát để cải tiến, xoá bỏ các thủ tục hành chính gây cản trở, khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.

b) Tiếp tục thực hiện chủ trương tiết kiệm chi tiêu trong sản xuất và tiêu dùng. Đẩy mạnh việc giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và vốn ODA, FDI; tiếp tục rà soát, bố trí lại kế hoạch đầu tư năm 2008 của các Bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước để cắt giảm các công trình đầu tư kém hiệu quả, tập trung vốn để đẩy nhanh tiến độ đối với các dự án trọng điểm, các dự án sắp hoàn thành.

c) Điều hành giá cả theo nguyên tắc thị trường với lộ trình, thời điểm thích hợp. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ giá cả, không để xảy ra tình trạng đầu cơ tăng giá, bảo đảm cân đối nguồn hàng, không để thiếu hàng hoá, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các hành vi vi phạm. Tiếp tục giữ ổn định giá điện, giá than cho bốn hộ trọng điểm, giá nước sạch và cước vận chuyển xe buýt công cộng đến hết năm 2008.

d) Tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, đồng thời bảo đảm tính thanh khoản của nền kinh tế; điều hành tỷ giá thận trọng, linh hoạt; cải thiện cán cân thanh toán; kiểm soát chặt chẽ và tạo điều kiện để thị trường chứng khoán phát triển ổn định, lành mạnh; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành tiêu chí mới về thành lập ngân hàng thương mại cổ phần để quản lý chặt chẽ, phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện kinh tế thị trường của nước ta; đồng thời, có các biện pháp kiểm soát, xử lý đối với các ngân hàng hoạt động không có hiệu quả.

đ) Đẩy mạnh việc sắp xếp, cổ phần hoá và đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX), chuẩn bị tốt việc sơ kết mô hình tập đoàn kinh tế trong quý IV năm 2008; chấn chỉnh hoạt động đầu tư và tạo điều kiện để nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước.

e) Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội hiện hành, đồng thời, khẩn trương nghiên cứu, ban hành các chính sách mới, nhất là chính sách hỗ trợ cho người lạo động có thu nhập thấp, người nghèo.

g) Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ xây dựng kế hoạch thông tin tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị hiện nay tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội, xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin sai sự thật, có tính chất kích động, gây tâm lý bất an trong xã hội.

Giao Văn phòng Chính phủ chủ trì dự thảo Nghị quyết của Chính phủ triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm và giải pháp trọng tâm trong các tháng cuối năm 2008, trình Thủ tướng chính phủ xem xét, ký ban hành trong tháng 8 năm 2008.

2. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính trình bày dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 151/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2006 về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của nhà nước; nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trình bày ý kiến của Văn phòng Chính phủ về dự thảo Nghị định.

Hơn một năm qua, chính sách tín dụng đầu tư của nhà nước quy định tại Nghị định số 151/2006/NĐ-CP đã được thực hiện có hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, chính sách này đã bộc lộ một số vấn đề không còn phù hợp với tình hình thực tế, cần bổ sung, sửa đổi, như: danh mục dự án vay vốn tín dụng đầu tư còn dàn trải; lãi suất cho vay đầu tư thấp so với lãi suất vay thương mại trung và dài hạn; mức hỗ trợ sau đầu tư cao. Chính sách tín dụng đầu tư của nhà nước trong thời gian tới cần được sửa đổi để phù hợp hơn với định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, giảm bớt khó khăn cho ngân sách nhà nước và phù hợp với cam kết gia nhập WTO; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư, sử dụng vốn vay. .

Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ký ban hành.

3. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Công Thương trình bày dự thảo Nghị định quy định xử phạt hành chính các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt, buôn lậu và gian lận thương mại; nghe Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trình bày ý kiến của Văn phòng Chính phủ về dự thảo Nghị định.

Tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá, đưa tin thất thiệt, buôn lậu và gian lận thương mại dưới nhiều hình thức chưa được kiểm soát chặt chẽ đã gây mất ổn định thị trường hàng hoá, ảnh hưởng không tốt đến việc thực hiện các giải pháp của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững. Việc ban hành Nghị định này là hết sức cần thiết, nhằm sớm khắc phục tình trạng trên, góp phần bình ổn thị trường, bảo vệ người tiêu dùng.

Giao Bộ Công phương chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ký ban hành.

4. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy chế về hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài ban hành kèm theo Quyết định số 32/2003/QĐ-TTg ngày 27 tháng 02 năm 2003; nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trình bày ý kiến của Văn phòng Chính phủ về dự thảo Quy chế sửa đổi.

Việc sửa đổi, bổ sung Quy chế về hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài nhằm đa dạng hoá dịch vụ của cơ sở lưu trú, góp phần tăng thời gian lưu trú của khách du lịch; đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh việc phân cấp cho chính quyền địa phương, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong quản lý loại hình kinh doanh này.

Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự thảo Quy chế trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ký ban hành.

5. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình dự thảo Nghị định về xác định loại dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước trong điều kiện đột biến về giá cả và chi phí.

Giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu xây dựng biến động đã làm cho tổng mức đầu tư của các dự án tăng cao. Vì vậy, các tiêu chí phân loại dự án theo quy mô vốn đầu tư đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp, từ đó tác động đến việc thực hiện các dự án đầu tư nói chung và các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước nói riêng. Chính phủ cần ban hành văn bản hướng dẫn phân loại dự án theo quy mô vốn đầu tư trong điều kiện trượt giá nhằm giải quyết những vướng mắc trong quản lý các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước, bảo đảm đầu tư đúng kế hoạch, có hiệu quả.

Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ký ban hành.

6. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp trình bày dự án Luật Bồi thường nhà nước; nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Chính phủ về dự án Luật.

Trong thời gian qua, các quy định pháp luật về bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra đã bước đầu bảo vệ lợi ích của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại, đồng thời bảo đảm lợi ích của nhà nước. Tuy nhiên, các quy định pháp luật trong lĩnh vực này còn có nhiều hạn chế, chưa đầy đủ và đồng bộ, thiếu cụ thể. Luật Bồi thường nhà nước nhằm nhất thể hoá các quy định pháp luật về bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động hành chính và tố tụng để người bị thiệt hại thực hiện tốt hơn quyền được bồi thường của mình; mặt khác, góp phần tăng cường trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, của công chức trong quá trình thực thi công vụ bảo đảm sự hoạt động ổn định, hiệu quả của các cơ quan công quyền.

Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự án Luật. Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật.

7. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai; nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến thành viên Chính phủ về dự án Luật.

Luật Đất đai năm 2003 đã cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới trong quản lý nhà nước về đất đai phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; tạo khung pháp lý quan trọng cho công tác quản lý đất đai, phát huy được nguồn lợi từ đất đai. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật Đất đai năm 2003 đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập nhất định. Để sớm khắc phục những tồn tại trong hệ thống pháp luật đất đai hiện hành, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh phát triển kinh tế, ổn định xã hội và bảo vệ môi trường, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2003 là cấp bách và cần thiết.

Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, chuẩn bị các nội dung quan trọng cần sửa đổi, bổ sung của Luật Đất đai năm 2003, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến trước khi trình Chính phủ tại phiên họp tháng 8 năm 2008.

8. Chính phủ nhất trí thông qua Báo cáo tình hình triển khai thực hiện cơ cấu tổ chức Chính phủ khoá XII, Báo cáo về tình hình thực hiện công tác cải cách hành chính tháng 7 năm 2008 do Bộ trưởng Bộ Nội vụ trình; Báo cáo về tình hình thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng và giải quyết khiếu nại tố cáo tháng 7 năm 2008 do Tổng Thanh tra Chính phủ trình; Báo cáo tình hình thực hiện Chương trình công tác tháng 7 và các quyết nghị của Chính phủ tại phiên họp tháng 6 năm 2008, Báo cáo việc triển khai thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trình.

Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện cải cách hành chính, khẩn trương hoàn chỉnh các dự thảo nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan chưa được ban hành, trình Chính phủ trong tháng 8 năm 2008; tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng đã phát hiện; tổ chức tốt công tác tiếp công dân, xử lý kịp thời các vụ khiếu kiện đông người không để phát sinh thành điểm nóng; rà soát, điều chỉnh và hoàn thành đúng tiến độ các đề án được giao trong Chương trình công tác của Chính phủ theo đúng Quy chế làm việc của Chính phủ; xây dựng chương trình hành động, kế hoạch của Bộ, ngành mình trong việc thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" gắn với quá trình triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu./.

 

TM. CHÍNH PHỦ

THỦ TƯỚNG

Nguyễn Tấn Dũng

 

Ghi chú
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Hiển thị:
download Văn bản gốc có dấu (PDF)
download Văn bản gốc (Word)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực

văn bản mới nhất

×
×
×
Vui lòng đợi