BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI ------- Số: 3823/LĐTBXH-PC V/v:Lập đề nghị xây dựng nghị định năm 2017 | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 03 tháng 10 năm 2016 |
Kính gửi: Các đơn vị trực thuộc Bộ
Thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và việc xây dựng Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2017, đề nghị các đơn vị triển khai lập đề nghị xây dựng nghị định năm 2017 như sau:
Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, trước khi lập đề nghị, các Bộ, cơ quan ngang Bộ phải tiến hành tổng kết thi hành pháp luật có liên quan đến đề nghị, khảo sát, đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan đến đề nghị, tổ chức nghiên cứu khoa học, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, xây dựng nội dung chính sách và đánh giá tác động chính sách, dự kiến nguồn lực, điều kiện đảm bảo cho việc thi hành nghị định sau khi được thông qua... Để thực hiện đầy đủ quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo Luật năm 2015, đề nghị các đơn vị:
1. Những nghị định sau phải lập đề nghị xây dựng nghị định:
- Các biện pháp cụ thể để tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; các biện pháp để thực hiện chính sách kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, tài chính, tiền tệ, ngân sách, thuế, dân tộc, tôn giáo, văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, môi trường, đối ngoại, chế độ công vụ, cán bộ, công chức, viên chức, quyền, nghĩa vụ của công dân và các vấn đề khác thuộc thẩm quyền quản lý, điều hành của Chính phủ; những vấn đề liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của từ hai bộ, cơ quan ngang bộ trở lên; nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác thuộc thẩm quyền của Chính phủ;
- Vấn đề cần thiết thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành luật hoặc pháp lệnh để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Trước khi ban hành nghị định này phải được sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
2. Hồ sơ đề nghị xây dựng nghị định gồm:
- Tờ trình đề nghị xây dựng nghị định, trong đó phải nêu rõ sự cần thiết ban hành nghị định; mục đích, quan điểm xây dựng nghị định; đối tượng, phạm vi điều chỉnh của nghị định; mục tiêu, nội dung chính sách trong nghị định, các giải pháp để thực hiện chính sách đã được lựa chọn và lý do của việc lựa chọn; thời gian dự kiến đề nghị Chính phủ xem xét, thông qua; dự kiến nguồn lực, điều kiện bảo đảm việc thi hành nghị định.
- Nội dung đánh giá tác động của từng chính sách trong đề nghị xây dựng nghị định, trong đó phải nêu rõ vấn đề cần giải quyết; mục tiêu ban hành chính sách; các giải pháp để thực hiện chính sách; các tác động tích cực, tiêu cực của chính sách; chi phí, lợi ích của các giải pháp; so sánh chi phí, lợi ích của các giải pháp; lựa chọn giải pháp của cơ quan, tổ chức và lý do của việc lựa chọn; đánh giá tác động của thủ tục hành chính, đánh giá tác động về giới (nếu có).
- Báo cáo tổng kết việc thi hành pháp luật hoặc đánh giá thực trạng các vấn đề liên quan đến chính sách.
- Bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý; bản chụp ý kiến góp ý.
- Đề cương dự thảo nghị định.
- Tài liệu khác (nếu có).
3. Thời hạn gửi đề nghị xây dựng nghị định năm 2017 Trước khi thực hiện các quy trình lập đề nghị xây dựng nghị định năm 2017 tới các cơ quan, đơn vị có liên quan, đề nghị quý đơn vị gửi Danh mục các văn bản dự kiến sẽ xây dựng và đăng ký với Văn phòng Chính phủ về Bộ (qua Vụ Pháp chế) trước ngày 10/10/2017 để tổng hợp Danh mục, báo cáo Lãnh đạo Bộ và có cơ sở để phối hợp với Bộ Tư pháp để xác định phạm vi các Nghị định phải đánh giá tác động chính sách.
Đề nghị Thủ trưởng các đơn vị sớm triển khai các nội dung trên theo quy định./.
Nơi nhận: - Như trên; - Bộ trưởng (để b/c); - Các Thứ trưởng (để b/c); - Lưu: VT, Vụ PC. | TL. BỘ TRƯỞNG VỤ TRƯỞNG VỤ PHÁP CHẾ Hà Đình Bốn |