Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Quyết định 391-TC/BH của Bộ Tài chính về việc ban hành Quy tắc bảo hiểm tai nạn con người
- Thuộc tính
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
thuộc tính Quyết định 391-TC/BH
Cơ quan ban hành: | Bộ Tài chính | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 391-TC/BH | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Quyết định | Người ký: | Phạm Văn Trọng |
Ngày ban hành: | 20/09/1991 | Ngày hết hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày hết hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Áp dụng: | Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | Bảo hiểm |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!
tải Quyết định 391-TC/BH
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
QUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH SỐ 391/TC-BH NGÀY 20-9-1991
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY TẮC BẢO HIỂM TAI NẠN CON NGƯỜI
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Căn cứ Nghị định số 155-HĐBT ngày 15-10-1988 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 45-QĐTC ngày 2-3-1989 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam;
Theo đề nghị của Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy tắc và biểu phí bảo hiểm tai nạn con người.
Điều 2. Khi xét thấy cần thiết, hàng năm Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam được phép điều chỉnh mức phí và mức trách nhiệm bảo hiểm cho phù hợp với tình hình biến động giá cả thị trường sau khi đã thoả thuận với các vụ chức năng của Bộ Tài chính.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các văn bản đã ban hành có liên quan trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 4. Các ông Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam, Chánh Văn phòng Bộ Tài chính, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương và thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
QUY TẮC
BẢO HIỂM TAI NẠN CON NGƯỜI
(Ban hành kèm theo QĐ số 391/TC-BH ngày 20-9-1991 của
Bộ trưởng Bộ Tài chính)
I. NGUYÊN TẮC CHUNG
Điều 1. Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam (BAOVIET) nhận bảo hiểm tai nạn cho mọi công dân Việt Nam từ 16 tuổi đến 70 tuổi và người nước ngoài đang học tập làm việc công tác tại Việt Nam (sau đây gọi là người được bảo hiểm) theo các điều khoản quy định trong Quy tắc này; loại trừ các đối tượng sau đây:
- Những người đang bị bệnh thần kinh,
- Những người đang bị tàn phế hoặc thương tật vĩnh viễn từ 50% trở lên.
Điều 2. Người được bảo hiểm theo Quy tắc này vẫn được tham gia và hưởng quyền lợi của các loại hình bảo hiểm khác.
II. PHẠM VI BẢO HIỂM
Điều 3. Tai nạn thuộc phạm vi bảo hiểm là những tai nạn xảy ra tại Việt Nam do:
- Một lực bất ngờ, ngoài ý muốn của người được bảo hiểm, từ bên ngoài tác động lên thân thể người được bảo hiểm và là nguyên nhân trực tiếp làm cho người được bảo hiểm bị chết hoặc thương tật thân thể.
- Người được bảo hiểm có hành động cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của nhân dân và tham gia chống các hành động phạm pháp.
Điều 4. Trường hợp người được bảo hiểm tham gia các cuộc thi đấu có tính chất chuyên nghiệp như: đua xe, đua ngựa, bóng đá, đấm bốc, leo núi, lướt ván, đua thuyền..., khảo sát, thám hiểm; khi xảy ra tai nạn chỉ được bảo hiểm với điều kiện người được bảo hiểm đã yêu cầu và thoả thuận đóng thêm phí bảo hiểm cho BAOVIET theo quy định tại "Biểu phí và số tiền bảo hiểm".
III. KHÔNG THUỘC TRÁCH NHIỆM BẢO HIỂM
Điều 5. Tai nạn xảy ra do những nguyên nhân sau đây không thuộc phạm vi bảo hiểm:
1. Người được bảo hiểm vi phạm nghiêm trọng pháp luật, nội quy, quy định của cơ quan, của chính quyền địa phương hoặc các tổ chức xã hội khác, vi phạm luật lệ an toàn giao thông;
2. Hành động cố ý tự gây ra tai nạn của người được bảo hiểm hoặc người thừa kế hợp pháp;
3. Người được bảo hiểm sử dụng và bị ảnh hưởng của rượu, bia, ma tuý và các chất kích thích tương tự khác;
4. Người được bảo hiểm tham gia đánh nhau trừ khi được xác nhận đó là hành động tự vệ;
5. Cảm đột ngột, trúng gió, bệnh tật, sảy thai, bệnh nghề nghiệp, những tai biến trong quá trình điều trị bệnh và thai sản;
6. Ngộ độc thức ăn, đồ uống;
7. Điều trị hoặc sử dụng thuốc không theo chỉ dẫn của cơ quan y tế;
8. Động đất, núi lửa, nhiễm phóng xạ;
9. Các hoạt động Hàng không (trừ khi với tư cách là hành khách), các cuộc diễn tập, huấn luyện quân sự, tham gia chiến đấu của các lực lượng vũ trang;
10. Chiến tranh, nội chiến, đình công.
IV. HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM, PHÍ BẢO HIỂM VÀ
HIỆU LỰC BẢO HIỂM
Điều 6. Các tập thể có yêu cầu tham gia bảo hiểm tai nạn, BAOVIET ký hợp đồng bảo hiểm với các tập thể đó kèm theo danh sách các cá nhân được bảo hiểm.
- Các cá nhân hoặc gia đình có yêu cầu tham gia bảo hiểm, BAOVIET cấp giấy chứng nhận bảo hiểm cho từng cá nhân.
- Số tiền bảo hiểm và thời hạn bảo hiểm được quy định theo yêu cầu của người được bảo hiểm. Số tiền bảo hiểm là giới hạn trách nhiệm tối đa của BAOVIET đối với người được bảo hiểm trong một vụ tai nạn.
Điều 7. Phí bảo hiểm và số tiền bảo hiểm căn cứ vào biểu phí bảo hiểm do Bộ Tài chính quy định. Phí bảo hiểm nộp bằng loại tiền nào, số tiền bảo hiểm được trả bằng loại tiền đó.
Điều 8. Hiệu lực của bảo hiểm bắt đầu khi người được bảo hiểm đã đóng phí bảo hiểm theo quy định tại hợp đồng hoặc giấy chứng nhận bảo hiểm.
Điều 9. Trường hợp một trong hai bên đề nghị huỷ bỏ hợp đồng bảo hiểm phải thông báo cho bên kia biết trước 05 ngày. Nếu hợp đồng được hai bên thoả thuận huỷ bỏ, phí bảo hiểm của thời gian còn lại sẽ được hoàn trả 80% với điều kiện đến thời điểm đó, người được bảo hiểm chưa có lần nào được BAOVIET chấp nhận trả tiền bảo hiểm.
V. QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI ĐƯỢC BẢO HIỂM
Điều 10. Trường hợp người được bảo hiểm bị chết do tai nạn thuộc phạm vi bảo hiểm BAOVIET sẽ trả toàn bộ số tiền bảo hiểm ghi trong hợp đồng bảo hiểm hoặc giấy chứng nhận bảo hiểm.
Điều 11. Trường hợp người được bảo hiểm bị thương do tai nạn thuộc phạm vi bảo hiểm, BAOVIET trả tiền bảo hiểm theo quy định tại "Bảng trả tiền bảo hiểm".
Điều 12. Trường hợp bị tai nạn thuộc phạm vi bảo hiểm, trong vòng 01 năm kể từ ngày xảy ra tai nạn, người được bảo hiểm bị chết do hậu quả của tai nạn đó; BAOVIET sẽ trả phần chênh lệch giữa số tiền bảo hiểm ghi trong hợp đồng (hay giấy chứng nhận bảo hiểm) với số tiền đã trả trước đó.
Điều 13. Trường hợp hậu quả của tai nạn thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm bị trầm trọng hơn do bệnh tật hoặc sự tàn tật có sẵn của người được bảo hiểm hoặc điều trị vết thương không kịp thời và không theo chỉ dẫn của cơ quan y tế, thì BAOVIET chỉ trả tiền bảo hiểm như đối với loại vết thương tương tự ở người có sức khoẻ bình thường được điều trị một cách hợp lý.
VI. TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI ĐƯỢC BẢO HIỂM
Điều 14. Người được bảo hiểm có trách nhiệm nộp phí bảo hiểm đúng và đủ theo quy định trong "Biểu phí và số tiền bảo hiểm".
Điều 15. Khi xảy ra tai nạn, người được bảo hiểm hoặc thân nhân của họ phải áp dụng các biện pháp cần thiết và có thể thực hiện được để cứu chữa nạn nhân.
VII. THỦ TỤC TRẢ TIỀN BẢO HIỂM
Điều 16. Khi yêu cầu BAOVIET trả tiền bảo hiểm, người được bảo hiểm hoặc người thừa kế hợp pháp phải gửi cho BAOVIET các chứng từ sau đây trong vòng 1 tháng kể từ ngày người được bảo hiểm điều trị khỏi hoặc bị chết:
1. Giấy đề nghị trả tiền bảo hiểm;
2. Giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc bản sao (trích) danh sách người được bảo hiểm;
3. Biên bản tai nạn có xác nhận của cơ quan, chính quyền địa phương hoặc công an nơi người được bảo hiểm bị tai nạn;
4. Xác nhận điều trị của cơ quan y tế (giấy ra viện, phiếu điều trị và các giấy tờ có liên quan đến việc điều trị tai nạn);
5. Giấy chứng từ và giấy xác nhận quyền thừa kế hợp pháp (trường hợp chết).
Trường hợp người được bảo hiểm uỷ quyền cho người khác nhận số tiền bảo hiểm, phải có giấy uỷ quyền hợp pháp.
Điều 17. Số tiền bảo hiểm được trả cho người được bảo hiểm hoặc người được người bảo hiểm uỷ quyền. Trường hợp, người được bảo hiểm bị chết thì người thừa kế hợp pháp được nhận số tiền đó.
Điều 18. Trường hợp người được bảo hiểm hoặc người thừa kế hợp pháp không trung thực trong việc thực hiện các điều quy định trong Quy tắc này, BAOVIET có quyền từ chối một phần hoặc toàn bộ số tiền bảo hiểm tuỳ theo mức độ vi phạm. Trong trường hợp đương sự có dấu hiệu phạm pháp, BAOVIET có quyền đề nghị cơ quan pháp luật xem xét, giải quyết.
Điều 19. BAOVIET có trách nhiệm xem xét, giải quyết và thanh toán tiền bảo hiểm trong vòng 21 ngày kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ.
VIII. GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP
Điều 20. Thời hạn người được bảo hiểm hoặc người thừa kế hợp pháp khiếu nại BAOVIET về việc trả tiền bảo hiểm là 06 tháng, kể từ ngày người được bảo hiểm hoặc người thừa kế nhận được giấy thông báo trả tiền bảo hiểm của BAOVIET.
Điều 21. Mọi tranh chấp có liên quan đến Quy tắc bảo hiểm này, nếu các bên không thoả thuận được bằng thương lượng thì một trong hai bên được quyền đưa ra giải quyết tại cơ quan pháp luật Nhà nước, nơi người được bảo hiểm đóng phí bảo hiểm.