BỘ CÔNG THƯƠNG ------- Số: 606/QĐ-BCT | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 21 tháng 01 năm 2015 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH LỘ TRÌNH XÂY DỰNG VÙNG NGUYÊN LIỆU
HOẶC THỰC HIỆN LIÊN KẾT SẢN XUẤT VÀ TIÊU THỤ THÓC, GẠO CỦA
THƯƠNG NHÂN KINH DOANH XUẤT KHẨU GẠO GIAI ĐOẠN 2015-2020
-----------------------
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG
Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Nghị định số 109/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 11 năm 2010 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo;
Căn cứ Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn liền với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn;
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1101/TTg-KTTH ngày 31 tháng 7 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ; Thông báo số 252/TB-VPCP ngày 18 tháng 7 năm 2013; văn bản số 7306/VPCP-KTTH ngày 19 tháng 9 năm 2014 của Văn phòng Chính phủ và văn bản số 10404/VPCP-KTTH ngày 26 tháng 12 năm 2014 của Văn phòng Chính phủ;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu hoặc thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ thóc, gạo của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo giai đoạn 2015-2020 (Lộ trình).
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2015.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc Bộ, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ (để b/c); - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP; - UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Văn phòng Tổng Bí thư; - Văn phòng TW và các Ban của Đảng; - Văn phòng Quốc hội; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Kiểm toán Nhà nước; - Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; - Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia; - Sở Công Thương các tỉnh, tp trực thuộc TW; - Hiệp hội Lương thực Việt Nam; - Công báo; - Website Chính phủ; - Bộ Công Thương: Lãnh đạo Bộ; Văn phòng Bộ; các Vụ, Cục, Tổng cục trực thuộc Bộ; - Website Bộ Công Thương; - Lưu: VT, XNK (15). | KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Trần Tuấn Anh |
LỘ TRÌNH
XÂY DỰNG VÙNG NGUYÊN LIỆU HOẶC THỰC HIỆN LIÊN KẾT SẢN XUẤT VÀ TIÊU THỤ THÓC, GẠO CỦA THƯƠNG NHÂN KINH DOANH XUẤT KHẨU GẠO GIAI ĐOẠN 2015-2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 606/QĐ-BCT ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Lộ trình này quy định việc xây dựng vùng nguyên liệu hoặc thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ thóc, gạo với hộ nông dân trồng lúa hoặc đại diện của nông dân của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo giai đoạn 2015-2020; các chính sách ưu đãi áp dụng đối với việc xây dựng vùng nguyên liệu.
2. Lộ trình này áp dụng đối với thương nhân được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định của Nghị định số 109/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 11 năm 2010 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo (sau đây viết tắt là thương nhân) và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Lộ trình này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Vùng nguyên liệu là vùng sản xuất lúa hàng hóa thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 4 Lộ trình này.
2. Hộ nông dân trồng lúa bao gồm các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, trang trại trực tiếp sản xuất lúa.
3. Đại diện của nông dân bao gồm các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác hoặc tổ chức, cá nhân khác được hộ nông dân trồng lúa ủy quyền đại diện theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Mục tiêu, nguyên tắc xây dựng và thực hiện Lộ trình
1. Tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ thóc, gạo; góp phần thực hiện định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn hoạt động chế biến, kinh doanh, tiêu thụ, xuất khẩu gạo của thương nhân với hoạt động sản xuất lúa của nông dân; góp phần nâng cao chất lượng, giá trị thóc, gạo hàng hóa, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh và sức cạnh tranh của đội ngũ thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo.
2. Nhà nước định hướng, khuyến khích xây dựng vùng nguyên liệu đồng thời có chính sách ưu đãi để tạo động lực thúc đẩy mở rộng quy mô vùng nguyên liệu.
3. Chia sẻ rủi ro và hài hòa lợi ích giữa thương nhân và nông dân; gắn kết lợi ích với trách nhiệm của các bên trong quan hệ liên kết. Thương nhân có trách nhiệm tích cực, chủ động và ưu tiên các nguồn lực để thực hiện Lộ trình.
Điều 4. Phương thức xây dựng vùng nguyên liệu
1. Các phương thức xây dựng vùng nguyên liệu của thương nhân bao gồm:
a) Xây dựng Dự án hoặc Phương án Cánh đồng lớn theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn liền với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn và Thông tư số 15/2014/TT-BNNPTNT ngày 29 tháng 4 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện một số điều tại Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg.
b) Không xây dựng Dự án hoặc Phương án Cánh đồng lớn mà chỉ ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ thóc, gạo với hộ nông dân trồng lúa hoặc đại diện của nông dân theo quy định tại Lộ trình này.
c) Xây dựng vùng nguyên liệu thuộc quyền quản lý, sử dụng của thương nhân trên diện tích đất sản xuất lúa được Nhà nước giao, cho thuê, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất hoặc thuê đất của các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân để sản xuất lúa theo quy định của pháp luật về đất đai.
2. Hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ thóc, gạo trong trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 15/2014/TT-BNNPTNT.
Điều 5. Thủ tục xác nhận hoặc phê duyệt vùng nguyên liệu và kết quả xây dựng vùng nguyên liệu của thương nhân
Việc xây dựng vùng nguyên liệu quy định tại Điều 4 Lộ trình này phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc xác nhận theo quy định sau:
1. Trường hợp quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 4: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 15/2014/TT-BNNPTNT và các văn bản hướng dẫn liên quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Trường hợp quy định tại Điểm b, Điểm c Khoản 1, Điều 4:
a) Đối với trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 1, Điều 4: Thương nhân gửi văn bản đề nghị phê duyệt kèm theo kế hoạch hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ thóc, gạo đến Sở Công Thương nơi dự kiến xây dựng vùng nguyên liệu.
b) Trường hợp quy định tại Điểm c Khoản 1, Điều 4: Thương nhân gửi văn bản đề nghị phê duyệt kèm theo kế hoạch tổ chức sản xuất lúa và các giấy tờ, tài liệu liên quan đến quyền sử dụng đất sản xuất lúa trong vùng nguyên liệu đến Sở Công Thương nơi có vùng nguyên liệu.
c) Sau khi nhận được văn bản đề nghị của thương nhân, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, phê duyệt.
3. Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra, trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, xác nhận kết quả xây dựng vùng nguyên liệu và mua thóc, gạo từ vùng nguyên liệu của thương nhân theo hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ thóc, gạo đã ký trong từng vụ sản xuất. Văn bản xác nhận do Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ký.
4. Diện tích sản xuất lúa theo kế hoạch, phương án hoặc dự án xây dựng vùng nguyên liệu đã được phê duyệt nhưng thương nhân không tổ chức mua thóc, gạo được sản xuất ra sẽ không được tính khi cơ quan có thẩm quyền xác nhận kết quả xây dựng vùng nguyên liệu, trừ các trường hợp sau đây:
a) Do các sự kiện bất khả kháng như thiên tai, bão lụt, dịch bệnh...;
b) Thóc, gạo hàng hóa không bảo đảm chất lượng theo hợp đồng đã ký;
c) Hộ nông dân trồng lúa, đại diện của nông dân tự phá vỡ hợp đồng, không bán cho thương nhân theo hợp đồng đã ký.
Sở Công Thương xác nhận cụ thể diện tích sản xuất lúa thuộc trường hợp được loại trừ nêu trên bằng văn bản trên cơ sở ý kiến thống nhất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện và Hội Nông dân cấp huyện nơi có vùng nguyên liệu.
5. Sau khi kết thúc mỗi vụ sản xuất, Sở Công Thương tổng hợp, báo cáo Bộ Công Thương (qua Cục Xuất nhập khẩu), Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Hiệp hội Lương thực Việt Nam tình hình, kết quả xây dựng vùng nguyên liệu và mua thóc, gạo từ vùng nguyên liệu trên địa bàn và của từng thương nhân có vùng nguyên liệu trên địa bàn.
Điều 6. Quy mô, lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu của thương nhân
1. Quy mô vùng nguyên liệu của thương nhân được phân loại và xác định theo tiêu chí như sau:
a) Thương nhân có thành tích xuất khẩu gạo dưới 50.000 tấn gạo/năm: Quy mô vùng nguyên liệu năm đầu tiên là 500 ha (năm trăm héc-ta); từ năm thứ hai trở đi mỗi năm tăng thêm 300 ha (ba trăm héc-ta).
b) Thương nhân có thành tích xuất khẩu gạo từ 50.000 tấn gạo/năm đến 100.000 tấn gạo/năm: Quy mô vùng nguyên liệu năm đầu tiên là 800 ha (tám trăm héc-ta); từ năm thứ hai trở đi mỗi năm tăng thêm 500 ha (năm trăm héc-ta).
c) Thương nhân có thành tích xuất khẩu gạo từ trên 100.000 tấn gạo/năm đến 200.000 tấn gạo/năm: Quy mô vùng nguyên liệu năm đầu tiên là 1.200 ha (một nghìn hai trăm héc-ta); từ năm thứ hai trở đi mỗi năm tăng thêm 800 ha (tám trăm héc-ta).
d) Thương nhân có thành tích xuất khẩu gạo từ trên 200.000 tấn gạo/năm: Quy mô vùng nguyên liệu năm đầu tiên là 2.000 ha (hai nghìn héc-ta); từ năm thứ hai trở đi mỗi năm tăng thêm 1.500 ha (một nghìn năm trăm héc-ta).
đ) Đối với thương nhân mới tham gia kinh doanh xuất khẩu gạo, chưa có thành tích xuất khẩu thì thực hiện theo mức quy định tại Điểm a Khoản này.
Thành tích xuất khẩu gạo trong 3 năm đầu của thương nhân mới tham gia kinh doanh xuất khẩu gạo sẽ là cơ sở để Bộ Công Thương xem xét, xác định lại quy mô vùng nguyên liệu của thương nhân theo quy định tại Khoản này.
e) Quy mô ban đầu và lộ trình tăng dần quy mô vùng nguyên liệu của thương nhân giai đoạn 2015-2020 được xác định trên cơ sở mức bình quân thành tích xuất khẩu gạo của thương nhân trong 3 năm, từ năm 2011 đến năm 2013.
2. Quy mô vùng nguyên liệu tại Khoản 1 Điều này được xác định theo nguyên tắc và cách thức sau:
a) Trường hợp thương nhân vừa có vùng nguyên liệu thuộc quyền quản lý, sử dụng của mình, vừa có vùng nguyên liệu theo phương thức Cánh đồng lớn hoặc chỉ ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ thóc, gạo thì quy mô vùng nguyên liệu được xác định trên cơ sở tổng diện tích đất sản xuất lúa theo của tất cả các phương thức.
Ví dụ: Doanh nghiệp xuất khẩu A, vụ Đông Xuân năm 2014-2015 có vùng nguyên liệu thuộc quyền quản lý, sử dụng của mình là 100 ha, xây dựng Cánh đồng lớn 200 ha, ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ thóc, gạo 300 ha thì quy mô vùng nguyên liệu của doanh nghiệp A năm 2015 được xác định là 100 ha + 200 ha + 300 ha = 600 ha.
b) Trường hợp thương nhân vừa có vùng nguyên liệu theo phương thức Cánh đồng lớn vừa ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ thóc, gạo thì quy mô vùng nguyên liệu được xác định trên cơ sở tổng diện tích đất sản xuất lúa theo hợp đồng liên kết đã ký với hộ nông dân hoặc đại diện của nông dân trong một năm sản xuất.
Ví dụ 1: Doanh nghiệp xuất khẩu B, vụ Đông Xuân năm 2014-2015 xây dựng Cánh đồng lớn 500 ha, vụ Hè Thu năm 2015 ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ thóc, gạo 300 ha thì quy mô vùng nguyên liệu của doanh nghiệp B năm 2015 được xác định là 500 ha + 300 ha = 800 ha.
Ví dụ 2: Doanh nghiệp xuất khẩu C, vụ Đông Xuân năm 2014-2015 xây dựng Cánh đồng lớn tại tỉnh Kiên Giang là 300 ha, vụ Hè Thu năm 2015 ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ thóc, gạo 200 ha tại tỉnh An Giang thì quy mô vùng nguyên liệu của doanh nghiệp C năm 2015 được xác định là 300 ha + 200 ha = 500 ha.
c) Đối với vùng nguyên liệu thuộc quyền quản lý, sử dụng của thương nhân thì quy mô vùng nguyên liệu được xác định trên cơ sở tổng số diện tích sản xuất lúa thực tế trong tất cả các vụ sản xuất của năm đó.
Ví dụ: Doanh nghiệp xuất khẩu D có vùng nguyên liệu thuộc quyền quản lý, sử dụng của mình là 500 ha nhưng vụ Đông Xuân năm 2014-2015 thực tế sản xuất lúa là 300 ha, vụ Hè Thu năm 2015 sản xuất lúa là 400 ha thì quy mô vùng nguyên liệu của doanh nghiệp D năm 2015 được xác định là 300 ha + 400 ha = 700 ha.
3. Thương nhân có trách nhiệm xây dựng vùng nguyên liệu trong các vụ sản xuất chính trong năm, diện tích vùng nguyên liệu mỗi vụ không ít hơn 1/4 (một phần tư) tổng diện tích vùng nguyên liệu tối thiểu quy định tại Khoản 1 Điều này và tổng diện tích vùng nguyên liệu trong các vụ sản xuất trong năm phải bảo đảm không thấp hơn mức tối thiểu quy định tại Khoản 1 Điều này.
4. Căn cứ tình hình thực tiễn và kết quả triển khai thực hiện, Bộ Công Thương sẽ xem xét, điều chỉnh quy mô và lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu của thương nhân quy định tại Điều này.
5. Khuyến khích thương nhân đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu ổn định trong tất cả các vụ sản xuất chính trong năm và đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu lớn hơn mức tối thiểu quy định tại Điều này.
Điều 7. Chính sách đối với thương nhân xây dựng vùng nguyên liệu
1. Thương nhân xây dựng vùng nguyên liệu theo Lộ trình này được hưởng các chính sách quy định tại các văn bản sau:
a) Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các Nghị định này.
b) Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn liền với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện Quyết định này.
c) Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện Quyết định này.
d) Các văn bản pháp luật khác có liên quan.
2. Ngoài các chính sách quy định tại Khoản 1 Điều này, thương nhân xây dựng vùng nguyên liệu còn được xem xét hỗ trợ cụ thể như sau:
a) Được xem xét hỗ trợ thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu gạo.
b) Tham gia các Đoàn giao thương, xúc tiến thương mại về gạo trong nước và ngoài nước do Bộ Công Thương tổ chức.
c) Ưu tiên tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực kinh doanh thương mại cho thương nhân.
3. Thương nhân xây dựng vùng nguyên liệu được hỗ trợ chi phí tham gia bảo hiểm nông nghiệp theo chính sách hiện hành của Nhà nước.
4. Thương nhân được vay vốn, hỗ trợ lãi suất khi vay vốn để đầu tư ứng trước tiền mua thóc giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các khoản đầu tư khác phục vụ sản xuất lúa trong vùng nguyên liệu; mua và tạm trữ thóc, gạo hàng hóa thu hoạch từ vùng nguyên liệu theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan có thẩm quyền liên quan.
Điều 8. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan
1. Trách nhiệm của Bộ Công Thương
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan và Hiệp hội Lương thực Việt Nam chỉ đạo tổ chức triển khai, theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc triển khai thực hiện Lộ trình này; đánh giá, sơ kết, tổng kết việc triển khai thực hiện để có điều chỉnh cần thiết các quy định của Lộ trình này.
b) Chỉ đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác thông tin thị trường để hỗ trợ thương nhân trong việc đặt hàng sản xuất các giống lúa phù hợp với nhu cầu thị trường xuất khẩu.
c) Chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra Sở Công Thương trong công tác kiểm tra, xác nhận thực tế xây dựng vùng nguyên liệu và kết quả mua thóc, gạo từ vùng nguyên liệu của thương nhân.
2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo chính quyền địa phương các cấp và các cơ quan liên quan của tỉnh, thành phố thực hiện các nội dung sau:
a) Tăng cường tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của nông dân về liên kết xây dựng vùng nguyên liệu, tuân thủ quy trình sản xuất lúa và thực hiện cam kết trong hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo đã ký.
b) Nâng cao nhận thức và trách nhiệm để chủ động, tích cực hỗ trợ, đẩy mạnh liên kết xây dựng vùng nguyên liệu; phát huy vai trò trọng tài, hòa giải của chính quyền và các tổ chức đoàn thể của địa phương trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tranh chấp, bất đồng giữa các bên tham gia liên kết.
c) Hướng dẫn, hỗ trợ thương nhân trong quá trình xây dựng vùng nguyên liệu, nhất là trong việc thực hiện các thủ tục xây dựng Dự án, Phương án cánh đồng lớn hoặc ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ thóc, gạo với hộ nông dân hoặc đại diện của nông dân; thủ tục vay vốn sản xuất, kinh doanh; lập và triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng kho chứa, cơ sở sấy thóc; giao dịch ký kết, thực hiện hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ thóc, gạo.
d) Tăng cường công tác hòa giải, giải quyết tranh chấp, bất đồng phát sinh trong quá trình liên kết xây dựng vùng nguyên liệu; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng, giá cả giống lúa và các loại hàng hóa vật tư đầu vào phục vụ sản xuất lúa; có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi cản trở, gây khó khăn, bất lợi cho quá trình liên kết xây dựng vùng nguyên liệu.
đ) Chỉ đạo các cơ quan liên quan của tỉnh, thành phố trong việc tổ chức thẩm định, phê duyệt các dự án, phương án, kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu; kiểm tra, xác nhận kết quả xây dựng vùng nguyên liệu và mua thóc, gạo hàng hóa được sản xuất ra từ vùng nguyên liệu của thương nhân; căn cứ tình hình thực tiễn địa phương, xây dựng đơn giá, định mức đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu trên địa bàn; xác định giá cả thóc, gạo hàng hóa trên thị trường từng mùa vụ làm cơ sở cho các bên tham gia liên kết thỏa thuận và thực hiện.
e) Tổ chức hệ thống thương lái, hàng xáo và các tổ chức, thương nhân sản xuất, kinh doanh, cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, sấy thóc trên địa bàn để liên kết với thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phục vụ xây dựng vùng nguyên liệu.
3. Trách nhiệm của Sở Công Thương
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chính quyền địa phương các cấp theo dõi, đôn đốc các thương nhân trên địa bàn trong việc thực hiện Lộ trình này; kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm, báo cáo Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan để xem xét, xử lý.
b) Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra, thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, xác nhận kế hoạch và kết quả xây dựng vùng nguyên liệu và mua thóc, gạo từ vùng nguyên liệu của thương nhân theo hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ thóc, gạo đã ký trong từng vụ sản xuất.
c) Hỗ trợ thương nhân trong quá trình triển khai xây dựng vùng nguyên liệu trên địa bàn và thực hiện các trách nhiệm khác có liên quan được giao.
d) Hàng năm, chậm nhất trước ngày 15 tháng 12, tổng hợp, báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tình hình, kết quả xây dựng vùng nguyên liệu và mua thóc, gạo hàng hóa từ vùng nguyên liệu của toàn tỉnh, thành phố và của từng thương nhân có vùng nguyên liệu trên địa bàn; đánh giá thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị biện pháp xử lý (nếu có).
4. Trách nhiệm của Hiệp hội Lương thực Việt Nam
a) Theo dõi, đôn đốc các thương nhân là thành viên Hiệp hội Lương thực Việt Nam trong việc thực hiện Lộ trình này; kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm, báo cáo Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan để xem xét, xử lý.
b) Tăng cường theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường và tổ chức nghiên cứu, rà soát nhu cầu tiêu thụ thóc, gạo của thị trường trong nước và ngoài nước; xây dựng chiến lược phát triển thị trường và chiến lược phát triển ngành hàng gạo từng thời kỳ để cung cấp thông tin thị trường và định hướng cho thương nhân tổ chức sản xuất các giống lúa phù hợp nhu cầu thị trường trong vùng nguyên liệu.
5. Trách nhiệm của thương nhân
a) Thực hiện nghiêm túc trách nhiệm xây dựng vùng nguyên liệu theo Lộ trình này và hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ thóc, gạo đã ký.
b) Tổ chức mua, tiêu thụ thóc, gạo sản xuất ra từ vùng nguyên liệu cho nông dân theo hợp đồng đã ký.
c) Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ theo từng vụ sản xuất hoặc đột xuất theo yêu cầu với Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Công Thương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam về tình hình, kết quả triển khai xây dựng vùng nguyên liệu, tình hình thực hiện hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ thóc, gạo đã ký và kết quả mua thóc, gạo hàng hóa từ vùng nguyên liệu và các nội dung khác có liên quan.
Điều 9. Biện pháp bảo đảm thực hiện
Thương nhân, hộ nông dân trồng lúa, đại diện của nông dân tham gia liên kết vi phạm hợp đồng đã ký ngoài việc phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật hiện hành, còn bị thu hồi khoản hỗ trợ đã nhận, không được hỗ trợ trong năm tiếp theo và sẽ bị xem xét, áp dụng các biện pháp xử lý như sau:
1. Đối với thương nhân không thực hiện dự án, phương án, kế hoạch đã được phê duyệt, không thực hiện hợp đồng đã ký hoặc không tổ chức mua thóc, gạo hàng hóa được sản xuất ra từ vùng nguyên liệu theo hợp đồng đã ký:
a) Tùy từng trường hợp sẽ bị xem xét, xử lý vi phạm theo quy định tại Khoản 3, Khoản 4, Khoản 9 Điều 26 Nghị định số 109/2010/NĐ-CP và các quy định khác có liên quan của Nghị định số 109/2010/NĐ-CP.
b) Không được công nhận vùng nguyên liệu đối với phần diện tích không thực hiện phương án, kế hoạch đã được phê duyệt, không thực hiện hợp đồng đã ký hoặc không tổ chức mua thóc, gạo theo hợp đồng đã ký.
2. Đối với hộ nông dân trồng lúa, đại diện của nông dân không thực hiện đúng quy trình sản xuất, không bảo đảm chất lượng thóc, gạo hàng hóa hoặc tự phá vỡ hợp đồng, không bán thóc, gạo cho thương nhân hoặc không hoàn trả các khoản đầu tư ứng trước theo hợp đồng đã ký, thương nhân có văn bản thông báo danh sách có hành vi vi phạm cụ thể gửi Ủy ban nhân dân, Hội Nông dân, các tổ chức đoàn thể ở địa phương để xem xét, có biện pháp xử lý phù hợp.
Điều 10. Hiệu lực thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2015.
2. Riêng năm 2015, quy mô vùng nguyên liệu của thương nhân được tính bằng 1/2 (một phần hai) mức quy mô quy định cho năm đầu tiên quy định tại Khoản 1 Điều 6 Lộ trình. Từ năm 2016 trở đi, quy mô vùng nguyên liệu của thương nhân thực hiện theo đúng quy định Khoản 1 Điều 6 Lộ trình./.
Nơi nhận: - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ (để b/c); - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP; - UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Văn phòng Tổng Bí thư; - Văn phòng TW và các Ban của Đảng; - Văn phòng Quốc hội; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Kiểm toán Nhà nước; - Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; - Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia; - Sở Công Thương các tỉnh, tp trực thuộc TW; - Hiệp hội Lương thực Việt Nam; - Công báo; - Website Chính phủ; - Bộ Công Thương: Lãnh đạo Bộ; Văn phòng Bộ; các Vụ, Cục, Tổng cục trực thuộc Bộ; - Website Bộ Công Thương; - Lưu: VT, XNK (15). | KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Trần Tuấn Anh |