Quyết định 1774/QĐ-TTg 2018 Quy hoạch Khu du lịch quốc gia Lăng Cô - Cảnh Dương, tỉnh Thừa Thiên Huế
- Tóm tắt
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
thuộc tính Quyết định 1774/QĐ-TTg
Cơ quan ban hành: | Thủ tướng Chính phủ | Số công báo: Số công báo là mã số ấn phẩm được đăng chính thức trên ấn phẩm thông tin của Nhà nước. Mã số này do Chính phủ thống nhất quản lý. | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 1774/QĐ-TTg | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Quyết định | Người ký: | Vũ Đức Đam |
Ngày ban hành: Ngày ban hành là ngày, tháng, năm văn bản được thông qua hoặc ký ban hành. | 19/12/2018 | Ngày hết hiệu lực: Ngày hết hiệu lực là ngày, tháng, năm văn bản chính thức không còn hiệu lực (áp dụng). | Đang cập nhật |
Áp dụng: Ngày áp dụng là ngày, tháng, năm văn bản chính thức có hiệu lực (áp dụng). | Tình trạng hiệu lực: Cho biết trạng thái hiệu lực của văn bản đang tra cứu: Chưa áp dụng, Còn hiệu lực, Hết hiệu lực, Hết hiệu lực 1 phần; Đã sửa đổi, Đính chính hay Không còn phù hợp,... | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | Xây dựng, Văn hóa-Thể thao-Du lịch |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Phấn đấu đến năm 2025 thu 3.400 tỷ đồng từ khách du lịch Lăng Lô - Cảnh Dương
Ngày 19/12/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1774 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Lăng Cô – Cảnh Dương đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 doanh thu từ khách du lịch đến khu du lịch (KDL) này đạt khoảng 3.400 tỷ đồng, đến năm 2030 doanh thu này đạt khoảng 7.000 tỷ đồng.
Phấn đấu đến năm 2025 có trên 1,5 triệu lượt khách du lịch trong đó có khoảng 600 nghìn lượt là khách quốc tế; năm 2030 đón trên 2,5 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 950 nghìn lượt là khách quốc tế.
Nhu cầu buồng lưu trú phấn đấu đến năm 2025 là khoảng 7.000 buồng, năm 2030 là trên 10.000 buồng. Tạo việc làm cho 7.000 lao động vào năm 2025, trên 12.000 lao động vào năm 2030.
Ngoài ra, Quyết định còn quy định về định hướng phát triển chủ yếu của KDL về phát triển thị trường khách du lịch, phát triển sản phẩm du lịch, tổ chức không gian phát triển du lịch…
Quyết định có hiệu lực từ ngày 19/12/2018.
Xem chi tiết Quyết định 1774/QĐ-TTg tại đây
tải Quyết định 1774/QĐ-TTg
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ Số: 1774/QĐ-TTg | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 19 tháng 12 năm 2018 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KHU DU LỊCH QUỐC GIA LĂNG CÔ - CẢNH DƯƠNG, TỈNH THỪA THIÊN HUẾ ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
----
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật du lịch ngày 19 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;
Căn cứ Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 2161/QĐ-TTg ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia (sau đây viết tắt là Khu DLQG) Lăng Cô - Cảnh Dương, tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, với những nội dung chủ yếu sau:
1. Vị trí, ranh giới, quy mô Khu DLQG
a) Khu DLQG Lăng Cô - Cảnh Dương nằm trong Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, thuộc thị trấn Lăng Cô và xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế; có diện tích khoảng 9.490 ha, trong đó, diện tích vùng lõi tập trung phát triển du lịch là 1.350 ha.
b) Khu DLQG Lăng Cô - Cảnh Dương có ranh giới được xác định như sau: phía Bắc giáp xã Lộc Bình; phía Tây Bắc giáp với khu phi thuế quan thuộc Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô; phía Nam giáp đèo Hải Vân và phía Đông giáp biển Đông.
2. Quan điểm phát triển
a) Phát triển Khu DLQG Lăng Cô - Cảnh Dương trên cơ sở phát huy vị thế của Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, đầu mối du lịch biển từ cảng quốc tế Chân Mây, thế mạnh về tài nguyên du lịch biển, đảo, hệ sinh thái đầm phá độc đáo, núi rừng và thương hiệu “Vịnh Lăng Cô - thành viên câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất thế giới”.
b) Phát triển Khu DLQG Lăng Cô - Cảnh Dương xứng tầm một điểm đến mang tầm cỡ quốc tế với những sản phẩm du lịch nổi bật về nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, các sự kiện văn hóa - thể thao, cảng quốc tế, hình thành được thương hiệu Khu DLQG Lăng Cô - Cảnh Dương, nâng cao sức cạnh tranh, kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
c) Phát triển Khu DLQG Lăng Cô - Cảnh Dương trong không gian kết nối chặt chẽ với thành phố Festival Huế và các điểm du lịch trọng điểm khác trong tỉnh như vườn quốc gia Bạch Mã, Đầm Cầu Hai, Hải Vân quan; hình thành mối liên kết với các khu, điểm du lịch trọng điểm trong khu vực miền Trung như khu du lịch Cửa Tùng - Cửa Việt (Quảng Trị), Khu DLQG Sơn Trà, khu du lịch Bà Nà, Non Nước (Đà Nẵng).
d) Phát triển du lịch bền vững, kết hợp hài hòa với các mục tiêu phát triển kinh tế, an sinh xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường; bảo đảm phù hợp, thống nhất với các Chiến lược, Quy hoạch liên quan đã được các cấp phê duyệt.
3. Mục tiêu phát triển
a) Mục tiêu chung
Đến năm 2025, Khu du lịch Lăng Cô - Cảnh Dương trở thành điểm đến quan trọng hàng đầu của tỉnh Thừa Thiên Huế và khu vực miền Trung, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, môi trường đầu tư hấp dẫn thu hút được các dự án đầu tư phát triển du lịch, đáp ứng các tiêu chí và được công nhận là Khu DLQG.
Phấn đấu đến năm 2030, Khu du lịch Lăng Cô - Cảnh Dương trở thành điểm đến mang tầm cỡ quốc tế.
b) Mục tiêu cụ thể
- Chỉ tiêu về khách du lịch: Đến năm 2025, đón trên 1,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 600 nghìn lượt. Phấn đấu đến năm 2030, đón trên 2,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 950 nghìn lượt.
- Tổng thu từ khách du lịch: Đến năm 2025 đạt khoảng 3.400 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2030 đạt khoảng 7.000 tỷ đồng.
- Nhu cầu buồng lưu trú: đến năm 2025 nhu cầu lưu trú khoảng 7.000 buồng; đến năm 2030 nhu cầu lưu trú trên 10.000 buồng.
- Chỉ tiêu việc làm: Đến năm 2025 tạo việc làm cho 7.000 lao động trực tiếp. Phấn đấu đạt trên 12.000 lao động trực tiếp vào năm 2030.
4.Các định hướng phát triển chủ yếu
a) Về phát triển thị trường khách du lịch
- Giai đoạn đến 2025:
+ Thị trường khách du lịch quốc tế: Tiếp tục củng cố, duy trì các thị trường khách quốc tế truyền thống như Tây Âu (Pháp, Anh, Đức), Đông Bắc Á (Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan), Bắc Mỹ (Mỹ, Canada), Đông Nam Á (Malaysia, Singapore, Thái Lan, Myanmar); từng bước tiếp cận và khai thác hiệu quả thị trường khách du lịch cao cấp đến từ Trung Quốc.
+ Thị trường khách nội địa: Tiếp tục duy trì đón khách du lịch nội tỉnh và nội vùng, khách du lịch từ Thành phố Hồ Chí Minh, thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.
- Giai đoạn sau 2025:
Tiếp tục duy trì, đẩy mạnh khai thác các thị trường khách du lịch truyền thống, có mức tăng trưởng ổn định, tập trung vào các phân khúc thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao.
+ Đối với khách du lịch quốc tế, đẩy mạnh thu hút các phân khúc thị trường khách du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, khách du lịch sinh thái; từng bước tiếp cận thị trường khách du lịch Nhật Bản, Bắc Âu, Nga và Đông Âu.
+ Đối với thị trường khách nội địa, từng bước chuyển dịch cơ cấu khách, chú trọng vào phân khúc thị trường khách du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp, du lịch tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa và du lịch sinh thái chuyên đề biển, đảo.
b) Định hướng phát triển sản phẩm du lịch
- Sản phẩm du lịch chủ đạo:
+ Các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng: du lịch nghỉ dưỡng biển và đầm phá kết hợp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
+ Các sản phẩm du lịch sinh thái: du lịch sinh thái biển, đảo, du lịch sinh thái đầm phá và du lịch sinh thái rừng.
+ Các sản phẩm du lịch golf: thể thao golf gắn với các trung tâm huấn luyện golf và các giải thi đấu golf quốc gia, quốc tế.
+ Các sản phẩm du lịch thể thao, vui chơi giải trí công nghệ cao: Chú trọng các hoạt động thể thao nước và trên bãi biển, công viên chuyên đề, vui chơi giải trí có thưởng casino, đua ngựa.
- Phát triển các sản phẩm du lịch phụ trợ: Sản phẩm du lịch cộng đồng như tham quan kết hợp trải nghiệm tại các làng chài, làng nghề; sản phẩm du lịch văn hóa và du lịch sử kiện, hội nghị, hội thảo (MICE) như tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội truyền thống, thắng cảnh.
c) Tổ chức không gian phát triển du lịch
- Tập trung phát triển 08 phân khu du lịch chính:
+ Phân khu du lịch đầm Lập An, tại Đầm Lập An, thị trấn Lăng Cô (Phân khu A, diện tích khoảng 70 ha): Là trung tâm dịch vụ du lịch của Khu DLQG Lăng Cô - Cảnh Dương, ưu tiên phát triển trung tâm dịch vụ du lịch sinh thái, vui chơi giải trí, ẩm thực trên cơ sở khai thác lợi thế mặt nước của đầm Lập An.
+ Phân khu du lịch sinh thái núi Giòn và núi Phú gia, Xã Lộc Vĩnh và Lộc Tiến (Phân khu B, diện tích khoảng 50 ha): Là khu du lịch sinh thái, thể thao mạo hiểm, khu cảnh quan ven đồi. Tại đây, hạn chế xây dựng công trình kiên cố, quy mô lớn; chỉ xây dựng một số công trình quy mô nhỏ nhằm phục vụ phát triển du lịch sinh thái, thể thao mạo hiểm.
+ Phân khu du lịch biển Lăng Cô, dải ven biển Lăng Cô thuộc địa phận thị trấn Lăng Cô và một phần diện tích xã Lộc Vĩnh (Phân khu C, diện tích khoảng 540 ha): Là phân khu du lịch động lực của Khu DLQG; ưu tiên phát triển du lịch biển và du lịch cộng đồng gắn với tìm hiểu văn hóa và trải nghiệm cuộc sống của người dân khu vực thị trấn Lăng Cô.
+ Phân khu du lịch kết hợp nhà ở đô thị phía Tây đầm Lập An, nằm ở phía Nam đầm Lập An, khu vực Hói Mít, Hói Dừa (Phân khu D, diện tích khoảng 130 ha): Là khu du lịch dịch vụ kết hợp phát triển đô thị; ưu tiên chỉnh trang khu dân cư, phát triển hệ thống nhà hàng, khu mua sắm kết hợp với tham quan mô hình nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản để phát triển du lịch cộng đồng.
+ Phân khu du lịch biển cao cấp, tại Bãi Cả, bãi Chuối và đảo Sơn Chà, nằm phía Đông Nam thị trấn Lăng Cô (Phân khu E, diện tích khoảng 80 ha): Là khu du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp. Tại khu vực này, ưu tiên bảo tồn cảnh quan, mật độ xây dựng thấp, việc tiếp cận bằng đường thủy và đường bộ.
+ Phân khu du lịch Cù Dù - Cảnh Dương, xã Lộc Vĩnh (Phân khu F, diện tích khoảng 310 ha): Tập trung phát triển khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng biển, du lịch cộng đồng và khu dịch vụ hậu cần phục vụ du lịch du thuyền từ cảng Chân Mây.
+ Phân khu cảng Chân Mây, phía Đông xã Lộc Vĩnh (Phân khu G, diện tích khoảng 130 ha): Tập trung xây dựng cảng tổng hợp, cảng du lịch quốc tế đầu mối tiếp nhận và luân chuyển khách du lịch.
+ Phân khu bảo vệ cảnh quan Nam Hải Vân, phía Nam đèo Hải Vân (Phân khu H, diện tích khoảng 40ha): Là khu vực bảo vệ nghiêm ngặt về cảnh quan, các loài động thực vật của khu vực phía Nam đèo Hải Vân. Tổ chức các hoạt động trải nghiệm về sinh thái, du lịch mạo hiểm và tham quan thắng cảnh, di tích.
d) Phát triển các tuyến du lịch
- Tuyến du lịch quốc tế:
+ Theo đường hàng không: Kết nối các chuyến bay quốc tế qua sân bay Phú Bài (Huế) và Đà Nẵng kết nối với các thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế.
+ Theo đường biển: Kết nối các tuyến hàng hải quốc tế thông qua cảng du lịch Chân Mây.
+ Theo đường bộ: Kết nối với các thị trường quốc tế như Lào, Thái Lan thông qua tuyến quốc lộ 9, cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây.
- Tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng theo đường bộ:
+ Theo tuyến quốc lộ 1A kết nối Khu DLQG Lăng Cô - Cảnh Dương với các địa phương trong cả nước
+ Theo tuyến đường Hồ Chí Minh kết nối Khu DLQG Lăng Cô - Cảnh Dương với các địa danh Cẩm Thủy (Thanh Hóa), Thái Hòa, Tân Kỳ (Nghệ An), Hương Khê (Hà Tĩnh), Phúc Trạch (Quảng Bình), Khe Sanh (Quảng Trị), đi Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam
+ Tuyến đường di sản miền Trung: Kết nối Khu DLQG Lăng Cô - Cảnh Dương với các điểm di tích Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa), Kim Liên (Nghệ An), Phong Nha (Quảng Bình), cố đô Huế (Thừa Thiên - Huế), Hải Vân, Non Nước (Đà Nẵng), Hội An, Mỹ Sơn (Quảng Nam).
- Tuyến du lịch theo đường biển: Kết nối Cảng Chân Mây với các cảng du lịch lớn như Hải Phòng, Tiên Sa (Đà Nẵng), Vũng Rô (Phú Yên), Nha Trang (Khánh Hòa), Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu).
- Tuyến du lịch nội tỉnh kết nối Khu DLQG Lăng Cô - Cảnh Dương với các di tích, điểm du lịch trong tỉnh như cố đô Huế, Thuận An, Phá Tam Giang, Đầm Cầu Hai, vườn quốc gia Bạch Mã, đèo Hải Vân, A Lưới, Hồ Truồi.
- Tuyến du lịch nội khu: Tuyến thị trấn Phú Lộc - Lộc Trì - Lộc Thủy - Lộc Tiến - thị trấn Lăng Cô.
đ) Phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch
- Về cơ sở lưu trú du lịch: Phát triển đa dạng các loại hình lưu trú, chú trọng phát triển các loại hình lưu trú cao cấp tiêu chuẩn 4 - 5 sao; trong đó:
+ Khu nghỉ dưỡng cao cấp, biệt thự du lịch, khách sạn cao cấp gắn với chăm sóc sức khỏe và vui chơi giải trí cao cấp tập trung chủ yếu tại khu vực Cù Dù - Cảnh Dương, Lăng Cô, khu vực bãi Cả, bãi Chuối, đầm Lập An.
+ Khách sạn thấp tầng và các dịch vụ gắn với đô thị, bến du thuyền, các khu vui chơi giải trí đêm phát triển tại khu vực phía Nam đầm Lập An.
+ Khách sạn nghỉ dưỡng, công viên vui chơi giải trí, thể thao và các dịch vụ gắn với cảng du lịch tập trung phát triển tại khu vực ven biển Lăng Cô, khu vực cảng Chân Mây.
+ Phát triển bến du thuyền, nhà nghỉ nổi trên biển gắn với các hoạt động thể thao biển như lặn biển, ngắm san hô, lướt ván, chèo thuyền, vui chơi giải trí cao cấp phát triển tại khu vực đảo Sơn Chà.
+ Các dịch vụ homestay gắn với dịch vụ du lịch phát triển tập trung ở khu vực thị trấn Lăng Cô, khu dân cư Hói Mít, Hói Dừa.
- Cơ sở phục vụ ăn uống: Hệ thống nhà hàng nổi tại phân khu trung tâm du lịch đầm Lập An; khu ẩm thực cao cấp tại khu vực đảo Sơn Chà, bãi Chuối, khu vực Cù Dù - Cảnh Dương, Lăng Cô, đầm Lập An; Hệ thống các cơ sở dịch vụ ẩm thực theo mô hình nhà hàng, chợ văn hóa, du lịch phát triển ở khu vực trung tâm đón tiếp.
- Hệ thống cơ sở thể thao, vui chơi giải trí:
+ Phát triển hệ thống khu casino, sân golf tại khu vực Cù Dù, Lăng Cô.
+ Đầu tư xây dựng hệ thống các khu vui chơi, giải trí cao cấp tập trung chủ yếu tại khu vực đầm Lập An, thị trấn Lăng Cô.
+ Công viên chuyên đề, công viên vui chơi khám phá tập trung phát triển ở khu trung tâm thị trấn Lăng Cô, Cù Dù - Cảnh Dương, ven biển Lăng Cô, phía Nam đầm Lập An, bãi Cả, bãi Chuối.
+ Các khu cắm trại, dã ngoại ở các khu vực bãi Cảnh Dương, bãi Cả, trục trung tâm Khu du lịch Lăng Cô; cơ sở vui chơi giải trí nhỏ ở các khu trung tâm dịch vụ.
- Xây dựng các cơ sở thương mại dịch vụ tại các phân khu du lịch; các khu dịch vụ bán hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch tại khu trung tâm thị trấn; phố đi bộ, chợ đêm du lịch tại các tuyến đường ven biển, ven đầm Lập An và khu phố chế biến và mua bán hải sản.
e) Định hướng hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch
- Về giao thông đường bộ:
+ Nghiên cứu, đầu tư xây dựng tuyến đường trục chính kết nối hoàn chỉnh Khu DLQG Lăng Cô - Cảnh Dương với quốc lộ 1A; tuyến đường kết nối khu vực Cảnh Dương và thị trấn Lăng Cô, bao gồm tuyến đường ven biển Cảnh Dương và tuyến đường dưới chân đèo Phú Gia.
+ Đầu tư hoàn thiện hệ thống các tuyến đường nội bộ Khu DLQG: Tuyến đường nối quốc lộ 1A từ đèo Hải Vân đến Bãi Cả, Bãi Chuối; tuyến trục chính nối đường Tây đầm Lập An vào khu du lịch kết hợp nhà ở đô thị Hói Mít, Hói Dừa; trục chính Trung tâm Khu du lịch Lăng Cô; tuyến đường Tây đầm Lập An theo lộ giới quy hoạch.
+ Đề xuất mở các tuyến xe buýt từ thành phố Huế và Đà Nẵng kết nối đến Khu DLQG Lăng Cô - Cảnh Dương.
- Về giao thông đường sắt: Từng bước đầu tư, nâng cấp ga Lăng Cô đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và phục vụ khách tham quan du lịch.
- Về giao thông đường thủy: Nghiên cứu, đề xuất xây dựng bến du thuyền tại cảng tàu quốc tế Chân Mây; bến thuyền du lịch và dịch vụ giao thông du lịch thủy tại đảo Sơn Chà, bãi Chuối, bãi Cả.
5. Định hướng đầu tư
a) Huy động hiệu quả mọi nguồn lực để đầu tư phát triển Khu DLQG Lăng Cô - Cảnh Dương, bao gồm vốn: hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, ODA, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), huy động từ sự đóng góp của các tổ chức doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trong nước và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác; trong đó vốn huy động từ các thành phần kinh tế là chủ yếu.
b) Ưu tiên hỗ trợ đầu tư một phần từ ngân sách nhà nước cho phát triển kết cấu hạ tầng khung phục vụ du lịch trong phạm vi Khu DLQG và tại các phân khu chức năng; phát triển sản phẩm du lịch, xây dựng thương hiệu Khu DLQG Lăng Cô - Cảnh Dương; bảo vệ tài nguyên du lịch, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; bảo đảm sinh kế cho cộng đồng dân cư; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, bảo đảm an ninh an toàn cho khách du lịch.
c) Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư tại Phụ lục kèm theo.
6. Các giải pháp thực hiện quy hoạch
a) Giải pháp quy hoạch và quản lý quy hoạch
- Tổ chức công bố công khai quy hoạch và các dự án đầu tư trong khu DLQG Lăng Cô - Cảnh Dương sau khi được phê duyệt; lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu chức năng trong Khu DLQG Lăng Cô - Cảnh Dương.
- Thực hiện giám sát việc triển khai các các dự án đầu tư theo đúng quy hoạch; định kỳ kiểm tra, đánh giá việc thực hiện quy hoạch để kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện quy hoạch.
b) Giải pháp về cơ chế, chính sách và thu hút vốn đầu tư
- Nghiên cứu, đề xuất các chính sách ưu tiên phát triển du lịch tại Khu DLQG Lăng Cô - Cảnh Dương để cập nhật, bổ sung vào hệ thống cơ chế chính sách chung của Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các thủ tục hành chính liên quan theo hướng tạo thuận lợi và đơn giản trong việc đăng ký đầu tư.
- Có chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng như: giao thông, cấp điện, cấp nước, xử lý rác thải và vệ sinh môi trường, tôn tạo cảnh quan tự nhiên trong phạm vụ Khu du lịch quốc gia.
- Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân địa phương sang làm dịch vụ du lịch; hỗ trợ trực tiếp cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú tại nhà dân đạt chuẩn.
- Tranh thủ các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước để thực hiện dự án hạ tầng kỹ thuật khung, hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật về giao thông, cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc đến từng dự án. Chú trọng huy động nguồn vốn ODA và tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế cho các công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch.
- Tăng cường phối hợp, lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án của các ngành khác có liên quan để thúc đẩy phát triển du lịch như Các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường, về ứng phó với biến đổi khí hậu...
- Xây dựng, triển khai các chương trình kêu gọi đầu tư vào Khu DLQG Lăng Cô - Cảnh Dương. Khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đến đầu tư hoặc liên kết phân phối, giới thiệu sản phẩm phục vụ khách du lịch.
c) Giải pháp phát triển nguồn nhân lực
- Triển khai đào tạo nhân lực phục vụ cho Khu DLQG theo hình thức: Cơ quan quản lý nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp - Cộng đồng. Đa dạng hóa các hình thức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; khuyến khích đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực địa phương.
- Triển khai các chính sách thu hút nhân lực có trình độ chuyên môn, tay nghề cao; có chính sách thu hút nguồn nhân lực bên ngoài. Ưu tiên phát triển đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên, quản lý du lịch từ nguồn nhân lực địa phương; tăng cường công tác dạy nghề ngắn hạn nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng căn bản về du lịch cho lao động gián tiếp, người dân tham gia kinh doanh du lịch.
d) Giải pháp về ứng dụng khoa học và công nghệ
- Phối hợp với các ngành liên quan tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến trong đầu tư, phát triển du lịch, phát triển sản phẩm và xây dựng thương hiệu du lịch. Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu và thống kê du lịch, từng bước tiếp cận, áp dụng hệ thống tài khoản vệ tinh du lịch.
- Ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch thông minh; chú trọng các sản phẩm công nghệ như trợ lý du lịch ảo, trí tuệ nhân tạo, thực tế tăng cường (phòng chiếu 3D, 4D), bản đồ số du lịch để tăng giá trị và sức hấp dẫn của điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch; phát triển các ứng dụng trên điện thoại thông minh để hỗ trợ khách du lịch trước, trong và sau chuyến đi.
- Ứng dụng khoa học vào nghiên cứu, bảo vệ tài nguyên du lịch và môi trường: Sử dụng hình ảnh vệ tinh độ phân giải cao để theo dõi môi trường và những thay đổi trong sử dụng đất, nguồn nước và các hoạt động có nguy cơ tác động xấu đến tài nguyên và môi trường biển.
- Nghiên cứu ứng dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng, nước trong dịch vụ du lịch.
đ) Giải pháp về quảng bá, xúc tiến và xây dựng thương hiệu Khu du lịch
- Tăng cường các hoạt động xúc tiến du lịch và đầu tư theo hình thức farmtrip, hội chợ du lịch, qua các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter và thông qua các hãng lữ hành; xây dựng công cụ nhận dạng thương hiệu Khu DLQG và phát triển đa dạng các tài liệu, ấn phẩm quảng bá, bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.
- Xây dựng trang tin điện tử của Khu DLQG Lăng Công - Cảnh Dương trong Cổng thông tin điện tử chung của Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô để thường xuyên cập nhật tin tức, hoạt động, các dự án đầu tư.
- Đẩy mạnh liên kết, tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến để thu hút vốn đầu tư từ các tổ chức, cá nhân trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài; các nguồn vốn tài trợ, thúc đẩy phát triển mô hình liên doanh, liên kết phù hợp.
e) Giải pháp về phát triển thị trường và sản phẩm du lịch
- Kêu gọi các nhà đầu tư phát triển sản phẩm du lịch có tính cạnh tranh cao trên cơ sở khai thác tiềm năng du lịch nổi bật của khu du lịch, tạo dựng thương hiệu cho các sản phẩm du lịch.
- Phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, các điểm vui chơi giải trí, cơ sở lưu trú hướng tới các phân đoạn thị trường khác nhau. Đầu tư xây dựng các khu vui chơi giải trí phù hợp với tính chất hoạt động của từng phân khu chức năng.
- Phát triển du lịch cộng đồng gắn với các làng chài truyền thống đáp ứng nhu cầu khách du lịch có sở thích tìm hiểu và trải nghiệm đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân địa phương.
- Phát huy giá trị độc đáo của lễ hội “Lăng Cô - Huyền thoại biển”, giá trị của danh hiệu “Lăng Cô - thành viên câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất thế giới” và hình thành mối liên kết với các hoạt động của Festival di sản Huế để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, thu hút khách du lịch.
g) Giải pháp liên kết phát triển du lịch
- Xây dựng và tổ chức định kỳ hằng năm diễn đàn phát triển du lịch vịnh biển Lăng Cô và kết nối với các địa danh trong danh sách thành viên Câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất thế giới nhằm trao đổi kinh nghiệm trong quản lý và phát triển du lịch.
- Đẩy mạnh liên kết, phát triển du lịch với các địa phương trên “Con đường di sản miền Trung” từ Quảng Bình đến Quảng Nam; với các điểm du lịch biển khác trên toàn dải ven biển miền Trung như Thiên Cần (Hà Tĩnh), Nhật Lệ (Quảng Bình), Mỹ Khê, Non Nước (Đà Nẵng), Cửa Đại (Quảng Nam) để hình thành tuyến du lịch liên hoàn, đa dạng sản phẩm du lịch.
- Chú trọng liên kết với các Khu DLQG khác trong vùng như Sơn Trà (Đà Nẵng), Cù Lao Chàm (Quảng Nam) để hình thành tuyến du lịch liên hoàn.
- Liên kết với các vùng đầu mối phân phối khách du lịch của cả nước như Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Thành phố Hồ Chí Minh để tìm kiếm cơ hội hợp tác với các hãng lữ hành lớn trong việc khai thác và tổ chức các chương trình du lịch kết nối đến Khu DLQG Lăng Cô - Cảnh Dương.
h) Giải pháp bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu
- Xây dựng hệ thống cảnh báo thiên tai, quan trắc diễn biến xói lở bờ biển kết hợp kiểm soát an toàn thiên tai, phương án ứng phó thiên tai bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản đối với khu du lịch. Tổ chức thông tin, truyền thông và nâng cao năng lực về phòng chống thiên tai.
- Khoanh vùng bảo vệ cảnh quan nghiêm ngặt, không xây dựng các công trình dịch vụ trong các khu vực có rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, nghiêm cấm mọi hành vi vi phạm. Tại các khu vực có rừng tự nhiên, rừng phòng hộ chỉ kết hợp khai thác du lịch sinh thái và các loại hình du lịch thân thiện với môi trường dưới sự kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan chức năng.
- Duy trì và mở rộng diện tích trồng rừng phòng hộ ven biển, rừng ngập mặn nhằm hạn chế sự sói lở bờ biển do mực nước biển dâng, xâm nhập mặn... đồng thời hình thành các không gian cảnh quan khai thác phát triển du lịch.
- Công bố, phổ biến, giám sát chặt chẽ hoạt động của các dự án đầu tư phát triển du lịch bảo đảm tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, hành lang bảo vệ bờ biển và tài nguyên biển và pháp luật liên quan. Các hoạt động trong hành lang bảo vệ bờ biển phải bảo đảm tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
- Áp dụng và kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện các chỉ tiêu quy định về môi trường đối với du lịch và các hoạt động liên quan như vận chuyển khách du lịch trên vịnh, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ lưu trú du lịch. Nghiêm cấm việc xả nước thải, rác thải trực tiếp ra biển. Các hoạt động có khai thác, sử dụng mặt nước biển phải bảo đảm các quy định về bảo vệ môi trường biển.
- Nghiên cứu xây dựng chương trình cấp nhãn xanh cho các cơ sở lưu trú. Phát triển đồng bộ và sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn năng lượng, nghiên cứu ứng dụng công nghệ điện mặt trời trong các dự án du lịch. Đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng hiệu quả công nghệ phục vụ công tác thích ứng với biến đổi khí hậu tại khu DLQG Lăng Cô - Cảnh Dương.
- Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm của doanh nghiệp, cộng đồng dân cư về bảo vệ tài nguyên và môi trường rừng, biển đối với phát triển du lịch bền vững.
k) Giải pháp đảm bảo an ninh, quốc phòng
- Bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội gắn với an ninh, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo; tạo điều kiện tốt nhất cho du lịch phát triển. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng công an, quân đội trên địa bàn trong hoạt động thanh tra, kiểm tra trong quá trình triển khai các dự án du lịch.
- Tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân, khách du lịch nâng cao nhận thức về bảo vệ an ninh quốc gia, tự giác tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng nền quốc phòng toàn dân.
- Quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, kịp thời nắm bắt các vấn đề liên quan đến an ninh quốc phòng để có phương án xử lý trước các tình huống phát sinh.
l) Giải pháp bảo tồn di tích và văn hóa địa phương
- Nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa của việc bảo tồn và phát huy giá trị tài nguyên du lịch văn hóa thông qua các chương trình giáo dục tìm hiểu về cội nguồn, bảo vệ môi trường xanh, và các tuyên truyền mang tính xã hội sâu rộng. Khuyến khích cộng đồng địa phương tham gia vào công tác bảo vệ rừng, biển và các di tích lịch sử văn hóa.
- Quảng bá tuyên truyền về lễ hội dân gian; xây dựng kịch bản, phục dựng lễ hội truyền thống kết hợp khai thác các tour du lịch lễ hội.
- Bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch. Khuyến khích, tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất ở làng nghề hợp tác phát triển.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
a) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế, các bộ, ngành liên quan thẩm định các dự án đầu tư thuộc Quy hoạch Khu DLQG hoặc các dự án có ảnh hưởng, tác động lớn đến Khu DLQG Lăng Cô - Cảnh Dương.
Các dự án ưu tiên đầu tư ban hành kèm theo Quyết định này căn cứ vào quy mô, tính chất của từng dự án phải có ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo quy định của pháp luật.
b) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan hỗ trợ Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế thực hiện việc xã hội hóa đầu tư phát triển du lịch và kêu gọi vốn đầu tư phát triển du lịch tại Khu DLQG Lăng Cô - Cảnh Dương;
c) Chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Quy hoạch;
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
a) Phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp, cân đối kinh phí hỗ trợ một phần từ ngân sách nhà nước để thực hiện Quy hoạch theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản có liên quan.
b) Chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế cân đối, phân bổ vốn đầu tư cho các dự án biến đổi khí hậu hàng năm trong quá trình thực hiện quy hoạch.
3. Các bộ, ngành liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế, các cơ quan liên quan triển khai thực hiện quy hoạch.
4. Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế
a) Tổ chức công bố quy hoạch; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; kiểm tra, giám sát thường xuyên; tiến hành sơ kết việc thực hiện quy hoạch để kiến nghị cấp có thẩm quyền các nội dung cần điều chỉnh, bổ sung; bảo đảm việc tích hợp đồng bộ, thống nhất vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 được lập theo các quy định của pháp luật về quy hoạch.
b) Ban hành quy chế quản lý Khu DLQG Lăng Cô - Cảnh Dương, trong đó quy định rõ đối với đầu tư phát triển, các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, hoạt động của khách du lịch và cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ tài nguyên môi trường và đảm bảo quốc phòng an ninh.
c) Rà soát hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án phát triển Khu DLQG Lăng Cô - Cảnh Dương.
d) Chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức các hoạt động xúc tiến kêu gọi đầu tư vào Khu DLQG Lăng Cô - Cảnh Dương theo quy hoạch được duyệt.
Căn cứ vào tình hình thực tế triển khai, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thể thống nhất việc điều chỉnh tên, quyết định giảm bớt dự án.
đ) Chủ động bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương cho phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng đô thị và hạ tầng môi trường của khu du lịch; lồng ghép đầu tư du lịch với đầu tư cho các lĩnh vực khác; xúc tiến đầu tư kêu gọi đầu tư phát triển Khu du lịch.
e) Chỉ đạo quản lý, giám sát chặt chẽ việc bảo vệ tài nguyên, môi trường, đặc biệt đối với những khu vực cảnh quan tự nhiên, các đầm, sông hồ, di tích văn hóa, lịch sử để phát triển bền vững Khu DLQG Lăng Cô - Cảnh Dương.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Quy hoạch này thực hiện cho đến khi được tích hợp đồng bộ, thống nhất vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 được lập theo các quy định của pháp luật về quy hoạch.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế, các cơ quan và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |
PHỤ LỤC
DANH MỤC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN KHU DU LỊCH QUỐC GIA LĂNG CÔ - CẢNH DƯƠNG, TỈNH THỪA THIÊN - HUẾ ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo quyết định số 1774/QĐ-TTg, ngày 19/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ)
TT | Các dự án | Đến năm 2025 | 2026 - 2030 |
A | Nhóm dự án đầu tư vào các phân khu du lịch | ||
1 | Phân khu du lịch cao cấp | Hoàn thành giai đoạn 1 | Hoàn thành |
2 | Phân khu du lịch Cù Dù - Cảnh Dương | Hoàn thành giai đoạn 1 | Hoàn thành |
3 | Phân khu du lịch đầm Lập An | Hoàn thành giai đoạn 1 | Hoàn thành |
4 | Phân khu du lịch kết hợp nhà ở đô thị phía Tây đầm Lập An | Hoàn thành giai đoạn 1 | Hoàn thành |
5 | Phân khu cảng chân Mây | Hoàn thành giai đoạn 1 | Hoàn thành |
6 | Phân khu bảo vệ cảnh quan Nam Hải Vân | Hoàn thành giai đoạn 1 | Hoàn thành |
7 | Phân khu du lịch biển Lăng Cô | Hoàn thành giai đoạn 1 | Hoàn thành |
8 | Phân khu du lịch sinh thái núi Giòn và núi Phú Gia |
| Hoàn thành |
B | Nhóm dự án hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng | ||
1 | Dự án đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, hỗ trợ phát triển du lịch tại làng chài khu vực đầm Lập An, ven biển Lăng Cô,... | Hoàn thành giai đoạn 1 | Hoàn thành |
C | Nhóm dự án phát triển kết cấu hạ tầng khung | ||
1 | Các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống giao thông đối ngoại kết nối các phân khu chính của Khu DLQG Lăng Cô - Cảnh Dương với Quốc lộ 1A | Hoàn thành giai đoạn 1 | Hoàn thành |
2 | Các dự án đầu tư xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống giao thông nội bộ kết nối các phân khu chức năng du lịch và phát triển các tuyến du lịch nội bộ | Hoàn thành |
|
3 | Các dự án đầu tư xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối phục vụ du lịch: Bến thuyền du lịch, bến cảng du lịch Chân Mây,... | Hoàn thành giai đoạn 1 | Hoàn thành |
Ghi chú: Về vị trí, quy mô, diện tích đất sử dụng và tổng mức đầu tư của các dự án nêu trên sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư, tùy thuộc vào khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư cho từng thời kỳ./.