TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO -------
Số: 01/2016/TT-CA
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------------------------
Hà Nội, ngày 21 tháng 01 năm 2016
|
Căn cứ Luật tổ chức Tòa án nhân dân số 62/2014/QH13;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 17/2008/QH12;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Tòa án nhân dân tối cao,
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành Thông tư quy định việc tổ chức các Tòa chuyên trách tại Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương.
Điều 1. Quy định chung về việc tổ chức Tòa chuyên trách
1. Bảo đảm chuyên môn hóa việc giải quyết, xét xử của Tòa án theo từng lĩnh vực xét xử nhằm nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc, tạo điều kiện phân công, bố trí, sắp xếp, đào tạo, bồi dưỡng, kiện toàn đội ngũ Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án; trường hợp tại Tòa án không đủ điều kiện tổ chức Tòa chuyên trách thì phải bố trí Thẩm phán chuyên trách.
2. Thực hiện đúng quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân về tên gọi, cơ cấu của Tòa chuyên trách và quy định về chức năng, nhiệm vụ của Tòa chuyên trách tại Điều 3 Thông tư này.
3. Bảo đảm điều kiện, trình tự, thủ tục đề nghị việc tổ chức Tòa chuyên trách theo quy định tại Điều 2 và Điều 4 Thông tư này.
Điều 2. Điều kiện tổ chức Tòa chuyên trách
1. Việc tổ chức các Tòa chuyên trách tại Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương phải đáp ứng được các điều kiện sau:
a) Số lượng vụ việc mà Tòa án thụ lý, giải quyết thuộc thẩm quyền của Tòa chuyên trách theo quy định tại Điều 3 Thông tư này phải từ 50 vụ/năm trở lên.
b) Có biên chế Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án đáp ứng được yêu cầu tổ chức Tòa chuyên trách.
2. Trường hợp tại Tòa án không đáp ứng đủ điều kiện tổ chức Tòa chuyên trách quy định tại khoản 1 Điều này thì không tổ chức Tòa chuyên trách nhưng phải bố trí Thẩm phán chuyên trách để giải quyết.
Điều 3. Thẩm quyền của các Tòa chuyên trách
1. Tòa hình sự xét xử các vụ án hình sự, trừ các vụ án hình sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa gia đình và người chưa thành niên; xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân trong trường hợp tại Tòa án đó không tổ chức Tòa xử lý hành chính, trừ trường hợp việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa gia đình và người chưa thành niên.
2. Tòa dân sự giải quyết các vụ việc dân sự; giải quyết các vụ việc kinh doanh thương mại, phá sản, lao động, hành chính trong trường hợp tại Tòa án đó không tổ chức Tòa kinh tế, Tòa lao động, Tòa hành chính.
3. Tòa kinh tế giải quyết các vụ việc kinh doanh thương mại, phá sản.
4. Tòa hành chính giải quyết các vụ án hành chính.
5. Tòa lao động giải quyết các vụ việc lao động.
6. Tòa gia đình và người chưa thành niên giải quyết các vụ việc như sau:
a) Các vụ án hình sự mà bị cáo là người dưới 18 tuổi hoặc các vụ án hình sự mà bị cáo là người đã đủ 18 tuổi trở lên nhưng người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác;
b) Xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân đối với người chưa thành niên;
c) Các vụ việc hôn nhân gia đình theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
7. Tòa xử lý hành chính xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân, trừ những việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa gia đình và người chưa thành niên.
Điều 4. Trình tự, thủ tục tổ chức Tòa chuyên trách
1. Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào các điều kiện tổ chức Tòa chuyên trách, rà soát, đánh giá nhu cầu tổ chức Tòa chuyên trách tại Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ; rà soát về biên chế Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án hiện có; xây dựng hồ sơ đề nghị tổ chức Tòa chuyên trách tại Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.
2. Hồ sơ đề nghị tổ chức Tòa chuyên trách gồm có:
a) Đề án tổ chức Tòa chuyên trách tại Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương, trong đó nêu rõ sự cần thiết tổ chức Tòa chuyên trách, cơ sở của việc đề xuất, số lượng Tòa chuyên trách cần tổ chức, tên các Tòa chuyên trách, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, phương án tổ chức nhân sự và đề xuất về biên chế Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án của từng Tòa chuyên trách.
Đề án phải được Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xem xét, biểu quyết thông qua;
b) Văn bản đề nghị tổ chức Tòa chuyên trách tại Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương.
3. Hồ sơ đề nghị tổ chức Tòa chuyên trách được gửi cho Tòa án nhân dân tối cao (thông qua Vụ Tổ chức - Cán bộ).
4. Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Hồ sơ đề nghị tổ chức Tòa chuyên trách, Vụ Tổ chức - Cán bộ Tòa án nhân dân tối cao phải xem xét Hồ sơ đề nghị tổ chức Tòa chuyên trách; nếu Hồ sơ đáp ứng đủ điều kiện thì lập Tờ trình trình Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định việc tổ chức Tòa chuyên trách. Trường hợp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định không tổ chức Tòa chuyên trách tại Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương thì Vụ Tổ chức - Cán bộ thông báo bằng văn bản cho Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã trình Hồ sơ đề nghị tổ chức Tòa chuyên trách biết.
Điều 5. Tổ chức thực hiện quyết định tổ chức Tòa chuyên trách
1. Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định bổ nhiệm các chức danh Chánh tòa, Phó Chánh tòa tại Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ; phân công Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án công tác tại các Tòa chuyên trách thuộc Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
2. Chánh án Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương phân công Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Thẩm tra viên về thi hành án công tác tại các Tòa chuyên trách thuộc Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương.
3. Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lập báo cáo về việc tổ chức thực hiện quyết định tổ chức Tòa chuyên trách tại Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ gửi về Tòa án nhân dân tối cao (thông qua Vụ Tổ chức - Cán bộ) để theo dõi, quản lý.
Điều 6. Giải thể Tòa chuyên trách
1. Các Tòa chuyên trách không đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Điều 2 Thông tư này thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định giải thể.
2. Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm báo cáo và đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét giải thể các Tòa chuyên trách tại Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các Tòa chuyên trách tại Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.
3. Vụ Tổ chức - Cán bộ Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm kiểm tra, báo cáo với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét việc giải thể Tòa chuyên trách thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.
4. Chánh tòa, Phó Chánh tòa tại Tòa chuyên trách bị giải thể bị miễn nhiệm chức vụ Chánh tòa, Phó Chánh tòa nhưng có thể được bổ nhiệm giữ chức vụ khác tương đương hoặc được bảo lưu các chế độ theo quy định của pháp luật.
Điều 7. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 11 tháng 3 năm 2016.
Điều 8. Tổ chức thực hiện
1. Các Tòa chuyên trách tại Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được thành lập theo Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002 tiếp tục hoạt động cho đến khi có quyết định về việc tổ chức Tòa chuyên trách mới theo Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.
2. Trường hợp các luật tố tụng có quy định về thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên và các Tòa chuyên trách khác thì thực hiện thẩm quyền theo quy định của luật tố tụng.
3. Vụ Tổ chức - Cán bộ Tòa án nhân dân tối cao, các Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương có trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc cần phải giải thích hoặc hướng dẫn bổ sung thì đề nghị phản ánh cho Tòa án nhân dân tối cao để có sự giải thích hoặc hướng dẫn bổ sung kịp thời.
Nơi nhận: - Các TAND và TAQS các cấp; - Các đơn vị thuộc TANDTC (để báo cáo); - Ủy ban thường vụ Quốc hội (để báo cáo); - Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (để báo cáo); - Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (để báo cáo); - Ban chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương (để báo cáo); - Ban Nội chính trung ương (để báo cáo); - Văn phòng Chủ tịch nước (để báo cáo); - Văn phòng Chính phủ (để báo cáo); - Công báo 02 bản (để đăng Công báo); - Lưu: VT (TANDTC, Vụ PC&QLKH).
|
CHÁNH ÁN Trương Hòa Bình
|