Quyết định 1427/QĐ-TTg 2011 Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2011 - 2015
- Tóm tắt
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
thuộc tính Quyết định 1427/QĐ-TTg
Cơ quan ban hành: | Thủ tướng Chính phủ | Số công báo: Số công báo là mã số ấn phẩm được đăng chính thức trên ấn phẩm thông tin của Nhà nước. Mã số này do Chính phủ thống nhất quản lý. | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Số hiệu: | 1427/QĐ-TTg | Ngày đăng công báo: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày đăng công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Loại văn bản: | Quyết định | Người ký: | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày ban hành: Ngày ban hành là ngày, tháng, năm văn bản được thông qua hoặc ký ban hành. | 18/08/2011 | Ngày hết hiệu lực: Ngày hết hiệu lực là ngày, tháng, năm văn bản chính thức không còn hiệu lực (áp dụng). | Đang cập nhật |
Áp dụng: Ngày áp dụng là ngày, tháng, năm văn bản chính thức có hiệu lực (áp dụng). | Tình trạng hiệu lực: Cho biết trạng thái hiệu lực của văn bản đang tra cứu: Chưa áp dụng, Còn hiệu lực, Hết hiệu lực, Hết hiệu lực 1 phần; Đã sửa đổi, Đính chính hay Không còn phù hợp,... | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | Hình sự |
TÓM TẮT VĂN BẢN
5 mục tiêu của Chương trình phòng, chống tội phạm mua bán người
Ngày 18/08/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1427/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2011 - 2015, Chương trình này được hưởng cơ chế tài chính như đối với chương trình mục tiêu quốc gia.
Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2011 - 2015 được xác định là một trong các nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền nhằm đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Có 05 mục tiêu cụ thể của Chương trình là: Tăng cường giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và hành động cho mọi tầng lớp nhân dân về phòng, chống tội phạm mua bán người; nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố và xét xử vụ án mua bán người; nâng cao hiệu quả công tác xác minh, tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về phòng, chống mua bán người.
Từ nay đến năm 2015, Chương trình sẽ được triển khai thực hiện thông qua 05 Đề án là: Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng, chống tội phạm mua bán người trong toàn xã hội, cơ quan chủ trì là Bộ Thông tin và Truyền thông; nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người; tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về…
Dự kiến, tổng kinh phí chỉ có mục tiêu thực hiện Chương trình từ nguồn ngân sách Trung ương là 270 tỷ đồng, bao gồm vốn đầu tư phát triển là 74 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 196 tỷ đồng. Ngoài ra, ngân sách Nhà nước đảm bảo trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của các Bộ, ngành và được huy động từ nguồn ngân sách địa phương, viện trợ quốc tế và huy động nguồn hợp pháp khác.
Xem chi tiết Quyết định 1427/QĐ-TTg tại đây
tải Quyết định 1427/QĐ-TTg
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ Số: 1427/QĐ-TTg |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 18 tháng 08 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM MUA BÁN NGƯỜI
GIAI ĐOẠN 2011 – 2015
----------------------------
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội thông qua ngày 29 tháng 3 năm 2011;
Căn cứ Luật số 37/2009/QH12 ngày 19 tháng 6 năm 2009 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự năm 1999;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an,
QUYẾT ĐỊNH:
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: |
THỦ TƯỚNG |
CHƯƠNG TRÌNH
HÀNH ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM MUA BÁN NGƯỜI GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1427/QĐ-TTg ngày 18 tháng 8 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ)
Phần 1.
QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH
I. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO
1. Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2011 - 2015 được xác định là một trong các nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền nhằm đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
2. Các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến cơ sở phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên cần tập trung chỉ đạo thực hiện, lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội và tăng cường hợp tác quốc tế trong thực hiện Chương trình này.
3. Lấy phòng ngừa là chính, tạo ra những bước đột phá nhằm ngăn chặn, giảm cơ bản tình trạng mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.
II. MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH
1. Mục tiêu tổng quát
Tạo sự chuyển biến cơ bản về nhận thức và hành động trong toàn xã hội về phòng, chống tội phạm mua bán người nhằm giảm các nguy cơ, tội phạm liên quan đến mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Mục tiêu 1: Tăng cường giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và hành động cho mọi tầng lớp nhân dân về phòng, chống tội phạm mua bán người, để mỗi người thấy được quyền lợi, nghĩa vụ, chủ động phòng ngừa và tích cực tham gia công tác này.
b) Mục tiêu 2: Nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố và xét xử vụ án mua bán người.
c) Mục tiêu 3: Nâng cao hiệu quả công tác xác minh, tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.
d) Mục tiêu 4: Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về phòng, chống mua bán người.
đ) Mục tiêu 5: Nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người.
Phần 2.
ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
I. ĐỐI TƯỢNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH
Mọi công dân có quốc tịch Việt Nam, người nước ngoài cư trú tại Việt Nam.
II. PHẠM VI CỦA CHƯƠNG TRÌNH
Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước, ưu tiên nguồn lực tập trung tại các tuyến, địa bàn trọng điểm, các thành phố lớn, các tỉnh giáp biên giới Trung Quốc, Campuchia và Lào.
III. THỜI GIAN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
Từ năm 2011 đến năm 2015.
Phần 3.
CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác phòng, chống tội phạm mua bán người. Nâng cao năng lực quản lý của nhà nước, hoàn thiện hệ thống, chính sách pháp luật về phòng, chống tội phạm mua bán người.
2. Đa dạng hóa việc huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính để thực hiện Chương trình; đầu tư phát triển nguồn nhân lực, đào tạo cán bộ thực hiện các hoạt động trong Chương trình có năng lực phù hợp để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao.
3. Tăng cường phối hợp liên ngành trong thực hiện Chương trình và các đề án, tiểu đề án cụ thể. Huy động sự tham gia của các ban, ngành và các tổ chức xã hội nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp, nhất quán, đồng bộ trong việc phòng, chống tội phạm mua bán người.
4. Tăng cường hợp tác quốc tế, huy động sự hỗ trợ về tài chính, tư vấn chuyên môn, kỹ thuật trong phòng, chống tội phạm mua bán người, ưu tiên ký kết và kiểm tra các hiệp định, thỏa thuận hợp tác song phương và đa phương với các nước, các tổ chức quốc tế, nhất là các nước có chung đường biên giới, các nước trong khu vực và các nước có đông người Việt Nam bị mua bán.
5. Thực hiện công tác giám sát và đánh giá theo từng đề án và toàn bộ Chương trình. Xây dựng cơ chế và hệ thống giám sát, đánh giá với các chỉ tiêu, chỉ số phù hợp; các biểu mẫu thu thập thông tin đơn giản, thuận tiện; các quy định hướng dẫn về cách thức thu thập, lưu trữ và báo cáo thông tin.
Phần 4.
CÁC ĐỀ ÁN CỦA CHƯƠNG TRÌNH
I. ĐỀ ÁN 1: “Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng, chống tội phạm mua bán người trong toàn xã hội”.
1. Cơ quan chủ trì: Bộ Thông tin và Truyền thông
2. Chỉ tiêu cụ thể
a) Chỉ tiêu 1: Đến năm 2013 đạt 85% và năm 2015 đạt 100% các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tội phạm mua bán người được chuyển tải thành tài liệu tuyên truyền tới xã, phường, thị trấn (viết tắt là cấp xã).
b) Chỉ tiêu 2: Đến năm 2013 đạt 75% và năm 2015 đạt 100% cán bộ cấp xã chuyên trách có kiến thức chỉ đạo, hướng dẫn về chính sách pháp luật phòng, chống tội phạm mua bán người.
c) Chỉ tiêu 3: Đến năm 2013, 100% cấp tỉnh có ít nhất 10 báo cáo viên, cấp huyện có ít nhất 05 báo cáo viên, cấp xã có ít nhất 10 tuyên truyền viên.
d) Chỉ tiêu 4: Đến năm 2013 đạt 70% và năm 2015 đạt 85% người dân hiểu biết về phương thức, thủ đoạn, hậu quả và cách thức phòng, chống tội phạm mua bán người cũng như chính sách pháp luật có liên quan.
đ) Chỉ tiêu 5: 100% phóng viên các cơ quan truyền thông đại chúng từ Trung ương đến địa phương theo dõi mảng nội chính có kiến thức, kỹ năng viết và đưa tin về phòng, chống mua bán người.
e) Chỉ tiêu 6: Hàng năm, tỷ lệ số vụ người dân trình báo với cơ quan Công an, Ủy ban nhân dân cấp xã, hoặc bất kỳ cơ quan, tổ chức nào về các trường hợp có dấu hiệu phạm tội mua bán người tăng ít nhất 10% so với năm trước.
3. Các tiểu đề án
a) Tiểu Đề án 1: “Tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng, chống tội phạm mua bán người thông qua các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương”.
- Nội dung:
+ Kịp thời tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tội phạm mua bán người; tình hình, thủ đoạn và hậu quả tác hại của tội phạm mua bán người; các biện pháp phòng ngừa; kết quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người; các gương điển hình tiên tiến, mô hình hiệu quả, kinh nghiệm hay về phòng, chống mua bán người;
+ Các cơ quan thông tin đại chúng như: Đài truyền thanh, đài truyền hình, báo chí, trang website, cổng thông tin điện tử, mạng điện thoại di động, các điểm bưu điện văn hóa cấp xã xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về công tác phòng, chống tội phạm mua bán người;
+ Các cơ quan quản lý văn hóa, du lịch, hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở thông qua các hoạt động văn hóa, du lịch, kinh doanh, dịch vụ tuyên truyền về phòng, chống mua bán người.
- Cơ quan chủ trì: Bộ Thông tin và Truyền thông.
- Cơ quan phối hợp: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan báo chí và các ban, bộ, ngành, tổ chức khác có liên quan.
- Kinh phí thực hiện: Được bố trí có mục tiêu từ ngân sách nhà nước đảm bảo 15 tỷ đồng, trong đó, cấp cho các Bộ, ngành Trung ương 4 tỷ đồng và hỗ trợ địa phương 11 tỷ đồng.
b) Tiểu Đề án 2: “Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng, chống tội phạm mua bán người qua các hoạt động tuyên truyền tại cộng đồng”.
- Nội dung thực hiện:
+ Xây dựng tài liệu truyền thông chung về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tội phạm mua bán người; phương thức, thủ đoạn và hậu quả tác hại của tội phạm mua bán người; các biện pháp phòng ngừa; kỹ năng ứng xử trong trường hợp có dấu hiệu về việc mua bán người dưới nhiều hình thức như băng rôn, khẩu hiệu, tờ gấp, tranh cổ động, sổ tay, sách hỏi đáp …;
+ Xây dựng, củng cố và mở rộng mạng lưới báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên về phòng, chống tội phạm mua bán người;
+ Tổ chức các hoạt động tuyên truyền dưới nhiều hình thức như gặp gỡ, nói chuyện trực tiếp, cung cấp tài liệu; thông qua hoạt động tại các cơ sở giáo dục; hoạt động văn hóa, du lịch, sinh hoạt cộng đồng và các loại hình khác;
+ Phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người;
+ Xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình phòng ngừa tại các địa bàn trọng điểm về mua bán người;
+ Tổ chức các chiến dịch truyền thông tại cộng đồng; các chiến dịch truyền thông, trao đổi thông tin, kinh nghiệm với các nước trong khu vực, đặc biệt là các nước có chung đường biên giới.
- Cơ quan chủ trì: Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
- Cơ quan phối hợp: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên và các ban, bộ, ngành, tổ chức khác có liên quan.
- Kinh phí thực hiện: Được bố trí có mục tiêu từ ngân sách nhà nước đảm bảo 40 tỷ đồng, trong đó, cấp cho các Bộ, ngành Trung ương 6 tỷ đồng và hỗ trợ địa phương 34 tỷ đồng.
II. ĐỀ ÁN 2: “Nâng cao hiệu quả đấu tranh chống tội phạm mua bán người”.
1. Cơ quan chủ trì: Bộ Công an
2. Các chỉ tiêu cụ thể
a) Chỉ tiêu 1: 100% các tuyến, địa bàn trọng điểm về mua bán người được áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn.
b) Chỉ tiêu 2: Hàng năm, 100% thông tin liên quan đến tội phạm mua bán người chuyển đến cơ quan có thẩm quyền được phân loại và 100% trường hợp có dấu hiệu tội phạm được xác minh làm rõ theo luật định.
c) Chỉ tiêu 3: Hàng năm, tỷ lệ phát hiện, điều tra, truy tố các vụ án mua bán người tăng ít nhất 2%.
d) Chỉ tiêu 4: Hàng năm, tỷ lệ xét xử vụ án mua bán người đạt 95% trên tổng số vụ án phải đưa ra xét xử.
đ) Chỉ tiêu 5: Hàng năm, 100% bản án tuyên phạt tội phạm mua bán người có hiệu lực đảm bảo nghiêm minh và không oan sai.
3. Các Tiểu đề án
a) Tiểu đề án 1: “Nâng cao hiệu quả đấu tranh chống tội phạm mua bán người khu vực nội địa”.
- Nội dung thực hiện:
+ Xác lập, đấu tranh chuyên án, vụ án, triệt phá các tổ chức phạm tội mua bán người, tổ chức giải cứu nạn nhân, truy bắt đối tượng phạm tội ….;
+ Tổ chức điều tra và thực hiện các biện pháp bảo vệ nạn nhân trong vụ án mua bán người;
+ Mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người, trọng tâm trên các tuyến biên giới;
+ Giáo dục người phạm tội và người liên quan đến tội phạm mua bán người;
+ Bố trí lực lượng, phương tiện đảm bảo thực hiện công tác phòng, chống tội phạm mua bán người trong lực lượng Công an;
+ Tiến hành nắm tình hình, điều tra cơ bản, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm liên quan đến mua bán người;
+ Tổ chức xác minh các nguồn tin báo, tố giác về hành vi mua bán người;
+ Xây dựng chương trình đào tạo về phòng, chống tội phạm mua bán người để giảng dạy trong các trường Công an nhân dân và Bộ đội Biên phòng.
- Cơ quan chủ trì: Bộ Công an.
- Cơ quan phối hợp: Bộ Quốc phòng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp.
- Kinh phí thực hiện: Các hoạt động tại dấu (+) từ 1 đến 5 được bố trí có mục tiêu từ ngân sách nhà nước đảm bảo 100 tỷ đồng, trong đó, cấp các Bộ, ngành Trung ương 25 tỷ đồng và hỗ trợ địa phương 75 tỷ đồng. Các hoạt động còn lại được ngân sách nhà nước đảm bảo trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của các Bộ, ngành và địa phương.
b) Tiểu đề án 2: “Nâng cao hiệu quả đấu tranh chống tội phạm mua bán người khu vực biên giới, biển và hải đảo”
- Nội dung thực hiện:
+ Xác lập, đấu tranh chuyên án triệt phá các tổ chức phạm tội mua bán người, tổ chức giải cứu nạn nhân, truy bắt đối tượng phạm tội … tại khu vực biên giới, biển và hải đảo;
+ Phối hợp với lực lượng Công an mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người;
+ Giáo dục người phạm tội và người liên quan đến tội phạm mua bán người tại khu vực biên giới, biển và hải đảo;
+ Bố trí lực lượng, phương tiện đảm bảo thực hiện công tác phòng, chống tội phạm mua bán người trong lực lượng Bộ đội Biên phòng;
+ Tiến hành thu thập tài liệu chứng cứ, khởi tố vụ án, khởi tố bị can về hành vi mua bán người và thực hiện các biện pháp bảo vệ nạn nhân theo quy định của pháp luật;
+ Tổ chức nắm tình hình, điều tra cơ bản, tuần tra kiểm soát, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm liên quan đến mua bán người tại khu vực biên giới, biển và hải đảo;
+ Tổ chức xác minh các nguồn tin báo, tố giác về hành vi mua bán người tại khu vực biên giới, biển và hải đảo.
- Cơ quan chủ trì: Bộ Quốc phòng (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng).
- Cơ quan phối hợp: Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Ngoại giao.
- Kinh phí thực hiện: Các hoạt động tại dấu (+) từ 1 đến 5 được bố trí có mục tiêu từ ngân sách nhà nước đảm bảo 30 tỷ đồng, trong đó, cấp cho các Bộ, ngành Trung ương 10 tỷ đồng và hỗ trợ địa phương 20 tỷ đồng. Các hoạt động còn lại được ngân sách nhà nước đảm bảo trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của các Bộ, ngành và địa phương.
c) Tiểu đề án 3: “Nâng cao hiệu quả công tác truy tố và xét xử tội phạm mua bán người”
- Nội dung thực hiện:
+ Thực hiện biện pháp bảo vệ nạn nhân trong quá trình truy tố, xét xử các vụ án mua bán người;
+ Tổ chức hoạt động xét xử lưu động, án điểm các vụ án mua bán người;
+ Tổ chức hoạt động thực hành quyền công bố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án mua bán người;
+ Thực hiện xét xử các vụ án buôn người;
+ Thực hiện công tác thống kê số liệu tội phạm mua bán người.
- Cơ quan chủ trì: Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
- Cơ quan phối hợp: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Tòa án nhân dân tối cao.
- Kinh phí thực hiện: Các hoạt động tại dấu (+) từ 1 đến 2 được bố trí có mục tiêu từ ngân sách nhà nước đảm bảo 5 tỷ đồng, trong đó, cấp cho các Bộ, ngành Trung ương 2 tỷ đồng và hỗ trợ địa phương 3 tỷ đồng. Các hoạt động còn lại được ngân sách nhà nước đảm bảo trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của các Bộ, ngành và địa phương.
III. ĐỀ ÁN 3: “Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về”.
1. Cơ quan chủ trì: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
2. Các chỉ tiêu cụ thể
a) Chỉ tiêu 1: 100% các trường hợp đã tiếp nhận phải được tiến hành các thủ tục để xác minh, xác định nạn nhân theo quy định của pháp luật.
b) Chỉ tiêu 2: 100% các trường hợp sau khi xác định là nạn nhân được hỗ trợ chế độ theo quy định.
c) Chỉ tiêu 3: 100% nạn nhân có nhu cầu được cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí của nhà nước.
d) Chỉ tiêu 4: Đến năm 2015, các tỉnh, thành phố trọng điểm đảm bảo cơ sở vật chất cho việc tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân theo quy định của pháp luật.
3. Các Tiểu Đề án
a) Tiểu Đề án 1: “Tiếp nhận, xác minh và bảo vệ nạn nhân”
- Nội dung thực hiện:
+ Tổ chức tiếp nhận, xác minh nhân thân, thu thập tài liệu, chứng cứ xác định, cấp giấy chứng nhận; đảm bảo cơ sở vật chất để tiếp nhận và thực hiện chế độ hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân theo quy định của pháp luật;
+ Thực hiện các biện pháp bảo vệ bí mật thông tin theo nguyện vọng của nạn nhân và áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong trường hợp nạn nhân bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại theo quy định của pháp luật;
+ Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn trình tự, thủ tục, thẩm quyền tiếp nhận, xác minh, xác định và bảo vệ nạn nhân.
- Cơ quan chủ trì: Bộ Công an.
- Cơ quan phối hợp: Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các bộ, ngành có liên quan.
- Kinh phí thực hiện: Các hoạt động tại dấu (+) 1 và 2 được bố trí có mục tiêu từ ngân sách nhà nước đảm bảo 16 tỷ đồng, trong đó, cấp cho các Bộ, ngành Trung ương 4 tỷ đồng và hỗ trợ địa phương 12 tỷ đồng. Hoạt động còn lại được ngân sách nhà nước đảm bảo trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của các Bộ, ngành và địa phương.
b) Tiểu Đề án 2: “Hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về”
- Nội dung thực hiện:
+ Đảm bảo cơ sở vật chất và thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân theo quy định của pháp luật;
+ Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan chỉ đạo việc hỗ trợ y tế, hỗ trợ học văn hóa, học nghề và trợ giúp pháp lý miễn phí nhằm đảm bảo cho nạn nhân theo quy định của pháp luật;
+ Xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về chế độ, chính sách hỗ trợ nạn nhân và quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở bảo trợ xã hội.
- Cơ quan chủ trì: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Cơ quan phối hợp: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các bộ, ngành, tổ chức có liên quan.
- Kinh phí thực hiện: Các hoạt động tại dấu (+) 1 và 2 được bố trí có mục tiêu từ ngân sách nhà nước đảm bảo 64 tỷ đồng, trong đó, cấp cho các Bộ, ngành Trung ương 6 tỷ đồng và hỗ trợ địa phương 58 tỷ đồng. Hoạt động còn lại được ngân sách nhà nước đảm bảo trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của các Bộ, ngành và địa phương.
IV. ĐỀ ÁN 4: “Xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật về phòng, chống mua bán người”.
1. Cơ quan chủ trì: Bộ Công an
Cơ quan phối hợp: Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và các bộ, ngành khác có liên quan.
2. Các chỉ tiêu cụ thể
a) Chỉ tiêu 1: 100% các văn bản hướng dẫn phải được ban hành và thực hiện sau khi Luật Phòng, chống mua bán người có hiệu lực thi hành.
c) Chỉ tiêu 2: Đến năm 2012 hoàn thành hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người; rà soát, kiến nghị đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
c) Chỉ tiêu 3: 100% các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người đã ban hành được theo dõi và đánh giá hiệu quả thi hành.
d) Chỉ tiêu 4: Hoàn thiện các thủ tục trình cấp có thẩm quyền phê chuẩn và tổ chức triển khai thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị tội phạm mua bán người bổ sung cho Công ước.
3. Nội dung thực hiện
- Xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống mua bán người trình cấp có thẩm quyền ban hành theo quy định của pháp luật.
- Sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người.
- Hệ thống hóa, kiểm tra, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người.
- Nghiên cứu, báo cáo Chính phủ trình Chủ tịch nước phê chuẩn và tổ chức triển khai thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị tội phạm mua bán người bổ sung cho Công ước.
- Theo dõi thi hành pháp luật về phòng, chống mua bán người.
4. Kinh phí thực hiện: Ngân sách nhà nước đảm bảo trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của các Bộ, ngành và địa phương.
V. ĐỀ ÁN 5: “Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người”
1. Cơ quan chủ trì: Bộ Công an.
Cơ quan phối hợp: Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và các bộ, ngành, tổ chức xã hội có liên quan.
2. Các chỉ tiêu cụ thể
a) Chỉ tiêu 1: 100% các điều ước quốc tế liên quan đến phòng, chống mua bán người mà Việt Nam là thành viên được tổ chức triển khai thực hiện và có cơ chế theo dõi giám sát.
b) Chỉ tiêu 2: Hàng năm, tăng ít nhất 5% tỷ lệ phối hợp giải quyết các vụ việc mua bán người với các nước, các tổ chức quốc tế theo quy định của pháp luật.
c) Chỉ tiêu 3: 100% các dự án hợp tác quốc tế tài trợ hoặc hỗ trợ đảm bảo thực hiện đúng mục đích, yêu cầu và kế hoạch đề ra.
d) Chỉ tiêu 4: Đến năm 2013 xây dựng, đàm phán và ký kết hiệp định hợp tác song phương về phòng, chống tội phạm mua bán người ít nhất với 02 nước và đến năm 2015 với 05 nước.
3. Nội dung thực hiện
- Theo dõi, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện các Điều ước quốc tế về phòng, chống tội phạm mua bán người mà Việt Nam là thành viên.
- Tham gia đầy đủ và có hiệu quả các hoạt động hợp tác quốc tế của khu vực và thế giới về phòng, chống mua bán người.
- Xây dựng, củng cố và phát huy hiệu quả cơ chế phối hợp trong phòng, chống mua bán người với các nước, các tổ chức quốc tế, nhất là các nước trong khu vực, các nước Tiểu vùng sông Mê Kông.
- Tăng cường công tác thông tin đối ngoại như: Xây dựng trang web, biên soạn sách và xây dựng phim tài liệu bằng tiếng Anh.
- Trao đổi thông tin, giải quyết vụ việc mua bán người, giải cứu và hồi hương nạn nhân, chia sẻ kinh nghiệm và đào tạo nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm mua bán người.
- Thu hút sự giúp đỡ về tài chính và kỹ thuật của cộng đồng quốc tế cho công tác phòng, chống mua bán người.
- Chủ trì thực hiện các dự án hợp tác của Bộ Công an với các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ và cá nhân nước ngoài về phòng, chống tội phạm mua bán người phù hợp với các quy định của pháp luật.
- Giúp Chính phủ theo dõi, đôn đốc, tổng hợp việc thực hiện các dự án hợp tác quốc tế khác về phòng, chống tội phạm mua bán người do các bộ, ngành và địa phương thực hiện.
- Nghiên cứu, đề xuất Chính phủ xây dựng các Hiệp định hợp tác song phương, đa phương, ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế có liên quan đến phòng, chống tội phạm mua bán người.
4. Kinh phí thực hiện: Ngân sách nhà nước đảm bảo trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của các Bộ, ngành và địa phương.
Phần 5.
KINH PHÍ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
1. Tổng kinh phí chi có mục tiêu thực hiện Chương trình từ nguồn ngân sách trung ương 270 tỷ đồng (trung bình mỗi năm 54 tỷ đồng), bao gồm vốn đầu tư phát triển là 74 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 196 tỷ đồng.
Ngoài ra, ngân sách nhà nước đảm bảo trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của các Bộ, ngành và được huy động từ nguồn ngân sách địa phương, viện trợ quốc tế và huy động nguồn hợp pháp khác.
2. Cơ chế quản lý, sử dụng kinh phí Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người được thực hiện theo cơ chế tài chính chương trình mục tiêu quốc gia ban hành theo Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 04 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ.
Phần 6.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
I. CƠ CHẾ ĐIỀU HÀNH, PHỐI HỢP
1. Kiện toàn Ban Chỉ đạo 130/CP do Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban và bổ sung một số bộ, ngành có liên quan.
2. Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo thay thế Quyết định số 210/QĐ-TTg ngày 14 tháng 12 năm 2004.
II. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM
1. Bộ Công an là cơ quan chủ trì, tham mưu giúp Chính phủ quản lý, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai thực hiện Chương trình này.
- Chủ trì Đề án 2, Đề án 4, Đề án 5; xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện Tiểu đề án 1 thuộc Đề án 2, Tiểu Đề án 1 thuộc Đề án 3.
- Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xây dựng và triển khai thực hiện các Đề án, Tiểu đề án còn lại.
- Phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành có liên quan thẩm định các đề án trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Bộ Quốc phòng (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) chủ trì xây dựng và tổ chức thực hiện Tiểu đề án 2 thuộc Đề án 2. Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tham gia xây dựng Tiểu đề án 1 thuộc Đề án 3, chủ trì phối hợp tổ chức các hoạt động tiếp nhận, hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài trở về ở khu vực biên giới theo quy định của pháp luật. Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân ở khu vực biên giới, biển và hải đảo tham gia phòng, chống tội phạm mua bán người. Phối hợp với Bộ Công an thực hiện Đề án 5.
3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì Đề án 3; phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành có liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện Tiểu đề án 2 thuộc Đề án 3. Chỉ đạo việc lồng ghép nội dung phòng, chống mua bán người vào các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và quản lý, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra công tác giới thiệu việc làm, đưa người Việt Nam đi lao động tại nước ngoài … nhằm phòng, chống việc lợi dụng các hoạt động này để mua bán người.
4. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì Đề án 1; phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện Tiểu đề án 1 thuộc Đề án 1.
5. Bộ Tài chính chủ trì, xây dựng văn bản hướng dẫn cơ chế quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người theo cơ chế tài chính chương trình mục tiêu quốc gia. Phối hợp với Bộ Công an (Cơ quan chủ trì Chương trình) tổng hợp phương án phân bổ, trình cấp có thẩm quyền quyết định để giao dự toán cho các Bộ, ngành và địa phương theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước.
6. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính bố trí kinh phí thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người theo cơ chế tài chính như đối với chương trình mục tiêu quốc gia.
7. Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình. Xây dựng thi hành pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người và trợ giúp pháp lý cho nạn nhân. Quản lý, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động hỗ trợ kết hôn, cho, nhận con nuôi nhằm phòng, chống việc lợi dụng các hoạt động này để mua bán người.
8. Bộ Ngoại giao chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện công tác bảo hộ đối với công dân Việt Nam là nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài; phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và của nước ngoài thực hiện xác minh và làm các thủ tục cần thiết khác để đưa nạn nhân là công dân Việt Nam về nước.
9. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các bộ, ngành có liên quan tham gia thực hiện Đề án 1, lồng ghép nội dung tuyên truyền về phòng, chống mua bán người vào các chương trình văn hóa, du lịch; quản lý, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động du lịch, dịch vụ văn hóa nhằm phòng, chống việc lợi dụng các hoạt động này để mua bán người.
10. Đề nghị Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành khác có liên quan xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện Tiểu đề án 2 thuộc Đề án 1. Phối hợp tham gia thực hiện các đề án, tiểu đề án khác có liên quan.
11. Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện Tiểu đề án 3 thuộc Đề án 2; tham gia thực hiện Tiểu đề án 1, Tiểu đề án 2 thuộc Đề án 2, Tiểu đề án 1 thuộc Đề án 3, Đề án 4 và Đề án 5.
12. Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tham gia thực hiện Đề án 2, Tiểu đề án 1 thuộc Đề án 3, Đề án 4 và Đề án 5.
13. Các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tham gia thực hiện Chương trình trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.
14. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình tại các địa phương; lồng ghép thực hiện Chương trình với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện công tác giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình tại địa phương mình.
15. Đề nghị Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình tham gia giám sát thực hiện Chương trình; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật và vận động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, cảm hóa, giáo dục người phạm tội tại gia đình, cộng đồng dân cư phòng, chống mua bán người./.