Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Thông tư 12/GD-ĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn hoạt động thanh tra trong bậc trung học phổ thông
- Thuộc tính
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
thuộc tính Thông tư 12/GD-ĐT
Cơ quan ban hành: | Bộ Giáo dục và Đào tạo | Số công báo: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Số hiệu: | 12/GD-ĐT | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Thông tư | Người ký: | Trần Hồng Quân |
Ngày ban hành: | 04/08/1997 | Ngày hết hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày hết hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Áp dụng: | Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!
tải Thông tư 12/GD-ĐT
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
THÔNG TƯ
CỦA BỘ
GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO SỐ 12/GD-ĐT NGÀY 4 THÁNG 8 NĂM 1997 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN HOẠT
ĐỘNG THANH TRA TRONG BẬC HỌC TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
Để thực hiện tốt công
tác thanh tra giáo dục trong bậc học trung học phổ thông, căn cứ vào Quy chế tổ
chức hoạt động của hệ thống thanh tra giáo dục và đào tạo ban hành kèm theo
Quyết định 478/QĐ ngày 11/3/1993 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nay Bộ
hướng dẫn cho thanh tra giáo dục các cấp tiến hành thanh tra các trường Phổ
thông trung học, Trung học chuyên ban, Trung học cơ sở và thanh tra hoạt động
sư phạm của một giáo viên thuộc các nhà trường nói trên. Các địa phương căn cứ
vào các quy định này để vận dụng vào việc thanh tra, đánh giá các trường và
giáo viên thuộc các trường bổ túc ở bậc trung học.
PHẦN THỨ NHẤT
THANH TRA TOÀN DIỆN MỘT TRƯỜNG TRUNG HỌC
A- MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:
1- Đánh giá toàn diện tình hình nhà trường trên cơ sở đối chiếu với các quy định về mục tiêu, chương trình, kế hoạch đào tạo của cấp học và các quyết định, chỉ thị, thông tư hướng dẫn của Bộ.
Kết quả được đào tạo, trình độ được giáo dục của học sinh là tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá hoạt động giáo dục của nhà trường.
2- Qua Thanh tra giúp hiệu trưởng và tập thể sư phạm nhận rõ thực trạng tình hình nhà trường, nêu ra được những kiến nghị sát hợp, thiết thực có tính khả thi giúp nhà trường giải quyết những vấn đề cơ bản, cấp bách, thực hiện tốt hơn các yêu cầu của mục tiêu, chương trình, kế hoạch đào tạo. Mặt khác qua hoạt động thực tế của trường đưa ra kiến nghị các cấp quản lý giáo dục, nhằm điều chỉnh bổ sung các chủ trương biện pháp đã đưa ra hoặc đáp ứng các yêu cầu cấp bách của cơ sở.
B- NỘI DUNG THANH TRA
1- Đội ngũ và cơ sở vật chất:
- Cán bộ, giáo viên, nhân viên: đủ, thiếu, trình độ đào tạo.
- Trường, lớp học, bàn ghế, thư viện, đồ dùng dạy học, dụng cụ thể dục thể thao, khu vệ sinh: đủ, thiếu, quy cách, chất lượng và hiệu quả, bảo quản và sử dụng.
- Cảnh quan trường học: cổng trường, tường rào, cây xanh, khuôn viên trường học, vệ sinh học đường, môi trường sư phạm.
- Ngân sách cho hoạt động giáo dục, giảng dạy.
2- Kế hoạch phát triển giáo dục:
- Thực hiện chỉ tiêu số lượng học sinh từng khối lớp và toàn trường. Thực hiện phổ cập (đối với trung học cơ sở).
- Thực hiện quy chế tuyển sinh.
- Tỷ lệ học sinh bỏ học, lưu ban từng khối lớp và toàn trường.
- Hiệu quả đào tạo lớp cuối cấp so với lúc vào đầu cấp.
3- Chất lượng giáo dục, đào tạo.
a) Đạo đức:
- Thực hiện các hoạt động nội, ngoại khoá trong và ngoài nhà trường (chương trình, nội dung, kế hoạch giáo dục).
- Hoạt động của Đội thiếu niên tiền phong (THCS), Đoàn thanh niên Cộng sản HCM và các tổ chức khác trong và ngoài nhà trường.
- Hoạt động của giáo viên chủ nhiệm.
- Việc gắn nhà trường với thực tế đời sống địa phương.
- Chất lượng đạo đức, nếp sống của học sinh.
b) Giảng dạy, học tập các bộ môn văn hoá và các mặt giáo dục.
- Thực hiện chương trình, nội dung, kế hoạch giáo dục các bộ môn. - Thực hiện các mặt giáo dục lao động, hướng nghiệp, dạy nghề và giáo dục thể chất, thẩm mỹ.
- Trình độ giảng dạy của giáo viên qua dự giờ, thăm lớp.
- Kết quả học tập của học sinh: mũi nhọn, đại trà, vào đại học (PTTH) chuyển cấp (THCS).
Thông qua kiểm tra chất lượng học sinh các khối lớp (xác suất) mỗi lớp 5-10 em. Giáo viên của trường với thanh tra viên cùng kiểm tra học sinh. Thanh tra viên chấm và phân tích kết quả (Các bài kiểm tra in trước và phát cho học sinh với kiến thức cơ bản tối thiểu, thời gian kiểm tra không quá 20 phút).
4- Quản lý của Hiệu trưởng: (Theo nhiệm vụ của Hiệu trưởng đã ghi trong điều lệ trường phổ thông) cần chú ý các nội dung sau:
- Xây dựng tổ chức, thực hiện kế hoạch năm học, học kỳ, từng tháng của trường và các bộ phận.
- Việc phân công, sử dụng, quản lý đội ngũ, kỷ luật lao động, trách nhiệm của các thành viên.
- Thu chi, sử dụng, quản lý tài chính, tài sản. Xây dựng, sử dụng bảo quản cơ sở vật chất và thiết bị trường học.
- Công tác kiểm tra.
- Công tác tham mưu, xã hội hoá giáo dục.
- Dân chủ hoá: công khai tài chính, tài sản, khen thưởng, kỷ luật, nâng lương và các luật lệ khác do Nhà nước ban hành.
- Quản lý hành chính: sổ danh bạ, sổ điểm, sổ học bạ, sổ đầu bài, sổ tài chính, tài sản và 3 loại hồ sơ, tuyển sinh, thi tốt nghiệp, khen thưởng kỷ luật.
- Đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, giáo viên, nhân viên.
C. TIẾN TRÌNH THANH TRA.
- Chuẩn bị:
1.1. Tập hợp những thông tin về nhà trường để dự kiến những nội dung cần thanh tra và những vấn đề cần đi sâu. (Không nhất thiết trường nào cũng thanh tra cùng một lúc tất cả 4 nội dung).
1.2- Lập kế hoạch thanh tra: yêu cầu, nội dung, thành phần đoàn, thời gian và phương pháp thanh tra.
1.3. Thông báo với trường và địa phương (trừ thanh tra đột xuất).
1.4. Quyết định thành lập đoàn, họp đoàn và phân công.
1.5. Chuẩn bị để kiểm tra chất lượng văn hoá, phiếu trắc nghiệm...
1.6. Dự trù kinh phí cho đoàn thanh tra.
2- Tiến hành thanh tra:
2.1. Nghe Hiệu trưởng báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ năm học.
2.2. Dự giờ của giáo viên ở các khối lớp thuộc 3 đối tượng: khá, trung bình, yếu (do thanh tra viên bộ môn dự trước và trong đợt thanh tra).
2.3- Dự các hoạt động giáo dục khác, quan sát cách làm và hiệu quả.
2.4. Kiểm tra chất lượng học sinh.
- Tổ chức làm bài kiểm tra bằng cách chọn xác suất ở cả lớp khá và trung bình, kiểm tra kiến thức cơ bản tối thiểu, chấm và phân tích kết quả.
- Vấn đáp học sinh, làm phiếu trắc nghiệm để nhận xét nhận thức, tình cảm và hành vi của học sinh.
2.5- Kiểm tra cơ sở vật chất và các loại sổ sách, hồ sơ.
2.6. Trao đổi với chính quyền địa phương, với cán bộ giáo viên về tình hình nhà trường.
3. Kết thúc thanh tra:
3.1. Hội ý đoàn.
3.2. Trưởng đoàn thông báo đầy đủ kết quả thanh tra và góp những ý kiến cần thiết với lãnh đạo trường, sau đó công bố kết quả thanh tra trước Hội đồng giáo dục.
3.3. Biên bản có chữ ký của trưởng đoàn, hiệu trưởng, ghi ý kiến tiếp thu và ý kiến không nhất trí (nếu có).
4. Sau khi thanh tra:
4.1. Viết văn bản thông báo kết quả thanh tra gửi các cấp quản lý, các trường và đơn vị có liên quan.
4.2. Theo dõi việc thực hiện kiến nghị của đoàn thanh tra.
D. ĐÁNH GIÁ XẾP LOẠI:
1. Nguyên tắc:
- Đánh giá nhà trường lấy chất lượng giáo dục - đào tạo làm trọng điểm, xếp loại từng nội dung để xếp loại chung, không cộng chia trung bình.
- Đánh giá trên cơ sở đối chiếu với yêu cầu của các quy định có tính đến điều kiện thực tế. Vừa căn cứ các hoạt động của tập thể sư phạm vừa đánh giá kết quả thực tế đã đạt được.
- Xếp loại từng mặt và xếp loại chung theo bốn mức tốt, khá, đạt yêu cầu và chưa đạt yêu cầu.
- Khi đánh giá, đoàn thanh tra cần tham khảo ý kiến của chính quyền địa phương, ý kiến của đông đảo giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh. Nhưng ý kiến của đoàn thanh tra thông qua hoạt động thanh tra trực tiếp là quyết định.
2. Xếp loại từng nội dung:
2.1. Xếp loại các nội dung 1 và 2:
- Loại tốt: Thực hiện đúng, đủ các quy định và đạt kết quả cao so với điều kiện chung ở địa phương.
- Loại khá: Thực hiện đúng và đủ các quy định, đạt kết quả tương đối cao so với điều kiện chung ở địa phương.
- Loại đạt yêu cầu: Cơ bản thực hiện đúng các biện pháp quy định và kết quả đạt được các yêu cầu cơ bản tối thiểu.
- Loại chưa đạt yêu cầu: Không thực hiện được nhiều yêu cầu tối thiểu và kết quả thấp.
2.2. Xếp loại về nội dung 3:
a) Xếp loại theo từng mặt giáo dục, mỗi mặt xếp như sau:
- Loại tốt: Chấp hành đầy đủ và đúng các quy định, có nhiều biện pháp tích cực, sáng tạo, kết quả chất lượng giáo dục đào tạo đạt cao so với trình độ chung ở địa phương.
- Loại khá: Chấp hành đầy đủ và đúng các quy định, kết quả chất lượng giáo dục đào tạo tương đối cao so với trình độ chung ở địa phương.
- Loại đạt yêu cầu: Chấp hành tương đối đầy đủ các quy định, các yêu cầu tối thiểu về các biện pháp giáo dục. Kết quả chất lượng giáo dục, đào tạo đạt yêu cầu tối thiểu so với trình độ chung ở địa phương.
- Loại chưa đạt yêu cầu:
Không chấp hành các quy định và các yêu cầu tối thiểu về các biện pháp giáo dục. Kết quả chất lượng giáo dục đào tạo thấp.
b) Xếp loại chung về chất lượng giáo dục đào tạo:
Chất lượng giáo dục đào tạo được xếp loại nào thì các mặt giáo dục đạo đức; giảng dạy và học tập các bộ môn văn hoá (đức, trí) đều phải được xếp loại đó trở lên, các mặt khác có thể thấp hơn một bậc. Nếu một trong hai mặt đó bị xếp loại chưa đạt yêu cầu thì toàn bộ chất lượng giáo dục đào tạo sẽ xếp chưa đạt yêu cầu và chỉ ghi nhận những mặt tốt riêng biệt (nếu có).
2.3. Xếp loại Hiệu trưởng:
- Loại tốt:
+ Thực hiện tốt khâu kế hoạch, công tác kiểm tra, quản lý tài chính, tài sản, dân chủ hoá; các yêu cầu khác làm đầy đủ theo quy định.
+ Kết quả giáo dục đào tạo của trường loại tốt hoặc đã làm chuyển biến chất lượng từ đạt yêu cầu lên khá; các nội dung về điều kiện như phân công, sử dụng đội ngũ, xây dựng, sử dụng, bảo quản, cơ sở vật chất và kế hoạch phát triển giáo dục của trường đạt khá trở lên.
- Loại khá:
+ Thực hiện đầy đủ các khâu kế hoạch, kiểm tra, quản lý tài chính, tài sản và dân chủ hoá.
+ Kết quả Chất lượng giáo dục, đào tạo của trường đạt loại khá hoặc đã làm chuyển biến chất lượng từ loại chưa đạt yêu cầu lên loại đạt yêu cầu; các nội dung về phân công sử dụng đội ngũ, cơ sở vật chất và kế hoạch phát triển giáo dục của trường đạt yêu cầu trở lên.
- Loại đạt yêu cầu:
+ Thực hiện các khâu kế hoạch, kiểm tra, quản lý tài chính, tài sản và dân chủ hoá không có gì sai sót lớn.
+ Kết quả Chất lượng giáo dục đào tạo của trường đạt yêu cầu, các nội dung về điều kiện phân công, sử dụng đội ngũ cơ sở vật chất và kế hoạch phát triển có thể chưa đạt yêu cầu.
- Loại chưa đạt yêu cầu:
+ Ba trong năm khâu kế hoạch kiểm tra, quản lý tài chính, tài sản và dân chủ hoá đạt thấp.
+ Chất lượng giáo dục - đào tạo loại chưa đạt yêu cầu.
3- Xếp loại nhà trường:
- Loại tốt:
Chất lượng giáo dục, đào tạo loại tốt, trong 3 nội dung còn lại có 2 khá và 1 đạt yêu cầu. Hiệu trưởng phải đạt loại khá trở lên.
- Loại khá:
Chất lượng giáo dục, đào tạo đạt loại khá, 3 nội dung còn lại xếp loại đạt yêu cầu trở lên; Hiệu trưởng phải được xếp loại đạt yêu cầu trở lên.
- Loại đạt yêu cầu:
Chất lượng giáo dục, đào tạo đạt yêu cầu, 3 nội dung còn lại có thể còn 2 nội dung chưa đạt yêu cầu. Hiệu trưởng phải xếp loại đạt yêu cầu.
- Loại chưa đạt yêu cầu:
Chất lượng giáo dục, đào tạo chưa đạt yêu cầu.
Việc xếp loại nhà trường, xếp loại Hiệu trưởng không nhất thiết trùng nhau.
PHẦN THỨ HAI
THANH TRA HOẠT ĐỘNG SƯ PHẠM CỦA MỘT
GIÁO VIÊN TRUNG HỌC
A. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU:
1. Đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục, giảng dạy của giáo viên nhằm giúp đỡ giáo viên nâng cao chất lượng giáo dục và giảng dạy, giữ vững kỷ luật, khuyến khích sự cố gắng của giáo viên, đồng thời tạo cơ sở để giúp Hiệu trưởng và các cấp quản lý sử dụng, bồi dưỡng, đãi ngộ giáo viên một cách hợp lý.
2- Căn cứ các yêu cầu đã quy định, đánh giá chính xác, khách quan, xem xét hoạt động sư pham của giáo viên, chủ yếu là công tác giảng dạy, trong những hoàn cảnh cụ thể; kết hợp với việc đánh giá của Hiệu trưởng về việc thực hiện các mặt công tác khác của giáo viên đó.
3. Chủ yếu xem xét hoạt động sư phạm của giáo viên trong năm học được thanh tra, đồng thời có tham khảo quá trình từ lần kiểm tra trước, hoặc năm học trước.
B. NỘI DUNG ĐÁNH GIÁ:
1. Trình độ nghiệp vụ (tay nghề):
- Trình độ nắm kiến thức, kỹ năng cần xây dựng cho học sinh thể hiện qua việc giảng dạy.
- Trình độ vận dụng phương pháp giảng dạy và giáo dục (thể hiện chủ yếu ở các tiết lên lớp mà thanh tra viên dự).
2. Thực hiện Quy chế chuyên môn:
- Thực hiện chương trình kế hoạch giảng dạy, giáo dục.
- Thực hiện các yêu cầu về soạn bài theo quy định.
- Kiểm tra và chấm bài, quan tâm giúp đỡ các đối tượng học sinh.
- Thí nghiệm, sử dụng đồ dùng dạy học sẵn có và làm mới. Thực hiện các tiết thực hành theo quy định của phân phối chương trình bộ môn.
- Bảo đảm đầy đủ các yêu cầu về hồ sơ và các quy định về chuyên môn.
- Bồi dưỡng kiến thức văn hoá, nghiệp vụ theo kế hoạch của các cấp quản lý giáo dục.
3. Kết quả giảng dạy, giáo dục: Kết quả học tập, rèn luyện của học sinh quả các lần kiểm tra chung của khối lớp, các kết quả lên lớp và tốt nghiệp của bộ môn ở các lớp giáo viên đã dạy các năm trước và kết quả kiểm tra trực tiếp của thanh tra viên, có đối chiếu với sự tiến bộ của học sinh so với khi giáo viên nhận lớp.
4. Việc thực hiện công tác khác (do hiệu trưởng đánh giá):
- Công tác chủ nhiệm lớp (nếu có);
- Tham gia giáo dục đạo đức cho học sinh, nhất là trong lớp mình dạy;
- Thực hiện các công tác khác được phân công.
C. TIẾN TRÌNH THANH TRA:
I. CHUẨN BỊ:
Trên cơ sở nắm chắc các quy định, chương trình, kế hoạch đào tạo của môn học ở các lớp giáo viên đang giảng dạy, Thanh tra viên cần phải:
1. Nắm kế hoạch giảng dạy của giáo viên để lập kế hoạch thanh tra. Nắm chắc yêu cầu nội dung của các chương, bài sẽ được giáo viên giảng dạy trong thời gian tới.
2. Chuẩn bị các đề kiểm tra chất lượng học sinh, trắc nghiệm...
II- TIẾN HÀNH THANH TRA:
Thanh tra viên có thể yêu cầu Hiệu trưởng cử người của trường (tổ trưởng hoặc giáo viên trong tổ, khối chuyên môn) cùng làm việc. Những người tham gia phải là có cùng chuyên môn của giáo viên được thanh tra (đã tốt nghiệp CĐSP đối với THCS, đã tốt nghiệp ĐHSP đối với THPT và THCB).
1. Kiểm tra công việc của giáo viên:
a) Dự các giờ lên lớp: phải dự ít nhất 2 tiết của các bài dạy khác nhau ở phân môn chủ yếu của những bộ môn mà giáo viên đã được đào tạo. Đối với giáo viên chỉ dạy chéo môn, khi cần thiết phải thanh tra thì việc dự giờ nhằm đánh giá chủ yếu khả năng thâm nhập vào bộ môn chưa được đào tạo.
Ghi biên bản đánh giá tiết dạy. Việc trao đổi nhận xét đánh giá các tiết dạy chỉ tiến hành một lần vào cuối đợt thanh tra.
b) Xem xét các hồ sơ; vở soạn bài của giáo viên, hồ sơ công tác chủ nhiệm (nếu có) sổ ghi đầu bài của lớp để xem số lượng chất lượng bài dạy, bài soạn (nếu được phép dùng giáo án cũ thì xem việc điều hoặc chỉnh, bổ sung...); xem sổ điểm cá nhân và của lớp và các hồ sơ chuyên môn khác; yêu cầu học sinh nạp lại để xem một số bài kiểm tra đã chấm; xem việc sử dụng và tự làm các đồ dùng dạy học, các sáng kiến kinh nghiệm; hồ sơ cá nhân về việc bồi dưỡng theo yêu cầu của các cấp quản lý giáo dục.
c) Xem xét các hồ sơ lưu trữ về các lần kiểm tra của trường đối với giáo viên để tham khảo việc đánh giá của trường.
Đối với giáo viên giỏi đã được công nhận hoặc những giáo viên có tay nghề vững thể hiện ở kết quả giảng dạy nhiều năm thì có thể chỉ dự một tiết nhưng vẫn phải xem kỹ việc thực hiện quy chế chuyên môn và những cố gắng và kết quả hiện tại.
2. Kiểm tra chất lượng học sinh:
a) Cho học sinh làm bài kiểm tra viết: mỗi bài kiểm tra không quá 20 phút; nội dung kiểm tra là những yêu cầu tối thiểu học sinh cần đạt thuộc về phần chương trình giáo viên đã dạy trong thời gian liền kề trước ngày kiểm tra (không kiểm tra kiến thức của tiết vừa dạy). Có thể thêm câu hỏi phụ để phát hiện học sinh giỏi nhưng chỉ cho điểm thưởng, không tính vào thang điểm chung.
Kiểm tra xác xuất ở nhiều lớp với tổng số học sinh tương đương một lớp học.
Thanh tra viên trực tiếp coi học sinh làm bài kiểm tra và tự mình chấm bài và phân tích kết quả kiểm tra đó.
b) Tiếp xúc trao đổi với học sinh để nắm thêm những kết quả nhận thức, tình cảm của học sinh.
c) Quan sát các hoạt động của học sinh để nhận xét về hành vi đạo đức, chất lượng các hoạt động lao động, thể dục và thẩm mỹ của học sinh.
III- KẾT THÚC THANH TRA:
1. Thanh tra viên trao đổi với lãnh đạo trường để tham khảo về đánh giá giáo viên đó. Sau đó thanh tra viên quyết định việc đánh giá, xếp loại.
2. Gặp gỡ giáo viên: Thanh tra viên và người đại diện của trường gặp giáo viên được thanh tra trao đổi để hiểu thêm hoàn cảnh và ý tưởng riêng của giáo viên về chuyên môn nghiệp vụ, nêu nhận xét ưu điểm, tồn tại của giáo viên trong giảng dạy, thực hiện quy chế chuyên môn và nêu kết luận xếp loại.
Biên bản được ghi 2 bản: 1 bản chính lưu ở trường, 1 bản sao (photocopy hoặc giáo viên chép lại) lưu ở cơ quan thanh tra (xem mẫu biên bản thanh tra giáo viên đính kèm). Thanh tra viên, Hiệu trưởng và giáo viên ký vào cả hai biên bản thanh tra này. Trường hợp giáo viên không nhất trí với nội dung biên bản có quyền ghi ý kiến riêng trước khi ký và thực hiện quyền khiếu nại.
3. Nêu kiến nghị: trong biên bản thanh tra, thanh tra viên nêu các kiến nghị cụ thể và khả thi đối với giáo viên và đối với trường để giúp giáo viên hoàn thành nhiệm vụ (điều chỉnh phân công, tạo điều kiện làm việc, bồi dưỡng cho giáo viên đó...).
4. Tập hợp các nhận xét về chương trình, sách giáo khoa và các vấn đề quản lý cần điều chỉnh để kiến nghị lên cấp trên (nếu có) theo hệ thống tổ chức thanh tra giáo dục.
D. XẾP LOẠI GIÁO VIÊN:
Nhằm mục đích để bản thân giáo viên và cấp quản lý biết được năng lực và mức độ cố gắng của giáo viên, kết thúc thanh tra, giáo viên được xếp một trong 4 loại: tốt, khá, đạt yêu cầu và chưa đạt yêu cầu, trên cơ sở xếp loại từng mặt rồi căn cứ vào đó để xếp loại chung.
I- XẾP LOẠI TỪNG MẶT:
1. Trình độ nghiệp vụ: (chủ yếu dựa vào các tiết thanh tra viên đã dự).
Tốt: Bảo đảm xây dựng đầy đủ và chính xác các kiến thức, kỹ năng và giáo dục thái độ cho học sinh theo yêu cầu của chương trình. Tuỳ trình độ thực tế của học sinh biết mở rộng, nâng cao hợp lý. Liên hệ với cuộc sống một cách thích hợp. Phương pháp giảng dạy hợp lý, biết tổ chức cho mọi đối tượng học sinh làm việc trên lớp có hiệu quả và có biện pháp thích hợp phát huy được trí tuệ của học sinh. Hầu hết học sinh nắm được và vận dụng được kiến thức, kỹ năng đã dạy. Tiết dạy có tác dụng giáo dục thái độ tốt cho học sinh.
Khá: Xây dựng cho học sinh đầy đủ và chính xác các kiến thức, kỹ năng cơ bản và giáo dục thái độ cho học sinh theo yêu cầu của chương trình, có liên hệ với cuộc sống. Phương pháp giảng dạy hợp lý. Có tổ chức cho học sinh làm việc trên lớp, đa số học sinh nắm được và vận dụng được kiến thức, kỹ năng đã dạy.
Đạt yêu cầu: Xây dựng đầy đủ các kiến thức kỹ năng tối thiểu theo yêu cầu của chương trình; có thể có sai sót nhỏ nhưng không ảnh hưởng đến việc xây dựng các kiến thức, kỹ năng cơ bản cho học sinh. Phương pháp giảng dạy không có gì sai phạm lớn ảnh hưởng đến kết quả tiếp thu của học sinh.
Chưa đạt yêu cầu: Có nhiều sai sót nhỏ hoặc có một sai sót nghiêm trọng trong kiến thức; kỹ năng của tiết dạy. Phương pháp còn lúng tùng, phần lớn học sinh không hiểu bài.
2. Thực hiện quy chế chuyên môn:
Tốt: Bảo đảm đầy đủ và có chất lượng các yêu cầu lao động sư phạm nói tại điểm 2 mục B.
Khá: Thực hiện đầy đủ chương trình giảng dạy, giáo dục, soạn bài, chấm bài cho học sinh, chăm lo tự bồi dưỡng... Có sử dụng đồ dùng dạy học sẵn có trong trường hoặc dễ sưu tầm.
Đạt yêu cầu: Thực hiện đầy đủ chương trình giảng dạy giáo dục, soạn bài, chấm bài cho học sinh (đối với giáo viên được phép sử dụng giáo án cũ cũng phải có đầy đủ giáo án và có điều chỉnh bổ sung). Có sử dụng đồ dùng dạy học sẵn có.
Chưa đạt yêu cầu: Phạm một trong các điều sau đây: cắt xén chương trình; hoặc soạn bài không đầy đủ; hoặc không kiểm tra đủ số lần điểm quy định.
3. Kết quả giảng dạy giáo dục.
Tốt: Kết quả các bài kiểm tra, trắc nghiệm được đánh giá cao có nhiều điểm tốt, hầu hết học sinh làm được bài. Học sinh có thói quen nền nếp về phương pháp học tập bộ môn; học sinh có tiến bộ rõ rệt so với khi giáo viên bắt đầu nhận lớp; thành tích học tập của học sinh do giáo viên đó dạy trong thời gian trước khi thanh tra đạt cao so với địa phương.
Khá: Kết quả các bài kiểm tra, trắc nghiệm đạt yêu cầu cao, đa số học sinh làm được bài, học sinh có tiến bộ so với khi giáo viên mới nhận lớp; thành tích học tập của học sinh do giáo viên đó dạy trong thời gian được thanh tra đạt khá so với thực tế địa phương.
Đạt yêu cầu: Nhiều học sinh làm bài kiểm tra đạt điểm trung bình trở lên. Thành tích của học sinh do giáo viên đó dạy trong thời gian trước khi thanh tra đạt mức trung bình ở địa phương.
Chưa đạt yêu cầu: Không đạt mức nói trên.
4. Việc thực hiện các công tác khác (do hiệu trưởng đánh giá bằng văn bản lưu vào hồ sơ thanh tra).
Tốt: Hoàn thành với kết quả tốt mọi nhiệm vụ được giao, có nhiều sáng kiến, biện pháp tốt để thực hiện. Luôn quan tâm đến việc giáo dục đạo đức cho học sinh.
Khá: Các công tác được giao đạt kết quả tương đối cao, có ý thức khắc phục khó khăn, chú ý giáo dục đạo đức cho học sinh.
Đạt yêu cầu: Làm đầy đủ các công tác được giao, kết quả đạt bình thường; hoặc tuy có nhiều cố gắng nhưng do điều kiện khách quan nên kết quả còn hạn chế.
Chưa đạt yêu cầu: Không thực hiện đầy đủ trách nhiệm đối với các công tác được giao hoặc có sai lầm trong thực hiện, ảnh hưởng đến kết quả công tác của trường.
II- XẾP LOẠI CHUNG:
+ Nguyên tắc chung:
- Xếp loại chung trên cơ sở đánh giá tổng hợp các nội dung đã thanh tra, không lấy mặt này bù mặt khác. Nếu có những mặt đạt tốt thì được ghi nhận và biểu dương, không bù vào những mặt còn yếu khác. - Giáo viên được xếp loại nào thì cả hai nội dung 1 và 2 (trình độ nghiệp vụ và việc thực hiện quy chế chuyên môn) phải được xếp cùng loại đó trở lên: hai nội dung 3 và 4 (kết quả của học sinh và việc thực hiện công tác khác) có thể xếp vào dưới đó một bậc.
- Trường hợp hai nội dung 3 và 4 bị xếp dưới hai bậc thì khi xếp loại chung phải hạ xuống một bậc so với hai nội dung trên; nếu một trong hai nội dung này chưa đạt yêu cầu thì xếp loại chung tối đa cũng chỉ đạt yêu cầu.
+ Mức tối thiểu để được xếp vào các loại như sau:
Tốt: Nội dung 1 và 2 xếp loại tốt. Nội dung 3 và 4 xếp loại khá.
Khá: Nội dung 1 và 2 xếp loại khá trở lên. Nội dung 3 và 4 xếp loại đạt yêu cầu.
Đạt yêu cầu: Nội dung 1 và 2 xếp loại đạt yêu cầu trở lên.
Chưa đạt yêu cầu: không đạt các loại trên.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
Thông tư này được áp dụng kể từ năm học 1997-1998 và thay thế cho văn bản hướng dẫn tạm thời về việc thanh tra đánh giá một trường phổ thông và một giáo viên phổ thông ban hành tại công văn 6207/TTr ngày 24/9/1992 của Bộ giáo dục và đào tạo.
Thanh tra giáo dục chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các địa phương phản ảnh kịp thời để Bộ nghiên cứu giải quyết.
PHỤ LỤC:
MẪU:
BIÊN BẢN
THANH TRA TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
Đoàn thanh tra của................... thành lập theo quyết định số.... ngày.... tháng.... năm 199... đã tiến hành thanh tra trường.... từ ngày... đến ngày.../.../199... đã làm việc như sau:
- Dự ............ tiết dạy của.......... giáo viên.
- Kiểm tra....... môn trên số .......học sinh thuộc....lớp
- Kiểm tra thực tế:
+ Các cơ sở vật chất....
+ Các hồ sơ, sổ sách....
+ Các hoạt động....
Qua tham khảo ý kiến của chính quyền địa phương. Đoàn kết luận đánh giá và kiến nghị như sau:
I. ĐÁNH GIÁ VIỆC THỰC HIỆN CÁC
NỘI DUNG THANH TRA
1. Điều kiện về đội ngũ và cơ sở vật chất
- Ưu, khuyết điểm chính:
- Xếp loại:
2. Kế hoạch phát triển giáo dục:
- Ưu, khuyết điểm chính:
- Xếp loại:
3. Chất lượng giáo dục, đào tạo:
- Ưu, khuyết điểm chính:
+ Giáo dục đạo đức, nếp sống.
+ Giáo dục các bộ môn văn hoá.
+ Giáo dục lao động, hướng nghiệp, dạy nghề và thể, mỹ.
- Xếp loại:
4. Công tác quản lý của Hiệu trưởng:
- Ưu, khuyết điểm chính
- Xếp loại:
Kết luận chung về nhà trường:
- Ưu, khuyết điểm chính:
- Xếp loại nhà trường:
II- CÁC KIẾN NGHỊ CỦA ĐOÀN:
1. Những yêu cầu đối với nhà trường: các việc cần làm để phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, thời hạn thực hiện.
2. Kiến nghị đối với cơ quan quản lý trực tiếp của trường.
- Các biện pháp giúp trường khắc phục các khó khăn.
- Kiến nghị khen thưởng, kỷ luật hay các điều chỉnh đối với nhà trường và cá nhân.
3. Kiến nghị với các cơ quan hữu quan.
Ý kiến của trường T/M Đoàn thanh thanh tra
Hiệu trưởng Trưởng đoàn
(Ký và đóng dấu) (Ký và đóng dấu)
BIÊN BẢN
THANH TRA GIÁO VIÊN
Họ và tên giáo viên.........năm sinh........hệ đào tạo.....năm vào ngành.........
Dạy môn............. ở các lớp...................
Trường...................
Kết quả lần kiểm tra toàn diện gần nhất của trường được xếp loại
I- KẾT QUẢ KIỂM TRA CÁC MẶT:
1. Kiểm tra trình độ nghiệp vụ tay nghề:
Tiết 1........ ở lớp............ Xếp loại
Tiết 2...... .................. ...............
Tiết 3...... .................. ...............
.............. .................. ...............
Nhận xét trình độ nghiệp vụ - tay nghề (1)
Được xếp loại...........
2. Kiểm tra thực hiện quy chế chuyên môn:
Nhận xét ưu, khuyết điểm chính (1)
Được xếp loại ...........
3- Kết quả giảng dạy - giáo dục:
- Các bài kiểm tra hiện tại: tổng số bài kiểm tra....... số bài đạt yêu cầu trở lên ....(...%). Số bài khá......(...%) giỏi...(%).
Nhận xét trình độ học sinh về mọi mặt (1)
- Các kết quả của thời gian trước (kiểm tra học kỳ, lên lớp, thi tốt nghiệp, học sinh giỏi).....
Được xếp loại:
4. Đánh giá của Hiệu trưởng về thực hiện các công tác khác
Đã xếp loại .........(kèm theo bản nhận xét)
II- ĐÁNH GIÁ CHUNG:
1. Đánh giá tổng quát (các ưu, khuyết điểm, tồn tại.....) (1)
2. Xếp loại chung:
III- CÁC KIẾN NGHỊ:
1. Đối với giáo viên:
2. Đối với trường:
Ngày...tháng...năm 199.
Ý kiến của giáo viên được thanh tra Thanh tra viên
và chữ ký (Họ tên và chữ ký)
Hiệu trưởng
(Ký và đóng dấu)
(1) Nêu các ưu khuyết
điểm lớn và các tồn tại chính cần khắc phục