Thông tư liên tịch 01/2003/TTLT-BKH-BTC của Bộ Kế hoach và Đầu tư và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 42/2002/QĐ-TTg ngày 19/3/2002 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý và điều hành các chương trình mục tiêu quốc gia
- Thuộc tính
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
thuộc tính Thông tư liên tịch 01/2003/TTLT-BKH-BTC
Cơ quan ban hành: | Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính | Số công báo: Số công báo là mã số ấn phẩm được đăng chính thức trên ấn phẩm thông tin của Nhà nước. Mã số này do Chính phủ thống nhất quản lý. | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Số hiệu: | 01/2003/TTLT-BKH-BTC | Ngày đăng công báo: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày đăng công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Loại văn bản: | Thông tư liên tịch | Người ký: | Nguyễn Sinh Hùng; Võ Hồng Phúc |
Ngày ban hành: Ngày ban hành là ngày, tháng, năm văn bản được thông qua hoặc ký ban hành. | 06/01/2003 | Ngày hết hiệu lực: Ngày hết hiệu lực là ngày, tháng, năm văn bản chính thức không còn hiệu lực (áp dụng). | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày hết hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Áp dụng: Ngày áp dụng là ngày, tháng, năm văn bản chính thức có hiệu lực (áp dụng). | Tình trạng hiệu lực: Cho biết trạng thái hiệu lực của văn bản đang tra cứu: Chưa áp dụng, Còn hiệu lực, Hết hiệu lực, Hết hiệu lực 1 phần; Đã sửa đổi, Đính chính hay Không còn phù hợp,... | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | Đầu tư, Chính sách |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!
tải Thông tư liên tịch 01/2003/TTLT-BKH-BTC
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
Thông tư
LIÊN TỊCH
BỘ KẾ HOACH VÀ ĐẦU TƯ - BỘ TÀI CHÍNH
SỐ 01/2003/TTLT-BKH-BTC NGÀY 06 THÁNG 01 NĂM 2003 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT
ĐỊNH SỐ 42/2002/QĐ-TTG NGÀY 19/3/2002 CỦA
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ QUẢN LÝ VÀ ĐIỀU HÀNH
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
Căn cứ Quyết định số
71/2001/QĐ-TTg ngày 04/5/2001 Thủ tướng Chính phủ "Về các Chương trình mục
tiêu quốc gia giai đoạn 2001-2005"
Căn cứ Quyết định số
42/2002/QĐ-TTg ngày 19-3-2002 của Thủ tướng Chính phủ, "Về quản lý, điều
hành các chương trình mục tiêu quốc gia".
Liên Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính hướng dẫn
việc quản lý và điều hành các CTMTQG như
sau:
PHẦN I
CÔNG TÁC KẾ HOẠCH HOÁ CÁC CHƯƠNG TRÌNH
MỤC TIÊU QUỐC GIA
Kế hoạch hoá các chương trình mục tiêu quốc gia gồm các khâu công việc sau:
- Đề xuất chương trình,dự án;
- Xây dựng chương trình,dự án;
- Thẩm định, phê duyệt chương trình, dự án;
- Thực hiện chương trình, dự án;
- Theo dõi, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện chương trình,dự án;
I. ĐỀ
XUẤT CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
Các Bộ, ngành,cơ quan Trung ương, dựa vào các tiêu chuẩn của CTMTQG qui định tại Điều 3 của QĐ 42/2002/QĐ-TTg, đề xuất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính danh mục các Chương trình mục tiêu quốc gia (sau đây viết tắt là CTMTQG) của ngành mình trong kỳ kế hoạch. Công việc này được tiến hành vào giai đoạn hướng dẫn xây dựng kế hoạch (tháng 4, tháng 5 hàng năm).
Nội dung chủ yếu của văn bản đề xuất CTMTQG gồm:
1- Sự cần thiết phải giải quyết vấn đề bằng CTMTQG.
2- Mục tiêu tổng quát của chương trình.
3- Dự kiến thời gian thực hiện chương trình.
4- Địa bàn thực hiện chương trình.
5- Xác định sơ bộ tổng mức vốn của chương trình, chia theo các nguồn vốn
6- Tính toán sơ bộ đối tượng tác động, đối tượng thụ hưởng và hiệu quả của chương trình,
7- Hợp tác quốc tế (nếu, có).
8- Đề xuất cơ quan quản lý, cơ quan phối hợp và các cơ quan thực hiện chương trình, dự án.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, tổng hợp, lựa chọn danh mục CTMTQG do các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương đề xuất và dự kiến cơ quan quản lý chương trình, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét để trình Quốc hội thông qua cùng với kế hoạch hàng năm và 5 năm. Sau khi được Quốc hội thông qua, cơ quan quản lý CTMTQG chủ động xây dựng chương trình, dự án, có sự phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan.
Trong giai đoạn 2001-2005, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt danh mục các CTMTQG tại Quyết định số 71/2001/QĐ-TTg ngày 04/5/2001, vì vậy không đề xuất thêm các CTMTQG trong giai đoạn 2001-2005.
II. XÂY
DỰNG CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
Việc xây dựng các CTMTQG được tiến hành cùng với việc xây dựng kế hoạch hàng năm và 5 năm. Nội dung văn bản CTMTQG bao gồm:
1. Các căn cứ để xây dựng CTMTQG:
1.1. Xác định yêu cầu khách quan phải hình thành chương trình, bao gồm:
- Phân tích, đánh giá hiện trạng tình hình thuộc lĩnh vực của CTMTQG sẽ xử lý.
- Căn cứ vào các số liệu và các chỉ tiêu đặc trưng nhất về kinh tế - xã hội trong một số năm để xem xét xu hướng phát triển của vấn đề mà chương trình sẽ giải quyết.
1.2. So sánh các chỉ tiêu giữa các vùng, các khu vực và quốc tế để rút ra mức độ cấp bách của vấn đề phải giải quyết.
1.3. Các vấn đề xã hội mà Chính phủ Việt Nam cam kết với quốc tế.
2. Mục tiêu của CTMTQG:
Mục tiêu của CTMTQG phải nằm trong chiến lược chung về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. CTMTQG có thể có một hoặc một số mục tiêu, nhưng các mục tiêu phải rõ ràng, lượng hoá được và cũng dễ dàng trong việc tính toán, kiểm tra, đánh giá thực hiện. Có thể phân định mục tiêu trước mắt và mục tiêu lâu dài khi kết thúc CTMTQG.
3. Thời gian thực hiện CTMTQG:
Là thời gian cần thiết cho việc đạt được mục tiêu của chương trình. Thời gian này phải có giới hạn, thường là 5 năm.
4. Phạm vi hoạt động của CTMTQG:
Phạm vi hoạt động của toàn bộ chương trình và từng dự án là giới hạn tác động trực tiếp của chương trình, dự án đến ngành nào, lĩnh vực nào, vùng nào hay đối với cả nước.
5. Các giải pháp cần thiết bảo đảm thực thi CTMTQG:
5.1. Giải pháp về nguồn vốn:
- Giải pháp về nguồn vốn của CTMTQG là xác định các biện pháp để đảm bảo tổng mức vốn cần thiết cho việc thực hiện các mục tiêu của chương trình. Tổng mức vốn được tính toán căn cứ vào mức vốn của từng dự án cho cả thời kỳ thực hiện chương trình và cho từng năm.
- Các nguồn vốn của CTMTQG bao gồm:
a) Vốn Ngân sách Nhà nước (kể cả vốn vay ODA và vốn viện trợ)
b) Vốn tín dụng trong nước.
c) Vốn huy động từ cộng đồng (bao gồm cả bằng tiền, hiện vật và ngày công lao động)...
Các nguồn vốn trên đây phải được nêu rõ về các biện pháp huy động, phương thức vay, trả và phân tích hiệu quả; đồng thời phân định rõ vốn Trung ương và địa phương; vốn xây dựng cơ bản và vốn sự nghiệp.
5.2. Giải pháp về nhân lực:
- Bao gồm các giải pháp đảm bảo đủ nhân lực để thực hiện CTMTQG gồm cả khâu quản lý và triển khai thực hiện.
- Tính toán chi phí quản lý, chi phí đào tạo, kể cả chi phí thuê chuyên gia nước ngoài ( nếu có).
5.3. Giải pháp về vật tư, nguyên liệu, phương tiện, thiết bị máy móc:
- Mô tả công nghệ lựa chọn về đặc trưng kinh tế - kỹ thuật, đánh giá mức độ thích hợp, ưu điểm và hạn chế;
- Nguồn cung cấp công nghệ, thiết bị máy móc và lý do lựa chọn (ưu tiên mua hàng sản xuất trong nước);
- Danh mục, biểu giá trang thiết bị máy móc chủ yếu và phương thức mua sắm (đấu thầu trong nước hay quốc tế)...
6. Hiệu quả của CTMTQG:
Khi xây dựng cũng như khi đánh giá tình hình thực hiện CTMTQG, các cơ quan quản lý chương trình phải xác định được kết quả của chương trình thông qua các chỉ tiêu, chỉ số về các mặt: lợi ích kinh tế - xã hội đem lại; đối tượng thụ hưởng từ kết quả hoạt động của các dự án cũng như của toàn bộ chương trình; vấn đề môi sinh, môi trường và việc nâng cao năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ tham gia điều hành thực hiện chương trình, dự án.
7. Đề xuất và kiến nghị các cơ chế, chính sách để thực hiện CTMTQG:
Các chính sách cụ thể áp dụng cho CTMTQG và lồng ghép các hoạt động có nội dung giống nhau với các CTMTQG khác ( nếu có).
7.1. Lồng ghép các hoạt động có nội dung giống với các CTMTQG khác.
Các cơ quan quản lý chương trình có trách nhiệm đề xuất việc lồng ghép các hoạt động có nội dung giống với CTMTQG khác ( nếu có)và mô hình, cơ chế cho việc thực hiện lồng ghép.
7.2. Vấn đề cần hợp tác quốc tế CTMTQG ( nếu có ).
Nếu có sự hợp tác với các tổ chức quốc tế hoặc với tổ chức nước ngoài cho việc thực hiện CTMTQG, cơ quan quản lý chương trình phải nêu rõ mục đích, nội dung, hình thức hợp tác và nguồn lực của các bên tham gia hợp tác (phía nước ngoài và phía Chính phủ Việt Nam) cũng như thời gian để thực hiện và những vấn đề cần xin ý kiến Chính phủ xử lý.
7.3. Các cơ chế chính sách cần ban hành để áp dụng cho việc thực hiện chương trình.
8. Quản lý, điều hành thực hiện CTMTQG:
8.1 Các cơ quan quản lý CTMTQG thành lập Ban quản lý chương trình. Thành phần và quy chế hoạt động của Ban quản lý CTMTQG do thủ trưởng cơ quan quản lý chương trình quyết định.
8.2. Đối với những CTMTQG có tầm quan trọng đặc biệt, có tính liên ngành, Ban Chủ nhiệm CTMTQG cần có thành viên thuộc các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương có liên quan. Thành phần và qui chế hoạt động của Ban Chủ nhiệm CTMTQG này do Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề xuất của cơ quan được phân công quản lý chương trình.
Giúp việc cho Ban Chủ nhiệm CTMTQG này có Văn phòng chương trình.
9. Theo dõi, kiểm tra giám sát, đánh giá tình hình thực hiện CTMTQG:
9.1. Xác định hệ thống các chỉ tiêu phản ánh tình hình thực hiện chương trình, dự án, bao gồm các chỉ tiêu đầu vào, đầu ra và các chỉ số về tác động của chương trình, dự án.
9.2. Xác định chế độ thu thập, báo cáo thông tin về tình hình thực hiện chương trình, dự án. Kế hoạch thực hiện công tác theo dõi, kiểm tra giám sát, đánh giá việc thực hiện của từng dự án và của toàn bộ chương trình, bao gồm thời gian tiến hành, cơ quan thực hiện, nội dung và các tiêu chí làm căn cứ để theo dõi, kiểm tra giám sát, đánh giá tình hình thực hiện, biểu mẫu và lịch trình báo cáo và cơ quan nhận báo cáo.
10. Các dự án trong CTMTQG.
Các dự án trong CTMTQG được xây dựng nhằm giải quyết một mục tiêu hoặc một nhóm mục tiêu cụ thể của chương trình trong một khoảng thời gian và địa bàn cụ thể.
Đối với các dự án sử dụng kinh phí từ Ngân sách Nhà nước phải có các nội dung cơ bản như sau:
(1). Tên dự án,
(2). Cơ quan quản lý dự án, cơ quan thực hiện, cơ quan phối hợp.
(3). Các mục tiêu và nội dung chủ yếu của dự án:
- Khái quát tình hình chung, lý do và sự cần thiết của dự án.
- Xác định các mục tiêu cụ thể của dự án trong mối quan hệ với mục tiêu chung của CTMTQG.
- Xác định nội dung, nhiệm vụ cơ bản của dự án.
(4). Các giải pháp thực hiện dự án:
- Các phương án và địa điểm cụ thể để triển khai dự án;
- Yêu cầu tài chính, phân theo nguồn bảo đảm và nội dung chi tiêu;
- Kiến nghị về cơ chế, chính sách để thực hiện dự án, trong đó nêu rõ nội dung và cơ chế lồng ghép (nếu có);
- Mô hình tổ chức quản lý và cơ chế hoạt động.
(5). Thời gian thực hiện dự án: Thời gian bắt đầu và kết thúc.
(6). Đối tượng thụ hưởng dự án, ước tính hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án.
(7). Kế hoạch thực hiện các hoạt động chủ yếu của dự án chia theo từng năm.
Đối với các CTMTQG đã được phê duyệt theo Quyết định số 71/2001/QĐ-TTg ngày 4/5/2001của Thủ tướng Chính phủ cần xây dựng kế hoạch chi tiết hàng năm về mục tiêu, nhiệm vụ và nhu cầu kinh phí.
III. THẨM
ĐỊNH, PHÊ DUYỆT CTMTQG
Sau khi đã hoàn thành việc soạn thảo văn bản CTMTQG, cơ quan quản lý chương trình gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương có liên quan tổ chức thẩm định chương trình và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
1. Hồ sơ thẩm định CTMTQG gồm:
- Văn bản đề nghị thẩm định CTMTQG của cơ quan quản lý chương trình;
- Văn bản CTMTQG đã được cơ quan quản lý chương trình thông qua;
- Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt CTMTQG;
- Ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương có liên quan;
- Các tài liệu cần thiết có liên quan khác (nếu có).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành,cơ quan Trung ương và địa phương có liên quan tổ chức thẩm định CTMTQG, làm báo cáo thẩm định, dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt CTMTQG, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Thời gian thẩm định CTMTQG không quá 45 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
Việc thẩm định các dự án trong từng CTMTQG do Chủ nhiệm chương trình xem xét quyết định theo qui định hiện hành. Nếu dự án thuộc nhóm A thì lập hồ sơ đầy đủ gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nếu dự án thuộc nhóm B thì Bộ trưởng Cơ quan quản lý chương trình, quản lý dự án phê duyệt.
2. Nội dung thẩm định CTMTQG tập trung vào các điểm sau:
- Mục tiêu của chương trình: được xem xét, đối chiếu với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước;
- Phạm vi thực hiện, đối tượng thụ hưởng của chương trình.
- Tổng mức vốn của chương trình; cơ cấu vốn; vốn của các dự án thành phần.
- Các giải pháp thực hiện chương trình bao gồm cả các giải pháp về nguồn lực, khả năng cân đối tài chính;
- Thời gian thực hiện chương trình;
- Kết quả thực hiện và hiệu quả Kinh tế - xã hội của chương trình;
- Cách tổ chức thực hiện chương trình;
Khi thẩm định chương trình sẽ xem xét và thoả thuận về số lượng mục tiêu, số lượng và nội dung của các dự án trong chương trình.
3. Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt CTMTQG.
Nội dung chủ yếu của Quyết định bao gồm:
- Xác định tên đầy đủ của CTMTQG và cơ quan quản lý chương trình;
- Mục tiêu, nhiệm vụ của CTMTQG;
- Thời gian và địa điểm thực hiện chương trình, các mốc tiến độ chính;
- Tổng mức vốn và cơ cấu nguồn vốn, trong đó phần Ngân sách Nhà nước đầu tư cho chương trình;
- Trách nhiệm của các cơ quan phối hợp thực hiện chương trình;
- Các cơ chế, chính sách để thực hiện chương trình;
- Hiệu quả đạt được của chương trình.
IV. ĐIỀU
CHỈNH NỘI DUNG CỦA CTMTQG
Việc điều chỉnh nội dung của CTMTQG được thực hiện theo quy định tại Điều 8 của QĐ 42/2002/QĐ-TTg và một số quy định cụ thể như sau:
1. Trong quá trình thực hiện, nếu thấy cần thiết phải thay đổi nội dung của CTMTQG, Cơ quan quản lý chương trình phải có đề xuất bằng văn bản đề nghị điều chỉnh nội dung của chương trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính (vào tháng 7, tháng 8 hàng năm) để đảm bảo các nội dung được điều chỉnh của chương trình, dự án sẽ được thực hiện ngay từ đầu năm sau.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức thẩm định nội dung văn bản đề nghị điều chỉnh của cơ quan quản lý chương trình và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản).
3. Sau khi nội dung điều chỉnh của CTMTQG đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Cơ quan quản lý chương trình điều chỉnh nội dung các dự án của CTMTQG nhằm đảm bảo mục tiêu của dự án trong tổng mức kinh phí đã được giao (trong thời hạn 30 ngày).
V. LỒNG
GHÉP CÁC HOẠT ĐỘNG CÓ NỘI DUNG GIỐNG NHAU
CỦA CÁC CTMTQG
Việc lồng ghép các hoạt động có nội dung giống nhau của các CTMTQG được thực hiện ngay từ khâu tổng hợp, phân bổ chỉ tiêu kế hoạch hàng năm ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trên cơ sở tổng nguồn vốn các CTMTQG và mục tiêu, nhiệm vụ của từng CTMTQG đã được Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành phối hợp, lồng ghép các hoạt động có nội dung giống nhau trên cùng địa bàn của các CTMTQG; phân bổ mục tiêu, nhiệm vụ và kinh phí theo mục tiêu, nhiệm vụ của từng CTMTQG và giao kế hoạch cho các quận, huyện, các chủ dự án thực hiện; giao trách nhiệm cho các Sở chuyên ngành tổ chức điều hành các quận, huyện, các chủ dự án triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của các CTMTQG trên địa bàn. Yêu cầu của việc lồng ghép là phải tuân thủ việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của từng CTMTQG, bảo đảm đúng nguyên tắc công việc của ngành nào thì do ngành đó làm và hướng hoạt động của các CTMTQG vào đúng đối tượng và địa bàn cần ưu tiên.
PHẦN II
CƠ CHẾ TÀI CHÍNH CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
I. KẾ
HOẠCH HOÁ NGUỒN LỰC CỦA CTMTQG
1. Hàng năm, theo hướng dẫn xây dựng kế hoạch của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và của Bộ Tài chính, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương thực hiện CTMTQG phải đánh giá tình hình thực hiện năm báo cáo, đề xuất nhu cầu năm kế hoạch, kiến nghị thay đổi mục tiêu dự án khi thấy mục tiêu dự án đó không phù hợp và không sát với tình hình thực tế của địa phương (nếu có) gửi cơ quan quản lý chương trình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.
2. Căn cứ vào mục tiêu 5 năm và hàng năm của các CTMTQG, cơ quan quản lý chương trình đánh giá tình hình thực hiện chương trình năm báo cáo, tổng hợp đề xuất nhu cầu nguồn lực năm kế hoạch của chương trình, bao gồm vốn Ngân sách Nhà nước (vốn trong nước, vốn vay và viện trợ của nước ngoài, đồng thời phân chia theo nguồn vốn đầu tư và vốn sự nghiệp), vốn tín dụng trong nước, vốn huy động từ cộng đồng, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.
3. Sau khi nhận được nhu cầu của cơ quan quản lý chương trình, của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, tổng hợp các nhiệm vụ, mục tiêu của các CTMTQG và đề xuất nguồn lực để đảm bảo thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ của các CTMTQG trong kỳ kế hoạch trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và trình Quốc hội thông qua.
II. PHÂN
BỔ VỐN VÀ GIAO KẾ HOẠCH CHO CÁC CTMTQG
1. Phân bổ vốn của các CTMTQG:
Căn cứ tổng mức kinh phí của chương trình được cấp có thẩm quyền thông báo, cơ quan quản lý CTMTQG chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính dự kiến phương án phân bổ kinh phí của CTMTQG cho từng dự án và chi tiết cho các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với các mục tiêu, nhiệm vụ đã được duyệt (trong trường hợp còn có ý kiến chưa thống nhất về cơ cấu và mức vốn cụ thể cho các đơn vị thực hiện thì ý kiến của cơ quan quản lý chương trình là quyết định).
Kết quả phân bổ mục tiêu, nhiệm vụ và kinh phí của các CTMTQG được gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp vào ngân sách chung của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
2. Giao chỉ tiêu kế hoạch các CTMTQG.
2.1. Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương các chỉ tiêu:
- Tổng kinh phí của tất cả các CTMTQG. Trong đó gồm có vốn đầu tư phát triển và kinh phí sự nghiệp;
- Các mục tiêu, nhiệm vụ của từng CTMTQG thực hiện trên địa bàn.
2.2. Trách nhiệm phân bổ dự toán CTMTQG.
Đối với Các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương: Căn cứ dự toán Ngân sách đã được Thủ tướng Chính phủ giao và hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tiến hành phân bổ, giao nhiệm vụ, mục tiêu và kinh phí cho các đơn vị thực hiện, gửi Bộ Tài chính theo qui định để thẩm định, làm căn cứ cấp phát ngân sách.
Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Hàng năm, căn cứ tổng dự toán ngân sách và mục tiêu nhiệm vụ của các CTMTQG được Thủ tướng Chính phủ giao, huy động các nguồn lực của địa phương theo luật định để bổ sung cho việc thực hiện các CTMTQG, UBND các tỉnh, thành phố tiến hành việc phối hợp, lồng ghép và phân bổ kinh phí cho từng mục tiêu, nhiệm vụ của các CTMTQG thực hiện trên địa bàn (bao gồm vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp), trình Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt cùng với việc phê duyệt phân bổ dự toán ngân sách địa phương hàng năm.
3. Cơ chế cấp phát và quyết toán kinh phí của các CTMTQG.
3.1. Kinh phí thực hiện các CTMTQG được cân đối trong dự toán chi Ngân sách Trung ương do Bộ Tài chính cấp cho các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương để thực hiện nhiệm vụ của CTMTQG do Trung ương quản lý và cấp bổ sung có mục tiêu cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của các CTMTQG do địa phương quản lý.
Việc cấp phát, quản lý, quyết toán kinh phí chi cho CTMTQG được thực hiện theo Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành.
Riêng vốn NSNN cấp mới để cho vay giải quyết việc làm được cấp để cho vay theo quy định tại Nghị định số 78/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
3.2. Chế độ chi tiêu của các CTMTQG thực hiện theo chế độ chi tiêu tài chính hiện hành áp dụng đối với các khoản chi từ nguồn vốn NSNN, vốn vay, viện trợ, vốn tín dụng và chế độ chi đặc thù của từng chương trình, dự án( nếu có).
PHẦN III
PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP QUẢN LÝ VÀ ĐIỀU HÀNH
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
- Là đầu mối giúp Chính phủ trong việc quản lý và điều hành các CTMTQG.
- Đề xuất, lựa chọn danh mục các CTMTQG trình Chính phủ.
- Căn cứ vào phương hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và 10 năm của Nhà nước và đề xuất của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính lựa chọn lập danh mục các CTMTQG, dự kiến cơ quan quản lý chương trình, tổng hợp trình Chính phủ xem xét để trình Quốc hội thông qua danh mục các CTMTQG thực hiện trong kỳ kế hoạch.
- Chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương có liên quan để tổ chức thẩm định các CTMTQG, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Chủ trì cùng Bộ Tài chính đề xuất tổng mức kinh phí Ngân sách phân bổ cho từng CTMTQG cụ thể (bao gồm cả kinh phí sự nghiệp và vốn đầu tư phát triển) trình Chính phủ xem xét để trình Quốc hội thông qua.
- Chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương xây dựng cơ chế về quản lý và điều hành các CTMTQG trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.
- Tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Bộ Tài chính tình hình thực hiện các CTMTQG hàng quí, cả năm và giữa kỳ; phát hiện các vướng mắc, tồn tại và đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các biện pháp xử lý kịp thời.
- Tham gia cùng các cơ quan quản lý CTMTQG trong việc xây dựng, phân bổ kinh phí cuả chương trình theo nhiệm vụ và mục tiêu.
- Tổng hợp phương án phân bổ vốn đầu tư phát triển và sự nghiệp các CTMTQG do các cơ quan quản lý chương trình dự kiến phân bổ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
- Tổng hợp nguồn kinh phí đã được phân bổ cho các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vào kế hoạch chung của các Bộ, ngành, địa phương, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
- Thông tin cho các cơ quan quản lý chương trình và các địa phương về định hướng xây dựng kế hoạch hàng năm của các chương trình mục tiêu quốc gia.
- Phối hợp với các Bộ, ngành để tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các CTMTQG của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương.
2. Bộ Tài chính:
- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư lựa chọn lập danh mục các CTMTQG, dự kiến cơ quan quản lý chương trình, đề xuất tổng mức phân bổ Ngân sách cho các CTMTQG (bao gồm cả kinh phí sự nghiệp và vốn đầu tư phát triển).
- Tham gia cùng các cơ quan quản lý chương trình trong việc phân bổ kinh phí cuả chương trình theo nhiệm vụ và mục tiêu.
- Tổng hợp phương án phân bổ kinh phí thực hiện CTMTQG vào dự toán ngân sách hàng năm của Các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương để trình Thủ tướng Chính phủ, trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định.
- Cấp phát kinh phí đã được cân đối trong dự toán chi Ngân sách Trung ương hàng năm cho các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương để thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của CTMTQG do Trung ương quản lý; cấp bổ sung kinh phí có mục tiêu cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo kế hoạch phân bổ kinh phí của các CTMTQG do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý.
- Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra giám sát tình hình thực hiện kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương theo chế độ tài chính hiện hành.
- Thẩm tra và thông báo quyết toán năm đối với kinh phí CTMTQG trong quyết toán Ngân sách Nhà nước do các cơ quan Trung ương thực hiện;
- Tổng hợp quyết toán chi CTMTQG trong tổng quyết toán Ngân sách Nhà nước hàng năm của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương trình Chính phủ để trình Quốc hội phê chuẩn.
3. Đối với các cơ quan quản lý CTMTQG:
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tổ chức xây dựng chương trình, dự án theo nhiệm vụ được giao (bao gồm cả điều chỉnh chương trình, dự án khi cần thiết) gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Tổ chức phê duyệt các dự án thuộc chương trình, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định đối với các dự án vượt thẩm quyền.
- Xây dựng kế hoạch hàng năm về thực hiện chương trình. Đây là nhiệm vụ chủ yếu của cơ quan quản lý chương trình và được tiến hành theo nội dung cụ thể sau:
+ Hàng năm, cơ quan quản lý chương trình có trách nhiệm lập kế hoạch về nhiệm vụ, mục tiêu, nhu cầu kinh phí và đề xuất các giải pháp để thực hiện chương trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp trình Chính phủ.
+ Căn cứ tổng mức kinh phí của chương trình được cấp có thẩm quyền thông báo, Cơ quan quản lý chương trình chủ trì và phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính dự kiến phân bổ kinh phí của chương trình về cơ cấu và mức vốn phân bổ cụ thể cho các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với các mục tiêu, nhiệm vụ đã được duyệt.
Kết quả phân bổ vốn và mục tiêu, nhiệm vụ của các chương trình được gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp vào ngân sách chung của các Bộ, ngành cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
- Tổ chức hướng dẫn các cơ quan ngành dọc ở địa phương phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính - Vật giá để xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình (bao gồm mục tiêu, nhiệm vụ, kinh phí và cơ chế chính sách, biện pháp tổ chức thực hiện,v.v...) để tổng hợp chung vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
- Thành lập Ban Chủ nhiệm chương trình để giúp Thủ trưởng cơ quan quản lý chương trình tổ chức thực hiện chương trình; giải thể Ban Chủ nhiệm chương trình khi chương trình kết thúc.
Chủ nhiệm chương trình là một đồng chí lãnh đạo Bộ, cơ quan Trung ương; các thành viên gồm đại diện có thẩm quyền của các bộ phận: kế hoạch, tài vụ và các bộ phận có liên quan. Qui chế hoạt động của Ban Chủ nhiệm CTMTQG do cơ quan quản lý chương trình quyết định. Kinh phí hoạt động của Ban Chủ nhiệm CTMTQG được bố trí trong kinh phí hoạt động thường xuyên của cơ quan quản lý CTMTQG. Chế độ chi tiêu của Ban Chủ nhiệm CTMTQG thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.
- Đối với những CTMTQG có tầm quan trọng đặc biệt, cần có thành viên của các Bộ, cơ quan Trung ương tham gia Ban Chủ nhiệm chương trình. Thành phần Ban Chủ nhiệm chương trình và Qui chế hoạt động của Ban Chủ nhiệm do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng cơ chế, chính sách và hướng dẫn nghiệp vụ cho các Bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để có căn cứ thực hiện.
- Phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn nội dung và chế độ chi tiêu phù hợp với từng mục tiêu, nhiệm vụ của CTMTQG.
- Đôn đốc, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các CTMTQG của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Báo cáo tình hình thực hiện chương trình hàng quí, hàng năm và giữa kỳ theo các qui định thống nhất về nội dung và biểu mẫu.
- Hướng dẫn và yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện đầy đủ nội dung và tiến độ báo cáo tình hình thực hiện CTMTQG theo qui định chung.
4. Nhiệm vụ của các cơ quan được phân công quản lý và thực hiện các dự án của chương trình.
Trong một số CTMTQG, ngoài việc Thủ tướng Chính phủ phân công cho một cơ quan quản lý chung toàn bộ chương trình thì còn một số dự án được giao cho các Bộ, ngành khác quản lý và tổ chức thực hiện; các Bộ, ngành này có nhiệm vụ như sau:
- Hàng năm, căn cứ vào hướng dẫn của các Cơ quan quản lý CTMTQG các Bộ tiến hành xây dựng kế hoạch thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, đề xuất nguồn lực để thực hiện các dự án của CTMTQG do Bộ được phân công quản lý và thực hiện, gửi về Cơ quan quản lý chương trình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp chung vào kế hoạch của CTMTQG.
- Tổ chức bảo vệ kế hoạch hàng năm của các dự án được phân công với Cơ quan quản lý chương trình CTMTQG, có sự tham gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.
- Căn cứ tổng mức kinh phí của dự án được cấp có thẩm quyền thông báo, cơ quan quản lý dự án chủ trì phối hợp với cơ quan quản lý chương trình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính phân bổ kinh phí của dự án cho các đơn vị thực hiện.(Trong trường hợp còn có ý kiến chưa thống nhất về cơ cấu và mức vốn cụ thể cho các đơn vị thực hiện, thì ý kiến của cơ quan quản lý dự án là quyết định). Kết quả phân bổ vốn và mục tiêu, nhiệm vụ của dự án được gửi về cơ quan quản lý chương trình, đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp vào Ngân sách chung của các Bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trình Thủ tướng Chính phủ.
- Tổ chức hướng dẫn các cơ quan ngành dọc ở địa phương phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính - Vật giá để xây dựng kế hoạch thực hiện dự án (bao gồm nhiệm vụ, kinh phí, cơ chế chính sách và biện pháp tổ chức thực hiện,...) để tổng hợp chung vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
- Tuỳ tính chất và mức độ phức tạp của dự án, có thể thành lập Ban quản lý dự án để giúp Thủ trưởng cơ quan quản lý dự án tổ chức thực hiện dự án. Chủ nhiệm dự án có thể là một lãnh đạo Bộ, các thành viên gồm đại diện có thẩm quyền của các bộ phận kế hoạch, tài vụ và các bộ phận khác có liên quan. Qui chế hoạt động của Ban quản lý dự án do Thủ trưởng cơ quan quản lý dự án qui định. Kinh phí hoạt động của Ban quản lý dự án được bố trí trong kinh phí hoạt động thường xuyên của cơ quan quản lý dự án. Chế độ chi tiêu thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.
- Ngoài nguồn kinh phí đã được giao, được phép huy động các nguồn lực khác theo luật định để bổ sung cho việc thực hiện các dự án của chương trình; báo cáo cho cơ quan quản lý chương trình biết (nếu có)về mức huy động và phải thực hiện thanh quyết toán theo qui định hiện hành về tài chính (nếu trực tiếp sử dụng).
- Chịu trách nhiệm về việc sử dụng kinh phí của các dự án được giao thực hiện đảm bảo đúng mục đích, có hiệu quả, không để thất thoát.
- Báo cáo với cơ quan quản lý CTMTQG, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về tình hình thực hiện dự án của CTMTQG do Bộ quản lý và thực hiện theo nội dung, biểu mẫu và thời gian qui định.
5. Nhiệm vụ của Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm quản lý thống nhất nguồn lực, điều hành, tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của các CTMTQG hoạt động trên địa bàn, bao gồm các nội dung:
- Thành lập Ban Chỉ đạo các CTMTQG của địa phương để giúp UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc quản lý, lập kế hoạch, lồng ghép và tổ chức điều hành thực hiện các CTMTQG trên địa bàn. Trưởng ban Chỉ đạo là một đồng chí Lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thường trực Ban chỉ đạo là lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, các thành viên là đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành có liên quan. Mỗi tỉnh, thành phố chỉ thành lập duy nhất một Ban chỉ đạo để điều hành chung tất cả các CTMTQG thực hiện trên địa bàn. Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định. Kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo do Ngân sách địa phương đảm bảo. Chế độ chi tiêu thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.
- Hàng năm, căn cứ vào hướng dẫn của các cơ quan quản lý CTMTQG, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch hàng năm của CTMTQG (mục tiêu, nhiệm vụ, kinh phí, biện pháp tổ chức thực hiện) gửi cơ quan quản lý dự án, chương trình tổng hợp chung vào kế hoạch của các dự án, CTMTQG gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính để tổng hợp chung vào kế hoạch của CTMTQG.
- Tổ chức thẩm định và phê duyệt các dự án của các CTMTQG do địa phương quản lý theo qui định hiện hành.
- Tổ chức lồng ghép và phối hợp các nguồn lực của các CTMTQG: Căn cứ đặc điểm, tính chất và nội dung hoạt động của từng chương trình, cùng với đặc điểm cụ thể của địa phương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức lồng ghép các dự án do địa phương quản lý ngay từ khâu phân bổ dự toán để tránh sự trùng chéo, giảm bớt đầu mối và tập trung nguồn lực cho mục tiêu cần ưu tiên.
- Ngoài nguồn kinh phí Trung ương đã giao cần huy động các nguồn lực của địa phương (bao gồm cả kinh phí, ngày công lao động và các yếu tố vật chất khác) để bổ sung cho việc thực hiện chương trình; báo cáo mức bổ sung kinh phí của từng chương trình (nếu có) cho cơ quan quản lý chương trình, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, và phải thực hiện thanh quyết toán theo qui định hiện hành về tài chính.
- Giao chỉ tiêu kế hoạch về mục tiêu, nhiệm vụ và kinh phí của các CTMTQG do địa phương quản lý trên địa bàn cho các chủ dự án và UBND quận, huyện thực hiện.
- Chịu trách nhiệm về việc sử dụng kinh phí của các CTMTQG đúng mục đích, có hiệu quả, không để thất thoát và chịu trách nhiệm về việc không thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ của các CTMTQG hoạt động trên địa bàn do kinh phí không được thực hiện đúng mục đích.
- Báo cáo với cơ quan quản lý CTMTQG, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về tình hình thực hiện các CTMTQG thuộc quyền quản lý trên địa bàn theo nội dung, biểu mẫu và thời gian qui định.
- Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình tại cơ sở, chủ yếu là xã, phường. Kịp thời uốn nắn các hiện tượng mất dân chủ trong việc thực hiện chương trình và xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp để thất thoát kinh phí do vô trách nhiệm hoặc tham nhũng.
Phần IV
Chế độ báo cáo
1. Báo cáo phân bổ dự toán CTMTQG:
- Đối với các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương: Căn cứ dự toán Ngân sách đã được cấp có thẩm quyền giao phải khẩn trương phân bổ dự toán cho các đơn vị trực thuộc theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, để bảo đảm đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc nhận được dự toán ngân sách chi CTMTQG cùng dự toán chi ngân sách thường xuyên trước ngày 31 tháng 12 năm trước; bảo đảm khớp đúng về tổng mức và chi tiết theo từng mục chi đã được giao, đồng thời tổng hợp kết quả phân bổ trong dự toán phân bổ chi tiết của Bộ, ngành, cơ quan Trung ương gửi Bộ Tài chính thẩm định làm căn cứ cấp phát ngân sách, chậm nhất vào ngày 05 tháng 01 năm sau. Ngoài ra các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương phải gửi báo cáo phân bổ CTMTQG cho cơ quan quản lý chương trình để theo dõi.
Bộ Tài chính có trách nhiệm thẩm định kết quả giao dự toán ngân sách CTMTQG của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, nếu có vấn đề không phù hợp với nội dung dự toán do cơ quan có thẩm quyền giao thì yêu cầu đơn vị điều chỉnh lại. Sau 15 ngày nhận được báo cáo kết quả giao dự toán ngân sách của các đơn vị, nếu Bộ Tài chính không có ý kiến thì kết quả giao dự toán của đơn vị coi như được chấp nhận.
- Đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Căn cứ tổng dự toán ngân sách các CTMTQG được Thủ tướng Chính phủ giao, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành việc phối hợp, lồng ghép và phân bổ kinh phí cho từng mục tiêu, nhiệm vụ của các CTMTQG thực hiện trên địa bàn, trong đó phân định rõ vốn ngân sách Trung ương và phần vốn huy động tại địa phương để làm căn cứ cấp phát ngân sách cùng với việc phân bổ dự toán ngân sách địa phương để trình Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt. Kết quả phân bổ CTMTQG được gửi đến Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cơ quan quản lý CTMTQG chậm nhất 05 ngày sau khi được Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt
2. Báo cáo tình hình thực hiện CTMTQG:
Các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương có trách nhiệm báo cáo tình hình thực hiện CTMTQG gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cơ quan quản lý CTMTQG.
Báo cáo định kỳ gồm: báo cáo quý, báo cáo năm và báo cáo giữa kỳ (báo cáo giữa kỳ áp dụng đối với CTMTQG có thời hạn là 5 năm được tiến hành vào giữa thời gian thực hiện chương trình) theo biểu mẫu và thời gian quy định cụ thể:
- Các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, cơ quan được phân công quản lý và thực hiện dự án của CTMTQG và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm báo cáo tình hình thực hiện các CTMTQG (bao gồm cả khối lượng, nhiệm vụ và kinh phí đã thực hiện trong kỳ) gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính và cơ quan quản lý chương trình (phần kinh phí do cơ quan quản lý chương trình chịu trách nhiệm theo dõi thực hiện).
- Cơ quan quản lý CTMTQG: Căn cứ vào báo cáo của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, cơ quan được phân công quản lý và thực hiện các dự án của CTMTQG chịu trách nhiệm tổng hợp báo cáo định kỳ (quí, năm và giữa kỳ) về tình hình thực hiện CTMTQG gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính.
- Thời gian nộp báo cáo:
Đối với các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, cơ quan được phân công quản lý và thực hiện các dự án của CTMTQG và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: báo cáo quý gửi chậm nhất là 30 ngày sau khi kết thúc quý; báo cáo năm gửi chậm nhất vào cuối tháng 3 năm sau.
Đối với cơ quan quản lý CTMTQG: Báo cáo quý gửi chậm nhất 45 ngày sau khi kết thúc quý; báo cáo năm gửi chậm nhất vào cuối tháng 4 năm sau.
3.Báo cáo quyết toán CTMTQG:
Việc quyết toán CTMTQG được thực hiện cùng với quyết toán chi ngân sách Nhà nước hàng năm của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành. Cùng với số liệu quyết toán kinh phí thực hiện CTMTQG hàng năm, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương có trách nhiệm thuyết minh cụ thể trong báo cáo quyết toán ngân sách kết quả thực hiện CTMTQG về khối lượng thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu tương ứng với mức kinh phí đã thực hiện.
- Trường hợp các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không thực hiện đúng quy định về chế độ báo cáo quy định tại các điểm 1, 2, 3 phần IV của Thông tư này thì cơ quan Tài chính sẽ tạm dừng cấp phát, hoặc thông báo cho Kho Bạc Nhà nước dừng thanh toán kinh phí CTMTQG cho đến khi nhận được báo cáo.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, tổng hợp, đánh giá tình hình, kiến nghị các giải pháp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định nhằm xử lý những vướng mắc, khó khăn, uốn nắn kịp thời những sai lệch trong quá trình thực hiện, đảm bảo không chệch mục tiêu cuối cùng của CTMTQG.
Phần V
Điều khoản thi hành
- Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ban hành. Những quy định trước đây trái với quy định của thông tư này đều bãi bỏ.
- Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện, nếu thấy có khó khăn vướng mắc đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phản ảnh về Liên bộ để nghiên cứu giải quyết.