Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Nghị định 113/2009/NĐ-CP của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư
- Tóm tắt
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
thuộc tính Nghị định 113/2009/NĐ-CP
Cơ quan ban hành: | Chính phủ | Số công báo: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Số hiệu: | 113/2009/NĐ-CP | Ngày đăng công báo: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày đăng công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Loại văn bản: | Nghị định | Người ký: | Nguyễn Sinh Hùng |
Ngày ban hành: | 15/12/2009 | Ngày hết hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày hết hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Áp dụng: | Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | Đầu tư |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Quy định về giám sát và đánh giá đầu tư - Ngày 15/12/2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 113/2009/NĐ-CP về giám sát và đánh giá đầu tư. Nghị định này quy định về nội dung giám sát, đánh giá và việc tổ chức thực hiện giám sát, đánh giá dự án đầu tư và hoạt động đầu tư trực tiếp sử dụng tất cả các nguồn vốn; việc giám sát, đánh giá hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ. Theo Nghị định này, đối với các dự án đầu tư sử dụng 30% vốn Nhà nước trở lên, chủ đầu tư tự tổ chức kiểm tra thường xuyên dự án đầu tư do mình làm chủ đầu tư, người có thẩm quyền quyết định đầu tư tổ chức kiểm tra dự án đầu tư do mình quyết định đầu tư ít nhất 01 lần đối với các dự án có thời gian thực hiện dài hơn 12 tháng; các dự án nhóm B trở lên phải thực hiện đánh giá ban đầu và đánh giá kết thúc dự án; các dự án có phân kỳ đầu tư theo giai đoạn phải thực hiện đánh giá giữa kỳ khi kết thúc từng giai đoạn thực hiện. Khuyến khích chủ đầu tư dự án sử dụng các nguồn vốn khác thực hiện các đánh giá dự án đầu tư như quy định nêu trên. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức thực hiện giám sát và đánh giá đầu tư. Bộ này có nhiệm vụ hướng dẫn, theo dõi và tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về công tác giám sát, đánh giá đầu tư trong toàn quốc; tổ chức thực hiện giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư trong phạm vi toàn quốc; chủ trì lập kế hoạch và phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan thực hiện kiểm tra, đánh giá các dự án quan trọng quốc gia, các dự án nhóm A. Các bộ, cơ quan ngang bộ có nhiệm vụ tổ chức thực hiện theo dõi, kiểm tra, đánh giá dự án đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định của mình. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện theo dõi, kiểm tra, đánh giá dự án các dự án thuộc thẩm quyền quyết định của mình và các dự án do mình cấp giấy chứng nhận đầu tư; giám sát việc thực hiện theo quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đai, đảm bảo môi trường của các dự án trên địa bàn của tỉnh, thành phố. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2010.
Xem chi tiết Nghị định 113/2009/NĐ-CP tại đây
tải Nghị định 113/2009/NĐ-CP
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
CHÍNH PHỦ Số: 113/2009/NĐ-CP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 2009 |
NGHỊ ĐỊNH
VỀ GIÁM SÁT VÀ ĐÁNH GIÁ ĐẦU TƯ
-----
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản số 38/2009/QH12;
Căn cứ Luật Đầu tư số 59/2005/QH11;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
NGHỊ ĐỊNH
Chương 1. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh:
a. Nghị định này quy định về nội dung giám sát, đánh giá và việc tổ chức thực hiện giám sát, đánh giá dự án đầu tư và hoạt động đầu tư trực tiếp sử dụng tất cả các nguồn vốn;
b. Việc giám sát, đánh giá hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ;
c. Các quy định về theo dõi, đánh giá các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) khác với quy định tại Nghị định này, thực hiện theo pháp luật về quản lý và sử dụng vốn ODA. Việc kiểm tra dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) được thực hiện theo quy định tại Nghị định này.
d. Việc giám sát cộng đồng được thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
2. Đối tượng áp dụng của Nghị định này bao gồm: cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp và hoạt động giám sát, đánh giá đầu tư.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. “Giám sát, đánh giá đầu tư” là hoạt động theo dõi, kiểm tra và đánh giá mức độ đạt được của quá trình đầu tư so với yêu cầu và mục tiêu đầu tư. Giám sát, đánh giá đầu tư gồm giám sát, đánh giá dự án đầu tư và giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư.
2. “Giám sát dự án đầu tư” là hoạt động theo dõi thường xuyên, kiểm tra định kỳ theo kế hoạch hoặc đột xuất quá trình đầu tư của dự án theo các quy định về quản lý đầu tư nhằm đảm bảo mục tiêu và hiệu quả của dự án.
3. “Theo dõi dự án đầu tư” là hoạt động thường xuyên và định kỳ cập nhật các thông tin liên quan đến tình hình thực hiện dự án; tổng hợp, phân tích, đánh giá thông tin, đề xuất các phương án phục vụ việc ra quyết định của các cấp quản lý nhằm đảm bảo dự án đầu tư thực hiện đúng mục tiêu, đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng và trong khuôn khổ các nguồn lực đã được xác định.
4. “Kiểm tra dự án đầu tư” là hoạt động định kỳ theo kế hoạch hoặc đột xuất, nhằm kiểm tra việc chấp hành quy định về quản lý dự án của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan; phát hiện kịp thời những sai sót, yếu kém về quản lý dự án theo quy định của pháp luật; kiến nghị các cấp có thẩm quyền xử lý những vướng mắc, phát sinh, việc làm sai quy định về quản lý dự án; giám sát việc xử lý và chấp hành các biện pháp xử lý các vấn đề đã phát hiện.
5. “Đánh giá dự án đầu tư” là hoạt động định kỳ theo kế hoạch hoặc đột xuất nhằm xác định mức độ đạt được theo mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể so với quyết định đầu tư dự án hoặc tiêu chuẩn đánh giá quy định của nhà nước tại một thời điểm nhất định. Đánh giá dự án đầu tư bao gồm: đánh giá ban đầu, đánh giá giữa kỳ, đánh giá kết thúc, đánh giá tác động và đánh giá đột xuất.
6. “Đánh giá ban đầu” là đánh giá được thực hiện ngay sau khi bắt đầu thực hiện dự án, nhằm xem xét tình hình thực tế của dự án so với thời điểm phê duyệt dự án để có biện pháp xử lý ngay từ khâu thiết kế kỹ thuật, lập kế hoạch thực hiện dự án.
7. “Đánh giá giữa kỳ” là đánh giá được thực hiện vào thời điểm giữa kỳ theo tiến độ thực hiện dự án được phê duyệt hoặc sau khi kết thúc từng giai đoạn (đối với dự án được thực hiện theo nhiều giai đoạn), nhằm xem xét quá trình thực hiện dự án từ khi bắt đầu triển khai để đề xuất các điều chỉnh cần thiết.
8. “Đánh giá kết thúc” là đánh giá được tiến hành ngay sau khi kết thúc thực hiện dự án nhằm xem xét các kết quả đạt được của dự án, rút ra các bài học kinh nghiệm.
9. “Đánh giá tác động” là đánh giá được thực hiện vào thời điểm thích hợp sau năm thứ 3 kể từ ngày đưa dự án vào vận hành, nhằm làm rõ hiệu quả, tính bền vững và tác động kinh tế - xã hội của dự án so với mục tiêu đặt ra ban đầu.
10. “Đánh giá đột xuất” là đánh giá được thực hiện trong những trường hợp có những vướng mắc, khó khăn, tác động phát sinh ngoài dự kiến trong quá trình thực hiện dự án.
11. “Giám sát tổng thể đầu tư” là việc theo dõi thường xuyên, kiểm tra định kỳ theo kế hoạch quá trình thực hiện đầu tư ở các cấp của các ngành và địa phương; phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những sai phạm, thiếu sót để đảm bảo đầu tư theo quy hoạch, kế hoạch, mục tiêu và đảm bảo hiệu quả.
12. “Theo dõi tổng thể đầu tư” là hoạt động thường xuyên và định kỳ cập nhật các thông tin liên quan đến hoạt động đầu tư và việc quản lý đầu tư của các cấp, các ngành và địa phương; tổng hợp, phân tích, đánh giá thông tin và đề xuất các cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý đầu tư.
13. “Kiểm tra tổng thể đầu tư” là hoạt động định kỳ theo kế hoạch hoặc đột xuất, nhằm kiểm tra việc chấp hành quy định về quản lý đầu tư của các cấp, các ngành; phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những sai sót, yếu kém, bảo đảm việc quản lý đầu tư đúng quy định của pháp luật; phát hiện và kiến nghị các cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời những vướng mắc, phát sinh hoặc việc làm sai quy định về quản lý đầu tư; giám sát việc xử lý và chấp hành các biện pháp xử lý các vấn đề đã phát hiện.
14. “Đánh giá tổng thể đầu tư” là hoạt động định kỳ theo kế hoạch nhằm phân tích, đánh giá kết quả đầu tư của nền kinh tế, ngành, địa phương; xác định mức độ đạt được so với quy hoạch, kế hoạch trong từng thời kỳ hay từng giai đoạn; phân tích nguyên nhân ảnh hưởng đến kết quả đầu tư cũng như đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư trong kỳ hay giai đoạn kế hoạch sau.
15. “Dự án đầu tư sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên” là dự án đầu tư có thành phần vốn nhà nước tham gia chiếm từ 30% tổng mức đầu tư của dự án trở lên và được xác định tại quyết định phê duyệt dự án. Việc xác định tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào dự án được tính theo từng dự án cụ thể.
16. “Dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn khác” là dự án đầu tư không sử dụng vốn nhà nước hoặc có thành phần vốn nhà nước tham gia nhỏ hơn 30% tổng mức đầu tư của dự án.
17. “Tổng công ty 91” là Tổng công ty của nhà nước được thành lập theo Quyết định số 91/TTg ngày 07 tháng 3 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm thành lập Tập đoàn kinh doanh.
Chương 2. GIÁM SÁT, ĐÁNH GIÁ DỰ ÁN ĐẦU TƯ
MỤC 1. GIÁM SÁT, ĐÁNH GIÁ DỰ ÁN ĐẦU TƯ SỬ DỤNG 30% VỐN NHÀ NƯỚC TRỞ LÊN
Điều 3. Theo dõi dự án đầu tư
1. Nội dung theo dõi dự án đầu tư của Chủ đầu tư
a. Cập nhật tình hình thực hiện dự án đầu tư: tiến độ thực hiện dự án; khối lượng thực hiện; chất lượng công việc; các chi phí; các biến động.
b. Cập nhật tình hình quản lý thực hiện dự án: lập kế hoạch triển khai; chi tiết hóa kế hoạch triển khai các nội dung quản lý thực hiện dự án; cập nhật tình hình thực hiện và điều chỉnh kế hoạch; cập nhật tình hình bảo đảm chất lượng và hiệu lực quản lý dự án;
c. Cập nhật tình hình xử lý, phản hồi thông tin: tình hình bảo đảm thông tin báo cáo; tình hình xử lý thông tin báo cáo; tình hình và kết quả giải quyết các vướng mắc, phát sinh;
d. Kịp thời báo cáo và đề xuất các phương án xử lý các khó khăn, vướng mắc, các vấn đề vượt quá thẩm quyền.
2. Nội dung theo dõi dự án đầu tư của người có thẩm quyền quyết định đầu tư
a. Theo dõi tình hình thực hiện chế độ báo cáo của Chủ đầu tư; kiểm tra tính đầy đủ, cập nhật và tính chính xác của các thông tin theo dõi dự án đầu tư cho Chủ đầu tư cung cấp;
b. Tổng hợp tình hình thực hiện dự án đầu tư: tiến độ thực hiện, tình hình giải ngân, đấu thầu, giải phóng mặt bằng, tái định cư, bảo vệ môi trường; các khó khăn, vướng mắc chính ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án;
c. Phản hồi và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh theo thẩm quyền;
d. Theo dõi việc xử lý và chấp hành các biện pháp xử lý của Chủ đầu tư;
đ. Kịp thời báo cáo và đề xuất các phương án xử lý các khó khăn, vướng mắc, các vấn đề vượt quá thẩm quyền theo quy định.
3. Nội dung theo dõi dự án đầu tư của các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư.
a. Theo dõi tình hình thực hiện chế độ báo cáo của người quyết định đầu tư và Chủ đầu tư theo quy định;
b. Tổng hợp tình hình thực hiện dự án: tiến độ thực hiện, tình hình giải ngân, công tác đấu thầu; các khó khăn, vướng mắc chính ảnh hưởng đến dự án;
c. Phản hồi và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh theo thẩm quyền;
d. Theo dõi việc xử lý và chấp hành các biện pháp xử lý của Chủ đầu tư, của người quyết định đầu tư liên quan đến dự án;
đ. Kịp thời báo cáo và đề xuất các phương án xử lý các khó khăn, vướng mắc, các vấn đề vượt quá thẩm quyền.
Điều 4. Kiểm tra dự án đầu tư
1. Chế độ kiểm tra dự án đầu tư
a. Chủ đầu tư tự tổ chức kiểm tra thường xuyên dự án đầu tư do mình làm Chủ đầu tư.
b. Người có thẩm quyền quyết định đầu tư:
Tổ chức kiểm tra dự án đầu tư do mình quyết định đầu tư ít nhất 01 lần đối với các dự án có thời gian thực hiện dài hơn 12 tháng;
Tổ chức kiểm tra các dự án đầu tư khi điều chỉnh dự án làm thay đổi địa điểm, quy mô, mục tiêu, vượt tổng mức đầu tư từ 30% trở lên;
Các trường hợp kiểm tra khác khi cần thiết;
c. Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư quyết định tổ chức kiểm tra dự án đầu tư theo kế hoạch hoặc đột xuất.
2. Nội dung kiểm tra dự án đầu tư của Chủ đầu tư
a. Kiểm tra toàn bộ các nội dung liên quan đến tổ chức thực hiện và quản lý dự án;
b. Việc chấp hành các quy định liên quan đến quản lý đầu tư của Ban quản lý dự án và các nhà thầu;
c. Năng lực quản lý thực hiện dự án của Ban quản lý dự án và các nhà thầu;
d. Phát hiện và kiến nghị các cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc và sai phạm trong quá trình thực hiện dự án; giám sát việc xử lý và chấp hành các biện pháp xử lý các vấn đề đã phát hiện của Ban quản lý dự án, các nhà thầu.
3. Nội dung kiểm tra dự án đầu tư của người có thẩm quyền quyết định đầu tư.
a. Việc chấp hành quy định về: đấu thầu; đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư; sử dụng vốn đầu tư và các nguồn lực khác của dự án; bố trí vốn đầu tư, giải ngân, thanh toán; giải quyết các vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện đầu tư dự án; nghiệm thu đưa dự án vào hoạt động; quản lý, vận hành dự án; bảo vệ môi trường, sinh thái;
b. Năng lực quản lý thực hiện dự án của Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án;
c. Phát hiện và kiến nghị các cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc và sai phạm trong quá trình thực hiện dự án; giám sát việc xử lý và chấp hành các biện pháp xử lý các vấn đề đã phát hiện của Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án.
4. Nội dung kiểm tra dự án đầu tư của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư
a. Việc chấp hành quy định về: lập, thẩm định, phê duyệt dự án; đấu thầu; đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư; sử dụng vốn đầu tư và các nguồn lực khác của dự án; bố trí vốn đầu tư, giải ngân, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư; giải quyết các vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện đầu tư dự án; nghiệm thu đưa dự án vào hoạt động; quản lý, vận hành dự án; bảo vệ môi trường, sinh thái.
b. Năng lực quản lý thực hiện dự án của cơ quan trực tiếp quản lý các Chủ đầu tư, Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án.
c. Phát hiện và kiến nghị các cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc và sai phạm trong quá trình thực hiện dự án; giám sát việc xử lý và chấp hành các biện pháp xử lý các vấn đề đã phát hiện của cơ quan trực tiếp quản lý Chủ đầu tư, Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án.
Điều 5. Các trường hợp phải thực hiện đánh giá dự án đầu tư
1. Các dự án nhóm B trở lên phải thực hiện đánh giá ban đầu và đánh giá kết thúc dự án.
2. Các dự án có phân kỳ đầu tư theo giai đoạn, phải thực hiện đánh giá giữa kỳ khi kết thúc từng giai đoạn thực hiện.
3. Người có thẩm quyền quyết định đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư quyết định thực hiện các loại đánh giá khác khi cần thiết, phù hợp với yêu cầu và điều kiện cụ thể của từng dự án.
Điều 6. Nội dung đánh giá dự án đầu tư
1. Đánh giá ban đầu:
a. Đánh giá công tác chuẩn bị, tổ chức, huy động các nguồn lực của dự án, bảo đảm thực hiện dự án đúng mục tiêu, tiến độ đã được phê duyệt;
b. Đánh giá những vướng mắc, phát sinh mới xuất hiện so với thời điểm phê duyệt dự án; những vướng mắc, phát sinh mới do yếu tố khách quan (như môi trường chính sách, pháp lý thay đổi, phải điều chỉnh dự án cho phù hợp với điều kiện khí hậu, địa chất …) hoặc do các yếu tố chủ quan (như năng lực, cơ cấu tổ chức quản lý thực hiện dự án, …);
c. Đề xuất các biện pháp giải quyết các vấn đề vướng mắc, phát sinh phù hợp với điều kiện thực tế.
2. Đánh giá giữa kỳ:
a. Đánh giá sự phù hợp của kết quả thực hiện dự án so với mục tiêu đầu tư;
b. Đánh giá mức độ hoàn thành khối lượng công việc đến thời điểm đánh giá so với kế hoạch thực hiện dự án đã được phê duyệt;
c. Đề xuất các giải pháp cần thiết, kể cả việc điều chỉnh thiết kế, mục tiêu của dự án (nếu cần);
d. Các bài học kinh nghiệm rút ra từ việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án và quản lý thực hiện dự án.
3. Đánh giá kết thúc:
a. Đánh giá quá trình chuẩn bị đầu tư dự án;
b. Đánh giá quá trình thực hiện dự án: hoạt động quản lý thực hiện dự án; kết quả thực hiện các mục tiêu của dự án; các nguồn lực đã huy động cho dự án; các lợi ích do dự án mang lại cho những người thụ hưởng và những người tham gia; các tác động của dự án; tính bền vững và các yếu tố bảo đảm tính bền vững của dự án;
c. Các bài học rút ra sau quá trình thực hiện dự án và đề xuất các khuyến nghị cần thiết.
4. Đánh giá tác động:
a. Đánh giá thực trạng kinh tế - kỹ thuật vận hành của dự án;
b. Đánh giá tác động kinh tế - xã hội của dự án.
c. Đánh giá tác động môi trường, sinh thái của dự án;
d. Đánh giá tính bền vững của dự án;
đ. Các bài học thành công và thất bại của các khâu thiết kế - thực hiện - vận hành dự án.
5. Đánh giá đột xuất:
a. Xác định tình trạng và bản chất những phát sinh ngoài dự kiến;
b. Xác định các ảnh hưởng và mức độ ảnh hưởng của những phát sinh đến việc thực hiện dự án, khả năng hoàn thành các mục tiêu của dự án;
c. Kiến nghị các biện pháp can thiệp, cơ quan thực hiện và thời hạn hoàn thành.
Điều 7. Tổ chức thực hiện đánh giá dự án đầu tư
1. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện đánh giá ban đầu, giữa kỳ và kết thúc dự án đầu tư.
2. Người quyết định đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng kế hoạch hàng năm về đánh giá tác động, đánh giá đột xuất dự án đầu tư thuộc quyền quản lý của mình, phù hợp với quy mô, tính chất của dự án và khả năng kinh phí của cơ quan.
3. Các quyền tổ chức thực hiện đánh giá dự án đầu tư có thể tự thực hiện hoặc thuê chuyên gia, tổ chuyên gia, tổ chức tư vấn để đánh giá dự án đầu tư. Chi phí đánh giá dự án đầu tư do cơ quan thực hiện đánh giá đầu tư trả.
4. Trường hợp phải thuê tư vấn đánh giá dự án đầu tư thì các chuyên gia, tổ chuyên gia, tổ chức tư vấn đánh giá dự án đầu tư được thuê phải có đủ điều kiện năng lực.
5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về điều kiện năng lực của tổ chức và cá nhân thực hiện tư vấn đánh giá dự án đầu tư.
MỤC 2. GIÁM SÁT, ĐÁNH GIÁ DỰ ÁN ĐẦU TƯ SỬ DỤNG NGUỒN VỐN KHÁC
Điều 8. Nội dung theo dõi dự án đầu tư
1. Nội dung theo dõi dự án đầu tư của Chủ đầu tư
a. Cập nhật tình hình thực hiện dự án: tiến độ đầu tư tổng thể của dự án;
b. Cập nhật tình hình thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường, sử dụng đất đai, sử dụng tài nguyên khoáng sản theo quy định;
c. Cập nhật tình hình thực hiện các nội dung quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư.
2. Nội dung theo dõi dự án đầu tư của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư
a. Theo dõi tình hình thực hiện chế độ báo cáo của Chủ đầu tư;
b. Tổng hợp tình hình thực hiện dự án đầu tư;
c. Tổng hợp tình hình thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường, sử dụng đất đai, sử dụng tài nguyên khoáng sản của các dự án đầu tư;
d. Phản hồi và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh theo thẩm quyền;
đ. Theo dõi việc xử lý và chấp hành các biện pháp xử lý của Chủ đầu tư và người có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư;
e. Kịp thời báo cáo và đề xuất các phương án xử lý các khó khăn, vướng mắc, các vấn đề vượt quá thẩm quyền.
Điều 9. Nội dung kiểm tra dự án đầu tư
1. Nội dung kiểm tra dự án đầu tư của người có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
a. Kiểm tra tiến độ thực hiện dự án;
b. Kiểm tra việc thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường, sử dụng đất đai, sử dụng tài nguyên khoáng sản;
c. Kiểm tra việc thực hiện các nội dung quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư;
d. Phát hiện và kiến nghị các cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc và sai phạm trong quá trình thực hiện dự án; giám sát việc xử lý và chấp hành các biện pháp xử lý các vấn đề đã phát hiện.
2. Nội dung kiểm tra dự án đầu tư của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư.
a. Kiểm tra sự phù hợp của dự án với các quy hoạch liên quan;
b. Kiểm tra tiến độ thực hiện dự án;
c. Kiểm tra việc thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường, sử dụng đất đai, sử dụng tài nguyên khoáng sản;
d. Kiểm tra việc chấp hành các chính sách, chế độ quy định của Nhà nước, của ngành và địa phương áp dụng cho dự án;
đ. Kiểm tra việc thực hiện các nội dung quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư;
e. Phát hiện và kiến nghị các cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc và sai phạm trong quá trình thực hiện dự án; giám sát việc xử lý và chấp hành các biện pháp xử lý các vấn đề đã phát hiện.
Điều 10. Đánh giá dự án đầu tư
1. Khuyến khích Chủ đầu tư dự án sử dụng các nguồn vốn khác thực hiện các đánh giá dự án đầu tư như quy định tại các Điều 5, 6 và 7 Nghị định này.
2. Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư quyết định việc tổ chức đánh giá dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác khi cần thiết và phù hợp với yêu cầu về quản lý hoạt động đầu tư.
Chương 3. GIÁM SÁT VÀ ĐÁNH GIÁ TỔNG THỂ ĐẦU TƯ
Điều 11. Nội dung theo dõi tổng thể đầu tư
1. Cập nhật tình hình ban hành văn bản hướng dẫn các chính sách, pháp luật liên quan đến đầu tư theo thẩm quyền.
2. Cập nhật tình hình lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý thực hiện các quy hoạch.
3. Cập nhật tình hình lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước.
4. Cập nhật tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước; tình hình nợ đọng vốn trong đầu tư; tình trạng lãng phí, thất thoát trong đầu tư sử dụng vốn nhà nước.
5. Cập nhật tình hình thẩm tra, cấp Giấy chứng nhận đầu tư, quản lý thực hiện các dự án đầu tư theo Luật đầu tư.
6. Cập nhật việc tổ chức thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư.
Điều 12. Nội dung kiểm tra tổng thể đầu tư
1. Kiểm tra việc thực hiện các quy định của các văn bản hướng dẫn các chính sách, pháp luật liên quan đến đầu tư.
2. Kiểm tra việc lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý thực hiện quy hoạch theo quy định (quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch phát triển ngành, sản phẩm chủ yếu và các quy hoạch khác có liên quan).
3. Kiểm tra việc lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các dự án đầu tư sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên.
4. Kiểm tra việc phân bổ và quản lý thực hiện kế hoạch đầu tư sử dụng vốn nhà nước (mục tiêu, đối tượng, mức huy động các nguồn vốn và tình hình thực hiện vốn đầu tư; kết quả, hiệu quả đầu tư); tình trạng nợ đọng trong đầu tư; tình trạng lãng phí, thất thoát trong đầu tư sử dụng vốn nhà nước.
5. Kiểm tra việc thẩm tra, cấp Giấy chứng nhận đầu tư, quản lý thực hiện các dự án đầu tư theo Luật Đầu tư.
6. Kiểm tra việc tổ chức thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư.
Điều 13. Nội dung đánh giá tổng thể đầu tư nền kinh tế
1. Tổng hợp, phân tích, đánh giá tình hình và kết quả đầu tư của nền kinh tế theo các chỉ tiêu về quy mô, tốc độ, cơ cấu, tiến độ, hiệu quả đầu tư.
2. Đánh giá mức độ đạt được so với quy hoạch được duyệt, nhiệm vụ kế hoạch hoặc so với mức đạt được của kỳ trước.
3. Xác định các yếu tố, nguyên nhân ảnh hưởng tới tình hình và kết quả đầu tư; đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư trong kỳ hoặc giai đoạn kế hoạch sau; đánh giá tính khả thi của các quy hoạch, kế hoạch được duyệt.
Điều 14. Nội dung đánh giá tổng thể về quản lý đầu tư của các Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế nhà nước và Tổng công ty 91 của Nhà nước về việc:
1. Thực hiện các quy định trong công tác chuẩn bị đầu tư: trình tự lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; sự phù hợp với chiến lược, quy định, kế hoạch của Nhà nước trong việc ra quyết định đầu tư.
2. Thực hiện các quy định trong quá trình thực hiện đầu tư: quản lý sử dụng đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, huy động các nguồn vốn, trình tự xây dựng cơ bản (lập, phê duyệt thiết kế, dự toán, …), tổ chức đấu thầu và các quy định cụ thể khác về thực hiện dự án đầu tư.
3. Phân tích các nguyên nhân thực hiện tốt và chưa tốt các quy định về quản lý đầu tư ở các Bộ, ngành, địa phương; phát hiện các vấn đề chưa phù hợp với tình hình thực tế và đề xuất các giải pháp xử lý kể cả các kiến nghị bổ sung sửa đổi các quy định hiện hành.
Chương 4. TỔ CHỨC THỰC HIỆN GIÁM SÁT VÀ ĐÁNH GIÁ ĐẦU TƯ
Điều 15. Hệ thống thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức thực hiện giám sát và đánh giá đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ cụ thể sau:
a. Hướng dẫn, theo dõi và tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về công tác giám sát, đánh giá đầu tư trong toàn quốc;
b. Tổ chức thực hiện giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư trong phạm vi toàn quốc;
c. Chủ trì lập kế hoạch và phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan thực hiện kiểm tra, đánh giá các dự án quan trọng quốc gia, các dự án nhóm A;
d. Kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ hoặc với các Bộ, ngành, địa phương liên quan về các giải pháp nhằm khắc phục những vướng mắc trong hoạt động đầu tư của các ngành, các địa phương hoặc đối với các dự án cụ thể để đảm bảo tiến độ và hiệu quả đầu tư;
đ. Xem xét, có ý kiến hoặc giải quyết các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ khi có yêu cầu của các Bộ, ngành khác, địa phương và Chủ đầu tư;
e. Thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan đến giám sát và đánh giá đầu tư khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.
2. Các Bộ, cơ quan ngang bộ có nhiệm vụ cụ thể sau:
a. Tổ chức thực hiện theo dõi, kiểm tra, đánh giá tổng thể đầu tư trong phạm vi ngành, lĩnh vực do mình quản lý;
b. Tổ chức thực hiện theo dõi, kiểm tra, đánh giá dự án đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định của mình (kể cả các dự án phân cấp và ủy quyền cho cấp dưới quyết định đầu tư);
c. Phối hợp theo kế hoạch với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thực hiện kiểm tra, đánh giá dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của mình;
d. Giải quyết các kiến nghị của các Bộ, ngành, địa phương và Chủ đầu tư những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình;
đ. Có ý kiến hoặc giải quyết các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành khi có yêu cầu của các Bộ, ngành khác, địa phương và Chủ đầu tư;
e. Báo cáo về công tác giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý của mình và giám sát, đánh giá dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định của mình theo chế độ quy định.
3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ cụ thể sau:
a. Tổ chức thực hiện theo dõi, kiểm tra, đánh giá tổng thể đầu tư trong phạm vi quản lý của địa phương;
b. Tổ chức thực hiện theo dõi, kiểm tra, đánh giá các dự án thuộc thẩm quyền quyết định của mình (kể cả các dự án phân cấp và ủy quyền cho cấp dưới quyết định đầu tư);
c. Tổ chức thực hiện theo dõi, kiểm tra, đánh giá các dự án do mình cấp Giấy chứng nhận đầu tư;
d. Giám sát việc thực hiện theo quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đai, đảm bảo môi trường của các dự án trên địa bàn của tỉnh, thành phố; có ý kiến hoặc giải quyết kịp thời các vấn đề về giải phóng mặt bằng, sử dụng đất thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình khi có yêu cầu của các Bộ, ngành và Chủ đầu tư;
đ. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hoặc các Bộ, ngành về những vấn đề liên quan đến hoạt động đầu tư chung của địa phương và liên quan đến các dự án thuộc thẩm quyền quản lý của mình để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc đảm bảo tiến độ và hiệu quả đầu tư;
e. Báo cáo về công tác giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư trong phạm vi quản lý của mình và giám sát, đánh giá dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định của mình theo chế độ quy định.
4. Các Tập đoàn kinh tế nhà nước và Tổng công ty 91 của Nhà nước
Các Tập đoàn kinh tế nhà nước và Tổng công ty 91 của Nhà nước có các nhiệm vụ cụ thể sau:
a. Tổ chức thực hiện giám sát, đánh giá các dự án do mình quyết định đầu tư hoặc thuộc quyền quản lý của mình;
b. Phát hiện và báo cáo kịp thời với cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư và cơ quan thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện dự án và kiến nghị các giải pháp khắc phục; kiến nghị người có thẩm quyền quyết định đầu tư điều chỉnh dự án trong trường hợp cần thiết;
c. Kiến nghị cấp có thẩm quyền, các Bộ, ngành, địa phương về những vấn đề cần giải quyết liên quan đến dự án do mình quản lý để đảm bảo tiến độ và hiệu quả đầu tư.
5. Chủ đầu tư có trách nhiệm trực tiếp tổ chức thực hiện giám sát, đánh giá dự án. Cụ thể như sau:
a. Thiết lập hệ thống thông tin nội bộ, thu thập và lưu trữ đầy đủ thông tin, dữ liệu, hồ sơ, tài liệu, sổ sách, chứng từ của dự án, báo cáo của các nhà thầu, những thay đổi về chính sách, luật pháp của Nhà nước, các quy định của nhà tài trợ liên quan đến việc quản lý thực hiện dự án (nếu dự án có sử dụng nguồn vốn ODA);
b. Báo cáo kịp thời cơ quan quản lý cấp trên xử lý các vướng mắc, phát sinh vượt thẩm quyền;
b. Lập báo cáo giám sát và đánh giá dự án theo quy định; cung cấp, chia sẻ thông tin qua hệ thống giám sát, đánh giá dự án cấp ngành, địa phương và quốc gia.
6. Tổ chức thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư tại các Bộ, ngành, địa phương
a. Các Bộ, ngành chỉ định một đơn vị (cấp Vụ) làm đầu mối thực hiện các nhiệm vụ về giám sát, đánh giá đầu tư của Bộ, ngành mình; hướng dẫn thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư đối với các đơn vị khác trực thuộc, các dự án được Bộ, ngành phân cấp hoặc ủy quyền cho cấp dưới;
b. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối thực hiện các nhiệm vụ về giám sát, đánh giá đầu tư của tỉnh, thành phố; hướng dẫn thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư đối với các cấp, đơn vị trực thuộc, các dự án được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phân cấp hoặc ủy quyền cho cấp dưới;
c. Các Tập đoàn kinh tế nhà nước, Tổng công ty 91 của Nhà nước chỉ định bộ phận chịu trách nhiệm thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ về giám sát, đánh giá đầu tư của doanh nghiệp; hướng dẫn thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư đối với các đơn vị trực thuộc;
d. Chủ đầu tư sử dụng Ban quản lý dự án hoặc chỉ định bộ phận chịu trách nhiệm thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ về giám sát, đánh giá đầu tư đối với các dự án thuộc phạm vi quản lý của mình.
Điều 16. Nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan, đơn vị thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư
1. Các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư có chức năng giúp lãnh đạo các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp và các Tập đoàn kinh tế nhà nước, Tổng công ty 91 của Nhà nước thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư có nhiệm vụ cụ thể sau:
a. Có kế hoạch theo dõi, kiểm tra, đánh giá đầu tư do cấp có thẩm quyền thông qua và tổ chức thực hiện các công việc theo dõi, kiểm tra, đánh giá đầu tư trong phạm vi trách nhiệm được giao;
b. Tổ chức hệ thống cung cấp và lưu trữ thông tin về tình hình đầu tư trong phạm vi của Bộ, địa phương hoặc các dự án (đối với các Chủ đầu tư) do mình quản lý;
c. Thu thập các báo cáo, thông tin liên quan phục vụ theo dõi, kiểm tra, đánh giá đầu tư theo từng đối tượng quy định;
d. Thực hiện xem xét, phân tích, đánh giá các thông tin, báo cáo, lập Báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư phù hợp với nội dung và yêu cầu quy định trình các cấp có thẩm quyền xem xét.
2. Cơ quan, đơn vị thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư có các quyền hạn sau:
a. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư ở các cấp liên quan báo cáo theo chế độ quy định, cung cấp các thông tin, tài liệu bổ sung liên quan đến nội dung giám sát, đánh giá đầu tư nếu cần thiết;
b. Trường hợp cần thiết có thể trao đổi trực tiếp với các cơ quan, đơn vị thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư ở các cấp liên quan, Chủ đầu tư hoặc kiểm tra trực tiếp tại hiện trường. Khi kiểm tra trực tiếp tại hiện trường phải có kế hoạch, nội dung làm việc cụ thể và phải thông báo trước với các cơ quan, đơn vị liên quan.
c. Kiến nghị với cấp có thẩm quyền việc điều chỉnh dự án khi cần thiết hoặc hủy bỏ quyết định đầu tư, đình chỉ, tạm dừng thực hiện các dự án đầu tư nếu trong quá trình giám sát, đánh giá đầu tư phát hiện có những sai phạm nghiêm trọng. Báo cáo cấp có thẩm quyền về việc vi phạm các quy định về giám sát, đánh giá đầu tư của Chủ đầu tư, của các cơ quan, đơn vị liên quan và kiến nghị các biện pháp xử lý theo mức độ vi phạm.
Điều 17. Báo cáo về giám sát, đánh giá đầu tư
1. Chế độ báo cáo
a. Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đánh giá tổng thể đầu tư hàng năm và từng thời kỳ kế hoạch theo yêu cầu của Chính phủ; tổng hợp báo cáo về giám sát tổng thể đầu tư, trong đó bao gồm nội dung báo cáo tổng hợp giám sát, đánh giá dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A trong phạm vi toàn quốc 6 tháng và cả năm;
b. Các Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế nhà nước và Tổng công ty 91 của nhà nước định kỳ báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư về giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư 6 tháng và cả năm để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Các đơn vị trực thuộc bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện chế độ báo cáo thường xuyên theo quy định của các Bộ, ngành và địa phương;
c. Chủ đầu tư các dự án sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên:
Báo cáo tháng cho người có thẩm quyền quyết định đầu tư;
Báo cáo quý, 6 tháng và năm cho cơ quan chủ quản của mình;
Báo cáo giám sát đầu tư khi điều chỉnh dự án cho người có thẩm quyền quyết định đầu tư và cơ quan đầu mối thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư thuộc cơ quan chủ quản của mình;
Chủ đầu tư dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A ngoài việc lập và gửi báo cáo giám sát, đánh giá dự án đầu tư đến cơ quan đầu mối thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư thuộc cơ quan chủ quản của mình, đồng thời gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo quý, 6 tháng, năm và báo cáo khi điều chỉnh dự án để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
d. Chủ đầu tư các dự án sử dụng nguồn vốn khác:
Báo cáo 6 tháng và năm cho cơ quan đầu mối thực hiện giám sát đánh giá đầu tư thuộc Cơ quan chủ quản và Cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
2. Thời hạn báo cáo định kỳ
a. Chủ đầu tư:
Gửi báo cáo tháng đến người có thẩm quyền quyết định đầu tư trước ngày 05 của tháng tiếp theo;
Gửi báo cáo quý về giám sát, đánh giá dự án đầu tư đến các cơ quan đầu mối thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư thuộc cơ quan chủ quản của mình và Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp (đối với dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A) trước ngày 10 của tháng đầu quý tiếp theo.
b. Các Bộ, ngành và địa phương:
Báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư về giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư trước ngày 20 tháng 7 hàng năm (đối với báo cáo 6 tháng) và 20 tháng 01 năm sau (đối với báo cáo năm).
c. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư trước ngày 20 tháng 8 hàng năm (đối với báo cáo 6 tháng) và trước ngày 20 tháng 02 năm sau (đối với báo cáo năm).
d. Các cơ quan thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư có thể báo cáo đột xuất khi cần thiết và khi có yêu cầu của cơ quan cấp trên.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định về mẫu biểu báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư.
Điều 18. Chi phí thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư
1. Chi phí giám sát, đánh giá đầu tư bao gồm các chi phí liên quan đến công tác giám sát, đánh giá đầu tư ở các cấp, bao gồm:
a. Chi phí cho công tác giám sát, đánh giá đầu tư do cơ quan quản lý nhà nước thực hiện được sử dụng từ nguồn ngân sách nhà nước theo kế hoạch hàng năm của cơ quan thực hiện nhiệm vụ này;
b. Chi phí cho công tác giám sát, đánh giá dự án đầu tư do Chủ đầu tư tự thực hiện hoặc thuê tư vấn thực hiện được tính trong tổng mức đầu tư của dự án.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính quy định định mức chi phí giám sát, đánh giá đầu tư và hướng dẫn việc quản lý, sử dụng chi phí giám sát, đánh giá đầu tư.
Điều 19. Trách nhiệm và xử lý vi phạm của các cơ quan, đơn vị thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư
1. Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư:
a. Thủ trưởng các Bộ, ngành, địa phương, Chủ đầu tư chịu trách nhiệm về các hậu quả do không tổ chức thực hiện việc giám sát, đánh giá đầu tư hoặc không báo cáo theo quy định;
b. Các cơ quan được giao nhiệm vụ thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư phải chịu trách nhiệm về nội dung báo cáo của mình;
c. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm về nội dung báo cáo của mình và phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về mọi hậu quả phát sinh do không thực hiện hay thực hiện không đầy đủ các quy định về giám sát, đánh giá đầu tư hoặc do báo cáo, cung cấp thông tin sai sự thực về tình hình thực hiện đầu tư trong phạm vi mình quản lý;
d. Các Bộ, ngành, địa phương phải xem xét và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, các kiến nghị của cơ quan giám sát, đánh giá đầu tư, Chủ đầu tư về những vấn đề thuộc quyền hạn và trách nhiệm của mình trong thời hạn 15 ngày làm việc; kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của bên có liên quan và chịu trách nhiệm về việc xử lý thuộc thẩm quyền hoặc báo cáo kịp thời với cấp trên các vấn đề vượt thẩm quyền.
2. Xử lý vi phạm các quy định về giám sát, đánh giá đầu tư
a. Trong thời hạn quy định mà các Bộ, ngành, địa phương không gửi báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và kiến nghị các hình thức xử lý thích hợp;
b. Đối với các dự án sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên, Chủ đầu tư không thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo thì cơ quan thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư cần báo cáo cấp có thẩm quyền và kiến nghị các hình thức xử lý về hành chính (2 kỳ liền không có báo cáo hoặc 3 kỳ không báo cáo, đề nghị hình thức cảnh cáo; 3 kỳ liền không có báo cáo hoặc 6 kỳ không báo cáo, đề nghị chuyển công tác những người có liên quan thực hiện nhiệm vụ khác).
Các dự án không thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư 2 kỳ liền hoặc 3 kỳ trở lên trong năm trước sẽ không được ghi vốn kế hoạch năm sau.
c. Các cấp có thẩm quyền không được phép điều chỉnh dự án đầu tư/ Giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án không thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư thường kỳ theo quy định.
3. Xử lý các vi phạm về quản lý đầu tư trong quá trình giám sát, đánh giá đầu tư:
a. Các cơ quan thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư báo cáo kịp thời các cấp có thẩm quyền những trường hợp vi phạm về quản lý đầu tư thuộc cấp mình quản lý để xử lý theo quy định;
b. Các cơ quan thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư cố tình che giấu các trường hợp vi phạm về quản lý đầu tư sẽ chịu trách nhiệm liên đới trước pháp luật về các sai phạm và hậu quả gây ra.
Chương 5. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 20. Tổ chức thực hiện
1. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.
Điều 21. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 02 năm 2010. Các quy định trước đây của Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương trái với Nghị định này đều bãi bỏ.
Nơi nhận: | TM. CHÍNH PHỦ |