Quyết định 11119/QĐ-BCT của Bộ Công Thương về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Gốm sứ - Thủy tinh công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- Thuộc tính
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
thuộc tính Quyết định 11119/QĐ-BCT
Cơ quan ban hành: | Bộ Công Thương | Số công báo: Số công báo là mã số ấn phẩm được đăng chính thức trên ấn phẩm thông tin của Nhà nước. Mã số này do Chính phủ thống nhất quản lý. | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Số hiệu: | 11119/QĐ-BCT | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Quyết định | Người ký: | Vũ Huy Hoàng |
Ngày ban hành: Ngày ban hành là ngày, tháng, năm văn bản được thông qua hoặc ký ban hành. | 08/12/2014 | Ngày hết hiệu lực: Ngày hết hiệu lực là ngày, tháng, năm văn bản chính thức không còn hiệu lực (áp dụng). | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày hết hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Áp dụng: Ngày áp dụng là ngày, tháng, năm văn bản chính thức có hiệu lực (áp dụng). | Tình trạng hiệu lực: Cho biết trạng thái hiệu lực của văn bản đang tra cứu: Chưa áp dụng, Còn hiệu lực, Hết hiệu lực, Hết hiệu lực 1 phần; Đã sửa đổi, Đính chính hay Không còn phù hợp,... | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | Công nghiệp |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!
tải Quyết định 11119/QĐ-BCT
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
BỘ CÔNG THƯƠNG Số: 11119/QĐ-BCT |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 08 tháng 12 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH GỐM SỨ - THỦY TINH CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
---------------
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG
Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt “Quy hoạch phát triển ngành Gốm sứ - Thủy tinh công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” với các nội dung chủ yếu sau đây:
1. Quan điểm phát triển
a) Phát triển ngành Gốm sứ - Thủy tinh công nghiệp trên cơ sở phát huy lợi thế và tiềm năng sẵn có, lấy hiệu quả sản xuất kinh doanh làm nguồn lực chủ yếu để đầu tư phát triển ngành;
b) Khuyến khích các doanh nghiệp trong ngành không ngừng đổi mới thiết bị và cải tiến công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm tiêu hao năng lượng, bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường. Chú trọng và từng bước tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội và xuất khẩu;
c) Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển ngành để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của xã hội. Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước;
d) Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật và công nhân lành nghề, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành. Từng bước hiện đại hóa và nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp trong ngành;
đ) Phát triển ngành Gốm sứ - Thủy tinh công nghiệp phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp cả nước; phù hợp với quy hoạch phát triển một số chuyên ngành công nghiệp, đồng thời gắn với quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.
2. Mục tiêu phát triển
a) Mục tiêu tổng quát
- Xây dựng ngành Gốm sứ - Thủy tinh công nghiệp Việt Nam trở ngành một ngành kinh tế quan trọng, có nhiều sản phẩm chất lượng cao; đa dạng về chủng loại, mẫu mã; có khả năng cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội và xuất khẩu.
- Phấn đấu xây dựng và phát triển ngành Gốm sứ - Thủy tinh công nghiệp theo hướng hiện đại, đồng bộ từ sản xuất nguyên liệu đến thành phẩm; nâng dần tỷ trọng sử dụng nguyên liệu trong nước.
b) Mục tiêu cụ thể
Giai đoạn 2011-2015 phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp của toàn ngành đạt 14,3%/năm; giai đoạn 2016-2020 đạt 17,0%/năm và giai đoạn 2021-2030 đạt 15,7%/năm
- Nhóm sản phẩm chiếu sáng:
+ Giai đoạn 2011-2015: phấn đấu tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân đạt 17,3%/năm và sản lượng đạt 7,5%-8,0%/năm.
+ Giai đoạn 2016-2020: phấn đấu tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân đạt 18,4%/năm và sản lượng đạt 6%-7%/năm.
+ Giai đoạn năm 2021-2030: tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân đạt 14,8%/năm.
- Nhóm sản phẩm gốm sứ công nghiệp:
+ Giai đoạn 2011-2015: phấn đấu tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân đạt 13%-14%/năm. Sản phẩm gốm sứ gia dụng của ngành đạt 445-470 triệu sản phẩm (tương đương 160.000 tấn sản phẩm), đáp ứng 40% nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu phấn đấu đạt 23 triệu USD. Sản phẩm gốm sứ mỹ nghệ đạt khoảng 630.000 tấn sản phẩm, trong đó tỷ lệ xuất khẩu đạt 90%-95% sản lượng và đạt giá trị xuất khẩu khoảng 405 triệu USD. Sản phẩm sứ cách điện (điện áp 22KV-35KV) phấn đấu đạt 21.000-22.000 tấn sản phẩm, đáp ứng 90% nhu cầu trong nước;
+ Giai đoạn 2016-2020: phấn đấu tăng trưởng giá trị công nghiệp bình quân đạt 17,2%/năm. Sản phẩm gốm gia dụng phấn đấu đạt khoảng 228.000 tấn sản phẩm, đáp ứng 45% nhu cầu tiêu dùng trong nước và giá trị xuất khẩu đạt khoảng 43 triệu USD. Sản phẩm gốm mỹ nghệ phấn đấu đạt khoảng 960.000 tấn sản phẩm. Trong đó, giá trị xuất khẩu đạt khoảng 615 triệu USD. Sản phẩm sứ kỹ thuật phục vụ ngành điện sẽ duy trì mức tăng trưởng 6%-7%/năm trong giai đoạn 2016-2020 và đạt khoảng 30.000 tấn sản phẩm, đáp ứng 90%-95% nhu cầu trong nước;
+ Giai đoạn 2021-2030: Sản lượng gốm sứ gia dụng của ngành đạt 1,0 tỷ - 1,1 tỷ sản phẩm (tương đương 370.000 tấn sản phẩm), đáp ứng 45-55% nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu phấn đấu đạt khoảng 85 triệu USD. Sản phẩm gốm sứ mỹ nghệ đạt khoảng 1,55 triệu tấn sản phẩm, tăng 5-6%/năm; sản phẩm sứ cách điện các loại phấn đấu đạt khoảng 50.000 tấn, đáp ứng 95% nhu cầu trong nước.
- Nhóm sản phẩm thủy tinh công nghiệp
+ Giai đoạn 2011-2015: Phấn đấu tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân đạt 11,7%/năm. Tổng sản lượng sản phẩm thủy tinh công nghiệp các loại đạt 200.000-205.000 tấn, tăng khoảng 9,5%/năm;
+ Giai đoạn 2016-2020: Phấn đấu tăng trưởng giá trị công nghiệp của nhóm ngành đạt 14,5%/năm. Tổng sản phẩm thủy tinh công nghiệp các loại đạt 370.000-375.000 tấn. Trong đó sản phẩm bao bì thủy tinh đáp ứng 90%-95% nhu cầu cho ngành bia, rượu, nước giải khát và thực phẩm. Phấn đấu nâng tỷ trọng của sản phẩm thủy tinh kỹ thuật trong tổng cơ cấu ngành thủy tinh công nghiệp ổn định ở mức 15%-16,0%. Phấn đấu giá trị xuất khẩu toàn ngành đạt 30-40 triệu USD vào năm 2020;
+ Giai đoạn 2021-2030: Phấn đấu tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp của nhóm ngành đạt 14%-15%/năm. Trong đó, tỷ trọng của ngành thủy tinh kỹ thuật tăng mạnh và chiếm khoảng 18%-20% trong cơ cấu giá trị ngành thủy tinh công nghiệp cả nước.
3. Định hướng phát triển sản phẩm và bố trí quy hoạch
a) Định hướng phát triển sản phẩm
- Nhóm sản phẩm chiếu sáng:
+ Nghiên cứu và đầu tư phát triển các dòng sản phẩm mới theo hướng tiết kiệm năng lượng, hiệu suất cao, an toàn cho người sử dụng và thân thiện môi trường;
+ Phát triển các sản phẩm có tính chuyên biệt phục vụ phát triển nông nghiệp, thủy sản, hầm mỏ... các loại đèn tích điện, sạc điện sử dụng bóng tiêu tốn ít năng lượng;
+ Tiếp tục phát triển sản phẩm phụ liệu cho nguồn sáng như: chao, chụp, ổ cắm, phích cắm... với hình thức đa dạng, mẫu mã hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng;
+ Khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất có tiềm lực trong nước, tiếp tục đầu tư thiết bị, công nghệ, phát triển các sản phẩm tiết kiệm năng lượng; từng bước mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu, trên cơ sở đa dạng hóa sản phẩm, để phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng;
+ Từng bước thu hẹp sản xuất và tiến tới dừng sản xuất các sản phẩm đèn dây tóc vào năm 2017;
+ Không khuyến khích đầu tư sản xuất bóng đèn huỳnh quang do nhu cầu sử dụng đèn huỳnh quang trong nước sẽ giảm dần và ổn định vào năm 2020 mà chỉ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cải tiến sản phẩm, nhằm nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, đáp ứng nhu cầu trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu;
+ Khuyến khích doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào sản xuất nguyên, vật liệu chuyên ngành, chi tiết, linh kiện, nhằm phục vụ ngành công nghiệp chiếu sáng.
- Nhóm sản phẩm gốm sứ công nghiệp:
+ Khuyến khích phát triển các sản phẩm gốm sứ gia dụng có chất lượng cao, giá thành hợp lý; đa dạng hóa các sản phẩm gốm mỹ nghệ xuất khẩu, điều chỉnh phù hợp xu hướng tiêu dùng và thị trường nhập khẩu;
+ Tiếp tục phát triển các dòng sản phẩm như: chậu bằng gốm; đồ gia dụng bằng gốm; thú, tượng bằng gốm; đồ trang trí trong nhà và ngoài trời bằng gốm; bình gốm các loại... Kết hợp giữa phong cách truyền thống và kiểu dáng hiện đại;
+ Khuyến khích doanh nghiệp gốm sứ trong nước có tiềm lực, có thương hiệu đầu tư thiết bị tiên tiến, công nghệ hiện đại, phát triển các dòng sản phẩm có chất lượng và tính thẩm mỹ cao, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế;
+ Phát triển mạnh dòng sản phẩm gốm sứ gia dụng chất lượng cao, đa dạng về mẫu mã, an toàn cho người sử dụng và có giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội và cạnh tranh với hàng nhập khẩu;
+ Khuyến khích các doanh nghiệp phát triển các sản phẩm gốm sứ kỹ thuật phục vụ ngành công nghiệp trong nước phát triển và xuất khẩu;
+ Nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm gốm mỹ nghệ xuất khẩu. Nắm bắt nhu cầu, tập quán, thói quen của từng khu vực thị trường để sáng tạo ra các sản phẩm độc đáo có tính hiện đại, phù hợp văn hóa, xu hướng tiêu dùng, với giá cả cạnh tranh;
+ Phát triển ngành gốm sứ công nghiệp theo hướng từng bước tăng dần tỷ lệ sử dụng nguyên liệu trong nước, giảm dần tỷ lệ nguyên liệu nhập khẩu.
- Nhóm sản phẩm thủy tinh:
+ Tiếp tục phát triển ổn định các sản phẩm đang là thế mạnh của ngành; từng bước đầu tư phát triển thêm các sản phẩm thủy tinh phục vụ gia dụng và trong các lĩnh vực kinh tế khác;
+ Thu hút và tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia đầu tư và phát triển các sản phẩm thủy tinh công nghiệp, phục vụ sản xuất và đời sống;
+ Phát triển ngành và sản phẩm trên cơ sở áp dụng công nghệ và thiết bị tiên tiến, không ngừng đổi mới và cải tiến công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp;
+ Đa dạng hóa các hình thức đầu tư; khuyến khích doanh nghiệp trong và ngoài nước phát triển các sản phẩm thủy tinh bao bì; thủy tinh y tế; thủy tinh kỹ thuật phục vụ tiêu dùng trong nước, từng bước giảm tỷ lệ nhập khẩu;
+ Khuyến khích doanh nghiệp trong nước hoặc liên doanh với nước ngoài, đầu tư vào sản xuất các nguyên liệu chất lượng cao, phục vụ ngành thủy tinh công nghiệp trong nước, phát triển ổn định và bền vững.
b) Quy hoạch theo vùng, lãnh thổ
- Sản phẩm bóng đèn chiếu sáng: Khuyến khích và tiếp tục phát triển tập trung các cơ sở lớn ở Vùng công nghiệp 2 và Vùng công nghiệp 5;
- Sản phẩm gốm sứ gia dụng: Khuyến khích và phát triển tập trung các cơ sở lớn ở Vùng công nghiệp 2 và Vùng công nghiệp 5;
- Sản phẩm gốm sứ mỹ nghệ: Khuyến khích và phát triển tập trung ở Vùng công nghiệp 2, Vùng công nghiệp 5 và Vùng công nghiệp 6 (chủ yếu ở tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Đồng Tháp);
- Sản phẩm gốm sứ kỹ thuật: Khuyến khích và phát triển tập trung ở Vùng công nghiệp 1 (chủ yếu ở tỉnh Yên Bái), Vùng công nghiệp 2 và Vùng công nghiệp 5;
- Sản phẩm thủy tinh bao bì: Khuyến khích và phát triển tập trung ở Vùng công nghiệp 2 (Hải Phòng), Vùng công nghiệp 3 và Vùng công nghiệp 5 (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu);
- Sản phẩm thủy tinh pha lê, thủy tinh gia dụng: Khuyến khích và tập trung phát triển ở Vùng công nghiệp 2 và Vùng công nghiệp 5;
- Sản phẩm thủy tinh kỹ thuật: Khuyến khích và tập trung phát triển ở Vùng công nghiệp 2, Vùng công nghiệp 3 và Vùng công nghiệp 5.
4. Hệ thống giải pháp và chính sách thực hiện quy hoạch
a) Giải pháp về tổ chức quản lý
- Đối với cơ quan quản lý Nhà nước
+ Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và ban hành tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm trong ngành (sản phẩm đèn LED; sản phẩm gốm sứ gia dụng; thủy tinh...) làm cơ sở cho việc giám sát, kiểm tra sản phẩm của ngành;
+ Xây dựng và ban hành Bộ tiêu chuẩn về an toàn đối với sản phẩm Gốm sứ - Thủy tinh công nghiệp đảm bảo an toàn và sức khỏe cho người sử dụng;
+ Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nhất là thủ tục về đất đai, đầu tư, hỗ trợ di dời, vay vốn tín dụng, đăng ký bảo hộ bản quyền tác giả, kiểu dáng công nghiệp... tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong ngành phát triển ổn định và tạo ra sản phẩm có chất lượng cao;
+ Cải tiến và nâng cao chất lượng Hệ thống thống kê, thu thập thông tin, số liệu tình hình sản xuất của ngành và doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước ở trung ương và địa phương;
+ Nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với các hoạt động sản xuất trong ngành công nghiệp nói chung và trong ngành Gốm sứ - Thủy tinh công nghiệp nói riêng, vừa hướng dẫn, khuyến khích, tạo điều kiện phát triển thuận lợi vừa kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa các hành vi sai trái trong sản xuất, kinh doanh và gian lận thương mại.
- Đối với Hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất
+ Nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp; đẩy mạnh đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ hiện đại, đồng bộ, đúng hướng, có trọng điểm, nhằm tạo ra sự thay đổi căn bản về năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp;
+ Đẩy mạnh hơn nữa vai trò của các Hiệp hội (Hiệp hội Kính và thủy tinh Việt Nam; Hiệp hội Chiếu sáng; Hiệp hội Gốm sứ...) trong việc tham mưu cho Bộ Công Thương xây dựng chính sách phát triển ngành và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tăng cường vai trò của Hiệp hội trong tất cả các lĩnh vực: thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm, du lịch, xúc tiến đầu tư, giải pháp về quản lý ngành, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực...;
+ Khuyến khích các doanh nghiệp tạo mối gắn kết chặt chẽ, trên cơ sở lợi ích chung, từng bước liên kết theo chuỗi giá trị, trên cơ sở tập hợp các doanh nghiệp có mối liên quan trong quá trình tạo ra giá trị, từ khâu khai thác, chế biến và cung cấp nguyên liệu, sản xuất, đến phân phối, tiêu thụ, bán hàng tới người sử dụng.
b) Giải pháp đầu tư
- Đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp trong và ngoài nước, nguồn vốn từ các chương trình, dự án. Tăng cường huy động các nguồn vốn trong nước khác thông qua hình thức thu hút đầu tư trực tiếp, hợp tác, liên kết, liên doanh...;
- Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất kết hợp đổi mới công nghệ, thiết bị, áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng;
- Không cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án đầu tư có công nghệ, thiết bị lạc hậu.
c) Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
- Xây dựng và hoàn thiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, kỹ thuật viên và công nhân kỹ thuật tại các trường đào tạo chuyên ngành, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành Gốm sứ - Thủy tinh công nghiệp. Nghiên cứu thành lập hoặc bổ sung khoa, ngành đào tạo chuyên ngành Gốm sứ - Thủy tinh công nghiệp trong hệ thống trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ Công Thương;
- Có chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với nghệ nhân và chuyên gia của ngành Gốm sứ - Thủy tinh công nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho nghệ nhân và chuyên gia truyền nghề và dạy nghề;
- Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề Gốm sứ - Thủy tinh công nghiệp theo hướng xã hội hóa, đa dạng hóa hình thức đào tạo, linh hoạt và thiết thực. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp liên kết đào tạo nghề với các cơ sở đào tạo trong cả nước. Mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến việc làm.
d) Giải pháp phát triển khoa học công nghệ
- Khuyến khích doanh nghiệp trong ngành Gốm sứ - Thủy tinh công nghiệp đầu tư nghiên cứu khoa học và áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Xây dựng thủ tục đơn giản hơn, cho việc đầu tư cải tiến máy móc thiết bị sản xuất của ngành Gốm sứ - Thủy tinh công nghiệp;
- Nhà nước khuyến khích các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất sản phẩm Gốm sứ - Thủy tinh chất lượng cao, sản xuất nguyên phụ liệu phục vụ phát triển ngành mà trong nước chưa sản xuất được;
- Tăng cường năng lực nghiên cứu cho một số Viện nghiên cứu, doanh nghiệp có Trung tâm nghiên cứu phát triển để các cơ quan này tập trung nghiên cứu các vấn đề về công nghệ, thiết kế sản phẩm phục vụ phát triển ngành, sản phẩm;
- Kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất với các Viện nghiên cứu, trường đại học trong nước và ngoài nước để xây dựng và triển khai nghiên cứu các chương trình, đề tài, đề án trọng điểm để phát triển ngành Gốm sứ - Thủy tinh công nghiệp;
- Xây dựng Quỹ hỗ trợ phát triển công nghệ để hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào ngành Gốm sứ - Thủy tinh công nghiệp nhằm đổi mới công nghệ, áp dụng các hình thức quản lý sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm tiên tiến nhằm hạ giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh;
- Phát huy vai trò quản lý nhà nước về khoa học - công nghệ; hỗ trợ cung cấp thông tin công nghệ cho doanh nghiệp ngành Gốm sứ - Thủy tinh công nghiệp trước khi quyết định đầu tư; làm cầu nối giữa doanh nghiệp với các trường đại học, viện, trung tâm nghiên cứu trên địa bàn cả nước để triển khai ứng dụng khoa học kỹ thuật và đáp ứng nhu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.
đ) Giải pháp thị trường và tiêu thụ sản phẩm
- Đối với cơ quan quản lý Nhà nước
+ Xây dựng hàng rào kỹ thuật như áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật về chất lượng đối với sản phẩm nhập khẩu, các loại thuế nhập khẩu, chống bán phá giá, đánh thuế môi trường... để bảo vệ sản xuất trong nước và phù hợp với cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia;
+ Tăng cường năng lực dự báo thị trường nhằm hoạch định chiến lược sản phẩm đúng hướng;
+ Tổ chức thường niên hội chợ triển lãm trong và ngoài nước để doanh nghiệp tham gia giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ, giới thiệu quảng bá sản phẩm ở nước ngoài theo chương trình xúc tiến thương mại quốc gia để mở rộng thị trường xuất khẩu;
- Đối với doanh nghiệp sản xuất
+ Xây dựng chiến lược kinh doanh, phát triển thị trường. Tổ chức nghiên cứu thị trường, thị hiếu khách hàng để có giải pháp đáp ứng nhu cầu, giữ vững và phát triển thị phần, mở thêm thị trường mới;
+ Tích cực tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài nước để giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp, đẩy mạnh việc quảng bá thương hiệu trên thị trường trong nước, quốc tế;
+ Không ngừng nghiên cứu đưa ra thị trường sản phẩm mới, đa dạng về mẫu mã và chất lượng cao để tăng năng lực cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp sản xuất.
c) Giải pháp về nguyên liệu
- Khuyến khích và thu hút doanh nghiệp có năng lực trong nước hoặc liên doanh, liên kết với nước ngoài tham gia phát triển công nghệ khai thác, sản xuất và chế biến nguyên liệu chất lượng cao cung cấp cho sản xuất ngành Gốm sứ - Thủy tinh công nghiệp, đáp ứng theo yêu cầu chất lượng của từng loại sản phẩm, nhằm tăng hiệu quả sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm ngành Gốm sứ - Thủy tinh công nghiệp;
- Xây dựng và phát triển thị trường sản phẩm nhóm khoáng chất nguyên liệu trong nước theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước và phù hợp với lộ trình hội nhập của Việt Nam; đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất trong ngành Gốm sứ - Thủy tinh công nghiệp; chiếm lĩnh dần thị trường tiêu thụ trong nước, từng bước tham gia thị trường quốc tế;
- Trong vùng công nghiệp, các địa phương cần phối hợp với nhau trong việc trao đổi cung cấp nguyên, vật liệu đầu vào cho sản xuất và các sản phẩm gốm sứ, thủy tinh công nghiệp, đặc biệt là cung cấp cho nơi có nhiều đơn vị sản xuất, thị trường tiêu thụ và xuất khẩu lớn, như: Hà Nội (Vùng công nghiệp 2) và Thành phố Hồ Chí Minh (Vùng công nghiệp 5)...
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương công bố, tuyên truyền, hướng dẫn, triển khai thực hiện Quy hoạch; kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch; kiến nghị với các cấp có thẩm quyền điều chỉnh cơ chế, chính sách cho phù hợp với tình hình thực tế trong quá trình thực hiện Quy hoạch.
2. Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Lao động Thương binh và Xã hội; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo thẩm quyền chức năng được giao tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch này.
3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành cụ thể hóa Quy hoạch trên địa bàn tỉnh, thành phố phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phối hợp với Bộ Công Thương kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy hoạch.
Điều 3. Trách nhiệm thi hành
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
BỘ TRƯỞNG |
PHỤ LỤC 1
DANH MỤC DỰ ÁN ĐẦU TƯ CHỦ YẾU NHÓM SẢN PHẨM CHIẾU SÁNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 11179/QĐ-BCT ngày 08 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)
TT |
Dự án |
Địa điểm |
Công suất |
Ước vốn đầu tư |
Ghi chú |
1 |
Đầu tư dây chuyền sản xuất vỏ bóng đèn compact CSL |
Đồng Nai |
1.000 tấn SP/giờ |
12 tỷ đồng |
KCN |
2 |
Đầu tư dây chuyền sản xuất chip LED |
Đồng Nai |
272.000 SP/ngày |
7,0 triệu USD. |
KCN |
3 |
Khuyến khích đầu tư phát triển Nhà máy sản xuất chip LED |
Tp. Hà Nội |
50.000 SP/ngày. |
5,0 triệu USD. |
KCN |
4 |
Đầu tư dây chuyền sản xuất chip LED |
Tiền Giang |
50.000 SP/ngày |
Vốn đầu tư 5,0 triệu USD. |
KCN |
5 |
Đầu tư Nhà máy sản xuất và phân phối bóng đèn LED |
Tp. HCM |
|
12 triệu USD |
Khu CNC |
PHỤ LỤC 2
DANH MỤC DỰ ÁN ĐẦU TƯ CHỦ YẾU NHÓM GỐM SỨ CÔNG NGHIỆP
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 11119/QĐ-BCT ngày 08 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)
TT |
Dự án |
Địa điểm |
Công suất |
Ước vốn đầu tư |
Ghi chú |
1 |
Khuyến khích doanh nghiệp gốm sứ gia dụng trong nước, từng bước phát triển các dòng sản phẩm có chất lượng cao, an toàn trong sử dụng, có giá cả hợp lý nhằm cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu. |
Bình Dương, Hà Nội, Đồng Nai, Hải Dương, Bắc Ninh... |
|
|
|
2 |
Kêu gọi và thu hút các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI đầu tư phát triển các nhóm sản phẩm gốm kỹ thuật phục vụ ngành công nghiệp và xuất khẩu. |
Trên địa bàn cả nước |
|
|
KCN |
3 |
Khuyến khích đầu tư phát triển nhà máy sản xuất sứ cách điện |
|
3 000 tấn SP/năm |
150 tỷ đồng. |
Vùng ĐB sông Hồng |
4 |
Khuyến khích đầu tư và phát triển dây chuyền sản xuất sứ cách điện |
Thuận An (Bình Dương) |
5-10 triệu SP/năm |
20 tỷ đồng. |
|
5 |
Khuyến khích doanh nghiệp, CSSX vừa và nhỏ, từng bước đầu tư thay thế dần thiết bị, nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. |
Trên địa bàn cả nước |
|
|
|
PHỤ LỤC 3
DANH MỤC DỰ ÁN ĐẦU TƯ CHỦ YẾU NHÓM THỦY TINH CÔNG NGHIỆP
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 11119/QĐ-BCT ngày 08 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)
TT |
Dự án |
Địa điểm |
Công suất |
Ước vốn đầu tư |
Ghi chú |
1 |
Đầu tư Nhà máy sản xuất sản phẩm kính hồng ngoại, kính quang học chính xác |
Bình Dương |
|
15,5 TRIỆU USD |
KCN |
2 |
Khuyến khích nâng công suất Nhà máy sản xuất vải sợi thủy tinh từ cát trắng |
Quảng Nam |
2.000 tấn/năm |
8,0 tỷ đồng |
CCN |
3 |
Khuyến khích đầu tư Nhà máy sản xuất bao bì thủy tinh cao cấp |
Khu vực duyên hải miền Trung |
30.000 tấn/năm |
18 triệu USD |
|
4 |
Khuyến khích đầu tư nhà máy sản xuất thủy tinh phục vụ ngành y tế, dược phẩm và gia dụng |
Khu vực duyên hải miền Trung |
1.500 tấn/năm |
|
KCN |
5 |
Khuyến khích đầu tư phát triển Nhà máy thủy tinh chất lượng cao (sản phẩm thủy tinh gia dụng chịu nhiệt như khay, nồi thủy tinh chịu nhiệt) |
Trên địa bàn cả nước |
5.000 tấn SP/năm |
30 triệu USD |
KCN |
PHỤ LỤC 4
DANH MỤC DỰ ÁN ĐẦU TƯ CHỦ YẾU NHÓM SẢN PHẨM NGUYÊN, VẬT LIỆU, THIẾT BỊ
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 11119/QĐ-BCT ngày 08 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)
TT |
Dự án |
Địa điểm |
Công suất |
Ước vốn đầu tư |
Ghi chú |
1 |
Khuyến khích phát triển Nhà máy sản xuất vật liệu silicon sử dụng trong sản xuất đèn LED |
Hưng Yên |
|
30 triệu USD |
KCN |
2 |
Phát triển Nhà máy chế biến cao lanh chất lượng cao |
Bình Phước |
50.000 tấn/năm |
|
|
3 |
Phát triển sản xuất Nhà máy sản xuất bột cao lanh tinh chế |
Quảng Bình |
50.000 tấn/năm |
20 triệu USD |
|
4 |
Đầu tư phát triển nhà máy sản xuất Soda |
Quảng Nam |
200.000 tấn/năm |
110 triệu USD |
KKT |
5 |
Khuyến khích đầu tư Nhà máy bột huỳnh quang |
Bình Định |
2.900 tấn SP/năm |
|
KKT |
6 |
Khuyến khích đầu tư và phát triển nhà máy chế biến cát tinh khiết |
TT-Huế |
|
570 tỷ đồng |
KCN |
7 |
Đầu tư Nhà máy sản xuất thủy tinh lỏng |
TT-Huế |
20.000 tấn SP/năm |
36 tỷ đồng |
KCN |
8 |
Khuyến khích đầu tư nhà máy sản xuất thủy tinh trang trí, thủy tinh pha lê |
TT-Huế |
|
|
KCN |
PHỤ LỤC 5
VỐN ĐẦU TƯ NGÀNH GỐM SỨ - THỦY TINH CÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2011-2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 11119/QĐ-BCT ngày 08 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)
Đơn vị tính: Tỷ đồng
TT |
Nhóm sản phẩm |
2011-2015 |
2016-2020 |
1 |
Nhóm sản phẩm chiếu sáng |
630 |
1.100 |
- Phát triển sản xuất |
595 |
1.020 |
|
- Nghiên cứu, đào tạo |
35 |
80 |
|
2 |
Nhóm sản phẩm gốm sứ |
2.260 |
3.100 |
- Phát triển sản xuất |
2.185 |
2.975 |
|
- Nghiên cứu, đào tạo |
75 |
125 |
|
3 |
Nhóm sản phẩm thủy tinh |
945 |
1.610 |
- Phát triển sản xuất |
900 |
1.530 |
|
- Nghiên cứu, đào tạo |
45 |
80 |
|
|
Tổng cộng |
3.835 |
5.810 |