Nghị định 45/2003/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ
- Tóm tắt
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 45/2003/NĐ-CP NGÀY 09 THÁNG 5 NĂM 2003
QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN
VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA BỘ NỘI VỤ
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị quyết số 02/2002/QH11 ngày 05 tháng 8 năm 2002 của Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ nhất quy định danh sách các bộ và cơ quan ngang bộ của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. Vị trí và chức năng
Bộ Nội vụ là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực: tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; tổ chức chính quyền địa phương, quản lý địa giới hành chính; cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; tổ chức hội và tổ chức phi Chính phủ; văn thư, lưu trữ nhà nước và quản lý nhà nước đối với các dịch vụ công trong lĩnh vực quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật.
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn
Bộ Nội vụ có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:
1. Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các dự án luật, pháp lệnh và dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật khác về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
2. Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược, quy hoạch phát triển, kế hoạch dài hạn, năm năm và hàng năm về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
3. Ban hành các quyết định, chỉ thị, thông tư thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
4. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và chịu trách nhiệm thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch sau khi được phê duyệt và các văn bản pháp luật khác thuộc phạm vi quản lý của bộ; thông tin, tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.
5. Về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước:
a) Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các đề án về: cơ cấu tổ chức của Chính phủ; thành lập, sáp nhập, giải thể, bãi bỏ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các cơ quan chuyên môn của ủy ban nhân dân; phân công, phân cấp quản lý tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cơ chế quản lý đối với các tổ chức sự nghiệp nhà nước; quy định phân loại các tổ chức hành chính và sự nghiệp nhà nước;
b) Thẩm định hoặc trình Thủ tướng Chính phủ các đề án về tổ chức các cơ quan tư vấn của Thủ tướng Chính phủ; thẩm định các đề án về điều chỉnh cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ cấu tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân do các cơ quan nêu trên trình Thủ tướng Chính phủ.
6. Về tổ chức chính quyền địa phương:
a) Trình Chính phủ đề án về: Nguyên tắc và tiêu chí phân loại đơn vị hành chính; thành lập mới, sáp nhập, chia tách, điều chỉnh các đơn vị hành chính theo quy định của pháp luật;
b) Thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu cử thành viên ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
c) Thống nhất quản lý công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật, quản lý nhà nước, quản lý hành chính đối với đại biểu Hội đồng nhân dân;
d) Giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn, kiểm tra hoạt động Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật. Tham dự các cuộc họp của Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân cấp tỉnh khi bàn về những vấn đề có liên quan thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ;
đ) Chỉ đạo, hướng dẫn ủy ban nhân dân thực hiện công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật;
e) Hướng dẫn, kiểm tra ủy ban nhân dân các cấp về phương thức hoạt động của ủy ban nhân dân;
f) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ cơ sở xã, phường, thị trấn;
g) Tổ chức việc thống kê số lượng, chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân, thành viên ủy ban nhân dân các cấp; thống kê số lượng đơn vị hành chính các cấp.
7. Về địa giới hành chính:
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan nhà nước ở trung ương và chính quyền địa phương nghiên cứu cơ bản về địa giới hành chính; xây dựng các nguyên tắc về quản lý, phân vạch, điều chỉnh địa giới hành chính;
b) Trình Chính phủ đề án về thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, việc thành lập hoặc giải thể đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; thẩm định trình Chính phủ quyết định thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới dưới cấp tỉnh;
c) Hướng dẫn chính quyền địa phương giải quyết các vấn đề tranh chấp địa giới hành chính các đơn vị dưới cấp tỉnh;
d) Tổng hợp trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết những vấn đề về tranh chấp địa giới hành chính còn có ý kiến khác nhau;
đ) Quản lý hồ sơ địa giới hành chính các cấp.
8. Về cán bộ, công chức, viên chức nhà nước:
a) Trình Chính phủ đề án về: phân công, phân cấp quản lý cán bộ, công chức và biên chế hành chính, sự nghiệp nhà nước; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhà nước và cán bộ cơ sở; chính sách, chế độ tiền lương, chế độ phụ cấp, trợ cấp và các chế độ khác đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ dân cử (Chủ tịch, Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp), cán bộ xã, phường, thị trấn; tiền lương lực lượng vũ trang và viên chức giữ chức vụ quản lý doanh nghiệp nhà nước (gồm Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc và Kế toán trưởng doanh nghiệp nhà nước) và lao động hợp đồng trong các cơ quan hành chính, tổ chức sự nghiệp nhà nước;
b) Trình Thủ tướng Chính phủ đề án về sử dụng, đánh giá, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và cơ cấu ngạch công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước theo quy định của pháp luật;
c) Làm thường trực công tác cải cách chính sách tiền lương nhà nước;
d) Tổng hợp biên chế hành chính, sự nghiệp hàng năm của các cơ quan nhà nước; theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định việc giao chỉ tiêu biên chế hành chính cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các hội và tổ chức phi Chính phủ có sử dụng biên chế nhà nước và quy định định mức biên chế sự nghiệp đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
đ) Ban hành các quy định về chức danh, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ đối với các ngạch công chức, tuyển dụng, nâng ngạch công chức, bổ nhiệm vào ngạch; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện về sử dụng, đánh giá, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức hành chính nhà nước; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý cán bộ, công chức nhà nước, chế độ, chính sách đối với cán bộ dân cử (Chủ tịch, Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp) theo quy định của pháp luật;
e) Thống nhất quản lý về nội dung, chương trình, phương thức và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hành chính nhà nước, các chức danh công chức hành chính các cấp, cán bộ cơ sở, đào tạo tiền công vụ; đào tạo tiếng dân tộc cho cán bộ, công chức công tác tại các vùng dân tộc;
f) Thẩm định về nhân sự đối với các chức danh cán bộ, công chức do các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các doanh nghiệp nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ; quyết định việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý của Bộ theo thẩm quyền; quyết định việc xếp ngạch cao cấp đối với công chức;
ưg) Tổ chức thực hiện công tác tổng hợp, thống kê số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và cán bộ lãnh đạo cao cấp thuộc thẩm quyền quản lý của Thủ tướng Chính phủ.
9. Về tổ chức hội và các tổ chức phi Chính phủ:
a) Trình Chính phủ quy định trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, phê duyệt điều lệ hội, tổ chức phi Chính phủ;
b) Hướng dẫn và quyết định cho phép thành lập, giải thể, phê duyệt điều lệ của hội, tổ chức phi Chính phủ có phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh theo quy định của pháp luật;
c) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện điều lệ đối với hội, tổ chức phi Chính phủ.
10. Về cải cách hành chính nhà nước:
a) Trình Chính phủ các đề án chung về cải cách hành chính trong từng giai đoạn và tổ chức thực hiện các chương trình cải cách hành chính về lĩnh vực tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức nhà nước;
b) Thẩm định các đề án cải cách hành chính do các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ;
c) Làm thường trực công tác cải cách hành chính của Chính phủ.
11. Về công tác văn thư, lưu trữ nhà nước:
a) Trình Chính phủ đề án về quản lý công tác văn thư và tài liệu lưu trữ quốc gia;
b) Ban hành các quy định về quản lý công tác văn thư, lưu trữ thuộc thẩm quyền của Bộ;
c) Hướng dẫn, kiểm tra các cơ quan nhà nước thực hiện các quy định về quản lý công tác văn thư, lưu trữ.
12. Về hợp tác quốc tế:
a) Thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế, các chương trình, dự án hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực cải cách hành chính nhà nước theo quy định của Chính phủ;
b) Thực hiện hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực của Bộ theo quy định của pháp luật;
c) Là cơ quan chủ trì tổ chức và thực hiện các hoạt động hợp tác trong ASEAN về lĩnh vực công vụ;
d) Tổng hợp, báo cáo định kỳ về hội nghị, hội thảo quốc tế theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
13. Kiểm tra, thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo, chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý các vi phạm pháp luật trên các lĩnh vực công tác thuộc thẩm quyền của Bộ.
14. Trình Chính phủ quy định về quản lý và sử dụng con dấu; hướng dẫn và kiểm tra việc sử dụng con dấu của các cơ quan nhà nước.
15. Tổ chức và chỉ đạo thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học tổ chức nhà nước, khoa học hành chính và ứng dụng nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực công tác của Bộ.
16. Quản lý về tổ chức bộ máy, biên chế; chỉ đạo thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức thuộc Bộ quản lý theo quy định của pháp luật; đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
17. Quản lý tài chính, tài sản được giao và tổ chức thực hiện ngân sách được phân bổ theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức của Bộ
a) Các tổ chức giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước:
1. Vụ Tổ chức - Biên chế;
2. Vụ Chính quyền địa phương;
3. Vụ Công chức - Viên chức;
4. Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhà nước;
5. Vụ Tiền lương;
6. Vụ Tổ chức phi Chính phủ;
7. Vụ Cải cách hành chính;
8. Vụ Hợp tác quốc tế;
9. Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước;
10. Vụ Tổ chức cán bộ;
11. Thanh tra;
12. Văn phòng (có cơ quan thường trực tại thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng).
b) Các tổ chức sự nghiệp thuộc bộ:
1. Học viện Hành chính Quốc gia;
2. Viện Nghiên cứu khoa học tổ chức nhà nước;
3. Tạp chí Tổ chức nhà nước;
4. Trung tâm Tin học.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước để thay thế các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Điều 4. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo, thay thế các Nghị định: số 181/CP ngày 09 tháng 11 năm 1994 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ; số 34-HĐBT ngày 01 tháng 3 năm 1984 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Cục Lưu trữ Nhà nước; số 253-HĐBT ngày 06 tháng 7 năm 1992 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Học viện Hành chính Quốc gia và các quy định khác trước đây trái với Nghị định này.
Điều 5. Trách nhiệm thi hành
Bộ trưởng Bộ Nội vụ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.