Nghị định 100/2002/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam
- Thuộc tính
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
thuộc tính Nghị định 100/2002/NĐ-CP
Cơ quan ban hành: | Chính phủ | Số công báo: Số công báo là mã số ấn phẩm được đăng chính thức trên ấn phẩm thông tin của Nhà nước. Mã số này do Chính phủ thống nhất quản lý. | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Số hiệu: | 100/2002/NĐ-CP | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Nghị định | Người ký: | Phan Văn Khải |
Ngày ban hành: Ngày ban hành là ngày, tháng, năm văn bản được thông qua hoặc ký ban hành. | 06/12/2002 | Ngày hết hiệu lực: Ngày hết hiệu lực là ngày, tháng, năm văn bản chính thức không còn hiệu lực (áp dụng). | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày hết hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Áp dụng: Ngày áp dụng là ngày, tháng, năm văn bản chính thức có hiệu lực (áp dụng). | Tình trạng hiệu lực: Cho biết trạng thái hiệu lực của văn bản đang tra cứu: Chưa áp dụng, Còn hiệu lực, Hết hiệu lực, Hết hiệu lực 1 phần; Đã sửa đổi, Đính chính hay Không còn phù hợp,... | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | Cơ cấu tổ chức, Bảo hiểm |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!
tải Nghị định 100/2002/NĐ-CP
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 100/2002/NĐ-CP NGÀY 06 THÁNG 12 NĂM 2002
QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ
CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. Vị trí và chức năng của Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan sự nghiệp thuộc Chính phủ, có chức năng thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (sau đây gọi chung là bảo hiểm xã hội) và quản lý Quỹ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam
1. Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt:
a) Chiến lược phát triển ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam và kế hoạch dài hạn, năm năm về thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội;
b) Đề án bảo tồn giá trị và tăng trưởng Quỹ bảo hiểm xã hội;
2. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội; thu các khoản đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện; chi các khoản trợ cấp về bảo hiểm xã hội cho đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội đầy đủ, thuận tiện, đúng thời hạn theo quy định của pháp luật;
3. Cấp các loại sổ, thẻ bảo hiểm xã hội;
4. Quản lý Quỹ bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc tập trung thống nhất theo chế độ tài chính của Nhà nước, hạch toán độc lập và được Nhà nước bảo hộ;
5. Kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan nhà nước có liên quan về việc sửa đổi, bổ sung chính sách, chế độ về bảo hiểm xã hội; cơ chế quản lý Quỹ, cơ chế quản lý tài chính (kể cả chi phí quản lý bộ máy của Bảo hiểm xã hội Việt Nam) và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt;
6. Ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện việc giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội và nghiệp vụ thu, chi bảo hiểm xã hội theo thẩm quyền; quản lý nội bộ ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
7. Tổ chức hợp đồng với các cơ sở khám, chữa bệnh hợp pháp để phục vụ người có sổ, thẻ bảo hiểm theo quy định của pháp luật;
8. Kiểm tra việc ký hợp đồng và việc thu, chi bảo hiểm xã hội đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức sử dụng lao động, cá nhân, cơ sở khám chữa bệnh; kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và cơ quan cấp trên của đơn vị sử dụng lao động, cơ sở khám chữa bệnh để xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội;
9. Từ chối việc chi các chế độ bảo hiểm xã hội khi đối tượng tham gia bảo hiểm không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm theo quy định của pháp luật hoặc khi có căn cứ pháp lý về các hành vi giả mạo, khai man hồ sơ để hưởng bảo hiểm;
10. Bồi thường mọi khoản thu, chi sai quy định của pháp luật về chế độ bảo hiểm xã hội cho đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội;
11. Giải quyết khiếu nại, tố cáo của tổ chức và cá nhân về việc thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật;
12. Lưu trữ hồ sơ của đối tượng tham gia và hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật;
13. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động bảo hiểm xã hội;
14. Tổ chức đào tạo và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ bảo hiểm xã hội;
15. Tổ chức công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội;
16. Thực hiện hợp tác quốc tế về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật;
17. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội ở Trung ương và địa phương, với các bên tham gia bảo hiểm xã hội để giải quyết các vấn đề có liên quan đến việc thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật;
18. Quản lý tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; tài chính và tài sản của Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo quy định của pháp luật;
19. Thực hiện chế độ báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Hệ thống tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Bảo hiểm xã hội Việt Nam được tổ chức và quản lý theo hệ thống dọc, tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, gồm có:
1. Ở Trung ương là Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
2. Ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Bảo hiểm xã hội tỉnh) trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
3. Ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh là Bảo hiểm xã hội huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Bảo hiểm xã hội huyện) trực thuộc Bảo hiểm xã hội tỉnh.
Điều 4. Nhiệm vụ của Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam (sau đây gọi là Hội đồng quản lý) giúp Thủ tướng Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ sau:
1. Chỉ đạo, giám sát, kiểm tra việc thu, chi, quản lý Quỹ bảo hiểm xã hội;
2. Thông qua dự toán và quyết toán hàng năm về thu, chi Quỹ bảo hiểm xã hội;
3. Thông qua chiến lược phát triển ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam, kế hoạch dài hạn, năm năm về thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội và các đề án bảo tồn giá trị và tăng trưởng quỹ bảo hiểm xã hội do Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam (sau đây gọi là Tổng Giám đốc) xây dựng để Tổng Giám đốc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; giám sát, kiểm tra Tổng Giám đốc thực hiện chiến lược, kế hoạch, đề án sau khi được phê duyệt;
4. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm Tổng Giám đốc và các Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Điều 5. Cơ cấu của Hội đồng quản lý
1. Hội đồng quản lý gồm đại diện lãnh đạo của Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Thành viên Hội đồng quản lý đại diện cho cơ quan mình tham gia vào công tác của Hội đồng quản lý, thảo luận, biểu quyết về các công việc của Hội đồng quản lý.
2. Hội đồng quản lý có Chủ tịch, 01 Phó Chủ tịch và các thành viên do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Điều 6. Chế độ làm việc của Hội đồng quản lý
1. Hội đồng quản lý làm việc theo nguyên tắc tập thể; họp thường kỳ 03 tháng một lần để xem xét và quyết định những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 4 của Nghị định này.
2. Hội đồng quản lý có thể họp bất thường để giải quyết những vấn đề cấp bách khi Chủ tịch Hội đồng quản lý hoặc Tổng Giám đốc hoặc trên 50% tổng số thành viên Hội đồng quản lý đề nghị.
3. Các cuộc họp của Hội đồng quản lý phải có ít nhất hai phần ba thành viên Hội đồng quản lý tham dự. Nghị quyết của Hội đồng quản lý phải được đa số thành viên Hội đồng quản lý dự họp biểu quyết tán thành. Những vấn đề chưa thống nhất ý kiến giữa các thành viên Hội đồng quản lý thì Chủ tịch Hội đồng quản lý báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
4. Trong hoạt động, Hội đồng quản lý sử dụng bộ máy giúp việc, kinh phí và con dấu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
5. Chủ tịch Hội đồng quản lý ban hành quy chế làm việc của Hội đồng quản lý và phân công nhiệm vụ đối với các thành viên Hội đồng quản lý.
Điều 7. Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam
1. Tổng Giám đốc là đại diện pháp nhân của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm theo đề nghị của Hội đồng quản lý. Tổng Giám đốc chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng quản lý về thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội và quản lý Quỹ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật và thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điều 2 của Nghị định này.
2. Giúp Tổng Giám đốc có các Phó Tổng Giám đốc; các Phó Tổng Giám đốc được Tổng Giám đốc phân công chỉ đạo một số mặt công tác và chịu trách nhiệm trước Tổng Giám đốc về nhiệm vụ được phân công. Khi Tổng Giám đốc vắng mặt, một Phó Tổng Giám đốc được Tổng Giám đốc ủy quyền lãnh đạo công tác của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Các Phó Tổng Giám đốc do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Hội đồng quản lý và Tổng Giám đốc.
Điều 8. Chế độ làm việc và trách nhiệm của Tổng Giám đốc
1. Tổng Giám đốc làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ; ban hành quy chế làm việc của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện quy chế đó;
2. Tổng Giám đốc phân công hoặc ủy quyền cho Phó Tổng Giám đốc giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền của Tổng Giám đốc. Tổng Giám đốc phải chịu trách nhiệm về quyết định của Phó Tổng Giám đốc được phân công hoặc ủy quyền giải quyết;
3. Tổng Giám đốc có trách nhiệm:
a) Chuẩn bị các nội dung quy định tại Điều 4 của Nghị định này để Hội đồng quản lý thông qua và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Hội đồng quản lý;
b) Quyết định và chỉ đạo việc thực hiện chương trình cải cách hành chính của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và việc thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội đối với các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội; bảo đảm chế độ thông tin, báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các đơn vị trực thuộc;
c) Quyết định các công việc thuộc phạm vi quản lý của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và chịu trách nhiệm về các quyết định đó; quyết định các biện pháp cụ thể để tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong cán bộ, công chức, viên chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền trong ngành;
d) Chịu kỷ luật khi có những khuyết điểm về quản lý để xảy ra tình trạng tham nhũng, tiêu cực gây thiệt hại nghiêm trọng trong cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý của Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
đ) Tổ chức thực hiện những quy định quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội. Khi trình Thủ tướng Chính phủ những vấn đề có liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của bộ, cơ quan ngang bộ nào thì phải có ý kiến bằng văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan đó;
e) Phối hợp với Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội tại địa phương theo quy định của pháp luật;
f) Phối hợp với người đứng đầu tổ chức công đoàn và các tổ chức xã hội khác ở Trung ương và ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong khi thực hiện nhiệm vụ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; tạo điều kiện để các tổ chức nêu trên hoạt động và tham gia quản lý.
Điều 9. Tổ chức Bảo hiểm xã hội tỉnh và Bảo hiểm xã hội huyện
1. Bảo hiểm xã hội tỉnh, Bảo hiểm xã hội huyện được tổ chức và hoạt động theo quy định của Tổng Giám đốc;
2. Bảo hiểm xã hội tỉnh, Bảo hiểm xã hội huyện có tư cách pháp nhân, có dấu, tài khoản và trụ sở riêng;
3. Tổng Giám đốc quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, biên chế, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ quản lý và quy định kinh phí hoạt động của Bảo hiểm xã hội tỉnh, Bảo hiểm xã hội huyện; quyết định thành lập, giải thể Bảo hiểm xã hội tỉnh, Bảo hiểm xã hội huyện trong trường hợp có quyết định sáp nhập, chia tách đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Điều 10. Cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam
1. Ban Chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội;
2. Ban Kế hoạch - Tài chính;
3. Ban Thu bảo hiểm xã hội;
4. Ban Chi bảo hiểm xã hội;
5. Ban Bảo hiểm xã hội tự nguyện;
6. Ban Giám định y tế;
7. Ban Tuyên truyền bảo hiểm xã hội;
8. Ban Hợp tác quốc tế;
9. Ban Tổ chức cán bộ;
10. Ban Kiểm tra;
11. Văn phòng;
12. Trung tâm nghiên cứu khoa học bảo hiểm xã hội;
13. Trung tâm Công nghệ thông tin;
14. Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ bảo hiểm xã hội;
15. Trung tâm Lưu trữ;
16. Báo Bảo hiểm xã hội;
17. Tạp chí Bảo hiểm xã hội.
Tổng Giám đốc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, biên chế; bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ quản lý của các đơn vị quy định tại Điều này.
Tổng Giám đốc có trách nhiệm tổ chức lại bảo hiểm y tế tại một số ngành hiện có.
Điều 11. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.
Bãi bỏ Nghị định số 19/CP ngày 16 tháng 02 năm 1995 của Chính phủ về việc thành lập Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Điều 5, Điều 25, khoản 2 Điều 26, và các Điều 27, 28, 29 của Điều lệ Bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Nghị định số 58/1998/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 1998 của Chính phủ; Quyết định số 606/TTg ngày 26 tháng 9 năm 1995 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các quy định trước đây trái với Nghị định này.
Điều 12. Trách nhiệm thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản lý và Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.