VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ ------- Số: 353/TB-VPCP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 11 tháng 08 năm 2017 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VƯƠNG ĐÌNH HUỆ TẠI CUỘC HỌP BAN CHỈ ĐẠO CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 2016-2020
Ngày 01 tháng 8 năm 2017, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 (Ban Chỉ đạo) về kết quả thực hiện nhiệm vụ 06 tháng đầu năm và giải pháp thực hiện nhiệm vụ năm 2017 các chương trình mục tiêu quốc gia. Tham dự có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Đào Ngọc Dung và các thành viên Ban Chỉ đạo, đại diện các Bộ, ngành Trung ương.
Sau khi nghe Lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo kết quả thực hiện 06 tháng đầu năm, giải pháp thực hiện nhiệm vụ 06 tháng cuối năm 2017 của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (Chương trình), ý kiến phát biểu của thành viên Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Năm 2017 là năm thứ 2 của giai đoạn 2016-2020 thực hiện theo Nghị quyết 100/2015/QH13 ngày 12 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội, với sự quan tâm sát sao, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với hệ thống khung pháp lý và các văn bản hướng dẫn cơ bản đã được ban hành, đã kịp thời tháo gỡ những vấn đề còn vướng mắc của giai đoạn trước và tạo thêm động lực, khích lệ các địa phương để tạo đã có nhiều chuyển biến trong việc triển khai thực hiện năm 2017 và những năm tiếp theo. Trên cơ sở đó, giúp các địa phương có căn cứ để xây dựng, ban hành những cơ chế đặc thù riêng phù hợp hơn với điều kiện thực tế trên địa bàn. Công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững tiếp tục phát huy hiệu quả và ảnh hưởng lớn đến nhận thức của cán bộ các cấp và người dân. Tại nhiều nơi, người dân đã tích cực tham gia các hoạt động chung của cộng đồng nhằm cải thiện chất lượng sống và điều kiện sinh hoạt, giữ gìn môi trường. Các địa phương đã quan tâm hơn đến các nội dung trọng tâm của chương trình để nâng cao chất lượng và tính bền vững của xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, chú trọng về cảnh quan môi trường, an ninh an toàn xã hội, ưu tiên cho phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, quan tâm hỗ trợ củng cố và phát triển hợp tác xã. Đến nay, các địa phương đã cơ bản kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp và các văn phòng điều phối thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết 100/2015/QH13 của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến hết tháng 7 năm 2017 cả nước có 2.776 xã (31,1%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, đã có khoảng 159 xã được công nhận đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 (hoàn thành mục tiêu năm 2017 có ít nhất 31% số xã đạt chuẩn), tăng 416 xã (4,7%) so với cuối năm 2016; bình quân cả nước đạt 13,23 tiêu chí/xã (dự kiến đến hết năm 2017 đạt bình quân 14 tiêu chí/xã); còn 179 xã dưới 5 tiêu chí, giảm 78 xã so với cuối năm 2016 (dự kiến đến hết năm 2017 sẽ còn dưới 150 xã), hoàn thành mục tiêu phấn đấu năm 2017. Có 34 đơn vị cấp huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, dự kiến đến hết năm 2017, sẽ hoàn thành mục tiêu phấn đấu có ít nhất 38 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đến hết 31 tháng 01 năm 2017, tổng số nợ xây dựng cơ bản của 45/63 tỉnh, thành phố khoảng 9.807 tỷ đồng (giảm 5.412 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2016), có 18 tỉnh không có nợ.
Về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, công tác giảm nghèo 6 tháng đầu năm 2017 đạt được những kết quả tích cực, ngoài nguồn vốn ngân sách trung ương, một số địa phương đã chủ động xây dựng các nghị quyết, chính sách và kế hoạch hỗ trợ giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn từ nguồn vốn ngân sách địa phương, góp phần đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trên cả nước. Dự kiến đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn khoảng 6,8% (giảm 1,4-1,5% so với cuối năm 2016), trong đó: bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn dưới 40% (giảm khoảng 5% so với cuối năm 2016); bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc và miền núi giảm khoảng 3-4% so với cuối năm 2016, đạt mục tiêu Chương trình.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trưởng Ban Chỉ đạo biểu dương và đánh giá cao các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo cùng với các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng và đạt được kết quả đáng ghi nhận trong 06 tháng đầu năm 2017.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững còn có khó khăn, hạn chế: Tiến độ giải ngân kế hoạch vốn ngân sách Trung ương 6 tháng đầu năm tương đối chậm; một số địa phương còn lúng túng trong triển khai cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia. Nguyên nhân chủ yếu là do một số dự án có tổng mức đầu tư dưới 5 tỷ nhưng không đáp ứng đủ các yêu cầu theo quy định tại Nghị định số 161/2016/NĐ-CP ngày 02 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ; khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các nhóm xã vẫn còn rất lớn; sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa hình thành được nhiều chuỗi giá trị sản xuất bền vững nên thu nhập của người dân còn bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào giá cả thị trường. Nhiều địa phương đã xác định được sản phẩm chủ lực để tập trung phát triển nhưng thiếu sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã nên đến khi thu hoạch vẫn còn lúng túng tìm kiếm thị trường tiêu thụ, bị tư thương ép giá. Một số văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững chậm ban hành, dẫn đến việc triển khai thực hiện ở một số địa phương, cơ sở còn chậm; một số chính sách đối với đối tượng hộ nghèo thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản chưa được áp dụng như đối với hộ nghèo thu nhập đã ảnh hưởng đến tâm lý, thắc mắc về chính sách của đối tượng cũng như cán bộ làm công tác giảm nghèo.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP 06 THÁNG CUỐI NĂM 2017
Nhất trí với nhiệm vụ, giải pháp thực hiện tại báo cáo của các cơ quan tổng hợp, thường trực Chương trình, Phó Thủ tướng - Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương tập trung làm tốt một số công việc sau:
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nông thôn mới, tiếp tục triển khai sâu rộng và thiết thực Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” của Thủ tướng Chính phủ.
2. Tiếp tục hoàn thiện tất cả các cơ chế, chính sách để thực hiện Chương trình một cách hiệu quả; các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, đánh giá tác động việc thực hiện chính sách, đề xuất chính sách cần tích hợp, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ theo hướng tập trung, gọn đầu mối, giảm bớt số lượng văn bản, tránh trùng chéo và dàn trải, nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách và phù hợp với nguồn lực của ngân sách nhà nước. Giảm chính sách hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời hạn thụ hưởng nhằm tăng cơ hội tiếp cận chính sách và khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo. Có chính sách, cơ chế tác động và hỗ trợ nhằm nâng cao khả năng tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ xã hội cơ bản theo hướng tiếp cận đa chiều.
3. Tăng nguồn lực đầu tư và cân đối nguồn lực trung hạn của nhà nước cho các chính sách, Chương trình giảm nghèo; ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện nghèo, xã nghèo, xã biên giới, xã an toàn khu, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo. Các địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn được giao năm 2017 đảm bảo hiệu quả, đúng quy định, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình; triển khai công tác lập kế hoạch thực hiện Chương trình năm 2018 phù hợp với mục tiêu phấn đấu của cả giai đoạn 2016-2020. Nâng cao chất lượng các tiêu chí đạt chuẩn theo hướng xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Các Bộ, cơ quan chủ trì theo chức năng, nhiệm vụ đề xuất cơ chế, giải pháp lồng ghép nguồn lực thực hiện 21 chương trình mục tiêu với kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
4. Các Bộ, ngành chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững theo hướng liên kết chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; thúc đẩy các mô hình hợp tác xã liên doanh, liên kết có hiệu quả; tập trung xử lý các vấn đề về ô nhiễm môi trường nông thôn, từng bước tạo chuyển biến rõ nét về môi trường, vệ sinh, cảnh quan nông thôn theo hướng xanh - sạch - đẹp, an toàn; trong đó, ưu tiên triển khai Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 16 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về hoàn thiện và nhân rộng mô hình xử lý môi trường ở các xã khó khăn. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã, trong đó, chú trọng hỗ trợ cho các thôn, bản, ấp thuộc các xã khó khăn khu vực biên giới, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo hoàn thiện, nâng cấp các công trình hạ tầng cơ bản phục vụ phát triển sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân, giữ vững an ninh trật tự và nâng cao đời sống văn hóa nông thôn.
5. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, hoàn thiện bộ máy quản lý đến cấp xã, cơ chế điều hành, phân công đầu mối chịu trách nhiệm chính, phân cấp đầy đủ nhiệm vụ và quyền hạn cho địa phương; cải cách thủ tục hành chính và phương thức để người dân; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện của các địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; tiếp tục phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và giám sát của cộng đồng dân cư đối với xây dựng nông thôn mới, cộng đồng tham gia và tiếp cận chính sách giảm nghèo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức tự vươn lên thoát nghèo.
6. Chấp hành chế độ báo cáo theo Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia ban hành kèm theo Quyết định số 41/2016/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ. Định kỳ, tổ chức điều tra về sự hài lòng của người dân đối với kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Thiết lập hệ thống giám sát, đánh giá đồng bộ, toàn diện đáp ứng yêu cầu quản lý Chương trình. Kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân người đứng đầu nêu tiếp tục để xảy ra tình trạng huy động quá sức dân, nợ đọng xây dựng cơ bản sai quy định trong thực hiện Chương trình.
III. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ
1. Về việc xây dựng phương án sửa đổi Nghị định số 77/2015/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2015 và Nghị định số 161/2016/NĐ-CP ngày 02 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ về kế hoạch đầu tư công trung hạn và cơ chế đặc thù: Thực hiện theo Nghị quyết số 70/NĐ-CP ngày 03 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.
2. Về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020: Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp yêu cầu của Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan, khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ.
3. Về xem xét, bổ sung danh sách huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP giai đoạn 2017-2020: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 320/TB-VPCP ngày 21 tháng 7 năm 2017 của Văn phòng Chính phủ.
4. Về chủ trương xây dựng Đề án hỗ trợ thôn, bản, ấp của các xã khó khăn khu vực biên giới, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2017-2020 (Tờ trình số 5721/TTr-BNN-VPĐP ngày 12 tháng 7 năm 2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): Các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương tham gia ý kiến gửi Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
5. Về bổ sung vốn sự nghiệp khoa học công nghệ (20 tỷ đồng) từ ngân sách Trung ương năm 2017 để thực hiện các đề tài, nhiệm vụ thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới: Đồng ý về chủ trương; giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xử lý cụ thể.
6. Về việc hướng dẫn các tiêu chí cụ thể xác định nợ xây dựng cơ bản trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ liên quan ban hành văn bản hướng dẫn trong tháng 8 năm 2017.
7. Về Kế hoạch rà soát, tích hợp chính sách giảm nghèo 2017-2018: Giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan, xây dựng kế hoạch trình Thủ tướng Chính phủ.
8. Về chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản (hộ nghèo thiếu hụt đa chiều): Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 216/TB-VPCP ngày 09 tháng 5 năm 2017 của Văn phòng Chính phủ.
9. Về cân đối nguồn lực bố trí cho hoạt động khoán chăm sóc bảo vệ rừng, tiêm vắc xin phòng dịch bệnh trên toàn quốc ngoài kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020: Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (Thông báo số 216/TB-VPCP ngày 09 tháng 5 năm 2017 và văn bản số 6540/VPCP-KTTH ngày 23 tháng 6 năm 2017 của Văn phòng Chính phủ).
10. Về vướng mắc liên quan đến Thông tư 15/2017/TT-BTC ngày 15 tháng 02 năm 2017 cho các địa phương trong triển khai thực hiện kinh phí sự nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2017: Giao Bộ Tài chính khẩn trương rà soát, xử lý.
11. Về Hội nghị các nhà tài trợ quốc tế cho chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020: Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan: Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Ủy ban Dân tộc, VCCI và các nhà tài trợ khẩn trương chuẩn bị, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để tổ chức trong tháng 10 năm 2017.
12. Về việc tổ chức Chương trình truyền hình trực tiếp ngày vì người nghèo 17 tháng 10 năm 2017: Đồng ý, đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội , Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức thực hiện.
13. Về Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm 2017 các chương trình mục tiêu quốc gia: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội và Văn phòng Chính phủ xây dựng kế hoạch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để tổ chức thực hiện theo quy định.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: - Ban Bí thư TW Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP; - VP Quốc hội, Ủy ban Kinh tế Quốc hội; - Thành viên BCĐTW các CT MTQG; - Các Văn phòng: VPĐP NTM TW, VP chương trình KH&CN xây dựng NTM (Bộ NN&PTNT), VPQG giảm nghèo (Bộ LĐTB&XH), VP Chương trình 135 (UBDT); - UBND các Tỉnh, TP trực thuộc TW; - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, các Vụ: KTTH, KGVX, TH, NC, CN, QHĐP, TCCV, TTĐT; - Lưu: Văn thư, NN (3). Thịnh | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM PHÓ CHỦ NHIỆM Nguyễn Sỹ Hiệp |