THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ------------------ Số: 1554/QĐ-TTg | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------------------- Hà Nội, ngày 17 tháng 10 năm 2012 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH THỦY LỢI VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG GIAI ĐOẠN 2012 - 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2050 TRONG ĐIỀU KIỆN BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU, NƯỚC BIỂN DÂNG
-----------------------------------------------
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật tài nguyên nước ngày 20 tháng 5 năm 1998;
Căn cứ Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể thủy lợi vùng đồng bằng sông Hồng giai đoạn 2012 - 2020 và định hướng đến năm 2050 trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng với các nội dung chính như sau:
I. PHẠM VI
11 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình với tổng diện tích tự nhiên khoảng 2,1 triệu ha, dân số khoảng 19,8 triệu người.
II. QUAN ĐIỂM
1. Quy hoạch thủy lợi phải phù hợp với Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Hồng, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; góp phần khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nước; kết hợp hài hòa giữa giải pháp công trình và phi công trình; hạn chế tác hại do nước gây ra, nhất là lũ lụt và xâm nhập mặn trong điều kiện biến đổi khí hậu - nước biển dâng; bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
2. Phù hợp với Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, Định hướng Chiến lược phát triển thủy lợi Việt Nam, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
3. Duy trì hợp lý dòng chảy kiệt là vấn đề mang tính chiến lược đối với ổn định và phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bằng sông Hồng.
4. Huy động nguồn lực từ ngân sách nhà nước, đóng góp của người dân, các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư xây dựng công trình.
5. Quy hoạch theo hướng “mở” để có thể điều chỉnh, bổ sung theo diễn biến của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
III. MỤC TIÊU
Đề xuất giải pháp tổng thể phát triển thủy lợi vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2050 nhằm chủ động thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu - nước biển dâng; từng bước hoàn thiện các hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, nâng cao mức đảm bảo cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp góp phần phát triển kinh tế xã hội bền vững, chủ động ứng phó với thiên tai ngày càng gia tăng do biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn cho nhân dân, bảo vệ môi trường sinh thái, cụ thể:
1. Đề xuất các giải pháp tổng thể thủy lợi nhằm chủ động phòng, chống lũ, chống ngập, ổn định và phát triển sản xuất, đảm bảo an toàn cho nhân dân (đặc biệt là thủ đô Hà Nội), thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu - nước biển dâng, chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.
2. Đảm bảo nguồn cấp nước sinh hoạt cho dân cư vùng đồng bằng sông Hồng (với quy mô dân số vào năm 2050 dự kiến khoảng 30 triệu người), đáp ứng nhu cầu nước cho công nghiệp, môi trường, du lịch, dịch vụ...
3. Nâng cấp, từng bước hoàn thiện hệ thống thủy lợi, đảm bảo chủ động cấp nước, tiêu thoát nước cho 1,3 triệu ha diện tích đất trồng lúa vùng đồng bằng sông Hồng, góp phần đảm bảo an ninh lương thực; chủ động nguồn nước đảm bảo thời vụ và quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; cung cấp nước ngọt, nước mặn ổn định và bền vững cho khoảng 124.000 ha diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ và nước ngọt.
4. Nghiên cứu, đề xuất giải pháp hạn chế ảnh hưởng của xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước ngọt cho vùng ven biển thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
5. Làm cơ sở để xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thủy lợi chi tiết cho các tiểu vùng của đồng bằng sông Hồng.
IV. PHƯƠNG ÁN QUY HOẠCH
1. Mức đảm bảo cấp nước, tiêu nước, chống lũ
a) Mức đảm bảo tưới là P = 85%.
b) Mức đảm bảo tiêu thoát nước:
- Khu vực đô thị tính mưa 24 giờ max, tần suất P=10%, tiêu chí mưa giờ nào tiêu hết giờ đó;
-Khu vực nông nghiệp tính mưa 5 ngày max, tần suất P=10%, mưa 5 ngày tiêu trong 7 ngày.
c) Tiêu chuẩn phòng chống lũ: Theo Quyết định số 92/2007/QĐ-TTg ngày 21 tháng 6 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định số 04/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ.
d) Kịch bản biến đổi khí hậu: Kịch bản ứng với mức phát thải trung bình (B2) do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố.
2. Phương án tổng thể thủy lợi vùng đồng bằng sông Hồng
a) Phương án công trình dòng chính
- Phương án công trình cấp nước, tiêu thoát nước.
+ Từ nay đến năm 2020, tiếp tục thực hiện giải pháp sử dụng hệ thống hồ chứa lớn trên thượng nguồn sông Hồng (Sơn La, Hòa Bình, Lai Châu, Thác Bà, Tuyên Quang) kết hợp kỳ triều cường điều tiết cấp nước trong mùa kiệt, phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân.
+ Đến năm 2015, nghiên cứu các phương án xây dựng công trình dâng mực nước trên dòng chính làm cơ sở xem xét bổ sung quy hoạch và đầu tư xây dựng nhằm đảm bảo hoạt động của các cống lấy nước, các trạm bơm, khai thác sử dụng hiệu quả nguồn nước.
+ Đến năm 2020, nghiên cứu xây dựng cống Thái Bình trên sông Thái Bình, cống Sông Mới trên sông Mới. Các công trình ngăn mặn, trữ ngọt và công trình điều tiết cửa sông khác sẽ tiếp tục được nghiên cứu.
+ Tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình tiêu nước ra sông chính, giảm lượng nước tiêu vào hệ thống nội đồng.
- Phương án công trình phòng, chống lũ, bão.
+ Củng cố, nâng cấp hệ thống đê sông Hồng - sông Thái Bình theo Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 09 tháng 12 năm 2009.
+ Nâng cấp tuyến đê biển của các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình đảm bảo chống được bão cấp 9 tổ hợp với triều cường tần suất 5%, đối với các tuyến đê biển bảo vệ trực tiếp khu vực dân cư tập trung bảo đảm an toàn chống bão cấp 12 với mực nước triều tần suất 5% theo Quyết định số 58/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục nghiên cứu các giải pháp củng cố đê biển, nâng cao bãi trước đê để chủ động ứng phó với nước biển dâng.
+ Xây dựng, củng cố hệ thống đê, cải tạo lòng dẫn sông Đáy theo quy định tại Nghị định số 04/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ.
+ Xây dựng các tuyến thoát lũ (giải tỏa vật cản ở lòng sông, bãi sông và các hoạt động gây cản trở thoát lũ, xây dựng chỉ giới thoát lũ, di chuyển dân cư ra khỏi tuyến thoát lũ):
* Tuyến thoát lũ số 1 dọc sông Hồng ra đến biển qua cửa Ba Lạt.
* Tuyến thoát lũ số 2 từ sông Đuống qua sông Thái Bình theo tuyến sông Gùa, sông Mía, sông Văn Úc ra biển qua cửa Văn Úc.
* Tuyến thoát lũ số 3 theo tuyến sông Kinh Thầy qua sông Cấm ra biển qua cửa Cấm.
b) Phương án quy hoạch các vùng
- Công trình cấp nước:
+ Sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa nước để đảm bảo an toàn, nhất là các hồ chứa thủy lợi vừa và nhỏ.
+ Nạo vét khơi thông dòng chảy tăng khả năng trữ nước của các hệ thông kênh mương. Kiên cố hóa hệ thống kênh tưới, hoàn thiện công trình nội đồng tăng hệ số sử dụng kênh mương, chống thất thoát và tiết kiệm nước.
+ Xây dựng, hoàn thiện các công trình tiếp nguồn từ dòng chính (cống Lương Phú, hệ thống Cẩm Đình - Hiệp Thuận, cống Liên Mạc, cống Xuân Quan 2, cống trạm bơm Nghi Xuyên, cống Phú Lạc...) và cải tạo, nâng cấp các trạm bơm dọc sông Hồng (Trung Hà, Phù Sa, Đại Định, Thanh Điềm, Ấp Bắc, Đan Hoài, Hồng Vân,...).
+ Vùng sồng Lô - Gâm: Nâng cấp 18 công trình phục vụ tưới cho 1.026 ha; xây mới 07 công trình phục vụ tưới cho 600 ha; kiên cố hóa, hoàn chỉnh hệ thống kênh nội đồng.
+ Vùng sông Cầu - sông Thương: Cải tạo, nâng cấp, tăng cường năng lực các công trình lấy nước từ sông ngoài như các trạm bơm Ấp Bắc, Tri Phương, Thái Hòa; nạo vét hệ thống kênh mương tăng cường khả năng trữ trong hệ thống; nâng cấp 12 hồ đập, 63 trạm bơm tưới 24.834 ha; xây mới 21 công trình tưới 5.546 ha.
+ Vùng Hữu sông Hồng: Bổ sung, sửa chữa, cải tạo các công trình lấy nước, tiếp nguồn cho các hệ thống như cống Lương Phú, cống Liên Mạc, các trạm bơm Trung Hà, Phù Sa, Hữu Bị, Như Trác...; nạo vét hệ thống kênh, tăng cường khả năng trữ nước trong hệ thống; tận dụng các hồ để bổ sung nguồn nước như Quan Sơn, Đồng Sương, Suối Hai...; xây dựng âu Kim Đài ngăn mặn, giữ ngọt kết hợp tiêu thoát nước; nâng cấp 276 trạm bơm, 37 cống, 19 hồ đập tưới đảm bảo cho 123.647 ha; xây mới 41 trạm bơm, 6 hồ đập, 26 cống tưới cho 47.096 ha.
+ Vùng Tả sông Hồng: Xây dựng các công trình lấy nước, tiếp nguồn cho các hệ thống gồm cống Xuân Quan 2, các trạm bơm Phú Mỹ, Vạn Ninh, Nghi Xuyên, cống Phú Lạc…; nạo vét hệ thống kênh mương, tăng cường khả năng trữ trong các hệ thống; tận dụng khả năng lấy nước ngược từ sông Thái Bình qua cống Cầu Xe, An Thổ; nâng cấp 131 công trình cống, trạm bơm đảm bảo tưới cho 73.933 ha; xây mới 23 công trình tưới cho 23.042 ha.
+ Vùng hạ du sông Thái Bình: Xây dựng các công trình lấy nước, tiếp nguồn cho các hệ thống, tăng cường lấy nước tại những công trình lấy nước không bị ảnh hưởng mặn; nạo vét hệ thống kênh mương tăng cường khả năng trữ trong các hệ thống; nâng cấp 15 hồ, đập, 21 trạm bơm, 4 cống tưới cho 5.105 ha; xây mới 10 công trình tưới 1.756 ha.
+ Vùng các sông ngắn Quảng Ninh: Kiên cố hóa và hoàn chỉnh hệ thống kênh nội đồng; nâng cấp 104 công trình tưới cho 8.375 ha; xây mới 10 công trình tưới 1.897 ha.
- Công trình tiêu nước:
Vùng sông Lô - Gâm và vùng các sông ngắn Quảng Ninh chủ yếu vẫn là tiêu tự chảy. Các vùng khác xây dựng bổ sung các công trình tiêu, ưu tiên các trạm bơm tiêu trực tiếp ra sông ngoài. Nạo vét các kênh trục tiêu.
+ Vùng sông Lô - Gâm: Chủ yếu tiêu tự chảy ra sông Lô và sông Phó Đáy, nạo vét các tuyến kênh tiêu.
+ Vùng sông Cầu - sông Thương: Tăng khả năng tiêu của các công trình tiêu trực tiếp ra sông ngoài như các trạm bơm: Vĩnh Thanh, Tri Phương, Ngũ Kiên, Văn Khê, nâng cấp 30 trạm bơm (trong đó có các trạm bơm: Tân Chi 1, Phương Trạch, Kim Đôi 1, Phả Lại,...); nâng cấp 04 cống đảm bảo tiêu cho diện tích 82.469 ha; xây mới 12 trạm bơm tiêu; nạo vét các kênh trục tiêu đảm bảo yêu cầu tiêu thoát.
+ Vùng Hữu sông Hồng: Cải tạo, tăng khả năng tiêu cho các công trình tiêu trực tiếp ra sông ngoài gồm các trạm bơm: Yên Nghĩa, Liên Mạc, Yên Sở 3, Yên Thái, Sông Chanh, Quỹ Độ, Kinh Thanh 2, Độc Bộ, Cổ Đam, Hữu Bị, Khai Thái, Yên Lệnh, Vĩnh Trị, cải tạo, nạo vét các tuyến kênh trục dẫn nước tiêu; nâng cấp 127 trạm bơm tiêu, xây mới 78 trạm bơm để đảm bảo tiêu cho diện tích 299.535 ha; nâng cấp 62 cống, xây mới 8 cống tiêu cho diện tích 133.720 ha.
+ Vùng Tả sông Hồng: Nâng cấp, xây mới các công trình tiêu trực tiếp ra sông ngoài gồm: Nghi Xuyên, Liên Nghĩa, Chùa Tổng, Nhất Trai, Nam Kẻ Sặt, Kênh Vàng, cải tạo, nạo vét các tuyến kênh trục dẫn nước tiêu; nâng cấp 60 trạm bơm tiêu, xây mới 28 trạm bơm tiêu cho diện tích 172.979ha; nâng cấp 8 cống, xây mới 3 cống tiêu cho diện tích 162.973 ha.
+ Vùng Hạ du sông Thái Bình: Cải tạo nâng khả năng tiêu cho các công trình tiêu trực tiếp ra sông ngoài; cải tạo, nạo vét các tuyên kênh trục dân nước tiêu; nâng cấp 18 trạm bơm, xây mới 11 trạm bơm tiêu cho diện tích 64.950 ha, gồm các trạm bơm: Vạn Thắng, Ngọc Trì, Đợn, Cộng Hiền 2...; nâng cấp 89 cống, xây mới 3 cống tiêu cho diện tích 158.389 ha.
+ Vùng các sông ngắn Quảng Ninh: Chủ yếu tiêu tự chảy ra các sông suối; cải tạo, khai thông các luồng lạch, sông suối tự nhiên đảm bảo tiêu thoát nhanh.
c) Giải pháp phi công trình
- Phối hợp vận hành liên hồ chứa trong mùa kiệt (xây dựng, ban hành quy trình vận hành phù hợp, khai thác sử dụng hiệu quả nguồn nước, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các ngành, ưu tiên nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân).
- Tăng cường trồng, bảo vệ rừng đầu nguồn hệ thống sông Hồng - Thái Bình và rừng phòng hộ ven biển, cây chắn sóng bảo vệ đê biển.
- Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi.
- Xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát công trình thủy lợi, ưu tiên đầu tư trước tại các công trình trọng điểm để chủ động trong việc giám sát, đánh giá mức độ an toàn công trình.
- Xây dựng chương trình khoa học công nghệ cho lưu vực sông Hồng - Thái Bình: Tập trung nghiên cứu các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu và nước biển dâng như cạn kiệt dòng chảy, ổn định lòng dẫn, phân lưu giữa các sông, giải pháp công trình nâng đầu nước trên dòng chính, diễn biến xói lở, xâm nhập mặn vùng cửa sông ven biển.
- Quản lý khai thác cát, sỏi trên hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình, đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều và ổn định dòng chảy phục vụ cấp thoát nước.
- Nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại các vùng trũng, thường xuyên bị úng, ngập.
- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong khai thác, bảo vệ nguồn nước, thu thập thông tin liên quan đến nguồn nước xuyên biên giới.
- Tăng cường quản lý quy hoạch, thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
- Tuyên truyền, phổ biến kiến thức về biến đổi khí hậu, nâng cao khả năng thích ứng của người dân với các tác động của biến đổi khí hậu.
V. KINH PHÍ THỰC HIỆN QUY HOẠCH
1. Tổng kinh phí dự kiến để thực hiện Quy hoạch khoảng 142.450 tỷ đồng (Một trăm bốn mươi hai nghìn, bốn trăm năm mươi tỷ đồng), trong đó:
a) Phân theo giai đoạn đầu tư:
- Nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn từ 2012 đến 2015 khoảng 19.385 tỷ đồng.
- Nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn từ 2016 đến 2020 khoảng 40.285 tỷ đồng.
- Nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn từ 2021 đến 2050 khoảng 82.780 tỷ đồng.
b) Phân theo hạng mục công việc:
- Đầu tư xây dựng công trình khoảng 142.000 tỷ đồng.
- Thực hiện các giải pháp phi công trình: 370 tỷ đồng.
- Chương trình khoa học công nghệ khoảng 80 tỷ đồng.
2. Nguồn vốn đầu tư thực hiện quy hoạch:
Nguồn vốn thực hiện quy hoạch được cân đối từ vốn ngân sách nhà nước hàng năm (ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, vốn chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu), vốn đầu tư từ huy động xã hội hóa, đóng góp của người dân vùng hưởng lợi và các nguồn vốn hợp pháp khác.
VI. TRÌNH TỰ THỰC HIỆN
Căn cứ nội dung quy hoạch và khả năng cân đối ngân sách nhà nước hàng năm, theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, sắp xếp thứ tự ưu tiên, bảo đảm đầu tư đồng bộ và có hiệu quả, cụ thể theo trình tự ưu tiên sau:
1. Giai đoạn từ 2012 - 2015:
- Nạo vét các trục kênh tưới, tiêu chính đảm bảo yêu cầu tưới, tiêu.
- Nâng cấp tuyến đê biển Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, các tuyến đê sông hữu Hồng, tả Hồng theo các chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa nước, nhất là các hồ chứa thủy lợi vừa và nhỏ để đảm bảo an toàn.
- Sửa chữa, nâng cấp các trạm bơm lớn, cống lớn như: cống Cầu Xe, cống và trạm bơm Liên Mạc, các trạm bơm Vĩnh Trị I, Cổ Đam, Hữu Bị...
- Xây dựng các công trình bổ sung nguồn nước từ sông ngoài như: cống Xuân Quan 2, cống và trạm bơm Nghi Xuyên, trạm bơm Phú Mỹ...
- Xây dựng một số trạm bơm tiêu nước ra sông ngoài như: Yên Nghĩa, Liên Nghĩa, Kinh Thanh II, Quỹ Độ, Nhất Trai...
- Xây dựng công trình Âu Kim Đài.
- Từng bước thực hiện dự án củng cố đê, cải tạo sông Đáy; xây dựng các tuyến thoát lũ, trong đó trước mắt cần tập trung xây dựng chỉ giới thoát lũ.
- Triển khai chương trình khoa học công nghệ cho lưu vực sông Hồng - Thái Bình: Tập trung nghiên cứu giải pháp ổn định lòng dẫn, ổn định phân lưu lượng dòng chính sông Hồng - sông Đuống; nghiên cứu giải pháp công trình trên dòng chính nhằm nâng cao mực nước mùa kiệt, khai thác hiệu quả nguồn nước; nghiên cứu công trình vùng cửa sông, công nghệ tưới tiết kiệm nước.
- Thực hiện các giải pháp phi công trình, tập trung trồng cây chắn sóng, rừng phòng hộ ven biển.
2. Giai đoạn từ 2016 - 2020:
- Tiếp tục nạo vét các tuyến kênh tưới, tiêu; sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa nước.
- Sửa chữa, nâng cấp các trạm bơm, cống, như: cống Đại Nẫm, trạm bơm Văn Giang, Khai Thái, Yên Lệnh, Thái Hòa, Vĩnh Trị, Cốc Thành...
- Xây dựng một số trạm bơm tiêu nước ra sông ngoài như: Liên Mạc, Nam Thăng Long, Yên Thái, Nam Kẻ Sặt, Long Tửu, Hán Quảng II...
- Xây dựng công trình ngăn mặn, giữ ngọt: cống sông Mới, cống Thái Bình; xem xét thực hiện biện pháp công trình nâng mực nước mùa kiệt.
- Tiếp tục đầu tư nâng cấp các tuyến đê biển thuộc Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh, Ninh Bình, các tuyến đê sông hữu Hồng, tả Hồng, sông Ninh Cơ, sông Thái Bình, sông Kinh Thày,...
- Tiếp tục thực hiện dự án củng cố đê, cải tạo sông Đáy; xây dựng các tuyến thoát lũ.
- Tiếp tục thực hiện các giải pháp phi công trình, trồng cây chắn sóng, rừng phòng hộ ven biển.
3. Giai đoạn sau năm 2020
Tiếp tục triển khai thực hiện các công trình còn lại của quy hoạch trên cơ sở điều chỉnh bổ sung nhiệm vụ, mục tiêu, quy mô công trình cho phù hợp thực tế phát triển kinh tế xã hội của các địa phương trong vùng.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan:
- Công bố quy hoạch, hướng dẫn, chỉ đạo quán triệt và thực hiện tốt mục tiêu, nội dung, định hướng phát triển, giải pháp quy hoạch và quản lý quy hoạch giai đoạn 2012 - 2020 và định hướng đến năm 2050.
- Chỉ đạo các địa phương tiếp tục chương trình trồng, bảo vệ rừng ở thượng nguồn lưu vực sông Hồng - Thái Bình, đẩy mạnh đầu tư trồng cây chắn sóng, rừng phòng hộ ven biển.
- Hướng dẫn địa phương triển khai quy hoạch thủy lợi chi tiết cho từng tiểu vùng, từng địa bàn; quy hoạch hệ thống hồ điều hòa để trữ nước chống ngập úng khi mưa lớn (nhất là tại các đô thị, thành phố, thị xã), đồng thời cải thiện môi trường, sinh thái.
- Rà soát, phân cấp lại cấp đê trên phạm vi toàn quốc trong đó có lưu vực sông Hồng - Thái Bình.
- Phối hợp với các địa phương phân công rõ trách nhiệm đầu tư từng dự án, công trình trong quy hoạch; thống nhất thứ tự ưu tiên, xây dựng kế hoạch cụ thể để đầu tư đồng bộ, phát huy hiệu quả (nhất là các hệ thống, các công trình liên vùng, liên tỉnh, công trình trọng điểm) đảm bảo các mục tiêu: Phòng tránh giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ an toàn tài sản và tính mạng của nhân dân, cấp nước, tiêu nước, phòng chống lũ, chống xậm nhập mặn, xây dựng nông thôn mới gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.
- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xác định cơ cấu các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách trung ương, địa phương huy động và các nguồn vốn khác (kể cả nguồn vốn ODA) và đề xuất giải pháp, chính sách để thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi của vùng.
2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng chỉ đạo các cơ quan chức năng quán triệt và thực hiện quy hoạch theo sự chỉ đạo, hướng dẫn thống nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành, địa phương liên quan cân đối, bố trí vốn đầu tư hàng năm (bao gồm cả nguồn vốn hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu) theo quy định của Luật ngân sách nhà nước để thực hiện các nội dung Quy hoạch, đồng thời chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát đầu tư, bảo đảm nguồn vốn đầu tư cho các công trình, dự án được thực hiện đúng mục tiêu và hiệu quả.
4. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Công an và các cơ quan liên quan rà soát, trình cấp thẩm quyền ban hành quy định tăng cường quản lý thăm dò, khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát sỏi lòng sông (tránh làm thay đổi dòng chảy gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều và công trình trên sông).
5. Các Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng thực hiện có hiệu quả nội dung Quy hoạch thủy lợi vùng đồng bằng sông Hồng giai đoạn 2012 - 2020 và định hướng đến năm 2050, đồng thời xem xét điều chỉnh quy hoạch của ngành, địa phương phù hợp với nội dung Quy hoạch này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình chịu trách nhiệm thi hành Quyết đinh này./.
Nơi nhận: - Như Điều 4; - Thủ tướng, các PTT Chính phủ; - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, KGVX, ĐP, TH; - Lưu: Văn thư, KTN (3b). | THỦ TƯỚNG Nguyễn Tấn Dũng |