Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 10299-3:2014 Khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh-Phần 3: Giám sát và đánh giá tổ chức thực hiện hoạt động rà phá bom mìn, vật nổ

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiêu chuẩn liên quan
  • Lược đồ
  • Tải về
Mục lục Đặt mua toàn văn TCVN
Lưu
Theo dõi văn bản

Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.

Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.

Báo lỗi
  • Báo lỗi
  • Gửi liên kết tới Email
  • Chia sẻ:
  • Chế độ xem: Sáng | Tối
  • Thay đổi cỡ chữ:
    17
Ghi chú

Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 10299-3:2014

Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 10299-3:2014 Khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh-Phần 3: Giám sát và đánh giá tổ chức thực hiện hoạt động rà phá bom mìn, vật nổ
Số hiệu:TCVN 10299-3:2014Loại văn bản:Tiêu chuẩn Việt Nam
Cơ quan ban hành: Bộ Khoa học và Công nghệLĩnh vực: An ninh quốc gia
Năm ban hành:2014Hiệu lực:
Người ký:Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Ghi chú
Ghi chú: Thêm ghi chú cá nhân cho văn bản bạn đang xem.
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA

TCVN 10299-3:2014

KHẮC PHỤC HẬU QUẢ BOM MÌN, VẬT NỔ SAU CHIẾN TRANH - PHẦN 3: GIÁM SÁT VÀ ĐÁNH GIÁ TỔ CHỨC THỰC HIỆN HOẠT ĐỘNG RÀ PHÁ BOM MÌN, VẬT NỔ

Addressing the post war consequences of bomb and mine - Part 3: Monitoring and Evaluation demining operation oganizations

Lời nói đầu

TCVN 10299-3:2014 do Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn Bộ Tư lệnh Công binh biên soạn, Bộ Quốc phòng đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

Bộ Tiêu chuẩn TCVN 10299:2014, Khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, gồm 10 phần:

- TCVN 10299-1:2014, Phần 1: Quy định chung;

- TCVN 10299-2:2014, Phần 2: Thẩm định và công nhận tổ chức thực hiện hoạt động rà phá bom mìn, vật nổ;

- TCVN 10299-3:2014, Phần 3: Giám sát và đánh giá tổ chức thực hiện hoạt động rà phá bom mìn, vật nổ;

- TCVN 10299-4:2014, Phần 4: Điều tra và khảo sát về ô nhiễm bom mìn, vật nổ;

- TCVN 10299-5:2014, Phần 5: Công tác an toàn trong hoạt động rà phá bom mìn, vật nổ;

- TCVN 10299-6:2014, Phần 6: Công tác rà phá bom mìn, vật nổ;

- TCVN 10299-7:2014, Phần 7: Xử lý bom mìn, vật nổ;

- TCVN 10299-8:2014, Phần 8: Bảo đảm y tế;

- TCVN 10299-9:2014, Phần 9: Điều tra sự cố bom mìn, vật nổ;

- TCVN 10299-10:2014, Phần 10: Thu thập, xử lý, lưu trữ và cung cấp thông tin.

KHẮC PHỤC HẬU QUẢ BOM MÌN, VẬT NỔ SAU CHIẾN TRANH - PHẦN 3: GIÁM SÁT VÀ ĐÁNH GIÁ TỔ CHỨC THỰC HIỆN HOẠT ĐỘNG RÀ PHÁ BOM MÌN, VẬT NỔ

Addressing the post war consequences of bomb and mine - Part 3: Monitoring and Evaluation demining operation oganizations

1. Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu và nội dung giám sát và đánh giá tổ chức thực hiện hoạt động rà phá bom mìn, vật nổ (RPBM) và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Tiêu chuẩn này áp dụng cho các tổ chức được cấp giấy phép hành nghề về giám sát và đánh giá đối với hoạt động của các tổ chức thực hiện hoạt động RPBM và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

2. Tài liệu viện dẫn

Tài liệu viện dẫn sau rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).

TCVN 10299-1:2014, Khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh - Phần 1: Quy định chung.

3. Thuật ngữ và định nghĩa

Tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa được nêu trong TCVN 10299-1:2014 và các thuật ngữ, định nghĩa sau:

3.1. Giám sát (Monitoring)

Hoạt động kiểm tra thường xuyên, liên tục theo các quy định về quản lý hoạt động RPBM nhằm đảm bảo cho một công việc đạt hiệu quả, yêu cầu.

3.2. Đánh giá (Evaluation)

Hoạt động định kỳ theo kế hoạch hoặc đột xuất trong quá trình thực hiện hoạt động RPBM, nhằm xác định mức độ đạt được theo mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể dựa trên hệ thống các quy trình, quy định.

3.3. Tổ chức giám sát và đánh giá (Monitoring and Evaluation Organization)

Tổ chức được cấp giấy phép hành nghề thực hiện công việc giám sát và đánh giá các tổ chức trong hoạt động liên quan đến lĩnh vực RPBM, qua đó kịp thời phát hiện các sai phạm, vướng mắc và khó khăn để đề xuất với các cơ quan chức năng có biện pháp giải quyết một cách hiệu quả.

3.4. Nhân viên giám sát và đánh giá (Monitoring and Evaluation Staff)

Người thuộc tổ chức giám sát và đánh giá có đủ năng lực để thực hiện nhiệm vụ và được cấp chứng chỉ.

4. Quy định chung

4.1. Công tác giám sát và đánh giá là một phần quan trọng trong hoạt động RPBM, giúp cơ quan quản lý hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ (KPHQBM) quốc gia xem xét, đánh giá năng lực của các tổ chức RPBM theo đúng quy định đảm bảo chất lượng, an toàn.

4.2. Việc giám sát, đánh giá không được cản trở, làm chậm trễ hoặc gián đoạn các hoạt động RPBM mà các hoạt động RPBM đang thực hiện không trái với phương án, kế hoạch được duyệt.

4.3. Tổ chức thực hiện công tác giám sát và đánh giá các hoạt động RPBM phải thông qua lựa chọn theo quy định hiện hành.

4.4. Hoạt động của tổ chức thực hiện công tác giám sát và đánh giá phải độc lập, các kết quả giám sát và đánh giá phải khách quan, công bằng bảo đảm độ tin cậy.

4.5. Tổ chức giám sát và đánh giá phải có quy mô phù hợp với yêu cầu của từng dự án (hạng mục) RPBM.

5. Kiểm tra hoạt động rà phá bom mìn, vật nổ

5.1. Kiểm tra hồ sơ

- Hợp đồng RPBM.

- Hồ sơ phương án kỹ thuật, kế hoạch thi công RPBM.

- Công tác đảm bảo an toàn.

- Các văn bản có liên quan đến tổ chức thi công RPBM.

5.2. Kiểm tra lực lượng, trang thiết bị

- Số lượng, trình độ chuyên môn của nhân viên kỹ thuật theo kế hoạch.

- Kế hoạch huấn luyện bổ sung.

- Số lượng, chất lượng của trang thiết bị thi công RPBM.

5.3. Kiểm tra công tác đảm bảo

- Nhà làm việc, nhà ở, nhà kho và các điều kiện sinh hoạt khác.

- Hệ thống quản lý chất lượng nội bộ của tổ chức RPBM.

- Công tác đảm bảo an toàn, hỗ trợ y tế, biện pháp giải quyết các sự cố và tai nạn lao động xảy ra trong quá trình hoạt động RPBM.

5.4. Giám sát quá trình rà phá bom mìn, vật nổ

5.4.1. Giám sát thường xuyên, có hệ thống quá trình triển khai các công việc thực hiện theo đúng phương án kỹ thuật, kế hoạch thi công được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

5.4.2. Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền đình chỉ thi công khi phát hiện tổ chức RPBM sử dụng nhân lực, các trang thiết bị không đúng, không đủ số lượng, không đảm bảo chất lượng, thi công không đúng phương án kỹ thuật, kế hoạch thi công được phê duyệt; hoặc phát hiện biện pháp thi công gây ảnh hưởng đến công trình lân cận, gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo an toàn.

5.4.3. Chủ trì, phối hợp với các bên liên quan giải quyết những vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện.

5.5. Giám sát tiến độ thi công

5.5.1. Kiểm tra tiến độ thi công theo kế hoạch được duyệt.

5.5.2. Trong quá trình giám sát có thể đề xuất các giải pháp rút ngắn tiến độ nhưng không làm ảnh hưởng đến chất lượng thi công.

5.5.3. Trường hợp tiến độ thực hiện của dự án bị kéo dài thì tổ chức giám sát phải đánh giá, xác định nguyên nhân, thông báo đến chủ đầu tư bằng văn bản để chủ đầu tư xem xét, quyết định việc điều chỉnh tiến độ của dự án.

5.6. Giám sát khối lượng thi công

5.6.1. Giám sát xác nhận khối lượng thực hiện thực tế đạt chất lượng theo quy định.

5.6.2. Giám sát, kiểm tra khối lượng điều chỉnh (nếu có) theo yêu cầu của chủ đầu tư.

5.6.3. Tiếp nhận, hướng dẫn tổ chức RPBM lập các hồ sơ sửa đổi, phụ lục bổ sung hợp đồng, đề xuất phương án giải quyết tranh chấp hợp đồng (nếu có).

5.7. Giám sát công tác an toàn, vệ sinh môi trường

5.7.1. Giám sát biện pháp tổ chức thực hiện công tác đảm bảo an toàn, công tác vệ sinh môi trường của tổ chức và nhân viên RPBM trong quá trình thực hiện hoạt động RPBM.

5.7.2. Yêu cầu tổ chức RPBM phải nghiêm túc thực hiện công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường.

5.8. Giám sát đánh giá chất lượng

5.8.1. Kiểm tra, đánh giá chất lượng của các loại hồ sơ theo 5.1.

5.8.2. Kiểm tra quy trình và quá trình tổ chức thực hiện công tác đảm bảo chất lượng nội bộ của tổ chức trong quá trình triển khai thực hiện hoạt động RPBM.

5.8.3. Giám sát, đánh giá kịp thời chất lượng các phần việc hoặc hạng mục công việc của dự án.

5.8.4. Tổ chức kiểm tra đánh giá chất lượng các hạng mục công việc của tổ chức RPBM khi có nghi ngờ về chất lượng.

5.8.5. Phát hiện các sai sót, sự cố và vi phạm của tổ chức hoạt động RPBM, lập biên bản, hồ sơ trình cấp có thẩm quyền giải quyết.

5.8.6. Phối hợp với các bên liên quan giải quyết những vướng mắc, phát sinh trong trong quá trình thực hiện công tác RPBM.

5.8.7. Kết quả kiểm tra phải được lập thành văn bản.

5.9. Nghiệm thu công tác rà phá bom mìn, vật nổ

5.9.1. Chỉ được nghiệm thu những công việc RPBM đúng với quy trình kỹ thuật được quy định và phương án kỹ thuật thi công được duyệt.

5.9.2. Đối với dự án (hạng mục) đã hoàn thành nhưng vẫn còn một số tồn tại mà những tồn tại đó không ảnh hưởng đến chất lượng của dự án (hạng mục) thì có thể chấp nhận nghiệm thu đồng thời yêu cầu khắc phục các tồn tại và nghiệm thu lại sau khi các tồn tại đã được khắc phục xong.

5.9.3. Các biên bản nghiệm thu trong thời gian thi công và biên bản nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào sử dụng là căn cứ để thanh quyết toán dự án (hạng mục) đã thi công xong.

5.9.4. Không nghiệm thu dự án (hạng mục) công việc thi công sau khi đã thi công lại nhưng vẫn không đáp ứng được yêu cầu chất lượng của dự án.

5.9.5. Nội dung công tác nghiệm thu chất lượng thi công dự án (hạng mục) gồm: Nghiệm thu công việc; nghiệm thu giai đoạn thi công; nghiệm thu hoàn thành dự án (hạng mục) để đưa vào sử dụng.

5.9.5.1. Nghiệm thu công việc.

5.9.5.1.1. Thành phần trực tiếp tham gia nghiệm thu gồm: Người giám sát thi công của Chủ đầu tư hoặc tư vấn giám sát; tổ chức giám sát và đánh giá; người phụ trách thi công của nhà thầu thi công.

5.9.5.1.2. Trách nhiệm của các thành phần tham gia nghiệm thu là trực tiếp tiến hành nghiệm thu những hạng mục công việc đã hoàn thành trong quá trình thi công.

5.9.5.1.3. Điều kiện cần để nghiệm thu là đối tượng nghiệm thu đã thi công hoàn thành và có đầy đủ hồ sơ, tài liệu; có biên bản nghiệm thu nội bộ và phiếu yêu cầu nghiệm thu của nhà thầu thi công.

5.9.5.1.4. Nội dung và trình tự nghiệm thu: Kiểm tra tại hiện trường; kiểm tra các hồ sơ tài liệu theo danh mục; đối chiếu các kết quả kiểm tra với phương án kỹ thuật thi công được phê duyệt, quy trình kỹ thuật; đánh giá chất lượng và kết luận.

5.9.5.1.5. Kiểm tra tại hiện trường gồm:

- Kiểm tra chất lượng công việc bằng phương pháp kiểm tra xác suất tại một số điểm (thường có kích thước 20 m x 20 m) với diện tích kiểm tra không nhỏ hơn 1 % tổng diện tích đã RPBM xong;

- Kiểm tra các cọc mốc đánh dấu khu vực, so sánh với bản vẽ hoàn công khu vực đã RPBM xong, kiểm tra khối lượng công việc đã thực hiện.

5.9.5.2. Nghiệm thu giai đoạn thi công.

5.9.5.2.1. Thành phần trực tiếp tham gia nghiệm thu: Người phụ trách bộ phận giám sát thi công của Chủ đầu tư hoặc tư vấn giám sát; tổ chức giám sát và đánh giá; người phụ trách thi công của nhà thầu thi công.

5.9.5.2.2. Trách nhiệm của các thành phần tham gia nghiệm thu là phải trực tiếp tiến hành công tác nghiệm thu không chậm quá 3 ngày kể từ khi nhận được phiếu yêu cầu nghiệm thu của nhà thầu.

5.9.5.2.3. Điều kiện cần để nghiệm thu: Đối tượng nghiệm thu đã thi công hoàn thành; tất cả các công việc, giai đoạn thi công và nghiệm thu công việc được nêu trong 5.9.5.1; có đầy đủ các hồ sơ, tài liệu.

5.9.5.2.4. Nội dung và trình tự nghiệm thu: Kiểm tra tại hiện trường; kiểm tra các hồ sơ, tài liệu theo danh mục; đối chiếu các kết quả kiểm tra, phương án kỹ thuật thi công được duyệt, quy trình kỹ thuật để đánh giá chất lượng thi công; đánh giá chất lượng và kết luận.

5.9.5.3. Nghiệm thu hoàn thành dự án (hạng mục) để đưa vào sử dụng.

5.9.5.3.1. Thành phần trực tiếp tham gia nghiệm thu gồm: Chủ đầu tư (người đại diện theo pháp luật và người phụ trách bộ phận giám sát thi công công trình); tổ chức giám sát và đánh giá; nhà thầu thi công (người đại diện theo pháp luật và người phụ trách thi công); nhà thầu thiết kế phương án kỹ thuật thi công tham gia nghiệm thu theo yêu cầu của Chủ đầu tư (người đại diện theo pháp luật, người lập phương án kỹ thuật thi công); và các thành phần khác trực tiếp tham gia nghiệm thu (theo yêu cầu của Chủ đầu tư).

5.9.5.3.2. Trách nhiệm của các thành phần tham gia nghiệm thu: Trực tiếp tiến hành nghiệm thu để bàn giao đưa vào sử dụng; nghiệm thu không chậm quá 5 ngày kể từ khi nhận được phiếu yêu cầu nghiệm thu của nhà thầu hoặc nhận được văn bản yêu cầu của Chủ đầu tư; nghiệm thu phải kết thúc theo thời hạn quy định của Chủ đầu tư.

5.9.5.3.3. Điều kiện cần để nghiệm thu: Đối tượng nghiệm thu đã thi công hoàn thành; tất cả các công việc, giai đoạn thi công được nêu trong 5.9.5.1 và 5.9.5.2; đủ hồ sơ pháp lý của đối tượng nghiệm thu; đầy đủ các hồ sơ tài liệu hoàn thành liên quan đến đối tượng nghiệm thu; có biên bản nghiệm thu nội bộ của nhà thầu thi công.

5.9.5.3.4. Nội dung và trình tự nghiệm thu: Kiểm tra tại chỗ dự án (hạng mục) đã hoàn thành; kiểm tra các hồ sơ, tài liệu theo danh mục; kiểm tra những điều kiện chuẩn bị để đưa dự án (hạng mục) vào sử dụng; kiểm tra và đánh giá chất lượng công tác RPBM của đối tượng nghiệm thu; kiểm tra kết quả thi công với phương án kỹ thuật thi công được duyệt; đánh giá và kết luận.

5.9.6. Kiểm tra nghiệm thu khối lượng, chất lượng của từng phần công việc hoặc toàn bộ dự án khi có yêu cầu bằng văn bản của tổ chức RPBM theo đúng quy định. Kết quả kiểm tra phải được ghi nhận bằng biên bản kiểm tra.

5.9.7. Từ chối nghiệm thu khi tổ chức RPBM thực hiện công việc không đảm bảo chất lượng và các yêu cầu bất hợp lý của tổ chức có liên quan.

5.10. Những vấn đề khác

5.10.1. Tham gia giải quyết những sự cố và tai nạn có liên quan trong quá trình thi công RPBM của tổ chức hoạt động RPBM.

5.10.2. Tiếp nhận, đối chiếu và hướng dẫn tổ chức hoạt động RPBM xử lý các kết quả kiểm tra, phúc tra của các cơ quan chức năng và chủ đầu tư.

6. Kế hoạch giám sát và báo cáo

6.1. Nhân sự

6.1.1. Tổ chức giám sát ra Quyết định thành lập tổ giám sát và đánh giá phù hợp với quy mô của dự án (hạng mục) RPBM.

6.1.2. Tùy theo tình hình thực hiện nhiệm vụ, có thể điều chỉnh nhân sự giám sát và đánh giá cho phù hợp sau khi thống nhất với chủ đầu tư.

6.2. Thời gian

6.2.1. Tổ giám sát và đánh giá sẽ lập kế hoạch giám sát và đánh giá căn cứ vào tiến độ triển khai thực hiện dự án (hạng mục) RPBM.

6.2.2. Khi triển khai hoạt động giám sát và đánh giá, các giám sát viên cần thông tin cho tổ chức hoạt động RPBM về kế hoạch, nội dung giám sát.

6.3. Báo cáo

6.3.1. Tổ chức giám sát và đánh giá phải báo cáo với chủ đầu tư về tiến độ, khối lượng, chất lượng, an toàn lao động, vệ sinh môi trường và các vấn đề vướng mắc trên công trường của dự án RPBM; mỗi tuần báo cáo một lần vào cuối tuần và báo cáo kết thúc dự án. Mẫu báo cáo nêu trong Phụ lục A và Phụ lục C.

6.3.2. Tổ chức giám sát và đánh giá lập báo cáo đột xuất khi có yêu cầu hoặc khi thấy cần thiết gửi đến chủ đầu tư. Mẫu báo cáo nêu trong Phụ lục A.

6.3.3. Tổ chức giám sát và đánh giá lập báo cáo bổ sung khi có thay đổi hạng mục RPBM cho các cơ quan chức năng. Mẫu báo cáo nêu trong Phụ lục B.

6.3.4. Các báo cáo phải trung thực, tin cậy phản ánh đầy đủ các nội dung đang giám sát đối với tổ chức RPBM.

7. Nhiệm vụ các cơ quan, tổ chức

7.1. Cơ quan quản lý hoạt động KPHQBM quốc gia

- Ban hành các quy định, hướng dẫn công tác giám sát và đánh giá các tổ chức RPBM.

- Cấp, thu hồi giấy phép đối với các tổ chức giám sát và đánh giá.

- Kiểm tra hoạt động của tổ chức giám sát và đánh giá.

7.2. Tổ chức giám sát và đánh giá

- Tổ chức giám sát và đánh giá các hoạt động của tổ chức hoạt động RPBM khi được giao nhiệm vụ.

- Báo cáo kết quả giám sát và đánh giá phải trung thực, tin cậy. Không được có các hành vi làm sai lệch kết quả giám sát và đánh giá.

- Phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện công tác khảo sát, kiểm tra, thanh tra khi có yêu cầu.

7.3. Tổ chức hoạt động rà phá bom mìn, vật nổ

- Tổ chức thực hiện nghiêm túc các yêu cầu của tổ chức giám sát và đánh giá theo quy định.

- Cung cấp văn bản, báo cáo, hồ sơ và các tài liệu liên quan về hoạt động RPBM cho tổ chức giám sát và đánh giá.

- Tạo điều kiện để tổ chức giám sát và đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Phụ lục A
(Tham khảo)

Báo cáo giám sát và đánh giá thực hiện dự án (hạng mục) rà phá bom mìn, vật nổ

(TÊN ĐƠN VỊ)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:…………

(Địa danh), ngày....... tháng...... năm........

BÁO CÁO

Giám sát và đánh giá rà phá bom mìn, vật nổ

(Tuần/đột xuất)

Dự án: (Tên dự án)

Địa điểm: (Khu vực triển khai dự án)

Kính gửi:..............................................................................

I. Thông tin chung

1. Tên tổ chức giám sát và đánh giá:

2. Tên tổ chức thi công RPBM:

3. Tổng diện tích RPBM:

4. Các mốc thời gian chính:

- Ngày cấp Giấy chứng nhận giám sát và đánh giá;

- Ngày khởi công;

- Ngày hoàn thành.

II. Tình hình thực hiện dự án

1. Tiến độ thực hiện dự án: (Nêu kết quả thực hiện các công việc chính của dự án: Khối lượng thực hiện trong tuần, lũy kế từ đầu tuần, từ đầu dự án và so sánh với kế hoạch).

2. Công tác thực hiện các yêu cầu về chất lượng, khối lượng, an toàn lao động: (Nêu rõ các công việc đã thực hiện của dự án RPBM nhằm đảm bảo được các yêu cầu quy định …)

III. Kiến nghị các giải pháp thực hiện

Kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền về các biện pháp hỗ trợ, xử lý những khó khăn của dự án (nếu có)./.

NGƯỜI LẬP BÁO CÁO
(Ký, ghi rõ họ tên)




Phụ lục B
(Tham khảo)

Báo cáo giám sát và đánh giá điều chỉnh hạng mục dự án rà phá bom mìn, vật nổ

(TÊN ĐƠN VỊ)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:…………

(Địa danh), ngày....... tháng...... năm........

BÁO CÁO

Giám sát và đánh giá điều chỉnh hạng mục dự án

Dự án: (Tên dự án)

Địa điểm: (Khu vực triển khai dự án)

Kính gửi:.............................................................................

I. Thông tin về dự án

1. Tên dự án:

2. Chủ đầu tư:

3. Tổ chức lập thẩm định dự án:

4. Mục tiêu chính của dự án:

5. Địa điểm dự án:

6. Diện tích RPBM:

7. Các mốc thời gian về dự án:

- Ngày phê duyệt thẩm định:

- Thời gian thực hiện dự án:

+ Thời gian bắt đầu:

+ Thời gian kết thúc:

8. Nguồn vốn đầu tư:

9. Mô tả tóm tắt dự án:

II. Tình hình thực hiện dự án: (Báo cáo chi tiết về toàn bộ quá trình thực hiện dự án RPBM đến thời điểm xin điều chỉnh hạng mục dự án).

III. Nội dung điều chỉnh dự án: (Nêu rõ các nội dung chính của việc điều chỉnh hạng mục dự án, các thành phần của dự án RPBM được điều chỉnh).

IV. Nguyên nhân, lý do và sự cần thiết phải điều chỉnh dự án

(Xem xét một cách toàn diện về dự án, nêu rõ các lý do, nguyên nhân phải điều chỉnh hạng mục dự án và trách nhiệm của các bên liên quan trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện dự án RPBM thông qua đó để có cơ sở thực hiện việc điều chỉnh hạng mục dự án, rút kinh nghiệm cho các dự án khác).

V. Đánh giá lại dự án điều chỉnh

VI. Kiến nghị

THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ
(Ký tên, đóng dấu)




Phụ lục C
(Tham khảo)

Báo cáo giám sát và đánh giá kết thúc dự án rà phá bom mìn, vật nổ

(TÊN ĐƠN VỊ)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:…………

(Địa danh), ngày....... tháng...... năm........

BÁO CÁO

Giám sát và đánh giá kết thúc dự án

Dự án: (Tên dự án)

Địa điểm: (Khu vực triển khai dự án)

Kính gửi:............................................................................

I. Thông tin về dự án

1. Tên dự án:

2. Chủ đầu tư:

3. Tổ chức lập thẩm định dự án:

4. Mục tiêu chính của dự án:

5. Địa điểm dự án:

6. Diện tích RPBM:

7. Các mốc thời gian về dự án:

- Ngày phê duyệt thẩm định:

- Thời gian thực hiện dự án:

+ Thời gian bắt đầu:

+ Thời gian kết thúc:

8. Nguồn vốn đầu tư:

9. Mô tả tóm tắt dự án:

II. Nội dung:

1. Tổng kết toàn bộ quá trình thực hiện dự án RPBM:

Mô tả tóm tắt quá trình thực hiện dự án RPBM từ giai đoạn thực hiện RPBM đến kết thúc dự án.

2. Tổng hợp các kết quả thực hiện đạt được của dự án:

2.1. Kết quả thực hiện các nội dung đã được phê duyệt: (Nêu rõ kết quả và mức độ đạt được các nội dung đã được phê duyệt: Mục tiêu, quy mô, tiến độ thực hiện, chất lượng).

2.2. Những yếu tố tác động đến kết quả thực hiện dự án:

- Nêu những yếu tố tác động đến kết quả thực hiện dự án gồm: Cơ sở pháp lý; quản lý dự án; đấu thầu, mua sắm; các vấn đề về kỹ thuật, công nghệ.

- Các thuận lợi, khó khăn và biện pháp khắc phục mà chủ đầu tư đã thực hiện.

2.3. Rút bài học kinh nghiệm từ thực tiễn của dự án:

Các bài học rút ra từ dự án và khuyến nghị (nếu có) để phát huy tính hiệu quả, sự bền vững hoặc khắc phục các hạn chế của dự án./.

THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ
(Ký tên, đóng dấu)




MỤC LỤC

Lời nói đầu

1. Phạm vi áp dụng

2. Tài liệu viện dẫn

3. Thuật ngữ và định nghĩa

4. Quy định chung

5. Kiểm tra hoạt động rà phá bom mìn, vật nổ

5.1. Kiểm tra hồ sơ

5.2. Kiểm tra lực lượng, trang thiết bị

5.3. Kiểm tra công tác đảm bảo

5.4. Giám sát quá trình rà phá bom mìn, vật nổ

5.5. Giám sát tiến độ thi công

5.6. Giám sát khối lượng thi công

5.7. Giám sát công tác an toàn, vệ sinh môi trường

5.8. Giám sát đánh giá chất lượng

5.9. Nghiệm thu công tác rà phá bom mìn, vật nổ

5.10. Những vấn đề khác

6. Kế hoạch giám sát và báo cáo

6.1. Nhân sự

6.2. Thời gian

6.3. Báo cáo

7. Nhiệm vụ các cơ quan, tổ chức

7.1. Cơ quan quản lý hoạt động KPHQBM quốc gia

7.2. Tổ chức giám sát và đánh giá

7.3. Tổ chức hoạt động rà phá bom mìn, vật nổ

Phụ lục A (Tham khảo) Báo cáo giám sát và đánh giá thực hiện dự án (hạng mục) rà phá bom mìn, vật nổ

Phụ lục B (Tham khảo) Báo cáo giám sát và đánh giá điều chỉnh hạng mục dự án rà phá bom mìn, vật nổ

Phụ lục C (Tham khảo) Báo cáo giám sát và đánh giá kết thúc dự án rà phá bom mìn, vật nổ

Click Tải về để xem toàn văn Tiêu chuẩn Việt Nam nói trên.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

văn bản mới nhất

×
Vui lòng đợi