BỘ QUỐC PHÒNG
___________
Số: 29/2020/TT-BQP
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
_______________________
Hà Nội, ngày 10 tháng 3 năm 2020
|
THÔNG TƯ
Quy định mối quan hệ công tác của ban chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn và ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức; chức trách, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của các chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ
__________________
Căn cứ Luật Dân quân tự vệ ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 164/2017/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;
Theo đề nghị của Tổng Tham mưu trưởng;
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư quy định mối quan hệ công tác của ban chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn và ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức; chức trách, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của các chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định mối quan hệ công tác của ban chỉ huy quân sự cấp xã và ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức; chức trách, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của các chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Ban chỉ huy quân sự bộ, ngành Trung ương; cơ quan quân sự địa phương các cấp; ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức; đơn vị Dân quân tự vệ.
2. Cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, bộ, ngành Trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp và cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan.
Chương II
MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC CỦA BAN CHỈ HUY QUÂN SỰ CẤP XÃ; CHỨC TRÁCH, NHIỆM VỤ, MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC CỦA CÁC CHỨC VỤ CHỈ HUY BAN CHỈ HUY QUÂN SỰ CẤP XÃ VÀ THÔN ĐỘI TRƯỞNG
Điều 3. Mối quan hệ công tác của ban chỉ huy quân sự cấp xã
1. Quan hệ với đảng ủy (chi bộ) cấp xã là quan hệ phục tùng sự lãnh đạo, chỉ đạo về công tác quốc phòng, quân sự ở cấp xã;
2. Quan hệ với chi ủy (chi bộ) quân sự cấp xã là quan hệ phục tùng sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ được giao.
3. Quan hệ với Ủy ban nhân dân cấp xã là quan hệ phục tùng sự chỉ đạo, quản lý, điều hành về công tác quốc phòng, quân sự ở cấp xã.
4. Quan hệ với ban chỉ huy quân sự cấp huyện là quan hệ phục tùng sự chỉ đạo, chỉ huy về công tác quốc phòng, quân sự địa phương.
5. Quan hệ với công an, ban, ngành, đoàn thể cấp xã là quan hệ phối hợp, hiệp đồng công tác. Ban chỉ huy quân sự cấp xã chủ trì tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác quốc phòng, quân sự ở cấp xã.
6. Quan hệ với: Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức; chỉ huy đơn vị tự vệ nơi không có ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức; cơ quan, tổ chức chưa tổ chức tự vệ; đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân đứng chân hoặc hoạt động trên địa bàn là quan hệ phối hợp, hiệp đồng thực hiện công tác quốc phòng, quân sự có liên quan.
7. Quan hệ với người chỉ huy đơn vị dân quân thuộc quyền là quan hệ chỉ đạo, chỉ huy.
Điều 4. Chức trách, nhiệm vụ và mối quan hệ công tác của chỉ huy trưởng
1. Chức trách
Tham mưu cho đảng ủy (chi bộ), chính quyền cấp xã lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự ở cấp xã theo quy định của pháp luật.
2. Nhiệm vụ
a) Chủ trì thực hiện nhiệm vụ quy định tại Khoản 3 Điều 20 Luật Dân quân tự vệ;
b) Phối hợp với chính trị viên tiến hành công tác đảng, công tác chính trị trong lực lượng dân quân, dự bị động viên và trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự ở cấp xã.
3. Mối quan hệ công tác
a) Quan hệ với chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự cấp huyện là quan hệ phục tùng sự chỉ đạo, chỉ huy về công tác quốc phòng, quân sự địa phương;
b) Quan hệ với đảng ủy (chi bộ) cấp xã và chi ủy (chi bộ) quân sự cấp xã là quan hệ phục tùng sự lãnh đạo, chỉ đạo về công tác quốc phòng, quân sự ở cấp xã;
c) Quan hệ với chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã là quan hệ phục tùng sự chỉ đạo, quản lý, điều hành về công tác quốc phòng, quân sự ở cấp xã;
d) Quan hệ với chính trị viên ban chỉ huy quân sự cấp xã là quan hệ phối hợp công tác;
đ) Quan hệ với phó chỉ huy trưởng, chính trị viên phó ban chỉ huy quân sự cấp xã là quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới;
e) Quan hệ với trưởng công an và trưởng ban, ngành, đoàn thể ở cấp xã là quan hệ phối hợp, hiệp đồng công tác. Trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng chiến tranh chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự cấp xã chỉ huy thống nhất lực lượng vũ trang của cấp xã thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở địa bàn theo quy định của pháp luật;
g) Quan hệ với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị đứng chân hoặc hoạt động trên địa bàn cấp xã là quan hệ phối hợp, hiệp đồng liên quan công tác quốc phòng, quân sự;
h) Quan hệ với người chỉ huy đơn vị dân quân thuộc quyền quản lý là quan hệ cấp trên với cấp dưới. Quan hệ với người chỉ huy đơn vị Dân quân tự vệ không thuộc quyền quản lý là quan hệ phối hợp công tác.
Điều 5. Chức trách, nhiệm vụ và mối quan hệ công tác của chính trị viên
1. Chức trách
Tham mưu và chịu trách nhiệm trước cấp trên, đảng ủy (chi bộ), chính quyền cấp xã về công tác đảng, công tác chính trị trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự ở cấp xã. Chủ trì về chính trị trong lực lượng dân quân, dự bị động viên; trực tiếp tiến hành công tác đảng, công tác chính trị trong lực lượng dân quân, dự bị động viên và trong nhiệm vụ quốc phòng, quân sự ở cấp xã; cùng với chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự cấp xã đề xuất nội dung, biện pháp lãnh đạo công tác quốc phòng, quân sự để đảng ủy (chi bộ) cấp xã quyết định.
2. Nhiệm vụ
a) Tham mưu, đề xuất để đảng ủy (chi bộ) cấp xã quyết định nội dung, biện pháp lãnh đạo mọi hoạt động của lực lượng dân quân, dự bị động viên và trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự ở cấp xã đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên về công tác quốc phòng, quân sự. Đề xuất với chính trị viên ban chỉ huy quân sự cấp huyện nội dung, biện pháp tiến hành công tác đảng, công tác chính trị. Xây dựng kế hoạch và trực tiếp tiến hành công tác đảng, công tác chính trị trong lực lượng dân quân, dự bị động viên, trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự ở cấp xã;
b) Tiến hành công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; xây dựng lực lượng dân quân, dự bị động viên ở cấp xã tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân, có bản lĩnh chính trị vững vàng; không có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa; sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao; cùng với các ban, ngành, đoàn thể cấp xã tổ chức giáo dục quốc phòng và an ninh, động viên Nhân dân tham gia xây dựng lực lượng vũ trang, củng cố nền quốc phòng toàn dân;
c) Tiến hành công tác tổ chức xây dựng đảng; xây dựng chi bộ quân sự (nếu có) trong sạch, vững mạnh, chăm lo xây dựng lực lượng nòng cốt chính trị trong dân quân, dự bị động viên; phát hiện và bồi dưỡng đối tượng để kết nạp đảng, kết nạp đoàn trong lực lượng dân quân và dự bị động viên. Xây dựng chi bộ sinh hoạt tạm thời trong lực lượng dân quân và dự bị động viên (nếu có) trong sạch, vững mạnh, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao;
d) Tiến hành công tác cán bộ; xây dựng các chức vụ chỉ huy dân quân, đội ngũ cán bộ dự bị động viên có đủ số lượng, chất lượng cao, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, quân sự ở địa phương trong mọi tình huống; phối hợp với các đơn vị khung động viên để sắp xếp, quản lý và tổ chức bồi dưỡng sĩ quan dự bị ở địa phương;
đ) Tiến hành công tác bảo vệ chính trị nội bộ; xây dựng lực lượng dân quân, dự bị động viên trong sạch về chính trị, an toàn về mọi mặt; tuyên truyền, giáo dục lực lượng dân quân, dự bị động viên và Nhân dân nâng cao cảnh giác, đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, góp phần giữ vững an ninh chính trị ở địa phương;
e) Hướng dẫn lực lượng dân quân, dự bị động viên tiến hành công tác vận động quần chúng; tham gia thực hiện các phong trào, cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quân đội và địa phương phát động, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng cơ sở chính trị ở địa phương vững mạnh, xây dựng địa bàn an toàn;
g) Tổ chức thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước đối với lực lượng dân quân, dự bị động viên và chính sách hậu phương Quân đội; nghiên cứu, đề xuất với cấp trên hoàn thiện chế độ, chính sách đối với lực lượng Dân quân tự vệ, dự bị động viên, chính sách hậu phương Quân đội và nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương;
h) Tiến hành công tác đảng, công tác chính trị trong xây dựng, huấn luyện, hoạt động của lực lượng dân quân, dự bị động viên, chuẩn bị và gọi công dân nhập ngũ, thực hiện nhiệm vụ động viên; xây dựng thôn, xã, phường, thị trấn chiến đấu; tổ chức phòng thủ dân sự và thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, quân sự khác ở cấp xã;
i) Tiến hành sơ kết, tổng kết công tác đảng, công tác chính trị đối với lực lượng dân quân, dự bị động viên và trong nhiệm vụ quốc phòng, quân sự ở cấp xã.
3. Mối quan hệ công tác
a) Quan hệ với: Đảng ủy quân sự cấp huyện; ban chính trị thuộc ban chỉ huy quân sự cấp huyện là quan hệ phục tùng sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn về công tác đảng, công tác chính trị trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương;
b) Quan hệ với chính trị viên, chủ nhiệm chính trị ban chỉ huy quân sự cấp huyện là quan hệ phục tùng sự chỉ đạo, hướng dẫn về công tác đảng, công tác chính trị trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương;
c) Quan hệ với đảng ủy (chi bộ), chính quyền cấp xã và chi ủy (chi bộ) quân sự cấp xã là quan hệ phục tùng sự lãnh đạo, chỉ đạo về công tác đảng, công tác chính trị trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự ở cấp xã;
d) Quan hệ với chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự cấp xã là quan hệ phối hợp công tác;
đ) Quan hệ với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị đứng chân hoặc hoạt động trên địa bàn xã là quan hệ phối hợp công tác;
e) Quan hệ với người chỉ huy đơn vị dân quân thuộc quyền quản lý là quan hệ cấp trên với cấp dưới. Quan hệ với người chỉ huy đơn vị Dân quân tự vệ không thuộc quyền quản lý là quan hệ phối hợp công tác.
Điều 6. Chức trách, nhiệm vụ và mối quan hệ công tác của phó chỉ huy trưởng
1. Chức trách
Chịu trách nhiệm trước chỉ huy trưởng, chính trị viên ban chỉ huy quân sự cấp xã về nhiệm vụ được phân công; thay thế chỉ huy trưởng khi được cấp có thẩm quyền giao.
2. Nhiệm vụ
a) Tham mưu, đề xuất với chỉ huy trưởng, chính trị viên ban chỉ huy quân sự cấp xã về kế hoạch, nội dung, biện pháp chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ được phân công;
b) Tổng hợp kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao, báo cáo với chỉ huy trưởng, chính trị viên ban chỉ huy quân sự cấp xã theo quy định.
3. Mối quan hệ công tác
a) Quan hệ với chỉ huy trưởng, chính trị viên ban chỉ huy quân sự cấp xã là quan hệ giữa cấp dưới và cấp trên;
b) Quan hệ với chính trị viên phó ban chỉ huy quân sự cấp xã là quan hệ phối hợp công tác;
c) Quan hệ với người chỉ huy đơn vị dân quân thuộc quyền quản lý là quan hệ cấp trên với cấp dưới. Quan hệ với người chỉ huy đơn vị Dân quân tự vệ không thuộc quyền quản lý là quan hệ phối hợp công tác.
Điều 7. Chức trách, nhiệm vụ và mối quan hệ công tác của chính trị viên phó
1. Chức trách
Chịu trách nhiệm trước chính trị viên, chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự cấp xã về nhiệm vụ được phân công; thay thế chính trị viên khi được cấp có thẩm quyền giao.
2. Nhiệm vụ
Tham mưu, đề xuất và giúp chính trị viên, chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự cấp xã lập kế hoạch công tác đảng, công tác chính trị trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự ở cấp xã.
3. Mối quan hệ công tác
a) Quan hệ với chính trị viên, chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự cấp xã là quan hệ giữa cấp dưới và cấp trên;
b) Quan hệ với phó chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự cấp xã là quan hệ phối hợp công tác;
c) Quan hệ với người chỉ huy đơn vị dân quân thuộc quyền quản lý là quan hệ cấp trên với cấp dưới. Quan hệ với người chỉ huy đơn vị Dân quân tự vệ không thuộc quyền quản lý là quan hệ phối hợp công tác.
Điều 8. Chức trách, nhiệm vụ và mối quan hệ công tác của thôn đội trưởng
1. Chức trách
Tham mưu cho chi ủy (chi bộ) thôn lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự ở thôn.
2. Nhiệm vụ
a) Thực hiện nhiệm vụ quy định tại khoản 4 Điều 20 Luật Dân quân tự vệ;
b) Thực hiện nhiệm vụ khác được cấp có thẩm quyền giao.
3. Mối quan hệ công tác
a) Quan hệ với chi ủy (chi bộ) thôn là quan hệ phục tùng sự lãnh đạo, chỉ đạo về công tác quốc phòng, quân sự ở thôn;
b) Quan hệ với trưởng thôn, người đứng đầu đoàn thể ở thôn là quan hệ phối hợp công tác;
c) Quan hệ với các chức vụ chỉ huy trong ban chỉ huy quân sự cấp xã là quan hệ phục tùng sự chỉ đạo, chỉ huy;
d) Quan hệ với người chỉ huy đơn vị dân quân ở cấp xã, đơn vị Dân quân tự vệ thuộc cấp tỉnh, cấp huyện quản lý là quan hệ phối hợp, hiệp đồng công tác;
đ) Quan hệ với người chỉ huy, chiến sĩ đơn vị dân quân tại chỗ ở thôn là quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới.
Chương III
MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC CỦA BAN CHỈ HUY QUÂN SỰ CƠ QUAN, TỔ CHỨC; CHỨC TRÁCH, NHIỆM VỤ, MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC CỦA CÁC CHỨC VỤ CHỈ HUY BAN CHỈ HUY QUÂN SỰ CƠ QUAN, TỔ CHỨC
Điều 9. Mối quan hệ công tác của ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức
1. Quan hệ với đảng ủy (chi bộ) cùng cấp là quan hệ phục tùng sự lãnh đạo, chỉ đạo về công tác quốc phòng, quân sự ở cơ quan, tổ chức.
2. Quan hệ với người đứng đầu cơ quan, tổ chức (trường hợp chỉ huy trưởng là cấp phó của người đứng đầu) là quan hệ phục tùng sự chỉ đạo, quản lý, điều hành về công tác quốc phòng, quân sự theo thẩm quyền.
3. Quan hệ với bộ tư lệnh quân khu, cơ quan quân sự địa phương cấp tỉnh, cấp huyện, ban chỉ huy quân sự bộ, ngành Trung ương thuộc ngành, lĩnh vực quản lý, ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ngành dọc cấp trên là quan hệ phục tùng sự chỉ đạo, hướng dẫn về công tác quốc phòng, quân sự theo thẩm quyền.
4. Quan hệ giữa ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức do cấp tỉnh quản lý đứng chân hoặc hoạt động trên địa bàn cấp huyện, cấp xã với ban chỉ huy quân sự cấp huyện, ban chỉ huy quân sự cấp xã và cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan là quan hệ phối hợp, hiệp đồng công tác.
5. Quan hệ giữa ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức do cấp huyện quản lý đứng chân hoặc hoạt động trên địa bàn cấp xã với ban chỉ huy quân sự cấp xã là quan hệ phối hợp, hiệp đồng công tác.
Điều 10. Chức trách, nhiệm vụ và mối quan hệ công tác của chỉ huy trưởng
1. Chức trách
Tham mưu cho đảng ủy (chi bộ) và người đứng đầu cơ quan, tổ chức cùng cấp (trường hợp chỉ huy trưởng là cấp phó của người đứng đầu) về công tác quốc phòng, quân sự theo thẩm quyền.
2. Nhiệm vụ
a) Chủ trì thực hiện nhiệm vụ quy định tại Khoản 4 Điều 21 Luật Dân quân tự vệ;
b) Phối hợp với chính trị viên tiến hành công tác đảng, công tác chính trị trong lực lượng tự vệ, dự bị động viên và thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, quân sự ở cơ quan, tổ chức mình.
3. Mối quan hệ công tác
a) Quan hệ với đảng ủy (chi bộ) cùng cấp là quan hệ phục tùng sự lãnh đạo, chỉ đạo về công tác quốc phòng, quân sự theo thẩm quyền;
b) Quan hệ với người đứng đầu cơ quan, tổ chức cùng cấp (trường hợp chỉ huy trưởng là cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức) là quan hệ cấp dưới với cấp trên về công tác quốc phòng, quân sự;
c) Quan hệ với chỉ huy trưởng, chính ủy (chính trị viên) cơ quan quân sự địa phương cấp tỉnh, cấp huyện là quan hệ chịu sự chỉ đạo, chỉ huy về công tác quốc phòng, quân sự;
d) Quan hệ với bộ tư lệnh quân khu, cơ quan quân sự địa phương cấp tỉnh, cấp huyện nơi ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức đứng chân hoặc hoạt động trên địa bàn, ban chỉ huy quân sự bộ, ngành Trung ương, ban chỉ huy quân sự ngành dọc thuộc ngành, lĩnh vực quản lý là quan hệ phục tùng sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn về công tác quốc phòng, quân sự theo thẩm quyền;
đ) Quan hệ với chính trị viên ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức cùng cấp là quan hệ phối hợp công tác;
e) Quan hệ với phó chỉ huy trưởng, chính trị viên phó ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức cùng cấp là quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới;
g) Quan hệ với người chỉ huy đơn vị tự vệ ở địa phương thuộc lĩnh vực quản lý là quan hệ chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự liên quan;
h) Quan hệ với người chỉ huy đơn vị tự vệ thuộc cơ quan, tổ chức mình là quan hệ chỉ đạo, chỉ huy.
Điều 11. Chức trách, nhiệm vụ và mối quan hệ công tác của chính trị viên
1. Chức trách
Tham mưu và chịu trách nhiệm trước cấp trên, đảng ủy (chi bộ), người đứng đầu cơ quan, tổ chức cùng cấp về công tác đảng, công tác chính trị trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự. Chủ trì về chính trị trong lực lượng tự vệ, dự bị động viên; trực tiếp tiến hành công tác đảng, công tác chính trị trong lực lượng tự vệ, dự bị động viên và trong nhiệm vụ quốc phòng, quân sự ở cơ quan, tổ chức; cùng với chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức đề xuất nội dung, biện pháp lãnh đạo công tác quốc phòng, quân sự để đảng ủy (chi bộ) cơ quan, tổ chức quyết định.
2. Nhiệm vụ
a) Tham mưu, đề xuất với đảng ủy (chi bộ) cùng cấp quyết định chủ trương, biện pháp lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự ở cơ quan, tổ chức đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên. Xây dựng kế hoạch và trực tiếp tiến hành công tác đảng, công tác chính trị trong lực lượng tự vệ, dự bị động viên và nhiệm vụ quốc phòng, quân sự ở cơ quan, tổ chức;
b) Tiến hành công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; xây dựng lực lượng tự vệ, dự bị động viên của cơ quan, tổ chức tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân có bản lĩnh chính trị vững vàng, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao; phối hợp thực hiện công tác giáo dục quốc phòng và an ninh; động viên cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia xây dựng lực lượng vũ trang địa phương, củng cố nền quốc phòng toàn dân;
c) Xây dựng lực lượng nòng cốt chính trị, phát triển đảng viên, đoàn viên trong lực lượng tự vệ, dự bị động viên của cơ quan, tổ chức;
d) Đề xuất việc xây dựng các chức vụ chỉ huy đơn vị tự vệ, đội ngũ cán bộ dự bị động viên đủ số lượng, có chất lượng cao, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, quân sự ở cơ quan, tổ chức trong mọi tình huống; phối hợp với các đơn vị dự bị động viên nhận nguồn tại cơ quan, tổ chức để sắp xếp, quản lý và tổ chức bồi dưỡng sĩ quan dự bị;
đ) Tiến hành công tác bảo vệ chính trị nội bộ, xây dựng lực lượng tự vệ, dự bị động viên trong sạch về chính trị, an toàn về mọi mặt; tuyên truyền, giáo dục lực lượng tự vệ, dự bị động viên và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nâng cao cảnh giác cách mạng, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, góp phần giữ vững an ninh chính trị ở cơ quan, tổ chức;
e) Hướng dẫn lực lượng tự vệ, dự bị động viên tiến hành công tác vận động quần chúng, tham gia thực hiện các phong trào, cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quân đội và địa phương phát động, góp phần xây dựng cơ quan, tổ chức vững mạnh, xây dựng địa bàn an toàn;
g) Tổ chức thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước đối với lực lượng tự vệ, dự bị động viên và chính sách hậu phương Quân đội; nghiên cứu, đề xuất với cấp trên hoàn thiện chế độ, chính sách đối với lực lượng Dân quân tự vệ, dự bị động viên, chính sách hậu phương Quân đội và nhiệm vụ quốc phòng, quân sự;
h) Tiến hành công tác đảng, công tác chính trị trong xây dựng, huấn luyện, hoạt động của lực lượng tự vệ, dự bị động viên; chuẩn bị và gọi công dân nhập ngũ, thực hiện nhiệm vụ động viên; hoạt động bảo vệ cơ quan, tổ chức và thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, quân sự khác được cấp có thẩm quyền giao;
i) Tiến hành sơ kết, tổng kết công tác đảng, công tác chính trị đối với lực lượng tự vệ, dự bị động viên trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự ở cơ quan, tổ chức.
3. Mối quan hệ công tác
a) Quan hệ với đảng ủy (chi bộ) cùng cấp là quan hệ phục tùng sự lãnh đạo, chỉ đạo về công tác quốc phòng, quân sự theo thẩm quyền;
b) Quan hệ với chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức cùng cấp là quan hệ phối hợp công tác;
c) Quan hệ với chỉ huy trưởng, chính ủy (chính trị viên) cơ quan quân sự địa phương cấp tỉnh, cấp huyện là quan hệ chịu sự chỉ đạo, chỉ huy về công tác quốc phòng, quân sự;
d) Quan hệ với phó chỉ huy trưởng, chính trị viên phó ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức cùng cấp là quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới;
đ) Quan hệ với đảng ủy (chi bộ), chính quyền địa phương cấp xã nơi đứng chân hoặc hoạt động là quan hệ phối hợp, hiệp đồng công tác.
Điều 12. Chức trách, nhiệm vụ và mối quan hệ công tác của phó chỉ huy trưởng
1. Chức trách
Chịu trách nhiệm trước chỉ huy trưởng, chính trị viên ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức cùng cấp về nhiệm vụ được phân công; thay thế chỉ huy trưởng khi được cấp có thẩm quyền giao.
2. Nhiệm vụ
a) Tham mưu, đề xuất với chỉ huy trưởng, chính trị viên ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức cùng cấp về kế hoạch, nội dung, biện pháp chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ được phân công;
b) Tổng hợp kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, báo cáo với chỉ huy trưởng, chính trị viên ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức cùng cấp theo quy định.
3. Mối quan hệ công tác
a) Quan hệ với chỉ huy trưởng, chính trị viên ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức cùng cấp là quan hệ giữa cấp dưới và cấp trên;
b) Quan hệ với chính trị viên phó ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức cùng cấp là quan hệ phối hợp công tác.
Điều 13. Chức trách, nhiệm vụ và mối quan hệ công tác của chính trị viên phó
1. Chức trách
Chịu trách nhiệm trước chính trị viên, chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức cùng cấp về nhiệm vụ được phân công; thay thế chính trị viên khi được cấp có thẩm quyền giao.
2. Nhiệm vụ
Tham mưu, đề xuất và giúp chính trị viên, chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức cùng cấp lập kế hoạch công tác đảng, công tác chính trị trong thực hiện công tác quốc phòng, quân sự theo thẩm quyền.
3. Mối quan hệ công tác
a) Quan hệ với chính trị viên, chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức cùng cấp là quan hệ giữa cấp dưới và cấp trên;
b) Quan hệ với phó chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức cùng cấp là quan hệ phối hợp công tác.
Chương IV
CHỨC TRÁCH, NHIỆM VỤ, MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC CÁC CHỨC VỤ CHỈ HUY ĐƠN VỊ DÂN QUÂN TỰ VỆ
Điều 14. Chức trách, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của tiểu đoàn trưởng, hải đoàn trưởng, đại đội trưởng, hải đội trưởng, trung đội trưởng, tiểu đội trưởng, thuyền trưởng, khẩu đội trưởng
1. Chức trách
Chịu trách nhiệm trước pháp luật, đảng ủy (chi bộ), người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên cấp trên và cấp ủy (chi bộ) cấp mình về xây dựng, huấn luyện, hoạt động của đơn vị Dân quân tự vệ thuộc quyền.
2. Nhiệm vụ
a) Chỉ huy đơn vị Dân quân tự vệ thuộc quyền chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết lãnh đạo của đảng ủy (chi bộ), sự quản lý, điều hành của Ủy ban nhân dân các cấp hoặc đảng ủy (chi bộ), người đứng đầu cơ quan, tổ chức; chỉ thị, mệnh lệnh của người chỉ huy cấp trên theo phân cấp quản lý;
b) Nắm vững tình hình mọi mặt, lập kế hoạch, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng, huấn luyện, hoạt động sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phục vụ chiến đấu, phòng thủ dân sự và chế độ, chính sách của đơn vị Dân quân tự vệ thuộc quyền;
c) Đăng ký, quản lý, nắm tình hình chính trị, tư tưởng, trình độ, năng lực công tác của các chức vụ chỉ huy và chiến sĩ Dân quân tự vệ thuộc quyền;
d) Tiểu đoàn trưởng, hải đoàn trưởng, đại đội trưởng, hải đội trưởng phối hợp với chính trị viên cùng cấp tiến hành công tác đảng, công tác chính trị cho đơn vị mình;
đ) Kiểm tra, phối hợp kiểm tra, sơ kết, tổng kết, báo cáo theo quy định.
3. Mối quan hệ công tác
a) Quan hệ với cấp ủy (chi bộ) cấp trên và cấp ủy (chi bộ) cùng cấp là quan hệ phục tùng sự lãnh đạo, chỉ đạo về công tác Dân quân tự vệ;
b) Quan hệ với cơ quan quân sự địa phương cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức theo phân cấp quản lý là quan hệ phục tùng sự chỉ đạo, chỉ huy, quản lý điều hành về công tác Dân quân tự vệ;
c) Quan hệ với người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên cấp trên là quan hệ giữa cấp dưới và cấp trên;
d) Quan hệ với chính trị viên đơn vị Dân quân tự vệ cùng cấp là quan hệ phối hợp công tác;
đ) Quan hệ với cơ quan, tổ chức, đơn vị đứng chân hoặc hoạt động trên địa bàn là quan hệ phối hợp công tác;
e) Quan hệ với chỉ huy đơn vị Dân quân tự vệ thuộc quyền là quan hệ cấp trên và cấp dưới.
Điều 15. Chức trách, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của chính trị viên tiểu đoàn, hải đoàn, đại đội, hải đội
1. Chức trách
Chịu trách nhiệm trước pháp luật, cấp ủy (chi bộ), người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên cấp trên và cấp ủy (chi bộ) cấp mình về công tác đảng, công tác chính trị trong xây dựng, huấn luyện, hoạt động của đơn vị Dân quân tự vệ thuộc quyền.
2. Nhiệm vụ
a) Lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự điều hành của Ủy ban nhân dân các cấp hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức; chỉ thị, mệnh lệnh của người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên cấp trên;
b) Nắm vững tình hình mọi mặt; chủ trì, phối hợp với người chỉ huy đơn vị Dân quân tự vệ cùng cấp lập kế hoạch công tác đảng, công tác chính trị trong xây dựng, huấn luyện, hoạt động của Dân quân tự vệ, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện;
c) Kiểm tra, sơ kết, tổng kết công tác đảng, công tác chính trị, báo cáo theo quy định.
3. Mối quan hệ công tác
a) Quan hệ với cấp ủy (chi bộ) cấp trên và cấp ủy (chi bộ) cấp mình là quan hệ phục tùng sự lãnh đạo, chỉ đạo về công tác Dân quân tự vệ;
b) Quan hệ với người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên cấp trên là quan hệ giữa cấp dưới và cấp trên;
c) Quan hệ với cơ quan chính trị của cơ quan quân sự địa phương cấp tỉnh, cấp huyện là quan hệ chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về công tác đảng, công tác chính trị;
d) Quan hệ với ban chỉ huy quân sự cấp xã, ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức theo phân cấp quản lý là quan hệ phục tùng sự chỉ đạo, chỉ huy, quản lý điều hành về công tác đảng, công tác chính trị;
đ) Quan hệ với người chỉ huy đơn vị Dân quân tự vệ cùng cấp là quan hệ phối hợp công tác;
e) Quan hệ với cơ quan, tổ chức, đơn vị đứng chân hoặc hoạt động trên địa bàn là quan hệ phối hợp, hiệp đồng công tác;
g) Quan hệ với người chỉ huy đơn vị Dân quân tự vệ thuộc quyền là quan hệ cấp trên với cấp dưới.
Điều 16. Chức trách, nhiệm vụ và mối quan hệ công tác của phó tiểu đoàn trưởng, phó hải đoàn trưởng, phó đại đội trưởng, phó hải đội trưởng
1. Chức trách
Chịu trách nhiệm trước người chỉ huy, chính trị viên đơn vị Dân quân tự vệ cùng cấp về nhiệm vụ được phân công; thay thế người chỉ huy khi được giao.
2. Nhiệm vụ
a) Tham mưu, đề xuất với người chỉ huy, chính trị viên đơn vị Dân quân tự vệ cùng cấp về kế hoạch, nội dung, biện pháp chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ được phân công;
b) Tổng hợp kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao và báo cáo với người chỉ huy, chính trị viên đơn vị Dân quân tự vệ cùng cấp.
3. Mối quan hệ công tác
a) Quan hệ với người chỉ huy, chính trị viên đơn vị Dân quân tự vệ cùng cấp là quan hệ giữa cấp dưới và cấp trên;
b) Quan hệ với chính trị viên phó đơn vị Dân quân tự vệ cùng cấp là quan hệ phối hợp công tác.
Điều 17. Chức trách, nhiệm vụ và mối quan hệ công tác của chính trị viên phó tiểu đoàn, hải đoàn, đại đội, hải đội
1. Chức trách
Chịu trách nhiệm trước chính trị viên, người chỉ huy đơn vị Dân quân tự vệ cùng cấp về nhiệm vụ được phân công; thay thế chính trị viên khi được giao.
2. Nhiệm vụ
Tham mưu, đề xuất và giúp chính trị viên, người chỉ huy đơn vị Dân quân tự vệ cùng cấp lập kế hoạch công tác đảng, công tác chính trị trong xây dựng, huấn luyện, hoạt động của đơn vị Dân quân tự vệ thuộc quyền.
3. Mối quan hệ công tác
a) Quan hệ với chính trị viên, người chỉ huy đơn vị Dân quân tự vệ cùng cấp là quan hệ giữa cấp dưới và cấp trên;
b) Quan hệ với phó tiểu đoàn trưởng, phó hải đoàn trưởng, phó đại đội trưởng, phó hải đội trưởng là quan hệ phối hợp công tác; đối với cấp phó thuộc quyền quản lý là mối quan hệ cấp trên và cấp dưới;
c) Quan hệ với trung đội trưởng, tiểu đội trưởng, thuyền trưởng, khẩu đội trưởng thuộc quyền là quan hệ cấp trên và cấp dưới.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 18. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 và thay thế Thông tư số 79/2016/TT-BQP ngày 16 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định mối quan hệ công tác của cán bộ ban chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn, ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở; chức trách, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của cán bộ ban chỉ huy quân sự bộ, ngành Trung ương, ban chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn, ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, chỉ huy đơn vị Dân quân tự vệ.
2. Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
Nơi nhận: - Ban Bí thư TW Đảng (để b/c); - Thủ tướng CP, các Phó Thủ tướng CP (để b/c); - VP TW Đảng, UBKT TW và các Ban của Đảng; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội; - Văn phòng Tổng Bí thư; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Văn phòng Quốc hội; - UBTWMTTQVN; cơ quan TW của các đoàn thể; - Tòa án NDTC, Viện Kiểm sát NDTC, Kiểm toán NN; - UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Thủ trưởng BQP, CN TCCT; - Các đầu mối trực thuộc BQP; - BTL TP Hồ Chí Minh, Bộ CHQS các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp; - Công báo Chính phủ; - Cổng Thông tin điện tử: Chính phủ, Bộ Quốc phòng; - Lưu: VT, PC, NC. Đ350.
|
KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG
Thượng tướng Phan Văn Giang
|