Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Quyết định 665/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Thông tin, tuyên truyền kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/06/1948 - 11/06/2008)
- Thuộc tính
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
thuộc tính Quyết định 665/QĐ-TTg
Cơ quan ban hành: | Thủ tướng Chính phủ | Số công báo: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Số hiệu: | 665/QĐ-TTg | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Quyết định | Người ký: | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày ban hành: | 03/06/2008 | Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | Thi đua-Khen thưởng-Kỷ luật, Văn hóa-Thể thao-Du lịch |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!
tải Quyết định 665/QĐ-TTg
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ Số: 665/QĐ-TTg | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 03 tháng 6 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
Về việc phê duyệt Đề án “Thông tin, tuyên truyền kỷ niệm 60 năm
ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2008)”
---------------------------
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (Tờ trình số 1653/TTr-BTTTT ngày 27 tháng 5 năm 2008),
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.Phê duyệt Đề án “Thông tin, tuyên truyền kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2008)” ban hành kèm theo Quyết định này.
Điều 2.Tổ chức thực hiện:
Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan thông tấn, báo chí, các Đài Phát thanh, Truyền hình:
- Tổ chức triển khai thực hiện Đề án “Thông tin, tuyên truyền kỳ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2008)” ban hành kèm theo Quyết định này theo nội dung đã được phân công.
- Tổng kết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Đề án vào tháng 5 năm 2009.
Điều 3.Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 4.Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan thông tấn, báo chí chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng (để b/c); - Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP; - UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Quốc hội; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - Các thành viên trong Ban Tổ chức Nhà nước Kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ kêu gọi thi đua ái quốc; - VPCP: Bộ trưởng CN, các Phó Chủ nhiệm; các vụ: KGVX, TH, TTĐT; - Lưu: Văn thư, TCCV (3b) | THỦ TƯỚNG
|
ĐỀ ÁN
Thông tin, tuyên truyền kỷ niệm 60 năm
ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2008)
(Ban hành kèm theo Quyết định số 665/QĐ-TTg ngày 03/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ)
Ngày 19 tháng 12 năm 1946, toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đứng trước hoàn cảnh vô cùng khó khăn của đất nước vừa phải chống thù trong, giặc ngoài, vừa phải lo chống giặc đói, giặc dốt, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27 tháng 03 năm 1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị Phát động phong trào thi đua ái quốc để động viên lực lượng cho kháng chiến và kiến quốc. Chỉ thị nêu rõ: “Nước nhà đang kháng chiến và kiến quốc, mục đích thi đua ái quốc làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết chóng thành công”. Để triển khai Chỉ thị này, nhân dịp toàn quốc kỷ niệm 1.000 ngày Nam bộ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (23/9/1945), ngày 11 tháng 6 năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc.
Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa và tác dụng hết sức to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Người đã động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết một lòng, phát huy truyền thống anh hùng, tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ diệt giặc ngoại xâm, diệt giặc đói, diệt giặc dốt.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã đem hết sức mình tham gia kháng chiến, kiến quốc, đưa đất nước vượt qua thời điểm đầy gian nguy, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, xóa được nạn đói, nạn dốt. Từ những kết quả bước đầu đó, phong trào thi đua ái quốc được tiếp thêm sức mạnh, tiếp tục phát triển, góp phần làm nên những thắng lợi vĩ đại của dân tộc.
Chúng ta đã đánh thắng thực dân Pháp xâm lược. Thực hiện thắng lợi công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, làm hậu phương lớn cho miền Nam, giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai, thống nhất đất nước. Cả nước đã thi đua để hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, chung sức chung lòng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong 20 năm đổi mới, đất nước ta đã giành được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử trên các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
60 năm đã trôi qua, ý nghĩa của phong trào thi đua yêu nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động vẫn ngời sáng, thực hiện Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Người, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân luôn phát huy truyền thống yêu nước, năng động sáng tạo, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010 và năm 2008.
Thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 22 tháng 12 năm 2007 của Ban Bí Thư, Ban Chỉ đạo Nhà nước Kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc xây dựng Đề án thông tin, tuyên truyền về đợt Kỷ niệm như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU CỦA CÔNG TÁC THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN
Ngày 4 tháng 3 năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg về việc lấy ngày 11 tháng 6 hàng năm là Ngày Truyền thống thi đua yêu nước.
- Tập trung tuyên truyền để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tiếp tục quán triệt tư tưởng, nội dung lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua. Người thi đua là người yêu nước”.
- Tổ chức thông tin, tuyên truyền để làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy rõ vai trò, tác dụng của thi đua yêu nước đối với những thắng lợi của cách mạng Việt Nam; nhận thức sâu sắc vai trò của thi đua yêu nước là động lực to lớn để tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn hiện nay của nền kinh tế đất nước.
- Tuyên truyền các hoạt động kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc phải gắn với việc tuyên truyền triển khai sâu rộng và có hiệu quả cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
- Khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân giữ gìn và phát huy truyền thống quý báu đó của dân tộc; củng cố và phát triển phong trào thi đua yêu nước trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; góp phần giáo dục thế hệ trẻ lòng yêu nước, nâng cao trách nhiệm với gia đình, cộng đồng, Tổ quốc.
- Thông qua việc tuyên truyền tổ chức các hoạt động, phát hiện, giới thiệu, nhân rộng và biểu dương các điển hình tiên tiến, nhân tố mới ở các ngành, các địa phương, đơn vị và các lĩnh vực đời sống xã hội.
- Tuyên truyền kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc bằng các việc làm thiết thực, trọng thị và bảo đảm tiết kiệm, tránh phô trương hình thức, lãng phí.
II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG VÀ HÌNH THỨC TUYÊN TRUYỀN
- Tuyên truyền sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân nhằm huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia vào hoạt động thi đua yêu nước.
- Hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, trong đó kết hợp tuyên truyền trên hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng với truyên truyền thông qua các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, các cuộc mít tinh, hội thảo, hội nghị …
III. LỰC LƯỢNG THAM GIA CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN
- Các phương tiện thông tin báo chí, xuất bản bao gồm báo, tạp chí, đài phát thanh, đài truyền hình, báo điện tử trên mạng Internet.
- Các thiết chế văn hóa - thông tin, các đội thông tin lưu động ở cơ sở.
- Các đơn vị làm công tác văn hóa, nghệ thuật.
- Các lực lượng trong hệ thống chính trị.
- Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên từ Trung ương đến cơ sở.
- Các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, thông tin, truyền thông.
IV. NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN NHÂN KỶ NIỆM 60 NĂM NGÀY CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH RA LỜI KÊU GỌI THI ĐUA ÁI QUỐC
- Hoàn cảnh ra đời của Lời kêu gọi thi đua ái quốc.
- Ý nghĩa lịch sử của sự kiện quan trọng này.
- Các phong trào thi đua yêu nước lớn trong 60 năm qua.
- 07 đại hội Thi đua yêu nước đã diễn ra.
- Vai trò, sức mạnh của Lời kêu gọi thi đua ái quốc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 60 năm qua.
- Các tấm gương tiêu biểu xuất hiện trong phong trào thi đua yêu nước.
- Thi đua yêu nước và sự nghiệp đổi mới đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
- Gắn nội dung tuyên truyền về thi đua yêu nước với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Kết quả thực hiện bước 1 của cuộc vận động, nội dung triển khai bước 2.
- Những nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong công cuộc đổi mới trong đó có những điển hình làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
- Tuyên truyền về công tác khen thưởng.
- Tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện thắng lợi Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ Thông tin và Truyền thông
- Chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam chỉ đạo, định hướng hoạt động thông tin báo chí phục vụ kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc.
- Tổ chức phối hợp các loại hình phương tiện thông tin làm tốt công tác tuyên truyền đáp ứng yêu cầu của từng thời điểm trước, trong và sau ngày kỷ niệm.
- Có kế hoạch chỉ đạo hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên, lâu dài về phong trào thi đua ái quốc đặc biệt là sau khi Ban Chỉ đạo Nhà nước tổ chức phát động thi đua nhân kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, gắn nội dung kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
- Chỉ đạo việc xuất bản ấn bản sách điện tử giới thiệu về thân thế, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bác hồ với phong trào thi đua ái quốc đăng tải miễn phí trên trang mạng Internet để phục vụ nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
- Đánh giá, đề xuất các hình thức khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền vào các thời điểm thích hợp.
2. Ban thi đua Khen thưởng Trung ương
- Cung cấp thông tin; giới thiệu các nhân tố điển hình, các tấm gương tiêu biểu trong các lĩnh vực để phục vụ cho công tác tuyên truyền.
- Phối hợp với các cơ quan tuyên truyền tổ chức các hoạt động gặp mặt, giao lưu, trao đổi trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian diễn ra các hoạt động.
3. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch
- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình, chỉ đạo tổ chức các hoạt động văn hóa - thể thao quần chúng ở các địa phương, đơn vị tạo không khí vui tươi, phấn khởi trước, trong và sau ngày kỷ niệm.
- Chỉ đạo các đội thông tin lưu động, các thư viện, các đội chiếu bóng lưu động có chương trình tuyên truyền sâu rộng mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của phong trào thi đua yêu nước, sức mạnh to lớn, tác động mạnh mẽ của Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Tổ chức các chương trình nghệ thuật đặc sắc với nội dung ca ngợi cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào thi đua yêu nước do Bác Hồ khởi xướng, gắn nội dung kỷ niệm này với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Các hoạt động văn hóa - nghệ thuật phải lấy phương thức xã hội hóa là chủ yếu.
- Chỉ đạo hệ thống bảo tàng tổ chức trưng bày các hiện vật, tổ chức gặp mặt nhân chứng lịch sử nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc.
4. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể
- Có kế hoạch tuyên truyền sâu rộng trong toàn bộ hệ thống mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của phong trào thi đua yêu nước và Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
- Chủ động giới thiệu các nhân tố mới, tấm gương tiêu biểu trong mọi mặt đời sống để tuyên truyền, nhân rộng trong toàn xã hội.
- Tổ chức gặp mặt, tọa đàm, trao đổi trong các tổ chức đoàn thể, các tập thể, cá nhân tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước, từ đó phát động phong trào thi đua mới theo nội dung, yêu cầu của Ban Chỉ đạo Nhà nước kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc.
5. Các Bộ, ngành Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhân kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Huy động các lực lượng tuyên truyền sâu rộng trong từng cơ quan, đơn vị, địa phương về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của phong trào thi đua yêu nước, từ đó tiếp tục quán triệt và có kế hoạch tổ chức thực hiện có hiệu quả Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
- Tổ chức tôn vinh, giới thiệu các nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước ở các địa phương, đơn vị để tuyên truyền phổ biến rộng rãi trong xã hội.
- Tổ chức kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc bằng việc phát động một phong trào thi đua mới với mục tiêu, yêu cầu, nội dung gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và nhiệm vụ chính trị của mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi địa phương. Tuyên truyền rộng rãi lễ phát động để mọi người biết và thực hiện.
6. Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC
- Mở chuyên mục về phong trào thi đua yêu nước và kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc.
- Phản ánh kịp thời các hoạt động trong cả nước về phong trào thi đua yêu nước và ngày kỷ niệm trọng đại này.
- Chủ trì, phối hợp với Ban Thi đua - Khen thưởng, các Bộ, ngành, địa phương tổ chức tốt cuộc gặp mặt giao lưu với các nhân chứng lịch sử, đại diện các anh hùng, chiến sỹ thi đua, các điển hình tiên tiến trong 60 năm thực hiện Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để truyền hình trực tiếp trên VTV1 và tường thuật trực tiếp trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam trước ngày 11 tháng 6.
- Tổ chức truyền hình trực tiếp, tường thuật trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam Lễ phát động thi đua nhân kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời thi đua ái quốc do Ban Chỉ đạo Nhà nước tổ chức tại Hà Nội vào ngày 11 tháng 6 năm 2008.
- Có kế hoạch tuyên truyền trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC. Đài Tiếng nói Việt Nam sau Lễ mít tinh nội dung, yêu cầu của phong trào thi đua.
7. Các cơ quan báo chí khác
- Báo Nhân dân, Báo quân đội nhân dân, báo Lao động tổ chức tốt cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” hưởng ứng kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc.
- Thông tấn xã Việt Nam, các cơ quan báo chí căn cứ chức năng, nhiệm vụ tôn chỉ, mục đích có kế hoạch cụ thể để tuyên truyền cho sự kiện quan trọng này.
- Tăng số lượng tin bài giới thiệu về các nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước. Hạn chế liều lượng tin bài về các vụ việc tiêu cực. Thể hiện trên báo chí mặt tích cực là dòng chủ đạo.
- Chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, các địa phương, đi sâu, đi sát cơ sở để phát hiện, giới thiệu, cổ vũ nhân rộng các điển hình trong phong trào thi đua yêu nước.
8. Đánh giá, sơ kết, tổng kết
- Sau đợt tuyên truyền kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, các Bộ, ngành, địa phương có đánh giá sơ kết công tác tuyên truyền phục vụ sự kiện này gửi về Bộ Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất các hình thức khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong đợt tuyên truyền này.
- Hàng năm vào dịp 11/6 kỷ niệm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, các Bộ, ngành, địa phương có đánh giá, tổng kết phong trào thi đua yêu nước và công tác tuyên truyền cho phong trào này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.