BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN -------
Số: 845/QĐ-BNN-TCLN
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------
Hà Nội, ngày 16 tháng 03 năm 2016
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH BỘ TIÊU CHÍ RÀ SOÁT DIỆN TÍCH QUY HOẠCH ĐẤT RỪNG PHÒNG HỘ ĐẦU NGUỒN ÍT XUNG YẾU CHUYỂN SANG QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN RỪNG SẢN XUẤT
-----------------------------
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26/11/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 06/8/2015 của Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 7/2015;
Căn cứ Quyết định số 17/2015/QĐ-TTg ngày 09/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế quản lý rừng phòng hộ;
Căn cứ Thông tư số 24/2009/TT-BNN ngày 05/5/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chuyển đổi rừng phòng hộ, đặc dụng được quy hoạch sang rừng sản xuất và ngược lại;
Căn cứ Thông tư số 23/2013/TT-BNN ngày 04/5/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt là rừng sản xuất;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, tại Tờ trình số 319/TTr-TCLN-QLSXLN ngày 14/3/2016 về việc đề nghị phê duyệt Bộ tiêu chí rà soát diện tích quy hoạch đất rừng phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu điều chuyển sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Bộ tiêu chí rà soát diện tích đất, rừng phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu chuyển đổi sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất gồm các nội dung sau:
1. Điều kiện tự nhiên:
- Độ cao tuyệt đối dưới 700 mét đối với vùng đồi, núi; dưới 1.000 mét đối với vùng núi cao.
- Lượng mưa trên 1.000 mi li mét một năm.
- Độ dốc dưới 25 độ.
- Thành phần cơ giới là đất thịt, đất cát pha có độ dày tầng đất trên 50cm.
2. Trạng thái chuyển đổi đối với rừng tự nhiên nghèo kiệt:
- Rừng gỗ lá rộng thường xanh và nửa rụng lá nghèo kiệt: số lượng cây gỗ tái sinh mục đích có chiều cao vút ngọn từ 01 mét trở lên dưới 800 cây/hecta, phân bố không đều trên diện tích một lô rừng, trữ lượng gỗ của tất cả các cây có đường kính tại vị trí 1,3 mét trên mặt đất từ 08 cen-ti-mét trở lên dưới 50 m3/hecta trong một lô rừng.
- Rừng gỗ lá rộng rụng lá theo mùa nghèo kiệt: số lượng cây gỗ tái sinh mục đích có chiều cao vút ngọn từ 01 mét trở lên dưới 700 cây/hecta, phân bố không đều (đối với tái sinh chồi từ một gốc cây mẹ có nhiều chồi chỉ tính 01 chồi tái sinh tốt nhất) trên một lô rừng, trữ lượng gỗ của tất cả các cây có đường kính tại vị trí 1,3 mét trên mặt đất từ 8 cen-ti-mét trở lên dưới 40 m3/hecta trong một lô rừng.
- Rừng lá kim nghèo kiệt: số cây có đường kính bình quân tại vị trí 1,3 mét trên mặt đất từ 08 cen-ti-mét trở lên dưới 80 cây/hecta, phân bố không đều trên diện tích một lô rừng.
- Rừng tre nứa nghèo kiệt: số cây có đường kính tại vị trí 1,3 mét trên mặt đất từ 05 cen-ti-mét trở lên dưới 3.000 cây/hecta trong một lô rừng, trường hợp lô rừng chỉ có tre nứa đường kính nhỏ hơn 05 cen-ti-mét thì không phụ thuộc vào mật độ.
- Rừng hỗn loài tre nứa và gỗ nghèo kiệt: trữ lượng gỗ của tất cả các cây có đường kính tại vị trí 1,3 mét trên mặt đất từ 08 cen-ti-mét trở lên dưới 25 m3/hecta trong một lô rừng, số cây tre nứa có đường kính tại vị trí 1,3 mét trên mặt đất từ 05 cen-ti-mét trở lên dưới 1.500 cây/hecta trong một lô rừng.
3. Khu vực chuyển đổi:
- Là diện tích liền kề với rừng sản xuất; nơi thuận lợi để tổ chức sản xuất.
- Đối với diện tích nằm trọn trong khu vực phòng hộ đầu nguồn thì quy mô đất, rừng phòng hộ chuyển đổi có diện tích tối thiểu là 50 ha.
- Không chuyển đổi diện tích liền kề các sông lớn, hồ, đập thủy lợi, thủy điện, các đường giao thông quan trọng.
4. Diện tích chuyển đổi: phải có phương án sử dụng đất, kế hoạch giao đất, cho thuê đất cụ thể, phù hợp với kế hoạch sử dụng đất 2016-2020.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Viện Điều tra, Quy hoạch rừng: xây dựng biện pháp kỹ thuật, chuẩn bị cơ sở dữ liệu khung và hướng dẫn các tỉnh thực hiện rà soát chuyển đổi một phân diện tích quy hoạch rừng phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất gắn rà soát quy hoạch ba loại rừng.
2. Tổng cục Lâm nghiệp:
- Chủ trì tổ chức thẩm định phương án rà soát chuyển đổi một phần diện tích quy hoạch rừng phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất gắn với rà soát quy hoạch ba loại rừng theo đề nghị của địa phương.
- Phối hợp các Bộ, ngành liên quan kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện kế hoạch.
- Tổng hợp kết quả rà soát quy hoạch ba loại rừng sau khi đã điều chỉnh rà soát chuyển đổi một phần diện tích đất, rừng phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất trong phạm vi cả nước.
3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
- Chỉ đạo và giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cùng các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, các chủ rừng xây dựng phương án rà soát, điều tra xác định diện tích đất, rừng phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu chuyển đổi sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất. Quy hoạch ổn định ba loại rừng sau khi đã điều chỉnh chuyển đổi.
- Phê duyệt phương án rà soát chuyển đổi và ban hành các quyết định về chuyển đổi sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Thực hiện giao rừng và cho thuê rừng đối với các diện tích được phép chuyển đổi theo thẩm quyền và quy định của pháp luật về đất đai.
Điều 3. Điều khoản thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và được thực hiện theo Kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Chánh Văn phòng Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Viện trưởng Viện Điều tra Quy hoạch rừng, Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc Bộ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận: - Như Điều 3; - Bộ trưởng (để b/cáo); - Các Thứ trưởng; - Lưu: VT, TCLN (150 bản).
|
KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Hà Công Tuấn
|