Trả lời:
Với những thông tin bạn đọc đã cung cấp, chúng tôi xin trả lời như sau:
1. Văn bản ký tay sẽ tiềm ẩn rủi ro pháp lý nếu sau này có nảy sinh mâu thuẫn, bởi:
- Do ông, bà của bạn mất mà không để lại di chúc nên căn cứ vào khoản 1 Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015 thì di sản của ông, bà của bạn sẽ được chia thừa kế theo pháp luật.
Theo Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về những người thừa kế theo pháp luật thì hàng thừa kế thứ nhất của ông, bà bạn gồm: 04 người, mỗi người sẽ được hưởng một phần di sản bằng nhau.
- Về mặt hình thức của văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế: Căn cứ Điều 57, Điều 58 Luật Công chứng 2014 và Điều 18 Nghị định 29/2015/NĐ-CP thì văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế với đối tượng tài sản là bất động sản, tài sản gắn liền trên đất bắt buộc phải được công chứng hoặc chứng thực.
2. Hướng giải quyết
Bước 1. Họp mặt các đồng thừa kế và lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản (theo quy định tại Điều 656 Bộ luật Dân sự 2015)
Điều 656 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
"1. Sau khi có thông báo về việc mở thừa kế hoặc di chúc được công bố, những người thừa kế có thể họp mặt để thỏa thuận những việc sau đây:
a) Cử người quản lý di sản, người phân chia di sản, xác định quyền, nghĩa vụ của những người này, nếu người để lại di sản không chỉ định trong di chúc;
b) Cách thức phân chia di sản.
2. Mọi thỏa thuận của những người thừa kế phải được lập thành văn bản''.
Ở bước này, các đồng thừa kế sẽ thống nhất về phân chia di sản, sau đó các đồng thừa kế sẽ thỏa thuận nhượng lại kỷ phần được hưởng của mình cho bạn. Văn bản này sẽ được tất cả các đồng thừa kế ký tên.
Bước 2. Công chứng hoặc chứng thực văn bản thỏa thuận
Để văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế có giá trị pháp lý thì các văn bản này cần được lập tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc chứng thực chữ ký tại Ủy ban nhân dân cấp xã.
Nếu những đồng thừa kế khác không thể đến tổ chức hành nghề công chứng/ Ủy ban nhân dân cấp xã thì có thể lập văn bản ủy quyền cho chính người phân chia di sản.Sau khi đã có văn bản ủy quyền thì người được ủy quyền sẽ đến văn phòng công chứng nộp các giấy tờ sau:
- Chứng minh nhân dân, hộ khẩu, giấy khai sinh của những người khi nhận di sản thừa kế.
- Giấy chứng tử của người để lại di sản thừa kế .
- Bản sơ yếu lý lịch của người được ủy quyền phân chia di sản thừa kế.
- Giấy tờ về di sản thừa kế như: giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; sổ tiết kiệm và các giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản khác.
- Giấy ủy quyền, giấy từ chối nhận di sản (nếu có).
Bước 3. Thực hiện thủ tục sang tên và xin cấp Sổ đỏ.
Sau khi có văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế và đã được công chứng hoặc chứng thực thì người được cử trực tiếp quản lý tài sản tiến hành làm thủ tục đăng ký biến động tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.