Trả lời:
Pháp luật nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quy định rất rõ ràng và cụ thể tại khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”. Hành vi gây tai nạn khiến nạn nhân tử vong đã xâm phạm đến tính mạng của người khác
Căn cứ theo Điều 597 Bộ luật Dân sự 2015 về trách nhiệm của pháp nhân quy định:
Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao…
Nếu bạn là người lao động của công ty và nếu bạn gây ra tai nạn trong khi bạn đang thực hiện nhiệm vụ được công ty giao thì công ty của bạn sẽ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do bạn gây ra đó.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý thêm, theo khoản 1; khoản 2, Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 thì: “Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra”.
Mặt khác, căn cứ khoản 4, Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 thì: “Khi chủ sở hữu có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại”.
Như vậy, cũng cần xem xét thêm về trách nhiệm bồi thường của chủ chiếc xe nêu trên. Ví dụ, nếu chiếc xe nêu trên là của giám đốc công ty, và giám đốc công ty giao cho bạn để bạn thực hiện công việc trong khi chiếc xe đã hết hạn đăng kiểm, không đảm bảo an toàn để lưu thông thì giám đốc công ty cũng có lỗi trong việc để chiếc xe bị sử dụng trái pháp luật nên giám đốc công ty cũng phải liên đới bồi thường thiệt hại, thậm chí là bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm an toàn theo Điều 262 Bộ luật Hình sự 2015. Ngược lại, nếu bạn là chủ của chiếc xe nêu trên thì bạn chính là người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Ngoài ra, theo Điều 587 Bộ luật Dân sự 2015 thì :“Trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại.” Như vậy, có thể cả giám đốc công ty và công ty của bạn sẽ phải liên đới bồi thường cho gia đình của bị hại trong vụ việc nêu trên.
Nhưng thiệt hại về tính mạng trong trường hợp của bạn có thể bao gồm:
- Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật Dân sự 2015, bao gồm:
+ Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
+ Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
+ Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
+ Thiệt hại khác do luật quy định.
- Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
- Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;
- Thiệt hại khác do luật quy định.
Lưu ý: ngoài trách nhiệm bồi thượng thiệt hại, bạn có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 nếu có căn cứ cho rằng bạn đã vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ dẫn đến hậu quả làm chết người.
Xem thêm: Trường hợp nào lái xe gây tai nạn chết người không phải ngồi tù
Trên đây là nội dung tư vấn về “Lái xe gây tai nạn có phải bồi thường không?” dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!