BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO -------- Số: 1456/QĐ-BGDĐT | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 28 tháng 4 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC PHÁP LUẬT
CHO GIÁO VIÊN DẠY MÔN GIÁO DỤC CÔNG DÂN
---------
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Quyết định số 1141/QĐ-BĐHĐA ngày 29 tháng 3 năm 2013 của Trưởng Ban điều hành Đề án nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường ban hành kế hoạch thực hiện Đề án "Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường" giai đoạn 2013-2016;
Căn cứ Quyết định số 1142/QĐ-BGDĐT ngày 29 tháng 3 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2013 của ngành giáo dục;
Theo Biên bản thẩm định ngày 21 tháng 01 năm 2014 của Hội đồng thẩm định Chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ giáo viên giáo dục công dân chưa được đào tạo chuẩn hóa;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho giáo viên dạy môn giáo dục công dân.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc các sở giáo dục và đào tạo, Hiệu trưởng trường đại học, cao đẳng sư phạm và các trường đại học, cao đẳng có khoa sư phạm chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: - Như Điều 3; - Bộ trưởng; - Thành viên Ban Đề án 1928; - Website Bộ GD&ĐT; - Lưu: VT, Cục NGCBQLGD. | KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Phạm Mạnh Hùng |
CHƯƠNG TRÌNH
BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC PHÁP LUẬT CHO GIÁO VIÊN DẠY MÔN GIÁO DỤC CÔNG DÂN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1456 /QĐ-BGDĐT ngày 28 tháng 4 năm 2014
của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
I. ĐỐI TƯỢNG BỒI DƯỠNG
1.Giáo viên đang dạy môn giáo dục công dân (GDCD) trong các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông (sau đây gọi tắt là trường trung học) chưa qua đào tạo đúng chuyên môn giáo dục công dân, chưa được bồi dưỡng cập nhật kiến thức pháp luật phục vụ việc giảng dạy (gọi chung là giáo viên chưa được đào tạo chuẩn hóa);
2. Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, giáo viên có nhu cầu trang bị nâng cao kiến thức pháp luật và kỹ năng dạy pháp luật trong môn GDCD.
II. MỤC TIÊU
Sau khi hoàn thành khóa bồi dưỡng theo chương trình này, học viên có được các kiến thức, kỹ năng và thái độ sau:
1. Về kiến thức:
a) Hiểu rõ những kiến thức cơ bản về hệ thống pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; nhận thức được vai trò và ý nghĩa của việc giáo dục pháp luật trong môn GDCD ở trường trung học;
b) Hiểu rõ phương pháp dạy học pháp luật trong môn GDCD ở trường trung học và cách tổ chức hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trong trường trung học.
2. Về kỹ năng:
a) Các kỹnăng tìm hiểu, học tập và sử dụng kiến thức pháp luật cơ bản (lý thuyết và thực tiễn);
b) Các kỹnăng cơ bản trong hoạt động giáo dục pháp luật: Kỹ năng tìm hiểu đối tượng và môi trường phổ biến, giáo dục pháp luật; kỹ năng tổ chức hoạt động giáo dục pháp luật; kỹ năng khai thác, sử dụng và vận dụng các văn bản quy phạm pháp luật; kỹnăng xây dựng và thực hiện kế hoạch dạy học; kỹ năng sử dụng sáng tạo các phương pháp dạy học pháp luật theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động của người học;
c) Các kỹnăng hỗ trợ cho hoạt động giáo dục pháp luật: Kỹ năng giao tiếp, ứng xử; kỹ năng tổ chức, quản lý, quan sát, nhận xét giờ học; kỹ năng phát hiện và giải quyết vấn đề nảy sinh trong thực tiễn dạy học pháp luật phù hợp với đặc thù môn học và kỹ năng tự bồi dưỡng và phát triển nghề nghiệp.
3. Về thái độ:
a) Có ý thức nâng cao năng lực nghề nghiệp, trau dồi đạo đức và tác phong sư phạm mẫu mực của nhà giáo, lòng say mê và hứng thú trong hoạt động dạy kiến thức pháp luật;
b) Có thái độ khách quan, khoa học trong đánh giá và tự đánh giá quá trình dạy học để nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật;
c) Có ý thức tôn trọng, chấp hành Hiến pháp, pháp luật; ý thức bảo vệ pháp luật và lợi ích của việc chấp hành pháp luật để góp phần ổn định môi trường giáo dục, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
III. CHƯƠNG TRÌNH BỒI DƯỠNG
1. Khối lượng kiến thức
Tổng khối lượng kiến thức tối thiểu: 200 tiết
Trong đó:
- Phần I: Kiến thức bắt buộc: 150 tiết
- Phần II: Kiến thức tự chọn: 20 tiết
- Phần III: Thực tế và viết tiểu luận: 30 tiết
2. Nội dung chương trình
TT | Tên chuyên đề | Số tiết |
Tổng | Lý thuyết | Thảo luận/Thực hành |
I | Kiến thức bắt buộc | 150 | 75 | 75 |
1 | Những vấn đề lý luận cơ bản về Nhà nước và Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam; vai trò và ý nghĩa của việc dạy pháp luật trong môn GDCD ở trường trung học | 10 | 5 | 5 |
2 | Những nội dung cơ bản về Hiến pháp nước CHXHCN VN, Luật Hành chính, Luật Hình sự | 30 | 15 | 15 |
3 | Những nội dung cơ bản về Luật Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em, Luật thương mại | 30 | 15 | 15 |
4 | Pháp luật trong lĩnh vực Văn hoá - Giáo dục - Môi trường, Luật Lao động, Luật An toàn giao thông, Luật Quốc tế | 30 | 15 | 15 |
5 | Phương pháp dạy học pháp luật trong môn GDCD ở trường trung học | 30 | 15 | 15 |
6 | Phương pháp tổ chức hoạt động giáo dục pháp luật ở trường trung học | 10 | 5 | 5 |
7 | Kỹ năng phổ biến giáo dục pháp luật | 10 | 5 | 5 |
II | Kiến thức tự chọn | 20 | 10 | 10 |
8 | Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật | 10 | 5 | 5 |
9 | Giáo dục pháp luật trong trường phổ thông ở các nước phát triển hiện nay | 10 | 5 | 5 |
10 | Các điều ước quốc tế về quyền con người và việc thực hiện ở Việt Nam | 10 | 5 | 5 |
III | Tìm hiểu thực tế và viết tiểu luận | 30 | 10 | 20 |
11 | Tìm hiểu thực tế | 20 | | 20 |
12 | Viết tiểu luận | 10 | 10 | |
| Tổng (I + II + III) = | 200 | 95 | 105 |
IV. MÔ TẢ CÁC CHUYÊN ĐỀ
PHẦN I: KIẾN THỨC BẮT BUỘC
Chuyên đề 1: Những vấn đề lý luận cơ bản về Nhà nước và Pháp luật nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; vai trò và ý nghĩa của việc dạy pháp luật trong môn GDCD ở trường trung học
1. Nội dung
a) Chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về việc dạy pháp luật trong môn GDCD ở trường trung học; vai trò và ý nghĩa của việc dạy pháp luật trong môn GDCD ở trường trung học;
b) Những vấn đề lý luận cơ bản về Nhà nước và Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
- Nguồn gốc, bản chất, chức năng của nhà nước và pháp luật;
- Các hình thức nhà nước và pháp luật trên thế giới;
- Hình thức nhà nước và pháp luật ở Việt Nam;
- Hệ thống pháp luật (Quy phạm pháp luật, chế định pháp luật, ngành luật);
- Quan hệ pháp luật;
- Thực hiện pháp luật (tuân thủ pháp luật, sử dụng pháp luật, chấp hành pháp luật, áp dụng pháp luật);
- Vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lí.
2. Vận dụng kiến thức lý luận về nhà nước và pháp luật vào dạy học pháp luật trong môn GDCD ở trường trung học
a) Các kiến thức lý luận về nhà nước và pháp luật liên quan trong chương trình GDCD hiện hành;
b) Những kiến thức lý luận về nhà nước và pháp luật cần bổ sung.
Chuyên đề 2: Những nội dung cơ bản về Hiến pháp nước CHXHCNVN, Luật Hành chính, Luật Hình sự
1. Những nội dung cơ bản về Luật Hiến Pháp, Luật Hành chính, Luật Hình sự
a) Những nội dung cơ bản về Luật Hiến pháp;
b) Những nội dung cơ bản về Luật Hành chính;
c) Những nội dung cơ bản về Luật Hình sự.
2. Vận dụng kiến thức về Luật Hiến pháp, Luật Hành chính, Luật Hình sự vào dạy học pháp luật trong môn GDCD ở trường trung học
a) Các kiến thức về Luật Hiến pháp, Luật Hành chính, Luật Hình sự liên quan trong chương trình GDCD hiện hành;
b) Những kiến thức về Luật Hiến pháp, Luật Hành chính, Luật Hình sự cần bổ sung.
Chuyên đề 3: Những nội dung cơ bản về Luật Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em, Luật thương mại
1. Những nội dung cơ bản về Luật Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em, Luật Thương mại
a) Những nội dung cơ bản về Luật Dân sự;
b) Những nội dung cơ bản về Luật Hôn nhân và Gia đình;
c) Những nội dung cơ bản về Luật bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em;
d)Những nội dung cơ bản về Luật Thương mại.
2. Vận dụng kiến thức về Luật Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Thương mại vào dạy học pháp luật trong môn GDCD ở trường trung học
a) Các kiến thức về Luật Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Thương mại liên quan trong chương trình GDCD hiện hành;
b) Những kiến thức về Luật Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Thương mại cần bổ sung.
Chuyên đề 4: Pháp luật trong lĩnh vực Văn hoá - Giáo dục - Môi trường, Luật Lao động, Luật Quốc tế
1. Pháp luật trong lĩnh vực văn hoá - giáo dục - môi trường, Luật Lao động, Luật Quốc tế
a) Những nội dung cơ bản về pháp luật trong lĩnh vực văn hoá - giáo dục - môi trường;
b) Những nội dung cơ bản về Luật Lao động;
c) Những nội dung cơ bản về Luật Quốc tế.
2. Vận dụng kiến thức pháp luật trong lĩnh vực văn hoá - giáo dục - môi trường, Luật Lao động, Luật Quốc tế vào dạy học pháp luật trong môn GDCD ở trường trung học
a) Các kiến thức pháp luật trong lĩnh vực văn hoá - giáo dục - môi trường, Luật lao động, Luật Quốc tế liên quan trong chương trình GDCD hiện hành;
b) Những kiến thức về Luật Môi trường, Luật Lao động, Luật Quốc tế cần bổ sung.
Chuyên đề 5: Phương pháp dạy học pháp luật trong môn GDCD ở trường trung học
1. Một số vấn đề lý luận chung về phương pháp dạy học giáo dục pháp luật trong môn GDCD ở trường trung học;
2. Hình thức tổ chức dạy học giáo dục pháp luật trong môn GDCD ở trường trung học theo định hướng năng lực;
3. Phương pháp và kỹ thuật dạy học pháp luật trong môn GDCD ở trường trung học theo định hướng năng lực.
Chuyên đề 6: Phương pháp tổ chức hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật ở trường trung học
1. Tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật;
2. Phổ biến, giáo dục pháp luật lồng ghép vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, các buổi nói chuyện chuyên đề;
3. Tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các hoạt động ngoại khóa.
Chuyên đề 7: Kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật
1. Mục tiêu, đối tượng, nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật
a) Mục tiêu phổ biến, giáo dục pháp luật;
b) Đối tượng phổ biến, giáo dục pháp luật;
c) Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật;
d) Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật.
2. Các kỹ năng phổ biến giáo dục pháp luật
a) Kỹ năng phổ biến giáo dục pháp luật chung;
b) Kỹ năng biên soạn đề cương phổ biến, giáo dục pháp luật;
c) Kỹ năng biên soạn tờ gấp pháp luật;
d) Kỹ năng xây dựng kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật.
3. Thực hành phổ biến, giáo dục pháp luật
PHẦN II: KIẾN THỨC TỰ CHỌN
Chuyên đề 8: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật
1. Những vấn đề cơ bản về văn bản quy phạm pháp luật
a) Khái niệm và dấu hiệu văn bản quy phạm pháp luật;
b) Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật;
c) Hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật.
2. Kỹ năng khai thác, sử dụng và vận dụng các văn bản quy phạm pháp luật
a) Kỹ năng khai thác, tập hợp văn bản;
b) Kỹ năng xác định hiệu lực áp dụng của văn bản;
c) Kỹ năng xử lý xung đột của văn bản;
d) Kỹ năng lựa chọn văn bản áp dụng vào xử lý tình huống.
Chuyên đề 9: Giáo dục pháp luật trong trường phổ thông ở các nước phát triển hiện nay
1. Kinh nghiệm giáo dục pháp luật trong nhà trường phổ thông ở một số nước phát triển
a) Giáo dục pháp luật trong trường phổ thông ở Mỹ;
b) Giáo dục pháp luật trong trường phổ thông ở Nhật;
c) Giáo dục pháp luật trong trường phổ thông ở Hàn Quốc;
d) Giáo dục pháp luật trong trường phổ thông ở Trung Quốc;
đ) Giáo dục pháp luật trong trường phổ thông ở một số nước ASEAN.
2. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
a) Kinh nghiệm trong tổ chức giáo dục pháp luật;
b) Kinh nghiệm về phương pháp giáo dục pháp luật.
Chuyên đề 10: Các điều ước quốc tế về quyền con người và việc thực hiện ở Việt Nam
1. Một số nội dung cơ bản trong các điều ước quốc tế về quyền con người;
2. Một số điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên;
3. Thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người ở Việt Nam.
PHẦN III: VIẾT TIỂU LUẬN VÀ TÌM HIỂU THỰC TẾ
1. Viết tiểu luận
a) Cấu trúc tiểu luận: gồm 2-3 chương tùy theo nội dung;
b) Nội dung tiểu luận:
Tiểu luận phải gắn với thực tiễn ở sở giáo dục và đào tạo hoặc đơn vị mình đã đăng ký;
Tiểu luận phải phân tích, đánh giá về nội dung, phương pháp dạy học giáo dục pháp luật trong môn GDCD ở các trường trung học hiện nay và có đề xuất về nội dung, phương pháp giáo dục pháp luật trong môn GDCD ở các trường trung học;
c) Hình thức tiểu luận: Tiểu luận dài tối thiểu 10 trang A4 (không kể trang bìa, phần tài liệu tham khảo và phụ lục), có thể viết tay hoặc đánh máy (font chữ Times New Roman, cỡ chữ 13).
2. Tìm hiểu thực tế
Tùy theo đối tượng tham dự bồi dưỡng để tổ chức tìm hiểu thực tế ở Sở giáo dục và đào tạo hoặc cơ sở giáo dục. Thời gian đi thực tế thực hiện sau khi hoàn thành nội dung phần III.
V. HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG CHƯƠNG TRÌNH BỒI DƯỠNG
1. Chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho giáo viên dạy môn GDCD là căn cứ để các trường đại học, cao đẳng sư phạm và các trường đại học, cao đẳng có khoa sư phạm (gọi tắt là cơ sở đào tạo giáo viên) thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho giáo viên chưa được đào tạo chuẩn hóa, tổ chức biên soạn tài liệu bồi dưỡng theo nội dung các chuyên đề (bắt buộc và tự chọn) đảm bảo các quy định hiện hành và tiến hành bồi dưỡng cho học viên;
2. Giáo viên chưa được đào tạo chuẩn hóa phải học đầy đủ phần nội dung kiến thức của chương trình bồi dưỡng này. Giáo viên dạy môn GDCD đã có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành Luật thì được miễn trừ các phần kiến thức tương đương;
3. Căn cứ vào nhu cầu, học viên có thể lựa chọn 02 trong 03 chuyên đề tự chọn nêu trong chương trình bồi dưỡng để đảm bảo đủ thời lượng 20 tiết;
4. Phương pháp bồi dưỡng: Kết hợp học tập lý thuyết và thực hành, thực tế và viết tiểu luận. Cần hướng dẫn và dành thời gian hợp lý cho học viên tự nghiên cứu, thảo luận, thực hành và rút kinh nghiệm qua thực tế, thực hành dạy học theo định hướng trang bị năng lực, tạo điều kiện cho học viên chủ động, tích cực trong học tập;
5. Việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho giáo viên chưa được đào tạo chuẩn hóa được các cơ sở đào tạo giáo viên tổ chức thực hiện. Hình thức tổ chức bồi dưỡng theo hình thức tập trung. Có thể tổ chức bồi dưỡng tập trung một đợt hay nhiều đợt nhưng phải đảm bảo thời lượng theo quy định của chương trình;
6. Việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập đòi hỏi phải được thực hiện một cách nghiêm túc. Chỉ đánh giá và xét kết quả học tập cho những học viên có mặt và tham dự 80% các giờ học lý thuyết, 100% các giờ thảo luận, thực hành và thực hiện đầy đủ các bài tập được giao.
Kết quả học tập của học viên được đánh giá qua các bài tập lớn, bài kiểm tra giữa chuyên đề, bài kiểm tra kết thúc chuyên đề và bài tiểu luận được quy định trong đề cương chi tiết của chuyên đề. Học viên có điểm trung bình của các chuyên đề và tiểu luận đạt yêu cầu trở lên thì được các cơ sở đào tạo giáo viên xét, cấp chứng chỉ.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở giáo dục và đào tạo rà soát giáo viên đang dạy môn GDCD chưa được đào tạo chuẩn hóa để xây dựng kế hoạch bồi dưỡng; quản lý, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện kế hoạch bồi dưỡng và tổng hợp tình hình báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục) chậm nhất vào ngày 30/11 hằng năm (theo quy định); đồng thời, chủ động kết hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên để tổ chức bồi dưỡng theo kế hoạch;
2. Các cơ sở đào tạo giáo viên tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho giáo viên chưa được đào tạo chuẩn hóa theo kế hoạch bồi dưỡng đã được phê duyệt. Việc quản lý và cấp phát chứng chỉ thực hiện theo Quy chế văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân.