Quyết định 1734/QĐ-TTg 2016 về phát triển kết cấu hạ tầng trong nước
- Tóm tắt
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
thuộc tính Quyết định 1734/QĐ-TTg
Cơ quan ban hành: | Thủ tướng Chính phủ | Số công báo: Số công báo là mã số ấn phẩm được đăng chính thức trên ấn phẩm thông tin của Nhà nước. Mã số này do Chính phủ thống nhất quản lý. | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Số hiệu: | 1734/QĐ-TTg | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Quyết định | Người ký: | Nguyễn Xuân Phúc |
Ngày ban hành: Ngày ban hành là ngày, tháng, năm văn bản được thông qua hoặc ký ban hành. | 06/09/2016 | Ngày hết hiệu lực: Ngày hết hiệu lực là ngày, tháng, năm văn bản chính thức không còn hiệu lực (áp dụng). | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày hết hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Áp dụng: Ngày áp dụng là ngày, tháng, năm văn bản chính thức có hiệu lực (áp dụng). | Tình trạng hiệu lực: Cho biết trạng thái hiệu lực của văn bản đang tra cứu: Chưa áp dụng, Còn hiệu lực, Hết hiệu lực, Hết hiệu lực 1 phần; Đã sửa đổi, Đính chính hay Không còn phù hợp,... | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | Đầu tư |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng
Ngày 06/09/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1734/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Chính sách phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, gắn phát triển kết cấu hạ tầng trong nước với mạng lưới hạ tầng trong các liên kết khu vực”.
Tại đề án, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành và đơn vị liên quan tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ, gồm đường cao tốc, đường Hồ Chí Minh… và đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ bản đưa vào cấp kỹ thuật các tuyến quốc lộ, nối thông và nâng cấp các quốc lộ thuộc hệ thống vành đai phía Bắc, phía Tây Nam, tuyến nối các cảng biển Việt Nam với các nước láng giềng như Lào, Thái Lan, Campuchia…; đầu tư hệ thống đường ven biển, hành lang và đường tuần tra biên giới theo quy hoạch được duyệt; đầu tư cải tạo nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM, nâng cao tốc độ chạy tàu đạt 80 - 90km/h đối với tàu khách và 50 - 60km/h với tàu hàng và nâng cao năng lực thông qua trên toàn tuyến.
Về hạ tầng năng lượng, Thủ tướng định hướng đến năm 2020, Việt Nam không xây dựng đường dây 500kV để nhập khẩu điện từ Trung Quốc; tăng cường hợp tác với Lào để đầu tư xây dựng thủy điện và nhập khẩu điện về Việt Nam. Đồng thời, nghiên cứu các giải pháp hòa mạng không đồng bộ giữa 02 hệ thống điện của Việt Nam và Lào; tập trung nghiên cứu vấn đề về vận hành tách lưới không đồng bộ giữa Việt Nam và Campuchia.
Về hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, sẽ xây dựng chính sách ưu tiên, ưu đãi đối với các dự án đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông nói chung; đầu tư xây dựng và phát triển các công viên phần mềm, khu công nghệ thông tin tập trung, hiện đại; xây dựng 02 - 03 khu công nghệ thông tin tập trung tại mỗi thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM; hình thành chuỗi các khu công nghệ thông tin, vườn ươm doanh nghiệp và trung tâm cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin đạt chuẩn quốc tế…
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Xem chi tiết Quyết định 1734/QĐ-TTg tại đây
tải Quyết định 1734/QĐ-TTg
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ Số: 1734/QĐ-TTg | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 06 tháng 09 năm 2016 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN ĐỒNG BỘ KẾT CẤU HẠ TẦNG, GẮN PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG TRONG NƯỚC VỚI MẠNG LƯỚI HẠ TẦNG TRONG CÁC LIÊN KẾT KHU VỰC”
-------------------
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10 tháng 4 năm 2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế;
Căn cứ Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10 tháng 4 năm 2013 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về hội nhập quốc tế;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt đề án “Chính sách phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, gắn phát triển kết cấu hạ tầng trong nước với mạng lưới hạ tầng trong các liên kết khu vực” với những nội dung chủ yếu sau:
I. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO
Quán triệt và thực hiện Nghị quyết số 31/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về hội nhập quốc tế, chính sách phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng trong nước, gắn với mạng lưới hạ tầng trong các liên kết khu vực dựa trên những quan Điểm chỉ đạo sau đây:
1. Phát triển kết cấu hạ tầng trong nước kết nối với hạ tầng khu vực đảm bảo phù hợp và thực hiện các cam kết của Kế hoạch tổng thể kết nối các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhằm đáp ứng yêu cầu hình thành Cộng đồng ASEAN và các chương trình hợp tác Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS), đảm bảo tính đồng bộ, liên thông trong từng lĩnh vực, công trình và trong toàn bộ hệ thống hạ tầng trong nước kết nối với khu vực.
2. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng hiện đại phù hợp với xu thế phát triển khoa học công nghệ, phát triển hệ thống hạ tầng thông minh, đặc biệt là đối với các công trình có giá trị sử dụng lâu dài. Chú trọng áp dụng các biện pháp tiên tiến trong tổ chức khai thác, sử dụng và phát triển các dịch vụ hạ tầng nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư và hiệu quả của toàn hệ thống kết cấu hạ tầng trong nước kết nối với mạng lưới hạ tầng trong khu vực.
3. Đổi mới tư duy đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng Điều chỉnh cơ cấu và nâng cao hiệu quả đầu tư công, thực hiện phân bổ và sử dụng nguồn lực theo nguyên tắc thị trường Nhà nước tập trung đầu tư vào công tác quy hoạch, đầu tư giải phóng mặt bằng, đầu tư hỗ trợ để tăng tính thương mại của các dự án kết cấu hạ tầng, đồng thời Nhà nước dành nguồn vốn thích đáng đầu tư vào các công trình thiết yếu, quan trọng khó huy động các nguồn lực xã hội.
4. Huy động tối đa mọi nguồn lực để tăng cường thực hiện kết nối kết cấu hạ tầng trong nước với mạng lưới hạ tầng trong các liên kết khu vực. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế, phương thức đầu tư, kinh doanh, quản lý để huy động tổng thể các nguồn lực từ các khu vực ngoài Nhà nước vào đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng Nhà nước từng bước chuyển từ đầu tư trực tiếp sáng tạo môi trường, chia sẻ rủi ro với khu vực tư nhân trong xây dựng kết cấu hạ tầng trên cơ sở hợp tác công - tư. Tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế như ADB, WB, JICA... cũng như của các nhà tài trợ trong phát triển kết cấu hạ tầng. Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình hội nhập và kết nối hạ tầng trong ASEAN; tăng cường liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp ASEAN để tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng dịch vụ.
5. Đảm bảo phát triển bền vững, gắn với bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu. Hạn chế tác động xấu về môi trường, đồng thời phải tính đến giảm thiểu các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
II. MỤC TIÊU ĐẾN NĂM 2020
Hướng tới năm 2020 đảm bảo cơ bản hình thành khung kết nối hạ tầng ASEAN theo chương trình tổng thể kết nối ASEAN, đặc biệt là hạ tầng giao thông, đồng thời kết nối được một cách tương đối đồng bộ mạng hạ tầng trong nước với khung hạ tầng kết nối khu vực ASEAN, nhất là các tuyến trục chính thuộc các hành lang Đông Tây. Xây dựng đồng bộ hạ tầng giao thông trong nước, gắn kết chiến lược phát triển giữa các ngành nhằm phát triển vận tải đa phương thức, đưa Việt Nam trở thành cửa ngõ kết nối Đông Nam Á tới Ấn Độ Dương. Hài hòa hóa một bước căn bản về các chính sách thương mại, đầu tư và xuất nhập cảnh với các quốc gia trong khu vực đảm bảo giao thương thuận lợi, nâng cao hiệu quả đầu tư kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng kết nối khu vực nói riêng.
III. ĐỊNH HƯỚNG CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN ĐỒNG BỘ KẾT CẤU HẠ TẦNG, GẮN PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG TRONG NƯỚC VỚI MẠNG LƯỚI HẠ TẦNG TRONG CÁC LIÊN KẾT KHU VỰC
1. Đối với hạ tầng giao thông
a) Chính sách phát triển hạ tầng giao thông trong nước gắn với mạng lưới hạ tầng giao thông khu vực
Tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường thực hiện kết nối giao thông vận tải trong ASEAN giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 604/QĐ-TTg ngày 08/5/2015.
b) Chính sách phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông trong nước
Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trong nước đồng bộ, hiện đại trên cơ sở sử dụng nguồn lực hợp lý để đầu tư có trọng tâm, trọng Điểm; ưu tiên các công trình có tính lan tỏa, đảm bảo kết nối các phương thức vận tải; các trung tâm kinh tế lớn, các vùng kinh tế trọng Điểm, các cửa ngõ, đầu mối giao thông quan trọng gắn với với mạng lưới hạ tầng giao thông trong các liên kết khu vực.
- Đường bộ:
Tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ: đường cao tốc, đường Hồ Chí Minh.., và đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ bản đưa vào cấp kỹ thuật các tuyến quốc lộ, nối thông và nâng cấp các quốc lộ thuộc hệ thống vành đai phía Bắc, phía Tây Nam, tuyến nối các cảng biển Việt Nam với các nước láng giềng như Lào, Thái Lan, Campuchia...
+ Đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc để phấn đấu đến năm 2020 có Khoảng 2.000-2.500 km, trên tổng số Khoảng 6.400 km đường cao tốc cần đầu tư theo quy hoạch.
+ Đầu tư hoàn hành 601 km đường Hồ Chí Minh để đến năm 2020 cơ bản nối thông tuyến đường này.
+ Đầu tư hệ thống đường ven biển, hành lang và đường tuần tra biên giới theo quy hoạch được duyệt.
- Đường sắt:
Tập trung đầu tư nâng cấp cải tạo tuyến đường sắt Bắc - Nam; đầu tư xây dựng một số tuyến đường sắt kết nối được xác định theo Kế hoạch tổng thể kết nối hạ tầng ASEAN mà Việt Nam đã cam kết, gắn với hạ tầng giao thông đồng bộ trong nước, với các khu kinh tế, khu công nghiệp và cảng biển Việt Nam.
+ Đầu tư cải tạo nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh, nâng cao tốc độ chạy tàu đạt 80-90 km/h đối với tàu khách và 50-60 km/h đối với tàu hàng và nâng cao năng lực thông qua trên toàn tuyến.
+ Tiếp tục đầu tư nâng cấp đường sắt hiện có, nghiên cứu xây dựng mới tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội.
+ Nghiên cứu, kêu gọi đầu tư cho hai tuyến Lộc Ninh - Thành phố Hồ Chí Minh và tuyến Mụ Giạ - Tân Ấp - Vũng Áng thuộc hệ thống đường sắt Xinhgapo - Côn Minh để có thể triển khai đầu tư xây dựng trước năm 2020.
+ Đầu tư các công trình đường sắt kết nối với các khu công nghiệp, cảng biển lớn: cải tạo, nâng cấp tuyến Hà Nội - Hải Phòng, xây dựng đường sắt Diêu Trì - Nhơn Bình - Cảng Nhơn Hội, đường sắt xuống cảng Cửa Lò, đường sắt vào mỏ sắt Thạch Khê, đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, đường sắt vào cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng...
+ Cải tạo, nâng cấp đường ngang, xây dựng đường gom, hàng rào đường gom xây dựng các cầu đường bộ vượt đường sắt tại các Điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt có lưu lượng giao thông lớn; Giải tỏa hành lang an toàn đường sắt trên địa bàn 05 tỉnh/thành phố, (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Biên Hòa - Đồng Nai); Cải tạo, nâng cấp hệ thống thông tin tín hiệu, xây dựng hệ thống giám sát của các ga thuộc tuyến đường sắt phía Bắc và khu vực đầu mối Hà Nội giai đoạn 2 để nâng cao tốc độ chạy tàu, đảm bảo an toàn giao thông.
- Đường biển:
Tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống cảng biển quốc gia, các cảng cửa ngõ quốc tế tại các vùng kinh tế trọng Điểm có khả năng tiếp nhận các tàu công- ten-nơ thế hệ mới phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt.
Hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ khu bến cảng Lạch Huyện thuộc cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; khai thác hiệu quả khu bến cảng Cái Mép - Thị Vải thuộc cảng cửa ngõ quốc tế Vũng Tàu, khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài phát triển cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong.
Hoàn thành Dự án xây dựng luồng cho tàu có trọng tải lớn vào sông Hậu; tập trung cải tạo, nâng cấp luồng vào các cảng biển quan trọng... đưa tổng công suất các cảng biển khai thác đạt Khoảng 680 triệu tấn/năm vào năm 2020 theo quy hoạch được duyệt (tăng Khoảng gần 2 lần so với hiện nay). Chú trọng đầu tư đảm bảo sự kết nối liên hoàn giữa cảng biển với mạng giao thông quốc gia và đầu mối logistics ở khu vực, xây dựng các cảng cạn và các kết cấu hạ tầng khác hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics.
- Hàng không:
Tập trung rà soát để tiếp tục đầu tư nâng cấp đồng bộ, hiện đại các cảng hàng không quốc tế; xây dựng các công trình để khai thác an toàn, có hiệu quả các cảng hàng không khác đưa tổng năng lực thông qua tại các cảng hàng không đạt Khoảng 100 triệu hành khách/năm theo đúng quy hoạch được duyệt (tăng Khoảng 1,5 lần so với năm 2015). Triển khai đầu tư cảng hàng không quốc tế Long Thành.
- Đường thủy nội địa:
Đưa vào cấp kỹ thuật, đảm bảo chạy tầu 24/24h các tuyến đường thủy nội địa quan trọng, trong đó ưu tiên hoàn thành nâng cấp các tuyến kết nối vùng đồng bằng sông Cửu Long với TP. Hồ Chí Minh, các tuyến sông Tiền, sông Hậu, sông Hồng, sông Thái Bình, tăng chiều dài các đoạn tuyến sông được khai thác; Nâng cấp và xây dựng mới một số cảng chính, bên hàng hóa và hành khách ở đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng; Quy hoạch và đầu tư mạng lưới kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải sông pha biển.
2. Đối với hạ tầng năng lượng
a) Chính sách phát triển hạ tầng năng lượng trong nước gắn với mạng lưới hạ tầng năng lượng khu vực
- Nghiên cứu mô hình hệ thống điện hợp nhất các nước tiểu vùng sông Mê Kông (GMS), liên kết với nhau ở cấp 500 kV và 220 kV (do hiện nay điện áp lưới truyền tải các nước khá tương đồng ở các cấp điện áp 500 kV - 220 kV - 110 kV).
- Định hướng chính sách phát triển hạ tầng năng lượng kết nối khu vực đến năm 2020, như sau:
+ Kết nối với Trung Quốc
Việt Nam không xây dựng đường dây 500 kV để nhập khẩu điện từ Trung Quốc. Xem xét tiếp tục nhập khẩu điện của Trung Quốc bằng đường dây 220 kV và 110 kV hiện hữu qua các trạm tại Lào Cai và Hà Giang. Trong đó, nghiên cứu giải pháp hòa không đồng bộ, không tách lưới giữa 2 hệ thống điện (Việt Nam và Trung Quốc) thông qua sử dụng trạm chuyển đổi một chiều - xoay chiều.
+ Kết nối với Lào
Tăng cường hợp tác với Lào để đầu tư xây dựng thủy điện và nhập khẩu điện về Việt Nam. Việt Nam nhập khẩu Khoảng 850 MW từ cụm nhà máy thủy điện XêKaman - Xê Kông bằng cấp điện áp 220 kV; từ XêKaman 1 về PleiKu 2 (vào các năm 2016-2017); từ các nhà máy thủy điện phía trung Lào như cụm thủy điện Nậm Sum 290 MW, Nậm Theun 400 MW...
Nghiên cứu các giải pháp hòa mạng không đồng bộ giữa 2 hệ thống điện (Việt Nam và Lào).
+ Kết nối với Campuchia
Tập trung nghiên cứu vấn đề vận hành tách lưới không đồng bộ giữa hai quốc gia (Việt Nam và Campuchia).
b) Chính sách phát triển đồng bộ hạ tầng năng lượng trong nước
Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng năng lượng trong nước. Thực hiện đúng tiến độ các nhà máy điện theo Quy hoạch điện lực quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ưu tiên các nhà máy có công suất từ 1.000 MW trở lên. Phát triển cân đối công suất nguồn trên từng miền: Bắc, Trung, Nam. Ưu tiên phát triển nguồn điện năng lượng mặt trời, điện gió; nghiên cứu đưa nhà máy thủy điện tích năng vào vận hành phù hợp với sự phát triển của hệ thống điện.
Tập trung phát triển các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I và Ninh Thuận II, phấn đấu đến năm 2030, đưa tổng công suất của nguồn điện hạt nhân lên Khoảng 10.700 MW.
Phát triển lưới điện truyền tải đồng bộ, phù hợp với tiến độ vận hành các nhà máy điện. Nghiên cứu áp dụng lưới điện thông minh, công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng lưới điện phân phối; kết nối, hòa mạng đồng bộ hệ thống điện Việt Nam với hệ thống điện các nước trong khu vực.
3. Đối với hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông
a) Chính sách phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông gắn với hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông khu vực
Tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch tổng thể Công nghệ thông tin và Truyền thông ASEAN đến năm 2020 (ASEAN ICT Master Plan 2020) đã được Hội nghị Bộ trưởng Viễn thông và Công nghệ thông tin ASEAN lần thứ 15 (TELMIN) diễn ra tại Đà Nẵng ngày 26-27/11/2015 thông qua.
- Xây dựng chính sách ưu tiên, ưu đãi đối với các dự án đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông nói chung.
- Chọn lựa, ứng dụng các công nghệ hiện đại, tiên tiến, phù hợp với xu thế phát triển chung của khu vực và trên thế giới trong việc phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông. Đảm bảo phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông đồng bộ, bền vững.
- Lựa chọn một số công trình quan trọng có sức lan tỏa, tạo đột phá lớn để tập trung đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông; từ đó rút ra những ưu Điểm và hạn chế để hình thành mô hình đầu tư tối ưu.
- Xây dựng, chọn lựa và triển khai hệ thống phần mềm tiên tiến, gọn nhẹ; đảm bảo tính tương thích tối đa và khai thác hiệu quả cao nhất hạ tầng phần cứng tương ứng.
- Ứng dụng công nghệ thông tin và phương pháp quản lý hiện đại trong việc tổ chức xây dựng, khai thác và quản lý các công trình kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông.
- Gắn kết phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông thống nhất; đảm bảo quản lý, khai thác, vận hành hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin hiệu quả, an toàn, thông suốt.
- Xây dựng, hoàn thiện và bổ sung thêm các chính sách ưu đãi, ưu tiên cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực gia công, phát triển phần mềm nhằm tạo ra nhiều sản phẩm tốt có khả năng tăng cường năng lực cạnh tranh trong nước cũng như xuất khẩu ra nước ngoài, bảo đảm phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông bền vững, độc lập và không bị phụ thuộc vào bên ngoài.
- Đầu tư xây dựng và phát triển các công viên phần mềm, khu công nghệ thông tin tập trung, hiện đại: Xây dựng một số khu công nghệ thông tin tập trung ở các tỉnh, thành phố có đủ Điều kiện theo quy định của pháp luật; xây dựng hai đến ba khu công nghệ thông tin tập trung tại mỗi thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh; hoàn thiện, bổ sung cơ chế, chính sách ưu đãi đối với khu công nghệ thông tin tập trung; xây dựng và phát triển mạng liên kết giữa các khu công nghệ thông tin tập trung với các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước; lựa chọn, triển khai đầu tư một số vườn ươm tại các khu công nghệ thông tin tập trung. Hình thành chuỗi các khu công nghệ thông tin, vườn ươm doanh nghiệp và trung tâm cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin đạt chuẩn quốc tế.
- Đầu tư triển khai một số dự án trọng Điểm để phát triển hạ tầng công nghiệp, nhân lực và dịch vụ công nghệ thông tin.
b) Chính sách phát triển đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông trong nước
- Rà soát, hoàn thiện thể chế; rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các nghị định của Chính phủ về công tác thẩm định và phê duyệt quy hoạch theo hướng tạo cơ chế thẩm định độc lập, tập trung, do một đầu mối chịu trách nhiệm. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
- Xây dựng và hoàn thiện chính sách quản lý và vận hành các công trình kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông. Xây dựng và hoàn thiện chính sách tạo lập thị trường cho phát triển kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông. Đảm bảo lợi ích chính đáng của các bên tham gia.
- Phát triển mạnh hệ thống kết nối đa dạng với quốc tế, hình thành siêu xa lộ thông tin trong nước và liên kết quốc tế. Tiếp tục phát triển vệ tinh viễn thông; xây dựng khu công nghệ thông tin trọng Điểm quốc gia.
- Đẩy mạnh nghiên cứu và ưu tiên triển khai các dự án công nghệ thông tin theo hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin đã được quy định tại Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg ngày 30/12/2014 về việc thí Điểm dịch vụ công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về công dân, đất đai, nhà ở, doanh nghiệp, làm cơ sở cho việc ứng dụng công nghệ thông tin quản lý các nguồn lực phát triển đất nước. Đẩy nhanh tiến trình thực hiện thẻ công dân điện tử, Chính phủ điện tử và cam kết ASEAN điện tử. Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Chính phủ điện tử theo Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, khai thác, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội và toàn bộ nền kinh tế. Coi thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong lộ trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong từng ngành, từng lĩnh vực. Phát triển mạnh công nghiệp công nghệ thông tin, thúc đẩy ngành công nghiệp phần mềm phát triển nhanh, bền vững.
- Nâng cao năng lực làm chủ công nghệ và hiệu lực, hiệu quả quản lý hệ thống hạ tầng thông tin; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, chủ quyền quốc gia về không gian mạng.
- Ưu tiên triển khai xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia như: cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu quốc gia về thống kê tổng hợp về dân số tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý các nguồn lực phát triển đất nước. Đẩy nhanh tiến trình phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam và cam kết về ASEAN điện tử.
IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN HIỆU QUẢ PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG KẾT NỐI KHU VỰC
1. Hoàn thiện pháp luật về nội dung và quy trình xây dựng chính sách liên quan đến phát triển kết cấu hạ tầng
a) Tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ về phát triển kết cấu hạ tầng. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 về “Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”; Nghị quyết số 16-NQ/CP ngày 08/6/2012 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW; Nghị quyết số 31/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về hội nhập Quốc tế cũng khẳng định cần phải hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng để hội nhập kinh tế quốc tế.
b) Hoàn thiện môi trường pháp lý đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.
- Khẩn trương hoàn thành việc xây dựng các Luật, văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện trong các lĩnh vực kết cấu hạ tầng theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 về “Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”;
- Hoàn chỉnh các thể chế, chính sách về đầu tư; tổ chức thực hiện tốt các chính sách về đầu tư PPP, BOT... đã được Chính phủ bán hành tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) nhằm tạo bước đột phá về huy động nguồn vốn trên cơ sở nghiên cứu lựa chọn mô hình, hoàn thiện khung chính sách về hình thức đầu tư PPP trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng.
Ban hành khuôn khổ tài chính PPP bằng việc kết hợp các nguồn tài chính khác nhau như ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, viện trợ phát triển chính thức (ODA)... và các nguồn vốn tư nhân, phù hợp với việc phân bố lợi ích và rủi ro.
Đồng thời, xác định rõ mô hình đầu tư, kinh doanh các công trình hạ tầng theo hướng nhượng quyền đầu tư, khai thác kinh doanh có Điều kiện bảo đảm nguyên tắc cung cấp hàng hóa và dịch vụ công.
- Hoàn thiện các chính sách về phí sử dụng kết cấu hạ tầng, sau khi Luật phí và lệ phí được Quốc hội khóa XIII thông qua;
c) Tiếp tục rà soát quy hoạch các lĩnh vực kết cấu hạ tầng đảm bảo đồng bộ, gắn phát triển mạng lưới hạ tầng trong nước với hạ tầng trong các liên kết khu vực, đảm bảo cân đối giữa nhu cầu và nguồn lực thực hiện.
2. Đổi mới, xây dựng mô hình tổ chức quản lý quá trình xây dựng và thực hiện chính sách phát triển kết cấu hạ tầng
a) Tiếp tục nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác giám sát các dự án đầu tư nhà nước thông qua việc tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, công tác kiểm toán, cũng như cơ chế giám sát của người dân và các tổ chức xã hội đối với hoạt động đầu tư công từ công tác lập quy hoạch, lập dự án, thẩm định; bố trí vốn và thực hiện các dự án đầu tư.
b) Tổ chức rà soát, Điều chỉnh (tăng/giảm quy mô hợp lý, đảm bảo cân đối giữa nhu cầu và các nguồn lực), phân kỳ đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng, đảm bảo đầu tư đúng trọng tâm, trọng Điểm, tránh dàn trải, phân tán.
c) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý ngay những vấn đề vướng mắc liên quan đến tiến độ và chất lượng công trình, xử lý kịp thời những tồn tại về chất lượng, sự cố công trình; nghiêm khắc xử lý trách nhiệm của những tập thể, cá nhân có liên quan; tiếp tục đẩy mạnh công tác chống tham nhũng trong đầu tư xây dựng.
d) Tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ các dự án đã có nguồn vốn, đặc biệt các dự án bị chậm tiến độ, các công trình trọng Điểm quốc gia, các dự án kết cấu hạ tầng quan trọng để sớm đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả.
đ) Chấn chỉnh nâng cao năng lực của các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án, các tổ chức tư vấn thiết kế, giám sát; kiên quyết loại bỏ ngay các nhà thầu có năng lực yếu kém khỏi các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng.
e) Tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành với các địa phương để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch đẩy nhanh tiến độ thi công các, đảm bảo chất lượng xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng.
3. Xác lập cơ chế tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức xã hội và nhà đầu tư vào quá trình xây dựng và thực hiện chính sách phát triển kết cấu hạ tầng
a) Điều chỉnh cơ cấu phân bổ và sử dụng ngân sách nhà nước theo hướng:
- Nguồn vốn ngân sách cho phát triển kết cấu hạ tầng phải được sử dụng, bố trí tập trung cho các công trình trọng Điểm, cấp bách (kể cả nguồn vốn bằng trái phiếu Chính phủ) và giải quyết nhu cầu đầu tư đối với các dự án, công trình ít mang lại lợi ích kinh tế tài chính trực tiếp (kém hấp dẫn đối với khu vực tư);
- Đồng thời, nguồn vốn ngân sách nhà nước được sử dụng hợp lý trong việc tạo môi trường đầu tư hấp dẫn (vốn mồi) trong đầu tư phát triển hạ tầng, đảm bảo vốn đối ứng các dự án ODA hoặc tham gia các công trình 5 dự án đầu tư theo mô hình đối tác công - tư (PPP).
Thực hiện tốt Luật đầu tư công (năm 2014), bố trí ngân sách theo từng kỳ kế hoạch 5 năm và hàng năm đảm bảo vốn đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
b) Thu hút mạnh và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA; Rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan, ưu tiên bố trí vốn đối ứng và tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân và hoàn thành các dự án, tạo Điều kiện vận động tìm kiếm các nguồn tài trợ mới.
c) Tiếp tục tạo môi trường thuận lợi, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực vào đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, bảo đảm lợi ích hài hòa cho nhà đầu tư, không phân biệt thành phần kinh tế. Nhà nước hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thông qua việc sửa đổi chính sách theo hướng thông thoáng, tạo thuận lợi và chia sẻ rủi ro với các nhà đầu tư, đặc biệt đối với các chính sách hỗ trợ tài chính, thuế, phí, lệ phí, nhượng quyền... để tăng tính thương mại của dự án.
d) Đổi mới cơ chế, chính sách huy động mạnh nguồn lực đất đai vào phát triển hạ tầng. Xây dựng chính sách quản lý đất đai và huy động tài chính từ tài nguyên đất trên cơ sở Luật đất đai (năm 2013) cho thực hiện công trình, dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Thực hiện cơ chế thị trường thông qua việc đấu giá quyền sử dụng đất đối với các dự án kinh doanh để tạo vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng.
đ) Nhanh chóng hoàn thành cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng nhằm tập trung nguồn lực vào đúng lĩnh vực hoạt động chủ yếu, sản phẩm chủ yếu, tăng cường năng lực cạnh tranh.
e) Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa (giảm) các thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật, đặc biệt đối với việc thực hiện các quy định về chuẩn bị đầu tư và phê duyệt dự án đầu tư...
g) Tăng cường phối hợp với các tổ chức quốc tế, các tổ chức tài chính, các cơ quan tài trợ (như ADB, WB…) để huy động nguồn lực tài chính cho các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cũng như các dự án hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực để tăng cường kết nối kinh tế trong ASEAN.
h) Phát huy tối đa sự hỗ trợ huy động nguồn lực từ các cơ chế tài chính ASEAN và Châu Á khác như Quỹ kết cấu hạ tầng ASEAN (AIF), Quỹ hợp tác và Hội nhập Khu vực (RCIF), Quỹ Biến đổi Khí hậu (CCF), Quỹ Hợp tác và Môi trường Châu Á (FACE), Quỹ Hỗ trợ tài chính cho Cơ sở hạ tầng Châu Á, Quỹ Hợp tác Đầu tư ASEAN - Trung Quốc (CAICF)...
4. Tài chính thực hiện Đề án
a) Các dự án, nhiệm vụ thuộc phạm vi và thẩm quyền quản lý của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện trên cơ sở nguồn vốn được phân bổ từ ngân sách nhà nước hoặc từ các nguồn huy động khác để thực hiện các Mục tiêu đã để ra theo chiến lược, quy hoạch ngành đã được phê duyệt.
b) Các dự án, nhiệm vụ thuộc phạm vi và thẩm quyền quản lý của các Bộ ngành khác có liên quan đến các lĩnh vực kết cấu hạ tầng trong đề án này thực hiện trên cơ sở nguồn vốn được phân bổ từ ngân sách nhà nước hoặc từ các nguồn huy động khác.
5. Các giải pháp khác
a) Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng góp phần nâng cao chất lượng công trình, hạ giá thành sản phẩm, rút ngắn thời gian thi công và tiếp cận được các công nghệ mới từ các nước phát triển.
b) Tiếp tục thực hiện các hiệp định song phương và đa phương về kết cấu hạ tầng, đặc biệt đối với hạ tầng giao thông (như hàng không, hàng hải, đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa) để tạo thuận lợi cho vận tải người và hàng hóa qua lại biên giới, vận tải liên quốc gia, vận tải đa phương thức trong khuôn khổ ASEAN, Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS) và với các nước láng giềng.
c) Tăng cường sự phối hợp ở mọi cấp độ với các nước thành viên ASEAN để thực hiện có hiệu quả các Mục tiêu đã đề ra. Đề xuất các lộ trình, cơ chế phù hợp với từng trường hợp cụ thể để vừa đảm bảo thực hiện các Mục tiêu chung, vừa đảm bảo lợi ích của các nước thành viên.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
a) Chủ trì, Điều phối hoạt động của Ban chỉ đạo về Điều phối kết nối ASEAN của Việt Nam, phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông và các Bộ ngành, địa phương có liên quan để đảm bảo việc triển khai, thực hiện các chiến lược, kế hoạch hành động, các dự án quốc gia thuộc khuôn khổ Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN; nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách, giải pháp thực hiện Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN.
b) Làm đầu mối phối hợp với Ủy ban Điều phối kết nối của ASEAN; với các nước đối tác của ASEAN, các ngân hàng phát triển đa phương, các tổ chức quốc tế, khu vực; với Đại diện thường trực của Việt Nam tại ASEAN và các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương trong nước, bao gồm cả khu vực tư nhân nhằm huy động tối đa các nguồn lực phục vụ quá trình thực hiện Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN.
c) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hoàn chỉnh các thể chế, chính sách về đầu tư; chính sách về phí sử dụng kết cấu hạ tầng; nghiên cứu thêm các mô hình đầu tư, kinh doanh các công trình kết cấu hạ tầng, dịch vụ công theo hướng nhượng quyền đầu tư, khai thác kinh doanh có Điều kiện; tổ chức thực hiện tốt các chính sách về đầu tư PPP, BOT... đã được Chính phủ ban hành tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
d) Chủ trì tổ chức theo dõi, giám sát, xây dựng kế hoạch, cân đối vốn để thực hiện đề án. Phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng cơ chế sử dụng vốn ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Ưu tiên bố trí vốn đầu tư phát triển của Ngân sách nhà nước, ODA thực hiện các dự án quốc gia có phần góp vốn của Nhà nước để tăng cường kết nối hạ tầng, đặc biệt là giao thông vận tải trên các trục hành lang kết nối khu vực.
2. Bộ Tài chính
a) Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế, chính sách tài chính khuyến khích đầu tư phát triển và khai thác các công trình kết cấu hạ tầng nhằm thu hút và đảm bảo tính hiệu quả, đồng bộ của hệ thống kết cấu hạ tầng trong nước kết nối khu vực.
b) Hướng dẫn xác định giá và phí sử dụng kết cấu hạ tầng theo cơ chế thị trường; hướng dẫn sử dụng kinh phí chuẩn bị đầu tư; cơ chế tài chính thực hiện dự án đầu tư theo hợp đồng BT; phương án tài chính của dự án; quyết toán công trình dự án và các vấn đề có liên quan khác thuộc thẩm quyền quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, nhằm tạo Điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng thông qua các mô hình PPP.
c) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan đề xuất các giải pháp huy động nguồn lực thực hiện các dự án quốc gia tăng cường kết nối hạ tầng khu vực.
d) Chỉ đạo, Điều phối hoạt động triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN theo phạm vi chức năng của Bộ; làm đầu mối phối hợp với các nước thành viên ASEAN để kết nối Cơ chế một cửa ASEAN vào năm 2016 theo lộ trình chung của ASEAN.
3. Bộ Ngoại giao
Làm đầu mối phối hợp với các nước trong khu vực, các nước đối tác và các tổ chức, cơ chế hợp tác đa phương thúc đẩy hoạt động hợp tác, phối hợp huy động nguồn lực hỗ trợ việc tăng cường kết nối hạ tầng khu vực.
4. Bộ Giao thông vận tải
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ ưu tiên thực hiện tăng cường kết nối giao thông vận tải trong ASEAN của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 604/QĐ-TTg ngày 08/5/2015.
b) Xây dựng danh Mục và đề xuất hình thức chuyển nhượng quyền khai thác, cho thuê các dự án, hạng Mục kết cấu hạ tầng giao thông vận tải được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách hoặc có nguồn gốc từ ngân sách, nhằm huy động thêm nguồn lực đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng giao giao thông trong nước kết nối khu vực.
c) Rà soát, đánh giá thực hiện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương về “Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020” và Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08/6/2012 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, chủ động nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách cần sửa đổi, bổ sung trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết.
d) Chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan thực hiện các giải pháp cải thiện chất lượng và dịch vụ hạ tầng giao thông, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách cần sửa đổi, bổ sung trong quá trình triển khai thực hiện.
đ) Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, xây dựng hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động đồng bộ với hạ tầng giao thông.
5. Bộ Công Thương
a) Rà soát, đánh giá thực hiện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng năng lượng theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương về “Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020” và Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08/6/2012 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, chủ động nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách cần sửa đổi, bổ sung trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết.
b) Chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng và cụ thể hóa chương trình đầu tư đồng bộ hạ tầng năng lượng trong nước kết nối với khu vực và đảm bảo khai thác có hiệu quả, bền vững các công trình hạ tầng năng lượng kết nối khu vực...
c) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế, chính sách cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng điện trong nước kết nối với khu vực được tiếp cận các nguồn vốn ODA, OCR, tín dụng ưu đãi để xây dựng các công trình hạ tầng.
d) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi cao hơn cho các tổ chức và người dân bị thu hồi đất và bị hạn chế sử dụng đất khi dành đất để đầu tư các dự án lưới điện; cơ chế đặc thù để triển khai thực hiện các dự án lưới điện, đặc biệt đối với các dự án đảm bảo kết nối với khu vực.
đ) Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động đồng bộ với hạ tầng cấp điện.
6. Bộ Thông tin và Truyền thông
a) Rà soát, đánh giá thực hiện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thông tin và truyền thông theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương về “Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020” và Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08/6/2012 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW chủ động nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách cần sửa đổi, bổ sung trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết.
b) Chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng và cụ thể hóa chương trình đầu tư kết nối hạ tầng thông tin và truyền thông trong nước kết nối với khu vực và đảm bảo khai thác có hiệu quả nâng cao năng lực truyền dẫn, trao đổi thông tin trong nước và kết nối khu vực.
c) Phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia trong khu vực về phát triển kết cấu hạ tầng thông tin, đồng thời đẩy mạnh hợp tác trong việc trao đổi thông tin, quảng bá giới thiệu về Việt Nam với các quốc gia trong khu vực và ngược lại.
7. Bộ Tư pháp
Tiếp tục chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương rà soát tính tương thích của các văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam liên quan đến phát triển kết cấu hạ tầng trong các cam kết của Việt Nam với các nước trong khu vực để kiến nghị sửa đổi, bổ sung và ban hành mới văn bản về phát triển kết cấu hạ tầng đảm bảo phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong khu vực.
8. Các Bộ, ngành khác
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành mình, phối hợp với các Bộ Giao thông vận tải, Công Thương, Thông tin và Truyền thông triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương về “Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020” và Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08/6/2012 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, đặc biệt đối với các công trình kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng và hạ tầng thông tin và truyền thông đồng bộ trong nước kết nối với mạng lưới hạ tầng khu vực.
9. Ủy ban nhân dân tỉnh
a) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đặc biệt là các địa phương trực tiếp liên quan đến các công trình hạng Mục kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong khuôn khổ hợp tác khu vực chủ động phối hợp với các Bộ, ngành trong việc hợp tác với các nước trong khu vực, đặc biệt là các nước láng giềng thực hiện các hiệp định đã ký kết giữa Việt Nam và các nước trong khuôn khổ hợp tác ASEAN...
b) Chủ động, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tích cực thực hiện công tác giải phóng và bàn giao mặt bằng đúng tiến độ, đảm bảo tiến độ và chất lượng xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng đảm bảo kết nối khu vực.
c) Phối hợp với các Bộ ngành, xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển các hạng Mục công trình kết cấu hạ tầng thuộc phạm vi địa phương quản lý, đảm bảo sự kết nối đồng bộ giữa các hạng Mục công trình kết cấu hạ tầng trên địa bàn quản lý. Phối hợp tổ chức quản lý, bảo vệ các công trình kết cấu hạ tầng trên địa bàn địa phương.
d) Xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh, thế mạnh về hợp tác kinh tế, du lịch của địa phương để thu hút đầu tư, phát triển du lịch, gia tăng sự lưu chuyển người, phương tiện và hàng hóa giữa Việt Nam với các nước trong khu vực.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | THỦ TƯỚNG |