BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ ------------------- Số: 1075/QĐ-BKHĐT | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ------------------------- Hà Nội, ngày 26 tháng 07 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH ỨNG DỤNG, PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG CỦA HỆ THỐNG THỐNG KÊ NHÀ NƯỚC ĐẾN NĂM 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
-----------------------------
BỘ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
Căn cứ Luật Thống kê ngày 26 tháng 6 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 246/2005/QĐ-TTg ngày 6 tháng 10 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt “Chiến lược phát triển công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 116/2008/NĐ-CP ngày 14/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
Căn cứ Quyết định số 54/2010/QĐ-TTg ngày 24/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thống kê trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
Căn cứ Quyết định số 312/QĐ-TTg ngày 02/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới đồng bộ các hệ thống chỉ tiêu thống kê;
Căn cứ Quyết định số 1605/QĐ-TTg ngày 27/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011- 2015;
Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này “Chương trình ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin và truyền thông của Hệ thống thống kê nhà nước đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Chánh Văn phòng Bộ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ và các đơn vị liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: - Như Điều 3; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT; - Lưu: VT, TCTK. | BỘ TRƯỞNG Võ Hồng Phúc |
CHƯƠNG TRÌNH
ỨNG DỤNG, PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG CỦA HỆ THỐNG THỐNG KÊ NHÀ NƯỚC ĐẾN NĂM 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1075/QĐ-BKHĐT ngày 26 tháng 7 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
Phần 1.
MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH ỨNG DỤNG, PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG CỦA HỆ THỐNG THỐNG KÊ NHÀ NƯỚC ĐẾN NĂM 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
I. MỤC TIÊU ĐẾN NĂM 2015
1. Mục tiêu tổng quát
Công nghệ thông tin và truyền thông (sau đây viết tắt là CNTT-TT) được phát triển và ứng dụng một cách toàn diện, đồng bộ trong Hệ thống thống kê nhà nước trên cơ sở áp dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thống kê và hình thành hệ thống thông tin thống kê quốc gia thống nhất.
2. Mục tiêu cụ thể
1. Xây dựng và đưa vào sử dụng mạng máy tính đồng bộ, hiện đại, thông suốt trong Tổng cục Thống kê (gọi tắt là Tổng cục) từ Cơ quan Tổng cục Thống kê (gọi tắt là Cơ quan Tổng cục) đến các Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là Cục Thống kê) và các Chi cục Thống kê các cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi tắt là Chi cục Thống kê), đảm bảo khả năng kết nối với các bộ, ngành, địa phương. Trang bị đủ cho mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong ngành 01 máy tính để bàn có cấu hình đủ mạnh, được kết nối với mạng máy tính toàn Ngành và với Internet. Xây dựng và khai thác hiệu quả các cơ sở dữ liệu (sau đây viết tắt là CSDL), kho dữ liệu (Data Warehouse) thống kê.
2. Phát triển, ứng dụng CNTT-TT vào tất cả các khâu trong quy trình thống kê (thiết lập các dàn mẫu, thu thập, xử lý, tổng hợp, phân tích, dự báo, công bố và lưu trữ thông tin thống kê) trên cơ sở áp dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, trong đó hỗ trợ đồng bộ hóa 50% hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, 30% chỉ tiêu thống kê tỉnh, huyện. Tin học hóa các hoạt động chủ yếu của công tác quản lý hành chính trong Tổng cục.
3. Xây dựng hoàn chỉnh về biên chế và cơ cấu đội ngũ cán bộ CNTT-TT tại các Trung tâm Tin học Thống kê khu vực và cán bộ nòng cốt về CNTT ở các đơn vị trong Tổng cục.
4. Đến năm 2015, 100% cán bộ nghiệp vụ ở Cơ quan Tổng cục, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc và 80% cán bộ nghiệp vụ ở Cục Thống kê biết sử dụng phần mềm thống kê chuyên ngành, trong đó 80% cán bộ nghiệp vụ tại Cơ quan Tổng cục và 60% cán bộ nghiệp vụ tại Cục Thống kê sử dụng thành thạo; 100% cán bộ thống kê sử dụng thông thạo tin học văn phòng, trao đổi thư điện tử, khai thác thông tin thống kê trên mạng.
II. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN ĐẾN NĂM 2020
1. Cơ sở hạ tầng được nâng cấp, mở rộng theo sự phát triển của khoa học, công nghệ và các yêu cầu phát triển của công tác thống kê.
2. Ứng dụng rộng rãi CNTT-TT trong tất cả các khâu của quy trình thống kê và hoạt động quản lý hành chính trong toàn Ngành. Xây dựng và khai thác hiệu quả Trung tâm Đầu mối Dữ liệu Thống kê quốc gia (National Statistics Hub) tại Tổng cục.
3. Phát triển ngành Thống kê Việt Nam điện tử.
Phần 2.
NỘI DUNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH ỨNG DỤNG, PHÁT TRIỂN CNTT-TT ĐẾN NĂM 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020 CỦA TỔNG CỤC THỐNG KÊ
Nội dung chủ yếu của Chương trình ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin và truyền thông của Tổng cục đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 (sau đây viết tắt là Chương trình CNTT-TT 2015 - 2020) được thực hiện thông qua các dự án trọng điểm sau đây:
I. XÂY DỰNG CƠ SỞ HẠ TẦNG
Cơ sở hạ tầng CNTT của Tổng cục là mạng máy tính diện rộng GSONet được xây dựng theo mô hình “tập trung các dịch vụ và kho dữ liệu tại trụ sở chính, phân tán các ứng dụng xuống cấp dưới” gồm: Trung tâm Tích hợp dữ liệu tại trụ sở Cơ quan Tổng cục, Trung tâm Tích hợp dự phòng tại thành phố Hồ Chí Minh; mạng LAN cho các Trung tâm Tin học Thống kê khu vực, các Cục Thống kê, Viện Khoa học Thống kê, Nhà Xuất bản Thống kê, Trường Cao đẳng và Trường Trung cấp Thống kê. Sử dụng công nghệ mạng riêng ảo (VPN) kết nối mạng diện rộng từ Trung tâm Tích hợp dữ liệu tới các mạng LAN của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng cục, các Cục Thống kê và các Chi cục Thống kê. (Các sơ đồ mạng của Tổng cục được thể hiện tại Phụ lục 1).
1. Mạng máy tính
a) Trung tâm Tích hợp dữ liệu của Tổng cục
Nâng cấp Trung tâm Tích hợp dữ liệu của Tổng cục thành bộ phận chính của mạng máy tính trong Ngành, có nhiệm vụ cung cấp các dữ liệu, cơ sở dữ liệu, kho dữ liệu … được tổ chức theo mô hình hỗn hợp kết hợp giữa tập trung và phân cấp để phối hợp, trao đổi, chia sẻ, công bố và cung cấp thông tin thống kê cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đối tượng sử dụng thông tin thống kê; cung cấp các sản phẩm dịch vụ: thư điện tử, phần mềm hệ thống, phần mềm chuyên dùng và các ứng dụng.
b) Trung tâm Tích hợp dự phòng tại Tp Hồ Chí Minh
Xây dựng Trung tâm Tích hợp dự phòng tại Trung tâm Tin học Thống kê khu vực II ở TP. Hồ Chí Minh để sao lưu (backup) dữ liệu và dịch vụ, thay thế khi Trung tâm chính xảy ra sự cố để bảo đảm hệ thống hoạt động thông suốt và an toàn.
c) Mạng LAN cho các Trung tâm Tin học Thống kê khu vực
Xây dựng mạng LAN cho 3 Trung tâm Tin học Thống kê khu vực để phục vụ nhiệm vụ xử lý số liệu các cuộc điều tra, tổng điều tra thống kê, xây dựng các CSDL, kho dữ liệu thống kê, phát triển các phần ứng dụng cho các hoạt động thống kê, đào tạo nhân lực CNTT cho Tổng cục, …
d) Mạng LAN cho các Cục Thống kê và các đơn vị sự nghiệp
Xây dựng tại mỗi Cục Thống kê một mạng LAN nhằm lưu giữ dữ liệu theo phân cấp; phối hợp, chia sẻ thông tin thống kê với các phòng nghiệp vụ tại Cục Thống kê, với các Chi cục Thống kê, với bộ phận thống kê ở các Sở, ban, ngành trong tỉnh, với Trung tâm Tích hợp dữ liệu của Tổng cục; lưu trữ cục bộ các bản sao của dịch vụ phần mềm và chống virus, các bản sao của dịch vụ thư mục, tệp tin, sao lưu dự phòng và khôi phục dữ liệu ở cấp tỉnh/thành phố.
Xây dựng tại Viện Khoa học và Thống kê, Nhà Xuất bản Thống kê, Trường Cao đẳng Thống kê và Trường Trung học Thống kê mỗi đơn vị 01 mạng LAN dành riêng cho công tác quản lý khoa học, công tác đào tạo, lưu trữ các ấn phẩm xuất bản của Ngành.
e) Máy tính và phương tiện kết nối mạng cho Chi cục Thống kê
Trang bị cho các Chi cục Thống kê máy tính và phương tiện kết nối với mạng LAN tại Cục Thống kê, Trung tâm Tích hợp dữ liệu và Internet để có thể trao đổi, chia sẻ, khai thác thông tin với toàn hệ thống. Từng bước, lắp đặt mạng LAN cỡ nhỏ và đủ các phương tiện, thiết bị cần thiết phục vụ việc thu thập và trao đổi thông tin. Mạng LAN này cũng được kết nối vào hệ thống WAN của ngành để đảm bảo sự thông suốt của hệ thống.
2. Đường truyền và an toàn, bảo mật
Giai đoạn 2011 - 2012 chủ yếu sử dụng đường truyền Internet tốc độ cao. Giai đoạn 2013 - 2015 các đường truyền ở Tổng cục, các Cục Thống kê, các Trung tâm Tin học Thống kê chuyển dần sang đường truyền số liệu quốc gia. Các đơn vị sự nghiệp còn lại (trừ 3 Trung tâm Tin học Thống kê) và các Chi cục Thống kê vẫn sử dụng đường truyền qua Internet tốc độ cao. Thiết lập đồng bộ và hiện đại đối với phần cứng, phần mềm về an toàn, bảo mật dữ liệu đi đôi với hoàn thiện các quy chế về an toàn, bảo mật dữ liệu ở các khâu lưu trữ, xử lý cũng như trên đường truyền (chi tiết thể hiện tại Phụ lục 2).
3. Hệ điều hành và phần mềm hệ thống
Hệ điều hành máy chủ được nâng cấp lên Microsoft Windows Server phiên bản mới. Hệ điều hành máy chủ mã nguồn mở sẽ được sử dụng trong một số máy chủ. Hệ điều hành máy trạm cũng sẽ được nâng cấp lên Windows phiên bản mới sau khi hãng Microsoft không tiếp tục cung cấp những bản vá lỗi cho Windows XP.
Hệ quản trị cơ sở dữ liệu của Ngành vẫn tiếp tục sử dụng MS SQL Server, MS Access. Những phiên bản MS SQL Server cũ được nâng cấp lên MS SQL Server phiên bản mới. Từng bước nâng cấp phần mềm Microsoft Office lên Microsoft Office 2010 hoặc phiên bản mới hơn. Các phần mềm khác cũng cần nâng cấp lên phiên bản mới trong những thời gian thích hợp để đảm bảo tính đồng bộ của các phần mềm trong Tổng cục.
4. Ứng dụng chữ ký số và chứng thực chữ ký số
Năm 2013, sau khi hạ tầng kỹ thuật CNTT đã được nâng cấp và xây dựng đồng bộ, nghiên cứu áp dụng chữ ký số trong giao dịch điện tử trong Tổng cục cũng như giữa Tổng cục với các Bộ, ngành khác. Năm 2014 áp dụng chính thức.
II. XÂY DỰNG CÁC HỆ THỐNG THÔNG TIN VÀ CƠ SỞ DỮ LIỆU
1. Xây dựng hệ thống thông tin
a) Nâng cấp thông tin điện tử
- Nâng cấp hệ thống thư điện tử hiện nay của Tổng cục lên phiên bản mới của phần mềm quản lý thư điện tử thương mại MS Exchange Server bảo đảm phục vụ tốt cho người sử dụng trong toàn Ngành (khoảng 7.000 biên chế theo dự kiến đến năm 2015).
- Nâng cấp Trang thông tin điện tử Tổng cục Thống kê về nội dung, hình thức và hạ tầng kỹ thuật để trở thành kênh phổ biến và cung cấp thông tin thống kê chủ yếu của Tổng cục nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin của các cơ quan Đảng, nhà nước và của các đối tượng sử dụng tin trong và ngoài nước.
- Xây dựng Trang thông tin điện tử cho các Cục Thống kê. Đến năm 2015, 100% các Cục Thống kê đều có trang thông tin điện tử trên Internet.
- Xây dựng Cổng thông tin điện tử của Tổng cục trên cơ sở tích hợp các trang thông tin điện tử và trang web điều hành. Trang web điều hành có các nội dung: Phục vụ chỉ đạo, điều hành phối hợp về công tác thống kê trong toàn hệ thống từ Tổng cục đến các đơn vị trực thuộc; truyền đưa, trao đổi, chia sẻ thông tin trong quá trình sản xuất thông tin; tích hợp các trang ứng dụng trong thống kê, các ứng dụng về quản lý nội bộ (công văn đi/đến và hồ sơ công việc, quản lý tài sản, tài chính, hồ sơ cán bộ, …).
- Giai đoạn 2012 - 2015, xây dựng hệ thống hội nghị trực tuyến tại 7 điểm (tại Cơ quan Tổng cục và 6 Cục Thống kê hoặc Trung tâm Tin học Thống kê khu vực). Định hướng đến năm 2020 sẽ triển khai trong toàn Ngành (Cơ quan Tổng cục, các Cục Thống kê, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc đóng ngoài Hà Nội)
b) Chế độ báo cáo thống kê
- Tin học hóa Chế độ báo cáo thống kê tổng hợp (áp dụng đối với Bộ, ngành) và Chế độ báo cáo thống kê tổng hợp (áp dụng đối với Cục Thống kê) thành hệ thống thống nhất với các mẫu biểu điện tử cho từng biểu mẫu. Thông tin từ các báo cáo loại này được tích hợp vào trong hệ thống báo cáo thống kê tổng hợp, tập trung tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu.
- Từng bước tin học hóa các chế độ báo cáo thống kê khác (Chế độ báo cáo thống kê định kỳ hoạt động xuất, nhập khẩu; Chế độ báo cáo thống kê cơ sở, …).
2. Xây dựng cơ sở dữ liệu, kho dữ liệu
a) Cơ sở dữ liệu đặc tả (Metadata)
Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện để đưa vào sử dụng các dữ liệu đặc tả (metadata), bao gồm: Các bảng danh mục, phân loại; danh mục các chỉ tiêu và các thông tin giải thích, định nghĩa, cách tính, nguồn số liệu của các hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, tỉnh, huyện, xã; danh mục hệ thống biểu mẫu thống kê; danh mục các cuộc điều tra thống kê và các thông tin liên quan như phiếu điều tra, phương án, các thông tin cách thu thập, phạm vi, cỡ mẫu và cách chọn mẫu; các thông tin mô tả cấu trúc các cơ sở dữ liệu (các bảng, các cột, …) hoặc từ điển dữ liệu cho các dữ liệu dạng tệp. Đồng thời, phát triển các ứng dụng phục vụ tra cứu các bảng danh mục, tra cứu những thông tin phục vụ việc chuyển đổi, liên kết giữa các phiên bản danh mục khác nhau cho người sử dụng.
b) Cơ sở dữ liệu từ hồ sơ đăng ký hành chính
Nâng cấp CSDL danh mục doanh nghiệp (BDS) trên cơ sở tích hợp dữ liệu từ nguồn đăng ký thành lập doanh nghiệp, giải thể doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thuế và điều tra thống kê làm dàn mẫu cho điều tra chọn mẫu về kinh tế.
Phối hợp với các Bộ, ngành khác để xây dựng: danh mục các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc các đơn vị hành chính, cơ quan nhà nước, các hiệp hội (Bộ Nội vụ); danh mục về các trường học thuộc hệ thống giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo); danh mục các cơ sở khám chữa bệnh, bệnh viện (Bộ Y tế); dữ liệu đăng ký, thanh lý các phương tiện giao thông (Bộ Công an); dữ liệu đăng ký hộ tịch, hộ khẩu (Bộ Công an); dữ liệu đăng ký sử dụng đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường).
c) Cơ sở dữ liệu các cuộc điều tra, tổng điều tra
Xử lý bằng máy tính và xây dựng thành các CSDL vi mô (chứa thông tin trên phiếu điều tra, điều tra thống kê điện tử), CSDL vĩ mô (chứa các bảng biểu thống kê đã được tổng hợp từ kết quả các cuộc tổng điều tra, điều tra thống kê) đối với các cuộc điều tra, tổng điều tra thuộc Chương trình điều tra thống kê quốc gia do Tổng cục thực hiện. Các CSDL này được cài đặt tập trung tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu và được chia sẻ dùng chung theo chính sách công bố thông tin. (Danh mục các CSDL các cuộc điều tra, tổng điều tra thực hiện trong giai đoạn 2011 - 2015 được thể hiện tại Phụ lục 3).
d) Cơ sở dữ liệu thống kê kinh tế - xã hội tổng hợp
Xây dựng CSDL thống kê kinh tế - xã hội tổng hợp đối với số liệu thống kê của các chỉ tiêu trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; Hệ thống chỉ tiêu thống kê tỉnh, huyện, xã và đặt tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu để cung cấp số liệu này cho người sử dụng thông qua Trang thông tin điện tử Tổng cục Thống kê.
e) Các kho dữ liệu thống kê
Từng bước xây dựng Kho dữ liệu chuyên đề (Data mart) trên cơ sở chuẩn hóa dữ liệu điều tra và tích hợp vào cơ sở dữ liệu chung theo từng lĩnh vực. Giai đoạn 2011 - 2014 xây dựng Kho dữ liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở; Kho dữ liệu Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản; Kho dữ liệu Tổng điều tra cơ sở kinh tế và hành chính sự nghiệp; Kho dữ liệu điều tra khảo sát mức sống hộ gia đình; Kho dữ liệu điều tra lao động việc làm; Kho dữ liệu điều tra biến động dân số; Kho dữ liệu điều tra doanh nghiệp; Kho dữ liệu điều tra cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể.
Năm 2015, xây dựng Kho dữ liệu thống kê trên cơ sở tích hợp các kho dữ liệu chuyên đề đã được xây dựng và mở rộng cho tất cả các lĩnh vực thống kê. Trên cơ sở các kho dữ liệu chuyên đề và kho dữ liệu thống kê, phấn đấu trong giai đoạn 2015 - 2020 hoàn thành việc xây dựng Trung tâm Đầu mối Dữ liệu Thống kê Quốc gia được thiết lập trong mô hình kiến trúc tổng thể của Dự án Hiện đại hóa Tổng cục do Ngân hàng Thế giới tài trợ.
III. PHÁT TRIỂN ỨNG DỤNG
1. Ứng dụng điều tra thống kê điện tử
Năm 2012: Thí điểm sử dụng thiết bị kỹ thuật số hỗ trợ cá nhân (PDA) để điều tra tính chỉ số giá tiêu dùng. Thí điểm điều tra qua mạng máy tính (Web, thư điện tử) đối với một số doanh nghiệp.
Năm 2013 - 2015: Áp dụng điều tra thống kê điện tử với các cuộc điều tra khác như: Điều tra sản phẩm công nghiệp hàng tháng; Điều tra diện tích, năng suất, sản lượng các loại cây trồng (dùng máy PDA). Điều tra doanh nghiệp, cơ quan hành chính, trường học, cơ sở y tế … bằng mẫu biểu điện tử qua mạng máy tính (Web, thư điện tử).
2. Ứng dụng xử lý số liệu điều tra, tổng điều tra thống kê
a) Công nghệ quét và nhận dạng ký tự thông minh (ICR) trong xử lý số liệu tổng điều tra, điều tra
Tiếp tục ứng dụng công nghệ quét, nhận dạng ký tự thông minh trong xử lý thông tin các cuộc tổng điều tra, điều tra có quy mô lớn và một số cuộc điều tra khác. (Danh mục các cuộc điều tra, tổng điều tra cần áp dụng công nghệ quét trong giai đoạn 2011 - 2015 được thể hiện tại Phụ lục 4).
b) Phần mềm xử lý số liệu điều tra, tổng điều tra thống kê
Trong giai đoạn 2011 - 2015, thực hiện nâng cấp hoặc xây dựng mới các chương trình ứng dụng xử lý số liệu để đảm bảo mỗi cuộc điều tra, tổng điều tra thống kê đều có ứng dụng được áp dụng thống nhất, theo chuẩn chung, tích hợp dữ liệu theo yêu cầu tập trung dữ liệu.
3. Ứng dụng CNTT trong chọn mẫu điều tra thống kê
Năm 2012 - 2015: Xây dựng các CSDL dàn mẫu chủ và phát triển công cụ khai thác, chọn mẫu từ các dàn mẫu chủ thống nhất cho các điều tra chọn mẫu.
4. Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong thu thập và phổ biến thông tin
Năm 2012: Lập bản đồ địa giới hành chính đến cấp xã cập nhật tại thời điểm Tổng điều tra số và nhà ở năm 2009; xây dựng công cụ trình bày dữ liệu trên bản đồ tích hợp với phần mềm khai thác kho dữ liệu chuyên đề Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009.
Năm 2013-2015: Cập nhật địa giới hành chính và lập bản đồ chuyên đề điện tử.
Định hướng đến năm 2020: Nghiên cứu, thử nghiệm việc sử dụng GIS trong phân chia địa bàn điều tra, số hóa ranh giới địa bàn; thử nghiệm tin học hóa việc vẽ sơ đồ địa bàn điều tra và áp dụng cho Tổng điều tra dân số năm 2019.
5. Tin học hóa quản lý hành chính
Thực hiện xây dựng và vận hành các chương trình ứng dụng trong các lĩnh vực văn phòng, tài chính, nhân sự, thi đua, thanh tra, … (Danh sách các chương trình ứng dụng cần được xây dựng hoặc nâng cấp trong giai đoạn 2011 - 2015 được thể hiện tại Phụ lục 5).
IV. PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC
1. Nguồn nhân lực công nghệ thông tin
Xây dựng đội ngũ cán bộ CNTT trong Tổng cục theo mô hình tập trung (tại các Trung tâm tin học Thống kê khu vực) kết hợp với phân tán (tại từng Cục Thống kê). Ưu tiên tăng cường đội ngũ cán bộ CNTT tại các Trung tâm Tin học Thống kê khu vực cả về số lượng và trình độ. Xây dựng đội ngũ cán bộ nòng cốt về CNTT ở các Vụ, các Cục Thống kê. Phấn đấu đến năm 2015, mỗi Cục Thống kê có ít nhất 1 cán bộ chuyên trách về CNTT.
2. Đào tạo nâng cao trình độ CNTT
Xây dựng các chương trình đào tạo chuẩn, có nội dung phù hợp với các đối tượng khác nhau và giao 3 Trung tâm Tin học Thống kê khu vực tổ chức các lớp đào tạo với hình thức tập trung, ngắn ngày. Phát huy hình thức đào tạo tại chỗ, đồng thời triển khai hợp lý hình thức đào tạo chuyên sâu về CNTT ở trong nước và nước ngoài để hình thành đội ngũ cán bộ có trình độ cao về CNTT.
V. HOÀN THIỆN MÔI TRƯỜNG PHÁP LÝ, TỔ CHỨC BỘ MÁY, CƠ CHẾ PHỐI HỢP
1. Xây dựng các chuẩn về thông tin thống kê, ứng dụng CNTT để thống nhất thực hiện trong toàn hệ thống; xây dựng các quy chế của Tổng cục trong lĩnh vực CNTT như Quy chế quản lý, sử dụng hệ thống thư điện tử, Quy chế quản lý, sử dụng Trang thông tin điện tử Tổng cục Thống kê; xây dựng chính sách ưu đãi cho công chức, viên chức chuyên trách về CNTT nhằm duy trì và thu hút nguồn nhân lực có chất lượng.
Xây dựng cơ chế cung cấp, chia sẻ, trao đổi dữ liệu giữa Tổng cục với các Bộ, ngành và cơ quan nhà nước khác.
2. Hình thành một cơ quan quản lý tập trung hệ thống CNTT của toàn Ngành, chịu trách nhiệm về việc xây dựng và giám sát việc thực hiện chương trình, kế hoạch ứng dụng CNTT cho ngành Thống kê. Thành lập Ban quản lý Chương trình và Bộ phận giám sát độc lập việc thực hiện Chương trình. Bổ nhiệm Giám đốc CNTT (CIO) của Tổng cục.
3. Kết hợp chặt chẽ việc triển khai thực hiện Chương trình này với Chương trình cải cách hành chính trong các hoạt động thống kê. Tăng cường công tác cải tiến quy trình làm việc; xác định rõ luồng thông tin thống kê để đảm bảo tính hiệu quả, khả thi của việc ứng dụng CNTT.
VI. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Kinh phí thực hiện Chương trình CNTT-TT của Tổng cục Thống kê giai đoạn 2011 - 2015 từ ngân sách nhà nước dự kiến 422,542 tỷ đồng, bao gồm: Nguồn vốn đầu tư phát triển: 293,770 tỷ đồng; trong đó: vốn từ Dự án Hiện đại hóa TCTK do Ngân hàng thế giới tài trợ là 58,110 tỷ đồng; nguồn vốn sự nghiệp: 128,772 tỷ đồng. (Dự trù kinh phí được thể hiện tại Phụ lục 6).
VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Căn cứ vào các nội dung nêu trên, Tổng cục Thống kê:
1. Có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách ứng dụng CNTT hàng năm báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Xây dựng các giải pháp chi tiết để tổ chức thực hiện kế hoạch, dự án thuộc Chương trình; kiểm tra, đánh giá và báo cáo định kỳ hàng năm và đột xuất theo hướng dẫn và yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về CNTT và của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
3. Xây dựng và trình Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành chính sách cung cấp thông tin thống kê, các chuẩn về thông tin thống kê và ứng dụng CNTT trong hoạt động thống kê.
Phần 3.
ĐỊNH HƯỚNG VỀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG TRONG TỔ CHỨC THỐNG KÊ BỘ, NGÀNH
I. NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG CHỦ YẾU
Thống kê Bộ, ngành là một bộ phận thuộc tổ chức Bộ, ngành nên các hoạt động quản lý hành chính, trong đó có ứng dụng CNTT-TT, trước hết phải tuân thủ các quy chế, quy định cũng như các chương trình, kế hoạch công tác của Bộ, ngành. Từ cách tiếp cận này, Đề án chỉ định hướng cho các Bộ, ngành thiết lập một hệ thống CNTT-TT của tổ chức Thống kê Bộ, ngành có đủ khả năng tích hợp, kết nối được với hệ thống CNTT-TT của Tổng cục. Một số nội dung mang tính định hướng được đề xuất như sau:
1. Mạng máy tính
Mạng máy tính của Hệ thống thống kê Bộ, ngành là mạng máy tính phục vụ Thống kê Bộ, ngành thực hiện các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ được giao. Các mạng máy tính dùng cho công tác thống kê ở các Bộ, ngành không nhất thiết phải xây dựng riêng biệt mà chung với mạng máy tính của Bộ, ngành nhưng phải đảm bảo khả năng kết nối được với mạng máy tính của Tổng cục Thống kê ở các cấp tương ứng. Các mạng máy tính thuộc Hệ thống thống kê Bộ, ngành do các Bộ, ngành làm chủ đầu tư.
2. Xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê
a) Thống kê cơ sở dữ liệu đăng ký hành chính
Trong giai đoạn 2011-2015, trong cơ sở hồ sơ đăng ký hành chính của lĩnh vực phân công quản lý, từng Bộ, ngành chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) và các Bộ, ngành liên quan xây dựng và chia sẻ các CSDL/danh mục để phục vụ cho mục đích thống kê trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước, cụ thể như sau:
- Bộ Nội vụ: Danh mục các đơn vị hành chính, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc các đơn vị hành chính, cơ quan nhà nước, các hiệp hội;
- Bộ Giáo dục và Đào tạo: Danh mục về các trường học thuộc hệ thống giáo dục;
- Bộ Y tế: Danh mục các cơ sở khám chữa bệnh, bệnh viện;
- Bộ Công an: Dữ liệu đăng ký, thanh lý các phương tiện giao thông; Dữ liệu đăng ký hộ tịch, hộ khẩu để triển khai giai đoạn 2016 - 2020;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường: Dữ liệu đăng ký sử dụng đất đai để triển khai giai đoạn 2016 - 2020.
b) Xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê
- Trên cơ sở các cuộc điều tra, tổng điều tra thống kê thuộc Chương trình điều tra thống kê quốc gia do Bộ, ngành thực hiện các Bộ, ngành tiến hành xây dựng các CSDL vi mô, CSDL vĩ mô từ số liệu điều tra, tổng điều tra thống kê.
- Xây dựng CSDL số liệu thống kê tổng hợp các chỉ tiêu thống kê thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia do Bộ, ngành thực hiện; các chỉ tiêu thống kê phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ, ngành.
- Xây dựng các CSDL thống kê chuyên ngành khác phục vụ hoạt động thống kê của Hệ thống thống kê Bộ, ngành.
3. Phát triển các ứng dụng dùng trong công tác thống kê
Xây dựng, phát triển ứng dụng của thống kê Bộ, ngành bao gồm:
- Ứng dụng xử lý số liệu điều tra, tổng điều tra do Bộ, ngành thực hiện, trong đó có ứng dụng dựa trên các phương pháp điều tra thống kê điện tử.
- Tin học hóa các chế độ báo cáo thuộc Hệ thống thống kê Bộ, ngành.
II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Căn cứ vào các định hướng chủ yếu nêu tại mục I trên đây và tham khảo các nội dung của Chương trình ứng dụng, phát triển CNTT-TT đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 của Tổng cục Thống kê, Thống kê Bộ, ngành xây dựng, trình Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành phê duyệt Chương trình ứng dụng, phát triển CNTT-TT của Thống kê Bộ, ngành trên nguyên tắc phù hợp với chương trình phát triển CNTT-TT của Bộ, ngành và bảo đảm khả năng tích hợp, đồng bộ hóa với hệ thống thông tin của Tổng cục Thống kê.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông cân đối tổng hợp các nguồn lực; xây dựng các giải pháp triển khai chính sách huy động các nguồn vốn trong nước và nước ngoài cho Chương trình.