Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Quyết định 1622/2008/QĐ-BNG cấu tổ chức của Cục Lãnh sự
- Thuộc tính
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
thuộc tính Quyết định 1622/2008/QĐ-BNG
Cơ quan ban hành: | Bộ Ngoại giao | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 1622/2008/QĐ-BNG | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Quyết định | Người ký: | Phạm Bình Minh |
Ngày ban hành: | 23/06/2008 | Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | Ngoại giao, Cơ cấu tổ chức |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!
tải Quyết định 1622/2008/QĐ-BNG
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
BỘ NGOẠI GIAO Số: 1622/2008/QĐ-BNG |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 23 tháng 6 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Lãnh sự
_____________________________
BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO
Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 15/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Lãnh sự và Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Vị trí và chức năng
Cục Lãnh sự là đơn vị nghiệp vụ đối ngoại thuộc Bộ Ngoại giao có chức năng tham mưu, tổng hợp giúp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (sau đây gọi là Bộ trưởng) thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về công tác lãnh sự và hoạt động di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài.
Cục Lãnh sự có con dấu hình Quốc huy.
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực do Cục phụ trách hoặc theo sự phân công của Bộ trưởng:
a) Kiến nghị Bộ trưởng trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ;
b) Trình Bộ trưởng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng;
c) Chủ trì hoặc phối hợp tham gia ý kiến vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao xây dựng;
d) Kiến nghị Bộ trưởng về các biện pháp và hình thức phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức triển khai và kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật do Cục chủ trì xây dựng;
đ) Biên soạn, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác lãnh sự.
2. Xây dựng chủ trương, chính sách và chương trình, kế hoạch:
a) Kiến nghị Bộ trưởng trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược, quy hoạch, kế hoạch hàng năm, năm năm, dài hạn và các chương trình mục tiêu quốc gia, các công trình, dự án liên quan đến lĩnh vực thuộc phạm vi phụ trách của Cục;
b) Kiến nghị Bộ trưởng về các chủ trương, chính sách, chiến lược và chương trình, kế hoạch, biện pháp trong tổ chức thực hiện công tác lãnh sự ở trong và ngoài nước;
c) Phối hợp tham gia ý kiến với các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao về các đề án, dự án và các dự thảo văn bản liên quan đến chủ trương, chính sách về công tác lãnh sự và hoạt động di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài.
3. Ký kết, gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế:
a) Chủ trì xây dựng dự thảo, chuẩn bị nội dung, kiến nghị Bộ trưởng trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc đàm phán, ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế với các nước và vùng lãnh thổ về công tác lãnh sự và hoạt động di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài;
b) Chủ trì giúp Bộ trưởng góp ý kiến với các Bộ, ngành, địa phương về dự thảo các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế liên quan đến công tác lãnh sự và hoạt động di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài;
c) Chủ trì triển khai hợp tác quốc tế về lãnh sự, tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, kế hoạch hợp tác song phương hoặc đa phương với các nước và vùng lãnh thổ về công tác lãnh sự và hoạt động di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài.
4. Về xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam và người nước ngoài:
a) Tổ chức tiếp nhận hồ sơ và xử lý các công việc liên quan đến việc cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung và hủy hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ;
b) Cấp thị thực và cấp phép nhập cảnh Việt Nam cho người nước ngoài thuộc thẩm quyền của Bộ Ngoại giao;
c) Đầu mối giúp Bộ trưởng phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong và ngoài nước giải quyết thủ tục xin phép bay cho chuyên cơ chở lãnh đạo cấp cao của Việt Nam ra nước ngoài và cấp phép bay cho chuyên cơ nước ngoài vào Việt Nam;
d) Đầu mối giúp Bộ trưởng phối hợp với các cơ quan liên quan làm thủ tục cho tầu quân sự nước ngoài thăm chính thức Việt Nam theo quy định của pháp luật;
đ) Xử lý các công việc khác liên quan đến vấn đề xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam và người Việt Nam ở nước ngoài theo quy định của pháp luật.
5. Về bảo hộ lãnh sự:
a) Giúp Bộ trưởng chỉ đạo công tác bảo hộ lãnh sự đối với công dân, pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài;
b) Hướng dẫn, chỉ đạo các Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi tắt là Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc Cơ quan đại diện) và phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo hộ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam xuất cảnh và cư trú ở nước ngoài;
c) Giải quyết việc tàu, thuyền, ngư dân, thuyền viên của Việt Nam bị bắt, giam giữ, xét xử, tù hoặc bị nạn ở nước ngoài;
d) Quản lý tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài theo quy định của pháp luật.
6. Về hợp pháp hóa, chứng nhận lãnh sự, công chứng, chứng thực và ủy thác tư pháp:
a) Tổ chức tiếp nhận hồ sơ và giải quyết các công việc liên quan đến hợp pháp hóa và chứng nhận lãnh sự;
b) Phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc xác minh tính xác thực của giấy tờ theo đề nghị của các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam;
c) Thực hiện ủy thác và tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với nước ngoài theo quy định của pháp luật và các điều ước quốc tế Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.
7. Về quản lý hoạt động di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài:
a) Kiến nghị và xây dựng các biện pháp nhằm mục đích bảo đảm công dân Việt Nam ở nước ngoài được hưởng các quyền bình đẳng, phù hợp với luật pháp quốc tế và điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước sở tại đều là quốc gia thành viên;
b) Chủ trì, chuẩn bị nội dung và tổ chức thực hiện hợp tác quốc tế về vấn đề di cư tại các diễn đàn di cư khu vực và toàn cầu mà Việt Nam tham gia;
c) Phối hợp quản lý di cư hợp pháp, ngăn chặn di cư bất hợp pháp và xử lý các vấn đề nảy sinh; tham gia vào các cơ chế phòng, chống buôn bán người, buôn bán phụ nữ và trẻ em;
d) Giúp Bộ trưởng chủ trì, phối hợp, hướng dẫn, kiểm tra các Bộ, ngành, địa phương, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong công tác liên quan đến hoạt động di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài.
8. Về công tác liên quan đến vấn đề quốc tịch, hộ tịch:
a) Chủ trì giúp Bộ trưởng phối hợp với các cơ quan hữu quan giải quyết các vấn đề liên quan đến xin nhập, thôi, trở lại quốc tịch Việt Nam, công nhận có quốc tịch Việt Nam;
b) Lưu trữ, quản lý sổ gốc đăng ký hộ tịch của các Cơ quan đại diện; cấp bản sao các giấy tờ hộ tịch từ các sổ gốc theo quy định của pháp luật;
c) Giải quyết các công việc khác liên quan đến quốc tịch, hộ tịch theo quy định của pháp luật.
9. Về quản lý nghiệp vụ lãnh sự và hỗ trợ các Cơ quan đại diện, Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là Sở Ngoại vụ) và Cơ quan ngoại vụ của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ngoại vụ địa phương):
a) Chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát, kiểm tra các Cơ quan đại diện, Sở Ngoại vụ và Ngoại vụ địa phương thực hiện các nghiệp vụ lãnh sự; giải thích, hỗ trợ giải quyết các vấn đề lãnh sự nảy sinh theo yêu cầu của các Cơ quan đại diện, Sở ngoại vụ và Ngoại vụ địa phương;
b) Cập nhật, thông báo và giải thích cho các Cơ quan đại diện, Sở Ngoại vụ và Ngoại vụ địa phương nội dung các văn bản quy phạm pháp luật hoặc điều ước quốc tế mới liên quan đến công tác lãnh sự;
c) Cung cấp ấn phẩm trắng lãnh sự phục vụ cho công tác của các Cơ quan đại diện và Sở Ngoại vụ; nhận và hủy ấn phẩm lãnh sự hỏng do các Cơ quan đại diện chuyển về;
d) Theo dõi, đánh giá công tác lãnh sự, kiểm tra các báo cáo lãnh sự của Cơ quan đại diện, Sở Ngoại vụ và Ngoại vụ địa phương; xử lý và kiến nghị Bộ trưởng xử lý các sai phạm nảy sinh trong công tác lãnh sự của các Cơ quan đại diện và Sở Ngoại vụ; kiến nghị Bộ trưởng phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xử lý các sai phạm nảy sinh trong công tác lãnh sự của Ngoại vụ địa phương;
đ) Phối hợp đề xuất và triển khai thực hiện việc thành lập hoặc chấm dứt hoạt động của cơ quan lãnh sự, Lãnh sự danh dự Việt Nam ở nước ngoài; giải quyết các thủ tục bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan lãnh sự, Lãnh sự danh dự Việt Nam ở nước ngoài.
10. Về quản lý Cơ quan đại diện nước ngoài và người nước ngoài tại Việt Nam:
a) Giải quyết các vấn đề lãnh sự liên quan đến cá nhân, pháp nhân nước ngoài tại Việt Nam;
b) Chủ trì giúp Bộ trưởng xử lý các vấn đề nảy sinh trong khu vực biên giới trên bộ và trên biển có nhân tố nước ngoài, người nước ngoài bị nạn, chết hoặc vi phạm pháp luật Việt Nam;
c) Giải quyết việc tàu, thuyền, ngư dân, thuyền viên của nước ngoài bị bắt, giam giữ, xét xử, tù hoặc bị nạn ở Việt Nam; giải quyết việc đi thăm lãnh sự của các Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam đối với công dân nước đó bị bắt giam hoặc đang thi hành án phạt tù;
d) Xác minh theo yêu cầu của các Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam đối với công dân nước đó bị mất tích hoặc không có tin tức ở Việt Nam;
đ) Phối hợp với các cơ quan hữu quan giải quyết các tranh chấp trong giao dịch dân sự xảy ra tại Việt Nam có nhân tố nước ngoài và vấn đề tài sản nước ngoài tại Việt Nam;
e) Phối hợp với Ngoại vụ và các cấp chính quyền địa phương giải quyết các công việc lãnh sự có liên quan đến công dân, pháp nhân nước ngoài tại địa phương;
g) Giúp Bộ trưởng quản lý hoạt động của cơ quan lãnh sự nước ngoài tại Việt Nam, bao gồm cả Lãnh sự danh dự theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế; kiến nghị Bộ trưởng trình Chính phủ việc chấp thuận cho phép thành lập cơ quan lãnh sự nước ngoài tại Việt Nam, bao gồm cả Lãnh sự danh dự;
h) Giúp Bộ trưởng quản lý hoạt động của Văn phòng đại diện của Tổ chức Di cư quốc tế, Cao ủy Liên Hợp quốc về người tỵ nạn và các tổ chức quốc tế khác tại Việt Nam theo sự phân công của Bộ trưởng.
11. Công tác nghiên cứu:
a) Chủ trì nghiên cứu, tổng hợp, định kỳ hoặc đột xuất báo cáo Bộ trưởng về công tác lãnh sự và hoạt động di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài;
b) Tổ chức nghiên cứu và triển khai thực hiện các đề tài khoa học theo chương trình hàng năm của Nhà nước và của Bộ Ngoại giao về các vấn đề do Cục phụ trách và các vấn đề chung.
12. Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ lãnh sự cho cán bộ của Bộ Ngoại giao chuẩn bị đi làm công tác lãnh sự ở nước ngoài và cán bộ làm công tác đối ngoại của các Bộ, ngành và Ngoại vụ địa phương; biên soạn các các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ lãnh sự.
13. Công tác quản lý cán bộ, công chức:
a) Tổ chức, quản lý và sử dụng cán bộ, công chức của Cục;
b) Phối hợp với các đơn vị chức năng kiến nghị việc tuyển dụng, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và quy hoạch cán bộ của Cục;
c) Tham vấn về việc bổ sung nhân sự cho Cục và điều động công chức của Cục nhận nhiệm vụ khác;
d) Kiến nghị việc khen thưởng, kỷ luật đối với các cán bộ, công chức của Cục.
14. Tổ chức thực hiện các nội dung cải cách hành chính theo chương trình, kế hoạch và sự phân công của Bộ trưởng.
15. Thực hiện các quy định của Nhà nước và của Bộ Ngoại giao về công tác hành chính, văn thư, lưu trữ, bảo vệ bí mật Nhà nước, bảo đảm an toàn cơ quan và kỷ luật lao động; bảo vệ, sử dụng tài liệu, tài sản được giao quản lý theo quy định của Nhà nước và của Bộ trưởng.
16. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công hoặc ủy quyền của Bộ trưởng.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức và biên chế
1. Lãnh đạo Cục gồm Cục trưởng và các Phó Cục trưởng do Bộ trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy định.
2. Tập sự Phó Vụ trưởng (TSPVT) được công nhận hoặc cho thôi tập sự theo quyết định của Bộ trưởng. TSPVT không phải thành viên Lãnh đạo Cục. Cục trưởng Cục Lãnh sự quyết định việc ủy quyền cho TSPVT tham gia điều hành công tác chung của Cục.
3. Cục có các tổ chức trực thuộc sau:
a) Văn phòng Cục;
b) Phòng Pháp lý lãnh sự;
c) Phòng Xuất nhập cảnh;
d) Phòng Lãnh sự ngoài nước;
đ) Phòng Quan hệ lãnh sự;
e) Phòng Hợp pháp hóa và Chứng nhận lãnh sự;
g) Phòng Di cư quốc tế.
Các Phòng nêu tại khoản 3 Điều này có Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng; Văn phòng Cục có Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng do Bộ trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy định.
4. Cục làm việc theo chế độ thủ trưởng, kết hợp với nguyên tắc tập trung dân chủ. Cục trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về mọi mặt công tác của Cục.
Cục trưởng quyết định việc phân công và điều chỉnh phân công công tác đối với các cán bộ, công chức của Cục để nâng cao hiệu quả công tác, đào tạo cán bộ và đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao.
5. Cục trưởng Cục Lãnh sự quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức thuộc Cục theo phân cấp của Bộ trưởng; chỉ đạo xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện Quy chế làm việc của Cục phù hợp với Quy chế làm việc của Bộ Ngoại giao và các quy định hiện hành khác.
6. Biên chế của Cục do Bộ trưởng quyết định trong tổng biên chế hành chính được giao của Bộ.
Điều 4. Điều khoản thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký và thay thế Quy chế về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Cục Lãnh sự ban hành kèm theo Quyết định số 2788/2004/QĐ-BNG ngày 31 tháng 12 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc cần điều chỉnh, Cục trưởng Cục Lãnh sự phối hợp với Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ báo cáo Bộ trưởng xem xét, sửa đổi, bổ sung.
3. Cục trưởng Cục Lãnh sự, Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Chánh Thanh tra Bộ và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |