BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ --------------------- Số: 02/2011/TT-BKHCN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc -------------------------- Hà Nội, ngày 16 tháng 03 năm 2011 |
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN KIỂM SOÁT VẬT LIỆU HẠT NHÂN, VẬT LIỆU HẠT NHÂN NGUỒN
Căn cứ Nghị định số 28/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;
Căn cứ Quyết định số 45/2010/QĐ-TTg ngày 14 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế hoạt động kiểm soát hạt nhân;
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thực hiện kiểm soát vật liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn như sau:
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn về:
1. Quy trình kế toán hạt nhân;
2. Hồ sơ thiết kế của cơ sở chịu sự kiểm soát hạt nhân;
3. Báo cáo thông tin đối với cơ sở có vật liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn ít hơn 1kg hiệu dụng;
4. Hồ sơ kế toán hạt nhân;
5. Báo cáo xuất khẩu, nhập khẩu;
6. Báo cáo đặc biệt;
7. Điều kiện, thủ tục công nhận tổ chức, cá nhân hết trách nhiệm thực hiện quy định về kiểm soát hạt nhân.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động sử dụng, lưu giữ, xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn tại Việt Nam.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Lô vật liệu là phần vật liệu hạt nhân được coi là một đơn vị dùng cho mục đích kiểm kê tại một điểm đo then chốt.
2. Vùng cân bằng vật liệu (MBA) là vùng bên trong hoặc bên ngoài một cơ sở, nơi có thể xác định được lượng vật liệu hạt nhân chuyển vào hoặc chuyển ra và có thể tiến hành kiểm kê trên thực tế khi cần thiết để thiết lập cân bằng vật liệu.
3. Điểm đo then chốt (KMP) là điểm mà ở đó vật liệu hạt nhân ở dạng có thể đo đạc được để kiểm kê hoặc xác định dòng lưu chuyển của vật liệu.
Chương 2.
QUY TRÌNH KẾ TOÁN HẠT NHÂN, HỒ SƠ THIẾT KẾ VÀ BÁO CÁO THÔNG TIN VỀ VẬT LIỆU HẠT NHÂN, VẬT LIỆU HẠT NHÂN NGUỒN
Điều 4. Quy trình kế toán hạt nhân
1. Tổ chức, cá nhân sử dụng, lưu giữ vật liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn quy định tại Điều 6 và Điều 7 Quy chế hoạt động kiểm soát hạt nhân ban hành kèm theo Quyết định số 45/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14 tháng 6 năm 2010 phải thiết lập và áp dụng quy trình kế toán hạt nhân.
2. Quy trình kế toán hạt nhân gồm các nội dung sau:
a) Thiết lập vùng cân bằng vật liệu và xác định các điểm đo then chốt để phục vụ cho việc kế toán và kiểm soát vật liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn tại cơ sở;
b) Xây dựng và áp dụng quy trình để xác định lượng vật liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn nhận về, sản xuất ra, chuyển đi, bị mất hoặc bị loại khỏi bản kiểm kê và lượng vật liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn kiểm kê trên thực tế tại cơ sở;
c) Xây dựng và áp dụng quy trình để đánh giá độ chính xác, độ lặp lại của các phép đo và ước tính độ tin cậy của các phép đo;
d) Xây dựng và áp dụng quy trình để đánh giá sự khác nhau giữa lượng vật liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn đo được ở nơi chuyển đi và nơi nhận về;
đ) Xây dựng và áp dụng quy trình để tiến hành kiểm kê trên thực tế;
e) Xây dựng và áp dụng quy trình để đánh giá lượng vật liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn kiểm kê không đo được và lượng mất mát không đo được;
g) Xây dựng và áp dụng quy trình về lập, lưu giữ hồ sơ kế toán hạt nhân và nộp báo cáo kế toán hạt nhân;
h) Bố trí cán bộ chịu trách nhiệm về kế toán hạt nhân và kiểm soát vật liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn tại cơ sở.
Điều 5. Hồ sơ thiết kế
1. Tổ chức, cá nhân có cơ sở chịu sự kiểm soát hạt nhân phải xây dựng và nộp các loại hồ sơ thiết kế và báo cáo thay đổi nội dung thiết kế như sau:
a) Hồ sơ thiết kế được lập và nộp về Cục An toàn bức xạ và hạt nhân chậm nhất 15 ngày sau khi dự án xây dựng cơ sở chịu sự kiểm soát hạt nhân được phê duyệt. Hồ sơ thiết kế này được lập theo hướng dẫn tại Phụ lục I của Thông tư này và được căn cứ vào thông tin hiện có về dự án.
b) Hồ sơ thiết kế được lập và nộp về Cục An toàn bức xạ và hạt nhân chậm nhất 240 ngày trước ngày khởi công xây dựng cơ sở chịu sự kiểm soát hạt nhân. Hồ sơ thiết kế này được lập theo hướng dẫn tại Phụ lục I của Thông tư này và được căn cứ vào thông tin của bản thiết kế cơ sở.
c) Hồ sơ thiết kế được lập và nộp về Cục An toàn bức xạ và hạt nhân chậm nhất 240 ngày trước ngày dự kiến tiếp nhận vật liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn vào cơ sở lần đầu tiên. Hồ sơ thiết kế này được lập theo hướng dẫn tại Phụ lục I của Thông tư này và được căn cứ vào thông tin của bản thiết kế chi tiết được phê duyệt.
d) Báo cáo thay đổi nội dung thiết kế được lập và nộp khi có sự thay đổi trong hồ sơ thiết kế quy định tại điểm c khoản này. Báo cáo thay đổi nội dung thiết kế phải chỉ rõ các nội dung thay đổi và phải được nộp về Cục An toàn bức xạ và hạt nhân chậm nhất 90 ngày trước ngày dự kiến hoàn thành thay đổi.
đ) Hồ sơ thiết kế được lập lại sau khi các thay đổi theo báo cáo thay đổi nội dung thiết kế quy định tại điểm d khoản này đã được hoàn thành. Hồ sơ thiết kế này được lập theo hướng dẫn tại Phụ lục I của Thông tư này, phải chỉ rõ các nội dung thay đổi đã được thực hiện và được nộp về Cục An toàn bức xạ và hạt nhân chậm chất 15 ngày sau khi hoàn thành các thay đổi.
2. Hồ sơ thiết kế, báo cáo thay đổi nội dung thiết kế phải được bổ sung, hoàn thiện khi có yêu cầu của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân.
Điều 6. Báo cáo thông tin về vật liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn
1. Tổ chức, cá nhân sử dụng, lưu giữ vật liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn quy định tại Điều 7 Quy chế hoạt động kiểm soát hạt nhân ban hành kèm theo Quyết định số 45/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14 tháng 6 năm 2010 phải nộp báo cáo thông tin về vật liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn về Cục An toàn bức xạ và hạt nhân chậm nhất 240 ngày trước ngày dự kiến tiếp nhận các vật liệu này lần đầu tiên. Báo cáo thông tin về vật liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn được lập theo hướng dẫn tại Phụ lục II của Thông tư này.
2. Trường hợp có thay đổi đối với nội dung trong báo cáo thông tin về vật liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn đã nộp theo quy định tại khoản 1 Điều này, báo cáo phải được lập lại, chỉ rõ những nội dung đã thay đổi và trong vòng 15 ngày sau khi có thay đổi phải được nộp về Cục An toàn bức xạ và hạt nhân.
3. Báo cáo thông tin về vật liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn phải được bổ sung, hoàn thiện khi có yêu cầu của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân.
Chương 3.
HỒ SƠ KẾ TOÁN HẠT NHÂN
Điều 7. Hồ sơ kế toán hạt nhân
1. Tổ chức, cá nhân sử dụng, lưu giữ vật liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn quy định tại Điều 6 và Điều 7 Quy chế hoạt động kiểm soát hạt nhân ban hành kèm theo Quyết định số 45/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14 tháng 6 năm 2010 phải lập, lưu giữ hồ sơ kế toán hạt nhân và nộp báo cáo kế toán hạt nhân.
2. Hồ sơ kế toán hạt nhân bao gồm báo cáo kế toán hạt nhân, tài liệu về kế toán hạt nhân và hồ sơ vận hành.
3. Hồ sơ kế toán hạt nhân phải được lưu giữ trong suốt thời gian có vật liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn tại cơ sở và ít nhất 5 năm kể từ ngày lập hồ sơ.
Điều 8. Báo cáo kế toán hạt nhân
1. Báo cáo kế toán hạt nhân bao gồm báo cáo kiểm kê định kỳ, báo cáo cân đối vật liệu, báo cáo thay đổi kiểm kê và bản thông tin chú thích kèm theo các báo cáo.
2. Báo cáo kiểm kê định kỳ là báo cáo về kết quả kiểm kê lượng vật liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn sau mỗi lần kiểm kê định kỳ theo tần suất được Cục An toàn bức xạ và hạt nhân chấp thuận. Báo cáo kiểm kê định kỳ được lập theo Mẫu 01-III/KSHN tại Phụ lục III của Thông tư này và nộp về Cục An toàn bức xạ và hạt nhân trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kết thúc kiểm kê định kỳ.
3. Báo cáo cân đối vật liệu là báo cáo thể hiện sự cân đối vật liệu dựa trên kết quả kiểm kê lượng vật liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn thực tế có tại cơ sở và số liệu kiểm kê trong kỳ kiểm kê lần trước. Báo cáo cân đối vật liệu được lập theo Mẫu 02-III/KSHN tại Phụ lục III của Thông tư này và nộp về Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cùng với báo cáo kiểm kê định kỳ quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Báo cáo thay đổi kiểm kê là báo cáo về sự thay đổi lượng vật liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn tại cơ sở. Báo cáo thay đổi kiểm kê được lập theo Mẫu 03-III/KSHN tại Phụ lục III của Thông tư này và nộp về Cục An toàn bức xạ và hạt nhân trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có sự thay đổi lượng vật liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn của vùng cân bằng vật liệu.
5. Bản thông tin chú thích là tài liệu kèm theo các báo cáo nêu tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này nhằm giải thích những thay đổi trong kiểm kê hoặc các điểm cần lưu ý trong mỗi báo cáo. Bản thông tin chú thích được lập theo Mẫu 04-III/KSHN tại Phụ lục III của Thông tư này.
Điều 9. Tài liệu về kế toán hạt nhân
Tài liệu về kế toán hạt nhân bao gồm các tài liệu sau:
1. Tài liệu về thay đổi kiểm kê thể hiện các thay đổi của lượng vật liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn đối với mỗi lô vật liệu và các thông tin liên quan đến đặc điểm của vật liệu và dữ liệu lô.
2. Tài liệu về kết quả đo đạc thể hiện thời gian và kết quả đo được sử dụng để xác định lượng vật liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn được kiểm kê trên thực tế.
3. Tài liệu về các điều chỉnh, sửa đổi thể hiện tất cả các điều chỉnh, sửa đổi đã được thực hiện liên quan đến các thay đổi kiểm kê, sai lệch giữa lượng kiểm kê theo sổ sách và lượng kiểm kê trên thực tế.
Điều 10. Hồ sơ vận hành
Hồ sơ vận hành gồm các nội dung sau:
1. Số liệu vận hành được sử dụng để xác định sự thay đổi về số lượng và thành phần vật liệu hạt nhân;
2. Số liệu thu được thông qua việc hiệu chuẩn thùng chứa, thiết bị, lấy mẫu, phân tích; quy trình kiểm soát chất lượng của việc đo; sai số ngẫu nhiên và sai số hệ thống;
3. Bản mô tả các bước chuẩn bị, thực hiện kiểm kê trên thực tế nhằm bảo đảm việc kiểm kê này chính xác và đầy đủ;
4. Bản mô tả các bước tiến hành việc khẳng định nguyên nhân và mức độ các mất mát vật liệu.
Chương 4.
BÁO CÁO XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU VẬT LIỆU HẠT NHÂN, VẬT LIỆU HẠT NHÂN NGUỒN VÀ BÁO CÁO ĐẶC BIỆT
Điều 11. Báo cáo đối với việc xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn
1. Tổ chức, cá nhân tiến hành xuất khẩu vật liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn, chậm nhất 30 ngày trước ngày dự kiến xuất khẩu lô hàng đầu tiên, phải gửi báo cáo lập theo Mẫu 01-IV/KSHN tại Phụ lục IV của Thông tư này kèm theo bản sao hợp đồng xuất khẩu đã được ký về Cục An toàn bức xạ và hạt nhân.
2. Tổ chức, cá nhân tiến hành nhập khẩu vật liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn, chậm nhất 15 ngày trước ngày dự kiến vật liệu đến Việt Nam, phải gửi báo cáo lập theo Mẫu 02-IV/KSHN tại Phụ lục IV của Thông tư này kèm theo bản sao hợp đồng nhập khẩu đã được ký về Cục An toàn bức xạ và hạt nhân.
3. Trường hợp có sự thay đổi trong thông tin xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn đã được báo cáo trước đây, tổ chức, cá nhân xuất khẩu, nhập khẩu phải báo cáo cho Cục An toàn bức xạ và hạt nhân bằng văn bản về các nội dung thay đổi trước ngày dự kiến xuất khẩu, nhập khẩu.
4. Trường hợp có yêu cầu của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, tổ chức, cá nhân xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn có trách nhiệm làm rõ hoặc bổ sung thông tin trong báo cáo đã nộp theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.
Điều 12. Báo cáo đặc biệt
1. Báo cáo đặc biệt là chế độ báo cáo mà tổ chức, cá nhân sử dụng, lưu giữ, xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn phải thực hiện trong các trường hợp bất thường sau:
a) Có sự cố hoặc tình huống dẫn đến tin rằng đã mất hoặc có thể đã mất vật liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn;
b) Có sự thay đổi bất thường đối với các biện pháp giám sát, ngăn chặn tiếp cận.
2. Báo cáo đặc biệt trong các trường hợp bất thường nêu tại khoản 1 Điều này được quy định như sau:
a) Khi phát hiện bất thường, phải báo cáo ngay cho Cục An toàn bức xạ và hạt nhân bằng điện thoại hoặc fax.
b) Trong thời hạn 05 ngày kể từ khi phát hiện bất thường, phải lập báo cáo bằng văn bản gửi về Cục An toàn bức xạ và hạt nhân.
Chương 5.
CÔNG NHẬN HẾT TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN QUY ĐỊNH VỀ KIỂM SOÁT HẠT NHÂN
Điều 13. Điều kiện được công nhận hết trách nhiệm thực hiện quy định về kiểm soát hạt nhân
Tổ chức, cá nhân sẽ được công nhận hết trách nhiệm thực hiện quy định về kiểm soát hạt nhân đối với vật liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn khi các vật liệu này đã được tiêu dùng hết hoặc đã được pha loãng đến mức không còn sử dụng được cho bất kỳ một hoạt động hạt nhân nào hoặc trên thực tế không thể thu hồi lại được.
Điều 14. Thủ tục công nhận hết trách nhiệm thực hiện quy định về kiểm soát hạt nhân
1. Tổ chức, cá nhân muốn được công nhận hết trách nhiệm thực hiện quy định về kiểm soát hạt nhân đối với vật liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn phải gửi hồ sơ đề nghị công nhận hết trách nhiệm thực hiện quy định về kiểm soát hạt nhân cho Cục An toàn bức xạ và hạt nhân.
2. Hồ sơ đề nghị công nhận hết trách nhiệm thực hiện quy định về kiểm soát hạt nhân bao gồm:
a) Đơn đề nghị công nhận hết trách nhiệm thực hiện quy định về kiểm soát hạt nhân theo Mẫu 01-V/KSHN tại Phụ lục V của Thông tư này.
b) Các tài liệu liên quan chứng minh cơ sở đã đáp ứng các điều kiện để được công nhận hết trách nhiệm thực hiện quy định về kiểm soát hạt nhân quy định tại Điều 13.
3. Trong vòng 60 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị công nhận hết trách nhiệm thực hiện quy định về kiểm soát hạt nhân, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân có trách nhiệm xác minh thông tin và cấp hoặc từ chối cấp giấy công nhận hết trách nhiệm thực hiện quy định về kiểm soát hạt nhân. Trường hợp từ chối cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Chương 6.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 15. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2011.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc có vấn đề mới phát sinh, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Khoa học và Công nghệ để xem xét sửa đổi, bổ sung./.
Nơi nhận: - Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo); - Các Phó Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo); - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP; - UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW; - Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp); - Công báo; - Lưu: VT, PC, ATBXHN. | KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Lê Đình Tiến |